NHẬN THỨC VỀ THIỀN
NHẬN THỨC VỀ THIỀN
TRẦN TAM NGUYÊN
Cùng đích của thiền
Nếu một người đạt được tâm thức và tư thái cho rằng tất cả mọi vật, mọi sự kiện trên đời này sẽ tự tiêu diệt, tự hủy hoại, tự biến mất và tất cả mọi sự vật đó đều ở hiện tại vẫn diễn tiến cho đến khi chúng tự hủy diệt thì người đó đã đến được cùng đích của thiền và lúc ấy “chân không” và “diệu hữu” đã đi vào tâm thức và tư thái của người đó:
Chư Pháp tùng bản lai
Thường tự tịch diệt tướng
(Mọi thứ từ xưa nay
Hình thể tự tiêu diệt)
Xuân đáo bách hoa khai
Hoàng oanh đề liễu thượng
(Xuân đến trăm hoa nở
Cành liễu hoàng oanh hót)
Trên thực tế, trong xã hội và cuộc đời không có mấy ai đạt được tâm thức và tư thái như thế vì trong cuộc sống con người phải chịu quá nhiều va chạm để kiếm sống, để tranh đấu trên mọi thứ, trên mọi phương diện và bị quay cuồng trong những ý niệm khác nhau nên không thể nào đình đậu trong một ý niệm kể trên. Có những người ý thức được mọi vật đều tự hủy diệt theo thời gian nhưng đem nhận thức đó để áp dụng cho đời sống của mình, để biến chúng thành một tư thái thì chẳng có mấy ai! Để đạt đến tâm thức và tư thái đó chúng ta hãy tìm hiểu những quan niệm, những thực hành và hiệu quả của thiền.
Quan niệm về nhân sinh và vũ trụ của thiền
Ý thức công việc mình đang làm, ngay cả đi, đứng, nằm, ngồi, đó là chính niệm. Chính niệm như là bí quyết thắp sáng hiện hữu, tạo nên định lực và đưa tới tuệ giác. Ba trình tự này được gọi là “tam học” trong Phật giáo. Đó là giới, định, tuệ.
Con người quá quy hướng vào chính mình, sống trong vỏ của tự ngã, cơ hồ không lột bỏ được. Đến tuổi đôi mươi, cơ hội đầu tiên, cái tôi thoạt biết có “người khác”, đó là sự bắt đầu xuất hiện của tình yêu. Một cái tôi tưởng như toàn vẹn, bất khả phân, giờ đây tự chẻ làm đôi. Tình yêu khiến cái tôi tự mất đi trong đối tượng nó yêu, nhưng đồng thời nó cũng đòi quyền chiếm hữu đối tượng ấy. Khi cái tôi bể vỏ và rước “cái khác” vào tự thân, chính là lúc cái tôi tự phủ nhận nó. Trên bình diện tôn giáo đó là khởi điểm của một cuộc xô xát giữa hữu cực và vô cực, giữa trí thức và năng khiếu cao hơn, hay nói một cách nôm na là giữa xác và hồn. Cuộc tranh đấu, xô xát đó kéo dài đến ba mươi tuổi như lời Khổng Tử nói “tam thập nhi lập”, lúc bấy giờ ý thức tôn giáo tức đạo tâm, hoàn toàn thức giấc và con người dọ thử tất cả mọi con đường để thoát ly cuộc tranh đấu bằng mọi phương tiện trên các sách vở, trên các cuộc diễn thuyết, trên các thí nghiệm và đạo Thiền cũng được gõ cửa để hỏi thăm.
Đạo Thiền giải quyết vấn đề xô xát giữa hữu cực và vô cực và vấn đề tự ngã như thế nào?
