Thông tin

NHẠC LỄ TRIỀU CHÂU Ở CHỢ LỚN

NHẠC LỄ TRIỀU CHÂU Ở CHỢ LỚN

 

LÊ HẢI ĐĂNG

 


 

Nhạc lễ của người Triều Châu ở Chợ Lớn, Thành phố Hồ Chí Minh có nguồn gốc từ vùng Hoa Nam, Trung Quốc, do một số lưu dân truyền sang miền Nam Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Ban đầu, loại hình nghệ thuật này phổ biến thông qua hoạt động của Hội tương tế, như: Hội phụ mẫu Sư Trúc Hiên, Nghiệp đoàn cổ nhạc Triều Quần… Đây là những tổ chức ra đời sớm nhất ở Chợ Lớn. Hội phụ mẫu Sư Trúc Hiên thành lập năm 1945, còn Nghiệp đoàn cổ nhạc Triều Quần ra đời năm 1959. Từ hai nhóm tiền thân trên, sau phát triển rộng khắp khu vực Nam Bộ - nơi có đông đảo bà con trong cộng đồng người Triều Châu cư ngụ. Riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài hai nhóm cổ nhạc Sư Trúc Hiên, Triều Quần, còn có các nhóm Thống Nhất (Triều kịch kiêm nhạc lễ), Đông Phương, Tân Hoa viên, Linh phúc đàn, Khả diệu đàn cũng hoạt động trong lĩnh vực nhạc lễ. Các nhóm nhạc này chủ yếu hoạt động trong các dịp khánh tiết, như: Nguyên Tiêu, bảo đản hoặc húy kỵ vị hải thần Thiên Hậu thánh mẫu, Quan Thánh đế quân, lễ Vu Lan thánh hội hoặc tang lễ…

Nhạc lễ Triều Châu là một tập hợp gồm có Huyền thi nhạc, Địch sáo nhạc, Hán nhạc, Miếu đường nhạc, Tranh nhạc, tổng cộng hơn một trăm bài bản lớn nhỏ, bao trùm các hình thái âm nhạc Dân tục, như: Đại la cổ, Tiểu la cổ, Tô la cổ, Hoa đăng la cổ, Anh ca la cổ, Vũ sư la cổ, Long châu la cổ; Âm nhạc thuộc tầng lớp trung lưu, trí thức, như: Cầm nhạc, Tế nhạc, Huyền thi nhạc; Âm nhạc cung đình, như Triều dương địch sáo cổ nhạc; Âm nhạc tôn giáo, như: Miếu đường nhạc… ngoài ra, trong quá trình phát triển còn hình thành loại hình âm nhạc mang tính chất tụng ca, phục vụ nghi lễ tế Khổng Tử. Những thể loại âm nhạc này hình thành trên cơ sở kết hợp đa dạng nhiều dạng thức văn hóa hình thành trong quá trình tiếp xúc văn hóa giữa người Hán (Trung Nguyên) và những tộc thiểu số vùng Hoa Nam.

1. Biên chế dàn nhạc

Nhạc lễ Triều Châu gồm hai bộ phận: Tiền bằng và Hậu bằng.

Tiền bằng gồm các nhạc khí gõ, như: đại la (chiêng lớn), đại bát (cồng lớn), tiểu bát (cồng nhỏ), đại cổ (trống lớn), tô la, thâm ba, nguyệt la, cẩu tử la, mộc bản.

Hậu bằng gồm các nhạc khí hơi và dây, như: đại sô na, tiểu sô na, hoành địch, đàn nguyệt, đàn sến, tiêu, tam thập lục, nhị hồ, nhị huyền, trúc huyền, bản hồ. Trước đây có sử dụng thêm hiệu đầu hay hiệu đồng, pháp loa - một nhạc khí thuộc họ hơi, ống dài, phổ biến trong khoa nghi Ứng phú hoặc Phật giáo Mật tông, Tây Tạng. Sau này, pháp loa thay thế bằng tù và hoặc hải loa (ốc biển).

