Thông tin

NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN C

C

 

- Hoàng Trọng Cang (1927 -2013), Cư sĩ, huynh trưởng GĐPT cấp Dũng, sinh năm 1927. Năm 1939, ông tham gia Ban Đồng ấu Phật tử, sau đó gia nhập GĐPT Tịnh Trang tại Huế. Năm 1960, ông là Cố vấn BHD GĐPT tỉnh Bình Định. Năm 1964, là Phó trưởng BHD GĐPT tỉnh Tuyên Đức - Đà lạt. Năm 1973, Ủy viên Oanh vũ Nam BHD Trung ương GĐPT Việt Nam. Năm 1986, là Thành viên Hội đồng Huynh trưởng Cao niên tại Việt Nam. Năm 1993, ông định cư cùng gia đình tại Dallas - Texas - Hoa Kỳ và làm Thành viên Hội đồng Chỉ đạo và Giám sát GĐPTVN tại Hoa Kỳ. Về xã hội, ông là một công chức chính quyền Sài Gòn, đã từng kinh qua các chức vụ: tốt nghiệp đại học Quốc Gia Hành Chánh và đại học Luật Khoa Sài Gòn; Quận trưởng một quận tại Bình Định; Trưởng ty Kinh tế tỉnh Tuyên Đức; Phó tỉnh trưởng Hành chánh tỉnh Tuyên Đức- Đà Lạt. Ông còn là tác giả những bài ca sinh hoạt GĐPT phổ thông như: Dòng Anoma; Xuất gia; Mưa Đông rơi; Chim Bốn phương; Đoàn Sen non... Ông mất ngày 19-05-2013 tại TP Richardson- Texas, nguyên quán Sông Cầu - Phú yên, trú quán Hoa Kỳ - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa tập 3.

- Thích Minh Cảnh (1906 -1986), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 43, pháp danh Nguyên Bình, pháp hiệu Minh Cảnh, thế danh Trần Bình An, ngài xuất gia năm 1938 với HT Quảng Nhuận - chùa Linh Quang - Đà Lạt. Năm 1951, là Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già Tuyên Đức. Năm 1972, ngài trùng tu tổ đình Linh Quang do chiến tranh đổ nát. Năm 1982, ngài được cung thỉnh làm Phó BTS GHGVN tỉnh Lâm Đồng kiêm Trưởng ban Tăng sự tỉnh, ngài xả báo thân vào ngày 19 tháng 2 năm Bính Dần (1986), thọ 80 năm, 37 hạ lạp, bảo tháp lập trong khuôn viên chùa Linh Quang, nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán Đà Lạt - Lâm Đồng - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Thích Minh Cảnh, Hòa thượng, dịch giả, viện chủ tu viện Huệ Quang, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, giám đốc Trung tâm phiên dịch Hán Nôm Huệ Quang. Những dịch phẩm của ngài được ấn bản: Đáp những câu hỏi về Thiền Tịnh; Thiền Tông "hổ lốn" trong bụng Tô Đông Pha; Cú lộn nhào của Tế Điên (bút hiệu Đồ Khùng); Tính trọng yếu của Phật pháp trong xã hội hiện nay; Chiếc quạt rách (truyện); Trường Hạ ngày xưa ở Nam Bộ; Chánh giác và giải thoát; Phật Giáo Nguyên Thuỷ (dịch - tác giả Thánh Nghiêm); Kinh Đại thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác (Hội tập Bồ tát giới Hạ Liên Cư); Lời đối đáp giữa Hàn Sơn và Thập Đắc; Chánh pháp và Giải thoát..., nguyên quán Cao Lãnh, Đồng Tháp, trú quán quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh.

- Tánh Hoạt Huệ Cảnh (1798 -1869), Hòa thượng, đệ tử ngài Phổ Tịnh, được pháp danh là Tánh Hoạt, sau cầu pháp với ngài Tế Chánh - Bổn Giác được pháp danh Liễu Tánh, pháp tự Huệ Cảnh, ngài là bạn tâm đắc với Tùng Thiện Quận Vương, tọa chủ chùa Trường Phước, trụ trì quốc tự Thánh Duyên, khi hồi hưu ngài lập thảo am Tường Vân tu niệm, sau thảo am được xây dựng nên chùa Tường Vân ngày nay, nguyên quán trú quán Phú Xuân – theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ tiền bối hữu công PG Thuận Hóa.