Trước hết, giải pháp của Thiền đưa ra là trực tiếp kêu gọi đến ánh sáng của chứng nghiệm bản thân, thay vì kiến thức của sách vở. Thiền cho rằng thể tánh của con người chúng ta khắc chế giữa hai thái cực hữu và vô, muốn tìm ra được thể tánh đó chúng ta phải sử dụng một năng khiếu khác hơn tri thức. Tri thức nói chung là trí thức hoặc tâm thức là năng khiếu hiểu biết bằng giác quan, kể cả suy luận thuộc phạm vi kiến thức thông tục. Phật giáo gọi tri thức đó là ý thức, tính thức hoặc cơ trí mà đặc tính là phân biệt và chấp ngã. Thiền còn cho rằng chính tri thức ấy tạo ra cho chúng ta đủ thứ vấn đề không bao giờ tự giải quyết được vì đặc chất của tri thức là tán loạn, ưu tư, khuấy động sự thanh tịnh của tâm và rất ít khi nó đưa ra nổi một giải đáp thỏa đáng. Trí thức có thể lật đổ được vô minh nhưng không phục hồi được trạng thái ban sơ của muôn vật bằng một thứ gì khác. Nó phát giác ra được vô minh nhưng nó không rọi được một tia sáng nào trong những động dụng lăng xăng, nó cứ chờ ở một cái gì khác siêu việt hơn giải quyết vấn đề cho nó. Nó quen đặt ra vấn đề và bất chấp hậu quả. Lịch sử triết học chứng minh rằng khi một lâu đài tư tưởng nào đó được dựng lên thì nhất định sớm muộn gì cũng bị người sau đánh đổ và việc đó diễn ra triền miên trong những dòng tư tưởng triết học, vì lẽ rằng chân tướng của tri thức buộc nó phải như vậy, không thể nào chấm dứt được những thắc mắc tìm tòi trong tri thức. Hãy để yên cho trí thức động dụng trong thế giới riêng của nó dù sao nó cũng cần thiết cho con người và nó có chỗ dùng của nó, đừng ngăn chặn vào nó vì can thiệp vào là nó bị chao đảo mất hết sự sáng diệu của nó.
Đạo Thiền không thể đạt tới bằng trí năng, bằng sự nghiên cứu giả định, phân tích và tổng hợp mà phải dùng trọn bản thân mình làm dụng cụ khảo cứu, trí năng chỉ là một phần của bản thân mình có thể dẫn dắt bản thân mình tách lìa khỏi thực tại của sự sống, vốn là đối tượng chính của Thiền học. Mỗi người hãy tự đánh thức mình dậy trong cuộc sống. Đó là Thiền. Khi Thiền nói chứng nghiệm bản thân có nghĩa là nắm lấy cơ sự khi vừa phát khởi, không qua bất cứ trung gian nào. Thiên nhiên ghê tởm cái trống rỗng thì Thiền ghê tởm bất cứ gì xen giữa cái thực và chúng ta.
Nhìn thấy hay kiến tính là mục đích của Thiền. Kiến tính không phải là công trình khảo cứu sưu tầm mà là sự đạt đến tuệ giác bằng sự sống. Thiền do đức Phật truyền lại, không dính líu đến kho tàng giáo lý và kinh điền. Thiền là thứ giáo lý không ghi chép, không phổ biến, không bình luận được, không được trao truyền bằng giảng giải, không được cất chứa trong biểu tượng. Nó đi từ thầy sang trò, từ tâm sang tâm, đó là tâm ấn. Tâm ấn có thể định nghĩa là dòng liên tục của sự sống giác ngộ. Thiền là tâm ấn. Thiền quan niệm nhân sinh và vũ trụ là vô thường (limpermanence), vô ngã (le nonsoi) và thực hành Thiền để đạt đến niết bàn (le nirvana). Ba yếu tố vô thường, vô ngã và niết bàn cũng là ba dấu ấn tín của Phật pháp.
Quan niệm vô ngã là điểm xuất phát của đạo Phật. Kinh điển Phật giáo thường nói đến tính cách vô ngã của mọi hiện tượng: Chư pháp vô ngã. Chư pháp vô ngã nghĩa là không có sự vật nào có tính cách đồng nhất tuyệt đối của nó cả. Đó là một sự phủ nhận nguyên tắc đồng nhất (principe didentité) theo đó A là A. Điều này làm cho người ta kinh ngạc và có tác dụng lay đổ, đập phá. Để hiểu danh từ vô ngã ta phải nói tới danh từ vô thường. Vô thường là sự thay đổi thường xuyên của mọi sự vật. Mỗi sự vật thay đổi từng sát na (đơn vị thời gian ngắn nhất được dùng trong Phật giáo), mỗi ý tưởng đi qua trong trí ta là thời gian của 90 sát na. Vì sự vật biến chuyển không ngừng (vô thường) cho nên sự vật không duy trì được tính chất đồng nhất tuyệt đối của nótrong hai sát na liên tiếp (vô ngã). Đứng trên phương diện thời gian thì sự vật là vô thường, trên phương diện không gian là vô ngã. Vậy có thể nói vô thường và vô ngã chỉ là một. Những hiện tượng sinh lý (thân thể, tâm lý, nhận thức, tình cảm…) của mỗi người đều là vô thường và vô ngã.
