Thông tin

NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN PHONG TRÀO PHẬT GIÁO NĂM 1963

Ở MIỀN NAM VIỆT NAM

 

PGS. TS. NGUYỄN HỒNG DƯƠNG
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo
thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam


Chế độ Ngô Đình Diệm do Mỹ dựng lên để phá hoại hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước mà Hiệp định Giơnevơ (1954) quy định, tạo điều kiện cho Mỹ thiết lập chủ nghĩa thực dân mới, chiếm đóng lâu dài miền Nam Việt Nam. Mặc dù Mỹ-Diệm ra sức rêu rao về một chính quyền Cộng hòa, tự do, dân chủ, trong đó có tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nhưng chế độ Ngô Đình Diệm ở miền Nam nước ta (1955-1963) thực chất là một chế độ bóp nghẹt tự do dân chủ trong đó có tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm vào năm 1963, trong đó có một nguyên nhân không thể không kể đến đó là kỳ thị và đàn áp tôn giáo.

Bài viết này đi vào phân tích nguyên nhân tôn giáo ở hai nội dung kỳ thị và đàn áp tôn giáo mà theo chúng tôi là hai nguyên nhân quan trọng nhất tạo nên Phong trào Phật giáo năm 1963 của Tăng Ni, Phật tử miền Nam (tiêu biểu là Sài Gòn – nay là thành phố Hồ Chí Minh và Huế, thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện nay) làm nên đòn giáng trực tiếp khiến cho chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ.

Sự kiện năm 1963 chỉ là giọt nước tràn ly của những sự kiện được tích hợp trước đó, có thể nói là ngay từ trước khi Ngô Đình Diệm được Mỹ dựng lên với một chế độ phụ thuộc vào Mỹ.

CHÍNH SÁCH KỲ THỊ TÔN GIÁO, TÍN NGƯỠNG CỦA CHÍNH QUYỀN NGÔ ĐÌNH DIỆM

Trở lại lịch sử, khi mà cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam bước vào giai đoạn cuối, việc thất bại của thực dân Pháp chỉ còn tính theo thời gian, Mỹ đã toan tính cơ hội chiếm đóng lâu dài Việt Nam. Một mặt Mỹ chuẩn bị con bài chính trị mà người đứng đầu là Ngô Đình Diệm, một tu sĩ của đạo Công giáo, mặt khác Mỹ gấp rút chuẩn bị cơ sở vật chất, trong đó đáng kể là cuộc di cư, đưa người dân là tín đồ Công giáo miền Bắc vào miền Nam làm hậu thuẫn cho Mỹ-Diệm. Bởi Mỹ nhận ra chính sách lợi dụng tôn giáo mà chủ yếu là Công giáo mà thực dân Pháp lợi dụng vào xâm lược và nô dịch nhân dân Việt Nam là chính sách thâm độc và có hiệu quả. Trong khi đó Công giáo ở miền Nam trước cuộc di cư số lượng tín đồ và lực lượng chống cộng là nhỏ bé so với Công giáo miền Bắc. Vì vậy Mỹ-Diệm thực hiện ý đồ lôi kéo giáo dân đặc biệt là tầng lớp giáo sĩ phản động chống cộng từ miền Bắc di cư vào Nam càng nhiều càng tốt.

Cuối tháng 6 năm 1954, trong khi Hội nghị Giơnevơ đang tiến hành thì ngày 30-6 năm 1954 Đài phát thanh AFP (Pháp) loan tin: Trong cuộc họp báo chí, Tổng thống Mỹ Aixenhao có ý định “tổ chức một cuộc di cư có kế hoạch dân chúng Việt Nam từ Bắc vào Nam nếu Hiệp định đình chiến được ký kết”. Kể từ đó đế quốc Mỹ rất ráo riết thực hiện ý đồ của họ. Trong vòng tháng 7 năm 1954, Mỹ bỏ ra 45 triệu đồng tiền Đông Dương cho bọn tay sai chi tiêu về việc di cư. Trong việc làm này Mỹ đặc biệt dựa vào Ngô Đình Diệm và bọn giáo sĩ phản động tập hợp quanh Ngô Đình Diệm lúc bấy giờ.

