NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN D
D
- Dương Dal (1923-2017), Hòa thượng, Sư cả hệ phái PG Nam Tông Khmer, xuất gia năm 1940 tại chùa Bai Chhau - Sóc Trăng, pháp danh Ăngtessôvănhnathê. Năm 1975, ngài trụ trì chùa Bai Chhau. Năm 1998-2001, ngài là Ủy viên HĐCM GHPGVN kiêm Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Sóc Trăng. Ngài còn là Cố vấn Hội đoàn kết Sư Sãi Yêu nước tỉnh Sóc Trăng. Chứng minh BTS PG huyện Mỹ Xuyên. Ngài được trao tặng Huân chương "Vì sự nghiệp phát triển Dân tộc và Miền núi" của UB Dân Tộc (2001), Bằng khen của UBMTTQVN về thành tích xây dựng chùa Bai Chhau. Ngài viên tịch ngài 07-06-2017 tại chùa Bai Chhau, thọ 95 năm, 74 hạ lạp, nguyên quán trú quán Mỹ Xuyên - Sóc Trăng - theo trang nhà www.giacngo.vn
- Nguyễn Như Danh (1924-2016), Cư sĩ, quy y với HT Thiện Siêu - chùa Từ Đàm, pháp danh Nguyên Thông, ông lớn lên ở Quảng Nam, lập nghiệp ở Huế. Từ năm 1941-1947, ông viết tập thơ Dư Vang, là tác phẩm thơ tình lãng mạn do biến cố vợ con chết sớm. Từ 1947-1952, ông viết tập thơ Xuân khói lửa, là những vần thơ kêu gọi đấu tranh chống thực dân Pháp. Năm 1951, ông bắt đầu tham gia tổ chức GĐPT và trải qua các chức vụ: huynh trưởng GĐPT Phú Hòa; Thư ký BHD GĐPT Thừa Thiên; Phó thư ký BHD GĐPT Trung phần; Đoàn trưởng Đoàn cựu huynh trưởng GĐPT Thừa Thiên Huế. Năm 1956, ông là huynh trưởng cấp Tấn. Từ năm 1952, ông làm Thư ký trường Bồ Đề Thành Nội cho đến ngày thống nhất 1975. Ngoài làm thơ, ông là ngòi bút viết văn sắc sảo, cùng với huynh trưởng Tâm Đại Lê Văn Dũng phụ trách cơ sở truyền thông PG Hoa Đàm, những bài diễn văn Phật đản hàng năm tại Huế phần lớn do ông chấp bút. Ông mất ngày 28-4-2016 tại Huế, thọ 93 năm, nguyên quán Quảng Nam, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa tập 3.
- Trần Dạnh (1926-2009), Hòa thượng, pháp danh Kesaravinayo Maha, Nguyên quán tại phum Đikrohom, xã Hàm Tân, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Nguyên Hiệu trưởng Trường xóa mù chữ và Pali Vinaya Trung cấp. Nguyên Hội trưởng Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước tỉnh Trà Vinh suốt 5 nhiệm kỳ. Ngài đã được Đại hội suy tôn làm thành viên Hội đồng Chứng minh, suy cử làm ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho đến ngày về cõi Phật (2009). Và đồng thời được chư Tăng, Phật tử cung thỉnh làm Prắc Mekone Phật giáo Khmer tỉnh Trà Vinh cho đến ngày nhập Niết bàn. Nhà nước trao tặng Huy chương Kháng chiến Chống Mỹ Hạng nhất, Huy chương Vì Sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân, Huy chương Bảo vệ An ninh Tổ quốc, Huy chương Về Sự nghiệp phát triển dân tộc miền núi, Bằng Tuyên dương Công đức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và nhiều bằng khen, giấy khen. Thuận thế vô thường, ngài an nhiên viên tịch vào lúc 20giờ 50 phút, ngày 05 tháng 6 năm 2009, (nhằm ngày 13 tháng 5 năm Kỷ Sửu, Phật lịch 2553). Hưởng thọ 84 xuân, Giới lạp 63 Hạ - theo Thích Vân Phong biên khảo.
