Thông tin

NHÂN MÙA VU LAN, ĐỌC LẠI BÀI THƠ

BÔNG HỒNG CHO MẸ CỦA ĐỖ HỒNG NGỌC

 

NGUYÊN HẬU
(Đại học Thủ Dầu Một)

 


 

Năm 2013, khi đang tìm hiểu về thơ miền Nam giai đoạn 1954-1975, tôi có dịp gặp gỡ nhà thơ Đỗ Nghê (bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc) tại Sài Gòn và được ông tặng cho tập thơ đầu tay mang tên Tình người (xuất bản năm 1967). Tôi đọc tập thơ và ấn tượng nhất là bài thơ Thư cho bé sơ sinh. Khi biết ông là một bác sĩ, viết bài thơ đó khi còn là một thực tập sinh tại Bệnh viện Từ Dũ sau khi hoàn thành ca hộ sinh đầu tiên trong cuộc đời y nghiệp, tôi vừa khâm phục, vừa xúc động. Khâm phục vì một bác sĩ lại có thể làm một bài thơ với những ý tứ chân thành, sâu sắc đến thế. Còn cảm động vì những điều mà vị bác sĩ nhắn chủ đến em bé sơ sinh lúc đó. Thông điệp mà ông nhắn đến em có lẽ cũng là thông điệp ông dành cho tất cả chúng ta, vì ai cũng từng lớn lên từ một đứa trẻ, còn xúc động là khi đặt bài thơ vào bối cảnh ra đời, thập niên 60 của thế kỷ XX tại miền Nam, khi mỗi số phận được sinh ra đều phải đối mặt với chiến tranh, chết chóc, hiện thực phi lý mỗi ngày. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, trọn vẹn chỉ trong một buổi sáng, tại một quán cà phê nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Cao Thắng, bây giờ tôi cũng không nhớ rõ quán tên gì. Đó là lần duy nhất tôi có dịp gặp gỡ ông. Sau này, tôi được nhìn thấy ông trong một vài buổi ra mắt sách dạy về thiền, hoặc giao lưu về một chuyên đề y khoa nào đó. Vẫn là ông với phong thái nhẹ nhàng, nụ cười thường trực trên gương mặt phúc hậu, ông nhanh chóng thu hút được nhiều khán giả tham dự.

Sau khi hoàn thành đề tài nghiên cứu liên quan đến thơ miền Nam, tôi chuyển sự quan tâm sang vấn đề khác nên không còn chú ý đến những sinh hoạt văn nghệ như vậy, tôi cũng ít khi về Sài Gòn. Công việc cá nhân làm tôi xao nhãng, không thường xuyên lên đọc các bài viết trên Blog cá nhân của ông. Thế rồi một hôm, tình cờ tôi vào trang Blog cá nhân ông (https://www.dohongngoc.com/) và đọc được bài thơ Bông hồng cho Mẹ. Bài thơ này được ông sáng tác vào mùa Vu Lan năm 2012, in trong tập Thơ Đỗ Hồng Ngọc – Thư cho bé sơ sinh và những bài thơ khác (2013) nhưng phải vài năm sau tôi mới được đọc. Tôi đã không thể kiềm được nỗi xúc động, nói đúng hơn là một “chấn động” nho nhỏ trong lòng. Có lẽ đây là bài thơ thứ hai của Đỗ Hồng Ngọc đã chiếm trọn lòng tôi ngay từ khoảnh khắc đầu tiên như thế. Tôi đã gửi bài thơ cho một số người bạn cùng đọc. Đó cũng là lúc trên trang cá nhân của ông có rất nhiều độc giả văn chương gần xa (trong nước và hải ngoại) gửi bài viết chia sẻ cảm nhận về bài thơ. Tôi cảm nhận được sức lan tỏa, lay động của bài thơ lúc bấy giờ là rất lớn. Thế nên, tôi đành giữ những cảm xúc mà tôi có được sau khi đọc bài thơ cho riêng mình qua vào dòng ghi chép và lưu vào máy tính.