Trong hội nghị “Liên minh chống cộng châu Á” họp tại Sài Gòn tháng 3 năm 1957, Ngô Đình Diệm lớn tiếng hô hào “chúng ta đừng quên vũ khí chân lý sẵn có trong kho tàng tôn giáo. Sử dụng vũ khí đó là mục tiêu của liên minh chống cộng châu Á”(1).

Năm 1960 khi sang thăm Đài Loan, Ngô Đình Diệm tâm sự với Tưởng Giới Thạch rằng “Tôn giáo là một vũ khí hiệu nghiệm”(2).

Trong thời gian từ năm 1954 đến năm 1956 có khoảng 800.000 người Công giáo, khoảng 2/3 dân số người Công giáo miền Bắc lúc bấy giờ di cư vào Nam.(3) Số linh mục, giám mục di cư là 809 chiếm 72%.(4)

Giáo dân miền Bắc di cư vào Nam được Mỹ-Diệm ban đầu tập trung vào các trại tị nạn. Đầu năm 1958 Mỹ-Diệm giao cho Bùi Văn Lương, Tổng ủy trưởng Tổng ủy Di cư kiêm cả chức Tổng ủy trưởng Tổng ủy Doanh điền. Bùi Văn Lương cho chuyển hàng vạn giáo dân di cư đến định cư tại các khu doanh điền lập ra ở khắp miền Nam nhất là ở miền Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và các vùng dọc biên giới mênh mông miền Nam Việt Nam – Campuchia.

Cùng với việc lập ra các khu doanh điền là việc tái lập các xứ, họ đạo Công giáo cho người di cư tại vùng đất mới. Thông thường người dân di cư thường gom lại theo địa bàn cư trú trước đây ở miền Bắc. Có thể là cư dân của một làng, một xã, huyện, một tỉnh hoặc có thể một vài tỉnh. Sự hoài niệm quê hương và cũng để cho dễ có điều kiện nhận biết, liên hệ với nhau, thường thì xứ, họ đạo mới lấy tên địa danh ngoài Bắc đặt tên cho xứ, họ đạo Công giáo mới. Có những làng già nửa thậm chí là hơn thế di cư vào Nam, sống cụm lại với nhau lấy tên là làng cũ đặt tên cho họ đạo mới ví dụ họ Tân Sa Châu là cư dân của làng Sa Châu (Nam Định) di cư vào.

Họ đạo Phát Diệm là cư dân gom lại của giáo phận Phát Diệm. Họ đạo Bùi Phát là cư dân tập hợp của hai giáo phận Bùi Chu và Thái Bình v.v… Linh mục chánh xứ là linh mục miền Bắc di cư vào. Linh mục Cao Văn Luận, người có công trong việc dàn xếp đưa Ngô Đình Diệm về miền Nam, nhận xét về khối người Công giáo di cư 1954 như sau: “Chính số người di cư lúc bấy giờ đã làm bừng dậy tinh thần dân tộc, lòng thương yêu rộng lớn, tình đoàn kết chân thật và tạo được khối quần chúng thuần nhất ủng hộ ông Diệm”.(5)

Ngay từ những ngày đầu được đưa về miền Nam, Ngô Đình Diệm đã thực hiện ý định mà ông ta từng ấp ủ là thành lập một đảng chính trị đối lập với Đảng Lao động Việt Nam, một chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam được thành lập từ năm 1930, được gọi là đảng Cần lao – Nhân vị (hay đảng Cần Lao) (sẽ trình bày ở phần dưới đây). Chính quyền Ngô Đình Diệm tuy không tuyên bố lấy Công giáo làm quốc đạo nhưng những gì diễn ra cho thấy đó là một chính quyền căn bản dựa trên Công giáo cả về hệ tư tưởng lẫn lực lượng vật chất. Trong khi đề cao Công giáo, chính quyền Ngô Đình Diệm lại kỳ thị các tôn giáo khác, chủ yếu là Phật giáo. Chỉ thị số 10 của Phủ Tổng thống (Diệm), lấy lại Đạo dụ của chế độ thuộc địa, quy. định: “Tất cả các hiệp hội tôn giáo, văn hóa, thể dục, chỉ trừ Công giáo, không được quyền mua các bất động sản nếu không có phép riêng của Phủ Tổng thống”. Bản văn của Đạo dụ đặt Công giáo ra ngoài, các tôn giáo khác trong đó có Phật giáo bị hạ xuống hàng các hiệp hội văn hóa thể thao.

