Thông tin

NGUYỄN PHÚC THUẦN,

 ÔNG TƯỚNG CÓ LÒNG NHÂN TÂM PHẬT

 

HỒ XUÂN THIÊN*

 

Năm Mậu Ngọ (1558), Nguyễn Hoàng đem hơn một ngàn quân thủy vượt biển vào trấn Thuận Hóa. Đối với triều đình Lê Trịnh, Nguyễn Hoàng vẫn giữ lễ phiên thần. Nguyễn Hoàng còn đem quân ra Bắc hai lần nữa. Lần đầu (1569) chúa đi Thanh Hoa yết kiến vua Lê và thăm chúa Trịnh Kiểm đang bệnh nặng, kết quả của chuyến đi này là vua Lê triệu tổng binh Quảng Nam Nguyễn Bá Quýnh về trấn thủ Nghê An, vua phong cho chúa Nguyễn Hoàng kiêm lãnh hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam. Lần thứ hai (1592) khi vua Lê lấy lại được Đông Đô, chúa đem binh quyền ra yết kiến. Lần này chúa bị giữ lại Đông Đô hết tám năm. Năm 1600, chúa bày mưu mới về được Thuận Hóa.

Năm 1613, chúa Nguyễn Hoàng yếu. Trước khi mất, chúa gọi thế tử là Nguyễn Phúc Nguyên căn dặn: “Đất Thuận Quảng, Bắc có Hoành Sơn và sông Gianh hiểm trở, Nam có núi Hải Vân và núi Thạch Bi bền vững. Núi sẵn vàng sắt; biển sẵn cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân, luyện binh chống với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời. Ví bằng thế lực không thể địch được thì cố giữ đất đai chờ cơ hội, đừng bỏ qua lời dặn của ta.”[1]

Từ đó quan hệ giữa chính quyền Thuận Quảng và triều đình Lê Trịnh ngày càng căng thẳng. Chiến tranh Nam Bắc đã xảy ra tám lần từ 1627-1672. Cuộc chiến cuối cùng (1672), còn gọi là trận Trấn Ninh, là lớn nhất thời kỳ nội chiến. Trận này quân Bắc thanh thế lừng lẫy, thủy quân gồm một ngàn chiến thuyền, trên mười vạn quân tham gia chiến trận do chúa Trịnh Tạc đích thân làm nguyên soái, thế tử Trịnh Căn làm nguyên soái thủy quân, rước cả vua Lê Gia Tông cùng đi chinh phạt[2].

Người cầm đầu quân Nguyễn vừa hai mươi tuổi làm nguyên soái, đó là công tử Hiệp Đức Nguyễn Phúc Thuần.

Tôi báo cáo gia thế Hiệp Đức Nguyễn Phúc Thuần, vai trò của nguyên soái Hiệp Đức đối với trận Trấn Ninh và cuối cùng là công tử Hiệp Đức với Phật Giáo.

I. Gia thế Hiệp Đức Nguyễn Phúc Thuần:

1. Cha mẹ Hiệp Đức Hầu:

Cha công tử Hiệp Đức là Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1620-1687). Chúa Hiền nối ngôi năm 1648, ngài đã ba lần tổ chức chiến tranh chống lại quân Trịnh. Ngài đã chấm dứt được cuộc phân tranh Nam Bắc kéo dài suốt 45 năm (1627-1672). Ngài có công mở rộng bờ cõi về phương Nam, lập ra hai phủ Thái Khang và Diên Ninh năm 1653 (nay là đất đai tỉnh Khánh Hòa), mở đường cho các vị kế nghiệp tiến vào phía Nam. Đối với Phật Giáo, ngài xây dựng nhiều chùa. Chùa Hòa Vinh trên núi Quy Sơn được chúa xây năm 1667[3], sau này là Thiền Tĩnh Viện, mời thiền sư Minh Châu Hương Hải đến hoằng hóa, mở ra tương lai cho Phật Giáo Đàng Trong phát triển. Chính tại Thiền Tĩnh Viện Quy Kỉnh, Quốc Thái Phu Nhân cùng bốn công tử là Phúc Mỹ, Hiệp Đức, Cương Lĩnh và Hoằng Ân  đều quy y thụ giáo, quan dân binh lính ai cũng kính tin xin quy y thụ giáo hơn 1300 người[4], mở đường phát triển Phật Giáo Đàng Trong .

