Thông tin

NGƯỜI XỨ NGHỆ VÀ VĂN HÓA PHẬT GIÁO

 

VU GIA*

 

Văn hóa dân tộc Việt Nam không thể tách rời văn hóa Phật giáo, vì đạo Phật vào Việt Nam khá sớm lại biết uyển chuyển phù hợp với tín ngưỡng dân gian nên người dân Việt luôn kính Phật.

Con xin quỳ lạy Phật, Trời

Để cho cha mẹ sống đời với con.

Với người Việt Nam, từ xa xưa, trời rất xa mà cũng rất gần. Những lời nói, việc làm của con người đang sống đều được trời biết, trời chứng giám, trời có mắt; trong lúc khổ đau, oan ức thì kêu trời; gặp may, được việc thì bảo trời cho; gặp những việc không may thì gọi là trời phạt,... Nói chung, với người dân Việt, trời định ra sinh tử, nuôi dưỡng, quyết định vận mệnh mỗi con người, thậm chí cả dân tộc, bởi không ai có thể bẻ nạng chống trời. Bây giờ, vẫn không thiếu người có suy nghĩ như thế. Khi đạo Phật du nhập vào Việt Nam, thì người Việt kính Phật ngang với Trời. “Cầu trời khấn Phật” đối với nhiều người Việt Nam trong cuộc sống thường ngày cứ tự nhiên như hơi thở, dù xưa nay lắm người không hiểu tí gì về nguồn sống tôn giáo ấy. Do vậy, chúng ta không lấy làm lạ, nhiều chùa thờ Phật còn thờ Ngọc Hoàng thượng đế, Thái Thượng lão quân, các vị thần, vị mẫu khác với voi, ngựa, tàn, lọng… không có ý nghĩa Phật giáo; hoặc ở nhiều đền thờ thánh, thờ thần cũng thờ Phật. Một ngôi đền nổi tiếng ở Nghệ An thờ ông Hoàng Mười là đền Xuân Am (xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên), ở cung giữa, tôi thấy trên hết thờ Phật Bà Quan Âm, kế xuống là Tam Tòa Thánh Mẫu, dưới nữa mới là quan Thái úy Hoàng Mười. Hỏi ra, họ cho biết những vị ấy, ai cũng đáng kính đáng thờ cả. Có thờ có thiêng, có kiêng có lành, không ai hơi đâu phải tìm nguyên ủy. Một bài văn khấn, tôi có dịp đọc qua, có những đoạn như vầy: Con lạy Trời, lạy Phật/ Con kính lạy Đức Phật/ Cao linh diệu linh/ Con xin tấu, xin trình (…)/ Được thỉnh được mời:/ Cha trời mẹ đất/ Lòng thành nhất nhất/ Con xin chắp tay/ Xin cung thỉnh/ Quan thanh tra giám sát/ Thừa lệnh nhà Trời/ Kiểm soát dương gian/ Xin với cửa Quan/ Giáng về cảnh đạo/ Con xin Tam bảo/ Con lạy trời xa/ Chúng con cả nhà/ Một lòng hướng Phật... Điều này cho thấy “Đời sống tôn giáo người Việt ở mọi giai tầng xã hội đều đặt nền tảng trên một tín ngưỡng ghi sâu trong cảm thức của mình, đó là thần thánh ma quỷ có mặt khắp nơi. Họ vởn vơ trong không trung, bay lượn trong gió, trên đường đi nẻo bước hay lặn lội trên các dòng sông, giấu mình dưới nước sâu, vực thẳm hoặc trong các ao hồ tĩnh lặng. Họ chuộng những nơi núi thẳm Trường Sơn hay trong rừng sâu bóng tối. Mỏm cao, ghềnh nước hay chỉ một viên đá đều có thể là nơi trú ngụ của thần thánh. Cây cao bóng rậm cũng là nơi ở của họ và một vài thú vật cũng có thể có phép thuật của quỷ thần. Quỷ thần thể hiện đơn giản qua những sự kiện thường nhật, chẳng hạn như tiếng gà gáy, tiếng chuột rúc, tiếng cú kêu hay đóm lửa đêm đêm.

