Thông tin

NGUỒN GỐC VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA LÝ TƯỞNG BỒ TÁT

 

THÍCH NỮ TRUNG TÍN

 

Mục đích duy nhất của giáo lý của Phật giáo là cứu khổ ban vui. Lý tưởng Bồ tát là một trong những giáo lý tiêu biểu thể hiện đặc điểm này trong sự nghiệp vì lợi ích cho mọi loài chúng sanh. Đặc biệt trong bối cảnh xã hội ngày nay khi con người trở nên đơn độc, lo lắng, căng thẳng, sợ hãi bất an trong một xã hội được mệnh danh là văn minh này, giáo lý này lại càng trở nên có ý nghĩa. Rõ ràng, trong kỷ nguyên của công nghệ truyền thông và kỹ thuật tiên tiến con người đã gặt hái những tiến bộ lớn trong vật chất nhưng để lại những vấn đề không giải quyết được như sự đau khổ, nghèo nàn, bệnh tật, bất đồng quan điểm lòng thù ghét, ghen tị, nghi ngờ chiến tranh. Làm thế nào để giải quyết những vấn nạn mà con người đang đối mặt; làm thế nào để người ta có được một nếp sống thật sự an lành, hạnh phúc trong hai phương diện vật chất và tinh thần. Người viết nghĩ rằng giáo lý Phật giáo, cụ thể là giáo lý Bồ tát, có thể là một giải pháp hữu hiệu để con người xây dựng lại sự quân bình cho chính mình trong một thế giới đầy biến động này. Đây có thể xem là một nghệ thuật sống có thể tạo dựng nên cuộc sống thăng bằng cả tinh thần lẫn vật chất.

Bồ tát từ Phật giáo Nguyên thủy đến Đại thừa:

Bồ Tát (Pàli: Bodhisatta- Sanskrit: Bodhisattva) có nghĩa là một chúng sanh tha thiết đạt được sự giác ngộ1, hay là “một chúng sanh giác ngộ” (bodhi - being). Theo từ nguyên học, thuật ngữ kết hợp bởi 2 từ: Bodhi với ý nghĩa là giác ngộ, tỉnh thức và Sattva có nghĩa là hữu tình, năng lực, nhiệt tâm... Như vậy, Bodhisattva có nghĩa là một hữu tình giác ngộ, hay người có năng lực hướng đến giác ngộ.

Căn cứ vào kinh tạng Pali chúng ta thấy rằng giáo lý Bồ tát có nguồn từ Phật giáo Nguyên thủy, vì theo một số định nghĩa vừa nêu, Bồ tát là một danh từ chung nhằm chỉ đến một chúng sanh (con người) đang đi trên con đường hướng đến giác ngộ những lời dạy sau chứng minh lập luận trên: “Và này các Tỳ kheo ta cũng vậy trước khi giác ngộ, khi chưa chứng chánh đẳng giác khi còn là Bồ tát, tự mình bị sanh lại tìm cầu cái bị sanh, tự mình bị già lại đi tìm cầu cái bị già tự mình bị bệnh… tự mình bị chết, tự mình bị sầu… tự mình bị ô nhiễm lại tìm cầu cái bị ô nhiễm2.

Rõ ràng đoạn kinh trên đã cho chúng ta thấy rằng không có gì khác nhau giữa đức Phật trước khi Ngài chứng ngộ và một chúng sanh đang đi trên con đường hướng đến giải thoát giác ngộ. Vì vậy, cần phải xác định rằng từ Bồ tát không chỉ là tư tưởng đặc quyền của Phật giáo Bắc truyền mà thật sự nó xuất hiện trong kinh tạng Nikàya của văn điển Pali. Giáo sư Har Dayal đã khẳng định rằng từ ngữ Bồ tát đã xuất hiện và được sử dụng nhiều nơi trong kinh tạng Nikàya.

Trong bài kinh “Bài giảng những phẩm chất phi thường và kỳ diệu”, kinh Trung Bộ, từ ngữ Bồ tát là phản ánh một cách cụ thể về đời sống của đức Phật Gotama trước ngày thành đạo. Khi còn là thái tử của kinh thành Kapilavattha (Ca Tỳ La Vệ). Ngài là một chúng sanh phải chịu khổ đau trong vòng sanh tử như chúng sanh chúng ta, nhưng rồi từ bỏ cuộc sống thế tục giàu sang để trở thành đạo sĩ lang thang tìm cầu chân lí. Này Aggivessana trước khi ta giác ngộ, chưa chứng chánh đẳng giác khi còn là Bồ tát ta suy nghĩ như sau…”3.

Một bước tiến về triết lý của “Bồ tát” trong kinh tạng Pali có thể được nhận thấy rõ trong các bộ Nikàya kiết tập ở thời đại đặc biệt là kinh Bổn Sanh (Jataka) thuộc Tiểu bộ kinh nhằm diễn đạt vô số đời sống trước của đức Phật Gotama. Chuyện tiền thân của đức Phật, chuyện kể kiếp quá khứ liên quan đến hiện tại kết hợp lại sau đó chỉ ra một nhân vật trong quá khứ và nổi lên sự liên hệ giữa các nhân vật một ví dụ trong kinh Bổn Sanh:“Thuở xưa trong nước Kasa tại thành Brahmadatta. Khi ấy vị Bồ tát được sanh trong gia đình chủ đoàn lữ  hành4. Ý nghĩa của Bồ tát đã được ứng dụng với nhiều hoàn cảnh và cấp độ khác nhau để phù hợp với môi trường, thời gian và không gian mở đường cho tất cả phương pháp phân tích, giải thích, ứng dụng đúng lời đức Phật dạy.

Những tác phẩm sau này như Phật sử (Buddhavaṃsa), Sở Hạnh Tạng (Cariyapitaka), chú sớ Pāli và kinh Đại thừa tiếp tục phát triển khái niệm Bồ tát. Nguyên thủy không chấp nhận nhiều vị Phật và Bồ tát ở trời Tusita. Như chúng ta biết tư tưởng của Tiểu thừa là giải thoát cá nhân, không lấy việc độ tha làm điều tất yếu. Thinh văn được xem là lý tưởng tối cao của Nguyên thủy. Còn việc hành Bồ tát đạo như Đại thừa họ không chú trọng, đôi khi tự cho rằng mình không đủ khả năng để hoá độ tất cả chúng sinh như hạnh nguyện của Bồ tát Đại thừa. Theo Tiểu thừa, trải qua hàng ức triệu năm mới có một đức Phật ra đời. Như vậy không có hai vị Phật cùng ra đời. Họ chỉ chấp nhận vị Bồ tát tiền thân Phật Thích Ca, không chấp nhận các vị Bồ tát khác như Văn Thù, Phổ Hiền hay Quan Âm.

Ðại thừa có chủ trương khác, họ cho rằng mọi người đều có khả năng thành Phật, giác ngộ. Vị đã giác ngộ có trách nhiệm giúp người khác giác ngộ. Quan điểm của Ðại thừa có tính nhập thế, tham gia làm lợi ích cho xã hội. Như vậy mọi người đều có thể là Bồ tát có trách nhiệm giáo hóa quần sinh. Đại thừa giải thích có vô số Phật và Bồ tát trên cõi trời Tusita. Các ngài thực hành hạnh lợi tha. Luôn tích cực hoạt động phục vụ chúng sinh. Giáo lý Bồ tát Đại thừa đề cập đến các vị Phật trong tương lai. Chư Bồ tát đang hành Bồ tát đạo để chứng đắc Phật quả trong tương lai như Phật Di Lặc. Như vậy sự phát triển lý tưởng Bồ tát của Đại thừa Phật giáo dựa trên cơ sở lý tưởng Nguyên thủy. Theo Đại thừa, một vị Bồ tát không nhất định phải là những nhà tu hành và theo đạo Phật, Bồ tát bao gồm đủ mọi hạng người. Bồ tát thật sự là Bồ tát khi không còn chấp thủ một điều gì và luôn có tâm buông xả tất cả kể cả hạnh phúc của riêng mình, thực hành 6 pháp Ba-la-mật. Trong kinh Bát Nhã, Bồ tát thường kết hợp từ Đại nhân (Mahāsattva). Chúng ta thấy sự phân chia bộ phái trong Phật giáo bắt đầu từ thời kỳ kiết tập kinh điển lần 2. Với sự tách biệt của Đại chúng bộ cũng góp phần cho việc phát triển khái niệm Bồ tát trong văn chương đại chúng, nó đánh dấu sự bắt đầu của Đại thừa. Giáo lý của Phật giáo là vừa lý thuyết và thực hành, trước tiên hành giả phải hiểu thông đạt được lý thuyết sau đó mới áp dụng vào thực tiễn qua việc tu tập, rèn luyện tinh thần. Hành giả sẽ loại trừ trạng thái tiêu cực của tinh thần và đạt được sự an lạc của Niết bàn. Mỗi chúng sanh có khả năng đạt được trạng thái an lạc này. Đến đây chỉ đạt được tự lợi, tư tưởng Bồ tát nhấn mạnh đến lợi tha. Tuy mình được an, mình không làm tổn hại ai nhưng mình chưa đem lại lợi ích cho số đông, cho nhiều  người thì chưa phải tinh thần Bồ tát Đại thừa.

Bồ Tát Hạnh:

Theo tư tưởng của các kinh Đại thừa, Bồ tát đã giác ngộ, không còn bị vướng trong vòng sinh tử luân hồi nhưng do hạnh nguyện nên sinh vào các cõi để giáo hóa độ sinh. Bồ tát đang trong giai đoạn tu tập, thực hành Bồ tát đạo, tu học để tiến đến quả vị Bồ tát. Bồ tát nguyện, Bồ tát hạnh và Bồ đề tâm là ba yếu tố quyết định đưa đến Phật thừa. Khi Bồ tát phát thệ trước một vị Phật để trở thành một vị Phật tương lai, đem lại lợi ích, an lạc, và giải thoát cho tất cả chúng sanh, đó là lúc ngài thực hành Bồ tát hạnh. Sơ phát tâm Bồ tát phải hoàn thành một số điều kiện (8 điều kiện). Người phát tâm phải là chúng sanh, phát triển tinh thần đầy đủ để trở thành một vị A-la-hán trong chính đời này... Khi thệ nguyện trước một vị Phật, Bồ tát phải có định tâm và có thể sẵn sàng hy sinh tánh mạng. Thệ nguyện hoàn toàn bất thối. Phát tâm Bồ đề là phát tâm tu tập đạt được giác ngộ và giáo hóa giải thoát cho tất cả chúng sanh. Đây là phát tâm đạt được đại trí, trí thấy được tính không của các pháp và tâm đại bi giáo hóa, giải thoát cho tất cả chúng sinh. Bồ-tát phát nguyện hy sinh 5 loại: Từ bỏ vợ, con, vương quốc, cuộc sống, tánh mạng. Từ khi phát tâm Bồ-tát cho đến khi Ngài chứng đạt giác ngộ, tất cả hoạt động của Ngài đều hướng về việc thực hành các pháp hoàn thiện (pāramiā, ba-la-mật). Những sự hoàn thiện này được liệt kê hơi khác nhau giữa Pāli và Sanskrit. Tuy nhiên trên cơ bản giống nhau. Đây là những pháp giúp hoàn thiện đạo đức, tinh thần và lợi tha. Theo hệ Sanskrit chỉ có 6 ba-la-mật. Sáu ba-la-mật được đề cập trong các tác phẩm Phật giáo Sanskrit như: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ. Bốn loại ba-la-mật phụ: Tiện, nguyện, lực, trí. Thánh điển Pāli liệt kê là 10 ba-la-mật. Thời gian hành Bồ tát hạnh dài ngắn khác nhau: Có vị thực hành ba-la-mật thời gian ít nhất bốn a-tăng-kỳ-kiếp (asankheyyas) và một ngàn kiếp (kappas), những vị khác ít nhất tám a-tăng-kỳ-kiếp và một trăm ngàn kiếp (kappas), nhưng cũng có vị đến mười sáu a-tăng-kỳ-kiếp và một trăm ngàn kiếp (kappas). Trong tất cả các giai đoạn, giai đoạn thứ nhất có thời gian ít nhất dành cho những vị có trí tuệ siêu việt, giai đoạn hai dành cho những vị có tín tâm siêu việt, gian đoạn còn lại dành cho những vị có sự kiên nhẫn siêu việt. Qua cuộc sống hành đạo của Bồ tát trong nhiều kiếp quá khứ, chúng ta thấy rằng các vị luôn tinh tấn, nỗ lực để đạt được đại bi và đại trí. Mỗi hành giả cần phải trải qua nhiều đời tu tập mọi công hạnh mới chứng đạt được các quả vị. Thế nhưng đối với người lợi căn giác ngộ cũng có thể đạt  được trong một thời gian nhất định nào đó. Có nghĩa là trong một thời gian ngắn không cần trải qua nhiều kiếp tu tập. Kinh cũng thường khẳng định rằng sự chứng đạt diễn ra trong đời này, bắt buộc hành giả phải có một số phẩm chất cần thiết. Nguyện lực là điều quan trọng của Bồ tát. Nhờ nguyện lực mà Bồ tát kiến tạo Phật quốc, không phải chỉ phát nguyện trong một đời mà nhiều đời, nhiều kiếp trong vòng luân hồi để cuối cùng thực hiện được nguyện lực. Nguyện lực có 2: tổng nguyện và biệt nguyện.

Tổng nguyện là nguyện mang tính chung. Nguyện tiêu biểu của tất cả Bồ tát như Tứ hoằng thệ nguyện. Đây là tinh thần đặc sắc của Ðại thừa, tinh thần thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh. Biệt nguyện là lời thệ nguyện đặc thù của mỗi vị Bồ tát. Mỗi vị Bồ tát có những nguyện lực riêng biệt, như Dược Sư có 12 nguyện, A Di Ðà có 48 nguyện. Các vị phát đại nguyện cứu giúp chúng sanh khi nào chúng sanh còn khổ thì các Ngài chưa thành Phật.

Ý NGHĨA VÀ GIÁ TRỊ CỦA LÝ TƯỞNG BỒ TÁT

Lý tưởng Bồ tát Đại thừa là một hệ luận sâu sắc trong giới nghiên cứu Phật giáo. Phật giáo Nguyên thủy tin rằng duy nhất có đức Phật Cù Đàm mà những kiếp trước của Ngài là một Vị Bồ tát. Trong kinh Bổn Sanh dạy Bồ tát được tính từ kiếp khởi đầu khi Ngài là một Bà la môn Tịnh tuệ cho đến kiếp cuối cùng của Ngài trên cung trời đâu suất là một vị Bồ tát, Ngài đã sống như một đời như người bình thường luôn làm điều tốt  và tránh điều xấu. Trong nhiều kiếp Ngài đã hy sinh kể cả thân mạng để thực hành trọn vẹn sáu hạnh Ba la mật hoặc mười Ba la mật. Phật giáo Đại thừa tin rằng họ đã phát triển phong phú khái niệm Bồ tát của Phật giáo Nguyên thủy trong thế giới con người có những Bồ tát phát Bồ đề tâm tu tập các hạnh nguyện Ba la mật như vậy và sẽ trở thành Phật. Sự phát Bồ đề tâm đòi hỏi Bồ tát phải hy sinh bản thân trong nhiều đời và khi nào chúng sanh giải thoát hết thì mới đến Ngài giải thoát. Nếu chỉ giải thoát cho riêng mình trước người khác thì ý nghĩa của Bồ đề tâm sẽ không phát triển. Theo các nhà Đại thừa Bồ tát nhiều vô số như cát sông Hằng không thể đếm hết được. Bản thể của mỗi chúng sanh là một vị Bồ tát, bởi mỗi con người đều có chủng tử hay bản chất để trở thành Bồ tát trong đời này và nhiều đời kế tiếp. Có nhiều tướng mạo cụ thể và đức hạnh riêng biệt được gắn cho một Bồ tát, có nhiều hình tướng và nhiều biểu tượng khác nhau để đáp ứng mục đích tín ngưỡng thờ phượng với những nghi thức tôn giáo Bồ tát không chỉ thấy và hiểu như thật được hoàn cảnh của chúng sanh mà còn cố gắng để đi theo con đường của đức Phật với mục đích giải thoát cho chính mình cứu chúng sanh trong thế giới đau khổ đi theo con đường chân chính này. Bồ tát có hạnh nghiệp thực hành đầy đủ các Ba la mật mà còn tu tập nhiều phương pháp thiền định hướng đến giải thoát - pháp không - chân không chân như… Từ Bồ tát này rất đa dạng và phong phú điều này, tuy nhiên nó có thể được xem như là một hiện tượng nổi bật của bước ngoặt lịch sử trong đó ý nghĩa và giá trị của từ Bồ tát đã trải qua nhiều thay đổi trong tiến trình phát triển giáo lý và tiến hóa lịch sử, Bồ tát được đề cập trong giáo lý của Phật giáo cả Phật giáo Nam truyền và Phật giáo Bắc truyền chỉ chuyển tải cùng một nội dung và ý nghĩa.

Bồ tát là những bậc được kết tinh bởi những đức hạnh cao quí tuyệt vời của đức Phật và được thánh hóa để trở thành nhu cầu của quần chúng. Nếu con người ở một thời đại khao khát tri thức, trí tuệ thì tính chất trí tuệ đó được thánh hóa và đặt lên hàng đầu với hình tượng biểu trưng của một vị Bồ tát (Bồ tát Văn Thù) khi nhân loại đang cần tình thương và sự che chở bảo hộ cần một bàn tay hiền từ để tưới tẩm, cảm thông và xoa dịu nỗi đau thì hình ảnh Bồ tát (Bồ tát Quan Âm) làm chỗ dựa cho tâm hồn họ. Hành động của một vị Bồ tát là tuyệt đối vị tha với đức từ bi vô lượng, lòng bác ái vô biên xuyên qua bao kiếp sống của các Ngài không ngừng sự nỗ lực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần giúp đỡ mọi con người bằng trăm phương ngàn cách để làm giảm bớt mọi khổ đau phiền não cho chúng sanh. Muốn thành tựu các hạnh nguyện Bồ tát thì các Ngài cũng hoàn thiện các công hạnh tu tập tự thân để thành tựu đạo quả. Bồ tát tích cực thực hành Bồ tát hạnh, hành trì các Ba la mật. Nói về công hạnh Bồ tát thì sự nỗ lực của các Ngài để trở thành bậc giác ngộ thì vai trò của Ba la mật trở nên rất quan trọng. Sự tu tập của các Ngài phải trải qua nhiều giai đoạn và pháp môn như ở đây chúng ta chỉ đề cập đến 10 Ba la mật trong kinh tạng Pali và Sanskrit. Đây là giai đoạn của Bồ tát hạnh phát khởi Bồ đề tâm để từ một chúng sanh thành một vị Bồ tát hoàn toàn giác ngộ. Bồ tát là phải tu tập sáu Ba la mật hay mười Ba la mật. Các Ba la mật đề cao về mặt đạo đức và nguyên lý thực tiễn để xác định hoạt động của một chúng sanh trong đời sống hàng ngày.

Mười Ba la mật trong kinh tạng Pali:

1. Bố thí Ba la mật: Bồ tát bố thí bình đẳng cho tất cả chúng sanh mà không màng đến chúng sanh đó có xứng đáng hay không. Trong kinh Bổn Sanh kể nhiều câu chuyện về Bồ tát hoàn thành bố thí Ba la mật. Như trong những kiếp trước của đức Phật, lúc đó ngài chỉ là một Bồ tát dù bằng hình thức nhân hay phi nhân để thực hiện hạnh bố thí. Trong kinh Bổn Sanh kể Bồ tát là chúa của loài khỉ bị quân lính của vua xứ Vārāṇasi tấn công. Để cứu đàn khỉ, chúa khỉ lấy thân mình giăng làm cầu cho đàn khỉ chạy thoát. Trong truyện Bổn sanh Bồ tát là chú thỏ rừng. Để giữ trọn như lời đã hứa, thỏ hiến thân mình chết thay cho con thỏ khác. Trong truyện hoàng tử Thiện hữu để thực hiện lời nguyện bố thí Ba la mật, hoàng tử không chỉ bố thí lâu đài thành quách mà ngay đến vợ đẹp, con thơ và cả thân thể tứ chi của ngài...

2. Giới Ba la mật: Để ngăn ngừa những ác nghiệp, Bồ-tát tu tập trì giới Ba la mật.

3. Nhẫn nhục Ba la mật: Bồ tát tu tập nhẫn nhục Ba la mật ngay cả khi tay và chân Bồ tát có bị chặt đứt như câu chuyện Bồ tát Nhẫn nhục trong kinh Bổn Sanh.

4. Tinh tấn Ba la mật: Vì an lạc và hạnh phúc của người khác, Bồ tát tu tập tinh tấn. Tinh tấn không có nghĩa là sức mạnh của thân thể mà là sức mạnh của tinh thần siêu vượt, bền bỉ để thực hành thiện hạnh lợi ích người khác. Chính tinh tấn Ba la mật này, Bồ tát đã tự nỗ lực không mệt mỏi. Đây là một trong những phẩm cách nổi bật của Bồ tát. Trong kinh Bổn Sanh đã mô tả có một chiếc tàu bị chìm ngoài biển bảy ngày, Bồ tát nỗ lực kiên trì không từ nan, cuối cùng ngài được thoát. Thất bại là bước thành công, nghịch cảnh làm gia tăng sự nỗ lực, nguy hiểm làm mạnh thêm ý chí kiên cường vượt qua những khó khăn chướng ngại (thường dễ làm giảm nhiệt tình và mất nhuệ khí của kẻ yếu đuối). Bồ tát nhìn thẳng vào mục đích của mình, ngài sẽ không bao giờ thối chuyển cho tới khi đạt được mục đích cao thượng.

5. Xuất ly Ba la mật: Để phạm hạnh thanh tịnh, Bồ-tát từ bỏ gia đình sống đời sống xuất ly không nhà, an trú trong các thiền định để loại trừ các phiền não chấp thủ mà sống theo tinh thần vô ngã. Bồ tát sẵn sàng hy sinh an lạc của chính mình để vì sự lợi ích của người khác. Mặc dù, nếu Bồ tát sống trong đời sống xa hoa, khoái lạc ngũ dục, nhưng Ngài đã hiểu bản chất ngắn ngủi của nó và giá trị của sự xuất ly. Tuệ tri sự hão huyền trong dục lạc, ngài tự nguyện rời bỏ những của cải trần thế, hoàng bào, vàng bạc, chỉ đắp một y phấn tảo đơn giản của sa môn và sống một đời sống phạm hạnh, giải thoát và vô ngã. Không có tham đắm, liệu đó là danh tiếng, giàu có, danh dự và thành đạt trần thế hoặc bất cứ điều gì hấp dẫn mê hoặc Ngài làm điều trái ngược với phạm hạnh.

6. Trí tuệ Ba la mật: Do tuệ giác nên biết được điều gì là lợi ích và điều gì là tổn hại chúng sanh, Bồ tát liền thanh tịnh hóa trí tuệ của mình.

7. Chân thật Ba la mật: Khi Bồ tát đã chân thành hứa một việc gì thì Ngài sẽ thực hành cho bằng được. Vì vậy, chân thật Ba la mật là một phẩm hạnh của Bồ tát. Ngài sẽ hành động như Ngài nói và sẽ nói như Ngài hành động. Trong truyện Bổn sanh kể về Bồ tát tu tập chân thật Ba la mật. Ngài rất thành tâm, tốt bụng và đáng tin cậy. Bồ tát chỉ nói điều gì mà Ngài nghĩ. Lời nói, tư tưởng và hành động hòa hợp với nhau. Ngài không bao giờ nịnh bợ để cầu sự hỗ trợ của người khác, không ca tụng về mình để cầu người ngưỡng mộ, không ẩn dấu những khuyết điểm thiếu sót của mình. Ngài được tán dương là bậc từ bi, chân thật kính trọng lời hứa của người khác như lời hứa của chính mình.

8. Nguyện Ba la mật: Là năng lực ý chí kiên cố. Không có nguyện Ba la mật này thì các Ba la mật khác không thể hoàn thành được. Nguyện được xem như là nền móng của tòa cao ốc. Chính năng lực ý chí này khiến Bồ tát vượt qua tất cả chướng ngại như bịnh hoạn, đau khổ, tai nạn và ngài không bao giờ lùi bước trên đường Bồ tát hạnh. Thái tử Sĩ-đạt-đa đã lập lời nguyện kiên cố từ bỏ các thú vui của hoàng gia và đi tìm giải thoát. Trải qua sáu năm dài tu tập và tranh đấu tâm linh, Ngài đã đối mặt với biết bao khổ đau và khó khăn, nhưng Ngài vẫn không lui sụt ý chí. Ngài là một người có ý chí sắt đá và chỉ rung chuyển bởi những ý tưởng cao thượng. Không ai có thể cám dỗ Ngài làm điều ngược với nguyên lý đạo đức. Tâm ngài vững như đá nhưng cũng mềm mại và tốt đẹp như một bông hoa.

9. Từ tâm Ba la mật: Với từ tâm vô lượng, Bồ tát có thể giúp đỡ tất cả chúng sanh hết lòng mà không mệt mỏi. Trong tiếng Phạn (Sanskrit) metta là Maitrī nghĩa là nhân từ, thiện chí và thương tất cả chúng sanh mà không phân biệt. Chính từ tâm này, Bồ tát có thể từ bỏ giải thoát cá nhân vì lợi ích cho những chúng hữu tình khác, không phân biệt giai cấp, tín ngưỡng, màu da và giới tính.Vì Bồ tát là biểu tượng của từ tâm bao la, ngài không làm ai sợ cũng không ai làm ngài sợ. Ngài thương yêu tất cả với tình yêu vô bờ bến.

10. Xả Ba la mật: Xả tâm Ba la mật hay còn gọi là bình tâm Ba la mật. Bởi vì xả tâm nên Bồ tát thi ân mà không cần đáp trả. Từ Pali Upekkha là bao gồm upa nghĩa là vô tư, công bằng và đúng đắn và ikkha nghĩa là thấy hoặc quan điểm. Theo từ nguyên học của từ này là quan điểm đúng đắn, vô tư, không chấp thủ hoặc thiên vị. Xả tâm ở đây không mang ý nghĩa là lạnh lùng hay trạng thái trung lập. Khó nhất và cần nhất cho các Ba la mật khác là xả tâm này, đặc biệt đối với cư sĩ sống trong thế giới bất bình đẳng với những thay đổi bất thường. Sự khinh khi, xúc phạm, khen, chê, được, mất, buồn, vui thường xảy ra trong đời sống con người. Giữa những thăng trầm đó, Bồ-tát lặng tĩnh vững chắc như tảng đá và thực hành hạnh xả tâm ba-la-mật nhẹ nhàng.

Trong kinh tạng Pali, mười Ba la mật này được xem là mười đức hạnh siêu vượt, mười năng lực mà Bồ tát tu tập tích cực vì lòng từ cho số đông, chư thiên và loài người.

Mười Ba la mật Trong Sanskrit

Theo văn học tiếng Phạn (Sanskrit), khái niệm Ba la mật có hai loại: chính và phụ.

Có sáu Ba la mật chính như:

1. Bố thí Ba la mật (Dāna)

2. Trì giới Ba la mật (Sīla,)

3. Nhẫn nhục Ba la mật(Kṣānti,)

4. Tinh tấn Ba la mật (Vīrya)

5. Thiền định Ba la mật (Dhyāna,)

6. Trí tuệ Ba la mật (Prajñā)

Và bốn Ba la mật phụ như:

1. Phương tiện Ba la mật (Upāya)

2. Nguyện Ba la mật (Praṇidhāna,)

3. Lực Ba la mật (Bala,)

4. Trí Ba la mật (Jñāna)

Trong khi bốn Ba la mật phụ trong văn học Pali là:

1. Nguyện Ba la mật thay cho Thiền định Ba la mật trong kinh tạng tiếng Phạn.

2. Chân thật Ba la mật thay Phương tiện Ba la mật trong kinh tạng tiếng Phạn.

3. Từ tâm Ba la mật thay cho Lực Ba la mật trong kinh tạng tiếng Phạn.

4. Xả Ba la mật thay cho Trí Ba la mật trong văn học tiếng Phạn.

Sáu Ba la mật chính này giống như sáu Ba la mật được đề cập trong các kinh tạng tiếng Phạn khác như Thần thông du hí kinh, Phật bản hạnh tập kinh dị bản (Mahāvastu), Bát thiên tụng Bát nhã Ba la mật kinh (Aṣṭasāhaśrikā Prajñā-pāramitā), Từ bi Liên hoa kinh (Karuṇāpuṇḍarīka), kinh Soạn tập bá duyên (Avadāna-Cataka), kinh Đại thừa Đại trang nghiêm (Mahāyāna-sūtrālaṅkāra), kinh Pháp số danh tập kinh dị bản (Dharmasaṅgraha), Tam muội vương kinh (Samādhi-rāja Sūtra), Bồ tát địa kinh (Bodhisattva-bhūmika Sūtra). Mặt khác bốn Ba la mật phụ như thường thấy trong các kinh như Đại thừa Đại trang nghiêm kinh (Mahāyāna-sūtralaṅkāra), kinh Danh nghĩa Đại tập (Mahāvyutpatti), kinh Pháp số danh tập kinh dị bản (Dharmasaṅgraha) và kinh Thập địa (Daśabhūmika Sūtra).

Điều này đã cho chúng ta thấy sáu Ba la mật được đề cập nhiều với các đoạn dài trong kinh tạng tiếng Phạn trong khi bốn Ba la mật phụ sau chỉ được ít kinh đề cập và không được giải thích nhiều. Nghiên cứu kinh điển Phát triển mà không nắm vững hệ thống Nguyên thủy thì độ chuẩn xác không cao. Nếu coi kinh tạng Nguyên thủy là “thấp kém” thì rất là sai lầm và nguy hiểm. Cây đại thọ giáo pháp phải là một cây hoàn hảo từ gốc rễ cho đến ngọn ngành.

Tiểu thừa được phát triển mạnh nhất từ khi Phật nhập Niết bàn đến Công nguyên. Đại biểu phái này cho rằng mình theo sát những lời dạy nguyên thủy của đức Phật, do chính đức Phật nói ra. Giới luật của Tiểu thừa hoàn toàn dựa vào Luật tạng. Trong A-tì-đạt-ma, Tiểu thừa dựa trên kinh tạng để phân tích và hệ thống hóa giáo lí của Phật.

Tiểu thừa tập trung tuyệt đối vào con đường đi đến giải thoát. Các lý luận triết học không đóng vai trò quan trọng - chúng thậm chí được xem là trở ngại trên đường giải thoát. Tiểu thừa phân tích rõ trạng thái của đời sống con người, bản chất sự vật, cơ cấu của chấp ngã và chỉ ra phương pháp giải thoát khỏi sự Khổ (sa. duḥkha). Tất cả các trường phái Tiểu thừa đều có một quan điểm chung về sự vật đang hiện hữu: khổ có thật, phải giải thoát khỏi cái Khổ. Giải thoát khỏi luân hồi (sa., pi. saṃsāra), thoát khỏi sự tái sinh và đạt Niết-bàn (sa. nirvāṇa) là mục đích cao nhất của Tiểu thừa. Muốn đạt được mục đích này, hành giả phải dựa vào sức mình, xa lánh thế gian. Vì vậy Tiểu thừa quan niệm phải sống viễn li, sống cuộc đời của một kẻ tu hành. Đối với Tiểu thừa, cuộc sống tại gia không thể nào đưa đến sự giải thoát. Hình ảnh tiêu biểu của Tiểu thừa là A-la-hán (sa.arhat), là người dựa vào tự lực để giải thoát.

Tiểu thừa tránh không đưa lí thuyết gì về Niết-bàn, mục đích cuối cùng, là kinh nghiệm của sự giác ngộ, trong đó, hành giả chứng được vô ngã và từ bỏ tham ái. Đối với Tiểu thừa, Phật là một nhân vật lịch sử, được xem là một con người và thầy dạy, không phải là hóa thân của một thật thể nào. Giáo pháp cơ bản của Tiểu thừa gồm có Tứ diệu đế, Duyên khởi (sa. pratītyasamutpāda), thuyết Vô ngã (sa. anātman) và luật nhân quả, Nghiệp (sa. karma). Phép tu hành của Tiểu thừa dựa trên Bát chính đạo.

Theo quan điểm của Đại thừa, sở dĩ phái này được gọi là “tiểu thừa” vì - ngược lại với chủ trương của Đại thừa là nhằm đưa tất cả loài hữu tình đến giác ngộ - phái Tiểu thừa chỉ quan tâm đến sự giác ngộ của cá nhân mình. Chủ trương này được xem là giáo pháp sơ cấp của Phật vì sau đó Phật giảng giáo pháp toàn vẹn hơn, giáo pháp Đại thừa. Như kết quả, những cải cách tất yếu và rất cần thiết đúng lúc của Phật giáo mục đích vì lợi ích cho số đông ở những thời điểm lịch sử nhất định nào đó đã dẫn đến một Đại thừa (Bắc truyền) là những hình ảnh sống động và tích cực của một Phật giáo duy nhất xuyên qua nhiều thời đại với mục đích thức tỉnh tất cả chúng sanh rằng các pháp là ngắn ngủi (anitya), tạm thời (kṣaṇik), biến đổi (santāna) và không có thực thể (anātmakaṁ) để tu tập tương ứng theo lời đức Phật dạy về Lý duyên khởi (Pratītyasamutpāda), từ bỏ các tham dục (rāga), sân hận (dveṣa), si mê (moha) và tự thức tỉnh.

Qua đó ta có thể nói sự kế thừa về lý tưởng Bồ tát của Phật giáo Nguyên thủy hay Phật giáo Đại thừa đều là giáo pháp tinh diệu. Mối liên hệ này có nhịp nối mật thiết với nhau, nó là sự tiếp diễn quá trình phục hồi bằng ngôn ngữ của biểu tượng. Thông qua biểu tượng đó, mà ta có thể hiểu và thể nghiệm nó bằng những chất liệu tươi ngon nhất của hương vị giải thoát, bắt nguồn từ cây Nguyên thủy và cho hoa trái của Đại thừa. Như Hòa thượng Thích Minh Châu. Ngài nhận định: “Không có Đại thừa, hay Tiểu thừa, Nam tông hay Bắc tông, sở dĩ có phân chia tông phái là sự diễn biến của lịch sử và sự truyền bá của đạo Phật qua nhiều truyền thống, văn hóa, ngôn ngữ, phong tục, quốc độ khác nhau, và tông phái nào cũng chấp thuận một số giáo lý căn bản chung cho tất cả truyền thống”.

Chúng ta thấy rằng Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Đại thừa có sự liên hệ chặt chẽ với nhau trong từng giai đoạn của sự phát triển. Phật giáo Nguyên thủy đã bị vu oan trong những giai đoạn dài của lịch sử. Bên cạnh đó Phật giáo Đại thừa lại bị thâm trầm trong dòng chảy của những định kiến về tông phái. Bởi những quan kiến cố hữu và không bao giờ mở rộng cõi lòng để đón những giọt sương long lanh thấp thoáng trong ánh ban mai của đạo giải thoát. Quan điểm đó đã đưa Phật giáo đi rất xa những điều thiết thực của cuộc sống mà trong lời dạy của đức Phật luôn muốn nhắc nhở chúng đệ tử. Những tranh biện và những ý kiến của suy nghĩ cá nhân đã làm cho ánh sáng Phật giáo đang bị mất dần. Giữa sự ảm đạm của bầu trời tranh biện ấy, Đại thừa Phật giáo đã xuất hiện để khôi phục lại Phật giáo Nguyên thủy bằng phương pháp của riêng mình. Sự thích nghi với thời đại để rồi vận dụng những giáo lý nền tảng thành những đặc thù của mình đã mở ra những giai đoạn vàng son cho Phật giáo. Bằng nỗ lực nghiên cứu chứng minh của những nhà Phật học tâm huyết Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa được trả về với đặc tính vốn có của nó. Bằng những sử liệu sống động trong kinh tạng và tư tưởng trong Nguyên thủy Phật giáo.

Ngày nay trong chúng ta nếu không thay đổi những quan niệm sai lệch và chủ nghĩa cá nhân của mình thì một lần nữa ta sẽ đi trên vết xe của các bộ phái đã từng đi qua. Sự phân biệt về tông phái đã làm cho toàn thể Phật giáo có một bức tường vô hình ngăn cách không thể vượt qua. Cho nên chúng ta cần tiến lại gần nhau hơn xóa bỏ đi những định kiến của cá nhân, tông phái, mới có thể kế thừa những tinh hoa của đức Phật đã để lại. Có như thế thì Phật giáo mới có thể đáp ứng trọn vẹn nhu cầu của thời đại. Là quay về để tự điều phục mình, tự nương tựa chính mình, được vậy mới đem lại sự an lạc cho mình và mọi người.

LÝ TƯỞNG BỒ TÁT TRONG CUỘC SỐNG THỜI HIỆN ĐẠI

Chúng ta là hành giả học Phật phải ứng dụng hành theo hạnh nguyện của Bồ tát, phải tâm nguyện từ bi nhẫn nhục, biết lắng nghe, phải có trái tim đồng cảm với mọi người, phải phát nguyện hoài bảo an vui cứu khổ cho chúng sanh, đem đến cho mọi người có cuộc sống thanh bình ấm yên hạnh phúc, phải biết kết nối trong tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Dù mình có chút cực nhọc thiệt thòi nhưng tâm vẫn luôn trong sáng tươi vui lấy niềm vui của người là của mình, muốn được như thế thì chúng ta phải tu tập hằng ngày, trong từ cử chỉ động niệm, đi đứng ngồi nằm đều giữ gìn oai nghi, tế hạnh luôn chánh niệm tỉnh giác. Lấy đó làm quy tắc để thúc liễm thân tâm rủ lòng từ đến muôn loài. Đối với xã hội ngày nay, càng phát triển khoa học kỹ thuật thì đạo đức con người càng một xuống cấp thường vô tâm trước mọi việc xung quanh. Trong cuộc sống từ hành động nhỏ, như gìn giữ môi trường xung quanh không chặt phá cây cối, môi trường xung quanh biết bảo vệ từ nhỏ nhặt như nhặt rác…những chất độc hại gây ô nhiễm môi trường…Từ những hành động nhỏ nếu chúng làm được thì đem đến sự lợi ích lớn cho mọi người, phải biết quan tâm đến cuộc sống mọi người xung quanh, việc gì có hại cho mọi người dù là việc nhỏ nhất cũng không làm. Trong cuộc sống chúng ta không nên vô tâm trước những người hoạn nạn khốn khổ, những mảnh đời bất hạnh. Biết chia sẻ giúp đỡ. Bồ tát không hẳn là một vị có thần thông quảng đại cao siêu, mà là những con người có tấm lòng độ lượng, nhân ái sống giữa cuộc đời này.

Lý tưởng của Bồ tát là bản thể tuyệt đối, không phải đứng ngoài các pháp duyên sinh mà phải hòa nhập vào cuộc sống thực tại, Bồ tát luôn song hành với nhân loại, phát đại nguyện ở lại thế gian để cứu độ chúng sanh, tùy hạng người và hoàn cảnh mà thuyết pháp với mọi phương tiện thiện xảo. Với tinh thần phổ độ làm căn bản, Bồ tát có tình thương bao la đối với xã hội, nhân loại, muôn loài. Ứng xử luôn phù hợp với mọi nhu cầu của mọi hạng người, mọi hoàn cảnh. Lý tưởng Bồ tát rất thực tế với cuộc sống. Đây chính là giáo lý giúp chúng ta tu tập hành trì, nó có giá trị đích thực trong đời sống vượt ra ngoài phiền não tham, sân, si là con thuyền Bát nhã đưa chúng ta qua bến bờ giác ngộ. Chúng ta quán triệt hiện hữu và  sự hoại diệt của tâm, nhằm giúp ta nhận chân được thật tướng vạn pháp, từ đó chúng ta không còn chi phối bởi ngũ dục lạc không tham tài, sắc, danh, thực, thùy; thấu hiểu cuộc đời là tạm bợ, vô thường, duyên sinh, từ đó chúng ta luôn an trú tâm vào giới luật, tinh tấn tu tập giới-định-tuệ, chúng ta phải xông pha vào cuộc sống nơi nào chúng sanh cần thì chúng ta đến cùng giúp đỡ lợi mình, lợi mọi người. Chúng ta phải xông pha vào cuộc đời, làm lợi ích cho mình và người. Tâm ta không bị ngoại cảnh chi phối, gặp cảnh trái ý nghịch lòng mà chùn bước độ sanh. Ngày nay, xã hội càng văn minh tiến bộ thì con người càng giảm sút về mặt tinh thần, đạo đức ngày một xuống cấp. Thế hơn bao giờ hết chúng ta là người thừa hành Phật sự, là sứ giả Như Lai phải áp dụng lời đức Phật phải tự chuyển hóa thân tâm, trao dồi Giới - Định - Tuệ.

Ngày nay Tăng ni trẻ cần phát huy hơn về việc thực hiện và áp dụng lời Phật dạy, thực hành lý tưởng Bồ tát là nhiệm vụ cho việc hoằng dương giáo pháp vào đời ấm no, hạnh phúc, giúp cho cuộc sống nhân gian bớt đi các khổ đau.

Về giáo dục: Giáo dục Phật giáo là nhiệm vụ thiết yếu để đào tạo tăng tài, thay Phật hoằng đạo. Học và tu Phật là nhiệm vụ sống còn của người đệ tử Phật, nếu chúng ta không chú trọng về việc đào tạo thực dụng, mà chỉ lấy số lượng hay hình thức đó là sự suy đồi sụp đổ của giáo hội trong tương lai.

Về hoằng pháp: Đức Phật dạy, này các Tỳ kheo hãy đi các nơi để hoằng dương chánh pháp, đem ánh sáng giáo lý đến với mọi tầng lớp nhân dân. Tuy chúng ta chưa có nghiên cứu chuyên sâu theo từng vùng miền, trình độ của mọi người có cao có thấp, văn hóa mỗi vùng mỗi khác, lớp thanh thiếu niên khác, lớp người già. Từ đó chúng ta mới đúc kết ra kinh nghiệm, phân bổ cử người đến để hoằng hóa độ sinh, mặc dù chúng ta cũng đã mở nhiều cuộc hội thảo, xong lại không đúc kết hay áp dụng gì cho Tăng ni, Phật tử.

Vì Tăng già là rường cột của Phật pháp. Đức Thế Tôn chú trọng đến việc hoàn thiện từng cá nhân trong Tăng đoàn. Ngài sẽ chưa vào Niết bàn khi chúng Tỳ kheo và Tỳ kheo ni chưa thành tựu Giới-Định-Tuệ, chưa đủ khả năng truyền bá chánh pháp ở đời. Đức Phật đã xác nhận Tăng đoàn là những người thay thế Ngài nối truyền ngọn đèn chánh pháp ở thế gian. Tăng đoàn thanh tịnh gồm những thành viên đã và đang nỗ lực trên con đường phạm hạnh. Chỉ có sự hưng thịnh của Tăng đoàn thì Phật giáo mới thăng hoa theo chiều lịch sử. Sự tồn tại của Tăng đoàn là sự tồn tại của chánh pháp.

Tăng đoàn Phật giáo là nhờ tinh thần hòa hợp và thanh tịnh. Mỗi người là một thành viên của cộng đồng, sự an lạc hay đau khổ của chúng ta có sự liên quan ảnh hưởng đến người khác. Cho nên để xây dựng một hội chúng hưng thịnh, trước tiên, mỗi người phải soi rọi lại chính mình, tự hoàn thiện mình theo tinh thần Giới - Định - Tuệ để loại trừ dần các vọng tưởng, tham muốn, hiềm thù… làm khổ đau chia rẽ giữa mình và người. Xây dựng sửa đổi tự thân của mỗi người là yếu tố quan trọng trong các yếu tố để xây dựng một tập thể tốt đẹp. Nếu trong một hội chúng, chư Tỳ kheo và Tỳ kheo ni khi ngồi lại với nhau mà không thể hiện tinh thần hòa hợp và thanh tịnh thì mỗi thành viên trong đó đều xét lại chính mình xem đã sống đúng theo bảy pháp mà đức Phật đã dạy hay chưa. Hơn bao giờ hết, những vị đệ tử xuất gia - người có nhiệm vụ duy trì chánh pháp cần phải tỏ rõ tinh thần đoàn kết hòa hợp như nước với sữa, loại bỏ những tư kiến, thiên kiến, ngã chấp… cùng nhau tu tập xây dựng một hội chúng xuất gia vững mạnh.

Chúng ta phải có trách nhiệm và bổn phận “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh5. Là một hành giả của Như Lai thì chúng ta phải làm đúng theo hoài bão và lý tưởng của mình, không vì vật chất tiền tài chạy theo danh lợi, làm mất đi hình tượng của bậc xuất trần, ảnh hưởng Phật pháp. Trên con đường hoằng pháp thì dù người nghèo hay giàu chúng ta phải đến với họ bằng tâm bình đẳng, không làm tổn hại cho mọi người xung quanh, không vì danh lợi địa vị mà làm tổn hại đến người khác. Trong kinh Thiện Pháp nói: “Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ kheo: Nếu có Tỳ kheo thành tựu bảy pháp tất cả được hoan hỷ an lạc trong pháp hiền thánh, thẳng đến lậu tận. Bảy pháp đó là: Biết pháp, biết nghĩa, biết thời, biết tiết độ, biết mình, biết chúng hội và biết sự hơn kém của người”6. Đây là bảy điều cơ bản của  người xuất gia tu tập phải hoàn thiện chí nguyện, tự lợi và lợi tha giúp mọi người hiểu được chân lý, nguyên tắc và đạo lý sống. Không phải chúng ta tu tập hàng ngày chỉ tụng kinh ngày hai, ba thời, đi cúng đám tang, cầu an, cầu siêu, v.v... mà chúng ta còn phải trang bị cho mình kiến thức Phật pháp, tùy duyên hóa độ, lời dạy của đức Phật lấy giáo pháp của Ngài là kim chỉ nam, là nòng cốt để tu đạo giải thoát, “Giáo pháp của Như Lai vô lượng nhưng chỉ thuần một vị đó vị giải thoát7. Chúng ta phải xông pha vào cuộc đời, làm lợi ích cho mình và người. Tâm ta không bị ngoại cảnh chi phối gặp cảnh trái ý nghịch lòng mà chùng bước độ sanh. Ngày nay xã hội càng văn minh tiến bộ thì con người càng giảm sút về mặt tinh thần, đạo đức ngày một xuống cấp. Phải tự chuyển hóa thân Tâm, trao dồi giới - định - tuệ. Với thầy tổ, huynh đệ phải luôn yêu thương giúp đỡ, không vì quyền lợi riêng tư mà bất hòa. Chúng ta phải trên thuận dưới hòa, lợi mình lợi người, dùng sáu pháp hòa kính chia sẻ cùng nhau. Chúng ta không nên chạy theo Ngũ dục lạc. Ngày nay người xuất gia trẻ luôn chạy theo vật chất, luôn trao chuốt cho mình bề ngoài, vật chất tốt đẹp, chức vị cao, ăn ngon, mặc đẹp,… luôn bị những cái phù du bên ngoài chi phối, mà chúng ta quên đi bổn hoài của người xuất gia 3 y: Bình bát, tu tập, thiền định. Giữ gìn giới luật một cách nghiêm mật để được giải thoát an lạc.

 

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. HT Thích Minh Châu, Tương Ưng Bộ Kinh, Ấn hành 1982.

2. HT Thích Minh Châu, Chánh Pháp và Phật Pháp.Nxb. Tôn Giáo, 2001.

3. Viên Trí, Khái niệm Bồ tát Quán Thế Âm, Nxb. Tổng Hợp, Tp. HCM, 2011.

4. Tự điển Pàli-Anh (Hội PTS).

5. ĐTKVN, Kinh Tăng Chi Bộ.

6. The Sāṅkhya Sūtra I.71, vide S. Chatterjee and D.M. Datta, An Introduction to Indian Philosophy, Calcutta, 1954.

7. Micrea Eliade, the Encyclopaedia of Religion, Collier Macmillan Publishers, New York, 1987.

8. G.P Malalasekera, O.B.E., The Encyclopaedia of  Buddhism, Ceylon, 1971.

9. Đại Tạng Kinh Việt Nam Kinh Trung Bộ.

10. HT. Thích Minh Châu (dịch). Kinh Bổn Sanh.

11. Thích Hạnh Bình, Đức Phật và Những Vấn Đề Thời Đại. Kinh Đại Điển Tôn, Nxb. PĐ.

12. Thích Hạnh Bình, Y Pháp Bất Y Nhân, Nxb. PĐ.

13. Thích Tâm Thiện, Triết Học Phật Giáo, Nxb. TP. HCM, 2000.

14. HT. Thích Thiện Hoa, Phật học Phổ Thông, Nxb. Tôn giáo, 2011.

 


1. Viên Trí, Khái niệm Bồ tát Quán Thế Âm, Nxb. Tổng Hợp. Tp. HCM, 2011, Tr. 60.

2. Đại Tạng Kinh Việt Nam Kinh Trung Bộ, Tập I, tr. 366.

3. Đại Tạng Kinh Việt Nam Kinh Trung Bộ, Tập I.

4. HT. Thích Minh Châu (dịch). Kinh Bổn Sanh. Tập I

5. Thích Hạnh Bình, Đức Phật và Những Vấn Đề Thời Đại. Kinh Đại Điển Tôn, Nxb. PĐ.

6. Thích Hạnh Bình, Y Pháp Bất Y Nhân, Nxb. PĐ.

7. Thích Tâm Thiện, Triết Học Phật Giáo, Nxb. TP. HCM, 2000.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 7)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 6)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 27
    • Số lượt truy cập : 6704517