Thông tin

NGUYỄN PHÚC CHU VỚI TINH THẦN “CƯ NHO MỘ THÍCH”

 

THÍCH HẢI ẤN*

 

Sau khi Chúa Nguyễn Phúc Thái qua đời (năm 1691), Nguyễn Phúc Chu lên kế vị làm chúa xứ Nam Hà. Lúc này tuy là một thiếu niên mới 17 tuổi, nhưng ông quả là người mà trong dân gian thường gọi là hạng “tuổi trẻ tài cao”. Thực vậy, ông là một người “hiếu học, chữ tốt, có tài thao lược văn võ”; “tính tình độ lượng, khoan hòa, dong mạo đoan chính”.

Sách thường gọi ông là Minh Vương Nguyễn Phúc Chu. Trong thời gian làm chúa Nam Hà, văn trị võ công của Nguyễn Phúc Chu thật xán lạn. Ông đã tổ chức Nam Hà thành một xã hội vững vàng, thanh bình, yên vui.

Về nội trị, thì học hành, thi cử phát triển có quy mô; dân tình an cư lạc nghiệp, ấm no hạnh phúc.

Về võ công, dưới thời ông binh hùng tướng mạnh, các lân bang nể sợ; biên cương xứ Nam Hà được mở rộng về phương Nam rất nhiều.

Về tôn giáo tín ngưỡng, vào đời Nguyễn Phúc Chu, Phật giáo được long thịnh. Lên ngôi chúa vào năm 17 tuổi, 4 năm sau, tức lúc 21 tuổi, ông đã cử sứ đoàn qua Trường Thọ Am tại Quảng Đông, cung thỉnh Thạch Liêm Hòa thượng (1633-1702) sang Thuận Hóa để tổ chức Đại giới đàn Ất Hợi (1695) tại chùa Thiền Lâm, với ba đàn truyền giới, có đủ Tam sư thất chứng, và  ngài Thạch Liêm làm Đàn đầu Hòa thượng. Chính ông cùng toàn thể vương gia cũng đã lập đàn riêng tại Giác Vương Nội Viện trong vương phủ để quy y thọ Bồ Tát giới, vào ngày đại lễ Phật đản năm Ất Hợi đó. Ông được ngài Thạch Liêm, thuộc dòng Thiền Tào Động truyền giới và ban pháp danh là Hưng Long, cho nên về sau ông đã có thể xưng là “Tào Động thượng chính tông tam thập thế, pháp danh Hưng Long...”. Kể từ đó, lần thứ nhất trong lịch sử, một vị chúa đứng đầu cai trị muôn dân là một Phật tử chính thống, có quy y Tam Bảo và thọ Bồ tát giới tại một giới đàn, có pháp danh, và là người kế thế của một dòng Thiền rõ ràng.

Trước khi nói đến phần tinh thần “cư Nho mộ Thích” của ông, chúng tôi xin nói qua các Phật sự mà ông đã làm. Từ năm 21 tuổi cho đến khi mất vào năm 51 tuổi, suốt trong 30 năm ấy, Nguyễn Phúc Chu đã làm và để lại dấu ấn trong Phật giáo, văn hóa, văn học xứ Thuận Hóa nói riêng, và Việt Nam nói chung, thực quá nhiều: mở đại giới đàn Thiền Lâm (1695); chú tạo Đại hồng chung để  “vĩnh viễn cung phụng Tam Bảo tại Thiên Mụ Thiền tự” vào năm Vĩnh Thịnh lục niên (1710) lúc ông ở tuổi 35; sửa chùa Thiên Mụ thành cảnh thiền quan lớn ở cõi Nam Hà, vào năm Vĩnh Thịnh thứ 10 (1714) lúc ông ở tuổi 39; năm sau ông viết một bài văn bia thật thâm viễn, cho khắc vào bia đá đặt trên con rùa đá rất mỹ thuật, hiện đang còn. Năm Bính Thân (1716), ông ra lệnh sửa chùa Hoằng Phúc ở Quảng Bình, đổi thành “Kính Thiên Tự”, ban cho chùa một bức hoành đề mấy chữ “Vô song phúc địa” và 5 câu đối. Chùa Hà Trung ở Thuận Hóa, chùa Di Đà ở Hội An, chùa Thập Tháp Di Đà ở Bình Định đều được ông ký lệnh cho sửa chữa.

