Thông tin

NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN Â

Â

 

- Hải Triều Âm (1920-2013), Ni trưởng, mang hai dòng máu Pháp Việt và có hai tên: tên Việt là Nguyễn Thị Ni, tên Pháp là Eugénie Catallan, nhân duyên đến với Phật pháp là do đọc kinh sách do cụ Tuệ Nhuận dịch và giảng. Ni trưởng quy y với cụ Pháp chủ đương thời là HT Mật Ứng, được tổ đặt pháp danh là Hải Triều Âm. Ni trưởng còn viết báo dưới bút hiệu Cát Tường Lan trên tờ Bồ Đề Tân Thanh của cụ Tuệ Nhuận. Năm 29 tuổi, xuất gia với HT Thích Đức Nhuận - chùa Đồng Đắc và y chỉ với HT Ni Tịnh Uyển - chùa Thanh Xuân - Hà Nội. Năm 1954, Ni trưởng di cư vào Nam nhập chúng chùa Dược Sư - Gia Định. Sau khi mẹ mất, vì muốn báo hiếu, Ni trưởng phát nguyện nhập thất 5 năm tại chùa Vạn Đức - Thủ Đức, sau đó chuyển lên Đức Trọng - Lâm Đồng nhập thất ở tịnh thất Linh Quang 7 năm nữa. Ni trưởng dành cả đời hoằng pháp và khai sơn các chùa, cuối đời vãng sinh tại chùa Dược Sư - Đại Ninh - Đức Trọng - Lâm Đồng, hưởng thọ 94 tuổi, 60 hạ lạp. Ni trưởng đã thành lập 8 ngôi chùa và trụ trì: Tịnh thất Liên Hoa (TP.HCM); chùa Viên Thông (Phước Tân, Biên Hòa), Tịnh thất Ni Liên (Đức Trọng), chùa Linh Quang (Đức Trọng), chùa Hương Sen (Đức Trọng), chùa Bát Nhã (Đức Trọng), chùa Lăng Nghiêm (Đức Trọng) - xem thêm ở trang nhà Quảng Đức.

- Thích Báo Ân, Thiền sư, pháp danh Nhật Đáp (1906-1964), tục danh Nguyễn Văn Báo, nguyên quán xã Vĩnh Thanh Vân - Rạch Giá (nay tỉnh Kiên Giang). Năm 1925 (Ất Sửu), ngài theo hầu Hòa thượng bổn sư Thích Trí Thiền sang đất Thái, xứ chùa tháp để cùng chia sẻ Phật sự nước bạn, sau đó ngài ở lại Vương quốc Thái Lan góp phần tô điểm cho Phật giáo Việt tông (Annamnikaya) hay còn gọi là Phật giáo An Nam tông (một tông phái của Phật giáo Thái Lan, du nhập nước Thái từ thế kỷ 18 do di dân người Việt mang đến). Ngài viên tịch vào ngày 10-03-1964 (27tháng Giêng năm Giáp Thìn) với tư thế ngồi Kiết già và lưu Kim cương thân xá lợi (nhục thân bất hoại) tại chùa Cảnh Phước (Wat Samananamborihan), 416 Lugluang - Siyak Mahanak Dusit- Bangkok 10300 - Thái Lan - theo Thích Vân Phong biên khảo.

- Ngài Đắc Ân (1873 -1935), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 42, ngài họ Đặng, đắc pháp Hòa thượng Thanh Hy - chùa Quốc Ân, được pháp danh Như Thông, pháp hiệu Đắc Ân, trụ trì chùa Linh Mụ, giới sư nhiều giới đàn ở Huế, nguyên quán Quảng Bình, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức&Cư sĩ hữu công PG Thuận Hóa.