Nhưng những quỷ thần rải rác đâu đó trong thiên nhiên đâu phải là bất động. Họ trà trộn vào đời sống con người, ảnh hưởng đến từng số phận, liên kết với ta từ trong lòng mẹ cho đến khi chết và kể cả qua thế giới bên kia. Hạnh phúc hay bất hạnh của con người đều lệ thuộc vào, tử sinh đều từ đó mà ra. Họ là nguyên nhân của tật bệnh, của mất mùa; đàn bà hiếm muộn cũng do họ; mất tiền mất của cũng do họ; kể cả việc lều chỏng trường thi đều có quỷ thần tác động; nghĩa là bao gồm hết mọi biến cố làm con người hạnh phúc, không ngừng tác động, theo dõi mãi hành vi của ta và là nguyên nhân của mọi thành bại. Con người đong đưa giữa hai thế giới: thế giới tự nhiên mắt thấy tai nghe, và thế giới vô hình, thế giới siêu nhiên. Con người vẫy vùng, toan tính, đổ dồn năng lực, tập trung chuyên chú, nhưng rồi mọi chuyện có thể trở thành hư không vì thành bại không phải chỉ do mình, mà bên cạnh mình, trên mình, còn có những mãnh lực siêu nhiên cũng hành động, có khi hỗ trợ, có khi cản trở. Gia súc nuôi trong nhà, những người bạn hiền lành khiêm tốn của con người, kể cả vật dụng thường nhật trong nhà thảy đều có những liên kết với thế giới nhiệm mầu ấy”[1].

Nhưng đạo Phật ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư người Việt nói chung, cộng đồng dân cư Nghệ An nói riêng có từ lúc nào? Câu hỏi đơn giản nhưng không dễ trả lời chính xác, bởi sử liệu quá thiếu. Theo Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam qua các thời đại và phát nguồn của các giáo phái Phật giáo, Vân Thanh cho biết: “Mâu Bác Cư sĩ (TL 194): Sau khi Linh Đế nhà mạt Hán băng hà, nước Tàu có nội loạn, riêng Giao Châu (Bắc Việt) yên ổn hơn cả, các tôn giáo phía Bắc di trú sang Bắc Việt (Giao Châu). Mâu Tử tuy có đọc sách thần tiên nhưng ông ta chẳng tin, còn cho là hư đản, ông lại đem sách ngũ kinh nạn vấn nhóm đạo sĩ (tu tiên) chẳng ai hơn Mâu Bác. Họ lại sánh ông như Mạnh Tử, Dương Chu, Mặc Địch. Sau khi mẹ chết, Mâu Tử suy tư và than thở rồi lại đọc sách Lão Tử đến đoạn nói: “Thiên tử chẳng nên có tôi, chư hầu không nên có bạn”, sau rồi ông gắng chí theo đạo Phật vào năm TL 194-195. Bắt đầu từ đây, Mâu Bác Cư sĩ tu theo đạo Phật tại Bắc Việt (Giao Châu) trở thành một môn đệ tại gia của Tăng già Bắc Việt (trích Mâu Tử lý hoặc luận)”[2].

- “Khương Tăng Hội (TL 200-247): Nguyên quán Thiên Trúc (Ấn Độ) dòng dõi người Khương Cư (Sogdian) nhiều đời lập cư Thiên Trúc, người cha dẫn sang Bắc Việt buôn bán. Sau khi cha mẹ mất cả, Hội vừa 10 tuổi, cư tang thọ hiếu xong, ông xuất gia học với Tăng già Bắc Việt (sử chẳng kể rõ thọ giáo với sư nào tên gì?) siêng năng học tập trở thành bậc cao đại, một nhơn tài trác tuyệt, gồm thông tam tạng nội ngoại điển văn chương học thuật hành chánh v.v…

Đến năm (TL 247) Xích Ô thứ hai nhà Ngô, ông sang Nam Kinh làm vị sơ tổ khai đạo đầu tiên tại nước Ngô, được Ngô chúa tôn kính dựng chùa trước nhứt là chùa Kiến Sơ. Ông dịch kinh Phạn ra Hán văn tại đây. Trước năm 217 khi ông còn ở Việt Nam có dịch kinh Phật”[3].