Đây rõ ràng là chính sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm.

Trở lại vấn đề đảng Cần lao - Nhân vị (đảng Cần lao). Đây là một đảng chính trị do Ngô Đình Diệm lập ra với học thuyết Duy linh – Nhân vị.

Chủ nghĩa Duy linh – Nhân vị là một lý thuyết, một triết lý gồm 2 phần: Chủ nghĩa Duy linh và chủ nghĩa Nhân vị.

Chủ nghĩa Duy linh

Bao gồm những quan điểm chung nhất về giai cấp thống trị, về thế giới và con người, tức nhân vị.

Chủ nghĩa Nhân vị

Là những quan niệm chung của giai cấp thống trị về con người và xã hội, trên cơ sở những tư tưởng, nền tảng của chủ nghĩa Duy linh.

Về một số quan hệ của Công giáo với thuyết Nhân vị và Đảng Cần lao Nhân vị, Linh mục Trần Tam Tỉnh viết: “(Ngô Đình Diệm) chỉ chấp nhận một đảng duy nhất là Cần lao, được thành lập và khuynh loát bởi ông em Ngô Đình Nhu, làm nòng cốt cho cái ông gọi là Phong trào Cách mạng quốc gia. Phong trào này được tổ chức theo cơ cấu của một chính thể quốc gia, có tất cả bộ chân rết như bộ máy chính quyền từ trên xuống dưới khiến bất cứ ai muốn được thành tỉnh trưởng, quận trưởng, xã trưởng, giáo sư hay công chức, đều phải là đảng viên Cần lao. Hệ tư tưởng của Đảng và của phong trào là “thuyết vị nhân”. Chỉ có một trường đào tạo duy nhất là “Trung tâm đào tạo nhân vị”, do một người anh của Tổng thống là Giám mục địa phận Vĩnh Long, Ngô Đình Thục sáng lập. Là Công giáo hay không bất kỳ, tất cả công chức đều phải qua một khóa học tập ít nhất là một tháng tại đó. Các lớp học đều do các linh mục đảm nhiệm, nhồi nhét những khái niệm về nhân bản con người được Thiên Chúa sáng tạo, giảng về những điều lầm lạc của Phật giáo, Khổng giáo, về các tội ác của Cộng sản… Cuộc “tẩy não” này do chính các linh mục thực hiện. Họ là những người chỉ biết có triết học kinh viện Tây Âu và “đã tiếp thụ tại Rôma các khái niệm về Phật giáo do các cố cựu Thừa sai dạy cho” (Lời thú nhận của Giám mục Thục)(6).

Cần nhấn mạnh rằng Công giáo trước Cộng đồng Vatican II (1962-1965) không chấp nhận các tôn giáo khác ngoài nó. Công cuộc truyền giáo phát triển đạo Công giáo ở Việt Nam từ buổi đầu và sau đó là hàng mấy thế kỷ thuộc về các Thừa sai (linh mục nước ngoài) đến truyền bá và rao giảng. Trong não trạng của các Thừa sai đều coi Phật giáo và các tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống Việt Nam là tà đạo, đạo rối, đạo của ma quỷ. Và dĩ nhiên là họ gạt ra ngoài. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến chính sách cấm đạo của nhà nước phong kiến Lê – Nguyễn, đặc biệt là các đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Chính sách cấm đạo của nhà Nguyễn dù “có những hạt nhân hợp lý” nhưng đã không hợp lòng dân, vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Di hại mà chính sách này để lại trong lịch sử là hết sức nặng nề. Có thể nói đây là một bài học lịch sử về chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo và chính sách đoàn kết tôn giáo trong đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ở một đoạn khác trong cuốn “Thập giá và lưỡi gươm”, Linh mục Trần Tam Tỉnh nhận xét: “Từ năm 1955 đến năm 1963 là thời vàng son của chủ nghĩa cha chú, với những lợi ích thật chẳng có bao nhiêu, nhưng với những hà lạm gây nhiều tiếng tăm hơn, nhất là trong khi dân chúng gồm 90% là ngoài Công giáo mà bị kìm hãm dưới một thứ “Chính phủ Công giáo”. Khắp nơi, ở thành phố cũng như tại nông thôn chiếc áo chùng thâm là biểu tượng của quyền thế”(7).

