Thông tin

NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN Ch

Ch

 

- Thích Minh Chánh, Hòa thượng, Thiền sư, thế danh Trương Đức Tài, xuất gia năm 1960. Năm 1981, ngài tham gia BTS PG tỉnh Đồng Nai. Năm 2006, ngài được bầu làm Ủy viên HĐTS kiêm Trưởng BTS PG tỉnh Đồng Nai. Ngài đã khởi xướng việc xây dựng Tuệ Tĩnh Đường - chùa Đức Quang - Biên Hòa và là người đầu tiên tổ chức trường Phật học giảng dạy Sơ cấp, Trung cấp đến Cao đẳng cho Tăng ni trong tỉnh Đồng Nai. Ngài đã có công trùng tu tái thiết tổ đình Quốc Ân Kim Cang - xã Tân Bình - huyện Vĩnh Cửu và trụ trì tại đây. Ngài được Nhà nước trao tặng: huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, huy chương Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc và nhiều bằng khen, giấy khen khác. Năm 2012, ngài được cung thỉnh làm Thành viên HĐCM GHPGVN. Năm 2017, ngài được suy cử làm Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai, tác phẩm: Đề cương kinh Pháp Hoa, ngài nguyên quán trú quán Biên Hòa - Đồng Nai.

- Thích Thiện Chánh (1950 -2004), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chánh Tông đời 41, thế danh Trần Văn Bình, xuất gia với HT Vĩnh Đạt- chùa Phước Hưng - Sa Đéc, pháp danh Nhựt Chơn, pháp tự Thiện Nghĩa, pháp hiệu Thiện Chánh. Năm 1977, ngài thọ đại giới tại giới đàn Quảng Đức - chùa Ấn Quang - Chợ Lớn do HT Hành Trụ làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1982, ngài làm Chánh thư ký BTS PG tỉnh Đồng Tháp liên tiếp 2 nhiệm kỳ. Năm 1992, ngài là Trưởng BTS PG tỉnh Đồng Tháp kiêm giảng sư trong ban Hoằng pháp của tỉnh hội. Năm 1997-2002, ngài kiêm chức Trưởng ban Tăng sự tỉnh hội và hiệu trưởng trường Trung cấp Phật học tỉnh Đồng Tháp. Năm 2002-2007, ngài kiêm chức Trưởng ban Giáo dục Tăng ni tỉnh hội PG Đồng Tháp. Từ 1983-2003, ngài luôn là giới sư và Trưởng ban tổ chức các giới đàn tại tỉnh Đồng Tháp. Năm 1987-2004, là Phó trụ trì tổ đình Phước Hưng. Năm 1987- 2004, là trụ trì chùa Bửu Quang - trụ sở Tỉnh hội PG Đồng Tháp. Năm 2000-2004, là trụ trì chùa Thanh Lương - Cao Lãnh. Ngài xả báo thân ngày 11 tháng 11 năm Giáp Thân (23-12-2004) hưởng 55 năm, 36 hạ lạp, nguyên quán Giồng Trôm - Bến Tre, trú quán Sa Đéc - Đồng Tháp - theo tư liệu BTS PG Đồng Tháp biên soạn.

- Thích Nữ Thể Chánh (1914 -2009), Ni trưởng. Năm 1937 xuất gia với Sư bà Diệu Hương - chùa Diệu Đức - Huế, pháp danh Tâm Nghiêm, pháp tự Thể Chánh, thế danh Vương Thị Thu Thảo. Năm 1950, Ni trưởng phụ trách hướng dẫn lớp Mẫu giáo trường Tiểu học Hàm Long - chùa Báo Quốc. Năm 1954, Ni trưởng phụ trách nuôi dưỡng cô nhi tại Cô nhi viện Tây Lộc. 1970, Ni trưởng làm Giám sự Ni viện Diệu Đức, nguyên quán Thanh Hóa, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Huỳnh Trung Chánh, Cư sĩ, sinh năm 1939, pháp danh Thiện Tâm, pháp hiệu Hư Thân, nguyên quán tại Trà Vinh, trú quán Hoa Kỳ. Cử nhân Luật Khoa (1961), Cử nhân Phật Học (1967), Phân Khoa Phật Học và Triết Học Đông Phương, Viện Đại Học Vạn Hạnh, Sài Gòn. Thường gọi Chánh Bao công. Là một công chức dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, ông đã nổi tiếng thanh liêm, chánh trực và hết lòng dấn thân để phục vụ đại đa số dân chúng Việt Nam theo hạnh Bồ Tát của Phật giáo. Ông đã từng giữ các chức vụ sau đây: Lục sự tại Tòa Án Sài Gòn và Long An (1960- 1962). Chuyên viên nghiên cứu tại Phủ Tổng Thống (1962-1964). Thanh Tra Lao Động tại Bộ Lao Động (1964-1965). Dự Thẩm tại Tòa Sơ Thẩm An Giang (1965-1966). Chánh Án tại Toà Sơ Thẩm Kiên Giang (1966-1969) và Tòa Án Long An (1969-1971). Dân Biểu Quốc Hội VNCH tại Thị xã Rạch Giá (1971-1975). Luật Sư tại Toà Thượng Thẩm Saigon (1971-1975). Ông định cư tại California - Hoa Kỳ từ năm 1977. Viết nhiều tập truyện ngắn, tiểu thuyết Phật giáo: : Am Mây Ngàn; Ân Oán Chập Chờn; Cảm Niệm Về Mẹ (Tập truyện); Con Đường Vô Tận; Con Ma Dễ Thương; Cửa Thiền Dính Bụi (Tập truyện); Đợi Chờ; Kính Chiếu Hậu; Ma Nữ Si Tình; Mẹ Quan Âm Cửu Long; Mộng Hay Thực; Như Thế Mà Trôi (Tập truyện); Phiêu Linh; Vết Nhạn Lưng Trời... - theo Thích Vân Phong biên khảo.

