Thông tin

NGƯỜI DÀNH CẢ CUỘC ĐỜI ƯU TƯ

CHO SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO TĂNG TÀI

 

THÍCH NỮ NHUẬN BÌNH

 

Hòa thượng Khánh Hòa như một vì sao sáng trên bầu trời Phật giáo Việt Nam. Ngài là cánh chim đầu đàn, tiên phong trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo tăng tài, làm xương minh Phật giáo.

Thế cuộc đổi thay, thịnh suy lên xuống, đó là bản chất của cuộc đời mà đạo Phật nói gọn trong hai chữ “vô thường”. Đã ở trong kiếp hồng trần, mấy khi thoát được cái vòng luẩn quẩn; lên xuống, thịnh suy. Phật giáo Việt Nam cũng vậy, cũng đã có những lúc phát triển cực thịnh đến nỗi đâu đâu cũng nghe đến Phật giáo, đi đâu cũng nghe niệm tiếng “Nam mô”, đó phải kể đến hai triều đại Lý, Trần. Nhưng thời vàng son ấy của Phật giáo rồi cũng nhanh chóng qua đi, cái còn lại là sự suy đồi báo động. Phật giáo đã có những lúc mất dần trong lòng quần chúng. Người ta không còn xem hàng Tăng bảo là bậc đáng kính ngưỡng. Đứng bên bờ vực diệt vong như thế, chư tăng và quý vị cư sĩ Phật tử có lòng nhiệt huyết với đạo, đã đứng lên phát động phong trào chấn hưng Phật giáo. Thế nhưng, cái cốt lõi cho việc chấn hưng ấy là gì để bảo tồn giá trị cho Phật giáo Việt Nam, cho hàng Tăng bảo sống đúng với hạnh nguyện xuất thế của mình?

Đạo pháp xương minh do tăng già hoằng hóa

Thiền môn hưng thịnh nhờ tứ chúng đồng tu

Dĩ nhiên, cái trọng tâm cho việc “Chấn hưng Phật giáo là cốt nhất tu luyện lấy một hạng sa môn cho có học thức, cho làu thông kinh sách, nghĩa là tập lấy một nhà “đạo viên” như các seminaires bên Gia giáo1. Muốn được như trên, không gì khác hơn là phải mở trường Phật học, đào tạo tăng tài, để thanh lọc giới thể cho chư tăng, tìm người kế thừa nối thịnh giống Phật. Chỉ có như vậy, Phật giáo mới mong tìm lại vị trí đứng trong lòng dân tộc. Đây cũng chính là lý do mà thiền sư Khánh Hòa đã dành cả cuộc đời, ưu tư cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo tăng tài, chấn hưng Phật giáo.

Vào khoảng thời gian tiền bán thế kỷ XX, Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Nam kỳ nói riêng đang đi vào thế khủng hoảng, suy đồi trầm trọng. Một mặt vì không được sự ủng hộ nhiệt thành từ các vị vua dưới hai thời Lê - Nguyễn. Vua chúa, quan lại hai thời này đa phần thờ ơ với đạo Phật. Ngược lại, sự xuất hiện của Nho giáo được trọng dụng và trở thành vị trí độc tôn. Mặt khác, khi đến triều Nguyễn thống nhất đất nước, thế cuộc lại một lần nữa đổi thay: “Người Pháp bắt đầu đặt nền đô hộ lên Việt Nam thì Phật giáo lại càng ở một thế kém hơn, tàn lụi nhanh hơn. Cơ Đốc giáo - La Mã, được sự trợ giúp của chính phủ bảo hộ Pháp đã lấn át Phật giáo cả về phương diện chính trị, xã hội lẫn văn hóa, và nhất là giáo dục quần chúng. Năm 1915, khi người Pháp bãi bỏ chế độ giáo dục và thi cử dựa trên Hán - Nôm, nền tảng của Nho - Lão - Phật được thay thế bằng chữ quốc ngữ và Pháp văn, thì Phật giáo đã bị một đòn chí tử. Phật giáo không còn chỗ dựa nào để đóng vai trò chủ đạo về tâm linh cũng như đạo đức lớp hậu thế như trước nữa. Lớp trí thức lãnh đạo mới xuất thân từ các trường Thông ngôn, trường Hậu bố, các trường Lyceles, và các trường nhà dòng, choáng váng trước văn minh đại Pháp, đã chỉ trích và bỏ rơi Phật giáo cũng như Nho giáo mà chạy theo Tây học. Cái dây nhau nối liền thế hệ cũ (Nho - Lão - Phật) với thế hệ mới đã bị cắt đứt, cả một truyền thống dân tộc, trong đó có vai trò quan trọng của Phật giáo đã bị vùi vào quên lãng2. Đạo Phật bị lãng quên và tự thân trôi nổi, mặc cho những ngu tăng lợi dụng cửa chùa để vơ vét, vỗ béo lòng tham bằng sự mị dân cuồng tín. Dường như, cái đạo lý cao cả nơi cửa thiền không còn ai hứng thú truy cầu nữa.

