NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN Du
Du
- Võ Đình Dung (1900-1967), Cư sĩ, pháp danh Tâm Thuần, ông là nhà doanh nghiệp, thầu khoán kiến trúc, một Phật tử nhiệt thành với phật sự hai tỉnh Đà Lạt- Lâm Đồng và Nha Trang- Khánh Hòa. Cư sĩ và gia đình góp công cùng các cư sĩ khác mua đất xây dựng chùa Linh Sơn làm trụ sở cho tỉnh hội PG Lâm Đồng. Ngoài ra, các công trình PG ở Huế và Nha Trang được ông phụ trách xây dựng. Ông đã góp công lao xây dựng PG Trung kỳ giai đoạn 50- 60 của thế kỷ XX, nguyên quán Quảng Ngãi, trú quán Đà Lạt Lâm Đồng - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.
- Thích Huyền Dung (1918-2014), Hòa thượng, pháp húy Như Lễ, đệ tử Tổ Chơn Giám, chùa Bích Liên - Bình Định. Năm 1940, học tăng Phật học viện Báo Quốc, đồng khai sáng Phật học đường Liên Hải, chủ bút báo Từ Bi Âm, sáng lập hai Phật học viện Mai Sơn và Sùng Đức, thành viên Ban giám đốc Phật học đường Nam Việt - chùa Ấn Quang và giáo sư bậc Cao đẳng Phật học đường Nam Việt - chùa Ấn Quang. Ngài là Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già Nam Việt. Năm 1953, ngài xuất ngoại du học và hoằng pháp tại Anh quốc, tốt nghiệp Thạc sĩ đại học Luân Đôn. Năm 1999, sang Hoa kỳ định cư và giảng dạy Phật học, ngài xả báo thân vào Rằm tháng 2 năm Giáp Ngọ (15-03-2014) thọ 96 năm, 75 hạ lạp, nguyên quán Bình Định, trú quán Anh quốc và Hoa Kỳ - xem thêm ở www.quangduc.com
- Thích Viên Dung (1903-1972), Hòa thượng, là đệ tử HT Đắc Quang, được pháp danh Hồng Cảnh, pháp tự Viên Dung, pháp hiệu Huyền Nghĩa, học tăng PHĐ Tây Thiên và Báo Quốc, trụ trì chùa Khánh Vân của dòng tộc Lựu Bảo. Năm 1947, chùa bị giặc Pháp đốt phá, ngài qua chùa Linh Mụ tu học và được Giáo hội cử phụ trách Nghi lễ cho PG tỉnh nhà. Đến khi bình yên, ngài trở về chùa cũ xây dựng lại và hoằng pháp lợi sanh cho đạo tràng viên mãn, nguyên quán trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.
- Phạm Anh Dũng, Cư sĩ, pháp danh Nhật Trí, sinh năm 1958, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư, Cao học Khoa học lịch sử, ông xuất thân là tu sĩ chùa Thiên Quang - Thủ Đức, sau khi tốt nghiệp Kiến trúc sư, ông chuyên môn giảng dạy về kiến trúc chùa tháp PG Việt Nam, Trưởng khoa kiến trúc cổ tại đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, NNC Phật giáo, thành viên Trung tâm Nghiên cứu PGVN, nguyên quán Gò Công, trú quán TP Hồ Chí Minh.
- Thích Giác Dũng (1929-2013), Hòa thượng, hệ phái PG Khất sĩ Việt Nam, thế danh Lê Mỹ, xuất gia năm 1964 với trưởng lão Giác An- tịnh xá Ngọc Long - Diêu Trì - Bình Định, pháp danh Thiện Mẫn. Năm 1965, ngài thọ giới Sa di và được pháp hiệu Giác Dũng. Năm 1969, ngài thọ đại giới tại tịnh xá Ngọc Hải - Cam Ranh do trưởng lão Giác An - Trưởng Giáo đoàn III làm Đàn đầu truyền giới. Từ đó ngài dấn thân hành đạo, lưu trú trải qua các miền tịnh xá: Ngọc Hạnh - Kon Tum, Ngọc Cát - Phan Thiết, Ngọc Sơn - Bình Định, Ngọc Phúc - Gia Lai, Ngọc Phú - Tuy Hòa... Năm 1972, ngài về Bình Tuy khai sơn tịnh xá Ngọc Minh. Năm 1975, ngài về trụ tại tịnh xá Ngọc Quang - Ban Mê Thuột - Đăk Lăk hoằng hóa độ sanh tại đây. Năm 1976, ngài được cử làm Trị sự trưởng Giáo đoàn III. Năm 2001, ngài được suy cử làm Đệ tứ Trưởng Giáo đoàn III. Năm 1997-2007, ngài làm Trưởng BTS PG tỉnh Đăk Lăk. Năm 2007, ngài được suy tôn làm Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Đăk Lăk, ngài thu thần tịch diệt vào ngày 25 tháng 2 năm Quý Tỵ (05-04-2013) thọ 84 năm, 44 hạ lạp, nguyên quán Bình Định, trú quán Đăk Lăk - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 3.