- Danh Dện (1917-1987), Hòa thượng, hệ phái PG Nam Tông Khmer, thế danh Danh Dện, pháp danh Ekapanna (Nhất trí), xuất gia năm 1943 lúc 26 tuổi và thọ cụ túc giới tại giới đàn chùa Thứ Hồ - Tà Mum do HT Tăng Óc làm Thầy tế độ. Hai năm sau, ngài đến chùa Mandà Muni - Tà Mum để học thêm kiến thức. Sau đó, ngài được cách mạng mời tham gia hội nghị tại chùa Lăng Dưa - Cà Mau. Khi ngài trở về chùa cũ của mình, thì thấy lính Pháp đã đuổi dân làng đi cả, ngài bèn về chùa Sóc Veng Cũ và tạm trú ở đây 6 tháng. Năm 1947, ngài đến chùa Láng Cát - Rạch Giá và chùa Khlang Oong học thêm với HT Tăng Sanh. Được sự giúp đỡ tận tình của HT Tăng Sanh, ngài đã lưu trú tại đây đến cuối đời. Năm 1955, ngài được bầu làm Phó trụ trì chùa Khlang Oong. Năm 1970, ngài Tăng Sanh viên tịch, ngài được bầu kế thừa trụ trì chùa Khlang Oong. Năm 1975, ngài được cung thỉnh làm Thầy tế độ (HT Đàn đầu) trong các giới đàn PG Nguyên thủy ở khắp miền Tây Nam bộ. Năm 1977, ngài vận động xây dựng Đại Tháp thờ 4 vị sư liệt sĩ hy sinh năm 1974. Năm 1979, ngài lại vận động xây lại chùa Thứ Hồ đã bị tàn phá bởi chiến tranh. Năm 1983, ngài vận động xây dựng lớp học cho con em Khmer xóa nạn mù chữ. Ngài xả báo thân ngày mồng 8 tháng 8 năm Đinh Mão (1987) thọ 70 năm, 44 hạ lạp, nguyên quán trú quán Rạch Giá - Kiên Giang - theo Danh Sol cung cấp.
- Thích Hạnh Diên (1912 -2017), Hòa thượng, thế danh Trương Quang Phó, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 42, pháp danh Hạnh Diên, pháp hiệu Vĩnh Trường. Ngài trụ trì chùa Viên Giác Thanh Sơn- Núi Thình Thình- xã Bình Tân- huyện Bình Sơn - Quảng Ngãi. Ngài xả báo thân tại chùa Viên Giác ngày 12 tháng 2 năm Đinh Dậu (09-03-2017), thọ 104 năm, 75 hạ lạp, bảo tháp lập ở khuôn viên chùa Viên Giác - núi Thình Thình. Ngài nguyên quán Tịnh Khê, trú quán Bình Sơn - Quảng Ngãi - theo trang nhà www. giacngo.vn
- Thích Quang Diệp (1915-1968), Hòa thượng, đệ tử HT Huệ Minh - chùa Từ Hiếu, pháp danh Trừng Liên, pháp tự Quang Diệp, pháp hiệu Chơn Tánh, ngài là học tăng PHĐ Tây Thiên - Huế. Những năm 1950-1960, ngài được Giáo hội cử làm Chánh đại diện Lâm thời PG các tỉnh Cao nguyên miền Nam Việt Nam. Năm 1960, ngài được sơn môn mời về Giám tự tổ đình Từ Hiếu, sau đó trụ trì chùa Từ Phong Lan Nhã-Huế, nguyên quán trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.
- Thích Tiêu Diêu (1892-1963), Thượng tọa, Thánh tử đạo pháp nạn 1963, thế danh Đoàn Mễ. Ngài xuất gia năm 1930 với HT Tịnh Khiết - chùa Tường Vân, pháp danh Tâm Nguyện, pháp hiệu Tiêu Diêu. Năm 1952, ngài thọ đại giới và xin phép bổn sư cho đến sau vườn chùa Châu Lâm dựng am tranh nhập thất tu niệm. Năm 1963, pháp nạn PG xảy ra, ngài quyết định đến sân chùa Từ Đàm tự thiêu lúc 04 giờ sáng ngày 16 tháng 8 năm 1963 để cúng dường đạo pháp. Ngài trụ thế 71 tuổi đời với 32 tuổi đạo. Năm 1965, GHPGVNTN đã truy phong thánh tử đạo cho ngài, nguyên quán trú quán Thừa Thiên Huế - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 2.
- Thích Huyền Diệu, tục danh Lâm Trung Quốc, sinh năm 1946, tại Ba Tri, Bến Tre. Xuất gia tu học với lão Hòa thượng Thích Hoằng Nhơn ở chùa Mai Sơn, Tịnh Biên (An Giang). Nguyên chủ nhiệm tờ Nhật báo Gió Nam (nhưng chỉ một năm sau do tố cáo tội ác Mỹ Sơn, Mỹ Lai trước toà án Hoa Kỳ, phiên xử 21-12-1969 ủy quyền cho luật sư Paul Martingking đại diện quyền lợi nạn nhân bị đình bản), Trước năm 1975, Ngài đã sang Pháp du học và hoàn thành học vị Tiến sĩ khoa thần học tại Đại học Sorbornne, Pháp. Sau đó, ngài tiếp tục sang Ấn Độ tiếp tục nghiên cứu và tu hành. Khai sơn và trụ trì Việt Nam Phật Quốc tự, Ấn Độ, Khai sơn và trụ trì Việt Nam Phật Quốc tự, Lumbini (Lâm Tỳ Ni), Nepal, Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo quốc tế Lâm Tỳ Ni. Từng được Nepal đề cử giải Nobel Hòa bình nhưng ngài từ chối. Thích Huyền Diệu, người khởi xướng đầu tiên, kêu gọi cộng đồng Phật giáo thế giới, khôi phục các thánh tích Phật giáo tại Nepal và Ấn Độ, và xây dựng hai ngôi chùa Việt Nam tại hai thánh tích quan trọng là Lâm-tỳ-ni (Lumbini) và Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya). Thích Huyền Diệu cũng là nhà sư có công đầu trong việc thuyết phục phe du kích quân Maoist và chính phủ Nepal ngồi vào bàn đàm phán, ký kết hiệp ước hòa bình, chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 10 năm, làm hơn 13.000 người thiệt mạng. theo Thích Vân phong biên khảo.