Vô thường và vô ngã không phải là những nhận định về thực tại có mục đích tạo cơ sở cho một triết thuyết luân lý hành động mà chúng cần được nhận thức như những nguyên lý hướng dẫn nhận thức. Phật dạy rằng cái tôi là nguồn gốc của vô minh và sanh tử luân hồi. Trong thế giới vật thể không có cái tôi, nghĩa là trên thực tế con người không thể nào tách rời mình ra ngoài hành động, năng lực ra ngoài khối lượng, cuộc sống ra ngoài những hiện tượng hằng ngày. Hễ tư tưởng vọng động thì những ý niệm (nhị nguyên), có không, trắng đen, tối sáng, phải trái, đúng sai, v.v. như biệt lập, khác nhau, nhưng thực tế thì chúng chỉ là một, không sai khác nhau như chúng ta quen gò bó cụ thể thực tại vào khuôn tư tưởng. Khi ta chuyển sự khác biệt ấy từ tư tưởng sang thực tại thì ta gặp sự trở ngại, nan giải về tri thức, về luân lý và tâm linh, như thế mở đường cho sự khổ não và lo âu. Phật gọi sự nhận lầm nhị nguyên ấy là “vô minh” và lý “không” là kết quả của nhận thức đó, chứ không phải là lý thuyết “không” trong hư vô
luận hay vô vũ trụ quan. “Không” ở đây có nghĩa là muôn vật đều hoàn toàn tùy thuộc lẫn nhau mà hiện khởi theo duyên sanh, không thể có cá thể biệt lập trong vũ trụ.
Nguyên lý vô ngã trình bày cho thấy một khoảng cách rộng lớn giữa sự vật và khái niệm của ta có về sự vật. Sự vật thì biến chuyển và linh động trong khi khái niệm của ta về sự vật thì bất biến và đơn giản. Ta thử nhìn cái bàn, thoạt tiên ta chỉ thấy cái bàn, nghĩa là ta có cảm tưởng tự thân cái bàn (la table en soi) và khái niệm của ta về cái bàn là một. Thực ra, đó chỉ là khái niệm của ta về cái bàn, còn tự thân cái bàn ta không đạt đến được, nó là hợp thể của vô số nguyên tử và điện tử dao động như một bầy ong. Cái bàn trong thực tại đang biến chuyển linh động trong thời gian và không gian, cái bàn có liên hệ mật thiết đến những cái khác mà ta có thể gọi là “không bàn”, liên hệ mật thiết đến nỗi nếu lấy những cái “không bàn” ra khỏi cái bàn thì cái bàn không tồn tại nữa. Thí dụ rừng cây, lưỡi cưa, chiếc búa, người thợ mộc, cây thước… Nhìn vào cái bàn ta có thể thấy tất cả những cái “không bàn”. Sự có mặt của cái bàn chứng minh sự có mặt của tất cả các cái “không bàn”, nói một cách khác hơn là của tất cả vũ trụ. Đó là yếu nghĩa của câu “một là tất cả, tất cả là một” trong hệ thống giáo lý Phật giáo Hoa Nghiêm và nguyên lý duyên khởi trùng trùng của hệ thống giáo lý này.
Nguyên lý duyên khởi tức là nguyên lý nhân quả trong đạo Phật. Sự phát sinh, tồn tại và tan rã của mọi hiện tượng tùy thuộc không phải một nguyên nhân mà vào nhiều điều kiện, có thể nói là vô số điều kiện. Những điều kiện đó gọi là duyên. Sự có mặt một hiện tượng kéo theo sự có mặt của tất cả hiện tượng. Một người giác ngộ nhìn một hiện tượng không như một cái ngã riêng biệt mà biểu hiện đầy đủ của thực hữu.
