Thông tin

NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN A

A

 

- Thích Bảo An (1914-2011), Hòa thượng trưởng lão, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 42, thế danh Lê Bảo An, xuất gia năm 1926 với HT Như Hòa Tâm Ấn- chùa Hưng Khánh- Tuy Phước- Bình Định, pháp danh Thị Huệ, pháp tự Hạnh Giải, pháp hiệu Bảo An. Năm 1932, ngài theo bổn sư về tu học tại chùa Phổ Bảo. Năm 1938, ngài được theo học tại PHĐ chùa Long Khánh- Quy Nhơn. Năm 1940, ngài ra Huế theo học tại trường An Nam Phật học-chùa Trúc Lâm- Huế. Năm 1942, ngài thọ Cụ túc giới tại giới đàn chùa Hưng Khánh- Quy Nhơn do tổ Chơn Hương Chí Bảo làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1947, ngài tham gia Đoàn Thanh niên Tăng sĩ Bình Định, làm Phó chủ tịch tổ chức này. Năm 1948, ngài kế thế trụ trì tổ đình Phổ Bảo. Năm 1949, ngài làm Hội trưởng hội PG huyện Tuy Phước và Chúng trưởng Chúng Lục Hòa Tuy Phước. Năm 1958, ngài cùng chư Tôn đức sáng lập tu viện Nguyên Thiều để đào tạo tăng tài Phật giáo, ngài được cử làm Phó ban Quản trị tu viện. Năm 1963, ngài kiêm nhiệm trụ trì hai ngôi tổ đình Phổ Bảo và Hưng Khánh. Năm 1964, chiến tranh ác liệt, ngài dẫn Tăng sinh PHV Nguyên Thiều vào Sài Gòn lánh nạn, được tín đồ cung thỉnh trụ trì ngôi Niệm Phật Đường ở Phú Nhuận, ngài nhận lãnh và cải hiệu thành chùa Giác Uyển. Cùng năm, ngài được mời làm Đặc ủy Nghi lễ GHPGVNTN tỉnh Bình Định. Năm 1965, ngài làm Chánh đại diện GHPGVNTN huyện Tuy Phước. Năm 1973, ngài giữ chức Đặc ủy Cư sĩ GHPGVNTN tỉnh Bình Định. Năm 1985, ngài là Thành viên BTS GHPGVN kiêm Trưởng ban Nghi lễ và Kiểm Tăng tỉnh Nghĩa Bình. Năm 1999, ngài được cung thỉnh Trưởng môn phái Chúc Thánh 3 tỉnh Bình Định-Phú Yên-Quảng Ngãi. Ngài xả báo thân ngày 22 tháng Giêng năm Tân Mão (24-02-2011) thọ 98 năm, 70 hạ lạp, nguyên quán trú quán Bình Định - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 3.

- Chơn An (1893 -1980), Cư sĩ, Bồ tát giới, tên thật Lê Văn Định, tự Nguyên Tịnh, hiệu Vĩnh Xuyên. Năm 1944, ông là Tuần vũ tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1930-1940, có nhiều sự việc xảy ra làm thay đổi quan niệm sống của ông, nhờ nhiều nhân duyên, ông quay đầu về Phật pháp. Năm 1945, Cư sĩ về hưu đến năm 1948, ông được mời làm Chánh hội trưởng hội Việt Nam Phật học ở Trung phần. Năm 1950, Cư sĩ được Giáo hội mời đứng ra tục bản báo Viên Âm và làm chủ nhiệm báo, đồng thời ông làm Hội trưởng Tổng hội Phật giáo Trung phần. Năm 1955, Cư sĩ vào Sài Gòn tham dự đại hội kỳ II của Tổng hội PGVN và được bầu làm Phó hội chủ Tổng hội PGVN, nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán Sài Gòn - xem thêm ở Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ Phật giáo Thuận Hóa.

- Thích Giác An, Hòa thượng, Giáo thọ sư các trường hạ PG cổ truyền, trưởng Ban thừa kế tổ đình Thiên Thai Bà Rịa, trụ trì chùa Hưng Thạnh, Phú Nhuận, nguyên quán trú quán TP Hồ Chí Minh.