Tác giả Chu Bằng Lĩnh, trong cuốn Đảng Cần lao viết: “Những chiến sĩ Công giáo ở trong nước có ý định lập một đảng chống Cộng tích cực, lấy tên đảng Cần lao để đối chọi với Đảng Lao động Việt Nam. Một số chiến sĩ Công giáo lưu vong, trong đó có ông Ngô Đình Diệm tại Nữu Ước và Ba Lê lại có ý định lập đảng lấy chủ thuyết nhân vị làm nền tảng. Chủ thuyết nhân vị này không phải là một sáng kiến mới mẻ gì trong lĩnh vực triết học, mà nó đã có từ hàng thế kỷ trước trong lập thuyết của Thiên Chúa giáo”(8).

Đảng Cần lao trên thực tế được chia làm 3 vùng. Ngô Đình Cẩn, một kẻ ít học nhưng khét tiếng chống Cộng tự coi mình là lãnh tụ tổ chức đảng Cần lao tại miền Trung. Đảng Cần lao tại Sài Gòn và những nơi có dân Công giáo di cư miền cao nguyên được coi là đảng Cần lao Ngô Đình Nhu. Còn một đảng Cần lao nữa tại vùng địa hạt Vĩnh Long đó là đảng Cần lao Ngô Đình Thục.

Các tỉnh ở miền Trung nhất là ở vùng Thừa Thiên Huế, đảng Cần lao của Ngô Đình Cẩn không phát triển mạnh được vì gặp phải lực lượng Phật giáo và lực lượng các đảng phái như Quốc dân đảng, Tân Đại Việt… Vào thời kỳ phát triển nhất số lượng đảng viên của Cần lao là 300.000 người.(9) Số lượng đảng viên này phần lớn được Cẩn phát triển ở các xứ, họ đạo Công giáo, một phần là do Cẩn và bọn đàn em mở rộng phát triển ra các làng Lương (làng mà ở đó cư dân vừa có thể theo Phật giáo hoặc chỉ có cảm tình với Phật giáo chủ yếu là thờ cúng ông bà). Thời kỳ này người ta thấy ở miền Trung rất nhiều làng cải đạo gia nhập Công giáo để tránh những hệ lụy. Nhiều nhân vật “người Lương” muốn được tiến thân cũng phải gia nhập đảng nghĩa là cải đạo theo Công giáo. Không ít cơ sở thờ tự của Phật giáo và các tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống bị phá bỏ, thay vào đó là cơ sở thờ tự của Công giáo. Trong thời kỳ này Nguyễn Văn Thiệu người mà sau đó ít năm được làm Tổng thống của “nền đệ nhị cộng hòa” đã “bỏ đời theo đạo” vào đảng Cần lao rắp tâm mưu tính cho những nấc thang chính trị.

Phát triển đạo để phát triển đảng viên đảng Cần lao, việc làm của Ngô Đình Cẩn thích hợp với đường hướng “mở rộng nước Chúa” của Giáo hội Công giáo. Ngô Đình Cẩn có lần nói trước mọi người “Tất cả việc Cẩn làm ở miền Trung đều là vì Chúa và Giáo hội”.(10)

Mục đích hành động của Cần lao Ngô Đình Cẩn có thể tóm tắt được bằng khẩu hiệu: “Ba chống, ba vâng”.

