Thông tin

NGƯỜI XƯA LÀM BÁO

NGƯỜI XƯA LÀM BÁO

 

NGUYÊN CẨN

Báo xưa và báo nay

Với sự phát triển công nghệ thông tin như hiện nay, nhiều người bi quan vội cho rằng báo mạng sẽ thay thế hoàn toàn báo giấy trong nay mai. Người ta lo ngại rằng thói quen sáng sớm, nhâm nhi ly cà phê nóng và ngồi mở từng trang báo ra, nắm bắt  thông tin là một hình ảnh quen thuộc của người dân những năm trước đây sẽ biến mất vì nhịp sống hiện nay diễn ra khá nhanh, nếu không muốn nói là gấp gáp với khối lượng thông tin khổng lồ truyền tải trên mạng. Người đọc có thể truy cập internet qua laptop, ipad, iphone…với những tin tức cập nhật nhanh, mang tính thời sự rất cao, chưa kể thông tin đa chiều và sự linh hoạt của video clip, hình ảnh sinh động, đáp ứng đầy đủ những đòi hỏi mà người đọc cần, thỏa mãn cả việc nhìn, nghe và thưởng thức. Thế nhưng, báo giấy vẫn có đường đi riêng của nó. Dù một số tờ báo kể cả những tạp chí lâu đời ở Mỹ phải thu hẹp lại thị phần và số lượng phát hành, những tên tuổi như New York Times, Newsweeks, Time vẫn  còn nguyên vị trí trên sạp báo vì hàng triệu độc giả trung thành vẫn cứ thích “cầm nắm” một tờ báo giấy thân thiện trong tay không chỉ vì thông tin mà còn vì những bài bình luận, những nhận định sắc sảo của những tay bỉnh bút (essayist hay critic) để họ bàn luận ngoài quán, trong nhà, trong công sở, gạch dưới những dòng quan  trọng. Trừ những tờ báo “lá cải”, người ta vẫn thích đọc những tờ báo nghiêm túc hơn là xem trên mạng. Một số người bạn của tôi khi đọc những tờ báo như Giác Ngộ hay Văn Hóa Phật Giáo đều ghi chú rất kỹ, tô đậm lên những nhận định hay những quan điểm mà họ tâm đắc hay cần tranh luận cho sáng tỏ (!) Thế nên hôm  nay, báo giấy cũng vẫn tốn tại song song với nhiều phương tiện thông tin khác vì nhu cầu con người luôn đa dạng, nhất là về trí tuệ. Trước đây 50 năm, báo chí cùng với radio là những phương tiện truyền thông rất quan trọng, nếu không muốn nói là duy nhất. Phật giáo có một nền báo chí phát triển rất sớm từ những tờ báo Đuốc Tuệ ( 1920 ?) cho đến Từ Quang vào thập niên 1950. Chúng tôi có may mắn là còn lưu giữ  bộ Từ Quang phát hành năm xưa. Hôm nay, lần giở lại những trang báo người xưa, không khỏi bồi hồi những cảm xúc về sự nghiêm cẩn, chỉn chu của tờ báo từ hình thức đến nội dung. Bố cục của tờ báo luôn nhất quán với những chủ điểm rõ ràng, tập trung, xuyên suốt. Dù công nghệ in ấn và làm báo hôm nay đã tiến bộ khá xa, chúng ta có thể làm những tờ báo đẹp hơn về hình thức, bắt mắt hơn và nội dung có thể nhiều thông tin hơn, chúng ta thử xem có thể học được gì chăng từ cách làm báo của người xưa?

Bắt đầu bằng Thông điệp hay ý nghĩa chủ đề chung

Trang đầu tiên có thể dành cho Thông điệp của Giáo hội, hay nói về chủ đề sẽ bàn sâu hơn  trong tờ báo, ví dụ như Ý nghĩa mồng 8 tháng 4 ; Ý nghĩa Vu lan…Phóng sanh tháng 7… Những chủ trương của chư Tôn đức, cư sĩ làm báo ngày xưa xem ra còn nguyên giá trị như Thông điệp mùa Phật đản Đinh dậu (1957) hay những nhận định sâu sắc về những quan điểm lệch lạc trong hiểu biết của quần chúng (bây giờ chúng ta lại càng nên làm như thế nhiều hơn). Chúng ta đọc những thông điệp như :

“Với thời gian, tuy hình thức của đạo Giác ngộ có theo luật biến dịch mà khi bổng khi trầm, chân lý Phật giáo vẫn là ngọn đuốc bất diệt mà sự đen tối của đời sống dục lạc và sức bành trướng của khoa học vật chất ngày càng làm tăng ánh huy hoàng. Trong giai đoạn hiểm họa chiến tranh hiện nay, nhiều nhân vật đáng kính trên thế giới còn dám đứng lên nhiệt thành tuyên bố chỉ có Phật giáo với chủ trương Từ, Bi, Hỷ, Xả mới đủ khả năng đem lại thanh bình và an lạc lại cho mọi người” (-Thông điệp của Tổng Hội PGVN - Từ Quang, số 64 tháng 3. 1957)