- Giác An, Cư sĩ, nhạc sĩ PG, sinh năm 1957, thuở nhỏ xuất gia với HT Tâm Châu- chùa Từ Quang- quận 10. Sau năm 1975, về tại gia sáng tác ca khúc PG và hòa âm phối khí nhạc PG, thành viên Ban văn nghệ Thành hội PG TP Hồ Chí Minh, Cư sĩ có trên 100 tác phẩm nhạc PG phổ biến, nguyên quán Bắc phần, trú quán TP Hồ Chí Minh.

- Thích Giải An (1914-2003), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 41, thế danh Nguyễn Hòa, đệ tử tổ Khánh Tín- chùa Thọ Sơn, pháp danh Như Bình, pháp tự Giải An, pháp hiệu Huyền Tịnh. Năm 1944, trụ trì Thiên Bút cổ tự, năm 1945, tham gia PG Cứu quốc liên khu 5. Năm 1950, học tăng PHĐ Báo Quốc rồi ra miền Bắc tham cứu Luật học. Năm 1953 trở về Quảng Ngãi khai sơn các chùa Linh Sơn và Phú Long. Sang năm 1954, ngài được Giáo hội gbổ nhiệm trụ trì chùa Tỉnh hội PG Quảng Nam Đà Nẵng. Năm 1955-1957, ngài cùng HT Huyền Quang thành lập Giáo hội Tăng già và hội Phật học Quảng Ngãi, ngài làm Trị sự trưởng kiêm Hội trưởng hội PG Quảng Ngãi. Năm 1967, ngài khai sơn chùa Từ Quang và hành đạo tại đây đến cuối đời. Ngài viên tịch ngày 20 tháng Giêng năm Quý Mùi (20-02-2003) thọ 90 năm, 70 hạ lạp, nguyên quán trú quán Quảng Ngãi - theo Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam tập 3.

- Thích Phước An, Hòa thượng, sinh năm 1949 tại Bình Định, Ấu niên xuất gia, hiện trú xứ Phật học viện Hải Đức- Nha Trang- Khánh Hòa. Học giả nghiên cứu Phật học, viết rất nhiều bài biên khảo giá trị: Đường về Núi cũ Chùa xưa; Từ Nguyễn Trãi đến Ngô Thì Nhậm và con đường đi lên đỉnh núi Yên Tử; Thiền sư Chân Nguyên, người muốn gởi những ước mơ đến cho dân tộc Việt; Ngày Xuân đọc thơ Trần Minh Tông và suy nghĩ về sự ân hận của một Hoàng đế Phật tử; Toàn Nhật thiền sư người muốn đưa tinh thần Phật giáo đời nhà Trần xuống cho triều đại Tây Sơn; Toàn Nhật thiền sư với những nẻo đường cát bụi của quê hương; Tuệ Trung Thượng Sĩ kẻ rong chơi giữa sống và chết; Lục tổ Huệ Năng và hình ảnh thi ca; Núi Hồng Lĩnh nơi nuôi dưỡng lòng từ bi của thi hào Nguyễn Du - theo Thích Vân Phong biên khảo.

- Thích Tâm An (1892 -1982), Hòa thượng, xuất gia năm 22 tuổi với HT Thích Khai Quyền- chùa Vân Mai- Nam Hà. Năm 1915, lúc 24 tuổi, thọ cụ túc giới tại tổ đình Tế Xuyên-Bảo Khám do tổ Phổ Tụ làm Đường đầu truyền giới. Năm 1920, ngài đến chốn tổ Vĩnh Nghiêm- Bắc Giang chép bộ Hoa Nghiêm Sớ Kinh để khắc ván ấn hành và cầu thụ Bồ tát giới nơi tổ Thích Thanh Hanh. Năm 1924, ngài trụ trì chùa Quốc Sư ở Phố Hiến- Hưng Yên. Năm 1958 về sau, ngài được cung thỉnh làm Phó hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam và trụ trì chùa Quán Sứ. Năm 1969, ngài là Phó hiệu trưởng trường Tu học Phật pháp Trung ương-chùa Quảng Bá- Hà Nội và Đại biểu Quốc hội các khóa 2,3,4 và 5. Năm 1974, ngài làm hiệu trưởng trường Trung tiểu học Phật giáo. Ngài xả báo thân ngày 13 tháng 9 năm Nhâm Tuất (29-10-1982) thọ 91 năm, 66 mùa an cư, nguyên quán Nam Định, trú quán Hà Nội - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 2.

