NHẬN THỨC CỦA THIỀN SƯ THÍCH ĐẠI SÁN VỀ PHẬT GIÁO
DƯỚI THỜI CHÚA NGUYỄN PHÚC CHU
QUA TÁC PHẨM HẢI NGOẠI KỶ SỰ
NGUYỄN VĂN SANG*
LÊ THỊ THU HIỀN**
Nhằm cũng cố và phát triển Phật giáo trên vùng đất mới, dưới thời chúa Nguyễn đã nhiều lần cho mời các nhà sư Trung Hoa đến Đàng Trong hoằng dương, thuyết pháp. Thiền sư Thích Đại Sán là một trong số những nhà sư Trung Hoa được mời đến Đàng Trong vì mục đích đó. Thích Đại Sán đến Đàng Trong vào đúng thời kỳ trị vì của chúa Nguyễn Phúc Chu (1675 - 1725) cho nên những điều được ghi trong tác phẩm Hải ngoại kỷ sự - kết quả của chuyến đi này chính là nhận thức của bản thân Thiền sư, đồng thời là bức tranh phản ánh thực tế sự phát triển và tình hình Phật giáo Đàng Trong. Ở đó, theo sự cảm nhận của Thiền sư Thích Đại Sán, Phật giáo phát triển sâu rộng trong tâm thức, đời sống tâm linh, có vai trò to lớn tham gia đóng góp phát triển đất nước dưới thời các chúa. Mặt khác, chính tác phẩm cũng phản ảnh nhận thực về một số hiện tượng tồn tại trong hàng ngũ tu tập, tăng sư Phật giáo Đàng Trong mà phổ biến nhất là hiện tượng “sư hổ mang”. Cho nên, nhận thức của Thiền sư Thích Đại Sán là một sự tổng hòa, phản ánh lịch sử và sự phát triển của Phật giáo ở Đàng Trong.
1. Sự phổ quát của Phật giáo trong đại đa số dân chúng ở Đàng Trong
Lịch sử dân tộc Việt thế kỷ XV - 17 chứng kiến những di dân Nam tiến từ Bắc và Bắc Trung Bộ xuống phía Nam. Theo hành trình đi mở cõi phương Nam, cộng đồng cư dân đã mang đến vùng đất mới tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống của mình trong đó có Phật giáo. Phật giáo với tinh thần “hộ quốc an dân” đã nhanh chóng ăn sâu và lan tỏa ở xứ Đàng Trong, cố kết dân chúng và cả trong giới cầm quyền. Điều này được chính Thiền sư Thích Đại Sán khẳng định ngay trong lời tựa cho cuốn Hải ngoại kỷ sự: “Kể từ thời Tiên vương (tức Nghĩa vương) có thư mời, đến nay cả thảy ba lần, mời đến ba lần tưởng cũng đã thành tâm lắm vậy”[1]. Chỉ gián tiếp qua việc các chúa Nguyễn đã nhiều lần thỉnh cầu nhà sư Trung Hoa sang thuyết pháp cũng đủ để khẳng định sự phổ quát, niềm tin, sự sùng Phật của dân chúng và nó được cũng cố trong suốt chuyến du hành của Thích Đại Sán ở Đàng Trong.
