Thông tin

NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN G

G

 

- Phan Văn Gái (1928-2014), Cư sĩ, cả gia đình quy y với HT Trí Quảng - chùa Từ Ân - Huế, được pháp danh Hồng Mậu. Khi tham gia sinh hoạt GĐPT tại Huế, ông cùng các huynh trưởng quy y với HT Thiện Siêu - chùa Từ Đàm, được pháp danh Nguyên Ngộ. Ông được bầu làm Trưởng BHD GĐPT Thừa Thiên Huế. Khi chuyển vào Đà Nẵng sinh hoạt, ông là Phó trưởng BHD GĐPT Đà Nẵng và là Ủy viên Nghiêm huấn - BHD Trung ương GĐPT Việt Nam. Từ năm 1963-1966, ông tham gia phong trào bảo vệ PG và bị bắt giam ở Sài Gòn, sau đó xin ông nghỉ việc chính quyền năm 1965. Năm 1994, ông định cư ở Hoa Kỳ và sinh hoạt trong GĐPT tại chùa Kim Quang - Sacramento - California. Năm 2009, ông hồi cư về Việt Nam sống cùng gia đình và mất ngày mồng 6 tháng 6 năm Giáp Ngọ (12-07-2014), thọ 87 năm, nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán Hoa Kỳ và TP Hồ Chí Minh - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa tập 3.

- Bùi Hưng Gia (?-?), Cư sĩ, ông từ một người “tay không lập nghiệp” với nghề bạc mỹ nghệ, ông Bùi Hưng Gia trở thành nhà tư sản dân tộc. Giữa lúc công việc kinh doanh đang “thuận buồm xuôi gió” thì ông chuyển sang nghiên cứu Phật giáo (có lẽ cũng vì lý do này mà cửa hiệu Sư Tử Bạc (Au Lion D’argent) được đổi tên thành Di Đà). Ông là người làm nhiều việc thiện ở quê nhà, nạn đói năm Ất Dậu (1945) ông tổ chức phát cơm, phát cháo cứu đói. Cuối năm 1945, hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ chủ tịch, trong Tuần lễ Vàng ông đóng góp gần 1.000 lạng vàng. Kháng chiến bùng nổ năm 1947, ông nhận nhiệm vụ ở lại thành phố làm cơ sở cách mạng. Bàn thờ Phật trong tư gia ở số nhà 54-56 phố Hàng Trống của ông trở thành nơi cất giữ tài liệu cách mạng. Ông thường ngồi ở đó đọc sách, bên cạnh là quả mìn để khi cần sẽ sẵn sàng nổ, quyết không để lại dấu vết gì cho kẻ thù có thể lần theo. Ông từng bị bắt, bị tra tấn nhưng không hề hé răng khai bất cứ điều gì. Tháng 9 năm 1949, ông cùng các cư sĩ Nguyễn Văn Chế, Lê Văn Lâm, Lê Văn Giáp họp nhau thành lập Hội PTVN tại chùa Chân Tiên, Hà Nội. Năm 1950 Bùi Hưng Gia là người đã phát tâm công đức cho Thượng toạ Thích Trí Hải thỉnh bộ Đại Chính tân tu Đại Tạng Kinh toàn bộ đóng thành 100 tập, cộng tất cả hai vạn quyển. Phí tổn từ Nhật về tới chùa Quán Sứ hết hơn hai vạn đồng Đông Dương, ông có tặng cho vị danh ni “Biệt Động Sài Gòn” Thích nữ Huyền Trang một quyển Tỳ Kheo Ni (bản Hán Nôm được in tại miền Bắc, Ni trưởng Huyền Trang còn giữ kỷ vật này nguyên vẹn). Ông nguyên quán xã Văn Yên, quận Hà Đông; trú quán tại Hà Nội - theo Thích Vân Phong biên khảo.

- Ấn Bổn Vĩnh Gia (1840-1918), Hòa thượng, Tổ sư, pháp danh Ấn Bổn, pháp tự Tổ Nguyên, pháp hiệu Vĩnh Gia, đời thứ 39 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 6 pháp phái Chúc Thánh. Ngài thế danh Đoàn Văn Hiệu, sinh năm Canh Tý (1840) xuất gia với tổ Quán Thông tại Phước Lâm. Sau đó tổ Quán Thông cho làm đệ tử thiền sư Chương Tư Huệ Quang. Thọ đại giới năm Kỷ Tỵ (1869) tại tổ đình Phước Lâm. Năm Quý Mùi (1883) được cử làm trụ trì chùa Linh Ứng, Ngũ Hành Sơn. Năm Đinh Hợi (1887), xin khất hồi về trụ trì chùa Phước Lâm sau khi thiền sư Chương Nhẫn Quảng Hóa viên tịch. Ngài được Hoàng triều mời ra thuyết giảng tại cung nội dưới triều Thành Thái. Là vị Luật sư danh đức, ngài thường được cung thỉnh làm Tôn chứng, Giáo Thọ, Yết-ma tại các giới đàn tại miền Trung. Năm Canh Tuất (1910), ngài khai mở và làm Đàn đầu Hòa thượng tại giới đàn chùa Phước Lâm, Hội An. Giới tử đắc giới với ngài về sau trở thành những bậc lương đống trong phong trào chấn hưng Phật giáo như cố Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, cố Hòa thượng Thích Giác Nhiên, Thích Giác Nguyên, Thích Giác Viên v.v.... Ngài thường dạy rằng: "Giới luật là thọ mạng của Phật pháp, nếu phá giới phải hoàn lại y bát, ra khỏi Già lam, để cho trong đục rõ ràng, tà chánh phân chia. Có vậy nước Thiền định mới khai thông, đèn Tri giác thêm sáng tỏ". Ngài viên tịch ngày 20 tháng 3 năm Mậu Ngọ (1918), thọ 79 tuổi, tháp lập tại chùa Phước Lâm, Hội An. Đệ tử nối pháp có các vị tiêu biểu như: Chơn Kiết Phổ Hóa; Chơn Thể Phổ Minh; Chơn Sâm Phổ Truyền; Chơn Nhật Phổ Trí; Chơn Phước Hoằng Thọ v.v... Ngài nguyên và trú quán tại Quảng Nam - theo Thích Như Tịnh sưu khảo.