- Thích Thanh An (1937-2014), Hòa thượng, thế danh Nguyễn Văn Nho. Năm 1958, xuất gia với HT Trí Hữu tại chùa Linh Ứng, pháp danh Đồng Đạt, tự Thông Đạt, hiệu Thanh An, đời 43 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 10 pháp phái Chúc Thánh. Năm 1960, Ngài vào chùa Linh Sơn - Vạn Ninh - Khánh Hòa y chỉ Hòa thượng Thích Tịch Tràng để tu học. Năm 1963 thọ Tỳ kheo tại chùa Giác Nguyên và được ban pháp hiệu Thanh An. Ngài chuyên tu Tịnh Độ, từng chích máu chép kinh Phổ Hiền và kinh A Di Đà. Đốt ngón tay út sau khi thọ trì kinh Pháp Hoa v.v... Năm 1976 nhận trụ trì chùa Long Hòa tại Vạn Giã. Năm 1990 định cư Mỹ quốc. Ngài cùng với Thượng tọa Thích Thiện Tường là pháp đệ cũng là bào đệ, lập An Tường Tự Viện tại thành phố Oakland, tiểu bang California. Đồng thời, Ngài vận động tài chánh lo trùng tu ngôi chùa Mỹ Phước tại quê nhà. Hòa thượng được cung thỉnh làm Đàn Đầu giới đàn Quang Nghiêm năm 2005, Chứng minh đạo sư, y chỉ sư cho chư Tăng Ni miền Bắc Cali. Năm 2014, Hòa thượng về lại quê nhà và viên tịch vào ngày 20 tháng 11 năm Giáp Ngọ, thọ 78 tuổi. Sau khi trà tỳ, linh cốt được phụng thờ tại chùa Mỹ Phước. Ngài nguyên quán Đà Nẵng, trú quán Mỹ quốc - theo Thích Như Tịnh sưu khảo.

- Hồng Từ Thiện An (? - ?), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Gia Phổ đời 40, pháp danh Hồng Từ, pháp hiệu Thiện An, xuất gia năm 17 tuổi. Năm 1868, ngài khai sơn chùa Long Hòa- thị trấn Trà Cú-tỉnh Trà Vinh, trên mảnh đất do bà Lương Thị Xuyến hiến cúng, ngài xuất thân trong gia đình có 4 anh em, ngài là người con thứ tư. Ngài thọ 86 năm, không rõ năm sinh năm mất, nguyên quán trú quán Trà Cú- Trà Vinh - theo tư liệu Thích Như Đạo sưu khảo.

- Thích Thiện An (? - ?), Hòa thượng, pháp sư, giảng sư, pháp danh Thiện An, pháp tự Hiển Tánh, năm 1957 là học tăng khóa Như Lai Sứ Giả tại chùa Ấn Quang, Giảng sư các trường hạ Lục Hòa các tỉnh Tây Nam Bộ, được cung thỉnh làm Đốc học trường PHV Lục Hòa-chùa Giác Lâm, khai sơn chùa Long Đức-Ba Tri, trú xứ chùa Vạn Hạnh-Phú Lâm, nguyên quán Ba Tri-Bến Tre, trú quán TP Hồ Chí Minh.