- Thích Viên Chánh (1947 -2016), Hòa thượng, thế danh Phan Hiệp, xuất gia năm 1958 với HT Huyền Không - chùa Quốc Ân - Huế, pháp danh Tâm Chơn, pháp hiệu Viên Chánh. Năm 1968, ngài thọ đại giới tại PHV Hải Đức Nha Trang do HT Tịnh Khiết làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1969, ngài giữ chức Tri sự tổ đình Quốc Ân và theo học lớp Cao đẳng Phật học Liễu Quán tại chùa Linh Quang - Huế. Năm 1972, ngài vào trụ trì chùa Vĩnh Ân - thị xã Long Khánh. Năm 1992, ngài là Ủy viên BTS PG thị xã Long Khánh. Năm 2012, ngài được cung thỉnh Chứng minh BTS PG thị xã Long Khánh, ngài xả báo thân ngày 23 tháng 3 năm Bính Ngọ (30-04-2016) thọ 70 năm, 48 hạ lạp, tháp lập trong khuôn viên chùa Vĩnh Ân, nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán Long Khánh- Đồng Nai - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa tập 3.

- Nguyễn Tăng Chắc (1908 -1963), Cư sĩ, thánh tử đạo, pháp danh Tâm An. Năm 1960, ông là Khuôn trưởng PG chùa Tường Vân. Năm 1963, tham gia chống bạo quyền Ngô Đình Diệm đàn áp PG. Vào chiều ngày 5-6 Âm lịch, mật vụ của chính quyền đi lột băng rôn tại chùa Quảng Tế, do HT Chơn Hương trụ trì, nhưng ông quyết liệt ngăn chặn và phản đối. Tối hôm đó, chính quyền ra lệnh thiết quân luật, bắt dân chúng không ai được ra đường. Cũng trong đêm này, bọn tay sai của Diệm - Nhu đột nhập vô chùa bắt lột hết băng rôn xuống, nhưng ông cãi lệnh và trèo lên để treo lại thì bị chúng bắn chết. Giáo hội PG Trung phần đã tấn phong Thánh tử đạo vào năm 1965, nguyên quán trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Thích Thanh Chân (1853 -1927), Hòa thượng, ngài sinh năm Quý Sửu (1853), quê xã Thôi Ngôi, huyện Đại An, tỉnh Nam Định. Năm 12 tuổi, ngài xuất gia tại chùa Yên Vệ (Phúc Hào tự) xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Năm 1872, ngài thụ giới cụ túc tại giới đàn chùa Yên Vệ, ban pháp danh Thanh Đài, pháp tự Thích Uyên Uyên. Năm 1877, ngài được tổ Yên Vệ cử về giúp thiền sư Thanh Đạo (Tâm Trung) trụ trì chùa Phúc Long, xã Vân Bòng, tổng Yên Ninh, phủ Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Năm 1901, ngài kế đăng Hòa thượng Thanh Đạo trụ trì chùa Phúc Long (Vân Bồng hay chùa Bòng). Kể từ đây, ngài mở mang chùa cảnh, đăng đàn thuyết pháp, tiếp chúng độ sinh chùa Bòng trở thành một chốn tổ lớn ở Ninh Bình, đào tạo nhiều tăng tài gánh vác phật sự tại nhiều chùa trong huyện Yên Khánh. Năm Tân Dậu (1921), ngài cùng Sơn môn gồm các Tỷ khiêu Thanh Kình, Thanh Định, Thanh Tác, Thanh Chỉnh, Thanh Nguyện, Đàm Huyên hưng công làm mới tượng Phật và Tổ gồm 9 tòa, lại mua 9 mẫu lẻ ruộng làm tự điền cho bản tự. Ngày 25 tháng giêng năm Đinh Mão (1927) ngài Thanh Chân viên tịch. Hưởng thọ 73 tuổi, hạ lạp 52 năm - theo Nguyễn Đại Đồng sưu khảo.