- Thích Trí Diệu (1916-1982), Hòa thượng, pháp danh Không Vân, hiệu Trí Diệu, đời thứ 41 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 20 pháp phái Vạn Phong Thời Ủy. Ngài thế danh Nguyễn Trí Diệu, sinh năm Bính Thìn (1916) tại thôn Nhạn Tháp, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, Bình Định. 13 tuổi theo Quốc sư Phước Huệ xuất gia tại Tổ đình Thập Tháp. Theo học PHĐ Thập Tháp, Bình Định và PHĐ Tây Thiên, Huế. Năm 27 tuổi được cử làm Giám viện tổ đình Thập Tháp. Năm 30 tuổi làm trụ trì chùa Pháp Tràng, huyện Vĩnh Thạnh. Kế đó được cải bổ làm trụ trì chùa Huệ Quang, huyện Phù Cát, Bình Định. Sau khi HT Huệ Chiếu trùng tu chùa Phước Long tại thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn thì Ngài được môn phái cử về trú trì cho đến cuối đời. Ngài từng đảm nhận Chánh đại diện PG huyện Bình Khê. HT viên tịch vào ngày 17 tháng 4 năm Nhâm Tuất (1982) hưởng thọ 66 tuổi. Ngài sinh và trú quán tại Bình Định - theo trang nhà www.bodephatquoc.com
- Tâm Diệu, Cư sĩ, NNC Phật giáo, sinh năm 1943, pháp danh Tâm Diệu, bút hiệu Hoàng Liên Tâm, thế danh Nguyễn Xuân Quang, cử nhân Khoa học điện toán đại học University of Mississippi, Oxford, Hoa kỳ, ông là đệ tử của HT Đôn Hậu tại chùa Thiên Mụ - Huế năm 1967, thọ pháp với HT Duy Lực năm 1990, thọ Bồ tát giới năm 2000 tại chùa Tường Vân - Huế. Cư sĩ hiện là Chủ biên Website Thư Viện Hoa Sen và là soạn giả các sách về dinh dưỡng đã được xuất bản chính thức tại Việt Nam và Hoa Kỳ: Thực Phẩm Rau Đậu Qua Lăng Kính Khoa Học (1997); Quan điểm về ăn chay của Đạo Phật (1998, 1999, 2000); Đậu nành, nguồn dinh dưỡng tuyệt hảo(1999); Dinh dưỡng ngăn ngừa bệnh tật (2000, 2002), nguyên quán Hưng Yên, trú quán Hoa Kỳ - theo trang nhà www. quangduc.com
- Thích Viên Diệu (1954 -2015), Hòa thượng, thế danh Trần Bá Kông, xuất gia năm 1973 với HT Thiện Tấn - chùa Thiền Tôn - Huế, pháp danh Nguyên An, pháp tự Viên Diệu, pháp hiệu Huyền Đức. Năm 1976, ngài thọ đại giới tại tổ đình Ấn Quang do HT Hành Trụ làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1985, ngài định cư ở Canada và trụ trì chùa Quan Âm ở Montreal. Năm 1990, ngài khai sơn chùa Thiền Tôn tại Montreal và trụ trì chùa Bồ Đề ở TP Quebec. Năm 1992, GHPGVNTN hải ngoại tại Canada được thành lập, ngài giữ chức Tổng vụ trưởng Tổng vụ Cư sĩ. Năm 2007, ngài mua một khu đất rộng 85 mẫu ở Ontario xây dựng tổ đình Thuyền Tôn hải ngoại. Tâm nguyện còn dỡ dang thì ngài xả báo thân ngày mồng 5 tháng 7 năm Ất Mùi (18-08-2015) thọ 62 năm, 42 giới lạp, nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán Canada.
