NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN B
B
- Nguyễn Hữu Ba (1914 -1997), nhạc sĩ, Phật tử, ông là nhạc sĩ nhạc dân tộc, nhất là nhã nhạc cung đình và những giai điệu cổ truyền PG. Năm 1937, ông đoạt giải nhất về đàn Nhị trong một cuộc thi âm nhạc Huế. Năm 1950, ông định cư ở Huế lập Viện Tỳ Bà nhằm phục hưng Quốc nhạc Việt Nam. Năm 1954, hội Phật học Nam Việt đã mời ông giảng thuyết về đề tài Văn - Mỹ nghệ trong Phật giáo tại chùa Phước Hòa - Bàn Cờ. Năm 1956, thành lập trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn, ông được mời phụ trách Giám học. Năm 1970, ông về làm giám đốc trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Huế và giảng dạy đại học Văn khoa Huế. Về nhạc PG ông có những tác phẩm nổi tiếng: Sám Hối (sáng tác thập niên 40), nguyên quán Quảng Trị, trú quán TP Hồ Chí Minh - theo trang nhà www.quangtrihouston.org
- Thích Quảng Ba, Hòa thượng, học tăng PHV Hải Đức năm 1970. Năm 1980, là Phó thư ký Viện Hóa Đạo GHPGVNTN, sau năm 1981, ngài định cư ở Úc châu, là Phó hội chủ GHPGVNTN tại Úc châu và Tân Tây Lan, đồng thời là Phó chủ tịch Tổng liên hội PG Thế giới, trụ trì tu viện Vạn Hạnh - Canberra, tiểu bang New South Wales, Úc châu. Tác phẩm: Ca tụng chư Tăng đạo Phật By Sao Noan Oo (dịch), nguyên quán Bình Định, trú quán Úc châu.
- Phước Chí Tâm Ba (1866 -1905), ngài thế danh Từ Văn Hùng, xuất gia năm 18 tuổi với tổ Trừng Trữ Quảng Huệ - chùa Phước Lâm - Cai Lậy - Mỹ Tho, được pháp danh Tâm Ba (thường gọi là Tâm Bờ), pháp tự Phước Chí. Ngài tu học ở đây được 3 năm thì bổn sư viên tịch. Năm 1899, được tín chủ tên Lê Quả hiến đất lập nên ngôi chùa hiệu là Khánh Quới, để ngài tu tập hành đạo. Năm 1903, ngài khai sơn chùa Long Sơn - Hậu Mỹ - Cai Lậy. Năm 1904, ngài khai Chúc thọ Giới đàn, thỉnh tổ Hải Lương Chánh Tâm (là sư ông của ngài) làm Đường đầu Hòa thượng. Tại giới đàn nầy, ngài được tấn phong ngôi vị Yết Ma, nên mọi người gọi ngài là Yết ma Khánh Quới. Cùng năm này, một trận bão lụt kinh hoàng xảy ra (năm Thìn bão lụt), thấy nhân dân lầm than, người chết nhiều vô số, ngài quá bi mẫn, bèn tìm nơi ẩn tu để cầu siêu cho chúng sanh. Ngài đi về vùng Thất sơn - Châu Đốc, trú trong một hang đá quyết chí tu hành. Năm 1905, ngài viên tịch tại núi Lò Gò - Thất Sơn nhằm ngày 14 tháng Giêng năm Ất Mão, hưởng 40 năm. HT Hoằng Ân Minh Khiêm - trụ trì Tây An Cổ Tự đã làm câu liễn kính viếng ngài: Mạc Vị Ta Bà Vô Đại Giác, Thời Vân Khô Hải Bất Đạo Sư. Ngài nguyên quán Cai Lậy- Mỹ Tho, trú quán Thất sơn - Châu Đốc - theo tư liệu Thích Phước Nhân cung cấp.