- Chống cộng sản, chống Phật giáo, chống đảng phái quốc gia.

- Vâng lời các Cha, vâng lời Cẩn, vâng lời Diệm.

Phát triển đảng vào quân đội, Cẩn thực sự lúng túng về lý thuyết, nhân cơ hội đó Giám mục Phạm Ngọc Chi âm mưu biến Cần lao thành đảng của Công giáo. Khẩu hiệu hành động “Ba chống, ba vâng” được thay bằng khẩu hiệu “Vì Chúa và cho Giáo hội”.

Coi các tôn giáo khác là hiệp hội, đề cao Công giáo với một “chính quyền Công giáo”, biến đảng Cần lao thành đảng của Công giáo, chính quyền Sài Gòn thực sự là một chính quyền bóp nghẹt tự do tôn giáo. Một chính sách đi ngược với truyền thống của dân tộc Việt Nam và thời đại. Đó là nguyên nhân quan trọng đầu tiên dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền này.

Nhưng còn một nguyên nhân khác cần được nhắc đến đó là việc chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp tôn giáo trong đó có đàn áp Phật giáo. Đây là hệ quả tất yếu của chính sách kỳ thị tôn giáo.

CHÍNH SÁCH ĐÀN ÁP TÔN GIÁO CỦA CHÍNH QUYỀN NGÔ ĐÌNH DIỆM

Nét đặc trưng trong đời sống tôn giáo của xã hội miền Nam thời Mỹ-ngụy là xã hội đa tôn giáo. Ngoài Phật giáo, Công giáo, Tin Lành ở Nam Bộ còn là nơi phát tích của nhiều tôn giáo và các ông Đạo. Như Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa đặc biệt là đạo Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo. Thời chính quyền Ngô Đình Diệm, hai tôn giáo này đều có lực lượng vũ trang riêng, âm mưu biến vùng đất có tín đồ của họ thành khu tự trị.

Trước tình hình đó, để thâu tóm quyền hành thực hiện âm mưu chống Cộng của Mỹ-Diệm, Ngô Đình Diệm kêu gọi các giáo phái hợp nhất lực lượng vũ trang và sáp nhập vào quân đội ngụy quyền. Khi biện pháp kêu gọi không được các giáo phái ủng hộ, Ngô Đình Diệm thực hiện một số thủ đoạn và những cuộc đàn áp đẫm máu như: Cắt những khoản tài trợ cho các giáo phái, đánh vào hoạt động kinh tế của họ, đưa tay chân cốt cán xâm nhập vào hàng ngũ những người đứng đầu giáo phái để mua chuộc, chia rẽ. Những bộ phận của từng giáo phái có hành động chống đối đều bị Ngô Đình Diệm huy động ngụy quân đàn áp, khủng bố, đánh dẹp.

Đối với đạo Cao Đài, một lực lượng gồm 5.000 người do trung tướng Nguyễn Thành Phương đã ra hàng Ngô Đình Diệm. Một lực lượng khác của Phật giáo Hòa Hảo do thiếu tướng Nguyễn Giác Ngộ cũng “trở về với quốc gia Đệ nhất Việt Nam cộng hòa”. Tuy nhiên Ngô Đình Diệm vẫn không kêu gọi được nhóm Phật giáo Hòa Hảo của đại tá Lê Quang Vinh, tự Ba Cụt với một lực lượng vũ trang gồm 1.760 người.

Trước tình hình đó, ngụy quyền Sài Gòn ra lệnh giải tán quân đội Cao Đài, hủy bỏ các đặc quyền dành cho giáo phái. Cao Đài ở trong một tình trạng phân hóa đặc biệt, đa số các tướng lĩnh buộc phải đầu hàng ngụy quyền Sài Gòn.

Năm 1955, Nguyễn Thành Phương thành lập ban Thanh trừng để thanh lọc hàng ngũ Cao Đài. Trong số đạo hữu bị bắt có hai người con gái của Hộ pháp Phạm Công Tắc.