   Hay về chuyện phóng sanh vào tháng 7 âm lịch:

   “Đợi đến rằm tháng bảy mới nghĩ đến việc phóng sanh làm phước là ý niệm của cái tâm tầm thường, tức là cái tâm hay biến đổi của chúng sanh, lúc thiện , lúc ác. Đi tìm chim, cá mà mua để thả rồi tự ban cho mình cái vui phóng sanh, cũng là một việc làm do tâm hằng biến thúc đẩy. Ngoài xem là vị tha hơn vị kỷ, nhưng bề trong thì vì mình hơn vì các con thú ấy……Bổn phận người Phật tử là phải làm lành để trưởng dưỡng lòng từ bi.. gặp trường hợp độ sanh là phải độ sanh, gặp khi phải phóng sanh thì hãy cố mà phóng sanh, không luận ngày tháng, nơi chỗ. Tỏ lòng thương thú mà quên người, hay chỉ nghĩ đến người mà không nghĩ đến thú, là còn phân biệt bỉ thử, chưa phải người thấy cái chân lý: Tất cả là một, một là tất cả.” ( TQ số 69 , 10 /1957)

Báo xưa và báo nay

Bố cục chặt chẽ nhưng bao quát

Sau phần thông điệp hay lời nói đầu của tòa sọan về chủ điểm sẽ lần lượt là những mục :

Câu chuyện đạo pháp: Các tác giả có thể viết về kinh nghiệm hay suy nghĩ của mình như: Tôi đi nghe giảng kinh; Tham làm gì? Ý nghĩa thâm diệu trong việc lễ Phật…Hay từ một chuyện ngụ ngôn nào đó rút ra bài học đạo lý…

Phần giảng KINH và LUẬN: Đây là chuyên mục thường kỳ, dài hạn, những bộ kinh như   Phúc Báo, Viên Giác, Truyền tâm pháp yếu …(Dịch và giảng Hán Việt – có lúc  thêm bản dịch tiếng Pháp) và  phần Luận (ví dụ như Duy Thức phương tiện đàm), đăng nhiều kỳ…

Bài giảng về  phương pháp tu tập: Bi trí song tu, sám hối, niệm hương, trì danh niệm Phật…

Văn hóa Đông Tây: Gồm những bài về Thiền với kiếm đạo, hoa đạo, trà đạo, với Thi ca …Phật giáo trong mối quan hệ với các tôn giáo khác như Nho, Lão…

Truyện ngắn / Thơ

Trang Gia đình: Đây là một trang đặc biệt mà những ấn phẩm Phật giáo hiện nay không có. Thảng hoặc trên tạp chí Văn Hóa Phật Giáo hay Đạo Phật Ngày Nay có một vài bài viết về giáo dục hay tuổi trẻ với Phật Pháp, chứ không có trang riêng cho thanh thiếu niên và giáo dục gia đình. Ở đó, chúng ta thấy sinh hoạt Gia đình Phật tử (một tổ chức hướng đạo), nơi  huynh trưởng bày tỏ cảm nghĩ (những vấn đề giáo dục, văn nghệ tuổi trẻ …Những câu hỏi như: “Đạo Phật có thích hợp vối thanh niên không?” …)

   Danh từ Phật học: Trang giải thích những từ Hán Việt trong kinh điển hay những khái niệm Phật học cần phổ thông…

Ngôn ngữ dung dị, ý tứ thâm sâu

Nhưng điều làm chúng ta tâm đắc và cảm phục người xưa ở chỗ các Thầy hay cư sĩ đều sử dụng ngôn ngữ dung dị để truyền đạt tư tưởng uyên áo của nhà Phật. Một vài trích dẫn như khi nói về thiền, họ giảng giải:

“Thiền là gì? Thiền là suy gẫm về đôi đường thiện ác, tốt xấu, xem xét trong ta coi có những thói hư tật xấu nào? Muốn thấy cho rõ, nhận cho tường, cần phải chú ý đến sự xao động trong tâm hồn ta. Trong ta vừa phát ra một ý nghĩ gì, một tư tưởng gì, chúng ta phải biết rõ. Chú ý như thế là định…. Công phu đầu tiên này là công phu của ông chủ đương dẫm chân trên thửa vườn của mình để xem chỗ nào có cỏ… Trước thiền  định để quán sát thân tâm và tìm ra cỏ dại, bây giờ thiền định về những loại cây có thể ăn thứ cỏ ấy, tức gieo trồng những tánh tốt, nghịch với tánh xấu trước, để cho cái tốt nó đánh bạt cái xấu đi…”(Chánh Trí – Lối thiền định của nhà Phật. TC Từ  Quang số 71, tháng 12/1957) .