- Nguyễn Phúc Bửu Bác (1898 -1984), Cư sĩ, nhạc sĩ, pháp danh Trừng Bạc, pháp tự Dã Kiều. Năm 1934, Cư sĩ Bửu Bác là hội viên hội An Nam Phật học, ông thành lập Ban Đồng ấu Phật tử đầu tiền gồm 52 em, sinh hoạt tại chùa Phước Điền- Huế. Cư sĩ Bửu Bác đã soạn bài "Cúng dường chư Phật - Trầm Hương Đốt" theo điệu Hải Triều Âm tập cho Ban Đồng ấu hát trong các buổi lễ trước khi sinh hoạt. Đây là bài nhạc lễ PG đầu tiên được ký âm theo Tây nhạc. Năm 1944, Gia đình Phật Hóa Phổ chọn bài Trầm Hương Đốt làm bài ca chính thức. Đến đại hội tháng 4-1951 đổi danh xưng thành Gia đình Phật tử, bài Trần Hương Đốt trở thành bài nhạc lễ trong nghi thức tụng niệm GĐPT Việt Nam. Ông cũng là người đầu tiên soạn nghi thức bằng tiếng Việt cho Ban Đồng ấu, trong đó có bài Phát Nguyện Quy Y, đây là bước đột phá cho việc dịch kinh nghĩa sau này. Ngoài ra, ông còn soạn nhiều bài nhạc sinh hoạt khác cho Ban Đồng ấu, ông là người anh cả trong nhạc lễ PG, nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán TP Hồ Chí Minh - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa
- Thích Thiện Bản (1884 -1962), Hòa thượng, tục gọi tổ Cao Đà, thế danh Hoàng Ngọc Thụ, xuất gia năm 1900 tại chùa Diên Phúc - Hà Đông, thọ giới pháp với tổ Quảng Gia - chùa Bồ Đề - Gia Lâm. Năm 1920, đắc pháp với tổ Phổ Tụ - chùa Bảo Khám Tế Xuyên, được pháp danh Thông Đoan, pháp hiệu Thiện Bản. Năm 1928, ngài trụ trì chốn tổ Bảo Khám Tế Xuyên. Năm 1930, ngài trụ trì chùa Bà Hướng ở thôn Cao Đà, xã Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân - Hà Nam và ra công trùng tu thành đạo tràng hưng thịnh một thời. Năm 1952, ngài cùng HT Tuệ Tạng đồng sáng lập hội Bắc kỳ Phật giáo. Năm 1958, ngài làm trưởng phái đoàn đi yết kiến Hồ chủ tịch và làm Chứng minh đạo sư hội PG Thống nhất Việt Nam. Năm 1959, ngài làm Trưởng sơn môn chốn tổ Tế Xuyên. Ngài viên tịch vào mồng 10 tháng 5 năm Nhâm Dần (1962), thọ 79 tuổi, 68 mùa Kiết hạ, nguyên quán Ý Yên - Nam Định, trú quán Hà Nam - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 2.
- Nguyễn Phúc Ưng Bàng (1881 -1951), Cư sĩ, pháp danh Thanh Cát, tự là Mông Phong, Hiệp Tá Đại học sĩ Tổng đốc trí sĩ, cựu Tôn nhơn lệnh, cháu Hoàng tử Thọ Xuân Vương Miên Định. Năm 1929 là Tuần phủ tỉnh Bình Thuận, năm 1930 giữ chức Tổng đốc tỉnh Bình Định. Năm 1932, ông tham gia hội An Nam Phật học, cùng các cư sĩ khác góp tiền xây dựng chùa sư nữ Diệu Đức. Năm 1936, ông về hưu làm Hội trưởng hội Đồng Tôn Tương Tế. Năm 1941, ông được bầu làm Trị sự trưởng Tổng trị sự hội An Nam Phật học, nguyên quán trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.
- Thích Nữ Khiết Bạch (1839 - ?) Ni trưởng, là thị nữ trong cung từ lúc 8 tuổi. Năm 25 tuổi, bà cầu thọ ký với HT Huệ Cảnh-chùa Tường Vân, được pháp danh Hải Bình, pháp tự Khiết Bạch, nhưng mãi đến năm1885, khi vua Dực Anh Tông băng hà, bà trở về bổn tự, cầu sư huynh là HT Linh Cơ xuống tóc. Hơn 10 năm Ni trưởng không hạ sơn, chuyên trì kinh Pháp Hoa. Năm 1895, Ni trưởng thọ Tỳ kheo ni giới với HT Diệu Giác tại giới đàn Báo Quốc. Ni trưởng đức hạnh cao vời với công phu chuyên trì kinh Pháp Hoa, làm mô phạm cho Ni chúng Việt Nam, nguyên quán Tống Sơn, trú quán Thuận Hóa - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.
- Thích Từ Bạch, Hòa thượng (1926 -1993), Hòa thượng, thiền phái Lâm Tế, dòng Trí Bảng - Đột Không, đời 41, là một Nho sĩ giỏi thi phú, giỏi thiết kế, du học và hành dạo ở đất nước chùa tháp, trở về Việt Nam trụ trì chùa An Phú-quận 8, ngài rất giỏi về Mật pháp, có công trong sự nghiệp vận động thống nhất PGVN, Chúng minh Ban đại diện PG quận 8, nguyên quán Sa Đéc, trú quán TP Hồ Chí Minh.