Ngày 19-2-1956, Phủ Tổng thống (ngụy quyền Sài Gòn) ra thông báo: Đức Hộ pháp Phạm Công Tắc đã rời bỏ Tây Ninh, tình hình nơi đây rối ren nên chính phủ theo yêu cầu của các vị chức sắc Cao Đài và tướng Dương Thành Cao ra lệnh cho quân đội tới bảo vệ Tòa thánh Tây Ninh. Ngụy quyền tung tin này, lấy đó làm cớ hợp thức hóa đánh dẹp lực lượng Cao Đài, chiếm Tòa thánh Tây Ninh, Thánh địa của đạo. Hộ pháp Phạm Công Tắc chạy sang Campuchia và chết tại đó năm 1959. Từ đó, sau những lần xung đột dữ dội giữa quân ngụy Sài Gòn với lực lượng vũ trang của các giáo phái, các lực lượng vũ trang của các giáo phái do không cân sức về thực lực với ngụy quân dần dần tan rã. Hệ thống lãnh đạo của Phật giáo Hòa Hảo và Cao Đài bị đàn áp, nhiều cấp lãnh đạo bị tù đày, một số lãnh đạo bị thủ tiêu, một số phải tìm đường lánh nạn. Hoàn cảnh đó buộc Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo phải lui dần về vị trí tôn giáo, tín ngưỡng, với ý định “chờ thời”. Trong việc đàn áp giáo phái, Diệm huy động cả giáo sĩ, tín đồ Công giáo. Những linh mục chống cộng khét tiếng như Lê Hữu Từ, Hoàng Quỳnh… từng “làm mưa làm gió” ở khu Công giáo tự trị Bùi Chu – Phát Diệm(11) được tham gia cầm quân đi trấn áp.(12)

Như vậy trong đời sống chính trị miền Nam dần dần chỉ còn hai tôn giáo lớn là Phật giáo và Công giáo.

Như phần trên trình bày, Ngô Đình Diệm sử dụng Đạo dụ số 10 coi các tôn giáo ngoài Công giáo là hiệp hội. Đạo dụ số 10 do “cựu hoàng đế” Bảo Đại ký với Pháp ngày 06-08-1950 trên một chiếc tàu của thực dân Pháp cắm neo tại vịnh Hạ Long (Hòa thượng Trí Quang vận động bà Từ Cung mẹ vua Bảo Đại để phá bỏ âm mưu của Pháp phá hoại Phật giáo, Pháp đã không thi hành)(13). Khi Ngô Đình Diệm truất phế “cựu hoàng đế” Bảo Đại, xé bỏ nhiều giấy tờ, đạo dụ, sắc chế, cáo biểu dưới khẩu hiệu là “bài phong, phản đế” nhưng không xé bỏ Đạo dụ số 10 có lợi cho chính quyền Ngô Đình Diệm. “Đến thời Ngô Đình Diệm (1955-1963), trong bảng nghi lễ của các học đường vẫn không có lễ Phật đản là đương nhiên, nhưng lễ Noen lại được nghỉ đến 15 ngày”(14). Ngày 9-1-1956 chính quyền Ngô Đình Diệm ra Dụ số 4 hủy bỏ ngày lễ Phật đản trong danh sách cho các học đường, công chức và binh sĩ. Điều này gây nên sự công phẫn trong dư luận xã hội nói chung và Tăng Ni, Phật tử miền Nam nói riêng. Ngày 13-1-1956, Hòa thượng Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam Thích Tịnh Khiết gửi kháng thư với Ngô Đình Diệm. Sau đó Đại hội Phật học Việt Nam họp tại chùa Phước Hòa từ 15-17/1/1956 và Đại hội lần 2 Tổng hội Phật giáo tại chùa Ấn Quang ngày 21-4-1956 gửi thỉnh nguyện thư và văn bản yêu cầu chính quyền Diệm công nhận ngày lễ Phật đản và buổi sáng ngày lễ Trung nguyên rằm tháng Bảy thay cho buổi chiều. Cuối cùng Ngô Đình Diệm phải chấp nhận cho các công sở nghỉ trọn ngày lễ Phật đản năm 1957”(15).

