NGƯỜI HÀN QUỐC NÓI HỌ LÀM RA CHỮ HÁN?
NGUYỄN HẢI HOÀNH
Một trang Hiến pháp Hàn Quốc, có quá nhiều chữ Hán xen lẫn chữ Hangul
Tin của truyền thông chính thống Trung Quốc
Ngày 3/2/2008, trang mạng Trung Quốc (TQ) “tv.sohu.com” đăng bài “Giáo sư Hàn Quốc (HQ) tuyên bố chữ Hán là do người HQ phát minh”.
Bài báo cho biết: Chẳng những tranh giành quyền sáng chế chữ Hán mà mấy hôm nay người HQ triển khai một loạt hành động tranh giành thành tựu văn hóa của TQ, như họ báo cáo Liên Hợp Quốc rằng “Kỹ thuật in chữ rời” là do HQ phát minh, Tết Đoan Ngọ là di sản văn hóa của HQ; Khổng Tử, người đẹp Tây Thi, thầy thuốc Lý Thời Chân… là người HQ, Y học cổ Trung Hoa (Trung Y) cũng do người HQ phát minh. Bài báo viết: Tờ “Nhật báo Triều Tiên” của HQ số ra ngày 10/10/2006 đưa tin ông Phác Chính Tú, Giáo sư lịch sử Đại học Seoul nói sau 10 năm nghiên cứu khảo chứng, ông nhận định dân tộc Triều Tiên đầu tiên phát minh ra chữ Hán; về sau khi người Triều Tiên di cư đến Trung Nguyên, họ mang theo chữ Hán vào TQ.
“Thời báo Hoàn cầu” của TQ số ra ngày 21/4/2011 đăng bài “Học giả Hàn Quốc tuyên bố: Tổ tiên họ phát minh ra chữ Hán”. Bài báo cho biết: ông Trần Thái Hạ 73 tuổi, nhà ngôn ngữ học số một HQ, GS Đại học Nhân Tế HQ mới đây đăng bài trên truyền thông nước này, nói “Chữ Hán không phải là văn tự TQ mà là do tộc Đông Di tổ tiên chúng ta sáng tạo ra, là văn tự của chúng ta. Giới học giả TQ cũng thừa nhận sự thực lịch sử này, chỉ có HQ chưa biết.” Đông Di là tên mà các vương triều TQ ở Trung nguyên thời Tiên Tần gọi chung các bộ lạc sống ở miền đông vùng Trung nguyên, trong đó gồm cả người trên bán đảo Triều Tiên. Phát biểu của GS Hạ đã gây ra tranh luận sôi nổi.
Theo Thời báo Hoàn cầu, mạng Newdaily HQ ngày 17/4/2011 đăng một bài dài dẫn lời GS Hạ nói: Tên gọi “chữ Hán” đâu phải vì đó là chữ viết do tộc Hán TQ sáng tạo; thời nhà Hán cũng chưa có tên gọi “chữ Hán”. Thứ chữ này là do tộc Đông Di của người HQ phát triển trên cơ sở chữ viết trên mai rùa. GS Hạ còn nói: Các nhà văn-sử học TQ như Lâm Ngữ Đường [1895-1976], Vương Ngọc Triết đều đã nghiên cứu khảo chứng nguồn gốc chữ Hán, cho rằng đó là di sản văn hóa của tộc Đông Di; chữ viết của TQ là do người tộc Đông Di sáng tạo, Khổng Tử cũng là hậu duệ của nước Ân thuộc dân tộc Đông Di.
GS Hạ kể chuyện: Bộ trưởng Văn hóa Giáo dục đầu tiên của HQ là ông An Hạo Tương từng than phiền với Lâm Ngữ Đường là chữ Hán đã đem lại cho HQ nhiều vấn đề rắc rối, nhưng ông Đường đáp: “Ngài nói gì lạ thế? chữ Hán là do tộc Đông Di các ngài làm ra, lẽ nào các ngài không biết sao?”
GS Hạ tuyên bố: Người HQ “coi chữ Hán là ngoại ngữ -- cách làm đó là hành vi tự gây hại cho chính mình”, “chữ Hán cùng với chữ Hangul có tính khoa học nhất, là đôi cánh của Hàn ngữ; duy nhất chỉ HQ là quốc gia có kết cấu ngôn ngữ lý tưởng như vậy”.