Tại Phú Xuân, ông cho sửa chùa Quốc Ân và ban câu đối, lạc khoản đề Thiên Túng Đạo Nhân, hiện còn; chùa Thiên Mụ được ban bốn chữ chính thủ bút của ông “Linh  Thứu Cao Phong” cũng đang còn; lại còn tuyển 25 sái phu cho ăn lương ở Phủ Chúa để giữ gìn và làm cỏ rác sạch sẽ thường xuyên ở chùa Thiên Mụ. Tại Chính Dinh, ông đặt ra Tăng Lục Ty để coi về Phật giáo, và Đạo Lục Ty để coi về Đạo giáo. Năm Tân Sửu (1721), ông cho dựng ngôi chùa Hoàng Giác ở làng Hiền Sĩ, huyện Phong Điền, và ban cho bức hoành khắc hiệu chùa sơn son thếp vàng.

Hệ luận của các Phật sự ấy là ở Thuận Hóa dưới thời Nguyễn Phúc Chu đã có hai ngôi chùa Phật rất huy hoàng tráng lệ mà bi ký, sách vở chính đương thời ghi lại rõ ràng. Một ngôi thiền quan là chùa Thiên Mụ trên đồi Hà Khê, thì chính Minh Vương đã viết trong văn bia: “Từ cửa chùa đi vào có Thiên vương điện, Ngọc Hoàng điện, Đại hùng bảo điện, nhà giảng pháp, lầu tàng kinh, hai bên có lầu chuông gác trống, Thập vương điện, Vân thủy đường, Tri vị đường, Thiền đường, Đại bi điện, Tăng liêu, Thiền xá trên mấy mươi nhà. Đằng sau trong vườn Tỳ-da ([1]) lại có phương trượng… tính ra cũng không dưới mấy mươi nhà. Tất cả đều huy hoàng tráng lệ, khiến người xem lòng vui mắt ngợp, ngỡ như là Tạng quang minh trong thế giới Kim sắc vậy” (由 山 門 而 天 王 殿 玉 皇 殿 大 雄 寶 殿 說 法 堂 藏 經 樓 兩 傍 則 鐘 鼓 樓 十 王 殿 雲 水 堂 知 味 堂 禪 堂 大 悲 殿 藥 師 殿 僧 寮 禪 舍 不 下 數 十 所 而 後 毗 耶 園 內 方 丈 等 處 又 不 下 數 十 所 皆 金 碧 輝 煌 觀 之 者令 人 怡 神 驚 目 宛 若 金 色 世 界 一 光 明 藏 也). Chúa đã vào hạ một tháng ở vườn Tỳ-Da, lại sai người đem vàng sang Trung Hoa mua Kinh, Luật, Luận hơn nghìn bộ đem về thờ ở chùa; đem tiền gạo phát chẩn cho người nghèo. Một ngôi chùa làng ở Hà Trung, cách Chính Dinh rất xa về mạn đông nam, nằm cuối đầm nước mặn Cầu Hai, thì Thạch Liêm Hòa thượng đã viết trong sách Hải ngoại kỷ sự là ngài cùng tăng chúng khoảng 50 người vào thăm chùa, được đãi một bữa cơm chay tại chùa. Sau khi ăn xong và nghỉ ngơi tại chùa trong thời gian ngắn, hòa thượng và tăng chúng ra đi. Giám tự và chư tăng trong chùa tiễn đoàn ra tận bến thuyền; và “khi trở thuyền kéo neo đi nữa; đoái nhìn chùa son điện ngọc, lấp lánh trong bờ biển rừng tùng, nước mây man mác, trập trùng bóng dương, phưởng phất chốn Bồng lai Lãng uyển” và ngài đã làm đến ba bài thơ Đường luật vịnh chùa Hà Trung rất hay.