- Thích Thiện An (1918 -1998), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chánh Tông đời 41, thế danh Trần Văn Mạnh, xuất gia năm 15 tuổi với HT Từ Chí- chùa Bửu Phước- Tân Uyên, pháp danh Nhật Phước, pháp hiệu Thiện An. Năm 1939, ngài thọ đại giới tại trường Kỳ giới đàn chùa Long Thiền- Biên Hòa. Năm 1947, ngài làm Giám tự chùa Bửu Phước Là một nhà sư có tinh thần yêu nước, ngài cùng huynh đệ trong chùa mời lính Pháp vào chùa ăn Giỗ và làm mật hiệu cho cách mạng vào tước vũ khí của chúng. Vì thế, giặc Pháp đã kéo đến tàn phá và đốt chùa tiêu tan. HT bổn sư và ngài cùng chư Tăng phải lánh vào vùng tự do của cách mạng. Vì lo lắng, bổn sư ngài lâm trọng bệnh và viên tịch. Sau khi an táng bổn sư, ngài nhận rõ con đường cứu nước. Năm 1948, ngài xếp áo cà sa, tham gia cách mạng, làm cán bộ công an xã An Linh và làm Trưởng ban kinh tài xã Tam Lập. Sau đó, được kết nạp vào đảng Cộng sản, làm Phó chủ tịch UB Kháng chiến Hành chánh xã Sông Lô. Năm 1954, đất nước đình chiến, ngài trở về nếp sống tu hành, đứng ra vận động xây dựng lại ngôi Tam bảo Bửu Phước- xã Phước Hòa- huyện Tân Uyên. Ngài mở nhiều lớp giáo lý, thành lập hội Bảo trợ tang sự cho các gia đình PT nghèo khó. Năm 1957, trong đại giới đàn chùa Long Thiền, ngài được tấn phong Giáo thọ. Năm 1961, ngài được tấn phong Yết ma trong đại giới đàn trường Hương chùa Bửu Phong- Biên Hòa. Năm 1972, ngài được tấn phong ngôi Hòa thượng trong đại giới đàn chùa Bửu Phong và được cử làm Tăng giám quận hội PG Lục Hòa Tăng. Năm 1974, ngài được cử làm Ủy viên Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam. Năm 1982, ngài được cung thỉnh Chứng minh đại giới đàn chùa Long Thiền. Năm 1990, ngài được mời làm Cố vấn Chứng minh Ban đại diện PG huyện Tân Uyên. Ngài đã được Nhà nước tặng thưởng 02 Huân chương kháng chiến và nhiều bằng khen, giấy khen khác... Ngài xả báo thân ngày 11 tháng 10 năm Mậu Dần (1998) thọ 80 năm, 59 giới lạp, nguyên quán trú quán Tân Uyên- Biên Hòa - theo Thích Đồng Bổn biên khảo.

- Thích Thới An (1912 -1986), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chánh Tông đời 40, pháp danh Hồng Thọ, pháp tự Thới An, pháp hiệu Chơn Tánh, thế danh Nguyễn Văn Quang, là đệ tử HT Như Nhãn - Từ Phong - chùa Giác Hải - Chợ Lớn. Năm 1944, ngài trụ trì chùa Long An-Sa Đéc, nhân duyên gặp gỡ HT Hành Trụ trên đường hoằng hóa trú tại chùa Long An, ngài cùng 2 huynh đệ là Khánh Phước và Thiện Tường hợp duyên kết nghĩa huynh đệ với HT Hành Trụ mở lớp Gia giáo dạy Tăng ni tu học. Sau đó, 4 huynh đệ đồng tâm hiệp lực lên đất Sài Gòn mở trường Phật học Tăng Già (nay là Kim Liên) ở Xóm Chiếu, là trường Phật học đầu tiên trong phong trào chấn hưng tại đất Sài Gòn, trường do 4 huynh đệ thay nhau giảng dạy và quản lý. Năm 1945, ngài trụ trì chùa Phổ Hiền - Bà Chiểu, từ đó ngài gia công trùng tu mở rộng thành ngôi già lam tốt đẹp, HT nguyên quán Hóc Môn - Gia Định, trú quán TP Hồ Chí Minh.

- Mai Tuyết An, nữ sinh, 18 tuổi, ngụ tại đường Hùng Vương - Thị Nghè, ngày 12-8-1963 trong lễ cầu siêu cho cố Đại đức Thích Nguyên Hương được tổ chức tại chùa Xá Lợi - Sài Gòn, cô đã dùng dao tự chặt bàn tay trái để cúng dường mười phương chư Phật hộ trì cho các nguyện vọng của PG chóng đạt thành. Nữ sinh Mai Tuyết An cũng phản đối bà Ngô Đình Nhu đã xúc phạm đối với các vị tu hành. Tuy nhiên , tay không đứt, máu ra nhiều phải đưa vào bệnh viện - theo Biên niên sử PG Sài Gòn Gia Định.