- Thích Giác Dũng, Thượng tọa, sinh năm 1963, thế danh Thân Văn Vần, đệ tử HT Tâm Châu - chùa Từ Quang, tốt nghiệp Học viện PGVN khóa 2 và du học Nhật Bản, là Phó trụ trì tổ đình Vĩnh Nhiêm-TP Hồ Chí Minh, kiêm trụ trì tu viện Vĩnh Nghiêm- Quận 12 (Gò Vấp), tác phẩm: Phật giáo Việt Nam, Dân tộc Việt Nam; Lịch sử Phật giáo Nhật Bản, nguyên quán Bắc Giang, trú quán TP Hồ Chí Minh.
- Thích Trí Dũng (1906-2001), Hòa thượng, sinh năm 1906 tại thôn Ứng Luật, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, Khi phụ thân của ngài bị thực dân Pháp bắt đày đi Côn Đảo và qua đời tại đó, Ngài được cụ Huỳnh Thúc Kháng đưa về nuôi dưỡng. Ngài đã xuất gia đầu Phật từ thuở ấu niên. Năm 1934, khi Hội Phật giáo Bắc kỳ thành lập, ngài được cử làm Ủy viên T.Ư Hội. Năm 1946, Hòa thượng là Ủy viên Hội Liên Việt Liên khu 3, được vinh dự yết kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1947, do có công giải cứu 2.000 người yêu nước bị địch giam cầm ở Phát Diệm (Ninh Bình), Hòa thượng được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi. Nguyên thành viên HĐCM GHPGVN; Chứng minh đạo sư môn phái Vĩnh Nghiêm – khai sơn chùa Nam Thiên Nhất Trụ- Thủ Đức, khai sơn chùa Phổ Quang của nghĩa trang hội PG Bắc Việt ở Tân Sơn Nhất. Ngài viên tịch ngày mồng 9 tháng 10 năm Tân Tỵ (23-11-2001). Do có nhiều cống hiến và đức hạnh, năm 1997, ngài vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng nhì. Nguyên quán Kim Sơn - Ninh Bình, trú quán Tp Hồ Chí Minh - theo Thích Vân Phong sưu khảo.
- Lê Văn Dũng (1927 -1979), Cư sĩ, pháp danh Tâm Đại. Năm 1949, Cư sĩ tham gia Gia đình Phật Hóa Phổ và tổ chức nhiều trại huấn luyện Huynh trưởng các cấp. Năm 1963-1966, trong 2 cuộc pháp nạn, ông đã sát cánh cùng chư tôn đức Tăng già trong các phật sự cần đến GĐPT. Ông tham gia chương trình phát thanh PG thường kỳ trên đài phát thanh Huế trong suốt 20 năm từ 1951. Cũng trong thời kỳ này, ông thường xuyên điều khiển các chương trình lễ Phật đản và các lễ lớn khác tại Thừa Thiên Huế. Ông làm việc tại trường Bồ Đề Thành Nội Huế với cương vị Quản lý từ năm 1955-1970. Năm 1970, Cư sĩ thành lập Trung tâm Hoa Đàm là trung tâm xuất bản, phát hành băng đĩa ghi âm PG lớn nhất thời bấy giờ. Sau năm 1972, ông và gia đình chuyển vào sống ở Sài Gòn tiếp tục điều hành trung tâm Hòa Đàm Sài Gòn. Ông là tác giả phần lời trong 2 ca khúc nổi tiếng PG, viết chung với nhạc sĩ Văn Giảng (Nguyên Thông): Từ Đàm quê hương tôi; Có những hồi chuông, nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán TP Hồ Chí Minh - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.