- Thích Thanh Chân (1905 -1989), Hòa thượng, thế danh Nguyễn Thanh Chân, xuất gia với tổ Thanh Tích - chùa Hương Tích, pháp danh Thanh Chân, pháp hiệu Nhẫn Nhục. Năm 1921, ngài tìm đến tham học với tổ Bằng Sở- chùa Phúc Khánh. Năm 1925, sau khi tụ đại giới, ngài về trụ trì chùa Quỳnh Chân - Nam Hà. Năm 1934, ngài trở lại chùa Hương Tích làm Giám viện. Năm 1956, ngài chính thức trụ trì chùa Hương Tích. Trong giai đoạn kháng chiến 1945-1954, ngài là ủy viên Mặt trận Việt Minh các cấp và thành viên sáng lập hội PG Cứu quốc Liên khu 3, chủ bút báo Diệu Âm. Năm 1958 ngài là Chứng minh đạo sư kiêm thành viên BTS Trung ương hội PG Thống nhất Việt Nam, đồng thời là Chi hội trưởng PG tỉnh Hà Sơn Bình. Năm 1975, ngài cùng phái đoàn PG vào Nam xúc tiến thống nhất PG toàn quốc. Năm 1981, GHPGVN thành lập, ngài được cử làm Phó chủ tịch HĐTS GHPGVN, ngài tịch vào ngày 12 tháng Giêng năm Kỷ Tỵ (17-02- 1989), thọ 85 tuổi với 70 năm hành đạo, nguyên quán Hà Nam, trú quán Hà Tây - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 1.

- Thích Huệ Chấn (1886-1955), Hòa thượng, Tăng cang, pháp danh Như Điền, pháp tự Giải Trà, pháp hiệu Huệ Chấn, đời 41 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 8 pháp phái Chúc Thánh. Ngài thế danh Nguyễn Trà, sinh năm Bính Tuất (1886) tại xã Ngân Hà, tổng Thanh Quýt trung, Điện Bàn, Quảng Nam. Ngài xuất gia với Hòa thượng Phước Thông tại chùa Tam Thai, thọ Tỳ kheo năm 1904 tại chùa Từ Quang, Phú Yên với tổ Pháp Tạng. Ngài khai sơn chùa Phương Thảo tại quê nhà, sau đó vào Gia Định đảm nhận trụ trì chùa Hưng Long, Quận 10. Ngài là Chứng minh đạo sư của Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học. Ngài viên tịch ngày mồng 1 tháng 10 năm Ất Mùi (1955), thọ 70 tuổi. Tháp lập tại chùa Khánh Lâm, Hóc Môn (chùa này giờ không còn). Ngài nguyên quán Quảng Nam, trú quán TP.Hồ Chí Minh - theo Thích Như Tịnh sưu khảo.

- Trần Nguyên Chấn (? -?), Cư sĩ, ông là Commis của chính quyền thuộc Pháp tại Tòa đốc lý Sài Gòn, chánh thừa biện hạng nhất tại Dinh Đốc lý Sài Gòn. Ông có uy tín với chính quyền bảo hộ, nên việc đứng ra xin thành lập hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học, là hội đầu tiên của phong rào chấn hưng PG tại miền Nam được cấp phép hợp pháp. Hội hoạt động tại chùa Linh Sơn một thời gian, vì bất đồng quan điểm với ông Trần Nguyên Chấn, nên chư tôn đức tăng già rút khỏi hội NKNCPH, trở về miền Tây lập hội Lưỡng Xuyên Phật học. Ông Trần Nguyên Chấn tiếp tục giữ vững hoạt động hội NKNCPH, xuất bản tạp chí Từ Bi Âm. Ban đầu HT Khánh Hòa làm chủ nhiệm, từ số 134 ông thay thế làm chủ nhiệm cho tới số cuối cùng năm 1945, tạp chí tồn tại 14 năm, xuất bản được 235 số, ông mời chư tôn đức ở miền Trung vào công tác, như các cây bút HT Liên Tôn, HT Bích Liên... và chính ông đứng ra dịch giải kinh sách đăng bài trường kỳ trong tạp chí Từ Bi Âm. Nguyên quán trú quán Sài Gòn - theo Biên niên sử PG Sài Gòn Gia Định.