- Vu Gia, Nhà báo, Nhà văn, NNC Phật học, tên thật là Phạm Ngọc Phúc, sinh năm 1952, chuyên gia nghiên cứu về Tư lực Văn đoàn, thành viên Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam, thành viên Ban biên tập tạp chí Từ Quang, sinh quán Quảng Nam, trú quán TP Hồ Chí Minh.

- Tế Chánh Bổn Giác (?-1851), Hòa thượng, nguyên trụ trì chùa Từ Ân-Gia Định, đệ tử của tổ Thiệt Thành - Liễu Đạt, được triệu về cung làm Tăng cang chùa Thiên Mụ, có công trùng tu chùa Quốc Ân và trú xứ tại chùa này đến khi viên tịch, nguyên quán Gia Định, trú quán Phú Xuân - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ tiền bối hữu công.

- Liễu Thông Chơn Giác (1753-1840), Hòa thượng, ngài nối pháp dòng Thiền Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 37, khai sơn chùa Phụng Sơn (chùa Gò)- Gia Định, ngài viên tịch ngày mùng 9 tháng 8 năm Canh Tý 1840, đồ chúng lập tháp thờ ở vườn chùa Phùng Sơn và chùa Sùng Đức - Cây Gõ - Gia Định, chưa có thêm thông tin - theo Biên niên sử PG Sài Gòn Gia Định.

- Hải Huệ Chân Giác (HT tổ Mẹ Nội) (1824-1893), Thiền sư, Luận sư, tục danh Huỳnh Văn Nhẫn, sinh quán làng Minh Lễ, Quảng Trị, đệ tử của trưởng lão Tăng cang Linh Mụ Tánh Thông - Nhất Trí, Phương trượng Trụ trì Phước Lâm Cổ Tự, Sa Đéc, với biện tài vô ngại, đạo phong của ngài ngược gió khắp tung bay, quan chức và dân làng Tân Dương sắm khai lễ, cùng vân tập về Phước Lâm Cổ Tự, thành tâm cung thỉnh ngài về trụ trì Đức Long Cổ tự vào năm Tân Dậu (1861). Năm Đinh Mão (1867), ngài phát hiện hai ngôi mộ của các vị lão tiền bối HT dòng Lâm Tế Chánh tông đời thứ 36, và làm lễ quy lăng cải táng, xây tháp tôn trí ngọc cốt, phần tự điền, ngài đã thọ nhận thí chủ (không rõ danh tính) 06 mẫu ruộng để hương hỏa cho chùa, Phương trượng trụ trì Đức Long Cổ tự, làng Tân Dương, nay thuộc huyện Lai Vung- Đồng Tháp. Ngài thuộc dòng Lâm Tế Gia phổ đời thứ 39, húy Hải Huệ hiệu Chân Giác, được Triều đình Sắc tứ Cấp đao Độ điệp, tôn xưng Huỳnh Đạo nhân (Nhân gian thường gọi “Hòa thượng tổ Mẹ Nội). Ngài được ca tụng “Đệ nhất Hùng biện” vào giữa và cuối thể kỷ 19. Đương thời, các vị Cha Cố đạo Thiên Chúa giáo và giới Quan chức Đồng bằng sông Cửu Long nể phục tài ứng đối nhanh như điện chớp. Một đời thị hiện trong chốn quan trường, vị Tăng sĩ xuất chúng, biện tài vô ngại, nhiếp phục những bọn tay sai cho thực dân đế quốc, theo ngoại đạo, âm mưu chống phá Phật giáo. Tự biết chiếc thân tứ đại không thể trụ Ta bà bao lâu nữa, để kiện toàn cho Phật sự tương lại bổn tự, ngài làm tờ chúc ngôn vào ngày 20 tháng 5 năm Quý Tỵ (03-07-1893), lập Trưởng tử Huỳnh Minh Đức kế thế trụ trì. Hóa duyên ký tất, ngài an nhiên viên tịch vào ngày mồng 6 tháng 6 năm Quý Tỵ (18-07-1893). Tang lễ của ngài được nhị vị Tổ sư Minh Thông Hải Huệ, Trưởng ban tổ chức, Minh Khiêm Hoằng Ân, Chứng minh Pháp sự. Khâm liệm, hoàn tại tổ đình Phước Lâm Cổ Tự 7 ngày, sau đó di kim quan về tổ đình Đức Long Cổ Tự hoàn thêm ba ngày, Lễ di quan bằng thuyền, từ đoạn đường từ Sa Đéc về Tổ đình Đức Long Cổ Tự, loài thủy tộc cứ nổi lên chạy theo thuyền tang, như một sự đau buồn thảm thiết, bởi một vị cao Tăng thạc đức mãi xa trần thế. Bảo tháp của ngài xây tại tổ đình Đức Long Cổ Tự, Trưởng tử Huỳnh Minh Đức lập thạch, nguyên quán Quảng Trị, trú quán Sa Đéc - theo Thích Vân Phong biên khảo.

