Thông tin

NGƯỜI NHÓM LỬA

 

VU GIA

 

Thiền sư Khánh Hòa ngoài “công đầu của phong trào chấn hưng” còn có một “công đầu” nữa không thể không nhắc tới, đó là “Năm 1929, Khánh Hòa cho ấn hành một tập san Phật học bằng quốc ngữ lấy tên là Pháp âm. Pháp âm đặt cơ sở tại chùa Xoài Hột, Mỹ Tho, dựa trên sự ủng hộ kinh tế của bổn đạo chùa này. Đó là tờ báo Phật đầu tiên bằng quốc ngữ tại Việt Nam, số đầu phát hành ngày 13-8-1929”.

Hầu như những ai quan tâm đến sự thịnh suy của Phật giáo Việt Nam đều nhớ đến Phong trào chấn hưng Phật giáo hồi tiền bán thế kỷ XX và là phong trào chấn hưng duy nhất kể từ ngày đạo Phật vào Việt Nam đến nay. “Công đầu của phong trào chấn hưng thuộc về thiền sư Khánh Hòa. Ông sinh năm 1877 tại làng Phú Lễ, tỉnh Bến Tre, xuất gia năm 19 tuổi tại chùa Khải Tường”1.

Chấn hưng là làm cho trở thành hưng thịnh, thịnh vượng. Nếu ngày đó, Phật giáo Việt Nam tốt đẹp, hoàn mỹ thì thiền sư Khánh Hòa không kêu gọi chấn hưng làm gì, bởi có kêu gọi cũng không ai hưởng ứng. Nhưng lời kêu gọi của ngài không bao lâu được sự đồng thuận từ Nam chí Bắc, dẫu bước đầu có chút trắc trở. Trong Luận Bảo Vương Tam Muội, có viết: “Sự nghiệp đừng mong không bị chông gai, vì không bị chông gai thì chí nguyện không kiên cường”, nên chút trắc trở ban đầu không làm ông nản lòng. Và theo Nguyễn Lang, “Chí nguyện chấn hưng Phật giáo của ông phát sinh vào khoảng năm ông được bốn mươi tuổi. Ông du hành khắp các tổ đình ở Nam kỳ để gây ý thức chấn hưng và kêu gọi sự hợp tác của các bậc tôn túc. Ông liên kết được một số các vị cao tăng đồng chí, trong số đó có Huệ Quang, Pháp Hải và Khánh Anh, những người đã cộng tác chặt chẽ với ông trong suốt thời kỳ hoạt động của ông sau này. Năm 1923, trong một buổi họp của đại diện các tổ đình tại chùa Long Hòa ở Trà Vinh, dưới sự hướng dẫn của ông, một tổ chức tăng sĩ được thiết lập gọi là hội Lục Hòa Liên Hiệp với mục đích là vận động thành lập một hội Phật giáo Việt Nam Toàn Quốc làm cơ sở chấn hưng Phật giáo”2.

Tư tưởng thống nhất Phật giáo trong nước thành một khối đoàn kết để phụng sự đạo pháp và dân tộc của thiền sư Khánh Hòa đã có từ ngày đó. Và “Năm 1927, Thiện Chiếu được ông gửi ra Bắc để vận động. Tại đây, Thiện Chiếu đã tiếp xúc với các tổ đình Linh Quang, Hồng Phúc, Tiên Lữ, v.v..., nhưng gặp nhiều trở ngại, cuộc vận động bất thành”3.

Phải chăng, Phật giáo xứ Bắc ngày đó tốt đẹp quá không cần phải chấn hưng? Không phải vậy, mà do cơ duyên chưa tới. Đọc lại báo Phong hóa hồi những năm đầu thập niên 30 của thế kỷ trước và tập thơ Giòng nước ngược của Tú Mỡ, tôi thấy sư cụ Đỗ Văn Hỷ, trụ trì chùa Bà Đá ở Hà Nội cũng mong được… thăng quan và rồi mong ước ấy đã trở thành hiện thực. Năm Quý Dậu (1933) sư cụ Hỷ được Hoàng đế Bảo Đại phong sắc “Tăng Cang Hòa thượng”, được Tòa Đốc Lý công bố cho dân chúng biết. Tú Mỡ có bài thơ đăng trên báo Phong hóa với nhan đề “Công đức tu hành sư có lọng4:

Thành phố báo cáo cho ta:

Sư cụ chùa Bà mới được vua phong.