- Chương Tín Hoằng Ân (? -1862), Hòa thượng, tổ sư, pháp danh Chương Tín, tự Tuyên Khánh, hiệu Hoằng Ân, đời thứ 38 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 5 pháp phái Chúc Thánh. Ngài xuất gia đắc pháp với tổ Toàn Nhật Quang Đài tại chùa Viên Quang- Phú Yên. Ngài thế danh là Trần Văn Ân, sinh quán tại thôn Long Bình, tổng Xuân Đài, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Năm Tân Sửu (1841), Ngài được triều đình bổ nhiệm làm trụ trì chùa Linh Ứng, đến năm Giáp Dần (1854) cải bổ trụ trì chùa Tam Thai. Ngài viên tịch ngày 19 tháng 9 năm Nhâm Tuất (1862), tháp lập bên cạnh tháp thiền sư Viên Trừng và thiền sư Phước Nghi. Đệ tử nối pháp tiêu biểu có ngài Ấn Thanh Chí Thành. Ngài nguyên quán Phú Yên trú quán Đà Nẵng - theo Thích Như Tịnh sưu khảo.

- Minh Khiêm-Hoằng Ân (1850 -1914), Hòa thượng, Thiền sư, Luật sư, ngài được Sư tổ Tiên Giác Hải Tịnh truyền pháp dòng Thiền Lâm Tế Chánh tông đời thứ 38 pháp danh Minh Khiêm hiệu Hoằng Ân, truyền pháp dòng Thiền Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 37 pháp danh Liễu Khiêm hiệu Diệu Nghĩa, trụ trì chùa Giác Viên, khai sơn chùa Giác Hải-Chợ Lớn, ngài có công khắc ván in rất nhiều bộ kinh luận PG và giảng dạy Phật học, Giáo thọ nhiều giới đàn, chú giải nhiều bộ luật bằng chữ Nôm, trên đương vân du miền Nam, ngài cất thảo am Viên Giác bên cạnh chùa Bửu Lâm, rồi lại vân du xuống vùng núi Sam trụ trì Tây An Cổ Tự- Châu Đốc, nên mọi người gọi ngài là "Tổ Núi Sam", chính am Viên Giác là nơi ngài dừng bước vân du và viên tịch tại đây - theo trang nhà www.thuongchieu.net

- Thiền sư Hoằng Ân (?). Chú tạo Hồng chung, Thiệu Trị nguyên niên (1841), quả chuông hiện còn lưu giữ tại chùa Hội Phước, Lai Vung, Đồng Tháp. Chú tạo Hồng chung ký: Cảnh Long Tự, Trụ trì Hoằng Ân tạo kim chung, đàn na thí chủ phụng cúng. Thiệu Trị nguyên niên, tứ nguyệt, sơ nhất nhật - theo Thích Vân Phong biên khảo.

- Thích Quảng Ân (1891 -1974), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 44, thế danh Lê Văn Bảy, xuất gia năm 1903 với HT Phước Chí Tâm Ba- chùa Khánh Quới, pháp danh Nguyên Đồ, pháp hiệu Quảng Ân. Năm 1912, ngài trụ trì chùa Linh Phước- Phật Đá cũ. Năm 1917, trùng kiến chùa Phật Đá mới-Cai Lậy. Năm 1934, ngài là hội viên sáng lập hội Lưỡng Xuyên Phật học. Năm 1939, ngài làm Đàn đầu truyền giới trong trường Kỳ chùa sắc tứ Long Hội. Năm 1952, ngài làm Tăng trưởng Giáo hội Lục Hòa Tăng tỉnh Mỹ Tho. Năm 1966, ngài khai sơn chùa Linh Phước- Mỹ Tho và trụ lại đến cuối đời. Năm 1974, ngài xả báo thân ngày mồng 5 tháng 10 năm Giáp Dần, thọ 84 năm, 60 hạ lạp, tháp lập trong vườn chùa Linh Phước, nguyên quán trú quán Định Tường, Mỹ Tho - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 2.

- Sư Thiện Ân (? -1941) tu sĩ PG, thế danh Trần Văn Thâu, xuất gia ở chùa sắc tứ Tam Bảo Tự-Rạch Giá, đệ tử HT Trí Thiền. Năm 1941, Xứ ủy Nam kỳ chuẩn bị khởi nghĩa lần thứ II, một số đồng chí trong Xứ ủy mượn chùa sắc tứ Tam Bảo làm tạc đạn. Công việc bị lộ, tháng 11 năm 1941, mật thám Pháp bao vây chùa Tam Bảo, HT Trí Thiền bị bắt đày Côn Đảo, sư Thiện Ân cho nổ tạc đạn diệt một tên, do đó sư Thiện Ân bị giặc khép tội tử hình, chưa rõ thân thế, nguyên quán trú quán Rạch Giá Nhà nước Việt Nam truy nhận liệt sĩ năm 1996, Tên tuổi của Ngài đã được đặt đường Sư Thiện Ân và một cây cầu tại Rạch Giá- theo Biên niên sử PG Sài Gòn Gia Định.