- Hải Thuận Diệu Giác (1806-1895), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 40, ngài họ Đỗ, xuất gia năm 1818 với HT Tánh Thiên Nhất Định- chùa Báo Quốc, được pháp danh Hải Thuận, pháp tự Lương Duyên, pháp hiệu Diệu Giác, nên còn gọi là Diệu Giác đại sư. Năm 1824, lúc 20 tuổi, ngài được thọ giới Sa di. Năm 1830, ngài thọ Tỳ kheo giới tại giới đàn chùa Quốc Ân do HT Tăng cang Bổn Giác làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1835, ngài trụ trì chùa Linh Hựu, ngài được bổ nhiệm trụ trì và Tăng cang quốc tự Diệu Giác, trụ trì và đại trùng tu chùa Báo Quốc. Năm 1894, ngài khai đại giới đàn tại chùa Báo Quốc do ngài làm Đàn đầu truyền giới. Trong giới đàn này, ngài đã phú pháp cho 9 đệ tử cao đồ nổi tiếng là "Cửu Tâm". Ngài xả báo thân ngày 18 tháng Giêng năm Ất Mùi (1895) thọ 90 năm, 77 hạ lạp, tháp lập bên hữu chùa Từ Hiếu, nguyên quán Quảng Trị, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Nguyễn Lang trong VHPGSL, Văn Hóa xb, 1993.

- Thích Hiển Giác (1925-1992), Hòa thượng, thế danh Nguyễn Văn Đằng, xuất gia với HT Khánh Thông - chùa Bửu Sơn - Ba tri, pháp danh Quảng Bình, pháp hiệu Hiển Giác. Năm 1945, ngài thọ Tam đàn cụ túc tại giới đàn chùa Bửu Sơn do HT Khánh Thông làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1959, ngài lên Sai Gòn học khóa Như Lai Sứ Giả tại chùa Pháp Hội - Chợ Lớn. Năm 1960-1962, ngài được Giáo hội Tăng già Nam Việt cử làm giảng sư các tỉnh miền Tây Nam bộ, ngài dừng chân ở Bạc Liêu trụ trì chùa Phật học. Từ năm 1962-1964, ngài làm Phó trị sự Giáo hội Tăng già tỉnh Bạc Liêu. Từ năm 1965-1975, Phó Ban Đại diện GHPCVNTN tỉnh Bạc Liêu. Từ năm 1966-1968, ngài trụ trì chùa Long Phước - Bạc Liêu. Từ năm 1968-1975, trụ trì chùa Vĩnh Đức. Năm 1975, kiêm nhiệm trụ trì chùa Quan Âm - Cà Mau. Năm 1881, ngài làm Phó BTS GHPGVN tỉnh Minh Hải. Năm 1984, ngài là Ủy viên HĐTS và Trưởng BTS PG tỉnh Minh Hải. Những ngày cuối tháng 4 năm 1975 chùa Vĩnh Đức là trụ sở tạm thời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Bạc Liêu. Nơi đây tổ chức những cuộc đàm phán với Tỉnh trưởng Bạc Liêu cũ, và HT Hiển Giác là thành viên trong đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng Bạc Liêu ngày 30 tháng 4 năm 1975 không đổ máu. Ngài từng giữ những nhiệm vụ quan trọng như Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Minh Hải (Bạc Liêu và Cà Mau ghép chung). Tác phẩm: Tập thơ Hoài niệm; sách Đông y dược... Ngài xả báo thân ngày 24 tháng Giêng năm Nhân Thân (14-03- 1992) thọ 66 năm, 35 năm hành đạo, tháp lập tại chùa Vĩnh Đức - thị xã Bạc Liêu, nguyên quán Bến Tre, trú quán Bạc Liêu - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 3.

- Thích Hộ Giác (1928-2012), Hòa thượng, pháp sư, hệ phái PG Nam Tông Việt Nam, thế danh Ngô Bửu Đạt, xuất gia thọ Sa di năm 1940 tại chùa Sri Sagor - Campuchia, pháp danh là Hộ Giác (Buddha Pala). Năm 1978, ngài thọ Tỳ kheo tại trường Cao đẳng Pali - Phnom Penh. Sau đó, ngài đi tu nghiệp ở Sri-Lanka, Myanmar để hoàn thành sở học. Năm 1957, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam được thành lập, ngài được cử làm Tổng thư ký. Năm 1958, ngài kiến tạo ngôi chùa Pháp Quang - Bình Thạnh - Gia Định, làm PHV đầu tiên của PG Nguyên thủy. Năm 1963, ngài tham gia Ủy ban Liên phái Bảo vệ PG cùng chư Tôn đức đấu tranh chống đàn áp của chính quyền nhà Ngô. Năm 1964, GHPGVNTN ra đời, ngài đảm nhiệm qua các chức vụ: -Tổng vụ trưởng Tổng vụ Xã hội, - Tổng vụ trưởng Tổng vụ Cư sĩ Phật tử, - Tổng vụ trưởng Tổng vụ Hoằng pháp. Ngài là một giảng sư nổi danh, có giọng nói lôi cuốn quần chúng tất cả hệ phái PG. Năm 1967, Nha Tuyên úy PG được thành lập, ngài làm Phó giám đốc. Năm 1981, ngài sang Hoa Kỳ định cư và thành lập chùa Pháp Luân - Texas. Năm 1984, ngài là Chủ tịch Điều hành Tổng hội PGVN tại Hoa Kỳ. Năm 1997, ngài được suy tôn Tăng thống Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy Việt Nam. Ngài là một trong những vị Pháp sư lỗi lạc của Phật giáo Việt Nam với 27 tác phẩm đã sáng tác, dịch thuật. Trong đó có 5 tác phẩm lớn chưa ấn hành: Tình Mẹ; Trúc Lâm Dậy sóng; Tình đời Ý đạo; Tình bạn; Thanh Văn sử; Cuộc đời và sự nghiệp của A Dục Vương... Ngài xả báo thân ngày 22 tháng 10 năm Nhâm Thìn (05-12-2012) thọ 85 năm, 65 hạ lạp, nguyên quán Đồng Tháp, trú quán Hoa Kỳ - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 3.