Ngoài các Phật sự đã nói trên, thì Nguyễn Phúc Chu còn là một nhà thơ, một nhà văn có tài. Tuy tác phẩm của ông để lại không nhiều, nhưng nội dung văn thơ ông thường bao hàm tư tưởng Phật giáo, cũng đủ để giúp cho ta biết đươc phần nào cái triết lý sống “cư Nho mộ Thích”; và cái ý hướng vận dụng Phật giáo vào công việc trị nước an dân để tạo cảnh thái bình an lạc tại cõi Nam Hà như thế nào. Hiện chúng tôi mới sưu tầm lại được:

1.- Bài văn viết Tựa cho cuốn Hải ngoại kỷ sự của Đại Sán Hán Ông. Bài này không dài lắm. Ký lạc khoản rất rõ, dịch âm ra như sau: “Bính Tý bồ nguyệt, Đại Việt Quốc Vương Nguyễn Phúc Chu, thọ Bồ tát giới đệ tử, pháp danh Hưng Long, kính lễ thư tại Tĩnh Danh phương trượng, Tây cung Giác Vương Nội Viện”. Dưới bài này cóđóng ba con dấu: “Tào Động chính tông tam thập thế”, “Nguyễn Phúc Chu ấn”, và “Thiên Túng Đạo Nhân”.

2.- Một bài thơ và lời văn dẫn viết trên lụa hoa ban cho Đông Triều hầu Trần Đình Ân, khi ông này về trí sĩ vào năm Quý Mùi (1703).

3,- Một bức hoành tại chùa Thiên Mụ với bốn đại tự, chữ rất xương kính “Linh Thứu Cao Phong”, lạc khoản đề Quốc chúa Thiên Túng Đạo Nhân tạo vào Giáp Ngọ niên mạnh hạ nguyệt đản nhật, tức là ngày mồng tám tháng tư, lễ Phật đản năm Giáp Ngọ (1714). Tuy có bốn chữ, nhưng nội hàm triết lý đạo Phật lại rất rộng.

4.- Bài văn bia “Ngự kiến Thuận Hóa Thiên Mụ Tự”, lạc khoản đề “Thì: Vĩnh Thịnh thập nhất niên, tuế thứ Ất Mùi, sơ đông chi cát nhật lập” chúng tôi sẽ nói đến phần nội dung văn bia này sau.

5.- Phần câu đối thì ta còn: - hai câu ở chùa Quốc Ân Huế; - năm câu ở chùa Kính Thiên, Quảng Bình; - hai câu ở chùa Thập Tháp, Bình Định.

6.- Về thơ thất ngôn bát cú thì có bốn bài khóc Kính phi Ngọc Lan; và một bài thất ngôn tứ tuyệt vịnh đèo Ngãi Lãnh (tức đèo Hải Vân hiện nay).

7.- Một tác phẩm văn học cuối đời của chúa, cũng là một bài thơ, và một bài dẫn, khắc trên chiếc khánh đá mà chúa Minh Vương định đem cúng vào ngôi chùa cổ làng La Chử, hai câu sau của bài thơ ý nói “để tiếng khánh đem lại hạnh phúc cho nhiều đời sau”. Trên bài thơ có khắc hình rồng năm móng, có chữ “Quốc chúa ngự thư” và khắc dấu “Quốc chúa ngự bút chi bửu”. Lạc khoản đề mồng 3 tháng 10 năm Giáp Thìn, niên hiệu Bảo Thái năm thứ 5 (18-11-1724), chỉ một năm trước khi chúa mất!

Ở trên chúng tôi có nói, tuy tác phẩm của Minh Vương Nguyễn Phúc Chu để lại không nhiều, song bàng bạc trong các bài thơ, bài văn ấy, nhất là trong bài văn bia hiện còn ở chùa Thiên Mụ, ta còn tìm được cái triết lý “cư Nho mộ Thích” đầy tính nhân văn nhân bản của Nguyễn Phúc Chu khi ông đem cái triết lý này áp dụng vào việc trị nước an dân để tạo một xã hội Nam Hà thái bình thịnh trị dưới triều ông.