- Ấn Bính Phổ Bảo (1865-1914), Hòa thượng, tổ sư, pháp danh Ấn Bính, pháp tự Tổ Thuận, pháp hiệu Phổ Bảo, đời 39 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 6 pháp phái Chúc Thánh. Ngài thế danh Đinh Văn Sửu, sinh ngày mồng 8 tháng 11 năm Ất Sửu (1865) tại xã Long Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ngài xuất gia với tổ Chương Quảng Mật Hạnh tại chùa Linh Ứng, Ngũ Hành Sơn, sau về cầu pháp với tổ Vĩnh Gia nên có đạo hiệu Phổ Bảo. Năm Quý Mẹo (1903), Ngài kế thừa thiền sư Chương Khoáng Chứng Đạo trụ trì tổ đình Chúc Thánh. Năm Ất Hợi (1911), Ngài khởi công trùng tu chùa Chúc Thánh, xây dựng Đông đường, Tây đường khiến cho chốn tổ ngày càng khang trang. Ngài thị tịch ngày 11 tháng 2 năm Giáp Dần (1914), trụ thế 50 tuổi. Bảo tháp lập trong khuôn viên tổ đình Chúc Thánh, Hội An. Đệ tử kế thừa có các vị tiêu biểu: Chơn Chứng Thiện Quả; Chơn Trừng Hưng Duyên; Chơn Nhật Quang Minh v.v... Ngài nguyên và trú quán Quảng Nam - theo Thích Như Tịnh sưu khảo.
- Thích Tôn Bảo (1895-1974), Hòa thượng, Trưởng Lão, pháp danh Chơn Tá, pháp tự Đạo Hóa, pháp hiệu Tôn Bảo, đời 40 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 7 pháp phái Chúc Thánh. Sinh năm Ất Mùi (1895), làm đệ tử của ngài Tăng cang Từ Trí. Thọ Tỳ kheo năm 1916 tại tổ đình Tam Thai và cầu pháp với ngài Phước Trí với đạo hiệu Tôn Bảo. Năm 1924 đảm nhận trụ trì chùa Vu Lan. Ngài từng đảm nhận: Phó tri sự chư sơn tỉnh Quảng Nam kiêm Kiểm Tăng huyện Hòa Vang (1930), Hội trưởng Hội Phật học Đà Nẵng (1945), Trị sự Sơn môn GHTG Quảng nam Đà nẵng và chứng minh đạo sư Giáo hội Đà Nẵng (1956-1957), thành viên Hội đồng Trưởng lão Viện Tăng Thống GHPGVNTN (1967). Ngài làm Đàn đầu Hòa thượng nhiều đàn giới đàn tại Phật học viện Long Tuyền, Quảng Nam. Ngài viên tịch ngày 27 tháng 10 năm Giáp Dần (1974), thọ 80 tuổi. Ngài nguyên quán Quảng Nam, trú quán Đà Nẵng - theo Thích Như Tịnh sưu khảo.
- Thích Thiện Bảo, Hòa thượng, sinh năm 1953, giảng sư, nhà báo, thế danh Bùi Quang Khánh, xuất gia ở chùa Hội Thọ - Rạch Giá, pháp danh Thiện Bảo. Sau cầu pháp với HT Thanh Từ- thiền viện Thường Chiếu, có pháp hiệu Thông Chơn. Hòa thượng là Ủy viên HĐTS kiêm Phó trưởng ban Hoằng pháp TW, Ủy viên BTS Thành hội PG TP Hồ Chí Minh kiêm Trưởng ban Thông tin Truyền thông, nguyên Trưởng ban Văn hóa THPG TP, nguyên thư ký tòa soạn báo Giác Ngộ, trụ trì chùa Nguyên Hương - quận 3 và chùa Bửu Thọ - Kiên Giang, nguyên quán Rạch Giá Kiên Giang, trú quán TP Hồ Chí Minh.
- Nguyễn Văn Bân ( ? -?), Cư sĩ, Tiến sĩ, nguyên Tổng đốc trí sĩ. Tháng 11 năm 1934, hội Phật giáo Bắc Kỳ thành lập, ông được bầu là Trưởng ban Đại diện Phật giáo tỉnh Sơn Tây; Hội cũng mời ông phụ trách biên tập và xuất bản tập Kỷ yếu của Hội, chuẩn bị cho việc ra bán nguyệt san Đuốc Tuệ. Tập Kỷ yếu ra được 4 số: số 1, số 2+3 và số 4 ghi chép những hoạt động của Hội kể từ khi ra mắt tăng ni Phật tử cho tới tháng 8 năm 1935. Nguyên quán Hà Tây cũ, trú quán: Hà Nội.
- Lã Đăng Bật, NNC Văn học, lịch sử, giảng dạy văn trường PTTH tỉnh, hội viên hội Văn học nghệ thuật Ninh Bình, tác phẩm: chùa Địch Lộng; chùa Bái Đính Ninh Bình; Di tích và danh thắng Ninh Bình; chùa Ninh Bình, nxb Văn hóa Thông tin 2007; chùa Dầu - di tích lịch sử văn hóa (Thích Minh Đức, Lã Đăng Bật), nxb Văn hóa dân tộc 2008, nguyên quán trú quán Ninh Bình - theo NNC Nguyễn Đại Đồng sưu khảo.
Tin tức khác
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 26 – THÁNG 10 NĂM 2018 (PL. 2562)
Bình luận bài viết