- Thích Nữ Huệ Giác, Ni trưởng, sinh năm 1937, xuất gia năm 1957 với HT Thiện Phước (tức Mẫu Trầu) - tổ đình Linh Sơn - Bà Rịa, sơn môn Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, pháp danh Lê Cưng, pháp hiệu Huệ Giác, thế danh Nguyễn Thị Cưng, dòng Lâm Tế Gia Phổ đời 42, viện chủ kiêm trụ trì Quan Âm tu viện- Biên Hòa, thành lập Cô nhi viện Phước Lộc Thọ ở tổ đình Linh Sơn - Bà Rịa năm 1968, Ủy viên dự khuyết HĐTS GHPGVN, Phó BTS kiêm Trưởng ban Từ thiện xã hội PG tỉnh Đồng Nai, Phó phân ban Thường trực Ni giới Trung ương, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng III, Huân chương lao động hạng III, tác phẩm: Suối nhạc rừng thơ; Thập Thiện diễn giảng; Di Đà yếu giải; 38 pháp hạnh phúc; Tây phương du ký; Quan Thế Âm tín luận; Tôn chỉ pháp môn niệm Phật... nguyên quán chưa rõ, trú quán Biên Hòa Đồng Nai - theo trang nhà www.phatgiao.vnn.net

- Thích Huyền Giác (1940-1989), Hòa thượng, thế danh Lê Văn Ưa, xuất gia với HT Thanh Trí - chùa Báo Quốc và được cúng cho HT Trí Thủ làm bổn sư, pháp danh Nguyên Minh, pháp tự Huyền Giác. Năm 1966, ngài vâng lệnh bổn sư vào Sài Gòn trụ trì tu viện Quảng Hương Già Lam, phụ tá cho HT Trí Thủ là Giám viện. Sau năm 1975, vì bệnh duyên ngài thôi giữ chức trụ trì để lo dưỡng bệnh, nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán TP Hồ Chí Minh - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Thích Mãn Giác (1929-2006), Hòa thượng, thi sĩ. xuất gia với HT Quảng Huệ-chùa Thiên Minh, pháp danh Nguyên Cao, pháp tự Mãn Giác, pháp hiệu Huyền Không, học Tăng PHĐ Báo Quốc. Năm 1950, ngài được sơn môn cử trụ trì chùa Thiên Minh. Năm 1954, sơn môn Huế và hội Phật học Trung phần cử ngài làm giảng sư tại Đà Lạt kiêm Hội trưởng hội PG Đà Lạt. Năm 1960, ngài du học Nhật Bản đến năm 1965 tốt nghiệp tiến sĩ, được Bộ Giáo dục Chính phủ mời về giảng dạy tại đại học Văn khoa Sài Gòn và Huế. Ngài đã cộng tác với HT Minh Châu làm Trưởng phân Phật học và khoa Triết học Đông phương, rồi giữ chức Phó hiệu trưởng Điều hành Viện đại học Vạn Hạnh.Về công tác giáo hội, ngài là Tổng vụ trưởng Tổng vụ Văn hóa GHPGVNTN. Năm 1977, ngài định cư tại Hoa kỳ, làm viện chủ chùa Việt Nam tại Los Angles và Hội chủ Tổng hội PGVN tại Hoa kỳ. Ngài là một nhà thơ với đạo hiệu Huyền Không, để lại cho đời 5 tập thơ: Không bến hạn; Hương trần gian; Không gian thành chiếc áo; Kẻ lữ hành cô độc; Mây trắng thong dong... và trên 20 công trình biên soạn dịch thuật giá trị. Câu thơ nổi tiếng của ngài mãi truyền lưu hậu thế: “Mái chùa che chở hồn dân tộc; Nếp sống muôn đời của tổ tông”. Ngài xả báo thân ngày 22 tháng 8 năm Bính Tuất (13-10-2006) thọ 78 năm, 65 hạ lạp, nguyên quán Quảng Trị, trú quán Hoa Kỳ - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 3.

- Pháp Kiêm Minh Giác (1747-1830), Hòa thượng, tổ sư, pháp danh Pháp Kiêm, pháp tự Luật Oai, pháp hiệu Minh Giác, đời thứ 36 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 3 pháp phái Chúc Thánh. Ngài thế danh Võ Đức Nghiêm, sinh ngày 15 tháng 1 năm Đinh Mão (1747) tại thôn Ngọc Trì, huyện Tư Nghĩa (nay thuộc xã Trà Bồng, huyện Bình Sơn) tỉnh Quảng Ngãi. 12 tuổi xuất gia với tổ Thiệt Dinh Ân Triêm tại chùa Phước Lâm, Hội An. Sau 10 năm tu học, ngài về quê tòng quân dẹp giặc Đá Vách, lập nhiều chiến công được phong chức chỉ huy. Sau đó, ngài rời quân ngũ trở lại Phố Hội phát nguyện quét chợ trong suốt 20 năm. Năm Mậu Ngọ (1798), ngài được cung thỉnh làm trụ trì chùa Chiên Đàn. Sau khi Gia Long lên ngôi, ngài cùng với tổ Pháp Ấn Quảng Độ trùng tu lại chùa Phước Lâm và chính thức trụ trì đời thứ 3 tổ đình Phước Lâm, Hội An. Ngài chứng minh đúc quả chuông chùa Vạn Đức vào năm 1822 và chuông chùa Hải Tạng vào năm 1830. Ngài viên tịch vào ngày mồng 10 tháng 11 năm Canh Dần (1830), thọ 84 tuổi. Hậu thế tôn xưng ngài là tổ Bình Man Tảo Thị với câu đối:

- Bình man, tảo thị, lưỡng độ gian lao, xuất gia kỳ, phát nguyện vưu kỳ, bát dật sanh thiên thành chánh giác.

