NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN Ha
Ha
- Thích Huệ Hà (1936-2009), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Gia Phổ đời 42, thế danh Nguyễn Giang Hà, xuất gia năm 1943 với HT trụ trì chùa Long Phước- Bạc Liêu. Năm 1951, ngài thọ Sa di tại trường Kỳ giới đàn chùa Lăng Ca - Sóc Trăng. Năm 1953, ngài được theo học ở PHV Trung đẳng Phước Hòa - Trà Vinh. Năm 1957, ngài tiếp tục học Cao đẳng tại PHV Huệ Nghiêm - Bình Chánh- Chợ Lớn. Năm 1961, ngài thọ đại giới tại Đại giới đàn chùa Ấn Quang do HT Thiện Hòa làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1963, ngài cùng PG đồ tham gia chống chế độ độc tài, và bị bắt cùng chư tôn đức, giam tại trại giam Rạch Cát. Năm 1966, ngài được Giáo hội cử làm Chánh đại diện PG Quận 5 - Chợ Lớn. Năm 1969, ngài về lại Bạc Liêu kế thế trụ trì chùa Long Phước và làm Phó đại diện GHPGVNTN thị xã Bạc Liêu. Năm 1981, sau khi GHPGVN thành lập, ngài giữ chức Phó trưởng BTS PG tỉnh Minh Hải và Chánh đại diện PG thị xã Bạc Liêu. Năm 2007, ngài là Ủy viên HĐTS GHPGVN kiêm Trưởng BTS PG tỉnh Bạc Liêu và hiệu trưởng trường Trung cấp Phật học Bạc Liêu, Trưởng ban Quản trị Quan Âm Phật đài Bạc Liêu. Ngài xả báo thân ngày mồng 5 tháng 4 năm Kỷ Sửu (29-04-2009) thọ 74 năm, 43 năm hành đạo, nguyên quán trú quán Bạc Liêu - theo trang nhà www. phatgiaobaclieu.com
- Thích Quảng Hà, Thượng tọa, thế danh Nguyễn Văn Lộc sinh năm 1963, trụ trì hai chùa gồm chùa Cẩm, xã Yên Dương (Ý Yên) và chùa Phúc Trọng, xã Mỹ Xá (TP. Nam Định)... Ủy viên HĐTS TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Ban thường trực Ban Trị sự Hội Phật giáo tỉnh Nam Định; Ủy viên UB MTTQ tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh Nam Định. Nguyên quán Yên Khánh, Ninh Bình, trú quán Nam Định.
- Trần Đức Hạ, Cư sĩ, NNC Phật học, sinh năm 1952, pháp danh Trí Thượng, ông nguyên là giám đốc ngân hàng VP TP Hồ Chí Minh và thành viên Ban Kiểm soát ngân hàng Hàng Hải, thành viên Trung tâm Nghiên cứu PGVN, thành viên sáng lập Ban Phật học-chùa Phật học Xá Lợi, tác phẩm: Cốt lõi Phật pháp; nguyên quán Nam Định, trú quán TP Hồ Chí Minh.
- Nguyễn Văn Hàm, Cư sĩ, NNC Phật học, giáo sư triết học, nhà văn bút hiệu Ngũ Hà Miên, chính khách. Ông sinh năm 1940, Ông tham gia cánh mạng từ năm 1955, về Qui Nhơn chuẩn bị tập kết ra Bắc, nhưng rồi ông lại thôi, ở lại miền Nam. Năm 1960, ông tốt nghiệp đại học Huế. Sau đó, chuyển vào Sài Gòn dạy triết học ở trường Chu Văn An và đại học Vạn Hạnh. Năm 1971, ông tham gia tranh cử Dân biểu đối lập Hạ viện và trúng cử giữ chức Phó chủ tịch Hạ viện đến ngày giải phóng. Năm 1974, ông cùng với HT Thích Hiển Pháp, Linh mục Phan Khắc Từ lập ra Mặt trận Nhân dân Cứu đói. Ngày 1-10-1974, cùng hàng vạn người xuống đường kêu gọi chấm dứt chiến tranh, ông ký tên là "Ký giả ăn mày". Ngày 11-11-1974, trong lúc tổ chức cuộc biểu tình cho giới văn nghệ sĩ, ông bị chính quyền Thiệu theo dõi và tông xe ám sát, nhưng rất may ông chỉ bị thương. Sau năm 1975, Ông là Phó chủ tịch UBND Cách mạng TP Hồ Chí Minh. Năm 1977, ông làm Phó chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh. Năm 1985, ông làm Phó Ban Tôn Giáo TP Hồ Chí Minh kiêm Chủ bút báo Giác Ngộ của PG TP Hồ Chí Minh đến năm 1990 thì về hưu. Ông là một người mang 3 phong cách: chiến sĩ, thi sĩ và đạo sĩ. Tác phẩm: Bão (truyện dài, nxb Lao động, TP HCM 2013), nguyên quán Quảng Ngãi, trú quán TP Hồ Chí Minh - theo trang nhà www.tinku.vn
