Thông tin

NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN Co

Co

 

- Đoàn Trung Còn (1908-1988), Cư sĩ, pháp danh Hồng Tai, ông thông thạo các thư tiếng, Pali, Sankrist, Anh, Pháp và Hán văn. Năm 1932, ông sáng lập nhà sách Phật học tòng thư Trí Đức tòng thư ở quận Quận Nhất - Sài Gòn và xuất bản trên 50 đầu sách, bắt đầu từ: Chuyện Phật đời xưa; Văn minh nhà Phật; Quê Tàu; Triết lý nhà Phật... Công trình to lớn nhất đóng góp cho kho tàng sách PG là bộ " Phật học từ điển" gồm 3 cuốn rất công phu chú thích bằng nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Năm 1955, ông sáng lập tông phái Tịnh Độ Tông Việt Nam và làm Hội chủ, trụ sở đặt tại chùa Liên Tông - quận Nhất, ông mất ngày 28 tháng Giêng năm Mậu Thìn, thọ 80 năm, 50 năm cống hiến đạo pháp, nguyên quán Bà Rịa, trú quán TP Hồ Chí Minh.

- Đặng Văn Công (1950-1963), nam Phật tử, thánh tử đạo, pháp danh Tâm Đồng. Hy sinh đêm 8-5-1963 trước đài phát thanh Huế, khi đang nghe lại buổi phát thanh lễ Phật đản của Giáo hội tổ chức ban sáng, thì bị xe thiết giáp của chế độ Ngô Đình Diệm xả súng và cán chết. Giáo hội PG Trung phần đã tấn phong Thánh tử đạo năm 1965, nguyên quán trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Hải Toàn Linh Cơ (1823-1896), Hòa thượng, đệ tử tổ Tánh Thiên Nhất Định, pháp danh Hải Toàn, pháp tự Linh Cơ, trụ trì chùa Diệu Đế và Tường Vân, Tăng cang chùa Giác Hoàng, nguyên quán Quảng Nam, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ tiền bối hữu công PG Thuận Hóa .

- Bùi Thiện Cơ (1889-1954) Cư sĩ, Tổng đốc Hải Dương trí sĩ, em ruột ông Bùi Thiện Căn. Phó chủ tịch hội Việt Nam Phật giáo (hội Phật giáo Bắc Kỳ đổi tên) từ ngày 19 tháng 5 năm 1945; Hội trưởng hội Việt Nam Phật giáo từ 1949 đến 1953. Là nhà hoạt động từ thiện xã hội nổi tiếng, nguyên quá chưa rõ, trú quán Hà Nội.

- Hoàng Thị Cúc (1890-1980), Nữ cư sĩ, tức Đoan Huy Hoàng Thái Hậu (mẹ vua Bảo Đại), quy y với HT Tâm Khoan, pháp danh Trừng Loan, pháp hiệu Thiện Trú. Năm 1917, Bà được phong Nhị Giai Huệ Phi, là người được vua Khải Định sủng ái nhất. Năm 1933, vua Bảo Đại tấn tôn Bà là Đoan Huy Hoàng Thái Hậu. Năm 1932, Nữ cư sĩ đã tác động vua Bảo Đại cho PG thành lập hội An Nam Phật học và chính vua Bảo Đại làm Hội trưởng danh dự của hội. Năm 1951, Nữ cư sĩ cho xây dựng chùa Khải Đoan ở Buôn Mê Thuột. Trong phong trào chấn hưng, Nữ cư sĩ đã phát tâm giúp đỡ tài lực cho các lớp học Tăng ở Tây Thiên và Báo Quốc để có điều kiện tu học. Chư tôn túc nào bị giặc Pháp bắt, Bà liền can thiệp với chính quyền để chúng thả ra. Bà đã làm rất nhiều phật sự công đức trong suốt cuộc đời. Khi cuối đời, Bà di chúc hiến tất cả tài sản mà triều Nguyễn ban tặng Bà cho chính quyền, nguyên quán trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Hoàng Thị Kim Cúc (1913-1989), Phật tử, pháp danh Tâm Chánh, tự Thế Hạnh, tác gia, bút hiệu Hoàng Hoa, Hoàng Hoa thôn nữ, Huynh trưởng cấp Dũng, Phó ban Hướng dẫn TW GĐPT Việt Nam, người chị cả của anh chị em GĐPT khắp 3 miền đất nước. Thành viên ban giảng huấn trường nữ Trung học Đồng Khánh - Huế. Bà nổi tiếng vì công dung ngôn hạnh đầy đủ, một điển hình cho cô gái Huế trí thức, một Phật tử mẫu mực, dịu hiền và đạo hạnh. Với bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ cùa nhà thơ Hàn Mặc Tử sáng tác năm 1939 để tặng cho bà, là một kỷ niệm trong trắng thanh cao cho mối tình khác tôn giáo giữa ông với bà, đã làm bao văn nhân mặc khách tốn hao giấy bút để viết và ca ngợi. Bà có 2 tác phẩm: Những món ăn nấu lối Huế, Cách nấu chay, nguyên quán trú quán Thừa Thiên Huế - theo trang nhà www.gdptvn.org