- Tạo tự, chú chung, nhị thung công đức, cách cựu hảo, đảnh tân cố hảo, thiên thu giác thế vĩnh truyền đăng

( Dẹp giặc, quét chợ, mấy độ gian lao, xuất gia lạ, phát nguyện càng thêm lạ, tám mươi vãng sanh thành chánh giác.

Làm chùa, đúc chuông, biết bao công đức, sữa cũ đẹp, làm mới lại càng đẹp, ngàn năm sáng mãi ngọn đèn thiền.)

Ngài nguyên quán Quảng Ngãi, trú quán Quảng Nam - theo Thích Như Tịnh sưu khảo.

- Hải Châu-Minh Giác (1794-1884), Hòa thượng, Tăng cang sắc tứ chùa Kim Chương, do chiến tranh, HT cho dời về Cái Bè - Mỹ Tho, lập chùa Hội Thọ chính là tiền thân chùa Kim Chương ở thành Ô Ma - Gia Định, bị Pháp đốt phá nên dời về đây lập chùa mới tên mới, HT là người cùng thời với HT Tiên Giác - Hải Tịnh -chùa Giác Lâm, hai vị đều cho đệ tử đi lập chùa am ở vùng mới khai phá, chưa rõ nguyên quán, trú quán Cai Lậy - Mỹ Tho - theo Biên niên sử PG Sài Gòn Gia Định.

- Thích Minh Giác (1920-2002), Hòa thượng, thế danh Lê Văn Tốt, xuất gia năm 1936 với thiền sư Giới Minh - chùa Long Vân, được pháp danh Minh Giác. Năm 1937, ngài tham gia biểu tình, bị thực dân Pháp bắt giam trên 3 tháng. Khi thả ra ngài tiếp tục đấu tranh cho đến khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công. Năm 1946, Hội PG Cứu quốc tỉnh Gia Định thành lập, ngài làm Phó thư ký của Hội. Năm 1949, PG Cứu quốc dổi thành Mặt trận Liên Việt tỉnh Gia Định, ngài làm Phó thư ký tổ chức này. Năm 1953, ngài thọ cụ túc giới tại giới đà chùa Long Vân - Bình Thạnh. Sau khi thọ giới, ngài chăm lo công việc phật sự môn phong, thường xuyên đi lại 3 ngôi chùa Long Vân - Bình Thạnh, Long Tuyền - Đồng Nai và Hưng Long - Phú Quốc, cũng để hoạt động ngầm cho cách mạng. Năm 1960, cơ sở bị lộ, ngài bị bắt xử án 5 năm tù tại khám Chí Hòa, đến khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ năm 1963, ngài mới được tha về. Sau khi ra tù, ngài lại hoạt động trong phong trào yêu nước, đưa đón cán bộ ra vào nội thành... Năm 1974, theo yêu cầu của bổn sư, ngài về trụ trì chùa Hưng Long- huyện đảo Phú Quốc. Năm 1977, ngài trở về TP Hồ Chí Minh làm Thư ký, sau đó là Trưởng ban Liên lạc PG Yêu nước huyện Hóc Môn. Năm 1982, BTS Thành hội PG TP HCM được thành lập, ngài được cử làm Chánh đại diện PG quận Bình Thạnh và trụ trì chùa Hòa Khánh - Bình Thạnh. Ngài xả báo thân ngày mồng 7 tháng 6 năm Nhâm Ngọ (16-07-2002) thọ 83 năm, 49 hạ lạp, nguyên quán Cần Giuộc - Chợ Lớn, trú quán Bình Thạnh- TP Hồ Chí Minh - theo trang nhà www.phattuvietnam.net

- Thích Nguyên Giác, Hòa thượng, NNC Phật học, Trưởng bộ môn cổ ngữ Sankris Học viện PGVN, trụ trì tu viện Quảng Hương Già Lam - Gò Vấp, nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán TP Hồ Chí Minh.

- Nguyên Giác, Cư sĩ, xem Phan Tấn Hải, Sđd

- Thích Tâm Giác (1917-1973), Hòa thượng, tiến sĩ, thế danh Trần Văn Mỹ, xuất gia với tổ Trí Hải - chùa Mai Xá - Phù Lý - Hà Nam. Năm 1937, ngài tốt nghiệp lớp Trung đẳng Phật học tại trường Bồ Đề - Gia Lâm và được bổn sư cho thọ đại giới. Năm 1945, ngài tốt nghiệp lớp Đại học PG tại chùa Quán Sứ. Năm 1949, ngài giữ chức Phó giám đốc nhà in Đuốc Tuệ, phụ bút nguyệt san Phương Tiện, hợp sức cùng hội Việt Nam Phật giáo trông nom cô nhi ở trại Tế Sinh. Năm 1953, ngài được Giáo hội cử đi du học tại Nhật Bản cùng HT Thích Thanh Kiểm. Ngoài học Phật pháp, ngài còn hàng ngày tập luyện võ thuật tại trung tâm Nhu đạo KoDoKan. Sau 9 năm du học, ngài đạt học vị Tiến sĩ Xã hội học, Tiến sĩ Triết học Đông phương và Đệ tam đẳng huyền đai võ thuật Nhu đạo. Năm 1962 trở về nước đấu tranh trong pháp nạn 1963. Năm 1964, GHPGVNTN thành lập, ngài làm Tổng vụ trưởng Tổng vụ Tài chính và thành lập viện Nhu đạo Quang Trung đào tạo võ thuật, đồng thời thành lập và làm giám đốc Nha Tuyên úy Phật giáo. Ngoài ra, ngài xây dựng một tòng lâm PG là Việt Nam Quốc tự thành trung tâm văn hóa và du lịch, với ngôi bảo tháp 9 tầng; một ngôi chùa mang biểu tượng lớn và đẹp nhất Việt Nam là chùa Vĩnh Nghiêm và trụ trì chùa này. Ngài còn trước tác, dịch thuật các tác phẩm: Duy thức học tập I và II; Hộ thân thuật; Nage - Nokata; Nhu đạo; Biến thể Nhu đạo; Nhật ngữ tự học; Phương pháp ngồi thiền; Zen và Judo, nguyên quán Nam Định, trú quán Sài Gòn - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 1.