Chính vì những lý do trên mà “Phật pháp suy đồi, tăng đồ trụy lạc, chốn tòng lâm ngày nay không có cổ phong trật tự, không nhất thống3. Chùa không còn là nơi tu tập của chư tăng, không còn là nơi nương tựa tâm linh cho hàng Phật tử thiện tín. Tăng đồ mượn đạo cầu danh, học phép thuật, đào luyện bùa chú, lợi dụng sự mê tín của nhân dân để vơ vét của cải, tiền bạc. Đến nỗi cư sĩ Khánh Vân phải đau đớn thốt lên trong bài viết “Phật giáo nước ta vì đâu phải chịu cái hiện trạng suy đồi”, trong đó có đoạn: “Có kẻ mượn Phật làm danh, cũng ngày đêm hai buổi công phu, thọ trì, sóc vọng, cũng sám hối như ai,… lại thủ dị cầu kỳ, học thêm bùa ngải, luyện roi thần, làm bạn với thiên linh cái, khi ông lên, lúc bà xuống, ngáp ngắn ngáp dài, thư phù niệm chú, gọi là cứu nhân độ thế, lợi dụng lòng mê muội của chư thiện tín, mở rộng túi tham quơ quét cho sạch sành sanh… Cái hiện trạng như thế bảo sao Phật giáo chẳng suy đồi4. Nếu là người hảo tâm xuất gia, chân chính tu hành, một lòng muốn nối thịnh giống Phật, mấy ai không khỏi chạnh lòng khi nhìn thấy cảnh tượng suy tàn của Phật giáo.

Ở mỗi người con Phật, khi đã quyết tâm từ bỏ mọi vinh hoa phú quý của thế gian, tự nguyện chọn cho mình cuộc hành trình đi ngược dòng sanh tử, “Một bát cơm ngàn nhà, thân chơi muôn dặm xa, mắt xanh xem trần thế, mây trắng hỏi đường qua5 (Như Hạnh dịch). Chọn con đường xuất thế là xuất phát từ ý chí thiêng liêng: “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh”. Với tâm nguyện cao cả: “Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long Thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu6. Nhưng nếu không may sinh nhằm thời chứng kiến cảnh Phật giáo suy vi, đứng bên bờ vực chờ ngày tàn lụi, thiền sư Khánh Hòa không khỏi xót dạ, đau đớn. Thương cho đạo giải thoát ngày một bị lãng quên, ngậm ngùi cho cảnh Phật giáo đồ ngày một tự đánh mất mình trong lòng quần chúng. Là một tăng sĩ yêu đạo đương thời, mỗi ngày chứng kiến cảnh suy đồi của Phật giáo, Hòa thượng đã ngày đêm, suy nghĩ, đắn đo. Cuối cùng, ngài đã nhận ra rằng: “Phật pháp suy đồi do tăng đồ thất học7.