- Tánh Thiện An Cư (?-1862), Hòa thượng, trụ trì chùa Thiền Tôn-núi Thiên Thai sau khi Hòa thượng Đạo Tâm - Trung Hậu viên tịch, ngài trụ trì được 28 năm, từ năm 1834 đến năm 1862, ngài là trụ trì đời thứ 6 tổ đình Thiên Thai Thiền Tôn Tự, nguyên quán chưa rõ, trú quán Phú Xuân - theo Chư Thiền đức & Cư sĩ tiền bối hữu công PG Thuận Hóa.

- Viên Chiếu Như Cự (1892-1943), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 41, thế danh Lê Như Cự, xuất gia năm 1941 với HT Minh Tịnh - chùa Tây Tạng - Thủ Dầu Một, Bình Dương, pháp danh Như Cự, pháp tự Viên Chiếu. Cuối năm 1941, ngài đến tổ đình Linh Sơn - Vạn Ninh gặp ngài Quảng Đức để học hỏi kinh nghiệm khi Bồ tát ẩn tu nơi Núi Đất (Địa Sơn) - Ninh Hòa. Từ đây cả hai vị cùng tu với nhau ở Hòn Lớn - vùng Suối Cát trong 2 năm. Ngài thị tịch tại đây trong tư thế thiền tọa. Dân chúng lập tháp ngài tại nơi thị tịch, nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán Vạn Ninh - Khánh Hòa - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa tập 3.

- Võ Đình Cường (1918 -2008), Cư sĩ, Nhà văn, Huynh trưởng cấp Dũng. Ông quy y với HT Trí Thủ - chùa Báo Quốc, pháp danh Nguyên Hùng. Cuộc đời ông dành tất cả tâm lực cho sự nghiệp gầy dựng, phát triển và hướng dẫn giáo dục cho Gia đình Phật tử Việt Nam từ những năm đầu 1947 đến cuối đời. Năm 1951, đại hội Gia đình Phật Hóa Phổ tổ chức tại chùa Từ Đàm đã đổi danh xưng Gia đình Phật Hóa Phổ thành Gia đình Phật tử Việt Nam và ông được bầu làm Trưởng ban Hướng dẫn Trung ương Gia đình Phật tử Việt Nam, Năm 1941-1945, từ rất sớm ông đã là một nhà báo, cộng tác với tờ Viên Âm. Năm 1945-1957, ông đảm nhiệm khi thì làm Tổng thư ký tòa soạn, khi thì biên tập viên các báo Giải Thoát, Tiến Hóa, Ngày Mai, Liên Hoa tại Huế. Từ năm 1957-1966, Cư sĩ biên tập viên tạp chí Phật Giáo Việt Nam, Tổng thư ký báo Hải Triều Âm và Tổng thư ký tuần báo Thiện Mỹ. Năm 1976, ông đảm trách Tổng biên tập báo Giác Ngộ. Năm 1981, đại hội thống nhất PGVN, ông giữ chức Trưởng ban Văn hóa TW GHPGVN. Năm 1982, ông cho ra đời tờ Tập Văn Phật Giáo, đến số 55 thì đình bản đổi san tạp chí Văn Hóa Phật Giáo, ông vẫn phụ trách Tổng biên tập. Năm 1987-2002, Cư sĩ đảm nhận chức Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam. Ngoài ra trong sự nghiệp sáng tác, ông là một nhà văn đã xuất bản trên 10 tác phẩm như: Ánh Đạo Vàng; Thử Hòa Điệu Sống (1949); Đây Gia Đình (1956); Đường Tam Tạng thỉnh kinh (1960); Những cặp kính màu (1964); Những ngã đường (1965); Đạo Phật qua cặp kính màu của tôi (1967); Cành hoa Mẹ tặng (1972); Vi phạm nhân quyền tại Việt Nam (1964), ông ra đi ngày 29 tháng Giêng năm Mâu Tý (06-03- 2008) thọ 91 năm, 70 năm phục vụ đạo pháp, nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán TP Hồ Chí Minh - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 3.