- Thích Thiên Ân (1925 -1980), Hòa thượng, Tiến sĩ văn chương đại học Waseda-Nhật Bản, giáo sư trường đại học Văn khoa Sài Gòn ,thế danh Đoàn Văn An, đệ tử HT Viên Quang - chùa Châu Lâm - Huế. Năm 1952, ngài là Giảng sư của Tổng hội PGVN tại Trung phần. Năm 1954 du học Nhật Bản. Năm 1966, và Vụ trưởng vụ Giáo dục kiêm Khoa trưởng phân khoa Văn học và KH Nhân văn viện Đại học Vạn Hạnh. Năm 1966, sang Mỹ làm GS thỉnh giảng viện Đại học UCLA. Năm 1973 khai sáng chùa Phật Giáo Việt Nam tại California - Hoa Kỳ và sáng lập trường đại học Đông Phương tại Anh quốc và Hoa kỳ. Năm 1973 sáng lập và làm viện chủ chùa A Di Đà. Năm 1978, là thành viên sáng lập Tổng hội PGVN tại Hoa Kỳ, tác phẩm: Phật Pháp (viết chung 3 tác giả); Trao đổi Văn hóa Việt - Nhật; Buddhism and Zen in Vietnam, ngài xả báo thân ngày 23 tháng 11 năm Canh Thân (1980) hưởng 56 tuổi, 31 hạ lạp, nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán Anh quốc - Hoa Kỳ - theo Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam tập II.

- Thích Thiện Ân (1949 -1970), Đại đức, thánh tử đạo, pháp danh Đồng Thiện, tự Thiện Ân, đời 43 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 10 pháp phái Chúc Thánh. Ngài thế danh Lương Hữu Ba, sinh năm 1949 tại xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Xuất gia năm 1958 với Hòa thượng Thích Trí Hữu tại chùa Linh Ứng, Đà Nẵng. Ngài là học tăng Phật học viện Thiên Hòa-Vĩnh Bình, sau đó là học tăng Phật học viện Huệ Nghiêm, trụ trì chùa Tân Long- Nhà Bè, cố vấn giáo hạnh GĐPT Tân Long, ngài bị trúng đạn và hy sinh đêm ngày 5.5.1970 khi Việt Nam Quốc Tự bị chính quyền Sài Gòn tấn công chiếm đoạt, nguyên quán Quảng Ngãi, trú quán Gia Định - theo Thích Như Tịnh sưu khảo.

- Đỗ Trọng Ân (1921 -1968), Cư sĩ, dịch giả, nguyên là đệ tử xuất gia của HT Tịnh Khiết - chùa Tường Vân, pháp danh Tâm Ngộ, pháp tự Chơn Thuyên, pháp hiệu Trúc Diệp. Khi còn tu học, ông là một học Tăng thông minh xuất chúng, thông thạo cả Tây học lẫn Cổ ngữ, chuyên tâm nghiên cứu triết học phương Đông và dịch thuật kinh sách, sáng tác thơ ca. Các kinh sách ông đã dịch: Thủy Sám; Địa Tạng; Thiền Môn nhật tụng; Nghi thức tang lễ; Văn triệu thỉnh thập nhị loại Âm linh... các tác phẩm của ông in tại nhà in Liên Hoa. Ông sáng tác thơ ca với bút hiệu Trúc Diệp đăng trên tập san Viên Âm và một số tạp chí khác. Tập thơ tiêu biểu là thi phẩm Bóng Hoa Đàm xuất bản năm 1961, cũng thời gian này ông trở lại cuộc sống tại gia và làm cố vấn Phật học cho đức Từ Cung Đoan Huy Hoàng Thái Hậu, mẹ của vua Bảo Đại. Ông mất trong biến cố tết Mậu Thân do đạn lạc, nguyên quán Quảng Trị, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Tuệ Ân, Cư sĩ, tên thật là Vũ Đình Lâm, sinh năm 1971, hệ phái Phật giáo Nam Tông miền Bắc, chuyên ngữ Pali và Anh ngữ, thành viên Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam văn phòng miền Bắc, tác phẩm: dịch thuật, san định và ấn bản Tam tạng kinh PG Nam Truyền bản tiếng Việt, nguyên quán Hưng Yên, trú quán Hà Nội.