Mẹ công tử Hiệp Đức là Châu Thị Viên (1625-1684). Bà vào hầu chúa trong thời kỳ tiềm để được phong là Chánh Phu Nhân. Bà sinh được hai trai và một gái, con gái Nguyễn Phúc Ngọc Tào chết sớm, con trưởng là thế tử Nguyễn Phúc Diễn (1640-1684), con thứ hai là Nguyễn Phúc Thuần (1653-1675). Bà đã cùng thế tử Phúc Mỹ, các công tử, cư sĩ Trần Đình Ân… chú tạo Đại Hồng Chung chùa Sùng An, làng An Lưu, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên nay vẫn còn[5]. Cuối đời bà rất đau buồn vì công tử Hiệp Đức chết sớm (1672), còn thế tử Phúc Mỹ chưa được nối ngôi đã mất (1684). Bà mất năm Giáp Tý (1684), được chúa tặng Tán Quốc Chánh Phu Nhân[6].

2. Anh chị em Hiệp Đức Hầu:[7]

Công tử Hiệp Đức có sáu anh em trai và ba chị em gái.

Nguyễn Phúc Diễn (1640-1684) là con trưởng của chúa Nguyễn Phúc Tần, còn có tên là Hán, mẹ là hoàng hậu Châu Thị Viên. Lúc đầu ông được lập làm thế tử, phong chức chưởng dinh, tước Phúc Mỹ Hầu[8], chưa được nối ngôi thì mất. Năm 1684 thế tử bệnh nặng than rằng “tiếc ta là thân vương tử mà không lập đươc công lớn để lại cho đời”. Chúa thương tiếc phong tặng Phúc Quận Công, sau được phong Phúc Quốc Công. Bà vợ là Nguyễn Thị Vệ, pháp danh Diệu Linh. Ông có sáu trai và ba gái.

Nguyễn Phúc Thái (1650-1691) là con thứ hai của chúa Nguyễn Phúc Tần, lại có tên là Ngàn, mẹ là hoàng hậu Tống Thị Đôi, anh cùng mẹ với công tử Cương Lĩnh. Thế tử Nguyễn Phúc Diễn mất sớm nên ông được lập làm thế tử. Ban đầu ông được phong Hoằng Ân Hầu[9], năm 1687 Nguyễn Phúc Thái nối ngôi, được phong tước Hoằng Quốc Công. Đối với Phật Giáo, ông và vợ là Quốc Thái phu nhân đều quy y với thiền sư Hương Hải. Ông cho dựng chùa Thuận An, ông cũng đã phái thiền sư Hoán Bích Nguyên Thiều trở về Trung Quốc cầu cao tăng. Ông mất năm 1691. Thế tử dâng Thụy hiệu Hoằng Nghĩa Vương. Ông có năm trai và bốn gái. Con trưởng là chúa Nguyễn Phúc Chu.

Nguyễn Phúc Trân (1652-1685) là con thứ ba của chúa Nguyễn Phúc Tần, còn có tên là Huyền. Mẹ là hoàng hậu Tống Thị Đôi. Ông là em cùng mẹ với chúa Nguyễn Phúc Thái. Lúc đầu, ông làm chưởng cơ, được phong tước Cương Lĩnh Hầu[10]. Năm 1685, ông mất, được phong tặng Thiếu Bảo Cương Quận Công. Ông có vợ húy là Chơn Tánh, pháp danh Diệu Lan. Ông có một trai là Nguyễn Phúc Dần.

Ba người con khác là Nguyễn Phúc Niên, Nguyễn Phúc Nhiễu, Nguyễn Phúc Ngọc Tào đều mất sớm. Hai công nữ khuyết danh có chồng lần lượt là chưởng cơ Tráng và chưởng cơ Đức.

3. Con cháu dòng dõi Nguyễn Phúc Thuần[11]:

Nguyễn Phúc Thuần có bốn trai là Nguyễn Phúc Nhuận, Nguyễn Phúc Lễ, Nguyễn Phúc Thiều, Nguyễn Phúc Phan.

