Thông tin

NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN Chu

Chu

 

- Lương Hoàng Chuẩn (1919 -1976), Cư sĩ, huynh trưởng GĐPT, pháp danh Nguyên Y. Lúc còn niên thiếu sinh hoạt trong Gia đình Phật Hóa Phổ ở Khuôn hội Phú Hòa. Năm 1952, khi GĐPT Việt Nam được thành lập, Cư sĩ là Đoàn trưởng Oanh Vũ GĐPT Phú Hòa. Sau đó, anh được bầu làm Trưởng ban Hướng dẫn GĐPT Thừa Thiên và Ủy viên Oanh Vũ Ban Hướng dẫn GĐPT Trung phần. Năm 1957, Cư sĩ đưa gia đình vào Đà Nẵng làm việc và được Đại hội Huynh trưởng Đà Nẵng cử làm Trưởng ban Hướng dẫn GĐPT Đà Nẵng liên tiếp từ 1957-1964. Pháp nạn 1963 và 1966, anh tích cực tham gia và bị bắt đày ra đảo Phú Quốc cùng với một số anh em GĐPT. Năm 1967 anh được trả tự do nhưng mất nhiệm sở, năm 1968 anh đưa gia đình vào Sài Gòn làm việc với BHD Trung ương giữ chức Phó trưởng BHD ngành Nam kiêm Đại diện BHD Trung ương miền Quảng Đức. Năm 1969, Cư sĩ làm Trưởng BHD TW GĐPT Việt Nam, Quyền Vụ trưởng GĐPT vụ trong Tổng vụ Thanh niên. Kế đến anh được Viện Hóa Đạo mời giữ chức Phụ tá Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh niên. Với phẩm chất đạo đức và khả năng lãnh đạo nhạy bén trong mọi lĩnh vực phật sự, Cư sĩ được xếp vào hàng Huynh trưởng cấp Dũng năm 1970. Cư sĩ ra đi đột ngột vì tai biến mạch máu não ngày 25-10-1976, nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán TP Hồ Chí Minh - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Thích Bửu Chung (1881-1947), Hòa thượng, thế danh Nguyễn Văn Kim, pháp danh Như Kim, lên Sài Gòn học với tổ Minh Hòa - Hoan Hỷ - chùa Long Thạnh, ngài được pháp hiệu Bửu Chung. Năm 1901, ngài trụ trì chùa Thiền Lâm - Nha Mân. Năm 1905, ngài được mời trụ trì thêm chùa Long Phước - Rạch Ông Yên - Nha Mân. Ngài là một pháp sư danh tiếng thời chấn hưng, được tổ Phi Lai - Chí Thiền mời thuyết pháp tại đạo tràng chùa Phi Lai, bài pháp được ghi lại thành sách lưu giữ ở chùa Phi Lai - Châu Đốc. Là một nhà sư yêu nước, ngài tham gia tổ chức Thiên Địa Hội chống Pháp, bị bắt giam một thời gian. Ngài ủng hộ tổ chức Thanh niên Tiền Phong, dùng tài lực nhà chùa giúp đỡ cho đến khi cách mạng năm 1945 thành công, nguyên quán Long Xuyên, trú quán Sa Đéc - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 1.

- Thích Phước Chữ (1858-1940), Hòa thượng, có sách ghi là Thích Phước Chỉ, ngài thế danh Nguyễn Huấn, năm 1872 xuất gia với HT Diệu Giác - chùa Diệu Đế, pháp danh Thanh Thái, pháp tự Phước Chữ. Năm 1879, ngài được chỉ định làm Tri sự chùa Tường Vân. Năm 1889, ngài trùng tu chùa Tường Vân và kiêm Tri sự chùa Từ Hiếu. Năm 1912, ngài được vua sắc trụ trì chùa Thánh Duyên - núi Túy Vân. Năm 1932, ngài được phong Tăng cang chùa Thánh Duyên. Năm 1937, ngài được phong Tăng cang chùa Diệu Đế. Ngài xả báo thân ngày 17 tháng Chạp năm Kỷ Mão (1940), thọ 82 năm, 58 năm hành đạo, nguyên quán Quảng Trị, trú quán Thừa Thiên Huế - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 2.

- Trần Hữu Chương (? -?), Cư sĩ, nhà nho, thầy thuốc, trí thức yêu nước, ông là bạn tâm giao với cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, và là người mời cụ Phó bảng đến thăm chùa Tuyên Linh cùng đàm đạo với HT Khánh Hòa tại đây. Nguyên Bí thư kỳ bộ Nam Kỳ của Tân Việt, một trong những sáng lập viên Đông Dương Cộng sản Liên đoàn?, Ông Chương vốn là đảng viên đảng Tân Việt, được HT Khánh Hòa ủng hộ đã mở lớp dạy chữ Nho và dạy thuốc tại chùa Tuyên Linh để có cơ hội tập hợp sĩ phu yêu nước. Chưa rõ thân thế nguyên quán, trú quán Mỏ Cày- Bến Tre.