Cách đây vài tháng, trong quá trình dọn dẹp chiếc máy tính cũ, tôi tình cờ gặp lại những dòng cảm nhận mà tôi thảo ra từ mấy năm trước. Đọc lại bài thơ, vẫn vẹn nguyên cảm xúc, thậm chí lúc sau này có phần mạnh mẽ hơn, tôi bật khóc.

Có lẽ sau bao nhiêu năm, trải thêm nhiều biến cố trong cuộc đời, tôi lại càng thấm thía hơn ý tứ trong bài thơ và cả những gì bàng bạc phía sau bài thơ ấy.

Con cài bông hoa trắng

Dành cho mẹ đóa hồng

Mẹ nhớ gài lên ngực

Ngoại chờ bên kia sông

(Bông hồng cho Mẹ, 2012, Đỗ Hồng Ngọc)

Chỉ có bốn câu thôi, nhưng ý tứ và thông điệp truyền tải thì mênh mông. Đã có rất nhiều người cảm nhận, phê bình bài thơ, nhưng với riêng tôi, bài thơ hiện lên thật đẹp, thật bất ngờ, thật linh diệu, như một đóa hoa… Nó đã lay động, đánh thức lòng tôi thật mãnh liệt. Bốn câu thơ mà chứa trong đó cả ba thế hệ, một dòng chảy uyên nguyên, bất tận: Ngoại, mẹ, con và một sự hóa thân tuyệt đẹp: Từ bông hoa trắng đã hóa thành đóa hồng. Đặc biệt hơn là, phải có bông hoa trắng dành cho con thì mới có đóa hồng dành cho mẹ; từ cảm thức đau buồn, mất mát lập tức hóa hiện thành niềm hạnh phúc, sum vầy.

Quả là một tứ thơ đẹp và lạ đến bất ngờ! Đọc xong cứ thấy lòng đau nhói, vì chưa lần nào ta đã nghĩ cho mẹ như cách nhà thơ đã làm. Với Bông hồng cho mẹ, Đỗ Hồng Ngọc đã làm cho ta ngộ ra nhiều điều… Từ khi mẹ là mẹ của ta, ta lúc nào cũng nghĩ cho ta, chưa bao giờ ta nghĩ cho sự hoán vị và nỗi mất mát của mẹ: Mẹ từ một người con trở thành một người mẹ, mẹ đã hy sinh bớt phần hạnh phúc được làm con để toàn tâm làm mẹ của ta. Vậy mà chẳng bao giờ ta nghe mẹ thổ lộ điều đó. Nước mắt chảy xuôi là vậy. Trong những lần chỉ có mẹ và con, mẹ thường nói rằng mẹ sợ một ngày mẹ ra đi, chúng tôi sẽ buồn khổ lắm. Lúc ấy, tôi chưa thể hình dung được nỗi buồn khổ mà mẹ nói là gì, vì chúng tôi vẫn đang hạnh phúc khi có mẹ cơ mà. Và lại càng không biết rằng mẹ đã lấy lòng mình để nghĩ cho các con. Mẹ đã chịu kiếp mồ côi từ khi còn rất nhỏ…

Mẹ! Một từ gọi lên nghe thật ấm áp, tự nó đã viên mãn, đong đầy yêu thương. Thế nhưng số lần mẹ được gọi từ đó ít hơn rất nhiều lần so với chúng tôi. Bây giờ tôi cũng đã làm mẹ, đã hiểu thế nào là mẫu tử thiêng liêng, đã thấu hiểu và yêu thương mẹ hơn rất nhiều lần, tình yêu thương được bồi đắp nhiều lên đến từ sự đồng cảm, thấu hiểu, không giống với tình yêu mẹ khi còn là một đứa trẻ, yêu mẹ, giữ mẹ như của báu. Và khi càng yêu ta càng sợ mất. Hồi nhỏ, mỗi lần thấy một ai đó mất mẹ, ta chỉ hiểu đơn giản là từ đây họ mất đi tình yêu thương của mẹ, mất đi một người thân. Lớn lên, ta hiểu rằng mất mẹ là mất đi nguồn thương, mất đi cái đặc ân mà đất trời ban tặng cho ta. Nói tóm lại, quẩn quanh cũng chỉ nhìn thấy khía cạnh của sự mất mát, vẫn là nghĩ cho bản thân mình.

