Thông tin

“NGŨ MINH” VÀ VIỆC TU HỌC

 

HOÀNG VĂN LỄ

 

 

I. Ngũ minh là lời Phật dạy được các Tổ thấu hiểu, về sau được hệ thống hóa và diễn giải để áp dụng trong đời sống tăng đoàn, rồi mở rộng trong đời sống xã hội của người cư sĩ. Đây là phần nhân sinh thiết thực của đạo Phật góp phần hoàn chỉnh lối sống phúc đức của Phật tử từ quá khứ lâu xa, đến ngày nay; có ý nghĩa giáo dục rất thực tế vận dụng. Theo Tự điển Phật Quang: Ngũ minh là Thanh minh, Công xảo minh, Y phương minh, Nhân minh và Nội minh; trong đó Công xảo minh và Y phương minh rất gần với công tác an sinh xã hội hiện nay.

Sư Thích Chơn Thiện giải thích “ngũ minh” trong Tự điển Phật Quang: “Thanh minh, là khả năng thông thạo về ngôn ngữ, văn từ. Công xảo minh là khả năng thông thạo về nghề nghiệp, toán học, khoa học, văn chương, triết lý thuộc ngoại điển. Y phương minh là khả năng hiểu biết về y lý, thuốc men, trị bệnh. Nhân minh là khả năng thông thạo về chánh, tà, đúng, sai... là khả năng luận lý, lý giải. Nội minh là kiến thức thông rõ (gồm cả kinh nghiệm tu tập) ba tạng Kinh điển của Phật giáo”.

Và đây cũng là thực tế ở hầu hết các chùa Việt Nam hàng ngàn năm nay, tuy vậy không đầy đủ ở từng chùa, từng sư sãi và từng địa phương. Y phương minh là biểu hiện nổi bật nhất của Tịnh Độ Tông với kho thuốc Nam (Đông y) được các lương y truyền thừa nhiều thế hệ, rất nhiều sư sãi cả đời làm thuốc cứu người; các hệ phái khác tổ chức khám chữa bệnh giúp đời, nhưng phần lớn theo đợt cứu tế xã hội, chùa huy động các vị am tường y học (cả Đông và Tây y) vào cuộc cứu giúp người hoạn nạn. Cứu giúp người bệnh là nếp sống thực tế trong Tăng đoàn được Phật Thích Ca trực tiếp thực hiện và truyền thụ ý nghĩa cho chư tăng thời Ngài còn tại thế.

Công xảo minh, nói theo ngày nay là hoạt động nghề nghiệp, những nghề thông thường giúp ích cho cuộc sống người dân, các sư sãi học cách làm nông nghiệp của các “lão nông tri điền”, thực hành rồi truyền dạy cho mọi người khi cần. Đất nước ta là đất nước nông nghiệp, nền tảng của kinh tế xã hội, lại gặp nhiều thiên tai bất chợt, “sáng chống bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, nên kinh nghiệm gieo trồng, thu hoạch, dự trữ... hết sức quan trọng; kinh nghiệm tích lũy nơi các chùa nông thôn có nhiều thực tế phong phú. Các nghề thủ công nghiệp từ các vùng miền mà hình thành, như đan mây tre lá, mành trúc, chiếu cói, chế tác đồ mỹ thuật... nhưng quy mô thường nhỏ và vừa đủ đáp ứng nhu cầu địa phương. Các nghề chế biến thực phẩm từ sản phẩm nông nghiệp như tương, chao, bánh tráng... rất phổ biến, nhưng thường để dùng ở chùa và ít nhiều phục vụ nhu cầu xã hội.

Thanh minh, Nhân minh và Nội minh có ý nghĩa tu tập trong tăng đoàn và cư sĩ. Dạy và học trong chùa cũng là nếp sinh hoạt lâu đời, sư cả giảng dạy giáo lý (tức các kinh Phật) cho đệ tử, thuyết pháp cho các Phật tử, truyền thừa giáo lý Phật đà. Đây là việc hệ trọng của các sư trong chùa và ứng xử với dân cư xã hội. Khi vận động chấn hưng Phât giáo đầu thế kỷ XX, mặt yếu kém nổi bật khi tăng ni không am tường Phật pháp, thuộc vài bài kinh để cúng tế kiếm sống hơn là giáo pháp; đào tạo tăng tài trở thành phương châm chấn hưng Phật giáo; ngày nay tăng ni sinh ngày càng mở rộng quy mô, đa dạng, nhiều cấp học, kiến thức ngoại điển phong phú... dùng cả tuổi trẻ vào việc học hành nên tri thức của quý thầy uyên bác. Dạy và học ở chùa nên chăng là một thực thể trong công tác nhân sinh của đạo Phật?