Đến từ Trung Hoa, nơi mà sự phát triển của Phật giáo khá hưng thịnh điều đó phần nào tác động đến thế giới quan của Thích Đại Sán. Nhưng, thực tế Phật giáo ở Đàng Trong đã chinh phục nhãn quan của Thích Đại Sán khiến ông phải thừa nhận sự phổ quát của Phật giáo Đàng Trong không kém gì Trung Hoa. Sự ghi nhận của Thích Đại Sán khởi nguồn từ việc ông xem xét đối tượng, thành phần, xuất thân của Phật tử. Ông xét thấy, ở Đàng Trong trên không kể bậc quân vương, dưới không kể tới thứ dân các hạng, địa vị xã hội cao thấp, quyền lực và quyền lợi chính trị khác biệt nhưng tất cả đều hướng đến một đích chung là tin Phật, sùng Phật: “Lúc ấy quan dân trai gái tụ họp chen lấn nhau đứng xem, võng không đi tới được. Đi qua hai lớp núi, nghe trong rừng có tiếng chuông, Quốc sư rước vào ngồi trong một ngôi đền ngồi chừng nửa giờ, những người đến lễ liền thông ngôn giới thiệu, ông nầy, ông kia làm quan chức nầy nọ… phần đông ta chẳng phân biệt được, ta chỉ ngúc đầu mà thôi”[2]. Nghĩa là, chỉ cần ở đây có việc Phật thì không kể địa vị xã hội, tất cả dân chúng đều ủng hộ với sự nhiệt thành, trường hợp dân chúng đón, tiếp Thích Đại Sán là minh chứng.
Đối với dân chúng Đàng Trong dưới cái nhìn của Thích Đại Sán, niềm tin với Phật pháp đã là một trong những yếu tố của đời sống tâm linh. Sự khẳng định này được ông tiếp tục minh chứng, dẫn liệu qua việc ghi chép hành động của dân chúng khi ông đến Đàng Trong. Theo Thiền sư Thích Đại Sán khi dân chúng Đàng Trong được tiếng có nhà sư Trung Hoa đến hoằng pháp thì họ tựu tập đông đảo để được nghe thuyết pháp, xin thọ giới: “Sơ tuần tháng 3, đương làm nhà Chiêu để trong cung, nhà vua tạm thời dời ra ở Thủy Điện, không có chổ tiếp khách, vì vậy nên ít khi được gặp nhau. Tăng chúng thập phương đầu đơn xin thọ giới đã có hơn 600 người”[3]. Từ niềm tin đến hành động, Thích Đại Sán cho rằng sự mộ phật của dân chúng còn thể hiện qua việc họ tham gia vào các công việc chuẩn bị cho các công việc liên quan đến quá trình hoằng pháp ở những nơi mà Thích Đại Sán đi qua. Mọi thứ mà ông cần đều được những phật tử đáp ứng nhanh chóng, thành kính để cho việc phật được hiệu quả: “Lúc ấy số tăng chúng đến cầu giới, đã lên đến số nghìn, mà vật hạng cần dùng trong giới đàn, Quốc sư chẳng chút lo liệu”[4] không chỉ vậy mà còn phó thác việc đó cho những người chính trong thân tộc của nhà Chúa: “Xẩy công chúa đến, ta lấy việc ấy trình bày. Công chúa nói: Lão hòa thượng hãy vẽ đồ hình và kê đơn các món cần dùng. Tôi đem trình Quốc vương có thể ứng biến ngay lập tức”[5]. Bên cạnh đó, sự thịnh hưng của Phật giáo ở Đàng Trong còn biểu hiện qua việc người cầm đầu bộ máy chính quyền tham gia và trở thành sư sãi, cuộc đối thoại giữa chúa Nguyễn Phúc Chu và Thiền sư Thích Đại Sán thể hiện tinh thần đó: “Ta ở ngôi vài ba năm nữa, chờ Thế tử trưởng thành, có thể trông coi việc nước, chừng ấy sẽ chọn người phụ bật hiền lương, rồi truyền ngôi cho Thế tử. Ta sẽ cạo đầu làm sư sãi”[6]. Ngoài ra, sự phổ quát của Phật giáo Đàng Trong còn được mô tả qua hệ thống chùa chiền được xây cất khắp cả xứ, trong đó có nhiều chùa quy mô lớn.
Xét về đối tượng, số lượng, hành động của dân chúng theo Phật, hệ thống chùa chiền ở xứ Đàng Trong đã đưa đến sự nhận thức và khẳng định của Thiền sư Thích Đại Sán về một vùng đất mới mà Phật pháp đã được phổ độ rộng khắp.