Ngay trong bài “Tựa” cuốn Hải ngoại kỷ sự, viết lúc ông mới 22 tuổi (1696), với lời văn chững chạc, khiêm cung, người ta đã thấy cái tinh thần muốn đem Phật pháp ứng dụng vào việc trị nước an dân của ông như thế nào. Ông đã nhận thức được: “đại thiên thế giới, bụi tro hạt cát đều do biển Hương thủy kết thành, trong những ngày Quả nhơn cùng với Lão Hòa thượng ngao du trong Hương thủy Hoa nghiêm, thì chẳng có gì phân biệt nội ngoại...” Mở đầu bài văn khắc ở bia “Ngự kiến Thuận Hóa Thiên Mụ tự” với mấy câu chưa đầy 100 chữ mà bao nhiêu tư tưởng rất hoằng viễn của Phật giáo, nhất là tư tưởng Bát nhã, đã được bao hàm trong đó: “Từng nghe; khoáng đạt không hình, đạo cao khó tả, Phật tính vốn không, ngọn nguồn thanh tịnh, các tướng gồm đủ, mà tính giác chiếu tròn đầy. Pháp chẳng hai đường, lí về một nghĩa; trời cũng xoay vần, đất không trung ngoại; đất nước gió lửa, bốn vùng nối tiếp. Phật tính lặng soi, thể thường trong suốt”. (蓋 聞 廓 然 無 象 至 道 奚 言 佛 體 性 空 本 源 清 淨 諸 相 具 足 而 覺 照 圓 融 法 不 二 門 理 歸 一 義 天 亦 旋 還 地 無 中 外 地 水 火 風 四 輪 相 因 佛 性 虛 明 其 體 湛 徹). Ông đã nhận chân được báo thân, pháp thân và ứng thân không có gì sai biệt, bốn cõi trời đất chẳng có gì là gần xa; Phật tính và chúng sinh tính không có gì sai khác... Lại nữa, vạn hữu đều biến chuyển từng sát-na, “không ngăn, không ngại, không thiếu, không dư. Thành, trụ, hoại, không, cũng chẳng ngại nhau, diệu kỳ vô cùng, như thế há không uyên áo đó sao?”(無 邊 無 礙 無 鞅 無 極 成 住 壞 空 空 不 相 凌 妙 奇 不 息 豈 不 遠 乎)... Vì thấu hiểu như vậy, cho nên ông đã: “tuy ở Nho mà chuộng Phật, làm chính trị phải chuộng Nhân, tin Đạo kính Thầy, hiểu nhân quả nên thường chăm lo ruộng phước, tiếp nối thanh bình cho quốc độ, an lạc thân tâm.” (居 儒 慕 釋 以 政 治 無 不 行 仁 信 道 崇 僧 就 因 果 而 思 種 福 承 平 國 界 安 樂 身 心); đó mới là bổn phận và nhiệm vụ của một vị đứng đầu muôn dân. Minh Vương đã phản quang hồi chiếu để đến được tầm nhận thức rốt ráo: “Ở nhà sang nào bằng Phương trượng, cưỡi ngựa hay đâu sánh kịp gậy Thiền. Áo gấm xênh xang chẳng giống ca-sa, vàng ngọc đầy nhà cũng thành trống rỗng. Ăn món ngon sao bằng được mùi cơm Hương Tích, nghe nhạc hay há sánh được lời Kinh độ thế. Nhân thời thịnh trị, tìm về vườn hoan hỷ, đời đạo song hành, chẳng hề trái lẽ.” (處 豐 屋 何 如 方 丈 馳 良 馬 何 如 振 錫 錦 衣 耀 世 不 似 袈 裟 金 玉 盈 堂 本 還 虛 白 久 食 珍 者 豈 觀 飯 來 香 積 聽 樂 者 豈 聞 梵 音 響 際 此 昌 期 之 世 還 尋 歡 喜 之 園 有 為 無 為 並 行 不 悖). Từ sự lãnh hội được cái lý “không hai”, “Phật tính và chúng sinh tính không có gì sai khác” của Phật giáo mà Nguyễn Phúc Chu đã thấy giữa Nho và Phật không có gì mâu thuẫn và tách rời; giữa vị chúa cầm quyền và vạn dân trong cõi đều giống in nhau; cho nên từ Nho ông đã quay về Thánh đế, đem giáo pháp của Phật ứng dụng vào việc cai trị muôn dân để mong sao nước nhà được thái bình, thịnh vượng, vua tôi được thọ mệnh lâu dài; nhân dân được an cư lạc nghiệp. Ông muốn tạo cõi đất Nam Hà thành nơi cực lạc, “Bốn cõi thanh bình, muôn dân lạc nghiệp, đường nghe bú mớm, vỗ bụng ca vang, gảy khúc nhạc thanh bình.” (四 境 清 平 萬 民 樂 業 路 聽 含 哺 鼓 腹 堂 聞 撫 瑟 彈 琴). Và rõ ràng xã hội Thuận Hóa dưới đời Nguyễn Phúc Chu là một xã hội thanh bình, có quy cũ, trật tự; dân tình no ấm; mọi người đều được hưởng pháp lạc an vui. Điều này không phải võ đoán. Câu văn trên nói đến ba hạng người: phụ nữ, trẻ em và nông dân. Chỉ một câu thôi, Minh Vương đã cho người đọc thấy hình ảnh người phụ nữ nông thôn trẻ tuổi, tươi vui, bồng con vừa đi chơi, vừa cho con bú ngoài đường; đứa trẻ bụ bẫm vừa ngậm bú bầu sữa căn tươi tốt của mẹ vừa ậm à tỏ ý hài lòng, một cử chỉ của trẻ em mà ta thường thấy ở những trẻ được nuôi dưỡng tử tế, có sức khỏe. Còn người nông phu thì thảnh thơi vui thú vỗ bụng làm trống đánh nhịp để ca hát khúc thanh bình... Không những nông dân, mà những kẻ chài lưới, những người buôn bán cũng an cư lạc nghiệp trong xã hội thanh bình đó; không có nét lo âu, tranh cướp! Trong Hải ngoại kỷ sự,  Đại Sán Hán Ông đã nói đến cảnh thanh bình ở vùng làng quê Hà Trung, rất xa đất kinh kỳ, khi ngài ghé thăm Hà Trung cổ tự, như sau: giữa cảnh trời nước xinh đẹp, thoáng rộng của đầm Hà Trung ngài thấy “Thẳng bờ có đóng cừ, mọc đầy cây dương nước; một gian chòi cỏ, nơi nương náu của những kẻ làm lưới chài”, và “người đi đường quanh co đùa giỡn, ngắm nhìn phong cảnh, hứng thú xiết bao!” (HNKS tr.133, Huế, 1963). Lúc Minh Vương chuyển Dinh phủ về làng Bác Vọng, thì mỗi khi xuân về Tết đến, nam thanh nữ tú thường tụ họp trước mái lầu Quyển Bông để múa hát vui chơi, hạnh phúc tràn trề.