Nguyễn Phúc Nhuận làm quan chức chưởng dinh Thiếu Phó Quận Công. Có con là Nguyễn Phúc Thành làm quan chức cai cơ. Nguyễn Phúc Thành có con là Nguyễn Phúc Lộc làm quan chức quản cơ. Nguyễn Phúc Lộc có con là Tôn Thất Đính.

Tôn Thất Đính có nhiều con: Tôn Thất Thuyết làm phụ chánh đại thần triều Tự Đức; Tôn Thất Hàm làm tham biện sơn phòng, tham gia Cần Vương chống Pháp bị bắt và chết tại Đà Nẵng; Tôn Thất Lệ làm tham biện sơn phòng Quảng Trị, hy sinh tại chiến trường.

Tôn Thất Thuyết có hai con trai là Tôn Thất Đạm và Tôn Thất Thiệp phò vua Hàm Nghi, đều hy sinh vì nước. Rễ của Tôn Thất Thuyết là Hoàng Giáp Nguyễn Thượng Hiền (lấy bà Tôn Nữ Thị Ân) là nhà cách mạng chống Pháp.

II. Trận chiến Trấn Ninh 1672[12]:

Đây là trận chiến lớn nhất của thời kỳ nội chiến. Quân Bắc điều động mười vạn quân, một ngàn chiến thuyền do chúa Trịnh Tạc làm nguyên soái, thế tử Trịnh Căn làm nguyên soái thủy quân, rước vua Lê Gia Tông ngự giá cầm quân, đô đốc Lê Thì Hiến làm tiên phong. Quân Nam nguyên soái là công tử Hiệp Đức, tiết chế là Nguyễn Hữu Dật, tả hữu tiên phong là Trương Phúc Cương và Nguyễn Đức Bảo.

Để chuẩn bị, chúa Trịnh Tạc chứa lương thảo ở Dinh Cầu và điện Phù Bộ phía Bắc sông Bố Chánh, cho đào kinh Ròn để thông đường thủy, cho chặt tre gỗ tập trung tại hai xã An Bài và Thổ Ngỏa để quân làm cầu phao.

Chúa Nguyễn Phúc Tần tự cầm quân, đóng tại dinh Toàn Thắng thuộc phủ Quảng Bình. Nguyên soái Hiệp Đức chọn ngày 20/7 làm ngày xuất quân và phân công Tiết chế Chiêu vũ Nguyễn Hữu Dật dàn trận ở lũy Cát và bãi Đại Trường Sa, Trấn thủ Quảng Bình là đại tướng Mỹ Thắng đem quân giữ Chính Lũy, trên từ khe Cự, dưới đến Hói Tráng, trấn thủ Cựu Dinh là Thuần Đức đem quân giữ lũy Dòn Võng, tướng tiên phong phò mã chưởng cơ Trương Phúc Cương và tiên phong Nguyễn Đức Bảo, cai đội Hoàng Tín, tham mưu ký lục Võ Phi Thừa đem quân giữ cầu Mũi Nậy và đài Mũi Thóc, tham tướng Tài Lễ đem chiến thuyền dàn hai bên cửa biển Nhật Lệ, trấn thủ Triều Tín dinh Bố Chính bảo vệ dân chúng vào hết trong thành Trấn Ninh, xong đem quân giữ lũy Động Hồi ở núi Đâu Mâu.

Chúa Trịnh Tạc sai quân đắp lũy từ núi ra tới biển, thế tử Trịnh Căn đem tám trăm chiến thuyền đánh chặn cửa sông Gianh, tham đốc Thắng Quận Công đem mười chiến thuyền giữ cửa sông Nhật Lệ, phò mã Hương Quận Công đắp đài ở xứ Cồn Mắm xã Trấn Ninh, đặt súng lớn kiềm chế không cho quân Nam qua sông.

Chúa Nguyễn Phúc Tần bố trí sáu vạn quân giữ các cửa biển và vùng duyên hải: cai cơ Quyền Tín giữ cửa Tư Dung, cai đội Tín Mỹ giữ của Nại Hải, cai đội Mỹ Tài giữ cửa Tùng Luật, tri huyện của năm huyện dẫn hương binh đóng giữ duyên hải dọc bãi Trường Sa.