Hòa thượng cũng đã ưu tư rất nhiều khi chứng kiến ở Nam Bộ bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, nhiều tôn giáo mới xuất hiện và thu hút sự tham dự nhiệt tình của đại đa số quần chúng nhân dân như: Bửu Sơn Kỳ Hương do ông Đoàn Minh Huynh sáng lập năm 1849, Từ Ân Hiếu Nghĩa do ông Ngô Lợi thành lập năm 1867, Hội Tịnh Độ Cư sĩ Việt Nam do ông Nguyễn Văn Đồng lập, Đạo Cao Đài do các ông Lê Minh Chiêu, Lê Văn Trung… sáng lập, Đạo Tin Lành và Đạo Minh Sư cùng nhóm Ngũ Chi Minh Đạo mở rộng, ảnh hưởng rất lớn đến tín đồ khắp nơi. Như vậy, sự xuất hiện đồng loạt các tôn giáo nói trên vô tình trở thành thách thức lớn đối với Phật giáo đương thời. Nếu muốn tiếp tục tồn tại và phát triển sâu rộng, Phật giáo bắt buộc phải thực hiện cuộc cách mạng, thay đổi cục diện một cách ngoạn mục từ đường hướng hoạt động, mục tiêu phát triển, phải làm sao để thích ứng với nhu cầu của quần chúng và phải phù hợp với thời cuộc, thì may ra đạo Phật Việt Nam mới không bị lu mờ hay đồng hóa giữa đa tôn giáo có mặt lúc bấy giờ. Do đó, muốn chấn hưng Phật giáo, trước tiên, Hòa thượng Khánh Hòa và chư tăng đồng chí hướng lúc bấy giờ phải thực hiện cho được ba việc, đó là: “chỉnh đốn tăng già, kiến lập Phật học đường và diễn dịch, xuất bản kinh sách Việt ngữ8.

Việc chấn hưng Phật giáo không chỉ đến thời Hòa thượng Khánh Hòa mới thực hiện, mà ngay khi Đức Phật còn tại thế, công cuộc chấn hưng đã được tìm thấy rải rác trong kinh tạng Nikaya như sau: “Hãy dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, hãy đem đèn sáng vào nơi bóng tối cho những ai có mắt có thể thấy. Cũng vậy, giáo pháp đã được đức Thế Tôn khéo thuyết giảng sơ thiện, trung thiện và hậu thiện9. Như vậy, muốn đi theo đường lối của Đức Phật trong việc xiển dương giáo lý đạo Phật đến với đại đa số quần chúng nhân dân, thì việc trước tiên cần phải có đường hướng rõ ràng, kế hoạch bài bản, lâu dài thì mới mong dựng lại những gì đã bị lãng quên hay lụi tàn trước đó.

Là cánh chim đầu đàn, luôn tiên phong cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo tăng tài tại miền Nam vì mục đích chấn hưng Phật giáo. Năm 1923, nhân lễ giỗ tổ tại chùa Long Hòa, tỉnh Trà Vinh, Hòa thượng Khánh Hòa đã vận động chư tôn thiền đức khắp các miền từ Tiền Giang đến Hậu Giang về dự lễ giỗ tổ, và nhân đó họp bàn việc chấn hưng Phật giáo. Tuy nhiên, ngọn lửa chấn hưng lúc đó chỉ mới được bắt đầu. Đến năm 1926, cư sĩ Huỳnh Thái Cửu mượn cớ thỉnh chư tăng đến tư gia tổ chức đại lễ cầu siêu cho cha mẹ sau mùa an cư. Trong bài tác bạch cúng dường của mình, ông tha thiết cầu xin chư tăng đồng lòng đứng lên chấn hưng Phật giáo, mạnh dạn lập hội chỉnh đốn tăng già, đưa Phật pháp ra khỏi cửa thiền môn. Tiếp nhận lời thỉnh cầu đó, Hòa thượng Khánh Hòa, người có công đầu tiên trong việc tiên phong làm những cuộc cách mạng chấn hưng Phật giáo, đã bàn với Hòa thượng Long Hòa ở Trà Vinh, đề xuất chương trình chấn hưng bao gồm bốn điểm.

a. Lập hội Phật giáo

b. Thỉnh ba tạng kinh điển dịch ra chữ quốc ngữ

c. Lập trường Phật học đào tạo tăng tài

d. Xuất bản tạp chí phổ biến giáo lý, kêu gọi tăng đồ thức tỉnh, chấn hưng quy củ thiền môn.