Định nghĩa về TU, họ dạy :

Tu bằng cách sửa méo thành tròn. Muốn sửa méo thành tròn phải luyện thế nào cho lòng thương trở thành vô ngại Đại bi, phải rèn trí thế nào cho đủ sức dung hóa tất cả đối tượng, tiêu dụng tất cả các mâu  thuẫn, cho ta người tâm cảnh thiện ác thánh phàm, năng sở, tất cả đều hỗn hợp thành một khối hồn nhiên, bất khả phân tích, rồi ở trong cái Đạo thể thuần túy, nhứt như ấy mà trên cầu Phật quả, dưới hóa chúng sanh, chuyển đời thành Đạo, chuyển phiền não thành Bồ đề, chuyển Ta bà thành Tịnh độ, chuyển sanh tử thành Niết bàn, rốt rồi cũng không còn thất “năng chuyển” và “sở chuyển” đối chiếu nhau. Được như vậy mới gọi là Bồ đề viên mãn, Phúc trí viên thành.” (Viên Pháp _ Bi trí song tu – TQ số 71)

 Khi nói về thiền trong mối quan hệ với trà đạo, hoa đạo, thậm chí kiếm đạo, cách viết của người xưa cũng rất khoáng đạt, mang đầy thiền vị:

“Người kiếm khách tuốt kiếm ra khỏi vỏ, khi cần và bất đắc dĩ, khích lệ bởi lòng chánh nghĩa, đức hy sinh bản ngã và tinh thần trung thực …chứ không phải lúc nào cũng tung kiếm bởi lòng ham muốn, cuồng giận hay vô ý thức. ….Ngài MUGAKU dạy người kiếm khách khi sử dụng một lưỡi kiếm diệt trừ vô minh phiền não trụ địa, là thứ lợi hại nhất trong các địch thủ của hành giả, trước nhất, phải nhập bất động trí. Khi trong tay đã có kiếm chánh trí, thì dễ nhập bất động trí, dù vọng tâm phiền não có đánh lừa thử thách thế mấy, vẫn không lay động nổi; tức là nhập vào Văn thù căn bản trí . …Sau khi nhập bất động căn bản trí rồi, dùng thế kiếm “Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm” thì phiền não vọng tâm không còn chỗ nào vin để khởi. (Quảng Minh - Zen với kiếm đạo-. TQ số 71)

Những chiêu thức PR

Tạp chí còn có  chương trình đăng ký độc giả dài hạn, số lượng lên đến 534 người (Nam Việt) 92 (Trung Việt) còn có 25 người nước ngoài (Lào, Campuchia và Pháp). Theo chỗ chúng tôi được biết những Tạp chí Phật giáo hiện nay cũng chỉ có khoảng trên dưới 1000 độc giả dài hạn (trong khi dân số VN đã tăng từ 27 triệu (1950) lên 88 triệu (!). Ngoài ra, Tờ báo còn tổ chức sổ xố Tombola làm từ thiện và xây chùa Xá Lợi với số tiền bán vé lên đến 200.000 vé bán trong vòng 50 ngày, sau đó sổ xố với những giải rất giá trị như xe Chrysler (300.000 đồng) hay Peugeot  (149.000 đồng). (Chúng ta biết tờ Từ Quang lúc đó giá 8 đồng / số).

Tạp chí cũng có phần giới thiệu sách mới (thường là của nhà in Sen Vàng, hay của ban Phát hành kinh sách Hội Phật học Nam Việt)

Tin tức cung cấp có liều lượng vừa phải, chừng mực về hoạt động Phật sự cả nước nhưng không quá 3 trang, nghĩa là không nhiều như một vài tờ báo Phật giáo hiện nay nhưng không quá ít như một số tờ khác. Tóm lại, tờ báo ấy xứng đáng lưu trữ, gìn giữ trong tủ sách cho đời sau.

Chúng tôi thiết nghĩ đó chính là giá trị đích thực mà những người làm báo hôm nay cần lưu tâm để cống hiến cho đời những ấn phẩm không chỉ đẹp về hình thức mà phong phú, súc tích về nội dung, góp tiếng nói hoằng dương Chánh pháp trong giai đoạn đạo đức suy vi cả trên bình diện quốc gia và thế giới, khi con người trên bờ vực khủng hoảng lòng tin và hoang mang tìm lẽ sống. Làm được như thế là tiếp nối ánh sáng “TỪ QUANG” cho mai sau!

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 10
    • Số lượt truy cập : 6059389