- Phạm Văn Cảnh (1951 -2011), Cư sĩ, pháp danh Minh Chiếu, NNC Phật học, nhà giáo, tác gia, nhà thơ, bút danh Phạm Trường Linh, thành viên Trung tâm Nghiên cứu PGVN, giám đốc Trung tâm ngoại ngữ trường đại học HUFLIT, tác phẩm: Một Phật quả có thể đạt được trong đời sống hiệt tại; Sáng mãi niềm tin Quảng Đức, nguyên quán Hải Dương, trú quán TP Hồ Chí Minh.

- Thừa Thiên Cao, Hoàng hậu (tại vị 1806-1814), Phật tử thuần thành, tên húy Tống Phúc Lan, Hoàng hậu đầu tiên nhà Nguyễn, Hoàng hậu của Gia Long hoàng đế của triều đại nhà Nguyễn. Nổi tiếng chung thủy với đạo phu thê, hiếu thảo với mẹ chồng. Bà công đức trùng tu Sắc tứ Kim Chương Tự, một trong ngũ đại tùng lâm của Phật giáo Sài Gòn - Gia Định - theo Thích Vân Phong sưu khảo.

- Như Hán Nguyên Cát (? -1914), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chánh Tông đời 39, pháp danh Như Hán, sau y chỉ đắc pháp với ngài Hải Thiệu Cương Kỷ - chùa Từ Hiếu, có pháp danh Thanh Hy, pháp tự Nguyên Cát, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 41, trụ trì chùa Quốc Ân, chùa Linh Quang, chưa rõ nguyên quán, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ tiền bối hữu công PG Thuận Hóa.

- Bùi Thiện Căn (1885 -1944) Cư sĩ, Tổng đốc Phú Thọ trí sĩ, nhà doanh điền nổi tiếng cuối triều Nguyễn,ông là Phó hội trưởng thứ nhất hội Phật giáo Bắc Kỳ từ 1942-1944. nguyên quán chưa rõ, trú quán Hà Nội.

- Sư Thiện Căn (1910 -1993), Hòa thượng, hệ phái PG Nam Tông Việt Nam, thế danh Trần Văn Tức, Năm 1940, ngài tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, góp phần giải phóng dân tộc. Năm 1961, ngài xuất gia làm Sa di tại chùa Pháp Quang - Bình Thạnh - Gia Định với HT Hộ Tông làm thầy tế độ. Năm 1962, ngài đến hành đạo tại chùa Fi-nôm, Đà Lạt. Năm 1963, ngài hành đạo ở chùa Tam Bố - Di Linh - Lâm Đồng. Ngài đã có thời gian dài hành hương về Tứ Động Tâm của thánh địa Phật Đà và các nước theo truyền thống PG nguyên thủy, cũng như thọ Tỳ kheo giới tại Wat Saddhamma Wabhassa với thầy tế độ là Hòa thượng Wijayanaga Maha Thera. Năm 1965, ngài cùng HT Pháp Lạc thành lập Bình Long ở Phan Thiết. Năm 1966, ngài hành đạo ở chùa Giác Quang - Quận 8 - Sài Gòn. Năm 1967 ngài đảm nhiệm chức Tổng thư ký Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam. Năm 1969, ngài thành lập chùa Thanh Long ở Bình Dương và trụ lại đây đến cuối đời. Năm 1981 ngài được cử làm Ủy viên BTS PG tỉnh Sông Bé kiêm Chánh đại diện PG thị xã Thủ Dầu Một. Ngài xả báo thân ngày 28 tháng 2 năm Kỷ Mão (27-03-1998) thọ 88 năm, 44 hạ lạp, nguyên quán trú quán Thủ Dầu Một- Bình Dương - theo TK Thiện Minh sưu khảo.

- Tống Hồ Cầm, Cư sĩ, nhà thơ, bút hiệu Tống Anh Nghị. Ông sinh năm 1918, là đệ tử của HT Giác Nguyên - tổ đình Tây Thiên, pháp danh Tâm Bửu. Năm 1946-1953, là Chánh thư ký Hội Việt Nam Phật học Thừa Thiên Huế tại chùa Từ Đàm. Năm 1951-1963, là Phó thổng thư ký Ban Quản trị TW Tổng hội PGVN. Từ năm 1953, ông luân phiên giữ các chức vụ trong hội Phật học Nam Việt: Tổng thư ký, Kiểm soát kiêm Trưởng ban tương trợ trong Ban Quản trị hội Phật học Nam Việt. Ông vào Nam sinh sống từ năm 1953, đến năm 1957, ông là Huynh trưởng cấp Dũng, giữ chức Phó trưởng BHD GĐPT Việt Nam. Ông là Trưởng ban Hướng dẫn GĐPT Nam Việt, dày công thành lập nhiều GĐPT tại các tỉnh miền Nam. Năm 1973, ông là Trưởng ban Chấp hành TW đoàn cựu Huynh trưởng GĐPT Việt Nam. Năm 1976, khi tờ báo Giác Ngộ xuất bản, ông là Ủy viên Biên tập rồi Phó Tổng biên tập kiêm Trị sự thường trực của tòa soạn. Năm 1980, ông là Ủy viên Kiểm soát TW GHPGVN kiêm Phó trưởng ban Hướng dẫn Nam nữ PT TW, Phó viện trưởng trường Cao cấp Phật học Việt Nam. Từ năm 1982, với danh nghĩa là Nhân sĩ yêu nước, ông được bầu làm Ủy viên UBMTTQ TP Hồ Chí Minh (1994-2003) và Ủy viên TW UBMTTQVN (1998-2003). Ông được trao tặng nhiều huy cương, bằng khen, giấy khen của các cấp nhà nước, chính quyền và GHPGVN. nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán TP Hồ Chí Minh - theo Thích Đồng Bổn biên khảo.