“Tăng Cang Hòa thượng” sắc rồng,

Để cho sư cụ nức lòng chân tu.

Dốc lòng niệm chữ Nam vô,

Tu hành như thế, chẳng tu cũng hoài.

Như Lai phù hộ cho ngài,

Vinh hoa cho bõ một đời muối dưa.

Năm sau (Giáp Tuất – 1934), nhân dịp năm mới, Tú Mỡ có bài thơ kính mừng sư cụ Hỷ đăng trên báo Phong hóa (số Tết) với nhan đề “Mừng Tăng Cương Hòa thượng5:

Đầu năm chúc cụ sãi Tăng Cương,

Lộc Phật hằng hà, ních chật rương.

Phẩm tước còn tăng, tăng mãi mãi,

Tăng kinh, tăng phú, lại tăng sương.

Có phải vì mong “phẩm tước còn tăng”, mong “tăng phú”… “lại tăng sương” của những vị “chân tu” như thế, nên đệ tử cũng… thế thế, giúp Tú Mỡ có bài thơ “Sư cậu” đi hát ả đào:

Có hai “sư cậu” chùa Bà/ Ăn no rửng mỡ la cà rong chơi/ Tịnh chay mãi cũng chán đời/ Nên sư phá giới nếm mùi phong lưu/ Lần mò đến xóm hồng lâu/ Ở Ngã Tư Sở, cô đầu tìm chơi/ Kinh ân ái, Phật mày ngài/ Sư đang tụng niệm lả lơi với tình/ Ngón chầu tom chát đang xinh/ Bỗng thầy chánh tổng thình lình tạt qua/ Nhác trông bóng sãi kề hoa/ Bạch sư hổ lửa: “đâu mà đến đây”?/ Sư rằng: “chơi gió, chơi mây/ Nhỡ đường vào tạm chốn này trú chân/ Rượu chay nhấp chén tẩy trần/ Hát chay di dưỡng tinh thần miên man”/ Thầy chánh đe giải lên quan/ Lưỡng sư xanh mắt, kêu van, nằn nì/ Chắp tay, rồi lạy, rồi quỳ/ Xì xà, xì xụp như kỳ dâng sao/ Rằng: “Nay trong cuộc tiêu dao/ Ma vương đưa lối lạc vào xóm hoa/ Lần này trót dại xin tha/ A Di Đà Phật! Đến già xin tu!6.

Với từ thực tế như thế, nên khắp ba kỳ Nam – Trung – Bắc đều rầm rộ phong trào chấn hưng Phật giáo mà thiền sư Khánh Hòa là người nhóm lửa. Và trong phong trào chấn hưng này, báo chí Phật giáo cũng nở rộ, tuyên truyền cho mọi người, nhất là những người con Phật biết những gì cần phải làm để đạo Phật ngày một hưng thịnh, góp phần không nhỏ trong việc đào tạo tăng tài, đáp ứng được lòng mong mỏi của chúng sinh.

Nói đến lĩnh vực báo chí Phật giáo, thì thiền sư Khánh Hòa ngoài “công đầu của phong trào chấn hưng”, còn có một “công đầu” nữa không thể không nhắc tới, đó là “Năm 1929, Khánh Hòa cho ấn hành một tập san Phật học bằng quốc ngữ lấy tên là Pháp âm. Pháp âm đặt cơ sở tại chùa Xoài Hột, Mỹ Tho, dựa trên sự ủng hộ kinh tế của bổn đạo chùa này. Đó là tờ báo Phật đầu tiên bằng quốc ngữ tại Việt Nam. Số đầu ra đời ngày 13-8-1929”7. Như vậy, trong lĩnh vực báo chí Phật giáo, thiền sư Khánh Hòa cũng là người nhóm lửa, và ánh lửa này ngày càng rực cháy, tỏa sáng, góp phần xua tan mảng u minh trong lòng những người con Phật.