2. Sự tham gia của Phật giáo trong các công việc
Quá trình mở rộng lãnh thổ về phía Nam và xây dựng một chính quyền độc lập với Đàng Ngoài đã đặt ra nhu cầu tạo một nền “phong hóa” riêng. Trên cơ sở nhu cầu chung, các chúa Nguyễn đã thực hiện chính sách “tôn hiền” đối với lưu dân trong đó có trí thức Phật giáo. Các chúa Nguyễn còn rất mộ đạo Phật và nhiệt thành với Phật pháp. Hàng loạt ngôi chùa được xây dựng ở Đàng Trong với sự hỗ trợ vật lực của chúa Nguyễn. Nhiều đời chúa Nguyễn đã thọ giới quy y Phật pháp với các đạo hiệu khác nhau như Minh vương Nguyễn Phúc Chu với đạo hiệu Cư sĩ Hưng Long - Thiên Tùng Đạo Nhân; Võ vương Nguyễn Phúc Khoát - Từ Tế Đạo Nhân,...
Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu, từ những ghi chép của Thích Đại Sán thì một lần nữa, chúng ta thấy mô thức của triều đại Lý, Trần được củng cố ở việc có sự tham gia của Phật giáo trong sự phát triển chung của triều đại và của xã hội. Nếu như thời Lý, Trần, Phật giáo thông qua vai trò của đội ngũ tăng quan với học vấn uyên thâm và năng lực chính trị của mình để tham gia vào công việc của quốc gia, dân tộc, thì dưới thời chúa Nguyễn, vai trò của Phật giáo cũng được hiện diện qua sự định hình tư tưởng trị nước và cố vấn cho các chúa trong việc hoạch định chính sách, phát triển triều đại. Theo cảm quan của Thích Đại Sán, ngay khi vừa tiếp xúc với chúa Nguyễn Phúc Chu, ông cho rằng xét thực là một vị vua nhưng cách hành xử của ông đúng thực là một bậc tu Phật: “Nay mừng thấy nhà vua, thân ở ngôi vua mà linh nguyện chẳng bị mờ tối, y nhiên hành động như kẻ tu hành… trong trường tối lạc vẫn giữ được niềm tin như thế"[7]. Sự thấm nhuần của tinh thần Phật pháp góp phần định hình tư tưởng trị nước của chúa Nguyễn Phúc Chu được khẳng định trong thái độ và chủ trương đối với dân chúng: “Nay xem nhà vua thông minh nhơn thứ, độ lượng khoan hồng, thông trị mọi việc, biết thế tuất thần dân, giúp người lợi vật; gần xa sang hèn thảy đều thấm nhuần ân trạch, lại hay lo gánh vác việc nhân duyên tu hành”[8]. Không chỉ ảnh hưởng và tham gia gián tiếp vào việc định hình tư tưởng trị nước mà còn trực tiếp những nhà sư, tăng chúng thông qua các cuộc trao đổi, yết kiến Nguyễn Phúc Chu định hướng ở nhà vua những việc làm hợp lẽ trời, lòng dân và Thích Đại Sán cũng là một trường hợp như thế: “Lúc rảnh nhà vua bàn luận cổ kim trị đạo, chỉ dẫn mọi đường lối khoan hình trị đức, yêu quân, hậu dân, thông thương giảm thuế… Nhà vua đều vui vẻ tin nghe, giận mình tuổi trẻ kiến văn không được rộng rãi”[9]. Có lẽ chính các cuộc trao đổi trực tiếp ấy góp phần to lớn vào chính sách của chúa Nguyễn Phúc Chu. Ngoài ra, dưới thời Nguyễn Phúc Chu, Phật giáo với tinh thần “hộ quốc an dân” còn tham gia vào các công việc cầu cho quốc thái dân an như cầu đảo, tế tự chăm lo các công việc của triều đình góp phần an dân, định quốc.