Năm 1998 GS Trần Thái Hạ thành lập “Tổng hội liên hợp xúc tiến giáo dục chữ Hán toàn quốc”, ra sức đẩy mạnh dạy/học chữ Hán. “Nhật báo Trung ương” HQ năm 2006 đưa tin về quan điểm của GS Hạ cho rằng “Môn Cờ vây bắt nguồn từ HQ”. Năm 2009, hai chục vị cựu Thủ tướng HQ ký tên vào bản kiến nghị do GS Hạ dự thảo, đề nghị đẩy mạnh giáo dục chữ Hán.
Chủ trương “HQ làm ra chữ Hán” của Trần Thái Hạ đã tạo ra niềm phấn khởi trong một số dân mạng HQ, nhưng các cơ quan truyền thông chính thống của nước này đều im lặng. Mấy năm nay dư luận trong dân gian hai nước TQ và HQ xảy ra không ít tranh cãi về vấn đề di sản văn hóa, nhưng chính quyền hai nước đều ít nói về các vấn đề đó.
Phản ứng của dư luận
Dư luận TQ hăng hái và phẫn nộ phê phán quan điểm “chữ Hán do người Triều Tiên/Hàn Quốc sáng tạo”. Họ cho rằng chữ Hán từ TQ du nhập bán đảo Triều Tiên từ khoảng thế kỷ III, khi chữ Hán đã ra đời ở TQ được khoảng 1500 năm (thế kỷ XIII trước CN).
Thời cổ người Triều/Hàn chưa có chữ viết của mình, phải mượn dùng chữ Hán, nhưng chỉ tầng lớp quý tộc và quan lại dùng, còn dân chúng thì mù chữ. Do ngôn ngữ Triều/Hàn thuộc ngữ hệ Altai, khác với Hán ngữ thuộc ngữ hệ Hán-Tạng, nên chữ Hán không thể ghi được tiếng Triều/Hàn. Để giải quyết khó khăn đó, vua Sejong tức Thế Tôn (trị vì HQ thời gian 1418-1450) tập hợp một số quần thần và nhà trí thức nghiên cứu làm ra một bộ chữ viết riêng của người Triều/Hàn, gọi là “Huấn dân chính âm” (sau gọi là chữ Hangul) và công bố ngày 9/10/1446 nhằm thống nhất âm đọc tiếng Hàn trong cả nước. “Huấn dân” là “Dạy cho dân”; “Chính âm” là “Chữ viết đúng của dân”. Chữ Hangul là một phát minh sáng tạo lớn, niềm tự hào và biểu tượng cho sự độc lập của dân tộc này, chữ viết duy nhất được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới (năm 1997).
Chữ Hangul là loại chữ biểu âm, ban đầu có 28 chữ cái (hiện nay chỉ dùng 24), dễ học dễ nhớ, dễ viết. Chữ Hán thuộc loại chữ biểu ý, khó học khó nhớ khó viết. Nhưng do chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Hán nên tầng lớp trên người Triều/Hàn vẫn chủ yếu dùng chữ Hán, coi là chữ quý tộc, còn chữ Hangul bị coi là chữ của người ít học và của phụ nữ. Mãi đến sau 1945 người Triều/Hàn mới chính thức bỏ chữ Hán, thay bằng chữ Hangul.
Tại Bắc Triều Tiên, chính quyền ra lệnh bỏ hẳn chữ Hán, chỉ dùng chữ Hangul. Tại Nam Triều Tiên (tức Hàn Quốc) có quy định dùng chữ Hangul là chính nhưng có dùng thêm chữ Hán, chủ yếu để ghi chú trong trường hợp nếu chỉ dùng chữ Hangul thì không phân biệt được chính xác nội dung cần thể hiện. Ví dụ tên người, tên đất hoặc các văn bản pháp lý thường có chua thêm bằng chữ Hán trong ngoặc đơn.
Theo tin trên báo TQ, ngày 9/2/2005, Chính phủ HQ ra thông báo tuyên bố phục hồi sử dụng chữ Hán trong tất cả các công văn nhà nước và biển báo giao thông. Ngoài ra cũng đề xuất “Phương án đẩy mạnh kết hợp sử dụng chữ Hán”, theo đó bất cứ tên người, tên đất hoặc từ ngữ lịch sử nào nếu không dùng chữ Hán sẽ dễ xảy ra nhầm lẫn thì phải ghi chú thêm bằng chữ Hán. Các biển báo giao thông, biển tên di tích lịch sử, nơi tham quan du lịch.. đều phải viết bằng ba thứ tiếng Hàn, Anh, Trung.