Nguyên lý vô ngã cho ta biết tính cách tương quan mật thiết của mọi hiện tượng, những khái niệm của ta về sự vật và cũng cho thấy những ý niệm đơn giản của ta không chuyên chở thực sự được sự phức tạp của hiện hữu, không phản ánh thực sự của thực tại. Thế giới của khái niệm không phải là thế giới của thực tại tự thân và nguyên lý vô ngã báo động cho ta thấy rằng nhận thức theo khái niệm của ta không thể là dụng cụ tuyệt hảo để khảo sát thực tại và ngôn từ của ta bất lực trong sự diễn bày chân lý thực tại.
Nhận thức nêu trên này là khởi điểm của Thiền học. Chân lý thực tại, theo đạo Phật, chỉ có thể chứng nghiệm bằng sự sống bản thân mà không thể thực hiện bằng cách học hỏi vì học hỏi, nghiên cứu tức là sử dụng phương pháp khái niệm. Bằng khái niệm, ta chặt thực tại thành từng mảnh nhỏ, riêng biệt, độc lập, cứng chết. Thực chứng chân lý thực tại là một khả năng nhận thức trực giác được phát sanh do công trình Thiền quán, một sự chứng nhập thực tại trực tiếp và tràn đầy, không chủ thể, không đối tượng, vượt khỏi khái niệm và ngôn từ. Bản chất của Thiền là sự tỉnh thức đạt ngộ. Một người đạt ngộ có thể nhận diện bởi nhiều dấu hiệu: tự tại; không bị lệ thuộc, khống chế bởi những thành bại, vui mừng, sợ sệt; đức trầm tĩnh, ung dung và một sức mạnh to lớn trong tâm linh. Ngoài ra, ngôn ngữ Thiền trong khi sử dụng “khái niệm” luôn luôn vượt khỏi những xiềng xích của khái niệm. Thí dụ chữ “có” và chữ “không” trong ngôn ngữ Thiền hay trong thế giới phi niệm, chúng tác động tâm lý người nghe trên một chiều hướng khác và do đó ý nghĩ của chúng chỉ có thể nhận thấy qua tâm linh chủ quan của đương sự.
Dấu ấn tín thứ ba của Phật pháp là niết bàn. Niết bàn là bản thể của sinh vật, là bản chất của mọi thứ. Một làn sóng không cần phải chết đi để trở thành nước. Nước là bản chất của sóng. Sóng đã là nước. Con người chúng ta cũng giống như thế. Chúng ta mang trong chúng ta bản chất nội tại của sinh vật, niết bàn, thế giới của sự không sinh, không tử, của sự vô thường, của vô ngã và của sự vô ngã. Niết bàn là sự yên lặng hoàn toàn của những khái niệm.
Các ý niệm vô thường, vô ngã được đức Phật truyền lại là những dụng cụ để thực hành chứ không phải là những lý thuyết để sùng bái, để tranh đấu hay để sẵn sàng chết cho những lý thuyết đó. Vô thường, vô ngã thuộc sở hữu chủ của thế giới hiện tượng, cũng giống như những làn sóng đối với nước. Niết bàn là bản chất của những hiện tượng đó. Các làn sóng không hiện hữu ở ngoài nước. Nếu chúng ta đụng đến những làn sóng là chúng ta đồng thời đụng được nước. Niết bàn không hiện hữu ngoài vô thường vô ngã.
Nếu chúng ta biết được làm thế nào sử dụng những dụng cụ vô thường, vô ngã để đụng đến được chân lý thực tại thì chúng ta sẽ lập tức đụng ngay đến niết bàn ở đó. Niết bàn là sự dập tắt tất cả những ý niệm. Sinh hay tử đều là ý niệm. Hữu hay vô đều là ý niệm. Trong đời sống hằng ngày, chúng ta phải đối phó với những thực tại tương đối này. Nhưng nếu chúng ta chạm đến được đời sống một cách sâu xa hơn thì chân lý thực tại sẽ tự phát giác ra một cách khác.
Chúng ta thường nghĩ rằng sinh ra là đi từ không có gì đến một cái gì, từ không ai đến một con người, từ hư không đến hiện hữu. Chúng ta nghĩ rằng chết là một bất ngờ từ một cái gì đến hư không. Những ý nghĩ này khiến cho chúng ta đau khổ. Để dập tắt ý nghĩ này, chúng ta cần phải thực tập Thiền. Phật đã nói “không có sinh, không có tử, không có hữu và không có vô”. Phật cống hiến cho ta sự vô thường, vô ngã, sự hiện hữu nội tại trong ta và trạng thái trống không để khám phá bản chất thực sự của chân lý thực tại. Trạng thái trống không này chính là niết bàn mà thực hành Thiền sẽ đạt đến. Chính niết bàn như là một chiếc quạt làm tắt ngọn lửa của các ý tưởng, ngay cả ý tưởng vô thường, vô ngã vì chúng chỉ là những phương tiện để đạt đến cứu cánh là niết bàn.