- Đào Duy Anh (1904-1988), Nhà nghiên cứu. Bút danh: Vệ Thạch, Nhà sử học, nhà nghiên cứu, hiệu là Vệ Thạch. Quê Khúc Thủy, Tả Thanh Oai, Thanh Oai, Hà Tây (nay là huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội). Ông là nhà sử học, địa lý, từ điển học, ngôn ngữ học, nhà nghiên cứu văn hóa, tôn giáo, văn học dân gian nổi tiếng của Việt Nam. Ông được xem là người mở đầu cho nhiều ngành khoa học xã hội Việt Nam. Đóng góp vào nghiên cứu Phật giáo của Đào Duy Anh là một thiên khảo luận về thiền học Lý Trần. Xuất phát từ một nghịch lý là: “Thời Lý Trần, nhất là thời Trần, từ vua quan quý tộc đến nhân dân đều say mê đạo Phật, một thứ tôn giáo yếm thế và xuất thế, đến như vậy mà tổ tiên ta bấy giờ lại đánh giặc giỏi như vậy?”. Hẳn đạo Phật thời ấy phải có một cái gì đấy đặc biệt. Đào Duy Anh thấy điều đặc biệt ấy là ở chỗ Thiền tông là giáo phái nhấn mạnh “Phật tức tâm” và chủ trương “đốn ngộ”, một chủ trương đặt niềm tin vào con người, tin vào sức mạnh của tâm người. Cái lòng tin ấy gây cho con người một sức năng động mạnh mẽ, và sức năng động này đến lượt nó, lại tạo ra sức năng động của xã hội, của tính anh hùng của dân tộc ta thời bấy giờ. Đó chính là tính tích cực của Thiền tông Việt Nam. Tác phẩm Phật giáo, Dịch Khóa hư lục (1974) - Theo Thích Vân Phong biên khảo.

- Ngài Khánh Anh (1895 -1961), Hòa thượng, pháp sư, thế danh Võ Hóa, xuất gia tại chùa Cảnh Tiên, tu học tại chùa Quang Lộc - Quảng Ngãi, pháp danh Chơn Húy, pháp hiệu Khánh Anh. Năm 1927, ngài vào Nam làm Pháp sư chùa Hiền Long- Vĩnh Long. Năm 1931, ngài trụ trì chùa Long An- Cần Thơ. Năm 1935, hợp tác với chư tôn đức Hòa thượng thành lập hội Lưỡng Xuyên Phật học - chùa Long Phước - Trà Vinh. Năm 1942, trường Lưỡng Xuyên Phật học tạm nghĩ, ngài về trụ trì chùa Phước Hậu - Trà Ôn. Năm 1945, ngài được HT Huệ Quang mời về dạy trường Gia giáo chùa Long Hòa - Tiểu Cần - Trà Vinh. Sau 1945, ngài trở về chùa Phước Hậu - Trà Ôn - Vĩnh Long, nhập thất và biên soạn, phiên dịch kinh sách. Năm 1955, hội Phật học Nam Việt thỉnh ngài vào Ban Chứng minh đạo sư của hội. Năm 1957, ngài được cung thỉnh làm Pháp chủ Giáo hội Tăng già Nam Việt. Năm 1959, đại hội Giáo hội Tăng già Toàn quốc kỳ II đã suy tôn ngài lên ngôi Thượng thủ Giáo hội Tăng Già toàn quốc, tác phẩm: Hoa Nghiêm nguyên nhân luận; Nhị khóa hiệp giải; 25 bài thuyết pháp của Thái Hư Đại Sư; Tại gia Cư sĩ luật; Duy thức Triết học; Qui nguyên Trực chỉ; Khánh Anh văn sao (3 tập), nguyên quán Mộ Đức Quảng Ngãi, trú quán Trà Ôn Vĩnh Long - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 1.

- Lê Thị Kim Anh (1948 -1963), nữ Phật tử, thánh tử đạo, pháp danh Tâm Hiển. Hy sinh đêm 8-5-1963 trước đài phát thanh Huế, khi đang nghe lại buổi phát thanh lễ Phật đản của Giáo hội tổ chức ban sáng, thì bị xe thiết giáp của chế độ Ngô Đình Diệm xả súng và cán chết. Giáo hội PG Trung phần đã tấn phong Thánh tử đạo năm 1965, nguyên quán trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Ngô Trọng Anh, Cư sĩ, Kỹ sư, công chánh, pháp danh Tâm Tràng, quy y tại chùa Trúc Lâm - Huế. Năm 1955 ông ở Pháp về nước làm việc tại Nha Công chánh Cao nguyên, năm 1966 ông là viện trưởng viện Giám sát chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, bên PG, ông là giáo sư Phó viện trưởng viện đại học Vạn Hạnh phụ trách phát triển kế hoạch. Ông theo Thượng tọa Thích Viên Đức nghiên cứu PG Mật tông. Sau 1975, ông định cư tại Hoa Kỳ, tham gia PG hải ngoại, là Phó đại diện GHPGVNTN miền Liễu Quán Bắc California-Hoa Kỳ, nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán Hoa Kỳ.