Ngoài ra ta phải kể đến thành phần trí thức, dưới đời Nguyễn Phúc Chu, có rất nhiều người làm quan to trong triều đường là những người giỏi về văn học, nhất là rất thông thạo Phật học, như Đông Triều hầu Trần Đình Ân, học sĩ Hào Đức hầu Nguyễn Hữu Hào chẳng hạn. Cũng chính ngài Thạch Liêm đã nhận xét: “Ta từ ngày đến nước này, thường lưu tâm dò xét trong đám sĩ phu, văn võ, như bọn Chưởng-Thanh, Đông-Triều, Hào-Đức, Lệ-Tuyền, Cai-Bá đều là những tay cừ khôi trác lạc”.

Chẳng những con người, mà thiên nhiên của cõi Thuận Hóa dưới thời Nguyễn Phúc Chu dường như cũng thấm đẫm không khí của một xã hội thanh bình, thịnh vượng, rất ngoạn mục. Cũng chính trong văn khắc ở bia “Ngự kiến Thuận Hóa Thiên Mụ tự” có một đoạn nói về sự thịnh giàu của xứ Thuận Hóa nói riêng, toàn cõi Nam Hà nói chung; đồng bằng với lúa gạo, rừng núi với nhiều động vật hoang dã quý hiếm như voi, cọp, tê giác, chim công, chim trĩ đuôi dài; đầm phá, biển cả với san hô, tôm cá phong phú, mà nói theo danh từ hiện đại là rất đa dạng sinh học.