Sự dừng lại, điềm tĩnh, nghỉ ngơi và lành lặn trong Thiền định
Thiền định của người Phật giáo thực hành trên hai bình diện: sự dừng lại và cái nhìn sâu thẳm. Cài “nhìn sâu thẳm” mang lại cho chúng ta cái nhìn bao quát sâu xa và giải thoát cho chúng ta sự đau khổ. Sự dừng lại là nền tảng trong việc thiền định. Nếu người ta không dừng lại thì cái nhìn bao quát sâu xa kia không thể thực hiện được. Trong lịch sử thiền học, có lẽ nhiều người biết đến câu chuyện kể về đề tài một người và một ngựa. Một con ngựa chạy sải thật nhanh và dĩ nhiên là con ngừi ngồi trên lưng ngựa hình như muốn đến một điểm hẹn khẩn cấp, quan trọng. Một người đứng bên đường liền hét lớn lên hỏi: “Anh đi đâu vậy?”. Người cưỡi ngựa trả lời: “Tôi không biết, anh hãy hỏi con ngựa”. Hình ảnh này cũng giống như câu chuyện của chúng ta. Chúng ta không khác gì mấy so với người ngồi trên lưng ngựa: chúng ta không biết thân phận chúng ta đi về đâu và chúng ta không thể kềm con ngựa dừng lại. con ngựa là năng lực của thói quen hằng ngày thúc đẩy chúng ta tiến bước dù muốn hay không. Chúng ta chạy theo thời gian và chuyện đó trở thành một thói quen. Chúng ta luôn luôn tranh đấu ngay cả trong khi đang ngủ, Chúng ta ở trong tình trạng chiến tranh chống đối với chính chúng ta và sẵn sàng tuyên chiến với những người khác.
Trong cuộc sống chúng ta luôn luôn có ba điều khó khăn: khó biết được mình, khó thành thật đối với chính mình, khó sử dụng được mình. Vì vậy, chúng ta phải học cái nghệ thuật biết tự dừng lại, dừng lại những ý nghĩ, dừng lại những năng lực của thói quen, dừng lại sự quên lãng và dừng lại những cảm xúc mạnh mẽ đã điều khiển chúng ta. Khi một cảm xúc bao trùm chúng ta, như một cơn giống tố, khiến chúng ta không được thanh thản. Chúng ta mở máy truyền hình và tắt máy ngay sau đó. Chúng ta vội đọc một vài trang sách để lấy lại sự nghỉ ngơi, bình thản. Làm thế nào chúng ta có thể chấm dứt được tình trạng xúc động này? Làm thế nào chúng ta có thể chấm dứt nỗi sợ sệt, nỗi thất vọng, cơn giận dữ và lòng khao khát them muốn của chúng ta? Điều đó có thể làm được bằng cách thực hành sự quán niệm hơi thở, hay bằng hơi thở đầy ý thức, bằng bước đi đầy ý thức, bằng nụ cười đầy ý thức và bằng cái nhìn sâu thẳm khiến cho chúng ta có thể hiểu được những sự kiện đó. Khi chúng ta ở giữa chỗ đầy ý thức, chạm được một cách sâu xa thời điểm hiện tại, các kết quả luôn
luôn là sự thấu hiểu, sự chấp nhận, tình yêu và sự mong muốn hạ thấp sự đau khổ và mang lại niềm vui.
Tuy nhiên, những năng lực của thói quen thường mạnh mẽ hơn ý chí của chúng ta. Lúc đó, chúng ta nói hay làm những điều mà chính chúng ta không muốn làm và chúng ta hối hận ngay sau đó. Chúng ta đã gây ra sự đau khổ cho chính chúng ta, cho những người khác và gây ra nhiều đổ vỡ. Điều đó có lẽ không phải là sự cố ý của chúng ta, nhưng chúng ta không tự ngăn được. Tại sao? Tại vì những năng lực của thói quen đã thúc đẩy chúng ta làm những điều đó.