- Lý Việt Dũng, Cư sĩ, NNC Phật học, dịch giả, sinh năm 1939, tuổi thơ của ông cũng lắm phen lênh đênh. Ông là quý tử của nhạc sĩ Lý Khi, người có ngón đàn kìm vang danh một thời và thuộc lớp đàn anh của nhạc sĩ Cao Văn Lầu (tác giả của “Dạ cổ hoài lang”). Cố gắng vượt qua các biến động thời cuộc để theo nghiệp đèn sách, nhưng rồi chiến tranh những năm 1960 vẫn cuốn ông xa rời giấc mơ trở thành thầy giáo. Quá đam mê chữ nghĩa, ông tự học, tự mò mẫm và rồi sở hữu lượng kiến thức khổng lồ, am hiểu nhiều ngôn ngữ như Anh, Pháp, chữ Hán, chữ Nôm, trở thành dịch giả nổi tiếng trong giới chuyên môn ở TP. HCM. Ông đã biên dịch, hiệu đính và chỉnh lại những chỗ chưa hợp lý của bản dịch quyển "Gia Định Thành thông chí" nức tiếng, khắc phục những điểm nhầm lẫn của bản dịch cũ do dịch giả chưa thông tường chữ Nôm, để các giảng viên, sinh viên, các nhà nghiên cứu hiểu hơn về phong tục tập quán Nam Bộ thời nhà Nguyễn. Ông cũng từng khảo cứu và xác nhận các chữ bị Hoàng đế Minh Mạng cho đục bỏ trên bia mộ thân sinh Tả quân Lê Văn Duyệt. Ông cũng đồng thời là một trong số ít Cư sĩ tại gia được GHPGVN mời giảng dạy về Thiền ngữ tại Học viện Phật giáo Việt Nam ở TP. HCM. Hiện ông là thành viên Trung tâm Nghiên cứu PGVN, ông giảng dạy Hán Nôm tại Học viện PGVN tại TP Hồ Chí Minh và làm thông dịch viên tiếng Anh cho các chuyên gia, tham gia ban dịch thuật Linh Sơn Pháp bảo của HT Tịnh Hạnh - Đài Loan, tác phẩm: Tịnh Độ Thánh Hiền Lục (trọn bộ 4 quyển); Cảnh Đức Truyền Đăng Lục; Cao Tăng Truyện, nguyên quán Bạc Liêu, trú quán Đồng Nai - theo Thích Vân Phong biên khảo.
- Thích Hưng Dụng (1915-1998), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 42, thế danh Đào Ngọc Thố, xuất gia năm 1926, đệ tử HT Tâm Khoan - Tăng cang chùa Diệu Đế, pháp danh Trừng Hóa, pháp tự Lương Bật. Năm 1934, ngài thọ đại giới tại giới đàn chùa Sắc tứ Thạch Sơn - Quảng Ngãi do HT Hoằng Thạc làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1946, ngài được cử trụ trì chùa Hội quán Phật học tỉnh Quảng Trị. Năm 1964, kế thế trụ trì chùa Kim Tiên - Huế. Năm 1992, ngài được cung thỉnh làm Thành viên HĐCM GHPGVN. Năm 1994, ngài được cung thỉnh làm Đàn đầu truyền giới trong giới đàn chùa Báo Quốc, ngài xả báo thân ngày mồng 7 tháng 11 năm Mậu Dần (1998) thọ 84 năm,70 hạ lạp, nguyên quán Quảng Trị, trú quán Thừa Thiên Huế - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 2.
- Thích Thanh Duệ, Hòa thượng, sinh năm 1955, Ủy viên Thư ký TW GHPGVN, Viện trưởng phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam phía Bắc, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Yên Bái và Vĩnh Phúc, trú xứ chùa Quán Sứ - Hà Nội, nguyên quán Nam Định, trú quán TP Hà Nội.
- Hải Thuận Lương Duyên (1806-1895), Hòa thượng, cũng gọi là Diệu Giác Thiền sư, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 40, ngài họ Đỗ, xuất gia năm 13 tuổi với Tăng cang Tánh Thiên Nhất Định. Năm 1830 thọ đại giới tại chùa Báo Quốc do HT Tế Chánh Bổn Giác làm Đàn đầu truyền giới, pháp danh Hải Thuận, pháp tự Lương Duyên, pháp hiệu Diệu Giác. Năm 1849, được cử trụ trì chùa Diệu Đế và sau đó được phong làm Tăng cang chùa này. Năm 1859, ngài trụ trì và trùng tu chùa Báo Quốc. Năm 1886, ngài được vua ban một y vàng ngũ thể bá nạp. Năm 1891, ngài khai đại giới đàn ở chùa Báo Quốc và làm Đàn đầu truyền giới, năm ấy ngài đã 89 tuổi. Ngài thế độ 40 vị và phú pháp 9 cao đồ có pháp danh chữ Thanh và pháp tự chữ Tâm, gọi là Cửu Tâm. Ngài thị tịch ngày 13 tháng Giêng năm Ất Mùi (1895) thọ 90 năm, 66 hạ lạp, tháp lập bên hữu chùa Báo Quốc tên là "Diệu Quang Tháp" - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa tập 1.
