NGƯỜI THEO TÔN GIÁO SỐNG THỌ HƠN
NGƯỜI PHI TÔN GIÁO 4 NĂM
Tác giả: MIA DE GRAAF
Dịch giả: TT. THÍCH MINH TRÍ
Các nhà khoa học cho rằng đó là nhờ sự tích cực tình nguyện tham gia các hoạt động xã hội và hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng bia rượu.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra sự tương hệ đáng kinh ngạc giữa tuổi thọ và niềm tin tôn giáo. Những người thường thực hành tín ngưỡng tại các cơ sở tôn giáo dường như sống thọ hơn những người phi tôn giáo, theo phân tích ít nhất 1.000 cáo phó đã được thông tin trên khắp các tiểu bang của Hoa Kỳ.
Các nhà nghiên cứu tâm lý học tiểu bang Ohio chịu trách nhiệm về đề tài nghiên cứu này nhấn mạnh, rằng có một vấn đề đáng ghi nhận đối với mối liên quan này là những người theo tôn giáo thường tình nguyện và dấn thân vào các hoạt động xã hội trong suốt cuộc đời của họ - một hoạt động thường gắn liền với việc kéo dài thêm tuổi thọ.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu này cũng khám phá ra rằng việc tham gia các hoạt động xã hội dường như chỉ giúp gia tăng tuổi thọ nhiều nhất là một năm. Điều này chứng tỏ các yếu tố khác của đời sống tôn giáo, chẳng hạn như ít sử dụng rượu, bia có khả năng đã góp phần làm gia tăng tuổi thọ.
Laura Wallace, nghiên cứu sinh tiến sĩ tâm lý học tại Đại học Ohio, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu này cho biết: “Còn nhiều lợi íchcủa việc theo tôn giáo mà chúng ta chưa thể giải thích được”.
Tiến sỹ Baldwin Way, Phó Giáo sư tâm lý học tại Đại học Ohio, đồng tác giả nghiên cứu cũng đồng tình với quan điểm này. Ông lưu ý rằng, đối với những người không theo tôn giáo, những phát hiện trên đây nghe có vẻ như phi lý, trong khi đó có một mối tương liên mà họ không thể coi nhẹ.
“Kết quả nghiên cứu chính là bằng chứng thuyết phục cho thấy có một mối tương liên giữa việc tham gia sinh hoạt tôn giáo và thời gian sống của một người kéo dài thêm bao nhiêu lâu”, Tiến sĩ Baldwin Way khẳng định.
Tiến sĩ Baldwin Way suy đoán rằng mối tương liên này có thể phụ thuộc vào mức độ mà cộng đồng của một địa phương nào đó tham gia sinh hoạt tôn giáo. Thật vậy, phần đầu của nghiên cứu này liên quan đến 505 cáo phó đã xuất bản trên nhật báo Des MoinesRegister ở tiểu bang Iowa từ tháng giêng đến tháng 2 năm 2012.
Ở tiểu bang đó, khoảng cách tuổi thọ giữa người theo tôn giáo và phi tôn giáo còn xa hơn nhiều. Người theo tôn giáo sống thọ hơn người phi tôn giáo 9,45 năm. Nhưng tuổi thọ này được rút ngắn xuống còn 6,48 năm sau khi các nhà nghiên cứu đã tính toán khấu trừ yếu tố giới tính và tình trạng hôn nhân.
Phần nghiên cứu thứ hai bao gồm 1.096 cáo phó từ 42 thành phố lớn ở Hoa Kỳ được xuất bản trên các trang website báo chí từ tháng 8 năm 2010 đến tháng 8/2011.
Trong kết quả của phần nghiên cứu này cho thấy tuổi thọ của những người theo tôn giáo ghi trên các cáo phó cao hơn tuổi thọ của những người phi tôn giáo ghi trên các cáo phó đó trung bình 5,64 năm và tuổi thọ này bị giảm xuống còn 3,82 năm sau khi xem xét khấu trừ yếu tố giới tính và tình trạng hôn nhân của họ.