- Hoàng Xuân Hãn (1908-2003), Cư sĩ, Giáo sư, tác gia. Năm 1930-1936, du học tại Pháp. Năm 1936-1939, ông giảng dạy tại trưởng Bưởi - Hà Nội. Năm 1939-1944, Trường Bưởi dời vào Thanh Hóa, ông vào theo để tiếp tục giảng dạy, tại đây ông tìm thấy tư liệu về Lý Thường Kiệt để biên soạn tác phẩm sử học nổi tiếng (ra mắt năm 1949). Năm 1945, làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục trong chính phủ Trần Trọng Kim, ông là người soạn chương trình Việt ngữ cho các cấp học toàn quốc. Cùng năm này, ông bắt đầu nghiên cứu về Truyện Kiều. Năm 1950, ông sang Pháp làm việc và sống tại đây. Tác phẩm: Danh từ Khoa học; Đạo Phật Đời Lý; Lý Thường Kiệt với Đạo Phật; Một vài ký vãng về hội nghị Đà Lạt; Thi văn Việt Nam (1947); Đại Nam Quốc sử diễn ca (1949); Mai Đình Mộng Ký (1951); Chinh Phụ Ngâm bị khảo (1953); Bích Câu Kỳ Ngộ (1964); Truyện Song Trinh (1987); Văn Tế Thập loại Chúng sinh (1995); Thiên tình sử Hồ Xuân Hương (1995) La Sơn Phu Tử (1952); Lý Thường Kiệt (1949); Nghiên cứu về Kiều... Ông mất ngày 10 tháng 3 năm 1996 tại Paris, thọ 88 năm, 45 năm xa quê hương, nguyên quán Hà Tĩnh, trú quán Pháp quốc - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 3
- Tôn Thất Hàng (1902-2003), Cư sĩ, pháp danh Tâm Đạo. Năm 1947, ông làm công chức ở Bưu điện đã rũ một số thân hữu thành lập Khuôn hội PG An Lạc và ông được cử làm Khuôn trưởng. Ông có một người con trai là Tôn Thất Chiểu, một Bác sĩ, một huynh trường GĐPT nổi tiếng cùng bị bắt trong pháp nạn 1963 và được thả vào ngày 3-11-1963. Cuộc đời của ông từ khi tìm hiểu đạo Phật, theo Phật, phụng sự đạo Phật đến cuối đời chỉ cầu vãng sinh Cực Lạc là bước đi không hề sai lệch. Ông vừa làm Khuôn trưởng, vừa đi giảng đạo cho các Khuôn hội, viết sách, in sách và làm báo, thủ quỹ kiêm phát hành báo Viên Âm tục bản. Tác phẩm: Phật học thường thức I và II; Kinh Di Đà yếu lược, nguyên quán trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.
- Thích Thanh Hanh (1840-1936), tức tổ Vĩnh Nghiêm, Hòa thượng thế danh Nguyễn Thanh Đàm, pháp hiệu Thích Thanh Hanh. Năm 1858, ngài tu học học tại chùa Vĩnh Nghiêm - Bắc Giang dưới sự chỉ dẫn của HT Tâm Viên. Năm 1870, ngài được nghiệp sư cử vào Ninh Bình giảng giải Phật pháp tại chùa Phượng Ban và các chốn tổ trong tỉnh. Năm 1900, ngài trở về chốn tổ Vĩnh Nghiêm kế thế trụ trì. Từ đây ngài chú trọng việc hoằng dương chánh pháp, đào tạo Tăng tài, bồi dưỡng lớp kế thừa, nhất là công lao sao chép, khắc ván, ấn bản kinh điển từ trường Viễn Đông Bác Cổ. Ngày 23.12.1934, ngài được suy tôn làm Thiền gia Pháp chủ Hội Bắc kỳ Phật giáo, nguyên quán Hà Đông, trú quán Bắc Giang - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 1.