Ngày 25/9, chúa Nguyễn Phúc Tần dẫn quân đóng tại phủ Toàn Thắng thuộc Cựu Dinh. Chúa sai thế tử Nguyễn Phúc Diễn đem quân thủy giữ cửa Yên Việt, cai cơ Thái Sơn, Thuận Trung giữ thành Trấn Ninh.

Ngày 25/9, trận chiến mở màng. Quân Bắc tiến thẳng đến dưới thành Trấn Ninh, quân Nam bám mặt thành mà đánh. Hai bên đánh từ sáng đến tối không phân thắng bại. Nguyên soái Hiệp Đức dẫn đại quân đến thôn Cừ bên này sông Nhật Lệ yểm trợ. Bên Bắc chúa Trịnh Tạc cho quân tìm chỗ tường thấp của thành Trấn Ninh quyết chiến. Quân Nam hai tướng tiên phong Trương Phúc Cương và Nguyễn Đức Bảo cố chống trả, thây quân sĩ hai bên chất hàng đống. Quân Bắc dùng hỏa công, quân Nam phải dùng cát ướt để dập tắt. Quân Bắc lại ném trái phá vào thành, quân hai bên chết vô số nhưng thành không hạ được. Chúa Trịnh Tạc triệu tướng tiên phong là Lê Thì Hiến đến bàn. Thái Tể Lan Quận Công Nguyễn Thực nói: “Đã đến núi báu ai chịu về không, cúi xin vương thượng cho các tướng dốc lòng đánh phá, áp sát thành Trấn Ninh, đào sập tường thành, quân ta đổ dồn như kiến thì bọn chúng không thể chế ngự được”. Trịnh Tạc đồng ý, chọn 3000 quân cảm tử cho uống rượu say, mang cuốc lao vào phá chân thành, ném lửa đốt hết sạch chông, tường thành Trấn Ninh có nguy cơ sụp đổ. Tướng tiên phong bên Nam là Trương Phúc Cương và Nguyễn Đức Bảo cùng ký lục Võ Phi Thừa xin ý kiến nguyên soái Hiệp Đức bỏ thành Trấn Ninh về giữ lũy Mũi Nại. Nguyên soái Hiệp Đức không bằng lòng, sai cố giữ thành, nếu bỏ thành thì không còn chỗ hiểm và làm nhụt lòng quân. Nguyên soái một mặt sai tiết chế Nguyễn Hữu Dật, một mặt sai tướng sĩ tâm phúc dưới quyền đem quân cứu viện thành Trấn Ninh, chỉ để lại một ngàn quân hộ vệ. Quân Bắc lại dùng hỏa công: dùng diều giấy cho bay vào trong lũy, dưới cánh diều cho đeo chất dẫn lửa, kho tàn nhà cửa trong thành bốc cháy, khói bay nghi ngút, quân Bắc được thế tiến sát dưới chân thành. Tiết chế Nguyễn Hữu Dật cho làm bàn chông, đóng đinh sắt, dùng dây thừng treo lên cây cao, khi quân Bắc xông vào chiếm thành thì thả chông chụp vào đầu quân giặc. Tình hình chiến sự bất phân thắng bại thì chúa Trịnh Tạc được tin thế tử Trịnh Căn bệnh nặng, chúa Trịnh Tạc bèn ra lệnh kéo quân về Bắc, chỉ để lại ít quân cho tướng tiên phong Lê Thì Hiến dẫn quân đi sau.

Quân Nam toàn thắng, công tử Hiệp Đức sai Minh Tiến về phủ Toàn Thắng báo tin thắng trận lên chúa Nguyễn Phúc Tần, đồng thời tổ chức tiệc khoản đãi chư tướng. Công tử cho lập đàn tế tướng sĩ trận vong. Trong thành Trấn Ninh, công tử Hiệp Đức cho lập đàn tế quân Nam; ngoài thành, công tử cho lập đàn tế quân Bắc. Tất cả tướng sĩ miền Bắc bị bắt giữ đều được công tử hoặc cho về Bắc, hoặc cho đi khai khẩn miền Nam.

III. Công tử Hiệp Đức tín ngưỡng đạo Phật

Từ năm Giáp Tí (1600) lúc chúa Nguyễn Hoàng từ Đông Đô trở về Thuận Hóa, chúa có quan điểm cởi mở với đạo Phật, chúa cho xây dựng nhiều chùa: chùa Thiên Mụ tại Huế, chùa Sùng Hóa tại Phú Vang, chùa Kính Thiên tại Quảng Bình, chùa Bửu Hòa và chùa Long Hưng tại Quảng Nam. Không những thế, chúa còn trực tiếp tham gia lễ Phật, làm đàn chay tại chùa Thiên Mụ và bố thí cho dân nghèo[13].