- Thích Nữ Bảo Châu (1937-2003), Ni trưởng, năm 1957 xuất gia làm đệ tử Sư bà Diệu Không, pháp danh Tâm Trì, pháp tự Bảo Châu, thế danh Ngô Thị Kim Anh. Năm 1965 được thọ đại giới và được cử làm Giám đốc trường vườn trẻ Kiều Đàm kiêm giám đốc Ký nhi viện Hồng Ân. Ni trưởng còn giảng dạy các lớp sơ cấp tại Ni viện Diệu Viên và các lớp huấn luyện huynh trưởng GĐPT tại gảng đường Từ Đàm, nguyên quán Quảng Đông Trung Quốc, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Thích Bổn Châu (1922-1995), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chánh Tông đời 40, thế danh Trần Trung Nghĩa, xuất gia năm 1959 tại chùa Vạn Thọ - Sài Gòn với HT Thiện Tường, pháp danh Bổn Châu, pháp hiệu Từ Tiết. Sau khi xuất gia, ngài theo học khóa Như Lai Sứ Giả tại chùa Pháp Hội do Giáo hội Tăng già Nam Việt tổ chức. Năm 1962, ngài thọ đại giới tại tổ đình Ấn Quag và được Giáo hội phái ngài về Rạch Giá trụ trì chùa Tam Bảo. Tại đây, ngài ủng hộ cách mạng bằng cách tiếp tế thuốc men lương thực qua ngả Gò Quao, đưa vào chiến khu cho quân Giải phóng. Năm 1975, ngài tham gia UBMTTQ tỉnh Kiên Giang với chức Phó chủ tịch. Năm 1989, ngài được UBTW MTTQVN trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân. Năm 1981-1993, ngài lả Ủy viên HĐTS kiêm Phó BTS GHPGVN tỉnh Kiên Giang phụ trách Bắc tông. Hoạt động không mệt mỏi của ngài cho PG tỉnh Kiên Giang được GHPGVN đánh giá là một mô hình đáng biểu dương trong PG cả nước. Ngài còn mở Tuệ Tĩnh đường chữa bệnh miễn phí cho nhân dân lao động, xây lò hỏa táng qui mô trong nghĩa trang nhân dân tỉnh Kiên Giang. Ngài xả báo thân ngày mồng 7 tháng 4 Âm lịch (1995) thọ 73 năm, 33 hạ lạp, nguyên quán Cái Bè - Tiền Giang, trú quán Rạch Giá- Kiên Giang - theo Danh Dol cung cấp.

- Thích Nữ Diệu Châu (1943 -1992), Ni sư, đệ tử Ni trưởng Chơn Tịnh - chùa Diệu Viên, pháp danh Nguyên Anh, pháp tự Diệu Châu, thế danh Nguyễn Thị Tuyết. Ni sư học lớp Trung cấp Phật học tại Ni viện Diệu Đức. Năm 1961, chùa Diệu Viên có thành lập một bệnh xá, Ni sư được cử đi học khóa Y tá, khi học xong về làm việc tại đây với hạnh nguyện từ thiện. Năm 1982, Ni sư theo thầy về chùa Hoa Nghiêm tu tập và hầu thầy. Năm 1984, kế thế trụ trì chùa Hoa Nghiêm, nhưng thời gian không được lâu, vì một tai nạn giao thông, Ni sư đã theo hầu Thầy nơi tịnh cảnh, nguyên quán trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Hàng Châu, Cư sĩ, tác gia, tên thật Nguyễn Thị Hằng, sinh năm 1942. Năm 1968, bà thoát ly tham gia cách mạng với chức vụ Thường vụ Phân khu đoàn Phân khu 5, là tù nhân Côn Đảo được trao trả năm 1972. Sau 1975, bà làm Giám đốc Nhà Văn hóa huyện Thủ Đức, sau làm Phó phòng Kiểm duyệt Văn hóa Sở Văn hóa Thông tin TP Hồ Chí Minh. Bà chuyên viết về bút ký từ năm 1975, sau đó chuyển hướng nghiên cứu viết về PG, cộng tác thường xuyên tạp chí PG Từ Quang, tác phẩm: Tình trăng 16; Nỗi nhớ mênh mông; Hương xuân ngọt ngào; Rừng trúc trước bão giông, nguyên quán Hà Nội, trú quán Thủ Đức TP Hồ Chí Minh.

- Thích Kế Châu (1922-1996). Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 41, xuất gia năm 1936, tại chùa Thập Tháp, đệ tử Quốc sư Phước Huệ, pháp danh Không Tín, pháp tự Giải Thâm. Năm 1942, ngài thọ đại giới tại giới đàn chùa Hưng Khánh do HT Chí Bảo làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1950, ngài trụ trì chùa Bảo Sơn - Phù Mỹ. Năm 1958, ngài làm Giám đốc Phật học đường Giáo hội Tăng già tỉnh Bình Định. Năm 1965, ngài kế thế trụ trì tổ đình Thập Tháp và Chánh đại diện GHPGVNTN tỉnh Bình Định. Năm 1970, ngài thành lập Phật học viện Phước Huệ tại chùa Thập Tháp và ngài làm Giám viện. Năm 1982, ngài được cử làm Ủy viên HĐTS TW GHPGVN kiêm Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Bình Định. Năm 1994, ngài được cung thỉnh làm Đường đầu truyền giới trong giới đàn Phước Huệ tại chùa Long Khánh - Qui Nhơn, tác phẩm: Bách Thành Yên Thủy của Phật Quốc Thiền sư; Thập Mục Ngưu Đồ Tụng; Long Bích thi tập I,II; Kim Cang nghĩa mạch; Kim Cang trực sớ; Di Đà giảng thoại, ngài xả báo thân ngày mồng 5 tháng Chạp năm Ất Hợi (24-01-1996) thọ 75 năm, 55 hạ lạp, nguyên quán trú quán Bình Định - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 2.