- Thích Vạn Ân (1886 -1967), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 42, xuất gia với tổ Nguyên Đạt- chùa Long Tường, được pháp danh Trừng Thành. Năm 1927, ngài làm giảng sư PHĐ gia giáo chùa Giác Hoa - Bạc Liêu và PHĐ Tây Thiên - chùa Kim Sơn - Ninh Thuận, ngài còn là Pháp sư giảng Luật tại trường Hương chùa Trùng Khánh- Phan Rang. Năm 1935, ngài làm Thiền chủ trường Hạ chùa Sắc tứ Bát Nhã. Năm 1949, ngài làm Đàn đầu truyền giới tại giới đàn chùa Bảo Sơn - Tuy An. Năm 1955, ngài trở về trụ trì tổ đình Hương Tích - Phú Yên, nên ngài được tôn kính là tổ Hương Tích, ngài có công khai sơn, trùng tu trên 20 ngôi chùa ở địa phương. Ngài chuyên hành trì Mật tông và Tịnh độ trong sinh hoạt hằng ngày, nổi tiếng chữa trị bệnh bằng sự gia trì mật chú, nguyên quán trú quán Phú Yên - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 1.

- Thích Hải Ấn, Hòa thượng, sinh năm 1946, Bác sĩ Y khoa, Phó viện trưởng Học viện PGVN tại Huế, Ủy viên Thường trực HĐTS TW GHPGVN, Phó ban Văn hóa TW GHPGVN, Phó BTS GHPGVN Thừa Thiên Huế, trụ trì chùa Từ Đàm - Huế, sinh quán trú quán Thừa Thiên Huế.

- Thích Huyền Ấn (1918 -1969), Hòa thượng, pháp danh Như Thông, pháp tự Giải Hậu, pháp hiệu Huyền Ấn, đời 41 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 8 pháp phái Chúc Thánh. Ngài thế danh Đỗ Minh Đường, sinh năm Mậu Ngọ (1918) tại làng Sung Tích, xã Tịnh Long, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Xuất gia năm 1935 tại chùa Thiên Ấn làm đệ tử ngài Tăng cang Diệu Quang. Học tăng Phật học đường Báo Quốc. Trụ trì chùa Quang Lộc từ năm 1949 đến năm 1957. Năm 1952 làm Tôn chứng giới đàn chùa Thiên Bình, Bình Định. Từ năm 1957 đến khi viên tịch 1969, ngài trụ trì chùa Hội Phước, trụ sở của GHTG Quảng Ngãi. Ngài khởi xướng thành lập GĐPT Quảng Ngãi vào năm 1955 và đảm nhiệm Trưởng Ban hướng dẫn GĐPT Quảng Ngãi từ năm 1962 đến 1964. Ngài đảm nhiệm Chánh đại diện GHPGVNTN tỉnh Quảng Ngãi. Ngài viên tịch đột ngột vào ngày 13 tháng 3 năm Kỷ Dậu (1969), thọ 52 tuổi. Ngài nguyên quán trú quán Quảng Ngãi - theo Lược sử Phật giáo và những ngôi chùa Quảng Ngãi.