Như vậy, đối với Hòa thượng Khánh Hòa, trọng tâm của việc chấn hưng Phật giáo không ngoài đẩy mạnh giáo dục Phật giáo bằng cách: đào tạo tăng tài, lập Phật học đường, mở các lớp phiên dịch, giảng giải, chú thích, trước tác, biên soạn, khảo cứu và xuất bản kinh sách chữ Việt. Bởi Hòa thượng rất đau lòng khi nhìn thấy Phật giáo từ thực tế, “đến nỗi cả toàn quốc không có một trường học Phật10.

Xuất phát từ những ưu tư vì tiền đồ của đạo Pháp, Hòa thượng Khánh Hòa đã viết trong tờ “Pháp âm” như sau: “Đạo Phật ở Nam kỳ ta hiện thời, trong thì tăng đồ thất học, làm sai pháp luật, ngoài thì tín đồ không hiểu đạo, mê tín dị đoan, bây giờ mình hiệp nhau lập thư viện, thỉnh Tam Tạng kinh, một mặt thì lo nghiên cứu và phiên dịch để xuất bản, hoặc tòng thơ, hoặc tạp chí để lưu thông trong thiên hạ, khiến mọi người thông hiểu được cái đạo lý của đạo, mới mong trự tuyệt những điều mê tín kia. Một mặt thì ra sức giáo hóa cho tăng đồ có tư cách, phòng gánh vác Phật sự sau này, có học mới biết đường mà tu, không thì họ cứ mượn chùa ra làm nhà riêng của mình, kẻ trước vậy, kẻ sau vậy, chắc đạo Phật phải tiêu ma, nên tính phải lập trường học để đào tạo nhân tài, ấy là cái trọng trách của người xuất gia vậy11.

Cùng với những ưu tư trên, Hòa thượng tiếp tục nhấn mạnh: “Nếu đạo Phật mà muốn có đủ nhân tài để trước kinh, hoặc dịch luận, mà ngăn đỡ cái chánh đạo ở đời mạt pháp này, tưởng ngoài trường học ra thì không tìm đâu được. Vã lại các ông sư mà không hiểu lịch sử Đức Phật, không biết pháp luật Phật, cũng bởi cái hại không có trường học mà ra, nên tôi tưởng lo lập Phật học đường là cái cấp vụ của đạo Phật vậy”12. Như vậy, muốn thay đổi diện mạo đang ảm đạm và lu mờ của Phật giáo, không có gì khác hơn ngoài việc đẩy mạnh công tác giáo dục Phật giáo, giúp tăng ni có đủ trí tuệ, năng lực để giáo hóa, làm xương minh Phật pháp. Đức Tăng thống Thích Tịnh Khiết từng nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục rằng: “Đào tạo tăng tài là trước hết các Phật sự13.

Thật ra, đạo Phật lúc bấy giờ không hẳn đã suy tàn tuyệt đối, không hẳn đã tiêu vong, vì đạo Phật đã cắm sâu gốc rễ với người dân Việt cả ngàn năm trước. Do đó, công việc của chư tăng chính là phải chấn hưng Phật giáo.