- Thích Huyền Châu, Thượng tọa, Giảng sư, nguyên Ủy viên Ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Bình Định, nguyên viện chủ chùa Phước Long, thị trấn Phú Phong - Tây Sơn - Bình Định. Thầy sang Hoa Kỳ thuyết giảng và làm trụ trì chùa Bồ Đề Phật Quốc- Santa Ana - California năm 2015.

- Thích Minh Châu (1918-2012), Hòa thượng, Giáo sư, Tiến sĩ Phật học, thế danh Đinh Văn Nam. Năm 1936, ngài đến với phong trào học Phật do Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám chủ xướng và ngài làm Chánh thư ký của hội An Nam Phật học. Ngài là thành viên sáng lập Đoàn Phật học Đức dục Gia đình Phật hóa phổ (tiền thân của GĐPT Việt Nam). Năm 1946, ngài quyết định xuất gia với HT Tịnh Khiết - chùa Tường Vân, pháp danh Tâm Trí, pháp tự Minh Châu, pháp hiệu Viên Dung. Năm 1949, ngài thọ đại giới tại giới đàn Hộ quốc do chính bổn sư làm Đàn đầu Hòa thượng. Sau khi đắc pháp, ngài đi diễn giảng khắp các chùa hội, khuôn hội và viết bài cho các tạp chí: Viên Âm, Từ Quang, Liên Hoa... Năm 1951, ngài là hiệu trưởng trường Trung học Bồ Đề Huế. Năm 1952, ngài du học tại Tích Lan. Năm 1955, ngài học ở đại học Nalanda- Ấn Độ và đạt học vị Tiến sĩ năm 1961. Năm 1962-1963, ngài được mời dạy tại đại học Bihar- Ấn Độ. Năm 1964-1965, ngài về nước và giữ chức Phó viện trưởng Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn. Năm 1966, ngài là Tổng vụ trưởng Tổng vụ Giáo dục và Viện trưởng Viện đại học Vạn Hạnh, đồng thời là chủ bút tạp chí Tư Tưởng Vạn Hạnh. Năm 1976, ngài thành lập và làm viện chủ Thiền viện Vạn Hạnh ở Phú Nhuận, tập trung vào việc phiên dịch kinh tạng Pàli ra Việt ngữ. Năm 1980, ngài cùng chư tôn đức thành lập Ban Vận động Thống nhất PG nước nhà, ngài được cử làm Chánh thư ký. Năm 1981, GHPGVN được thành lập, ngài giữ chức Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký HĐTS GHPGVN liên tiếp 3 nhiệm kỳ. Năm 1989, ngài xin phép Nhà nước thành lập Trường Cao cấp Phật học Việt Nam cơ sở II tại TP Hồ Chí Minh và mở Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam do ngài làm Viện trưởng cả hai nơi. Năm 1991, ngài thành lập Hội đồng Chỉ đạo phiên dịch và Ấn hành Đại tạng kinh Việt Nam do ngài là Chủ tịch. Năm 1997, ngài được suy cử làm Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN. Năm 2007, ngài được suy tôn ngôi vị Phó Pháp chủ GHPGVN. Ngoài công trình phiên dịch Kinh tạng đồ sộ, tác phẩm tiếng nước ngoài, ngài còn các tác phẩm biên soạn tiếng Việt: Phật Pháp (đồng tác giả); Đường về Xứ Phật (đồng tác giả); Những ngày và những lời dạy cuối cùng của Đức Phật; Đại thừa và sự liên hệ với Tiểu thừa (dịch); Sách dạy Pàli; Chữ Hiếu trong đạo Phật (đồng tác giả); Hành thiền; Lịch sử đức Phật Thích Ca; Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi; Chánh pháp và Hạnh phúc (2011); Đạo đức Phật giáo và hạnh phúc con người (2002); Những mẫu chuyện đạo (2004); Đức Phật, nhà đại giáo dục (2004); Đức Phật của chúng ta (2005); Tâm từ mở ra, khổ đau khép lại (2006); Những gì đức Phật đã dạy (2007); Hiểu và hành Chánh pháp (2008); Chiến thắng Ác ma (2009); Tóm tắt Kinh Trung bộ (2010); Dàn ý Kinh Trung bộ và Tóm tắt Kinh Trường bộ (2011), ngài xả báo thân ngày 16 tháng 7 năm Quý Tỵ (01-09-2012) thọ 95 năm, 63 hạ lạp, tháp lập tại Thiền viện Vạn Hạnh, nguyên quán Nghi Lộc- Nghệ An, trú quán TP Hồ Chí Minh - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 3