- Thích Huyền Ấn (1921-1988), Hòa thượng, pháp danh Như Định, tự Giải Phát, hiệu Huyền Ấn, là đệ tử HT.Chơn Giám Trí Hải chùa Bích Liên, Bình Định. Về sau, tổ Bích Liên xuất kệ đặt cho ngài pháp danh Ngọc Tùng, tự Tịnh Mãn. HT thế danh Nguyễn Đức Nhuận (Thoại) sinh ngày 19 tháng 2 năm Tân Dậu (1921) tại thôn Háo Đức, xã Nhơn An, huyện An Nhơn, Bình Định. Ngài xuất gia năm 1932 với tổ Chơn Giám Trí Hải tại chùa Bích Liên, thọ Tỳ kheo ngày 10 tháng 4 năm Nhâm Ngọ (1942) tại chùa Kim Long, Khánh Hòa do HT Ngộ Tánh Phước Huệ làm Đàn đầu. Năm 1946, Ngài đảm nhiệm trụ trì Tổ đình Linh Sơn tại huyện Phù Cát. Sau khi Bổn sư viên tịch, Ngài về kế nghiệp trụ trì chùa Bích Liên. HT là người giỏi Hán văn và y thuật. Với Y phương minh diệu dụng, HT đã cứu chữa rất nhiều người bị tai nạn hay bệnh nặng khó chữa. HT có công lớn trong việc đặt đá, trùng tu các tự viện như: Đại Giác, Đại Quang, Bảo Liên, Linh Xuân, Hương Quang v.v... Đặc biệt, Ngài đã tâm huyết đi hết các tự viện trong Thiền phái Chúc Thánh để sưu lục tiểu sử chư vị Tổ sư, danh Tăng cũng như thiết lập lại biểu đồ truyền thừa của dòng Chúc Thánh tại Bình Định. Những thập niên 80 của TK 20, HT cùng với HT Đổng Quán lần đầu tiên tìm về chốn tổ Chúc Thánh, cùng với chư tôn đức tại Quảng Nam đặt vấn đề thành lập hình thành Môn phái Chúc Thánh sau này. HT viên tịch ngày 26 tháng 10 năm Mậu Thìn (1988) tại Tổ đình Minh Tịnh, bảo tháp lập tại Tổ đình Sơn Long, Quy Nhơn. Ngài sanh và trú quán Bình Định. theo Thích Như Tịnh biên khảo.

- Thích Tâm Ấn (1907 -1963), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 41, thế danh Phan Như Hòa, xuất gia với tổ Chơn Hương Chí Bảo - chùa Hưng Khánh - Bình Định, được pháp danh Như Hòa, pháp hiệu Tâm Ấn. Năm 1932, ngài trụ trì tổ đình Phổ Bảo. Năm 1935, ngài khởi công trùng tu tổ đình. Năm 1948, ngài trao quyền trụ trì cho đệ tử là ngài Bảo An và về kế thế trụ trì tổ đình Phổ Bảo cho đến cuối đời. Ngài viên tịch ngày mồng 5 tháng Giêng năm Quý Mão (1963) hưởng 56 năm, nguyên quán trú quán Tuy Phước - Bình Định - theo HT Thích Đổng Quán biên khảo.

- Thích Tâm Ấn ( ?-1980), vị danh y khoa châm cứu học, thế danh Cao Xuân Lê, quê ởMũi Né. Sau 1955 vào Sài gòn, xuất bản bộsách “Châm Cứu Thực Hnh” tại Sài Gòn, rất giátrị. Dịch kinh Bát Đại Nhân Giác thể loại thơ. Năm 1974, ngài khai sơn chùa Tâm Ấn tọa lạc tại đường Đinh Tiên Hoàng, phường II Tp Đà Lạt. Kiến tạo tịnh thất Dược Sư- Vũng Tàu. Ngài viên tịch ngày mồng 2 tháng 2 năm Canh Thân (18-03-1980) - theo Thích Vân Phong biên khảo.