Trong tạp chí Pháp âm số 1, bài “Tự Trần” Hòa thượng đã viết: “Muốn truyền bá tư tưởng thì các nhà học Phật nên hiệp tác với nhau, chung cùng tư phủ cắt nhà tư xã, thỉnh 3 tạng kinh đồng tâm nghiên cứu, rồi diễn dịch ra chữ Quốc ngữ, phổ thông trong thiên hạ khiến cho mỗi người xem đọc đều hiểu được pháp luật nhà đạo, ai làm trái thì chừa, ai làm phải thì theo… còn một bên thì lập trường Phật học, cho học sinh tân nghiệp luôn luôn. Học cho thông ngũ giáo tam thừa, rồi ra trách nhiệm trụ trì, cho kiêm toàn phước huệ, hầu xiển dương diệu pháp, thì mới trông mong tăng giới được tinh tấn14. Nắm rõ đường hướng hoạt động, nhu cầu cần thiết của nhân dân, Hòa thượng và những vị cùng chí hướng bắt đầu thực hiện các công tác trùng hưng Phật giáo không ngoài bốn yếu tố đã nêu. Và công cuộc chấn hưng ở Nam kỳ gắn liền với sự nghiệp hoằng pháp của Hòa thượng Khánh Hòa. Ngài là người tiên phong trong việc hình thành các tổ chức Phật giáo, mà đỉnh cao là thành lập hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học (1931) tại chùa Linh Sơn. Hội này cung thỉnh Hòa thượng Từ Phong làm Hội trưởng và ra mắt tạp chí “Từ Bi Âm” (1932). Từ bi âm của hội đã chuyển tải và phổ biến giáo lý Đức Phật đến quảng đại quần chúng.

Với hoài bão mong muốn đào tạo tăng tài, kế vãng khai lai, Hòa thượng Khánh Hòa cùng với các vị pháp hữu như Hòa thượng Huệ Quang và Hòa thượng Khánh Anh,... lập ra Liên Đoàn Phật Học Xã và lập hội Lưỡng Xuyên Phật học tại Trà Vinh, lập Ni trường ở chùa Vĩnh Bửu dành cho chư ni tại Bến Tre. Hội Lưỡng Xuyên Phật học ra đời (12/9/1935) với mục đích: “Tùy theo trình độ tiến hóa của nhân loại mà cải cách cho phù hợp với thời kỳ Phật pháp xương minh, cốt để giáo hóa nhân tâm. Phò trì mạt vận cho đặng “đạo tùy cơ cảm, giáo dĩ thi hưng, đào tạo cho một ngày kia có người thành tài, đạt đức”, nhơn thiệt nhĩ mục, Phật pháp đống lương, để làm sư bảo trong Phật giáo15.

Tâm nguyện muốn nối thịnh giống Phật, muốn chấn hưng đạo Phật là thế, nhưng Hòa thượng Khánh Hòa lại gặp không ít những trở ngại, khó khăn, nghịch duyên trong quá trình vận động và thực hiện tâm nguyện phát triển giáo dục, đào tạo tăng tài, chấn hưng Phật giáo. Khó khăn đến với ngài từ nhiều phía như: Kinh tế thiếu hụt, chưa tạo được tính nhất quán và đoàn kết giữa các thành viên của hội, chính quyền không ủng hộ,… Tuy nhiên, vượt qua tất cả những trở ngại, nghịch duyên ấy, Hòa thượng Khánh Hòa vẫn kiên nhẫn, bền chí thành lập hết hội này đến tạp chí kia bằng nhiều địa điểm khác nhau, nhưng hoài bão phát triển giáo dục, đào tạo tăng tài, chấn hưng Phật giáo vẫn là mục tiêu cuối cùng ngài muốn hướng đến. Để rồi sau những năm tháng miệt mài dấn thân phụng sự, ngọn lửa mà Hòa thượng cố công thắp sáng ấy cuối cùng đã làm rạng danh Phật giáo Việt Nam với các tên tuổi do thế hệ ngài đào tạo như: Hòa thượng Thích Thiện Hòa, Thích Hiển Không, Thích Thiện Hoa, Thích Huyền Quang, Thích Bửu Ngọc, Thích Chí Thiện, Thích Hành Trụ, Thích Quảng Liên,…