Muốn báo ơn Phật/ Thì ngay đời này/ Phải cố nỗ lực/ Dũng mãnh tinh tấn/ Chịu khổ chịu nhọc/ Không tiếc thân mạng/ Hộ trì tam bảo/ Truyền bá đại thừa/ Cảm hóa chúng sanh/ Đồng vào biển giá” (Kinh Thủy Sám). Thiền sư Khánh Hòa đã học được, hành được trên bước đường hoằng pháp của mình. Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam có nhiều vị cao tăng đắc đạo, xuất kệ truyền thừa, nhưng chưa có ai như ngài Khánh Hòa. Chuyện khó quá chăng? Chưa hẳn thế, chẳng qua thiếu cái tâm Bồ tát. Kinh Hoa Nghiêm có viết: “Một người không phải sinh ra liền thành Bà-La-Môn hay hạng Chiên-Đà-La, chính phải do việc làm của người ấy ở đời, mới trở thành một người Bà-La-Môn hay một người Chiên-Đà-La”. Dĩ nhiên, giảng kinh truyền đạo để thế nhân khai mở trí tuệ, hiểu Phật lý cũng là một loại bố thí. Và bố thí là một đức hạnh cao quý thường được đề cập trong cuộc sống tu tập của những người con Phật, tu sĩ lẫn cư sĩ trong mọi tông phái Phật giáo. Nhưng loại bố thí của thiền sư Khánh Hòa rất đáng kính ngưỡng.

Đức Phật dạy pháp bố thí để dẹp bớt, để dứt trừ lòng tham lam, ích kỷ, đòi hỏi, bỏn xẻn, keo kiệt, bần tiện của con người. Hạnh bố thí gồm có ba thứ: tài thí, pháp thí vô úy thí. Và qua việc làm của thiền sư Khánh Hòa thì hạnh bố thí của ngài thuộc về pháp thí. Theo cư sĩ Chính Trực, “Về pháp thí có hai nghĩa: một là, đem cho tất cả mọi việc, đem cho tất cả các pháp trên thế gian này, và hai là, đem cho giáo pháp của Phật, còn gọi là Phật pháp. Chúng ta có thể cho tất cả những gì không thuộc phần nội tài thí và ngoại tài thí. Chẳng hạn như chúng ta có sở học, có kiến thức, có sự hiểu biết về một vấn đề nào đó, về một phương diện nào đó, về một ngành nghề nào đó, chúng ta có thể đem ra chỉ bảo, hướng dẫn, truyền dạy, giúp đỡ cho người, một cách bất vụ lợi, không mong cầu báo đáp, không kể lể ơn nghĩa. Việc này bất cứ ai cũng có thể làm được, không tốn đồng xu cắc bạc, chỉ cần tấm lòng vị tha, chỉ cần tấm lòng thực sự "vì người quên mình" mà thôi.

Đối với hàng tu sĩ xuất gia, hay cư sĩ tại gia, có học hiểu và thực hành giáo pháp của Phật, đem ra giảng giải cho mọi người được biết, để áp dụng, để xây dựng cuộc sống an lạc và hạnh phúc hiện đời, giúp mọi người hiểu được chân lý, để giảm bớt phiền não và khổ đau. Theo nghĩa này, pháp thí là điều quan trọng hơn cả. Tại sao vậy? Bởi vì, khi chúng ta giúp người về vật chất, như tiền bạc, cơm gạo, có thể làm cho người được qua cơn khó khăn trong ngắn hạn, trong một thời gian nào đó mà thôi. Khi chúng ta giúp người về tinh thần, như dạy chữ, dạy nghề, hướng dẫn cách sống đúng phép vệ sinh chẳng hạn, có thể làm cho người được qua cơn khó khăn, trong một thời gian nào đó, thậm chí có thể giúp họ sống vui, sống khỏe trọn một đời này mà thôi.

Còn nếu chúng ta có học hiểu và thực hành giáo pháp của Phật, còn gọi là Phật pháp, đem ra giảng giải cho mọi người được biết, để áp dụng trong cuộc sống, chẳng những có thể giúp con người sống an lạc và hạnh phúc ngay hiện đời, ngay kiếp này, cao hơn nữa là giúp con người được giác ngộ và giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi khổ đau, vĩnh viễn muôn kiếp”8...