Có thể nói, Phật giáo không phải là học thuyết chính trị để trị nước nhưng với vị thế là một vùng đất mới, Đàng Trong cần được cố kết và tổ chức cai trị theo hướng mở để đảm bảo cho sự tồn tại vững chắc của các chúa Nguyễn. Chính trong điều kiện đó, Phật giáo đã góp phần định hình tư tưởng trị nước của chúa Nguyễn Phúc Chu, tham gia đóng góp vào sự phát triển của triều đại, của xã hội.
3. Tồn tại một bộ phận “sư hổ mang” và chưa am hiểu giới luật
Khi đến Đàng Trong, Thích Đại Sán đã nhận thấy và khẳng định sự phổ quát của Phật giáo trong dân chúng và sự đông đảo của đội ngũ tăng sư: “Nay xem bản quốc, có lòng tin rất kiên cố, chùa chiền khắp xứ, sãi vãi đầy đoàn”[10]. Qua thời gian gắn bó và chiêm nghiệm, ngoài những điều tốt đẹp khiến nhà sư phải thừa nhận, thì chính thiền sư cũng cho rằng, Phật giáo ở Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu còn tồn tại một bộ phận “sư hổ mang”, pháp và danh phận của họ chưa xứng thực khiến cho “đến nay thiên đạo suy vi, thuần phong tiêu tán”[11].
Điều đầu tiên mà Thích Đại Sán cho rằng sở dĩ một bộ phận tăng chúng ở Đàng Trong có trình độ Phật pháp chưa tinh, giáo luật chưa tường xuất phát từ việc đào tạo, tu tập chưa được tổ chức chặt chẽ, đến nỗi mà “có kẻ giày cỏ chưa mang qua một đôi, cửa chùa chưa bước qua hai bậc”[12] hay “gần đây có một bọn người giả dối, giả danh làm thầy mà giáo điều giới luật mù mịt chẳng biết gì”[13]. Trong khi đó, bậc tu thành, đắc Phật nếu đúng phải là: “Những người gánh vác việc nhà phật, giữ trọng trách làm thầy người, cần phải tiếp đãi tứ chúng thập phương, đối với ai cũng tận tậm khai hóa; vô luận việc tinh việc thô, việc lớn việc nhỏ, hễ có người thành tâm đến thỉnh giáo đều phải dìu dắt chỉ bày”[14]. Thế mà ngay trong đội ngũ xuất gia, những người đi phổ pháp lại tồn tại một bộ phận như thế thì mục đích truyền pháp, phổ độ chúng sinh của nhà phật theo đó cũng bị suy đổi. Bọn sư hổ mang sợ bị lộ chân tướng nên “làm bộ lom dom nhắm mắt, sửa giọng thanh cao, làm trò giải thoát, tham lam ghen ghét, giả dối bề ngoài, để được tiếng là “lão thực tu hành”, lấy thế làm đắc sách”[15]. Thậm chí có kẻ “mượn danh phật để làm việc buôn bán”. Hệ quả từ tình trạng đội ngũ sư hổ mang là “ngồi yên nhìn con cháu sa đọa, chẳng hề cứu vớt; tự cứu chưa xong hòng cứu được ai”[16]. Rốt cuộc, kẻ đi truyền giới chẳng biết truyền giới cho người nào, kẻ thọ giới chẳng biết thầy nào đã truyền giới cho mình, hại pháp, hại nguời như thế, pháp phật “thành ra trò chơi, giáo luật đi đến chỗ tiêu diệt”[17]. Thực tế đó khiến Thích Đại Sán đã phải thốt lên “những biết rõ lưu tệ của bọn áo lam, chẳng giữ giới pháp, chẳng hiểu giáo điều, gai mắt đau lòng, một lần nữa không nói được”[18].