Số lượng nhạc cụ trong biên chế dàn nhạc không mang tính chất cố định, tùy thuộc vào quy mô cũng như số lượng thành viên tham gia, khung dao động có thể biến thiên từ 1 đến 12 chiếc trong phạm vi một nhóm nhạc.

Trong hầu hết các nghi lễ, từ đám tang cho đến lễ Vu Lan, bộ phận Tiền bằng luôn thực hiện chức năng nghi lễ thuần túy. Do vị trí sắp xếp, cũng như chức năng “tiên phong” trong các trường hợp mà nó được định danh. Như ở đám tang, trong nghi lễ động quan, di quan hoặc lễ qua cầu Tiên, tẩu Kim Sơn, Tiền bằng thực hiện chức năng dự báo nhằm thống nhất động tác nghi lễ, sau đó Hậu bằng mới phụ họa theo. Ở lễ Vu Lan, do tính chất đặc thù của nghi lễ, dàn nhạc được huy động một số lượng khá đồ sộ về thành phần nhạc cụ cũng như bài bản, kết hợp với các pháp khí dùng trong âm nhạc khoa nghi, như: trống nhỏ, khánh, mõ, song âm hay chiếu diện kính, chung, linh. Tất cả pháp khí này do kinh sư, pháp sinh sử dụng.

2. Hệ thống khoa nghi

Trong lễ Vu Lan còn gọi là Vu Lan thắng hội, Vu lan bồn hội, Vu lan bồn tiết, Vu lan bồn trai, Trung nguyên tiết, Quỷ tiết hay Phổ độ pháp hội… một trong những nghi lễ quan trọng nhất diễn ra thường niên vào hạ tuần tháng 7 âm lịch tại các cơ sở tín ngưỡng Phật giáo của người Triều Châu, tiêu biểu nhất là ở Tịnh xá Sư Trúc Hiên, nghi lễ tổ chức quy mô kéo dài suốt ba ngày cuối tháng.

Tổ chức thực hành nghi lễ do tổ pháp sự thực hiện, trong đó, có ban nghi lễ và ban nhạc lễ. Ban nghi lễ gồm:

Pháp sư và pháp sinh. Pháp sư mặc áo choàng đen, gọi là tăng y hay hắc y, khoác tấm vải đỏ bên ngoài tượng trưng cho giới y. Do không phải người xuất gia, nên dùng tấm vải đỏ với ý nghĩa tượng trưng, thay mặt Phật. Tất cả pháp sinh đều mặc áo đen. Trong quá trình hành lễ, pháp khí sử dụng có: 1 linh, 1 trống nhỏ, 1 mõ, 1 chung, 2 khánh (1 khánh lớn và 1 dẫn khánh), 2 song âm (1 lớn 1 nhỏ).

♦ Ngày 27

- Thỉnh linh vị tổ tiên

- Khai đàn bái thiên địa, thỉnh Phật tấu sớ

- Lễ bái thủy sám (Sám hối tất thảy tứ sinh lục đạo và những sinh linh có quan hệ với sông nước)

- Lễ bái thập vương sám (Sám hối cho những kẻ từng phạm tội lỗi)

- Lễ bái Kim cang sám (Giải thoát những mê muội cho con người)

- Lễ bái Tịnh thổ sám (khiến cho khắp cõi nhân gian đều trở thành đất lành, mọi người hướng thiện, vứt bỏ ác tâm)

- Lễ bái can Phật sám (Sám hối mọi nhân quả của quá khứ, hiện tại, vị lai)

♦ Ngày 28

- Tẩu Kim sơn giải kiết

- Tụng kinh Đại Mông Sơn thí thực nghi quy

Tẩu Kim sơn hay còn gọi là Kim sơn giáo pháp, một trong những khoa nghi quan trọng của lễ Vu Lan, cũng phổ biến trong cả tang lễ. Tẩu có tám dạng thức:

- Hành ấn Phật (Phật tự) hương cốt tuyến.