Nói chuyện này, đôi lúc tôi thấy mình chỉ là người đọc kinh sách đạo Phật, chứ chưa thể là người tu Phật, bởi còn nặng về phần đời quá. Song nghĩ cho cùng đạo không có đời thì đạo sẽ về đâu? Đạo không phải từ trời rơi xuống, hoặc từ đất chui lên. Đạo từ đời mà ra. Có đời mới có đạo. Theo kinh sách Phật giáo, phàm nói về tu hành, chính là từ bỏ tạp niệm, biết rõ tam giới vô pháp, bổn lai vô vật thì mới hiểu được tu hành. Ngày xưa, có một vị cao tăng cả đời giữ gìn giới luật, một hôm khi đi trong đêm đột nhiên giẫm phải một vật vỡ ra thành tiếng, nghi ngờ là một con cóc mẹ đang mang vô số cóc con trong bụng, hối hận vô cùng! Đêm về nhà sư nằm mộng thấy vô số cóc về đòi mạng, giật mình tỉnh giấc. Đến sáng ra xem thì ra đó chỉ là một quả cà mà thôi.

Đối với nhà Phật mà nói, tam giới vốn không có vật gì là thật, tất cả mọi việc đều là ảo tưởng. Cũng như thứ mà vị tăng luôn giữ gìn giới luật trong truyện cổ kia đạp phải, rốt cuộc là cóc hay là cà? Nếu là cóc khi trời sáng sao lại nhìn ra là cà? Nếu như là cà sao lại nằm mộng thấy cóc đến đòi mạng? Đó chỉ là lòng chưa sạch bụi trần, cảnh do tâm sinh, thế nên mới lưu chuyển trong tam giới, không thể siêu thoát. Và như thế, chúng ta ngồi đây để tưởng nhớ về thiền sư Khánh Hòa cũng là do tâm sinh. Cũng chính vì do tâm sinh nên chúng ta vui vẻ nhìn lại những gì thiền sư Khánh Hòa làm được cho Phật giáo Việt Nam thời hiện đại, thậm chí đời hơn một chút là chúng ta tự hào về người con của Bến Tre đã làm được những “công đầu” cho Phật giáo Việt Nam, nhằm tiếp tục phát huy, tiếp tục chấn hưng để Phật giáo Việt Nam xứng đáng với đời.

Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ XXI này có cần một cuộc chấn hưng rầm rộ như hồi tiền bán thế kỷ XX không? Những sự thực bày ra trước mắt mà báo chí đưa tin hoặc không đưa tin, tôi thấy cũng cần nên chấn hưng. Nhưng ai là người nhóm lửa? Tôi chưa thấy. Mong rằng, qua hội thảo này sẽ nẩy ra mầm hạnh bố thí như ngài Khánh Hòa đã gieo hạt và đã một lần đơm hoa kết trái.

Kết thúc cuốn Việt Nam Phật giáo sử lược, Hòa thượng Thích Mật Thể, viết: “Một nền Phật giáo chỉnh đốn, in tuồng đương đợi một cuộc tổ chức tương lai do một phương pháp cải tạo hoàn toàn chơn chánh.

Chúng tôi rất mong…”9.

 Và chúng tôi cũng rất mong!.

 


1. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, I-II-III, NXB Văn học, H, 2011, trg 783.

2, 3. Việt Nam Phật giáo sử luận, sđd, trg 784.

4. Tú Mỡ, Tú Mỡ toàn tập, T.1, NXB Văn học, H, 1995, trg 123.

5. Tú Mỡ toàn tập, T.1, sđd, trg 123.

6. Tú Mỡ toàn tập, T.1, sđd, trg 325-326.

7. Việt Nam Phật giáo sử luận, sđd, trg 784.

8. Cư sĩ Chính Trực, Hạnh bố thí, www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/090-bothi.htm

9. Mật Thể, Việt Nam Phật giáo sử lược, NXB Thuận Hóa, Huế, 1996, trg 209.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 11
    • Số lượt truy cập : 6112176