Thế tử Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) nối ngôi. Chúa chiêu hiền đãi sĩ, thu dùng hào kiệt. Chúa cho mở khoa thi để chọn nhân tài[14]. Chúa cho mở võ trường để thu dùng võ quan bách tính[15]. Chúa cho lập đội quân Trung Nghĩa bảo vệ chính dinh gồm con cháu những người đã theo chúa Nguyễn Hoàng vào Nam[16]. Nhiều tướng tài xuất hiện: Nguyễn Hữu Dật, Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Tiến, Võ Đình Phương, Võ Phi Thừa… Điều đặc biệt là chúa Nguyễn Phúc Nguyên được dân xưng tụng là chúa Sãi. Có lẽ vì chúa có lòng mộ Phật, xây dựng chùa ngay trong khuôn viên phủ chính Phúc Yên gọi là Giác Viên Nội Viện, mời sư khai sơn Hà Khê Cổ Tự về trụ trì, nay gọi là chùa Quảng Phúc đã được trùng tu[17]. Văn thần Nguyễn Hữu Dật được dân tỉnh Quảng Bình tôn phong bồ tát. Khi mất được chúa Minh Nguyễn Phúc Chu phong thần và lập đền thờ ở Thạch Xá vì ông từng làm chưởng dinh đạo Lưu Đồn có ân uy với dân[18]. Đào Duy Từ là một Phật tử. Ông đã cho ta biết tại cửa biển Tư Dung có hai chùa thờ Phật là chùa Bà Viên và chùa Thái Lai.

“Đông Tây đều cách vãng lai

Rước ai nọ quán, đưa ai nọ đò”[19]

Chắc là chùa ở trên núi Quy Sơn có trạm dừng chân trên đường cái quan từ Thuận Hóa đi Quảng Nam.

Thế Tử Nguyễn Phúc Lan (1635-1648) nối ngôi, Phật Giáo Đàng Trong có cơ hội phát triển hơn. Tại Quảng Trị xuất hiện hai thiền sư Viên Khoan-Đại Thâm và Viên Cảnh-Lục Hồ[20].

Thế Tử Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) nối ngôi, Phật Giáo Đàng Trong thật sự phát triển. Chúa cho sửa lại chùa Thiên Mụ (1665), dựng chùa Hòa Vinh trên núi Quy Sơn. Các chùa làng cũng được xây dựng: chùa An Lưu huyện Phú Vang, chùa La Chữ huyện Hương Trà, chùa Thủ Lễ thị trấn Sịa, chùa Thanh Phước, chùa Hà Trung, chùa Kim Long lần lượt được xây dựng[21].

Thời này, thiền sư Nguyên Thiều đến Thuận Hóa dựng chùa Vĩnh Ân (sau này có tên là Quốc Ân) phía Nam sông Hương[22]. Đặc biệt hơn là thiền sư Minh Châu-Hương Hải hoằng hóa tại Quảng Nam. Thiền sư người làng Bình An, huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa, Quảng Nam. Ngài thi đỗ Hương Tiến năm Đinh Hợi (1647) đời chúa Nguyễn Phúc Lan, được bổ làm văn chức tại dinh Kim Long. Năm 1652 được thăng làm tri phủ Triệu Phong. Phủ Triệu Phong gồm năm huyện là Hương Trà, Quảng Điền, Phú Vang, Hải Lăng và Đăng Xương. Làm tri phủ được ba năm, thiền sư Hương Hải xin từ quan về lập am tu thiền trên núi Tiêm Bút La ngoài cửa biển Đại Chiêm gần Hội An. Đại Chiêm là cửa biển sông Chợ Củi. Hai bên bờ sông Chợ Củi phía Bắc thuộc phủ Điện Bàn, phía Nam thuộc huyện Duy Xuyên. Tại Quảng Nam, danh tiếng của thiền sư Hương Hải đã lan truyền khắp nơi. Gia đình quan trấn thủ Quảng Nam là Thuần Quận Công và Chưởng Thái Giám Hoa Lễ Hầu đều đến xin quy y[23].