- Thích Thanh Giác, Thượng tọa, sinh năm 1954, Thượng toạ, học Tăng Trường Cao cấp Phật học Việt Nam khóa I tại chùa Quán Sứ - Hà Nội. Thượng tọa hiện là Phó trưởng BTS GHPGVN TP Hải Phòng, Phó trưởng ban Hoằng pháp TW GHPGVN, trụ trì chùa Phổ Chiếu - TP Hải Phòng, có năng khiếu chuyên môn về nghệ thuật kiến trúc chùa truyền thống, Thượng tọa đã xây dựng, trùng kiến hàng trăm ngôi chùa tại khắp các tỉnh thành miền Bắc, nguyên quán Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, trú quán TP Hải Phòng.

- Thích Tịnh Giác (1942-2005), Hòa thượng, pháp danh Đồng Giác, pháp hiệu Tịnh Giác, đời 43 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 10 pháp phái Chúc Thánh. Ngài thế danh Nguyễn Tấn Sinh, sinh ngày 10 tháng 4 năm Nhâm Ngọ (1942) tại thôn An Ninh Thượng, xã Kim Long, huyện Hương Trà, Huế. Năm 1952 xuất gia với HT Thích Trí Hữu tại chùa Thủy Biểu, Thừa Thiên - Huế. Tăng sinh PHV Phổ Đà 1960, thọ Tỳ kheo năm 1964 tại Việt Nam Quốc Tự. Năm 1965 trụ trì chùa Quang Minh - Liên Chiểu và khai sơn chùa Tịnh Quang năm 1967. Năm 1968, Chánh đại diện GHPGVNTN tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1970 Chánh đại diện GHPGTNTN huyện Diên Khánh, Khánh Hòa. Sau năm 1975, ngài vào Nam hành đạo, khai sơn chùa Tịnh Quang tại ấp Ngô Quyền, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai năm 1990. Ngài viên tịch ngày 12 tháng 10 năm Ất Dậu (2005, thọ 63 tuổi. Ngài sanh quán Thừa Thiên, trú quán Đồng Nai - theo Thích Như Tịnh sưu khảo.

- Thích Trí Giác (1915-2005), Hòa thượng, Trưởng lão, pháp danh Như Nhàn, pháp tự Giải Lạc, pháp hiệu Trí Giác, đời thứ 41 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 8 pháp phái Chúc Thánh. Ngài thế danh Dương Đức Thanh, sinh năm Ất Mão (1915) tại làng Cẩm Văn, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Xuất gia với Tăng cang Thiện Quả tại chùa Chúc Thánh, Hội An. Năm 1950, ngài đảm nhiệm trụ trì chùa Tỉnh hội và thành lập tổ chức Sơn môn Tăng già Quảng Nam. Năm 1954, ngài đảm nhiệm trụ trì tổ đình Phước Lâm và đảm nhiệm Hội trưởng hội Phật học Quảng Nam vào năm 1956. Đến năm 1958, ngài được mời làm Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già Quảng Nam. Năm 1960, ngài được Sơn môn cử làm trụ trì Quốc tự Tam Thai tại Ngũ Hành Sơn. Trong mùa pháp nạn năm 1963, Ngài là lãnh đạo tối cao của phong trào đấu tranh Phật giáo tại Quảng Nam. Từ năm 1964 đến năm 1975, ngài đảm nhận chức vụ Chánh đại diện GHPGVNTN tỉnh Quảng Nam. Năm 1980, ngài trở về kiêm nhiệm trụ trì tổ đình Phước Lâm sau khi Cố Hòa thượng Thích Như Vạn viên tịch. Năm 1992, ngài được cung thỉnh làm Trưởng môn phái Lâm Tế Chúc Thánh cho đến ngày viên tịch. Ngoài việc trùng tu tổ đình Phước Lâm và Quốc tự Tam Thai, ngài còn đứng ra trùng tu và chủ trương xây dựng các chùa như: chùa Nghĩa Trung - Điện Bàn; chùa Quan Thế Âm - Ngũ Hành Sơn; chùa Bảo Quang - Đà Nẵng... Ngài viên tịch vào ngày 26 tháng 8 năm Ất Dậu (2005), hưởng thọ 91 tuổi. Bảo tháp được kiến lập bên phải tổ đình Tam Thai. Đệ tử có các vị như: Thị Đàm Hạnh Mãn; Thị Quang Hạnh Trí... Ngài nguyên quán Quảng Nam, trú quán Đà Nẵng - theo Thích Như Tịnh sưu khảo.

- Thanh Chân Viên Giác (1834-1900), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 42, gia tộc Nguyễn Khoa, thế danh Nguyễn Khoa Luận, làm quan Bố chính tại Quảng Ngãi, năm 1885 treo ấn từ quan đến chùa Thiên Ấn gặp Mộc Y Đại sư xin xuất gia đầu Phật, Đại sư khuyên ngài trở về Huế, xin làm đệ tử ngài Cương Kỷ, được pháp danh Thanh Chân, pháp hiệu Viên Giác, khai sơn và trụ trì chùa Ba La Mật - Huế, nguyên quán trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ tiền bối hữu công PG Thuận Hóa.