- Thích Nữ Diệu Hạnh (1928-2014), Ni trưởng, pháp danh Thị Liễu, tự Diệu Hạnh, hiệu Giác Ngộ, đời 42 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 9 pháp phái Chúc Thánh. Ni trưởng thế danh Trần Thị Nữ, sinh năm Mậu Thìn (1928) tại làng Minh Hương, Hội An, Quảng Nam. Ni trưởng xuất gia năm Đinh Hợi (1947) với Hòa thượng Tịch Chiếu tại tổ đình Phước Lâm, Hội An. Sau đó, ra Huế y chỉ Hòa thượng Đôn Hậu và tham học tại Ni trường Diệu Đức, thọ Tỳ kheo ni năm 1953 tại chùa Báo Quốc. Năm 1962 được cử làm phó trụ trì chùa Bảo Thắng, Hội An. Từ đây, Ni trưởng cùng Ni trưởng Như Hường chăm lo xây dựng chùa Bảo Thắng, nhiếp hóa đồ chúng cũng như tham gia các công tác Giáo hội, nhất là mảng từ thiện xã hội. Ni trưởng đảm nhận chức cụ Thủ quỹ Giáo hội trải qua các thời kỳ. Ni trưởng được cung thỉnh làm Tôn chứng, Giáo thọ, Yết-ma tại các đàn giới trong tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng. Năm 2000, Ni trưởng được cử làm trụ trì chùa Bảo Thắng sau khi Ni trưởng Như Hường viên tịch. Ni trưởng được cung thỉnh làm Chứng minh Phân ban Ni giới TW nhiệm kỳ (2012-2017). Ni trưởng viên tịch ngày 11 tháng 9 năm Giáp Ngọ (2014), hưởng thọ 87 tuổi, nhục thân nhập tháp tại chùa. Ni trưởng sinh và trú quán tại Quảng Nam - theo tư liệu Thích Như Tịnh sưu khảo.
- Thích Đức Hạnh (1833-1923), Hòa thượng, Thiền sư, họ Nguyễn, sinh năm Quý Tỵ (1833) tại miền Trung Việt, nối pháp mạch dòng Thiền Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 38, pháp húy Minh Nguyên.Tục diệm truyền đăng pháp mạch dòng thiền Lâm Tế Gia phổ đời thứ 40 pháp danh Thanh Tịnh hiệu Đức Hạnh. Tương truyền, ngài là một vị quan nhà Nguyễn, một khi đã trải nghiệm chốn quan trường, biết bao sự thăng trầm của bể khổ cồn dâu, ngài chợt thức tỉnh: Trăm năm kiếp sống, một phút hơi tàn, Công danh sự nghiệp áng mây tan, Phú quý vinh hoa cơn gió thoảng... Giác ngộ lý vô thường, trần gian ảo mộng phù du, ngài rủ áo từ quan, xuất gia học Phật, đó đây hành cước khắp chốn Thiền môn. Khi đủ duyên hành hóa độ tha thì ngài tìm nơi dừng trụ hoằng pháp độ sinh. Du hành hóa tha đến vùng đất của làng An Thái Đông thì được đại thí chủ là Ông Bà Cai họ Huỳnh phụng hiến thêm 5 mẫu vườn, để cho ngài khuếch trương cơ sở vật chất, tiếp Tăng độ chúng, thừa hành Phật sự và 2 mẫu ruộng để làm hương hỏa thờ phụng ngôi Tam Bảo Liên Trì Tự. Giai thoại nhân gian truyền tụng rằng: “Lãnh binh Nguyễn Văn Cẩn, một trong Tứ Kiệt đất Định Tường thường lui tới đàm đạo với Thiền sư Đức Hạnh tại Liên Trì Tự, và sau đó xuất gia với pháp danh Minh Mai hiệu Phương Danh (người khai sơn chùa Gò Tháp thờ những anh hùng Phật tử, nhằm duy trì và phát triển tinh thần giáo dục truyền thống yêu nước mãi mãi cho con cháu mai sau)”. Hóa duyên ký tất, ngài an nhiên viên tịch vào giờ Tý ngày mồng 10 tháng 11 năm Quý Hợi (17-12-1923), hưởng thượng thọ 92 Xuân. Tang lễ được tổ chức tại bổn tự và Kim quan đưa vào Bảo tháp phía bên phải trước chùa hiện nay, nguyên quán không rõ, trú quán Cái Bè, Tiền Giang - theo Thích Vân Phong biên khảo.
- Thích Giác Hạnh (1880-1981), Hòa thượng, thế danh Nguyễn Đức Cử, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 43. Năm 1897 xuất gia với Thiền sư Trừng Chiêm Huệ Nhật - tri sự chùa Từ Hiếu, pháp danh Tâm Cảnh, pháp tự Thiện Quyên. Năm 1910, thọ Tỳ kheo tại giới đàn chùa Phước Lâm - Hội An, cầu pháp với tổ Thanh Ninh Tâm Tịnh nên có pháp hiệu Giác Hạnh. Năm 1915, ngài trụ trì am Phổ Phúc khai sơn tổ đình Vạn Phước - Huế. Năm 1932, ngài là Chứng minh đạo sư Hội An Nam Phật học. Năm 1967, vào Nam khai sơn chùa Vạn Phước Sài Gòn. Năm 1973, được cung thỉnh vào Hội đồng Trưởng lão Viện Tăng thống GHPGVNTN, ngài tịch năm Tân Dậu ngày 10 tháng 7 (9-8-1981), thọ 102 tuổi, 72 hạ lạp, lập tháp tại chùa Vạn Phước - Huế, nguyên quán Quảng Trị, trú quán Thừa Thiên Huế - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 1.