Nhiều nghiên cứu cũng đã chứng minh rằng những người tình nguyện và tham gia các đoàn thể xã hội có xu hướng sống thọ hơn những người khác. Các nhà nghiên cứu đã kết hợp dữ liệu của cả hai nghiên cứu để khảo cứu xem liệu những người tình nguyện và hoạt động xã hội do các hội, đoàn tôn giáo tạo điều kiện tham gia có thể giải thích việc gia tăng tuổi thọ hay không.
Theo các nhà nghiên cứu, kết quả cho thấy đó chỉ là một phần nguyên nhân vì sao những người theo tôn giáo tăng thêm tuổi thọ. Laura Wallace cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rằng hoạt độngtình nguyện và quá trình tham gia các tổ chức xã hội chỉ chiếm một phần nhỏ, ít hơn một năm trong việc làm tăng thêm tuổi thọ mà mối tương hệ tôn giáo mang lại”.
Tiến sĩ Way cho rằng nguyên nhân kéo dài tuổi thọ của họ có lẽ là do liên quan đến giới luật và quy phạm của các tôn giáo vốn hạn chế lối sống không lành mạnh, như thói quen sử dụng rượu bia, ma túy và quan hệ tình dục với nhiều bạn tình. Ông nói nhiều tôn giáo cũng thúc đẩy các phương pháp thực hành giảm căng thẳng vốn có thể cải thiện sức khỏe, chẳng hạn như sống tri ân, cầu nguyện hoặc ngồi thiền.
Thật vậy, các nhà nghiên cứu đã có số liệu từ các thành phố khác cũng cho phép họ xem xét liệu mức độ sùng đạo trong một thành phố và “nhân cách” của một thành phố có khả năng tác động đến mối tương quan tôn giáo vốn ảnh hưởng đến tuổi thọ hay không.
Kết quả nghiên cứu chứng tỏ rằng yếu tố nhân cách quan trọng liên quan đến tuổi thọ trong mỗi thành phố chính là coi trọng việc tuân thủ theo các nguyên tắc và chuẩn mực của cộng đồng. Tại các thành phố có mức tôn giáo hóa cao, nơi mà sự tuân thủ được coi trọng, người theo tôn giáo có xu hướng sống thọ hơn những người không theo tôn giáo.
Tuy nhiên, một vài thành phố có hiệu ứng lan tỏa. Wallace cho biết thêm: “Trong một số tình huống đặc biệt, ảnh hưởng tích cựccủa tôn giáo về sức khỏe đã lan tỏa qua những người không theo tôn giáo. Hiệu ứng lan tỏa này chỉ xảy ra tại các thành phố có mức tôn giáo hóa cao, nơi không quá coi trọng việc mọi người phải tuân theo các chuẩn mực giống như nhau. Trong các địa phương này, người không theo tôn giáo có xu hướng sống thọ như người theo tôn giáo”.
Tiến sĩ Way cho biết nghiên cứu này còn có những khiếm khuyết. Trong đó có một thực tế là nó không thể rà soát các yếu tố quan trọng liên quan đến tuổi thọ, chẳng hạn như chủng tộc và lối sống. Tuy nhiên, không giống như các nghiên cứu khác, ưu điểm chưa từng được khảo cứu của nghiên cứu này là việc theo tôn giáo không phải do tự bản thân người qua đời báo cáo mà là do người viết cáo phó báo cáo.
Nhưng Wallace nói rằng kết quả của nghiên cứu này, được tạp chí Khoa học Nhân cách và Tâm lý Xã hội công bố, đã hỗ trợ thêm cho số lượng ngày càng gia tăng của các công trình nghiên cứu cho thấy rằng tôn giáo có ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe con người.
Nguồn: https://www.dailymail.co.uk/health/article-5840523/Religious-people-live-four-years-longer-atheists-study-finds.html
Bình luận bài viết