Nhìn lại, ta thấy không phải Nguyễn Phúc Chu sống theo lối “cư Nho mộ Thích” là tạo nên một không khí thoải mái cho riêng mình để ngồi lâu trên vương vị mà hưởng cho thật đầy đủ hết mọi thứ trên đời một cách vị kỷ; trái lại, Vương sống theo lối “cư Nho mộ Thích” chính là Vương đang thể hiện một triết lý tổng hợp; với tinh hoa của Nho giáo mà Vương đã thủ đắc được, thêm vào những tinh hoa của Phật giáo để đưa ra một triết lý hiện thực, một thứ triết lý đầy tính nhân văn nhân bản, đem lại lợi lạc vô song cho nhân quần xã hội; bởi vì Vương đã thường “Nghĩ rằng người đời nay mộng sâu chưa tỉnh, nâng búa lớn để mở ra ngôi bảo sát, khơi dòng nước sâu chảy mạnh, phủi bụi trần nơi gương báu, làm cho cả trời người cùng lợi lạc.”(念 此 時 人 夢 深 未 覺 舉 盤 今 斧 而 開 大 好 山 挽 奔 流 之 洞 水 拂 寶 鏡 之 埃 塵 互 相 利 益), để thể hiên mục đích rất rõ ràng là nguyện cầu và thực hiện “Nguyện bà con Nguyễn tộc xa gần cùng lên pháp hội, mãi là người chủ gieo phúc, chọn chốn già-lam ban lộc. Thân thuộc nội ngoại cùng chứng Bồ-đề” (願 阮 門 遠 近 宗 親 咸 登 法 會 永 為 福 主 掄 祚 伽 籃 內 外 戚 屬 共 證 菩 提) ... “đất trời bờ cõi mở mang, nông thương tấp nập, binh giàu nước mạnh, làm nghề đúng vụ đúng mùa.” (土 宇 闢 開 農 商 盛 集 兵 強 國 富 守 業 安 時).

Tuy nhiên, với cái triết lý tổng hợp đó, thì ta cũng có thể gọi đây là triết lý Phật giáo nhập thế, bởi vì chính Phật giáo của Thiền Tào Động Việt Nam mới là thành tố quan trọng đã tạo nên một Nguyễn Phúc Chu như ta đã thấy. Và chính Nguyễn Phúc Chu là con người minh triết, biết lấy dân làm trọng, biết vận dụng tinh thần từ bi, hỷ xả của Phật giáo vào việc trị nước an dân, để tạo cho xã hội Nam Hà dưới thời ông thành một xã hội thanh bình an lạc; người dân sống ấm no, hạnh phúc yên vui.

Ý nguyện của người sáng lập ra cái triết lý “cư Nho mộ Thích” lại rất hoằng viễn là “自 玆 而 後 繼 往 開 來 以 法 法 之 相 承 燦 燈 燈 之 朗 燄” (Từ nay về sau, kế thừa tiền nhân, khai mở đường cho con cháu để giáo pháp được truyền thừa, khêu ngọn đèn pháp thêm phần sáng rạng...). Tuy ý nguyện tốt đẹp của ông không được các vị chúa Nguyễn kế tục ông thực hiện; song ít nhất, người ta cũng thấy được khi một Phật tử chính thống ở ngôi vị nhà cai trị với một triết lý “cư Nho mộ Thích” như Nguyễn Phúc Chu, thì thời buổi ấy cũng đã có một thứ ánh sáng đặc biệt nào đó đối với nhân quần xã hội vậy.

Huế, tiết Tiểu Hàn năm Canh Dần (17-01-2011)

 



* Hòa thượng, Phó Viện trưởng HVPGVN tại Huế.

[1] Tỳ-da: tức thành Tỳ-da-ly, nơi ở của cư sĩ Duy Ma Cật.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 25
    • Số lượt truy cập : 6561358