- Thích Phước Châu (1944 -2006), Hòa thượng, dòng lâm Tế Liễu Quán đời 44, xuất gia với HT Trí Thủ, pháp danh Nguyên Ý, pháp tự Phước Châu, pháp hiệu Hải Đăng, thế danh Hoàng Văn Ngọc. Năm 1968, làm Quản chúng PHV Hải Đức - Nha Trang. Năm 1988, làm ban Quản trị tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang - Quảng Trị. Năm 1990 là Phó Ban Thường trực BTS kiêm Trưởng ban Hướng dẫn Nam nữ Phật tử tỉnh Quảng Trị, nguyên quán trú quán Quảng Trị - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Tế Giác-Quảng Châu (Tiên Giác - Hải Tịnh) (1827-1869), Thiền sư, ngài cầu pháp với tổ Thiệt Thoại - Tánh Tường, nối mạng mạch dòng Thiền Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 36, tục diệm truyền đăng pháp mạch từ Tổ sư Viên Quang-Tổ Tông, nối pháp mạch dòng Thiền Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 37, bậc long tượng trong đạo pháp, tất nhiên có tư cách phi phàm, bỏ chốn kinh kỳ, về vùng đất còn hoang vu để giáo hóa độ sanh, thành tựu những việc lợi ích cho đời, rạng danh cho đạo. Đa số Danh Tăng miền Tây Nam đều thọ pháp mạch của ngài. Tăng cang chùa Linh Mụ - Huế, trụ trì và trùng hưng tổ đình Giác Lâm - Gia Định, nguyên quán trú quán Gia Định - theo Thích Vân Phong biên khảo.

- Thích Tâm Châu (1921-2015), Hòa thượng, xuất gia năm 11 tuổi với HT Thanh Kính - chốn tổ Phượng Ban - Ninh Bình. Năm 1941, ngài thọ đại giới tại giới đàn chùa Bát Long - Ninh Bình do HT Đức Nhuận - chùa Đồng Đắc truyền trao Bồ tát giới. Sau đó ngài tham học ở chốn tổ Đồng Đắc, Phúc Chỉnh, Phù Lãng, Quán Sứ... Năm 1951, ngài là Thành viên sáng lập Tổng hội PGVN tại Huế và Ủy viên Nghi lễ HĐTS Tổng hội PGVN. Năm 1952, tham gia thành lập Giáo hội Tăng già Toàn quốc Việt Nam, ngài là Trị sự Phó Giáo hội Tăng già Bắc Việt. Năm 1955, sau khi di cư vào Nam, ngài thành lập chùa Giác Minh làm trụ sở của hội Phật giáo Tăng già Bắc Việt tại miền Nam và ngài làm viện chủ kiêm Chủ tịch hội. Sau đó, ngài lập chùa Từ Quang ở bên cạnh chùa Giác Minh và trụ trì nơi đây. Ngài còn lập thêm nhiều cảnh chùa từ Đà Nẵng trở vào, hầu hết đều lầy chữ Từ làm hiệu chùa như: Từ Ân (Nha Trang); Từ Hưng (Ban Mê Thuột); Từ Thắng (Vũng Tàu); Từ Khánh (quận 4-Sài Gòn); Từ Tân (Tân Bình); Từ Thọ (Phú Thọ); Từ Định (Tân Định); Từ Minh (Vườn Chuối); Từ Long (Thủ Đức- nay là Thiên Minh); Từ Quang , Từ Thắng (Vũng Tàu); Quan Âm (Phú Nhuận) và Việt Nam Quốc Tự (Trần Quốc Toản-Sài Gòn). Năm 1956, ngài giữ chức Phó Tổng hội chủ Tổng hội PGVN. Năm 1963, ngài là Chủ tịch Ủy ban Liên phái Bảo vệ PG, lãnh đạo phong trào đấu tranh chống đàn áp của chính quyền Ngô Đình Diệm. Năm 1964, ngài được bầu làm viện trưởng Viện Hóa Đạo đầu tiên của Giáo hội PGVNTN. Năm 1966, Sau khi GHPGVNTN tách làm hai khối Việt Nam Quốc Tự và khối Ấn Quang, ngài làm viện trưởng khối VNQT, HT Thiện Hoa làm viện trưởng khối Ấn Quang. Sau năm 1975, ngài định cư ở Canada và làm Thượng thủ Giáo hội PGVN trên Thế giới, tiếp tục xây dựng nhiều ngôi chùa VN ở nhiều nước, tác phẩm ngài biên soạn và dịch thuật để lại rất nhiều:

a) Dịch Thuật:

- Kinh Bát Đại Nhân Giác (5/1956); Kinh Di Lặc Hạ Sinh (12/1956); Kinh Di Lặc Thượng Sinh (12/1956); Kinh Tội Phúc Báo Ứng (02/1957); Kinh Thập Thiện (03/1957); Phẩm Phổ Môn (05/1957); Kinh A Di Đà (07/1957); Kinh Lần Tràng, tức kinh Mộc Hoạn Tử (04/1957); Kinh Hiệu Lượng, tức kinh Sổ Châu Công Đức (04/1957); Kim Cương Đính, tức kinh Du Già Niệm Châu (04/1957); Kinh Trì Trai (06/1957); Kinh Hiếu Tử, Kinh Vu Lan Bồn, Kinh Giải Hạ, Kinh Tân Tuế, Kinh Thụ Tuế (07/1957); Kinh Quán Thế Âm Bồ Tát Thụ Ký (09/1957); Kinh A Hàm Chính Hạnh, Kinh Duyên Sinh (11/1957); Kinh Quy Y Tam Bảo, Kinh Phát Bồ Đề Tâm, Kinh Đại Thừa Già Da Sơn Đính (12/1957); Kinh Đại Niết Bàn, Phật Học Ngụ Ngôn (05/1958); Kinh Tâm Địa Quán (12/1959); Thiền Lâm Bảo Huấn (11/1972); Nhân Duyên Tâm Luận Tụng (01/1996); Bồ Đề Tâm Ly Tướng Luận (06/1996); Kinh Văn Thù Thỉnh Vấn Bồ Đề (10/1996); Kinh Nhân Quả Ba Đời (02/1997); Du Già Sư Địa Luận Thích (01/1999); Kinh Ngũ Bách Danh (8/2012).