Về phía chư ni, năm 1939, ngài đã thành lập Ni trường Vĩnh Bửu, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, để chư ni có nơi tu học, nhằm cùng chư tăng gánh vác trọng trách “hành Như Lai sứ, tác Như Lai sự”. Ni trường này đã quy tụ nhiều bậc ni lưu xuất chúng như: Sư bà Như Huệ, Từ Nguyên, Hải Huệ, Phổ Đức, Giác Nhẫn, Diệu Minh, Diệu Bổn, Diệu Phúc, Diệu Hạnh,… Tất cả chư vị tăng và ni dưới thời Hòa thượng Khánh Hòa đào tạo đều trở thành những bậc xuất chúng, là tòng lâm thạch trụ cho Phật giáo sau này. Hòa thượng Thích Thiện Minh từng viết: “Tăng bảo là hiện thân cụ thể cho tinh thần vô thượng của đạo Phật. Tăng bảo còn, Phật giáo còn, tăng bảo bị suy đốn thì Phật giáo bại vong! Đó là một sự hiển nhiên mà lịch sử đã chứng minh một cách rõ ràng. Vì vậy, nơi nào có những hàng tăng bảo có thực tài, thực đức thì nơi ấy Phật giáo được tồn tại một cách xứng đáng với danh nghĩa của nó16. Lời nhận định trên ứng với những gì mà Hòa thượng Khánh Hòa đã trăn trở và thực hiện. Chư vị ấy sau này đã trở thành rường cột của Phật giáo, đem Phật pháp phổ độ khắp đó đây, không cô phụ tấm lòng Hòa thượng dày công lo nghĩ.

Đúng 70 năm tồn tại giữa cuộc đời, Hòa thượng Khánh Hòa như một vì sao sáng trên bầu trời Phật giáo Việt Nam. Ngài là cánh chim đầu đàn, tiên phong trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo tăng tài, làm xương minh Phật giáo. Tuy con đường của ngài bước đi không mấy thuận lợi, không mấy suôn sẻ và có phần lận đận, cũng chưa gặt hái được những thành công vang dội như ngày nay, nhưng tất cả thế hệ hậu bối đều niệm ân ngài vì nhờ những định hướng ban đầu và sơ khai ấy, Phật giáo miền Nam nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung mới có đủ kinh nghiệm, đủ điều kiện để làm tốt hơn nữa, kế thừa một cách trọn vẹn hơn nữa những kế hoạch mà ngài dành cả cuộc đời ưu tư, thao thức.

Cho đến những ngày cuối đời, tâm nguyện của ngài được thể hiện rõ qua bản di chúc: “Phật giáo đang hồi suy vi, nước nhà đang lâm vào cảnh loạn ly, mà tôi không làm được việc gì, nên sau khi tịch rồi, chỉ tẩn liệm tôi với bộ y hậu vải thường, không nên dùng gấm lụa, đừng làm long vị sơn son thiếp vàng, vì cần phải tiết kiệm để bố thí cho người nghèo. Còn ngôi chùa tôi khai sáng thì phải giao cho thầy Tỳ kheo đủ tài đức, giới hạnh tinh nghiêm, trụ trì kế nghiệp. Bao nhiêu tài sản của chùa, phải đem ra nuôi chúng tăng tu học, không được dành làm của riêng. Đệ tử nào không y theo lời di chúc, thì không phải là môn đồ của Phật giáo17.

Ở thế kỷ XXI, Phật giáo đã thật sự phát triển và hội nhập cả trong lẫn ngoài nước. Tất cả nền tảng đó cũng dựa trên định hướng cũ từ những bậc đi trước. Đây chính là công lao to lớn mà Hòa thượng Khánh Hòa, chư vị tăng ni và cư sĩ tiền bối có lòng nhiệt huyết với đạo đã dày công gầy dựng. Đến bây giờ, Phật giáo đã không còn phân ranh giữa ba miền Nam, Trung, Bắc, tất cả thống nhất về một mối tổng hòa Phật giáo Việt Nam. Việc còn lại của hàng tăng ni trẻ là phải biết làm gì để có được hành động đúng, làm xương minh Phật pháp. Phải biết sáng tạo, tìm hướng đi mới, đột phá hơn nữa trong việc hoằng pháp lợi sanh. Dĩ nhiên, phải giữ được linh hồn và bản chất của đạo Phật “hòa nhập nhưng không hòa tan”, “phải ý thức trách nhiệm và bổn phận của mình, hăng hái tiếp nối và duy trì sự nghiệp của các bậc tiền bối” để lại.