 

 

II. NGŨ MINH PHẬT GIÁO VỚI VIỆC TU HỌC TẠI CHÙA

1. Lời dạy về ngũ minh rất sát thực, không chỉ yêu cầu giới tu sĩ phải tu học Phật pháp mà mở rộng học ngoại điển, học nghề để thí pháp hữu hiệu. Điều này được tăng sinh hết lòng thực hiện hiện nay, với tăng ni trẻ tuổi ham hiểu biết, dấn thân tu hành thì việc thu thập kiến thức xã hội làm giàu khả năng hành đạo của mình là rất hữu dụng. Giáo hội và các Ban Trị sự cần chủ động hướng dẫn tăng ni học thêm một vài chuyên môn sát với nơi trú trì. Y giáo luôn phù hợp với tất cả các chùa, kiến thức trồng trọt (nông lâm) rất cần thiết ở vùng nông thôn rộng lớn nước ta, trong đó trồng cây thuốc Nam kết hợp với phòng khám Đông y tại chùa đã và đang thực hiện nhiều nơi trên cả nước. Vấn đề đặt ra phải tổ chức chu đáo từ nhân sự đến phương tiện, có tính bền vững, được cấp phép hoạt động, chủ động và bền bỉ... thì việc từ thiện được các nhà hảo tâm chung sức sẽ đạt, và đạt bền vững hơn. Mô hình Phòng khám chùa Hà Tiên nói trên là thực tế, đặt chỉ tiêu cho các chùa cố gắng thực hiện mô hình tương tự, của ngành Y, Giáo dục, Nông lâm... thì vai trò Phật giáo trong thực hiện công tác an sinh xã hội vượt lên mức từ thiện ứng phó rất quan trọng hiện nay.

2. Đất nước ta đang trên đà phát triển toàn diện và hội nhập quốc tế tích cực; nguồn tăng ni ngày càng trí tuệ, nghị lực và đông đảo, nên ngoài việc tu hành theo nền tảng Phật pháp truyền thừa, cần hướng đến góp công sức vào xây dựng địa phương nơi trú trì. Việc xây dựng nhiều chùa, nhiều công trình nhập thế to lớn được nhiều tỉnh thành cho phép thực hiện, bộ mặt mới của Giáo hội ngày càng hoành tráng trên mọi miền đất nước; tuy vậy để tránh định hướng mỗi tu sĩ cố gắng xây một chùa (am) làm nơi tu hành cho mình thì không phải là hướng đi thích hợp; hướng đi vào nhân sinh, vào an sinh xã hội với khả năng thu hút nguồn năng lực thiện nguyện từ một cộng đồng trung lưu và giàu có là điều cần được định hướng tích cực.

Trong khi các hoạt động chuyên ngành của nhà nước và dân sự mở rộng với tốc độ cao, dù vậy cũng không thể bao trùm mọi khía cạnh đời sống xã hội. Trước đây Phật giáo miền Nam xây dựng hệ thống trường Bồ Đề dạy theo chương trình của ngành giáo dục, nay hệ thống này không được phép nên các trường lớp đều hiến tặng cho Nhà nước để thống nhất việc đào tạo. Chùa Khmer Nam bộ đã từng là nơi dạy học hiệu quả con em dân tộc, vừa tu học Phật vừa học kiến thức ngoại điển sơ cấp, học nghề nghiệp đơn giản hữu ích; nay việc học đã được ngành giáo dục thực hiện, chùa chú trọng việc dạy ngôn ngữ, văn hóa để giữ gìn truyền thống dân tộc mình. Nhiều chùa mở lớp dạy chữ Hán Nôm, lấy kinh Phật chữ Hán làm nội dung phân tích hướng dẫn, lớp được nhiều cư sĩ có tuổi theo học, tăng ni sinh theo học nghiêm túc... Các cách dạy và học này chưa thật chính quy, quy mô nhỏ mang tính tự nguyện, tự phát, lúc có lúc không nên hiệu quả không nổi bậc.