- Nguyễn Mạnh Cường, sinh năm 1954, Tiến sĩ Khảo cổ học. Nguyên Trưởng phòng Đào tạo Viện Nghiên cứu Tôn giáo- Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Tác phẩm: Chùa Dâu - Tứ Pháp và hệ thống các chùa Tứ Pháp, nxb Khoa học xã hội, 2000. Nguyên quán Hưng Yên, trú quán Hà Nội - theo Nguyễn Đại Đồng sưu khảo.

- Huỳnh Thái Cửu (1866 -1935), Cư sĩ, nhà nho, quan Huyện, trí thức PG, năm 1925, ông mua đất xây dựng một ngọn chùa tháp cao tới 25m tại Sài Dần, bên tả thì cất chùa Cao Miên, bên hữu thì cất chùa An Nam lấy hiệu Vinh Sơn Tự để Phật giáo đồ hai quốc gia cùng chan hòa trong ánh Đạo vàng Từ bi Trí tuệ. Là người thâm hiểu giáo lý Phật đà, ông biết do Tăng đồ thất học sẽ dẫn đến lệch lạc, gieo mầm tà kiến, mê tín cho nhân gian, nên nhân kỳ mãn Hạ tại chùa Long Phước - Trà Vinh năm Bính Dần (1926), ông với chư tôn đức Hòa thượng qua nhà ông tại Trà Sất để thiết trai cúng dường rồi ông nêu thỉnh nguyện khẩn cầu chư tôn đức nên “sửa đạo”. Bài văn ông đọc giọng thảm thiết, làm cho các vị đại đức mủi lòng cảm động.Từ đấy cái thuyết Phật giáo hội (tức chấn hưng phật giáo) mới manh nha trong lòng các vị Đại đức, và Hòa thượng Lê Khánh Hòa đã dốc sức khởi động. Kịp khi chùa Linh Sơn - Sài Gòn kiến tạo Pháp Bảo Phường mà không có tiền để thỉnh Đại tạng kinh, ông và các vị cư sĩ đàn na tỉnh Trà Vinh góp chung số tiền là 1300$ thỉnh một bộ Tục Tạng kinh chữ Hán 750 quyển và sắm năm cái tủ để đựng số kinh ấy tại hội quán Nam Kỳ Phật học Hội - Sài Gòn. Ngày 20-21-22 tháng 12 năm 1929, Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học tổ chức lễ khánh thành 2 ngôi Pháp Bảo Phường Thích Học Đường tại chùa Linh Sơn - Sài Gòn, ông hết lòng cổ động trong hạt Trà Vinh và Bến Tre khuyến khích Phật giáo đồ cung thỉnh chư tôn đức Tăng già Phật giáo Nam tông Khmer đến Linh Sơn dự. Ông còn mời hai gánh nhạc thồ ở Trà Vinh lên chùa biểu diễn gây tiếng vang nơi chốn kinh thành. Sau khi chính quyền không cấp phép cho Liên đoàn Phật giáo mở trường dạy tăng đồ học Phật, ngày 6 tháng 2 năm Giáp Tuất (1934), Huỳnh Thái Cửu cùng các bạn đồng chí lập hội Lưỡng Xuyên Phật học, và lập Thích Học Đường. Hội đã suy cử ông làm Chánh Hội trưởng khai sáng đầu tiên. Vì tuổi già hay bệnh, nên ngày khai đại hội để cử Ban Trị sự chính thức, ông xin nhường chức Chánh Hội trưởng cho một vị Hòa thượng, nguyên quán Trà Vinh, Ông mất ngày 8 tháng 11 năm Ất Hợi (1935) thọ 64 năm, nguyên quán trú quán Trà Vinh.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 228
    • Số lượt truy cập : 6947249