- Danh Dinl (1908-1992), Hòa thượng, Sư cả hệ phái PG Nam Tông Khmer, xuất gia năm 1930 tại chùa Peang-Som-Ritch - Mỹ Tú - Sóc Trăng, pháp danh Inda Ppannà. Năm 1933, ngài sang tu học và hành đạo ở Campuchia đến năm 1949 trở về Việt Nam lần thứ nhất. Năm 1951, ngài trở lại Campuchia lần thứ hai để giảng dạy và tu hạnh Đầu đà. Năm 1974, ngài chính thức trở về Việt Nam hành đạo. Năm 1977, ngài được cử trụ trì chùa Siri Muri Varisà - Peang Som Ritch - Mỹ Tú, Sóc Trăng, ngài thị tịch ngày 25 tháng 7 năm Nhâm Thân (23-08-1992) thọ 84 năm, 62 tuổi đạo, nguyên quán Sóc Trăng, trú quán Cao Miên - Sóc Trăng - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 2.
- Hồ Thăng Doanh (1869-1941), Tú tài, Cư sĩ, Tú tài Hồ Thăng Doanh sinh năm Kỷ Tỵ (1869), người làng Khuê Đông, Hòa Quý, Hòa Vang, Đà Nẵng. Thân phụ là cụ ông Hồ Đăng Phái và thân mẫu là cụ bà Đặng Thị Đào. Ông thi đỗ Tú tài vào khoa thi đời vua Thành Thái. Sau khi lập gia đình với bà Trần Thị Toán, ông về sống tại quê vợ dưới chân Ngũ Hành Sơn. Từ đây, Ông để tâm nghiên cứu Phật học, thường lên chùa Tam Thai và Linh Ứng để đàm đạo với các Thiền sư. Ông quy y với Ngài Tăng cang Từ Trí nên có pháp danh Chơn Cẩn. Dưới sự chứng minh của Hòa thượng Từ Trí, vào năm 1916, Ông đã biên soạn cuốn Ngũ Hành Sơn Lục, một tác phẩm có giá trị về lịch sử của Phật giáo Ngũ Hành Sơn. Đồng thời Ông soạn lời cho văn bia Hòa thượng Phổ Bảo tại chùa Chúc Thánh cũng như văn bia Hòa thượng Từ Trí tại chùa Linh Ứng. Thông thường trong các văn bia Ông thường để là: "Bạn Tăng Hành Sơn Tú Tài Hồ Thăng Doanh" Nghĩa là người bạn của chư Tăng, tú tài Hồ Thăng Doanh ở núi Ngũ Hành. Ông qua đời vào ngày mồng 7 tháng 11 năm Tân Tỵ (1941), hưởng thọ 73 tuổi. Ban đầu mộ phần được an táng dưới chân Ngũ Hành Sơn, về sau được con cháu cải táng về nghĩa trang gia tộc tại Hòa Sơn. Đa phần các tác phẩm của Ông đều bị thất lạc, chỉ còn lưu tại cuốn Ngũ Hành Sơn Lục - theo tư liệu Thích Như Tịnh sưu khảo.
- Thích Pháp Dõng (1915-1982), Hòa thượng, dòng Tế Thượng Thiên Thai Thiền Giáo Tông đời 42, thế danh Trần Quang Phải, xuất gia năm 1934 với tổ Huệ Đăng - chùa Thiên Thai - Bà Rịa, pháp danh Thiện Dõng, pháp tự Trừng Lực, pháp hiệu Pháp Dõng và tu học nơi đây trong 8 năm. Năm 1941, ngài được thọ đại giới tại giới đàn chùa Long Hòa. Sau khi thọ giới ngài về quê khai sơn chùa Tường Quang ở An Phú Đông - Gia Định. Năm 1945, Hội PG Cứu quốc tỉnh Gia Định được thành lập, trụ sở đặt tại chùa Tường Quang và ngài giữ chức Phó hội trưởng của hội. Năm 1951, ngài giữ chức Chủ tịch Mặt trận Liên Việt - Việt Minh tỉnh Gia Định - Tây Ninh, lấy bí danh là Thích Quang Minh. Năm 1955, ngài trở về trùng tu chùa Tường Quang sau chiến tranh. Năm 1960-1970, ngài về chùa Thiên Trường ở quận 8 Sài Gòn, nhập thất chuyên trì lạy kinh Pháp Hoa trong 15 năm tại đây. Năm 1975-1982, ngài về lại trụ trì chùa Tường Quang và mở phòng thuốc Nam châm cứu từ thiện. Năm 1981, ngài được cung thỉnh vào Thành viên HĐCM GHPGVN, ngài xả báo thân ngày mồng 5 tháng 10 năm Nhâm Tuất (1982) thọ 68 năm, 42 tuổi đạo, nguyên quán trú quán Hóc Môn Gia Định - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 3.
Tin tức khác
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 26 – THÁNG 10 NĂM 2018 (PL. 2562)
Bình luận bài viết