Tiếng Triều/Hàn ít âm tiết (syllable), cho nên có rất nhiều từ đồng âm khác nghĩa, nếu viết bằng chữ Hangul biểu âm sẽ khó phân biệt ý nghĩa của các từ đồng âm. Nhưng nếu ghi chú thêm bằng chữ Hán thì sẽ có thể phân biệt chính xác, bởi lẽ chữ Hán là chữ biểu ý. Nghe nói lượng chữ Hán chiếm tới 1/4 trong văn bản Hiến pháp HQ hiện nay.
Tuy vậy, những điều nói trên không chứng tỏ chữ Hán là do người Triều/Hàn làm ra. Thật khó hiểu là một dân tộc từng sáng tạo ra Hangul - thứ chữ viết có tính khoa học “với các nguyên tắc ngữ âm vượt thời gian mà chưa dân tộc nào từng có”[1] lại có ý định tranh quyền sáng tạo chữ Hán - một loại chữ bị chính người TQ vất vả cải sửa suốt cả trăm năm qua chưa xong!
Việt Nam và Nhật không tranh quyền tác giả chữ Hán
Việt Nam mượn dùng chữ Hán hơn 2000 năm, kể từ sau khi tướng nhà Tần là Triệu Đà chiếm nước ta. Tình hình chữ Hán ở ta cũng tương tự như ở HQ: tiếng Việt thuộc ngữ hệ Môn-Khmer ở Đông Nam Á - một ngữ hệ khác hẳn tiếng Hán, vì thế chữ Hán không thể ghi được tiếng Việt.
Để khắc phục khó khăn trên, từ thế kỷ XII tổ tiên ta dựa trên cơ sở chữ Hán đã sáng tạo ra chữ Nôm ghi được tiếng mẹ đẻ. Nhưng chính quyền phong kiến Việt Nam vẫn dùng chữ Hán làm chữ viết chính thức; chữ Nôm bị coi là chữ của dân thường, là loại chữ “nôm ma mách qué”. Tuy vậy nhờ chữ Nôm mà nước ta từng có một nền văn học rực rỡ với các tác giả Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương…
Có điều chữ Nôm khó học hơn chữ Hán, vì thế không được sử dụng rộng rãi như chữ Hangul ở HQ. Từ thế kỷ XVII dân ta may mắn được tiếp nhận chữ Quốc ngữ do các giáo sĩ phương Tây rất giỏi ngôn ngữ học làm ra. Chữ Quốc ngữ vừa ghi được 100% tiếng Việt, lại rất dễ học, dễ nhớ, dễ viết, dễ dùng. Vì thế từ cuối thế kỷ XIX nước ta nhanh chóng và dứt điểm bỏ hẳn chữ Hán, chỉ dùng chữ Quốc ngữ. Tuy rất sùng bái chữ Hán và văn hóa Trung Hoa nhưng tổ tiên ta sáng suốt chưa bao giờ có ý tranh giành các thành tựu văn minh như chữ Hán hoặc các tác phẩm kinh điển như Kinh Dịch....
Người Nhật dùng chữ Hán lâu và với quy mô lớn hơn người Triều/Hàn, song chưa bao giờ thấy họ phủ nhận việc người Trung Hoa làm ra chữ Hán. Thời xưa người Nhật sử dụng hầu như toàn bộ chữ Hán, nhiều nhất tới 50 nghìn chữ, do đó gặp rất nhiều khó khăn. Thế kỷ VIII họ phát minh ra chữ Kana, một loại chữ biểu âm để dùng kết hợp với chữ Hán, nhờ thế giảm được 5/6 tổng số chữ Hán cần dùng. Hiện nay họ chỉ chính thức sử dụng gần 2.000 chữ Hán. Cuối thế kỷ XIX, người Nhật đã có công lao rất lớn trong việc phát triển Hán ngữ hiện đại[2], tuy thế họ lại khiêm tốn rất ít nói về thành tựu đó.
[1] Xem: Nguyễn Thị Minh Chung, “Hangul và chữ viết của Hàn Quốc”, trong sách “Tiếng Việt 6”, Nxb Tri thức, 2015.
[2] Xem: http://nghiencuuquocte.org/2017/02/07/nguoi-nhat-phat-trien-han-ngu-hien-dai/
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết