NGUYỄN HỮU KHA (THIỀU CHỬU)
(Nhâm Dần 1902 - Giáp Ngọ 1954)
NHA XUẤT BẢN VAN HOA THONG TIN
Pháp sư, Cư sĩ Phật giáo, nhà giáo dục, tự Lạc Khổ, pháp danh Thiều Chửu, trong giới học thuật thường gọi là Thiều Chửu, quê làng Trung Tự, huyện Hoàn Long, Hà Nội (nay thuộc phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội).
Xuất thân trong một gia đình Nho học truyền thống, từ cố tổ đến thân phụ đều xuất thân đại khoa triều Nguyễn. Thân phụ là Nguyễn Hữu Cầu nguyên là thành viên của Trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội những năm 1906 - 1908.
Ngay từ tuổi niên thiếu ông là người đã hiểu đạo Phật, am tường Nho học, thông thạo các ngoại ngữ Pháp, Anh, Nhật, Hán ngữ nên có điều kiện nghiên cứu sâu về giáo lý đạo Phật qua các nguồn tư liệu Đông Tây.
Ông sống một cuộc đời rất giản dị, trường trai và mỗi ngày chỉ ăn một bữa, y phục của ông chỉ một bộ nâu sồng. Suốt ngày dành thì giờ cho việc nghiên cứu, dịch kinh Phật, làm việc từ thiện.
Trong những năm 20 tuổi (1922 - 1923), ông đã có một căn bản Nho học thâm sâu, từ đó ông ra công nghiên cứu và tu học giáo lý đạo Phật một cách vững vàng. Thời điểm này (1934) ông cùng các học giả Nguyễn Đỗ Mục, Trần Văn Giáp, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ.... đứng ra vận động thành lập Hội Phật giáo Bắc kỳ nhằm đào tạo tăng ni và chấn hưng Phật giáo theo con đường đạo pháp và dân tộc.
Năm 1935 ông phụ trách, quản lý tạp chí Đuốc Tuệ là cơ quan hoằng pháp của Hội Phật giáo Bắc kỳ cùng với Hội Phật giáo Trung kỳ thêm khởi sắc.
Năm 1945 được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục1, ông từ chối với lý do tiếp tục công tác Phật sự và xã hội. Thời gian này, cùng với các Hoà thượng Tố Liên, Trí Hải... thành lập Hội Cứu tế (tại chùa Quán sứ, Hà Nội) giúp người nghèo khổ, nuôi dạy trẻ mồ côi không nơi nương tựa.
Sau toàn quốc kháng chiến (19.12.1946) ông cùng Hội Cứu tế tản cư lên vùng kháng chiến (Sơn Tây, Phúc Yên, Thái Nguyên...) tiếp tục làm công tác xã hội, giáo dục mà ông tự nguyện đảm đương từ lâu.
Những ngày tham gia kháng chiến, ông chứng kiến một số sự kiện phát xuất từ phong trào cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản, địa chủ, trí thức, nên ông tự kết liễu đời mình bằng cách tự trầm tại sông Đuống (Đồng Mỹ, Thái Nguyên) vào ngày 15.7.19542.
Cư sĩ Thiều Chửu là một nhà Phật học uyên thâm, am tường sâu sắc giáo lý đạo Phật, ông đã để lại cho đời một sự nghiệp trước tác về Phật học làm giầu cho thư tịch, cũng như văn hoá Việt Nam.
Các tác phẩm chính : Phật học cương yếu, Khoá hư lục diễn giải, Sự tích Phật tổ, Quan Âm Thị Kính, Cải tà qui chính, Thế nào là Phật và Phật pháp, Lục tổ Đàn kinh (tức Lục tổ Huệ Năng và kinh Pháp Bảo đàn), Con đường học Phật thế kỷ XX này, Nhòm qua cửa Phật, Bốn mươi tám phép niệm Phật, nhất là bộ Hán Việt tự điển là một sách công cụ có giá trị vượt thời gian.
Ngoài ra ông còn là một dịch giả với các cuốn : Vì sao tôi tin Phật giáo (của B. Brongthon), Kinh Lễ sáu phương, Kinh Di giáo, Kinh Di Đà, Kinh Tứ thập nhị chương...
(Trích trong Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam,
trang 1243 - 1245, Nguyễn Q Thắng - Nguyễn Bá Thế;
Nhà xuất bản Văn hóa thông tin tái bản lần thứ 5, năm 1999).
Bình luận bài viết