b) Sáng tác:

- Gương Hỷ Xả, thơ (05/1952); Đường Vào Cửa Phật (12/1952); Đạo Phật Với Con Người (08/1953); Phật Học Chính Cương (07/1955); Bước Đầu Học Phật (12/1958); Nét Tinh Thần, thơ (08/1967); Tịnh Minh Thi Cảo I, thơ chữ Hán (05/1969); Tịnh Minh Thi Cảo II, thơ chữ Hán (11/1969); Cánh Hoa Tâm, thơ (12/2001); Tiếng Vọng Thời Gian, tập I (11/2002); Tỉnh Mộng Đời, thơ (06/2004); Hương Vị Phật Pháp (11/2007); Tiếng Vọng Thời Gian 2 (2014); Vang Vọng Nguồn Thương (thơ: 2014). Ngài viên tịch ngày 22 tháng 8 năm 2015 tại tổ đình Từ Quang - Canada, thọ 95 năm, 74 hạ lạp, nguyên quán Ninh Bình, trú quán Canada - theo biên soạn của HT Thích Chơn Thành - Hoa Kỳ.

- Thích Thanh Châu (1938 -2013), Hòa thượng, thế danh Nguyễn Văn Ba, xuất gia năm 1960 với HT Từ Mẫn - chùa Phổ Đà, pháp danh Nguyên Vân, pháp hiệu Thanh Châu. Năm 1966, ngài được tham học ở PHV Liễu Quán - chùa Linh Quang - Huế. Năm 1968, ngài thọ đại giới tại giới đàn Phước Huệ - PHV Hải Đức Nha Trang. Năm 1970, ngài làm giáo thọ PHV Phổ Đà - Đà Nẵng. Năm 1973, ngài vào miền Nam trú tại chùa Phổ Hiền - Tân Bình, học lớp Như Lai Sứ Giả ở chùa Phật Quang - Quận 10 và làm Chánh đại diện PG khu Bảy Hiền. Năm 1976, ngài trụ trì chùa Liễu Quán - Tân Bình. Năm 1987, ngài trụ trì chùa Quảng Đức- Hóc Môn. Ngài đảm nhiệm chức Ủy viên Ban hoằng pháp THPG TP Hồ Chí Minh, Ủy viên Ban Tăng sự huyện Hóc Môn. Năm 1997, huyện Hóc Môn tách làm hai, ngài làm Chánh đại diện PG quận 12. Ngài chú trọng về diễn giảng các bộ Duy Thức học Qui Sơn Cảnh Sách, nên được thỉnh giảng ở hầu hết các đạo tràng an cư kiết hạ của Thành phố. Ngài xả báo thân năm 2013, thọ 75 năm, 45 hạ lạp, nguyên quán Duy Xuyên- Quảng Nam, trú quán TP Hồ Chí Minh - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa, tập 3.

- Hồ Thị Châu (? -1966), Phật tử, thánh tử đạo, tự thiêu tại trụ sở Viện Hóa Đạo Việt Nam Quốc Tự ngày 30-5-1966, để phản đối chính quyền đàn áp Phật tử tại Huế và Đà Nẵng, chưa rõ nguyên quán trú quán - theo Biên niên sử PG Sài Gòn Gia Định.