- “Huệ Thắng (440-470): Tục Cao Tăng truyện của Đường Đạo Tuyên (quyển 16, trang 550) chép “(Thích Huệ Thắng, người Giao Chỉ Bắc Việt)” ở chùa Tiên Châu Sơn yên ở nơi sơn trạch, dáng người nhàn nhã thoát ngoài sự vật. Ngài tụng kinh Pháp Hoa mỗi ngày một lần, trải qua nhiều năm. Y thực tiết ước (tiện ước tiết chế). Theo Thiền sư ngoại quốc Đạt Ma Đề Bà học các pháp “Quán Hạnh” mỗi khi người nhập tịch định đúng một ngày một đêm mới dậy.

Khi Lưu Hội từ Bành Thành ra trấn Nam Hải (Quảng Đông) nghe tiếng Ngài đến mời Ngài đi về bên Tàu, bởi thế Ngài ở chùa U-Tê. Bên trong ẩn súc thông minh, bề ngoài thường tỏ ra như ngu độn, kẻ nào ở lâu với Ngài thì quý trọng, kẻ học thiền kính trọng Ngài. Trong khi ở chùa U-Tê, ngài chẳng ăn đồ trong chùa nấu nướng chỉ sống nhờ khất thực. Hoàn toàn sống theo thanh kiệm. Niên hiệu Tế Vĩnh Minh thứ năm (487), Ngài dời qua ở Chung Sơn, tịnh xá Duyên Hiền. Ngài từ trẻ đến già tâm trinh chánh, vào khoảng năm Thiên Giám (nhà Lương Vũ Đế từ 502-517) tịch xuân thu 70”[4].

Vân Thanh bình thêm: “Theo Đạo Tuyên chép Tục Cao Tăng: Tổ Đạt Ma truyền Pháp Thiền cho Huệ Thắng, rồi sang Trung Quốc sau. Xem thế Việt Nam ta được trực tiếp thọ Pháp Thiền trước nước Tàu, trước kia Khương Tăng Hội (thế kỷ III) đã qua Tàu làm vị Tổ đầu tiên. Nay Huệ Thắng cũng được học Pháp Thiền trước nước Tàu, thế thì Đạt Ma là sơ Tổ Thiền của Việt Nam vậy”[5].

Từ những trích dẫn trên, ta thấy Phật giáo đã có mặt ở xứ ta khá lâu. Riêng ở Nghệ An, qua truyện Chử Đồng Tử được ghi chép trong Lĩnh Nam chích quái (biên soạn vào thế kỷ XV), tôi thấy có đoạn: “Có núi Quỳnh Viên (có bản ghi Quỳnh Vi), trên núi có am nhỏ, bọn lái buôn thường ghé thuyền ở đó lấy nước ngọt. Đồng Tử lên am chơi, có tiểu tăng tên gọi là Ngưỡng Quang (có bản ghi Phật Quang/ Phật Lão) truyền phép cho Đồng Tử. Đồng Tử lưu học ở đó, giao vàng cho lái buôn mua hàng. Sau lái buôn quay lại am chở Đồng Tử về… Sư tặng Đồng Tử một cây trượng và một chiếc nón má nói rằng: “Linh thiêng ở những vật này đây”.