- Thích Thanh Chương (1965 -2013),Thượng tọa, pháp danh Nhật Lành thế danh Trần Đức Lành, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Học vị Tiến sỹ, Trụ trì chùa Quan Âm, thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, Trụ trì chùa Long Thiền, huyện Long Phú, Sóc Trăng, Trụ trì trùng tu Vĩnh Hưng tự, Tp. Sóc Trăng. Ủy viên Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương GHPGVN; Ủy viên Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương GHPGVN; Phó Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Sóc Trăng; Trưởng Ban Giáo dục Tăng Ni Tỉnh Sóc Trăng; Đồng Hiệu Trưởng Trường Trung Cấp Phật học tỉnh Sóc Trăng. Nguyên quán, trú quán Sóc Trăng - theo Thích Vân Phong sưu khảo.

- Ngô Văn Chương (? -?), Cư sĩ, hiệu là Thái Bình, chưa rõ thân thế, năm 1928, ông là một trong hai người cư sĩ là thành viên sáng lập hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học cùng với ông Trần Nguyên Chấn, trụ sở đặt tại chùa Linh Sơn - Sài Gòn. Trước đó, chư tăng dự định thành lập hội "Chấn hưng Phật giáo" cử ông Thái Bình - Ngô Văn Chương và Trần Nguyên Chấn làm thủ quỹ, nhưng xin phép không được - theo Biên niên sử PG Sài Gòn Gia Định.

- Sư Danh Chướp, Hòa thượng, hệ phái PG Nam Tông Khmer, sinh năm 1944, tự là Danh Tân, xuất gia năm 19 tuổi tại chùa Sóc Ven- huyện Gò Quao - Kiên Giang. Năm 21 tuổi, thọ Tỳ kheo và được đi học kinh luật tại chùa Đường Xuồng - Giồng Riềng. Năm 1973, ngài giữ chức trụ trì chùa Láng Cát (Rantanaransì). Lúc bấy giờ, chính quyền lập ra tổ chức gọi là Mekon để tập họp Sư sãi trong tỉnh dưới quyền điều động của văn phòng đặt tại chùa Láng Cát do sư Danh Bao và Công Xa Phan điều khiển. Ngài Danh Chướp dưới danh nghĩa là phó Mekon, nhưng thực ra được cách mạng giác ngộ từ lâu, có chân trong Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước. Năm 1972, Sư Danh Chướp đã vận động được 300 lính thuộc sư đoàn 9 và 21 bỏ ngũ, cạo đầu và mặc áo cà sa trốn về quê. Cùng năm đó, sư đoàn 21 vào chùa đặt tổng đài điện thoại. Sư Danh Chướp cầm đầu sư sãi trong chùa ra phản đối và đập phá máy móc khiến địch phải tháo dỡ dời đi nơi khác. Năm 1973, Sư Danh Chướp qua Sóc Trăng biểu tình giải thoát cho 300 sư sãi bị giam giữ trong trường Hoàng Diệu, cuộc tranh đấu thành công tháng lợi. Năm 1974, Sư dẫn đầu đoàn Sư sãi biểu tình chống bắt lính tại Rạch Giá. Cuộc biểu tình thắng lợi nhưng phải trả giá bằng sự hy sinh của bốn vị sư liệt sĩ ấp Cù Là - Châu Thành - Kiên Giang. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh 1975, Sư tích cực vận động binh sĩ buông súng để bảo toàn sinh mạng. Ngày 30-04-1975, Sư cùng sư sãi trong chùa Láng Cát đã thu gom được hơn 300 súng cùng máy móc, quân trang, mang giao nộp cho quân Giải phóng. Sư đã trụ trì chùa Láng Cát cho đến cuối đời, nguyên quán trú quán Gò Quao - Kiên Giang - theo báo Giác Ngộ số 110 năm 1995.

- Thiều Chửu (1902-1954),. Cư sĩ, NNC Phật học, nhà báo, nhà giáo, tên thật là Nguyễn Hữu Kha, hiệu Tịnh Liễu, Lạc Khổ. Năm 1934, tham gia thành lập Hội PGBK làm Trưởng ban Hộ niệm, Quản lý nhà in Đuốc Tuệ, Trưởng BBT báo Đuốc Tuệ (từ 1943), phụ trách tài chính xây dựng chùa Quán Sứ. xây dựng chùa Tế Độ và trường vừa học vừa làm Phổ Quang - Hà Nội. giảng sư các trường Phật học của Hội. Biên dịch, biên soạn trước tác ngót 90 đầu sách. Trong đó có những sách được tái bản nhiều lần như Giảng nghĩa kinh Kim Cương, Kinh Pháp Hoa, Khoá hư lục (biên dịch); Giải thích truyện Quan Âm Thị Kính, Con đường học Phật ở thế kỷ thứ XX (trước tác), đặc biệt là bộ Hán - Việt tự điển do ông biên soạn trong 6 năm trời, xuất bản lần đầu tiên vào năm 1942 tới năm 2017 đã được tái bản gần 30 lần, được đánh giá là “sách công cụ có giá trị vượt thời gian” - Xem Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha (2009) và Tiểu sử danh tăng tập 1 (1995).

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 326
    • Số lượt truy cập : 6947220