Nên chăng cho phép các chùa mở các lớp thích hợp: Dạy xóa mù chữ và bổ túc văn hóa nhất là ở các vùng sâu, vùng xa còn nhiều người thất học. Mở lớp dạy chữ Hán Nôm, một ngành học chính quy đang thiếu sinh viên theo học, trong khi ở các nơi, các chùa đều có tăng ni ít nhiều biết chữ cổ này và có thể mời các “cụ đồ” địa phương làm thầy. Tăng ni các chùa nông thôn rộng lớn cần được học và thực hành việc trồng trọt, vừa để chăm sóc vườn, tạo tùng lâm thanh tịnh, vừa hướng dẫn dân làng việc trồng cây, gây rừng, giữ rừng rất hữu ích. Lớp dạy kiến thức y học cổ truyền, kết hợp khuyến khích trồng cây thuốc Nam, dạy cho thiếu niên Gia đình Phật tử, cho thanh niên chưa nghề nghiệp ở quê nhà... Các chuyên đề văn hóa dân tộc như truyền thống uống nước nhớ nguồn, chữ hiếu trong văn hóa gia đình, gia phả học, thuật ứng xử xưa nay… có thể thành các buổi sinh hoạt trong đạo tràng hoặc lớp chuyên để thực hành (như dựng gia phả chẳng hạn). Nên chọn việc các hệ thống chuyên nghề mà xã hội đang khó làm, khó thu hút nhân sự làm mục tiêu nhân sinh của chùa, có như vậy chùa Việt Nam luôn đứng vững trong lòng dân tộc một cách tích cực.

Việc chọn người làm thầy các chuyên đề là vấn đề rất thực tế; thường là tính tự nguyện của các sư ni và các cư sĩ, coi đây là bố thí pháp (giáo pháp, các điều hay, lẽ phải) là một trong hai cách bố thí cùng với tài vật (tiền bạc, thức ăn, vật dụng). Trong 2 loại nầy, bố thí pháp là cao quý và có nhiều lợi lạc hơn, như Phật đã dạy trong Kinh Pháp cú (354) ("Bố thí Pháp là cao thượng hơn tất cả các pháp bố thí khác"). Cũng có thể thu lệ phí nơi người học để làm quà tượng trương cho người dạy, mức thấp có lẽ ai cũng vui lòng. Trong chúng cư sĩ không thiếu các thầy dạy tự nguyện. Vấn đề là các chùa có dày công vận động, tổ chức các lớp học ngoại điển hay không mà thôi.

3. Việc từ thiện với nhiều sáng kiến thực tế mang lại kết quả thiết thực cần phát động các chùa, tu sĩ và cư sĩ thực hiện. Thiết thực bao gồm sự cứu giúp đúng lúc thích hợp: bữa cơm bệnh viện được người nghèo hưởng ứng, song nếu nặng tín ngưỡng như chỉ cơm chay với các món ăn ít dưỡng chất thì người nhận chỉ lấy cơm rồi mua thức ăn, thậm chí cơm cấp phát mà người không nhận vì đời sống của họ đã trung lưu hóa rồi; cần nghiên cứu để cơm từ thiện hiệu quả và có ý nghĩa nhất. Sinh viên nhà nghèo trang trải cho việc học đã là gánh nặng cho gia đình nên bữa ăn hàng ngày thường đạm bạc, ít năng lượng không đáp ứng được sức đang lớn và dồn sức cho học hành, bữa ăn có trợ giá có ý nghĩa cưu mang rất lớn; do đó ở các quán ăn này (2 ngàn đồng/bữa) sinh viên và người lao động nghèo chiếm đa số, lòng tri ơn rất rõ. Các chùa có nguồn tài trợ, trích nguồn cúng dường của Phật tử tổ chức cưu mang số sinh viên tích cực bữa ăn hàng ngày, số lượng chọn lựa hoặc tùy nhu cầu, làm thành nếp rất hay. Từ thiện có tổ chức hay từ thiện với người hoạn nạn bất chợt, với người yếu thế nên linh hoạt; do đó có bộ phận chuyên lo đảm nhận để không bỏ sót lòng từ của mọi người, có dự trữ để kịp thời ứng cứu các hoạn nạn bất chợt... lòng từ bi sẽ được Phật tử ủng hộ và duy trì.

Phật giáo với lời dạy về ngũ minh của Phật và các tổ sư có ý nghĩa thực tiễn sinh động. Đó là nguồn lực tâm linh và tinh thần để Giáo hội cùng các ngành chuyên môn tổ chức thực hiện hướng công tác an sinh xã hội quy cũ và bền vững hơn, là con đường vinh danh đạo từ bi của Phật giáo.

Xuân Canh Tý 2020

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 18
    • Số lượt truy cập : 6115365