- Tả xuất long hữu xuất hổ

- Cửu chi liên

- Tiểu xuyên Kim Sơn

- Bán chi liên (cửu bất đoạn)

- Thiết liên hoàn

- Đại Kim Sơn

- Long hổ thu vĩ

Ở khoa nghi Tẩu kim sơn, ban nhạc huy động thêm nhiều nhạc khí gõ, như: la, bạt, tiểu bạt, kèn sôna…

Ban nghi lễ cũng gia tăng số lượng lên 13 người, 3 pháp sư và 10 pháp sinh. Đây là kết quả của quá trình gia tăng nhân sự sau thời gian dài định hình, phát triển. Ban đầu, những người thực hành khoa nghi gồm 5 người, sử dụng cờ ngũ sắc, tượng trưng cho ngũ hành. Người đóng vai trò chính (pháp sư), tay trái cầm long đầu trượng, tay phải cầm Kim cang xử. Nghi lễ diễn ra trước điện thờ Phật. Ở khoa nghi Tẩu Kim sơn không còn không khí trang nghiêm của nghi lễ, thay vào đó là tính chất náo nhiệt, đôi lúc khôi hài của một màn diễn có tính trình thức về mặt nghệ thuật. Những người thực hành nghi lễ là các diễn viên, dưới sự hỗ trợ, tác động mạnh mẽ của dàn nhạc, các biện pháp tăng cường tiết tấu, tốc độ, cường độ đã đưa cảnh diễn lên tới đỉnh điểm - cao trào sau mỗi trường đoạn (hiểu là mỗi lần “tẩu”). Các nhạc công trong nhiều trường hợp đóng vai trò khán giả, cổ vũ nhiệt tình cho các “diễn viên” thực hành nghi lễ (hay diễn trò).

♦ Ngày 29

- Hoàn đàn

- Tống thánh 

Cúng mặn, gồm: vịt, gà, cá, bột, bánh, thuốc lá, hoa… Trên cúng phẩm cắm cờ: Phật hoàn phổ chiếu (màu vàng), Phân y thí thực (màu xanh), Vu Lan thắng hội (màu đỏ).

Dàn nhạc tề tấu giữa khoảng thời gian diễn ra hai khoa nghi và chỉ sử dụng cơ cấu Tiền bằng: 1 thâm ba, 6 la, 1 chiêng, 1 đại cổ… Bài bản giống như ở lễ Động quan, gồm:

Lục quốc phong tướng

Văn võ điểm giang

 Phong chi thành

 Song sư hý cầu…

Nói chung, trong hầu hết khoa nghi, ban pháp sự sử dụng hệ thống kinh văn như một biện pháp thực hành nghi lễ. Kinh văn chuyển tải thông qua các thủ pháp nghệ thuật, mà tán và niệm là hai dạng thức đạt tới mức độ ổn định tương đối về giai điệu, khúc thức. Xét về đặc điểm, tính chất âm nhạc, khác biệt lớn nhất giữa tán và niệm nằm ở chỗ, niệm có cấu trúc giai điệu lặp đi lặp lại, do chịu ảnh hưởng bởi ca từ. Tán tương đối tự do, gần với ca khúc. Trong quá trình diễn xướng, chúng đều thể hiện dưới dạng đồng ca có sự tham gia của Hậu bằng đóng vai trò đệm phụ họa.

3. Thay lời kết

Nhạc lễ Triều Châu tồn tại trong môi trường tín ngưỡng dân gian. Nó bảo lưu nhiều hình thái diễn xướng cổ xưa, phong phú về hình thái, đa dạng về ngôn ngữ biểu hiện thể hiện qua cơ cấu tổ chức, biên chế dàn nhạc, thủ pháp diễn xướng, bài bản, hệ nhạc khí, pháp khí… Nhạc lễ Triều Châu xuất phát từ miền Hoa Nam, nhưng từ lâu đã tách khỏi bối cảnh hiện thực của nội xứ văn hóa, du nhập ngoại xứ văn hóa là nước ta. Môi trường tín ngưỡng với tính chất bảo thủ đã góp phần bảo lưu, gìn giữ loại hình nghệ thuật này, đồng thời biến nó trở thành một di sản trong văn hóa Nam Bộ.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 375
    • Số lượt truy cập : 6947158