- Thích Thiện Duyên, Hòa thượng, sinh năm 1926, thế danh Võ Đình Như. Năm 1941, ngài xuất gia lúc 15 tuổi với HT Quảng Đức - chùa Tịnh An. Năm 21 tuổi, ngài đến cầu pháp với HT Giác Tánh - chùa Hưng Long, được pháp danh Quảng Thành, pháp tự Thiện Duyên. Năm 1953, PHĐ Nha Trang được thành lập, ngài được bổn sư cho theo học tại đây. Năm 1957, ngài thọ đại giới tại đại giới đàn Hộ Quốc- PHV Trung phần - chùa Hải Đức, được bổn sư ban pháp tự Quán Ngôn. Sau khi tốt nghiệp, ngài được Tổng hội PG Trung phần bổ nhiệm làm giảng sư đi giảng dạy các tỉnh thuộc Trung phần, ngài có duyên hoằng hóa tại Quảng Nam. Năm 1962, tỉnh Quảng Nam tách làm 2: Quảng Tín và Quảng Nam, ngài được Tổng hội PGVN bổ nhiệm làm Hội trưởng PG tỉnh Quảng Tín - trụ sở đặt tại chùa Hòa An. Năm 1963-1965, ngài khai sơn chùa Đạo Nguyên - là trụ sở mới của tỉnh hội PG Quảng Tín. Năm 1964, GHPGVNTN ra đời, ngài làm Chánh đại diện Tỉnh hội PG Quảng Tín. Năm 1977, 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín và Đà Nẵng nhập lại làm một, ngài giữ chức Phó đại diện tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng. Năm 1981, GHPGVN ra đời, ngài giữ chức Phó BTS Thường trực PG tỉnh QNĐN. Năm 1997, Quảng Nam Đà Nẵng lại chia tách tỉnh, ngài làm Trưởng BTS PG tỉnh Quảng Nam. Từ năm 1981, ngài là ủy viên HĐTS GHPGVN, đến năm 1996, ngài làm Trưởng BHD Nam Nữ Phật tử TW GHPGVN. Từ năm 2012, ngài được suy cử vào Hội đồng Chứng minh GHPGVN và Phó chủ tịch HĐTS GHPGVN, ngài nguyên quán Phù Cát- Bình Định, trú quán Quảng Nam - theo trang nhà www.phatgiaoquangnam.vn
- Thích Huệ Duyệt (1863-1933), Hòa thượng, Tăng Cang, Pháp danh Chơn Cảnh, pháp tự Đạo Hoằng, pháp hiệu Huệ Duyệt, đời 40 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 7 pháp phái Chúc Thánh. Ngài thế danh Nguyễn Cảnh, sinh ngày 13 tháng Chạp năm Quý Hợi (1863) tại làng Bảo An, Điện Bàn. Xuất gia làm đệ tử Hòa thượng Ấn Lan Từ Trí tại chùa Tam Thai. Thọ Tỳ kheo năm Đinh Dậu (1897) tại chùa Long Tiên với ngài Ấn Hướng Pháp Nhãn (Mộc Y Hòa thượng). Năm Bính Ngọ (1906) khai sơn chùa Bảo Thọ tại thôn Thọ Sơn huyện Duy Xuyên. Năm Nhâm Tuất (1922) được triều đình Sắc phong Tăng Cang và bổ làm trụ trì Ngự kiến Vĩnh An tự tại Duy Xuyên. Ngài viên tịch ngày mồng 2 tháng 3 năm Ất Hợi (1935), thọ 73 tuổi. Ngài nguyên và trú quán Quảng Nam - theo Thích Như Tịnh sưu khảo.
Tin tức khác
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 26 – THÁNG 10 NĂM 2018 (PL. 2562)
Bình luận bài viết