- Thích Thuyền Ấn (1927 -2910), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chánh Tông đời 41, thế danh Hoàng Không Uẩn, xuất gia với HT Hồng Tuyên - chùa Phổ Minh, Quảng Bình, được pháp danh Nhật Liên, pháp tự Thiện Giải, pháp hiệu Thuyền Ấn, ngài là học tăng PHĐ Báo Quốc. Năm 1960, là Hội trưởng hội PG Thừa Thiên Huế, giảng dạy PHĐ Nha Trang và PHV Hải Đức, giảng sư tỉnh hội Ban Mê Thuột. Năm 1967, du học Hoa kỳ, năm 1970 dạy Phân khoa Phật học đại học Vạn Hạnh, năm 1977 Tổng vụ trưởng Tổng vụ Hoằng pháp, trú xứ chùa Ấn Quang. Năm 1990, ngài định cư Hoa kỳ, tiếp tục học lấy bằng Tiến sĩ và làm Thành viên HĐCM của PG hải ngoại, Thành viên HĐ Trưởng lão Viện Tăng thống GHPGVNTN, ngài xả báo thân ngày 31 tháng 10 năm 2010, thọ 83 năm, 63 năm hành đạo, nguyên quán Quảng Bình, trú quán Hoa kỳ - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Thích Tâm Ấn (1907 -1963), Hòa thượng, pháp danh Như Hòa, thiền phái Chúc Thánh đời 41, trụ trì tổ đình Phổ Bảo và tổ đình Hưng Khánh, nguyên quán trú quán Bình Định.

- Thích Pháp Ấn (? -1947), Hòa thượng, là đệ tử của Tổ Minh Phương-Chơn Hương- chùa Linh Nguyên-Đức Hòa. Ngài được cung thỉnh về trụ trì chùa Phước Tường-Thủ Đức và có công trùng tu chùa vào năm 1930, chùa trở thành di tích lịch sử cấp Quốc gia, nguyên quán Long An, trú quán Thủ Đức-Gia Định - theo "những ngôi chùa nổi tiếng ở TP HCM".

- Ngô Văn Ẩm (1949 -1998), Thượng tọa, hệ phái PG Nam Tông Khmer, xuất gia năm 1968 tại chùa Sirìvansa Suriyà Rạch Sỏi, được thọ Sa di với HT Nam Huân làm Thầy tế độ. Năm 1969, ngài thọ cụ túc giới tại chùa Sirì Sua SĐây do HT Nam Huân làm Thầy tế độ. Trong cuộc biểu tình ngày 10 tháng 6 năm 1974 do chính ngài chủ súy để đòi chính quyền giao trả thi hài các nhà sư đã hy sinh trong cuộc biểu tình trước đó (bốn nhà sư Liệt sĩ), nhờ kiên trì tranh đấu, chúng đã giao trả xác các nhà sư để làm lễ hỏa táng theo đúng tập tục của người Khmer. Ngài đã giúp cho PG tỉnh nhà vượt nhiều cam go thử thách cho đến ngày hoàn toàn giải phóng năm 1975. Sau khi thống nhất đất nước, ngài được tiến cử Hội phó Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước huyện Châu Thành tỉnh Kiên Giang. Năm 1976, ngài được bổ trụ trì chùa Sirìvansa Suriyà Rạch Sỏi. Năm 1979 ngài giữ chức Hội trưởng Hội ĐKSSYN huyện Châu Thành - Hội phó hội ĐKSSYN tỉnh Kiên Giang. Năm 1981, GHPGVN ra đời, ngài được bầu làm Ủy viên BTS tỉnh hội PG Kiên Giang. Năm 1987, ngài là Hội trưởng Hội ĐKSSYN thị xã Rạch Giá, Chánh đại diện PG thị xã Rạch Giá, Phó BTS tỉnh hội PG Kiên Giang. Năm 1992, ngài kiêm Trưởng ban Giáo dục Tăng, phụ trách PG Nam Tông Bộ, tỉnh Kiên Giang. Năm 1996, trên đường đi công tác, ngài bị tai nạn ở chân trái, phải điều trị một năm ở bệnh viện Rạch Giá và một năm ở chùa Chăntaransay- Quận 3 - TP Hồ Chí Minh. Năm 1998, khi đang còn điều trị ở Thành phố, lại một tai nạn khác đưa đến, ngài viên tịch ngày 22 tháng 7 năm 1998, hưởng 49 năm, 37 tuổi đạo, nguyên quán trú quán Gò Quao - Rạch Giá - Kiên Giang - theo Danh Sol cung cấp.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 7
    • Số lượt truy cập : 6165622