- Thích Viên Giác (1912-1976), Hòa thượng, tác gia, dịch giả, pháp sư, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 43, thế danh Trần Đại Quảng, đệ tử tổ Bích Không, pháp danh Tâm Trí, pháp tự Viên Giác, pháp hiệu Chiếu Nhiên, học tăng Phật học đường Báo Quốc. Năm 1954 là Giám đốc PHĐ Khánh Hòa và trụ trì chùa Hải Đức-Nha Trang, ngài thành lập và điều hành trường Bồ Đề Tuệ Quang-Đà Lạt. Năm 1956 khai sơn chùa Giác Hải-Vạn Ninh-Khánh Hòa và trụ trì tại đây đến cuối đời, tác phẩm: Từ Bi Đạo Tràng Sám Pháp (dịch); Đại thừa Kim Cang Kinh Luận; Quan hệ Tư Tưởng; Tìm hiểm Quan Thế Âm Bồ Tát; Lịch sử phong cảnh chùa Giác Hải; Khuyên Niệm Phật (thơ), nguyên quán Quảng Trị, trú quán Khánh Hòa - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 1.

- Thích Viên Giác, Hòa thượng, Giáo thọ sư, thế danh Huỳnh Văn Chà, sinh năm Đinh Mão (1927) tại xã Tân Dương - huyện Lai Vung - tỉnh Sa Đéc (nay là xã Tân Dương, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp), ngài ấu niên xuất gia với lão HT Thục Chơn - Giác Quang, nối pháp mạch dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 41, pháp húy Bổn Trí - Viên Giác, trong chúng đệ tử Thất Bửu tự, ngài là Trưởng tử HT Giác Quang. Thành viên HĐCM TW GHPGVN, Chứng minh BTS GHPGVN TP Hồ Chí Minh. Năm 1971, ngài khai sơn trụ trì chùa Giác Huệ - Quận 7, trụ trì chùa Long Hoa, thành lập trại trẻ mồ côi Long Hoa năm 1995, ngài nổi tiếng giảng dạy những bộ kinh, luật Hán Nôm: Tứ thập nhị chương; Thập thiện; Bát Đại Nhân Giác; Tỳ Ni - Sa Di yếu lược... Ngài còn thông thạo cả ngoại ngữ Pháp, Anh văn, trú quán TP Hồ Chí Minh, nguyên quán Sa Đéc - theo Thích Vân Phong biên khảo.

- Trần Văn Giác (?-?) Cư sĩ, NNC Phật học, ông là thành viên sáng lập hội Lưỡng Xuyên Phật học do các Hòa thượng Lê Khánh Hoà, Nguyễn Huệ Quang, cư sĩ Huỳnh Thái Cửu khởi xướng. Tháng 4 năm 1934, ông chuyển ra làm việc tại Sở Thương chính Hà Nội. Ông cùng các cư sĩ Lê Toại, Thiều Chửu - Nguyễn Hữu Kha và các tăng sĩ Thái Hoà - Đỗ Trân Bảo, Hải Châu - Vũ Đình Ứng, Trí Hải... thành lập nhóm Phật học Tùng thư tiến tới thành lập hội Phật giáo Bắc Kỳ tháng 11 năm 1934. Năm 1935, ông trở về Nam hoạt động tích cực và có nhiều đóng góp cho hội Lưỡng Xuyên Phật học với cương vị: Phó thủ bổn, Thủ bổn. Ông viết nhiều bài trên tạp chí Duy Tâm Phật học, nguyên quán trú quán ở Trà Vinh,

- Thích Thiện Giải (1930-1985), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 43, đệ tử HT Giác Nhiên - chùa Thuyền Tôn - Huế, pháp danh Tâm Tuệ, pháp tự Thiện Giải, thế danh Võ Trọng Song, học tăng PHV Hải Đức Nha Trang, đã kinh qua các chức vụ: Giảng sư, Chánh đại diện PG Thừa Thiên, Phan Rang, Kon Tum, Quảng Ngãi, và cuối cùng là Bảo Lộc, là thành viên nhiệt huyết trong GHPGVNTN và GHPGVN, nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán Bảo Lộc Lâm Đồng - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Thích Nữ Tịnh Giải (1921-1990), Ni sư, xuất gia với Ni trưởng Diệu Không-chùa Hồng Ân Huế, pháp danh Tâm Huệ, pháp hiệu Tịnh Giải, thế danh Trương Thị Bích Vân. Năm 1972, sau khi thọ đại giới, Ni sư được bổn sư cử làm thư ký trường Mẫu giáo Kiều Đàm và dạy trường Bồ Đề Hàm Long. Ni sư còn tham gia Ban Cứu Tế Xã Hội của Giáo hội để giúp đồng bào nạn nhân chiến cuộc, nguyên quán trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Thích Trí Giải (?-1942), Hòa thượng, pháp danh Tâm Thọ, pháp tự Đạo Thể, pháp hiệu Trí Giải, là sư huynh của HT Tâm Như - Trí Thủ. Năm 1930 ngài trụ trì chùa Diệu Hỷ do Hoằng Hóa Quận vương lập ra, ngài viên tịch tại chùa Tra Am năm 1942, nguyên quán trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Liễu Thông Huệ Giám (?-1844), là đệ tử ngài Tế Lịch - Chánh Văn, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 37, kế tục ngài Tổ Ấn - Mật Hoằng trụ trì chùa Quốc Ân - Huế năm 1825, cùng với ngài Tế Chánh Bổn Giác trùng tu chùa Quốc Ân đến năm 1843 mới hoàn thành, nguyên quán trú quán Phú Xuân - Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ tiền bối hữu công tập 1.