- Thích Phước Cần (1914 -1991), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chánh Tông đời 39, thế danh Lê Văn Dần, xuất gia năm 1935 với HT Chánh Thành - chùa Vạn An, pháp danh Phuớc Cần. Năm 1942, ngài thọ đại giới tại giới đàn chùa Vạn An do bổn sư làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1946, ngài theo học ở PHĐ Phật Quang - Trà Ôn. Năm 1946, ngài lên Sài Gòn học ở PHĐ Liên Hải - Chợ Lớn. Năm 1947, ngài giảng dạy tại PHĐ Giác Nguyên - Vĩnh Hội. Năm 1952, ngài trụ trì chùa Phước Hòa- Bàn Cờ- trụ sở của Hội Phật học Nam Việt. Năm 1953-1963, Giáo hội Tăng già Nam Việt được thành lập, ngài làm Thủ quỹ và Trưởng ban Giám Luật của Giáo hội. Cùng năm này, ngài về trụ trì chùa Phật Quang- Chợ Lớn. Năm 1957, ngài tham gia giảng dạy các khóa Như Lai Sứ Giả do PHĐ Nam Việt tổ chức tại chùa Pháp Hội - Chợ Lớn. Ngài được cung thỉnh làm giới sư hầu hết các giới đàn ở Sài Gòn Gia Định. Ngài xả báo thân ngày mồng 6 tháng 4 năm Tân Mùi (19- 05-1991) thọ 78 năm, 49 hạ lạp, nguyên quán Trà Vinh, trú quán TP Hồ Chí Minh - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 3.

- Thích Phước Cẩn, Hòa thượng, Giáo sư, sinh năm 1951, thế danh Nguyễn Văn Đẹp, xuất gia với HT Hoàn Phú - chùa Phước Hậu- Trà Ôn, pháp danh Phước Cẩn, pháp tự Thanh Lương. Ngài chuyên giảng dạy và phiên dịch kinh điển Hán tạng, nguyên là Phó ban Phiên dịch Hán tạng - Hội đồng phiên dịch Đại tạng kinh Việt Nam; Phó Giám đốc Nội vụ Trung tâm dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang. Giảng dạy qua các trường: Cao đẳng Phật học Cần Thơ, Trung Cao đẳng Phật học Vĩnh Long, Thiền viện Thường Chiếu... tác phẩm: Tỳ ni Nhựt dụng Thiết yếu (dịch); Kinh Bách Dụ (dịch); Cách đọc phiên thiết các Từ điển cổ Trung quốc (biên soạn). Đặc biệt, ngài là tác giả khu vườn khắc kinh trên đá ở chùa Phước Hậu, với những bản kinh Pháp Cú, Di Đà và các kinh Bắc truyền trích diễm. Hòa thượng trụ trì chùa Phước Hậu - Trà Ôn, là Phó ban Tăng sự BTS GHPGVN tỉnh Vĩnh Long, nguyên quán trú quán Tam Bình - Vĩnh Long.

- Nguyên Cẩn, Cư sĩ, sinh năm 1956, giáo sư Anh ngữ, nhà báo, nhà thơ, thế danh Phạm Văn Nga, pháp danh Nguyên Cẩn, Giảng viên các trường: đại học Khoa học xã hội&Nhân văn TP Hồ Chí Minh; đại học Văn Lang; đại học Tài chính - Kế toán TP Hồ Chí Minh; Cao đẳng Sư Phạm Nha Trang. Ông là thành viên Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam - thuộc VNCPH Việt Nam, thành viên tạp chí Từ Quang, tác phẩm: Gửi lại đôi dòng (2001); Bụi phấn một đời (2003); Bóng nguyệt dòng sông (2004); Nhìn sâu trong mắt (2005); Gánh tình qua sông (2006); Ngồi đợi gió sang canh (2008); Sầu rụng thành hoa (2010); Cà phê không đường I - II (2011-2012); Bóng chữ trước đèn (2013); Sân không dấy bụi (2014); Cung trời hội cũ (2015), nguyên quán Hải Dương, trú quán TP Hồ Chí Minh.