Chúng ta cần những năng lực đầy ý thức để hiểu biết và mang lại sự hiện diện của chúng ta đối với năng lực của thói quen hầu để làm chấm dứt sự tàn phá đang diễn ra. Với sự ý thức đầy đủ, chúng ta có được khả năng nhận ra năng lực của tói quen mỗi khi nó nổi lên. “Chào mi, năng lực của thói quen, ta biết mi đang có mặt”. Một cách đơn giản là chúng ta cười với nó, điều đó cũng đã làm cho nó giảm bớt đi nhiều sức mạnh. Ý thức đầy đủ là sinh lực khiến cho chúng ta nhận biết năng lực của thói quen và làm ngăn trở việc nó ngự trị trên chúng ta.
Sự lãng quên là một sự đảo ngược. Chúng ta uống một tách trà, nhưng chúng ta không biết là đang uống một tách trà. Chúng ta sống với một người mà chúng ta yêu mến, nhưng không biết người đó đang hiện diện. Chúng ta đi mà thực sự chúng ta không biết là đang đi. Chúng ta đã ở một chỗ nào khác, đang nghĩ đến quá khứ hay tương lai. Con ngựa năng lực của thói quen đưa chúng ta đi thật xa và chúng ta trở thành tù nhân của nó. Chúng ta cần phải làm cho con ngựa dừng lại để chinh phục trở lại sự tự do của chúng ta. Chúng ta cần đến sự rọi sáng của ánh sáng đầy ý thức của mỗi công việc mà chúng ta đang làm để bóng tối lãng quên có thể biến mất. Đó là vai trò đầu tiên của sự dừng lại trong thiền định.
Vai trò thứ hai của sự dừng lại là sự điềm tĩnh. Khi chúng ta bị xâm chiếm bởi một cảm xúc mạnh, chúng ta biết là có lẽ bị nguy hiểm trong hành động phản ứng, vì chúng ta không còn đủ sức mạnh và sự sáng suốt. Chúng ta phải học hỏi nghệ thuật quán niệm hơi thở, nghệ thuật dừng lại các sinh hoạt và trấn an các cảm xúc của chúng ta. Chúng ta phải học cách trở thành cứng rắn và vững mạnh như một cây sên để khỏi bị cơn bão tố làm gãy đổ. Phật đã dạy nhiều kỹ thuật khác nhau để giúp trấn an cơ thể, tinh thần của chúng ta và nhìn chúng một cách sâu xa tận nguồn. Những kỹ thuật này có thể được tóm lược trong năm giai đoạn thực hành:
1. Nhận ra. Nếu chúng ta đang ở trong cơn giận, chúng ta hãy nói: “Tôi biết rằng cơn giận đang ở trong tôi”.
2. Chấp nhận. Nếu chúng ta ở trong cơn giận, chúng ta không được không để ý đến nó. Chúng ta phải chấp nhận sự kiện hiện tại.
3. Ôm lấy. Chúng ta hãy ôm lấy cơn giận dữ trong cánh tay của chúng ta như một người mẹ ôm đứa con đang khóc. Ý thức đầy đủ của chúng ta ôm lấy cảm xúc của chúng ta, điều đó đủ để trấn an cơn giận dữ và làm cho chúng ta điềm tĩnh.
4. Nhìn một cách sâu xa. Một khi tìm thấy lại được sự điềm tĩnh, chúng ta có thể nhìn một cách sâu xa tận nguồn những gì đã gây ra sự giận dữ, những gì đã gây ra sự khó chịu của đứa bé.
5. Thực hành cái nhìn bao quát sâu thẳm. Kết quả của cái nhìn sâu xa là hiểu biết được những nguyên nhân, những điều kiện chính và phụ đã làm sinh ra cơn giận dữ của chúng ta hay đã làm cho đứa bé khóc. Đứa bé có thể bị đói hay tấm tã lót bị cột quá chặt. Sự giận dữ của chúng ta đã phát khởi do những lời nói gây tổn thương của một người bạn hay đột nhiên một người cảm thấy hôm nay thật khó chịu vì nghĩ đến người cha sắp qua đời. Chúng ta tiếp tục thực hành cái nhìn sâu xa cho đến khi bắt đầu thấu hiểu được những gì gây ra sự đau khổ của chúng ta. Với cái nhìn bao quát sâu thẳm chúng ta biết những gì cần phải làm và những gì không nên làm để thay đổi hiện trạng.