Đồng Tử trở về, giảng lại đạo Phật, Tiên Dung bèn giác ngộ, bỏ phố phường, cơ nghiệp, rồi cả hai đều tìm thầy học đạo”[6]. Trong Lịch sử Phật giáo Việt Nam (Từ khởi nguyên đến thời Lý Nam Đế), GS. Lê Mạnh Thát khẳng định núi Quỳnh Viên/ Quỳnh Vi là ngọn núi có thật ở Nghệ An chứ không phải ngọn núi trong thần thoại, bởi qua thơ Lê Thánh Tông có nhắc đến ngọn núi này khi Nam chinh Chiêm Thành. Nhưng theo Lê Mạnh Thát: “Vùng núi Quỳnh Viên này có khả năng vào thời Chữ Đồng Tử chưa thuộc vào bản đồ của nước ta. Nhà sư Phật Quang này có thể là một người Chiêm Thành, hoặc là người Ấn Độ, đang tìm cách truyền bá Phật giáo vào Việt Nam. Và Chữ Đồng Tử là ngưòi Việt Nam đầu tiên đã đến tiếp xúc với ông, để rồi sau đó, trở thành người Phật Sư Việt Nam đầu tiên có tên tuổi”[7].

Như chúng ta đã biết, truyện Chử Đồng Tử được nhiều nhà nghiên cứu coi là dữ liệu tham chiếu về lịch sử - văn hóa thời Hùng Vương hay lịch sử tôn giáo, và qua truyện này cho thấy đạo Phật có mặt ở vùng đất Nghệ An khá sớm. Cộng với những tư liệu trích dẫn trên, tôi thấy có phần phù hợp, bởi ngày đó người Chăm sử dụng tiếng Phạn. Các danh tăng từ Ấn Độ muốn đến Trung Hoa để truyền giáo thì phải nhờ… thông dịch, tức phải nhờ người vừa biết tiếng Hán vừa biết tiếng Phạn. Và lớp người này chỉ ở vùng Hoan Diễn nói riêng, Giao Châu nói chung mới đáp ứng được.

Vậy đạo Phật ở Nghệ An phát triển ra sao? Trong bài Vài nét về công điền công thổ ở Nghệ An trước và trong thời gian 1930-1931, Ninh Viết Giao cho biết, hầu hết các làng ở Nghệ An đều có từ điền (ruộng dành cho cho các đền), tự điền (ruộng dành cho các chùa). Ông cho biết xã Tri Lễ (Anh Sơn) “có 6 ngôi chùa”[8], và “Trước đây mật độ đền, đình, chùa, miếu, phủ, nhà thánh ở Nghệ An khá dày đặc. Nhiều làng, ngoài đình, chùa, nhà thánh có đến 4, 5, 6,… cái đền”[9]. Rải rác trong các bài viết về văn hóa xứ Nghệ, Ninh Viết Giao có nhắc đến “chùa Yên Quốc nơi Nguyễn Biểu bị Trương Phụ cho người đánh đập rất tàn nhẫn”[10], hoặc một bài viết vào tháng 8 năm 1998, Ninh Viết Giao nhắc: “Cách đền Nguyễn Sư Hồi khoảng 500 mét về phía Tây Nam là chùa Phổ Am do tể tướng Nguyễn Văn Miên dựng vào những năm Vĩnh Thịnh (1705-1719) đời vua Lê Dụ Tông. Chùa tuy không nguy nga, nhưng cũng là một ngôi chùa đáng chú ý. Đó là một trong số các ngôi chùa còn lại rất hiếm hoi trên đất Nghệ An”[11].