Theo Đại Nam Liệt Truyện thì Thuần Quận Công là Tôn Thất Thuần làm quan chức trấn thủ được phong tước quận công. Ông là con chưởng dinh Tôn Thất Nghĩa, cháu nội Tôn Thất Hà. Tôn Thất Hà là con trưởng của chúa Nguyễn Hoàng[24]. Theo Đại Nam Thực Lục thì Chưởng Thái Giám Hoa Lễ Hầu là Mai Phúc Hòa. Năm 1687, Chưởng Thái Giám Mai Thúc Hòa được thăng đô đốc[25].

Khoảng năm 1667, chúa Nguyễn Phúc Tần dựng chùa Hòa Vinh trên núi Quy Sơn gần cửa biển Tư Dung huyện Phú Vang. Chúa mời thiền sư Minh Châu-Hương Hải đến lập Thiền Tịnh Viện để hoằng hóa . Lê Quý Đôn cho biết khoảng 1300 người gồm hoàng gia quan tướng và nhân dân xin quy y thọ giới với thiền sư[26].

Chính phu nhân của chúa Nguyễn Phúc Tần là Châu Thị Viên khi mất được phong tặng Tán Quốc Chính Phu Nhân. Phu nhân của chúa Nguyễn Phúc Thái được phong là Quốc Thái Phu Nhân[27]. Sau đây là các hoàng tử con chúa Nguyễn Phúc Tần.

- Nguyễn Phúc Diễn, làm quan chức chưởng dinh, trước được phong tước Phúc Mỹ Hầu[28], khi mất được truy phong làm Phúc Quốc Công.

- Nguyễn Phúc Thái, trước được phong Hoằng Ân Hầu[29], khi mất được truy phong làm Hoằng Nghĩa Vương.

- Nguyễn Phúc Trân, trước được phong tước Cương Lĩnh Hầu[30], khi mất được truy phong làm Cương Quận Công.

- Nguyễn Phúc Thuần, trước được phong tước Hiệp Đức Hầu[31], khi mất được truy phong Hiệp Quận Công.

Lại nói công tử Hiệp Đức Hầu, có thể công tử quy y với thiền sư Hương Hải trong khoảng thời gian 1667-1672 vì năm 1672 công tử Hiệp Đức đã được cử làm nguyên soái. Từ khi nguyên soái xuất trận đã hơn hai tháng, chỉ dùng giáp sĩ hầu hạ. Có viên cai đội Quảng Bình là Bật Nghĩa có người con gái đẹp dò biết chuyện ấy bèn nhờ người đem con đến tiến vào trong trướng để hầu hạ. Hiệp Đức trông thấy bèn nổi giận mắng: ta chỉ muốn dẹp tan giặc, sao ngươi dám đem nữ sắc đến câu ta? Bèn cho mười quan tiền rồi đuổi đi[32].

Sau khi thắng trận, nguyên soái Hiệp Đức sai dựng đàn tế các tướng sĩ trận vong ở trong thành Trấn Ninh. Đối với quân Bắc, nguyên soái cũng cho dựng đàn tế nhưng ở ngoài thành. Những chiến sĩ tử nạn dù quân Nam hay Bắc đều được chôn cất tử tế. Những tù binh quân Bắc bị quân Nam bắt được đều được cho tự do về Bắc. Người nào muốn ở lại thì được sắp xếp cho khai hoang, lập ấp ở miền Nam[33].

Từ khi rời chiến trận trở về dinh Kim Long, công tử Hiệp Đức phát lòng mộ đạo Phật, bèn lập một am nhỏ ở xã Khách Quán để hàng ngày tụng kinh tham thiền lễ Phật[34].