- Thích Thiện Châu (1931 -1998), Hòa thượng, Tiến sĩ, tác gia, dịch giả, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 43, thế danh Hồ Đắc Cư, xuất gia năm 1947 với HT Giác Nguyên - chùa Tây Thiên - Huế pháp danh Tâm Thật, pháp hiệu Thiện Châu. Năm 1952, ngài thọ đại giới tại giới đàn chùa Thiên Bửu - Bình Định. Năm 1948-1953, ngài là học Tăng PHĐ Báo Quốc và được cử làm giảng sư các tỉnh miền Trung và miền Nam. Năm 1961, ngài du học tại viện đại học Nalanda - Ấn Độ. Năm 1967 ngài được mời sang Anh quốc làm việc cho Giáo hội Tăng già Anh quốc và làm Chủ tịch hội Phật tử Việt kiều hải ngoại - chi bộ Pháp. Năm 1968, ngài xuất bản tờ báo Gió Nội và tờ Tôn Phật. Năm 1975, ngài là Chủ tịch sáng lập Hội Phật tử Việt Nam tại Pháp và xuất bản tờ Hương Sen. Năm 1980, khai sơn chùa Trúc Lâm - Paris. Năm 1981-1998, ngài là Ủy viên HĐTS kiêm Chánh đại diện GHPGVN tại hải ngoại, đồng thời được bầu làm Phó viện trưởng VNCPHVN, Phó chủ tịch HĐ phiên dịch và ấn hành Đại tạng kinh Việt Nam. Khi học viện PGVN tại Huế thành lập, ngài giữ chức Phó viện trưởng, tác phẩm: Đường về xứ Phật (viết chung - 1964); Nghi thức lễ Phật (1968); Vài lá Bồ Đề (1972); Le Traité Des Trois Lois (1971); La Littérature des Personnalistes dans la Boudhisme Ancien (1977); Kinh Pháp Cú (1980); Dictionnaire des Philosophies (đồng soạn - 1988); Tìm Đạo (1996); The Literature of Personalists of larly Buddhism (1997); The Philosophy pf the Milirdapânhâ; Phật tử, và rất dịch phẩm từ Pàli sang Việt và từ Hán sang Việt, ngài xả báo thân ngày Rằm tháng 8 năm Mậu Dần (05-10-1998) tại Pháp, thọ 68 năm, 46 hạ lạp, nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán Pháp quốc - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 2.

- Thích Toàn Châu, Hòa thượng, sinh năm 1941, xuất gia năm 1949 với HT Diệu Hoằng - chùa Diệu Đế Quốc tự, Năm 1967- 1971, học Trung đẳng chuyên khoa tại PHV Liễu Quán - chùa Linh Quang. Năm 1971, học Cao đẳng PHV Huệ Nghiêm. Năm 1997, ngài mua một thửa đất tại suối Lồ Ồ Bình Dương, kiến tạo thành ngôi tịnh thất Pháp Hạnh và bắt đầu trước tác phiên dịch, tác phẩm: Giải Thích Đề Kinh Lăng Nghiêm; Quán xét nhân duyên đời sống..., nguyên quán Quảng Trị, trú quán Bình Dương - theo trang nhà www.quangduc.com

- Đinh Văn Chấp (1882 -1953), Cư sĩ, pháp danh Trừng Tuệ, thân phụ ông là sĩ phu Cần Vương chiến đấu với quân Pháp ở Thanh Chương Nghệ An thì bị bắt, vua Đồng Khánh đã xử gia đình ông "tru di tam tộc", may thay ông được người nhà bên ngoại che giấu đưa sang Phúc Kiến Trung Quốc. Năm 1898, ông về nước đổi tên và tiếp tục đi học. Năm 1909, ông được vào Huế học trường Quốc Tử Giám và đậu Tiến sĩ Hoàng Giáp năm 1912, nhận chức Đốc học ở Quảng Nam. Năm 1934 ông nhận chức Án sát Hà Tĩnh rồi Tuần vũ Quảng Ngãi. Đóng góp của ông cho PG là khi còn làm việc ở Huế tham gia giảng dạy chữ Hán cho quý Ôn quý thầy, khi rảnh ông tìm đến đàm đạo với các vị cao tăng. Chính nơi đây ông có dịp đọc Tam tạng kinh và nâng cao kiến thức Phật học uyên thâm. Ông có khuynh hướng về Thiền học và đảm trách dịch thơ văn Lý Trần lần lượt đăng trên tạp chí Nam Phong. Ông lập gia đình với nữ cư sĩ Lê Thị Đạt có 11 người con, đặc biệt là GS Đinh Văn Nam (tức HT Thích Minh Châu) và GS Đinh Văn Vinh (tức Cư sĩ Huyền Chân - Minh Chi), nguyên quán Nghệ An, trú quán Thừa Thiên Huế, Nghệ An - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Nguyễn Văn Chế (1919 - 1985), Cư sĩ, giáo sư, năm 1949, ông cùng Cư sĩ Tuệ Nhuận Văn Quang Thùy, Bùi Hưng Gia thành lập hội Phật tử Việt Nam, ông thường xuyên tham gia các buổi diễn thuyết của hội mở ra tại chùa Chân Tiên và là quản lý tạp chí Bồ Đề Tân Thanh - cơ quan hoằng pháp của hội. Năm 1973, ông về hưu, dành nhiều thời gian cho các phật sự của Giáo hội PG Thống nhất Viện Nam, ông được Trung ương hội mời đến chủ trì Ban nghiên cứu Phật học, đã biên soạn cuốn "Những vấn đề cơ bản trong Phật học", xuất bản quý II - 1976. Kể từ năm 1954, đây là cuốn sách thứ 2 được xuất bản ở miền Bắc. Năm 1977, ông làm Phó giám hiệu trường Tu học Phật pháp Trung ương - chùa Quán Sứ (tiền thân trường Cao cấp Phật học) và giảng dạy môn tiếng Pháp tại trường. Năm 1981, ông là ủy viên Ban vận động thống nhất PGVN, nguyên quán trú quán Hà Nội - theo NNC Nguyễn Đại Đồng sưu khảo.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 145
    • Số lượt truy cập : 6946841