Chùa dù còn hay không còn, trong tâm thức người Việt nói chung, người Nghệ An nói riêng, Trời Phật vẫn không mất. Ngày xưa, những người con xứ Nghệ xuất thân từ cửa Khổng sân Trình vẫn đong đầy tư tưởng Phật giáo, hoặc trong lòng họ luôn có Phật. Chẳng hạn, cụ Phan Đình Phùng viết bức trướng tặng cụ Tô Bá Ngọc trước lúc tạm biệt lên đường ra Bắc, có đoạn: Bá Ngọc miên hồ tai/ Phàm thư giai thế trạch/ Miên chi hưu miên chi/ Dư khương bằng thiện tích(Quý thay ông Bá Ngọc/ Ấy ơn dày từ trước/ Gắng lên gắng nữa lên/ Làm lành được hưởng phước)[12]. “Cụ Hồ Sĩ Luật ở Trung Hòa đã chửi Ng. H. Ng., người cùng xã, nguyên trước kia là một anh đi ăn trộm lợn ở chợ Cồn, sau này làm phó lãnh binh Nghệ An, chuyên môn đi đàn áp cách mạng, trong một bài thơ:

Ma sao thấy trẻ bụt thời già/ Khen khéo tình đời dám quấy ta[13]

Thế đấy, một khi tôn giáo đã bén rễ vào đời sống tâm linh của con người, trở thành nét đẹp văn hóa trong ứng xử thường ngày thì cơ sở thờ tự của tôn giáo không còn là vấn đề quan yếu, bởi từ lâu họ đã quan niệm: Thứ nhất là tu tại gia/ Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa. Với người Việt Nam nói chung, người dân xứ Nghệ nói riêng, từ đời này sang đời khác, không mấy người hiểu biết sâu xa về đạo Phật, nhưng họ kính Phật, họ cố làm lành lánh dữ, hướng đời mình vào một số giới luật và niềm tin vào Phật pháp. Gieo gió gặt bão; Ở hiền gặp lành; Tu đâu cho bằng tu nhà/ Thờ cha kính mẹ mới là đi tu; Ăn mặn nói ngay, hơn ăn chay nói dối… Và thời nào, đời nào họ đã sống như thế, cố sống như thế. Và cách suy nghĩ ấy, cách ứng xử ấy đã góp phần làm nên văn hóa xứ Nghệ, văn hóa dân tộc.

 


Tài liệu tham khảo:

1. Vân Thanh, Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam qua các thời đại và phát nguồn của các giáo phái Phật giáo, Các Phật học viện và các chùa xb, S, 1974.

2.Vũ Quỳnh-Kiều Phú (Đinh Gia Khánh dịch), Lĩnh Nam chích quái, Nxb. Văn học, H, 1990.

3. Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, T.1, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1999.

4. Ninh Viết Giao, Về Văn hóa xứ Nghệ, Nxb. Nghệ An, 2003.

5.Leopold Cadiere (Đỗ Trinh Huệ dịch), Văn hóa, Tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt, T.1, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2010.



* Báo Người Lao Động, Thành phố Hồ Chí Minh

[1] Leopold Cadiere (Đỗ Trinh Huệ dịch), Văn hóa, Tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt, T.1, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2010, trg 25.

[2] Vân Thanh, Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam qua các thời đại và phát nguồn của các giáo phái Phật giáo, Các Phật học viện và các chùa xb, S, 1974, trg 55-56.

[3] Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam qua các thời đại và phát nguồn của các giáo phái Phật giáo, sđd, trg 56.

[4] Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam qua các thời đại và phát nguồn của các giáo phái Phật giáo, sđd, trg 60.

[5] Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam qua các thời đại và phát nguồn của các giáo phái Phật giáo, sđd, trg 60.

[6] Vũ Quỳnh- Kiều Phú (Đinh Gia Khánh dịch), Lĩnh Nam chích quái, Nxb. Văn học, H, 1990, trg 52.

[7] Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, T.1, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1999, trg 24.

[8] Ninh Viết Giao, Về Văn hóa xứ Nghệ, NXB Nghệ An, 2003, trg 84.

[9] Về Văn hóa xứ Nghệ, sđd, trg 101.

[10] Về Văn hóa xứ Nghệ, sđd, trg 282.

[11] Về Văn hóa xứ Nghệ, sđd, trg 334.

[12] Về Văn hóa xứ Nghệ, sđd, trg 635.

[13] Về Văn hóa xứ Nghệ, sđd, trg 322.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 14
    • Số lượt truy cập : 6130198