Con xin nguyện làm viên gạch nhỏ

Đắp xây nền đạo pháp thế gian

Cố phát huy truyền thống đạo vàng

Tô điểm trần gian này thêm đẹp18.

 


1. Nguyễn Đại Đồng - PhD. Nguyễn Thị Minh (Sưu tầm và Biên soạn), Phong trào chấn hưng Phật giáo, bài Phong trào chần hưng Phật giáo, TA số 135, ngày 26.6.1936, NXB Tôn Giáo, TP.HCM, 2008, tr. 415.

2. Đào Viên – Tản mạn về những thăng trầm của Phật giáo. Giaodiem.online.

3. Thiện Quả (1936), “Luận về vấn đề chấn hưng Phật học ở nước ta”, Duy tâm Phật học, số 5, tr. 285.

4. Khánh Vân (1937), “Phật giáo ở nước ta vì đâu phải chịu cái hiện trạng suy đồi”, Duy tâm Phật học, số 18, tr. 304.

5. “Nhứt bát thiên gia phạn, cô thân vạn lý du, kỳ vị sanh tử sự, thuyết pháp độ xuân thu”.

6. Tỳ kheo Thích Trí Khải (2014), Luật Sa Di - Sa Di Ni, Quy Sơn Cảnh Sách Văn, Nxb. Tôn giáo, tr.169. Dịch nghĩa: “Phàm người xuất gia là đã cất bước đến phương trời cao rộng, tâm hình khác hẳn thế gian. Nối truyền hưng thạnh giồng Thánh, hàng phục các chúng quân ma, trên nhằm đền trả bốn ân, dưới nguyện cứu giúp ba cõi” (TK. Thích Trí Khải, sđd,. tr.178).

7. Tạp chí Pháp âm (1929), “Tự trần”, tr. 18.

8. Chùa Phước Hậu (1968), Tháp Đa Bảo và tiểu sử 5 vị tổ, chùa Phước Hậu, Trà Ôn, Vĩnh Long ấn hành, tr. 28.

9. Kinh Trường Bộ 1 (1991), Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch), Kinh Sa-Môn Quả, Viện Nghiên Cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr. 156

10. Thích Thiện Hoa (1970), 50 năm chấn hưng Phật giáo Việt Nam, tập 1, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất và Viện Hóa đạo xuất bản, Sài Gòn, tr. 26.

11. Khánh Hòa (1929), “Hành trình Nhật kí đi cổ động cuộc sáng lập Tòng lâm Phật giáo hội”, Pháp âm, số 1, tr. 43.

12. Khánh Hòa (1929), “Hành trình Nhật kí đi cổ động cuộc sáng lập Tòng lâm Phật giáo hội”, Pháp âm, số 1, tr. 45.

13. Thích Tịnh Khiết (1956), Thành tích Phật học đường Tổng hội Việt Nam Phật học tại Nha Trang, Phật học đường Tổng hội phát hành, tr. 5.

14. Khánh Hòa (1929), “Tự Trần”, Pháp âm, số 1, tr. 17-18.

15. “Kết quả cuộc thi chọn sĩ tử và lễ khai trương Thích học đường của Hội Lưỡng Xuyên Phật học” (1935), Duy tâm Phật học, số 2, tr. 86.

16. Thích Thiện Minh (1956), Lời giới thiệu thành tích Phật học đường Tổng hội Việt Nam Phật học tại Nha Trang, Phật học đường Tổng hội phát hành, tr. 3.

17. Thích Quảng Minh (1952), “Tiểu sử sư cụ Khánh Hòa”, Từ Quang Phật học, số 14, tr. 42.

18. Sa môn. Thích Thiện Hoa, 50 năm (1920 – 1970), Chấn hưng Phật giáo Việt Nam hay là “Ghi ơn tiền bối”, 1970, tr. 10.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 93
    • Số lượt truy cập : 6952480