- Bùi Giáng (1926-1998), nhà thơ, NNC triết học, dịch giả, tác gia, phần lớn tác phẩm của ông mang nặng tư tưởng PG, ông sống và làm việc ở các chùa và các viện Phật học, dù tính cách của ông kỳ quái, nhưng giảng giải kinh điển thấm nhuần tư tưởng Bát Nhã nhà Phật, nguyên quán Quảng Nam, trú quán TP Hồ Chí Minh.

- Văn Giảng (1924-2013), Cư sĩ, nhạc sĩ. Ông tên thật là Ngô Văn Giảng, là nhạc sĩ chuyên môn nhạc cụ dân tộc và có nhiều năng khiếu âm nhạc khác. Ông du học tại trường âm nhạc lớn của Hoa Kỳ ở Hawaii và Bloomington. Sau khi về nước ông làm Giám đốc trường Quốc gia Âm nhạc Huế. Về lĩnh vực sáng tác, ông lấy nghệ danh là Văn Giảng, nhưng mọi người biết đến nhiều hơn là Thông Đạt với tác phẩm "Ai về sông Tương", sáng tác năm 1949. Đối với Tăng ni Phật tử, đều biết đến ông qua qua nghệ danh cũng là pháp danh Nguyên Thông với các tác phẩm bất hủ "Từ Đàm quê hương tôi"; Mừng ngày Đản sanh; Ca Tỳ La Vệ; Vô thường; Hoa cài áo Lam... Năm 1969, ông vào Sài Gòn làm việc, ông giữ chức Trưởng phòng Học vụ Nha Mỹ Thuật - Bộ Văn Hóa. Năm 1970, ông được giải thưởng huy chương vàng Văn học Nghệ thuật với tác phẩm Tấu Ngũ Khúc. Cùng năm, ông làm Giám đốc Nghệ thuật điều hành Đoàn Văn Nghệ Việt Nam 100 người tham dự hội chợ Quốc tế Osaka - Nhật Bản. Năm 1982, ông định cư tại Melboune- Úc Châu. Ông mất ngày 30 tháng 3 năm Quý Tỵ (12-05-2013) thọ 89 năm, được đông đảo chư tôn đức PG hộ niệm đưa tiễn, nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán Melboune - Úc Châu - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Thanh Nguyên Tiên Giảng (1852-?), Hòa thượng, đệ tử ngài Pháp Lữ - chùa Báo Quốc, sau cầu pháp với Hòa thượng Hải Toàn - Linh Cơ, ngài thế danh Phạm Tiên Giảng, tri sự rồi trụ trì chùa Từ Ân - Huế, chưa có thêm thông tin, nguyên quán Quảng Trị, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ tiền bối hữu công PG Thuận Hóa.

- Trần Văn Giáp (1898-1973), Cư sĩ, NNC Phật học, nhà Nho, tác gia, ông tự là Thúc Ngọc, bút danh là Thanh Sơn, Từ Vân, Hải Am... Sáng lập viên hội PGBK. Tháng 11-1934 Trần Văn Giáp cùng các ông Cung Đình Bính, Lê Văn Phúc, Trần Văn Giác được cử làm Giám thị Ban Quản trị Trung ương Hội. Ông là người đề xuất thành lập Thư viện chùa Quán Sứ. Từ 12-5-1940 đến 19-5- 1945 ông giữ chức Chánh thư ký hội Phật giáo Bắc Kỳ; tại Đại hội đồng ngày 19-5-1945, ông được bầu làm cố vấn Ban Trị sự hội Việt Nam Phật giáo, ông có các tác phẩm: Le Bouddhisme en Annam. Des origines au XIII, 1932; Việt Nam Phật điển tùng san, Hội Phật giáo Bắc Kỳ và Viễn Đông Bác Cổ, 1943 (Thiều Chửu và Trần Văn Giáp sưu tầm và tổ chức khắc ván in). Thúc Ngọc-Trần Văn Giáp là người viết lời Tựa cuốn Việt Nam Phật giáo sử lược của Thượng tọa Thích Mật Thể - giáo sư trường Sơn môn Phật học Huế năm 1942 và lời giới thiệu cuốn Đạo đức phổ thông của Thiều Chửu do Đuốc Tuệ ấn hành năm 1943, và nhiều bài báo trên tạp chí Đuốc Tuệ, nguyên quán xã Tân Trào, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, trú quán Hà Nội.

- Trừng Văn Y Giáo (1890-1972), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 42, thế danh Hoàng Trọng Giáo (Nguyễn Văn Lập), xuất gia năm 12 tuổi với HT Thanh Thái Phước Chỉ - chùa Tường Vân - Huế, pháp danh Trừng Văn, pháp tự Y Giáo. Năm 1913, ngài thọ đại giới tại giới đàn tỉnh Bình Định do HT Phước Huệ - chùa Thập Tháp làm Đàn đầu truyền giới. Sau đó ngài trú xứ tu học và giữ chức Tri tạng tại chùa Tường Vân - Huế. Năm 1951, ngài trụ trì chùa Viên Thiện - núi Ngự Bình. Năm 1954, ngài trụ trì chùa Bảo Quang - Huế và đại trùng tu đến năm 1964 mới làm lễ khánh thành. Ngài xả báo thân này 24 tháng 8 năm Nhâm Tý (1972) thọ 82 năm, 59 hạ lạp, nguyên quán trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa tập 3.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 9
    • Số lượt truy cập : 6126656