Khoảng năm 1673, Hiệp Đức Hầu vân du về phương Nam đến phủ Quy Ninh (nay là tỉnh Bình Định) gặp hòa thượng Giác Phong. Hòa thượng cho bảy chữ "Tôn Nhân Tự Giác Giác Hàm Sanh" và truyền cho bài kệ:

"Phước chiểu liên hoa diệu

Thiền gia ngọc bát hương

Vĩnh truyền ngô tống ấn

Chánh pháp thạnh nam phương"[34]

Từ đó, Hiệp Đức lấy hiệu là Giác Sanh Thiền Hòa Tử, đến dinh Thái Khang (nay là tỉnh Khánh Hòa) lập am tranh tu thiền trên núi Bút Sơn, làng Thanh Minh, xã Thanh Toàn, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa để hoằng dương hóa độ cho lưu dân Việt mới đến khai khẩn vì dinh Thái Khang mới được lập năm 1653 và năm 1669 mới bắt đầu duyệt tuyển. Quan dân đến xin thọ giới tu học rất đông, thiền sư Giác Sanh phải bỏ am tranh dựng ngôi chùa ngói lấy tên là Minh Thiện, làm lễ lạc thành ngày 17 tháng 11 năm Quý Sửu (1673)[35].

Ngày rằm tháng 6 năm Ất Mão (1675), Giác Sanh Thiền Hòa Tử an nhiên thị tịch. Đồ chúng làm lễ hỏa táng, xá lợi được nhập tháp trong khuôn viên chùa Minh Thiện, một phần đưa về an táng ở xã Hiền Sĩ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên. Đền thờ lập tại làng Vân Thê, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Chúa Nguyễn Phúc Tần cho tên thụy là Tịnh Đức Phổ Chiếu Hòa Thượng[36].



* Ban PGVN, VNC Phật học Việt Nam.

  1. Đại Nam Thực Lục Tập Một (ĐNTLT1). Quốc Sử Quán Triều Nguyễn. Viện Sử Học. NXB Giáo Dục. Năm 2007. Trang 25 – 37.
  2. ĐNTLT1. Trang 84.
  3. Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả (NPTTP). Hội Đồng Trị Sự Nguyễn Phúc Tộc. NXB Thuận Hóa. Huế. Năm 1995. Trang 131 – 135.
  4. Lịch Sử Phật Giáo Xứ Huế (LSPGXH). Thích Hải Ấn & Hà Xuân Liêm. NXB Văn Hóa Sài Gòn. Năm 2006. Trang 185.
  5. LSPGXH. Trang 100.
  6. Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên. Quốc Sử Quán Triều Nguyễn. Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu. NXB Khoa Học Xã Hội. Năm 1995. Trang 71.
  7. NPTTP. Trang 142 – 143.
  8. Việt Nam Khai Quốc Chí Truyện (VNKQCT). Nguyễn Khoa Chiêm. NXB Hội Nhà Văn. Năm 1994. Trang 585.
  9. VNKQCT. Trang 594.
  10. VNKQCT. Trang 616.
  11. 700 Năm Thuận Hóa Phú Xuân Huế. Nguyễn Đắc Xuân. NXB Trẻ. Năm 2009. Trang 793.
  12. VNKQCT. Trang 517 – 571.
  13. Ấn Chương Việt Nam Từ Thế Kỷ XVI Đến Cuối Thế Kỷ XIX Trong Dân Gian Vùng Huế (ACVN). Lê Nguyễn Lưu & Huỳnh Đình Kết. NXB Thuận Hóa. Năm 2011. Trang 55.
  14. ĐNTLT1. Trang 49.
  15. ĐNTLT1. Trang 44.
  16. ACVN. Trang 61.
  17. ACVN. Trang 57.
  18. ACVN. Trang 72.
  19. LSPGXH. Trang 96.
  20. LSPGXH. Trang 99.
  21. LSPGXH. Trang 100.
  22. LSPGXH. Trang 100.
  23. LSPGXH. Trang 186.
  24. ĐNLT. Trang 84 – 85.
  25. ĐNTL. Trang 96.
  26. LSPGXH. Trang 185.
  27. NPTTP. Trang 142.
  28. VNKQCT. Trang 185.
  29. VNKQCT. Trang 594.
  30. VNKQCT. Trang 616.
  31. NPTTP. Trang 143.
  32. NPTTP. Trang 143.
  33. VNKQCT. Trang 572 – 575.
  34. VNKQCT. Trang 585.
  35. Lịch Sử Phật Giáo Đàng Trong (LSPGĐT). Nguyễn Hiền Đức. NXB Thành Phố. Năm 1995. Trang 128.
  36. LSPGĐT. Trang 130.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 7)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 6)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 33
    • Số lượt truy cập : 6705200