Thực tế đội ngũ tăng chúng với một bộ phận không giữ được giới luật, pháp quy, trình độ phật pháp chưa đảm bảo còn được Thiền sư Thích Đại Sán giải thích bằng một góc độ khác và đây cũng có lẽ là một nguyên nhân quan trọng: “Mỗi năm khoảng tháng ba, tháng tư, quân nhân đi ra các làng, bắt dân từ 16 tuổi trở lên… để giải về phủ sung quân… Cha mẹ sợ con cái phải đi lính, vừa mới lớn lên lập tức cho vào chùa làm sư sãi hầu mong trốn tránh việc quan”[19]. Hệ quả là “bọn khoác áo nhà chùa rất đông, phật pháp trở nên hỗn loạn, chẳng những “tôn phái” không ai hỏi đến, mà các việc “luật”, “luận” cũng đều xếp xó bỏ qua”[20]. Sự thể còn quá tệ đến độ mà “những kẻ mão ni áo tràng, mà nết xấu tật hư còn quá hơn bọn dân quê làng mạc!”[21]. Vì thế, khi dâng bản điều trần lên chúa Nguyễn Phúc Chu, Thiền sư Thích Đại Sán nêu lên thực trạng và đưa ra giải pháp hạn chế tình trạng chỉ vì nghĩa vụ binh dịch mà dân chúng xin vào chùa đi tu nhằm góp phần chấn chỉnh đạo pháp của bậc chân tu: “Nay nghe dân trong nước một lúc đã biên tên sổ lính, trọn năm phải phục dịch cửa quan, chẳng được về làng thăm vợ con cha mẹ (…) Sao chẳng cho quân sĩ luân phiên thao diễn, mỗi năm, hoặc nửa năm, hoặc một quý, cho ở quan phủ phục dịch huấn luyện rồi thay phiên nhau về làng cày cấy, đoàn tụ với gia đình”[22].
Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu, Phật giáo Đàng Trong bước vào giai đoạn phát triển, nhưng những hiện tượng, những vấn đề mà từ những điều quan sát được trong thực tế, những sự chiêm nghiệm và đi đến kết luận của Thiền sư Thích Đại Sán ắt hẳn không phải là không có thực, không có căn nguyên. Tuy nhiên, nhìn về thực tế của Phật giáo trong sự phát triển chung của xã hội, thì Phật giáo vẫn chiếm giữ và khẳng định sự phát triển sâu rộng trong dân chúng, là một bộ phận quan trọng của đời sống tâm linh, tinh thần của dân tộc.
Phật giáo Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu là một quá trình, giai đoạn phát triển trong sự hưng thịnh của lịch sử Phật giáo dân tộc. Dưới góc nhìn của một Thiền sư Trung Hoa, Thích Đại Sán đã có cái nhìn, sự đánh giá về vị trí, vai trò, thực trạng của Phật giáo Đàng Trong thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Dù bắt gặp một số thực tế nghịch lý không đúng, không tuân thủ các quy phạm, giáo luật của Phật giáo nhưng Thích Đại Sán nhận thức được sự phát triển của Phật giáo dưới thời Nguyễn Phúc Chu và vai trò của Phật giáo đối với sự phát triển của xã hội, của triều đại.
* Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng.
** Thạc sĩ, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng.
[1] Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự, Viện Đại học Huế, 1963, tr.19.
[2] Sđd, tr. 35.
[3] Sđd, tra. 63.
[4] Sđd, tr. 72.
[5] Sđd, tr. 72.
[6] Sđd, tr. 135
[7] Sđd, tr. 89.
[8] Sđd, tr. 88.
[9] Sđd, tr. 98.
[10] Sđd, tr. 46.
[11] Sđd, tr. 47.
[12] Sđd, tr. 47.
[13] Sđd, tr. 45 - 46.
[14] Sđd, tr. 45.
[15] Sđd, tr. 47.
[16] Sđd, tr. 47.
[17] Sđd, tr. 47.
[18] Sđd, tr. 47.
[19] Sđd, tr. 43.
[20] Sđd, tr. 43.
[21] Sđd, tr. 43.
[22] Sđd, tr. 53.
Bình luận bài viết