Từ khi đọc bài thơ của Đỗ Hồng Ngọc, tôi mới thấy thêm một chiều kích khác của sự ra đi ấy.

Con cài bông hoa trắng

Dành cho mẹ đóa hồng

Ngày mẹ rời khỏi vòng tay ta là ngày mẹ trở về làm con bên ngoại. Thấy được điều đó, tự nhiên cảm giác mất mát trong ta vơi đi phần nào. Từ nay mới đúng thật là ta thương mẹ. Và từ bây giờ, tôi đã có thể tập cách chấp nhận một cách nhẹ nhàng khi nghĩ đến một ngày mẹ rời xa chúng tôi.

Đó là phần của con. Còn phần mẹ:

Mẹ nhớ gài lên ngực

Ngoại chờ bên kia sông

Mẹ ơi, từ nay mẹ hãy nghĩ cho mẹ, mẹ đừng buồn gì khi phải xa chúng con. Mẹ rời xa chúng con cũng là lẽ tất yếu. Mẹ hãy vui lên vì ngoại đang chờ đón mẹ về, ngôi nhà của riêng ngoại và mẹ, mẹ có quyền được tận hưởng tình cảm của ngoại, tận hưởng niềm hạnh phúc vô biên của tình mẫu tử. Trần gian bao cảnh đã chia cách ngoại và mẹ, nhưng ở “bên kia sông” sẽ không còn trần ai, không còn điều gì khiến ngoại và mẹ phải xa cách nữa. Ngoại đã chờ đợi mẹ từ rất lâu rồi. Mẹ hãy vui lên đi.

Lời thơ dung dị nhưng thật minh triết, thật dịu hiền, như lời của Bụt. Nhà thơ nhắc chúng ta về lẽ tuần hoàn của tạo hóa mà chúng ta chưa hiểu, hoặc có khi đã hiểu nhưng vì quá yêu mẹ, quá yêu mình mà quên đi mất. Lời thơ tỏa ra một năng lượng lành giúp xoa dịu nỗi đau, sưởi ấm tâm hồn cả người ra đi và người ở lại. Còn gì tuyệt vời hơn: Mẹ vui, con ấm lòng. Rồi đến một ngày, mẹ cũng sẽ chờ đón con “bên kia sông”, con sẽ không còn lý do gì để buồn tủi nữa.

Bài thơ Bông hồng cho Mẹ của Đỗ Hồng Ngọc đã cho ta thấy được sự vi diệu, tính đa chiều kích của đời sống. Trong cùng một bối cảnh, niềm vui và nỗi đau cùng tồn tại, chuyển hóa cho nhau, cái ta nhìn thấy đều do góc nhìn của mỗi chúng ta. Cái chết, nhìn từ đứa con thì đó là nỗi mất mát, chia ly còn nhìn từ người mẹ thì đó là sự sum họp, hạnh phúc, hoặc cũng là hoa hồng, nhưng trên ngực con là hoa màu trắng, trên ngực mẹ là đóa hồng tươi nguyên. Phải chăng mọi thứ trong cuộc sống này vốn dĩ là như vậy, có những việc tưởng như là nghịch lý, nhưng nếu hiểu đến tận cùng thì không còn nghịch lý nữa vẫn là sự cân bằng, như muôn đời vẫn vậy. Nhà thơ là người đã hiểu, đã nắm bắt được chân lý ấy và truyền đến cho chúng ta. Và, ai biết được quy luật này, người ấy sẽ an nhiên…

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 45
    • Số lượt truy cập : 6949635