Những việc làm thực tế của chính quyền Ngô Đình Diệm với Phật giáo để làm giảm uy thế của Phật giáo rất đa dạng.

“Trong âm mưu đẩy lùi những hoạt động kinh tế của Phật tử, chính quyền Diệm tìm cách vu khống họ là hoạt động chính trị, tra tấn, bắt giam, xử tù họ, có người bị giết hại. Điển hình là vụ ông Vĩnh Cơ, Hội trưởng Hội Phật giáo Nguyên thủy tại Đà Nẵng, một nhà buôn gạo bị tòa Đại hình sơ thẩm ngày 28-8-1956, kết án 10 năm khổ sai và tịch thu gia sản. Ngày 15-10, Ban Quản trị Phật giáo Nguyên thủy tại Đà Nẵng gửi thư tới Ngô Đình Diệm phản đối việc này và khẳng định “ông Vĩnh Cơ là một tín đồ Phật giáo rất chân thật, có công sáng lập Hội Phật giáo Nguyên thủy. Gia sản hiện hữu của ông do sự làm ăn buôn bán cần cù lâu năm mà có”.

- Trên núi Thiên Bút, tỉnh Quảng Ngãi vốn có nền cũ của Phật giáo, chính quyền Ngô Đình Diệm tìm cách cưỡng chiếm để “Công giáo xây nhà thờ. Tín đồ Phật giáo địa phương phản ứng quyết liệt. Cuộc đấu tranh giữ chùa trên núi Thiên Bút kéo dài cho đến năm 1963, chính quyền buộc phải hoãn việc xây nhà thờ Công giáo.

- Ngày 27-7-1961, tại Cà Mau, ngụy quân bắn hàng loạt đạn cối vào chùa Cao Dân, xã Tân Lộc khi 200 đồng bào và sư sãi Khmer đang làm lễ nhập hạ, làm 20 người chết và bị thương.

Đó chỉ là một vài vụ việc cụ thể được ghi lại trong cuốn Phật giáo Việt Nam (từ khởi thủy đến 1981) của Bồ Đề Tân Thanh – Nguyễn Đại Đồng (Nxb Văn học, 2011, tr.322-333). Nhưng bao trùm hơn là việc chính quyền Ngô Đình Diệm dựa vào Công giáo, chèn ép kỳ thị Phật giáo. Cuốn sách trên cho biết: “Ngô Đình Diệm còn lợi dụng Công giáo, gắn chiêu bài và xúi giục người Công giáo chống cộng. Bắt người Lương và Phật tử phải theo đạo Thiên Chúa, nhận rửa tội và gia nhập đạo Công giáo sẽ được ra khỏi trại giam”. Cùng vấn đề này, cuốn Lịch sử Phật giáo xứ Huế của Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm (Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2001, tr.476) viết: “Đối với dân gian từ năm 1954 đến năm 1963, chế độ Ngô Đình Diệm đã giết chết, bắt giam, tra tấn Phật giáo đồ; dụ dỗ cải đạo, cấm Phật tử đi lễ chùa”.

Tất cả những sự kiện trên để rồi chính quyền Ngô Đình Diệm đi đến một cuộc tàn sát, bắt bớ đẫm máu Phật giáo miền Nam mà Phật giáo gọi là pháp nạn năm 1963. (Sự việc được nhiều báo cáo khoa học trong cuộc hội thảo này trình bày nên chúng tôi không nói lại).

* * *

Chính sách kỳ thị, đàn áp tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm là sự kiện thứ hai trong lịch sử dân tộc Việt Nam (như trình bày ở trên, sự kiện thứ nhất do nhà Nguyễn dưới các triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức gây ra). Biện pháp mà hai chính quyền thực hiện có nhiều điểm khác nhau, nhưng tác hại mà nó để lại là giống nhau. Đó là nguy cơ dẫn đến sụp đổ chế độ và làm phương hại đến đoàn kết tôn giáo trong khối đoàn kết toàn dân tộc.