Sau sự điềm tĩnh, vai trò thứ ba của sự dừng lại là sự nghỉ ngơi. Chúng ta hãy tưởng tượng một người ném một hòn đá vào dòng sông. Hòn đá bị cuốn theo dòng nước một cách chậm chạp rồi rơi xuống đáy dòng sông. Khi hòn đá rơi đến đáy sông rồi thì nó không còn di động nữa và để cho nước trôi qua. Khi chúng ta ngồi thiền định, chúng ta phải nghỉ ngơi như hòn đá này. Chúng ta có thể để cho mọi sự trôi qua một cách tự nhiên trong vị thế ngồi thiền, vị thế ngồi yên không dùng đến sự cố gắng. Chúng ta phải học cái nghệ thuật nghỉ ngơi, để cho thân thể và tinh thần chúng ta được nghỉ ngơi. Nếu chúng ta có những vết thương trong cơ thể hay trong tinh thần, chúng ta phải nghỉ ngơi để cho chúng có thể tự lành lặn trở lại.
Sự điềm tĩnh giúp cho sự nghỉ ngơi và sự nghỉ ngơi là một điều kiện thiết yếu cho sự lành lặn. Khi những con mãnh thú trong rừng bị thương, chúng tìm một nơi yên ổn để nằm không động đậy, không làm gì khác ngoài việc nghỉ ngơi trong suốt nhiều ngày. Chúng không nghĩ đến việc ăn uống hay bất cứ việc gì khác. Chúng chỉ nghỉ ngơi một cách đơn giản và cuối cùng chúng được lành lặn trở lại. Tuy nhiên, khi chúng ta hay những người khác bị bịnh, chúng ta thường bấn loạn lên, lo đi tìm bác sĩ hay thuốc chữa không ngừng. Ngay khi chúng ta nghỉ hè ở bờ biển hay ở trên núi, chúng ta cũng không dừng lại để nghỉ ngơi, nhiều khi còn mệt nhọc hơn trước khi đi nghỉ hè nữa.
Chúng ta phải học cái nghệ thuật tự nghỉ ngơi. Vị thế nằm không phải là vị thế duy nhất để nghỉ ngơi. Chúng ta có thể nghỉ ngơi bằng cách thực hành ngồi thiền hay hành thiền. Việc thiền định không phải là khổ công. Một cách đơn giản là hãy để cho thân thể, tinh thần chúng ta nghỉ ngơi như con mãnh thú trong rừng. Đừng tranh đấu vì không có gì để đạt đến cả. Tôi viết bài nhưng tôi không đấu tranh, tôi cũng tự nghỉ ngơi và tôi xin bạn hãy đọc nó bằng một thái độ vui vẻ và nghỉ ngơi thoải mái. Phật đã nói rằng: “Chúng ta hãy thực hành tất cả những thứ không làm cho chúng ta mệt nhọc và cho thân thể, tinh thần, cảm xúc và ý thức của chúng ta có thể nghỉ ngơi. Thân thể và tinh thần chúng ta có một khả năng làm lành lặn tự động nếu chúng ta để cho chúng được nghỉ ngơi.
Sự dừng lại, sự điềm tĩnh và sự nghỉ ngơi là những điều kiện cần thiết để cho sự chữa trị lành lặn có thể thực hiện được. Nếu chúng ta không dừng lại, sự sụp đổ đang diễn ra chỉ sẽ tiếp tục. Thế giới cần đến sự lành lặn, các cá nhân, các cộng đồng và các quốc gia cần đến sự lành lặn này.
Tin tức khác
- TỪ QUANG XUÂN BÍNH THÂN (TẬP 15) – THÁNG 1 NĂM 2016 (PL. 2559)
- KÝ ỨC MỘT THỜI - Cư sĩ THIỆN MINH
- TỪ QUANG Tập 14 - Tháng 10 năm 2015 (P.L.2559)
- TỪ QUANG Tập 13 - tháng 8 năm 2015 (P.L.2559) SỐ ĐẶC BIỆT VỀ ĐẠI LỄ VU LAN
- TỪ QUANG Tập 11 Xuân Ất Mùi - Tháng 1 Năm 2015 (PL. 2558)
- TỪ QUANG Tập 12 - Tháng 04 năm 2015 (P.L.2559)
Bình luận bài viết