- Đàm Ánh (1925 -2015) Ni trưởng, đạo hiệu Đức Huy, thuộc dòng Tào Động, thếdanh Đào ThịSàng, xuất gia năm 1941 với Sư cụ Đàm Đễ- chùa Âm Hồn- Bắc Giang. Năm 1946-1948, tản cư theo lớp học của cụ Thiều Chửu và học trong suốt thời di tản. Năm 1950, Ni trưởng về lại Hà Nội, học ở chùa Xã Đàn. Năm 1960, Ni trưởng thọ đại giới tại chùa Liên Phái- Hà Nội. Năm 1970-1975, Ni trưởng theo học lớp Phật pháp Trung ương - chùa Quán Sứ. Năm 1975, Ni trưởng về tụ trì chùa Phụng Thánh - phố Khâm Thiên, Hà Nội. Ni trưởng là vị nổi tiếng làm từ thiện xã hội. Từ năm 1995 đến 2003 Ni trưởng và Cư sĩ Trần Việt Quang (1927-2003) tổ chức sưu tập và phát tâm in ấn các tác phẩm của thầy mình là Cư sĩ Thiều Chửu - Nguyễn Hữu Kha gồm: 16 bộ kinh (Phổ Môn, Thuỷ Sám, Dược Sư, Tứ Thập Nhị Chương, Di Giáo, Di Đà, Kim Cương, Pháp Hoa, Lục Tổ Đàn kinh...) và các tác phẩm: Phật học cương yếu (dịch), Giải thích truyện Quan Âm Thị Kính, Con đường học Phật thế kỷ thứ XX, Ni trưởng xả báo thân ngày 22 tháng 10 năm Ất Mùi (03-12-2015) trụthế90 tuổi, giới lạp 70, nguyên quán Bắc Giang, trú quán Hà Nội - theo NNC Nguyễn Đại Đồng sưu khảo.

- Minh Đức Triều Tâm Ảnh, nhà thơ, Hòa thượng, trí thức PG, ngài pháp hiệu Giới Đức, thế danh Nguyễn Duy Kha sinh năm 1944, hệ phái PG Nam Tông Việt Nam, trụ trì chùa Huyền Không Sơn Thượng - Huế, ngài đã tu tập sự tại chùa Từ Quang - hệ phái Bắc truyền - Huế từ năm 1970-1971. Năm 1972 ngài vào chùa Tam Bảo- Đà Nẵng cầu đạo với HT Giới Nghiêm, thuộc PG Nam Tông. Năm 1973 ngài thọ giới Sa di tại Tam Bảo thiền viện - Núi Lớn - Vũng Tàu, được HT Giới Nghiêm ban pháp danh là Giới Đức (Sīlaguna). Sau mùa an cư năm 1973, ngài theo HT bổn sư vào ở chùa Phật Bảo - Phú Thọ Hòa - Gia Định. Cuối năm 1974, ngài về ở chùa Huyền Không tại chân đèo Hải Vân - Lăng Cô - Lộc Hải- Phú Lộc, ngôi chùa do HT Viên Minh sáng lập cùng với chư huynh đệ là Sư Tịnh Pháp, Sư Trí Thâm, Sư Tấn Căn. Năm 1976, HT Viên Minh vào làm Tổng thư ký Giáo hội PG Nguyên Thủy tại chùa Kỳ Viên - Bàn Cờ - Sài Gòn, nên đề cử ngài đảm nhiệm chức vụ trụ trì chùa Huyền Không. Năm 1977, ngài thọ giới Tỳ kheo tại chùa Tam Bảo - Đà Nẵng do HT Giới Nghiêm làm Đàn đầu Hòa thượng. Tháng 11 năm 1978, chùa Huyền Không được di dời từ Hải Vân - Lăng Cô về thôn Nham Biều - xã Hương Hồ - huyện Hương Trà - tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngài viết khá nhiều thơ đượm màu dân tộc nhưng mang tính triết học, là một cây bút nổi tiếng trong thi ca Việt Nam. Ngoài ra, ngài còn giỏi về thư pháp, thư họa, được mời làm giám khảo chấm giải các triển lãm nghệ thuật lớn ở Huế và TP Hồ Chí Minh, nguyên quán trú quán Thừa Thiên Huế - theo Thích Vân Phong sưu khảo.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 20
    • Số lượt truy cập : 6946689