Cuộc đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm năm 1963 đã là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến “nền đệ nhất cộng hòa” bị sụp đổ. Anh em Diệm, Nhu bị quân đảo chính giết chết một cách thê thảm, gia đình họ Ngô tan tác. Phật giáo miền Nam trải qua pháp nạn ngày càng siết chặt đoàn kết đội ngũ, củng cố, phát triển tôn giáo. Số lượng chùa xây dựng ngày một nhiều.

Qua cuộc pháp nạn, Phật giáo miền Nam càng nhận ra đường lối tôn trọng tự do tôn giáo sáng ngời của Đảng Cộng sản Việt Nam, ủng hộ cách mạng miền Nam tiến tới đấu tranh thống nhất nước nhà. Hàng triệu Phật tử tham gia vào cuộc kháng chiến, hàng trăm ngàn Tăng, Ni, trong đó có những bậc cao tăng ra bưng biền, làm chiến khu tham gia kháng chiến chống Mỹ của Tăng Ni, Phật tử miền Nam và tinh thần đoàn kết dân tộc. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam toàn thắng, đất nước thống nhất, có vai trò to lớn của Tăng Ni, Phật tử miền Nam.

Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập. Phật giáo miền Nam với các hệ phái gia nhập vào ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tăng Ni, Phật tử cùng thực hiện đường hướng hành đạo “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” được Đại hội Phật giáo Việt Nam lần thứ nhất đề ra và tiếp tục duy trì cho đến nay.

 


1. Huỳnh Lý: Mỹ-Diệm và đạo Thiên Chúa ở miền Nam, Nxb Phổ thông, Hà Nội, 1962, tr.1.

2. Huỳnh Lý: Mỹ-Diệm và đạo Thiên Chúa ở miền Nam, Sđd, tr.1.

3. Nguyễn Đức Lộ: Cơ cấu tổ chức, sinh hoạt theo giáo xứ của người Công giáo di cư năm 1954 tại Nam Bộ (Nghiên cứu trường hợp Hố Nai, Đồng Nai và Cái Sắn, Cần Thơ). Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo. Số 12-2012, tr.38.

4. Linh mục Trần Tam Tỉnh: Thập giá và lưỡi gươm, Nxb Trẻ, 1988, tr.113.

5. Cao Văn Luận: Bên dòng lịch sử, Sài Gòn, 1972, tr.253

6. Linh mục Trần Tam Tỉnh. Thập giá và lưỡi gươm. Sđd, tr.122-123.

7. Linh mục Trần Tam Tỉnh. Thập giá và lưỡi gươm. Sđd, tr.124.

8. Chu Bằng Lĩnh. Đảng Cần lao. Nxb Đồng Nai, 1971, tr.7.

9. Chu Bằng Lĩnh: Đảng Cần lao. Sđd, tr.316.

10. Chu Bằng Lĩnh: Đảng Cần lao. Sđd, tr.322.

11. Bùi Chu thuộc Giao Thủy (Nam Định), Phát Diệm thuộc Kim Sơn (Ninh Bình).

12. Về sau Ngô Đình Diệm không tin vào một số giáo sĩ di cư đã quay sang “sửa gáy” họ. Một linh mục bị Diệm kết tội buôn lậu, đem ra tòa xử. Hoàng Quỳnh được giải ngũ về xứ trông nom chiên Chúa. Lê Hữu Từ không còn vai trò gì, lui về giữ một chức vụ có tiếng mà không có thực quyền “Chủ tịch Trung tâm tôn giáo”. Báo Đời sống của Phạm Ngọc Chi bị đóng cửa. Linh mục chủ bút bị ra tòa lãnh án 18 tháng tù.

13. Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm. Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2001, tr.473

14. Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm: Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Sđd, tr.476.

15. Bồ Đề Tân Thanh, Nguyễn Đại Đồng: Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến năm 1981. Nxb Văn học, 2011, tr.333, 334

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 272
    • Số lượt truy cập : 6948459