- Yết ma Từ Cần (1888 -1940), thầy Yết ma, thế danh Nguyễn Văn Thân, xuất gia ấu niên với tổ Phước Chí Tâm Ba - chùa Khánh Quới- Cai Lậy - Mỹ Tho, được pháp danh Nguyên Cần, pháp hiệu Thiện Huệ. Năm 1904, Thầy thọ đại giới tại Chúc thọ giới đàn chùa Khánh Quới do HT Thanh Ẩn - chùa Từ Ân - Chợ Lớn làm Đàn đầu truyền giới. Sau ngày thọ giới, một trận bão lụt kinh hoàng khiến mọi người trôi giạt khắp nơi, Thầy đến cầu pháp với HT Từ Văn - tổ đình Hội Khánh - Bình Dương, được ban pháp danh Chơn Cần, pháp hiệu Từ Cần và ở lại đây tu học. Năm 1926, ngài về quê nhận trụ trì chùa Khánh Sơn. Năm 1929, chùa Long Phước mở giới đàn, thầy được mời làm Yết ma A xà lê, từ đó mọi người gọi thầy là Yết ma Từ Cần, hay Yết ma Thân. Từ đây thầy tham gia cách mạng, bí mật che chở cán bộ hội họp trong chùa Khánh Sơn. Năm 1937, thầy được kết nạp vào đảng Cộng sản. Từ đây, thầy bị địch theo dõi gắt gao, trước tình hình khó khăn, thầy bình tỉnh nhập thất, tọa thiền. Thầy bị cai quận Nguyễn Văn Tâm kêu lên tra vấn để tìm thủ lĩnh phong trào cách mạng, thầy trả lời ậm ờ để được trở về chùa. Ngày 11 tháng 10 năm 1940, thầy an nhiên nhập định trên giàn hỏa đã chuẩn bị sẵn, bảo thị giả đánh 3 hồi chuông trống Bát Nhã, thầy bình thản châm lửa tự thiêu, thọ 72 năm, 36 tuổi đạo. Thầy xứng đáng là nhà sư yêu nước để bảo vệ cuộc khởi nghĩa Nam kỳ bùng nổ đúng hạn định. Thầy nguyên quán trú quán Cai Lậy - Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) - theo Thích Vân Phong biên khảo.

- Hải Toàn Linh Cơ (1823 -1896), Hòa thượng, ngài họ Nguyễn, xuất gia năm 1842 với HT Tăng cang Tánh Thiên Nhất Định - chùa Giác Hoàng - Phú Xuân, được HT đặt pháp danh Hải Toàn, pháp hiệu Linh Cơ. Năm 1843, bổn sư hồi hưu về đồi Dương Xuân lập thảo am tu hành, ký gởi ngài cho chư tôn đức Bình Định dạy dỗ. Ngài mang theo tâm thư của thầy vào Bình Định và được thọ đại giới ở giới đàn chùa Long Châu. Năm 1844, ngài trở về Huế làm Giám viện chùa Giác Hoàng. Năm 1852, ngài kế thế trụ trì chùa Từ Quang và y chỉ HT Huệ Cảnh Liễu Tánh. Năm 1866, HT Huệ Cảnh viên tịch, ngài kế thế trụ trì chùa Tường Vân. Năm 1869, ngài di dời và sáp nhập chùa Tường Vân vào khu đất chùa Từ Quang. Cùng năm, ngài được Sắc phong Tăng cang chùa Giác Hoàng. Năm 1885, ngài dâng sớ xin hồi hưu. Năm 1890, ngài mở trai đàn tại chùa Kim Quang và được triều đình ban áo cà sa bảy màu. Năm 1894, ngài phú pháp cho đệ tử là Thanh Thái Phước Chỉ và được suy tôn là Giáo Thọ trong đại giới đàn chùa Báo Quốc. Ngài thị tịch ngày 25 tháng 4 năm Bính Thân (1896) thọ 74 năm, 55 hạ lạp, nguyên quán Quảng Nam, trú quán Phú Xuân - theo Việt Nam PG Sử Luận, Thích Mật Thể, Minh Đức xb, Sài Gòn 1960.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 330
    • Số lượt truy cập : 6947216