- Thích Giác Hạnh, Hòa thượng , giảng sư, thế danh Nguyễn Văn Não, sinh năm 1937, Ủy viên HĐTS TW GHPGVN, giảng viên Ban Hoằng pháp TW GHPGVN, Phó BTS GHPGVN tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, viện chủ chùa Hội Phước - Bà Rịa, chùa Phước Lâm - Vũng Tàu, chùa Phước Duyên - Xuyên Mộc, chùa Tân Phước - Bình Đại - Bến Tre, ngài là giảng sư nổi tiếng khắp trong và ngoài nước, nguyên quán Long An, trú quán Bà Rịa Vũng Tàu - theo www.phatphapungdung.com
- Chương Quảng Mật Hạnh (1822-1884), Hòa thượng, tổ sư, pháp danh Chương Quảng, pháp tự Tuyên Châu, pháp hiệu Mật Hạnh, đới thứ 38 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 5 pháp phái Chúc Thánh. Ngài thế danh Hồ Viết Châu, sinh năm Nhâm Ngọ (1822) tại châu Hà Mật, huyện Diên Phước (nay thuộc xã Điện Trung, huyện Điện Bàn) tỉnh Quảng Nam. Ngài là đệ tử tổ Toàn Nhâm Quán Thông tại chùa Phước Lâm. Năm Nhâm Tuất (1862) ngài được triều đình bổ nhiệm trụ trì chùa Linh Ứng, năm Quý Dậu (1873) tiếp tục được cải bổ trụ trì chùa Tam Thai. Ngài chuyên tu mật hạnh, tạo tượng đúc chuông, chỉnh trang thiền môn quy mô tráng lệ. Ngài viên tịch vào ngày mồng 4 tháng 4 năm Giáp Thân (1884), thọ 63 tuổi. Đệ tử nối pháp có các vị tiêu biểu như: Ấn Lan Từ Trí, Ấn Diệu Từ Nhẫn, Ấn Bính Phổ Bảo... Ngài nguyên quán tại Quảng Nam, trú quán tại Đà Nẵng - theo Thích Như Tịnh sưu khảo.
- Minh Vi Mật Hạnh (1828-1898) Hòa thượng, không rõ quê quán, thiền phái Lâm Tế Gia Phhổ đời 38, đệ tử HT Tiên Giác - Hải Tịnh, trụ trì chùa Giác Viên, chuyên phật sự ứng phú cho chùa Giác Lâm, khi về già ngài trao quyền trụ trì cho HT Hoằng Ân rồi chuyên tu thiền định, quy tịch tại chùa Giác Lâm, thọ 71 tuổi.
- Thích Mật Hạnh (1919-2015), Hòa thượng, pháp danh Không Ấn, pháp tự Thiện Nhơn, pháp hiệu Mật Hạnh, đời 41 kệ phái Vạn Phong Thời Ủy. Ngài thế danh Bùi Mật Hạnh, sinh năm Kỷ Mùi (1919) tại thôn Bả Canh, xã Đập Đá, huyện An Nhơn, Bình Định. Xuất gia năm 11 tuổi tại tổ đình Thập Tháp, đệ tử của Quốc sư Phước Huệ. Năm 1942 thọ Tỳ kheo tại giới đàn chùa Hưng Khánh do HT Chí Bảo làm Đàn đầu Hòa thượng. Năm 1946 làm Thư ký Hội PGCQ tỉnh Bình Định. Năm 1952 đảm nhiệm trụ trì chùa Tân An- thôn Vạn Thiện - xã Nhơn Thành - huyện An Nhơn. Năm 1956, Chánh thư ký GHTG tỉnh Bình Định. Ngài trùng tu chùa Tân An vào các năm 1959, 1990..., đồng thời xây dựng Đông đường, Tây đường khiến chùa thêm khang trang. Ngài được cung thỉnh vào thành viên HĐCM GHPGVN, Trưởng môn phái tổ đình Thập Tháp, và viện chủ chùa Tân An - phường Nho Thị - thị xã An Nhơn- tỉnh Bình Định. Hòa thượng viên tịch vào lúc 18g30 ngày mồng 7 tháng 10 năm Ất Mùi (18-11-2015) thọ 96 tuổi, 73 hạ lạp. Ngài nguyên và trú quán Bình Định. theo Những ngôi chùa tiêu biểu của tỉnh Bình Định, Đặng Quý Địch biên soạn.
- Thích Nhất Hạnh, sinh năm 1926, Hòa thượng, Thiền sư, tác gia, dòng thiền Lâm Tế Liễu Quán đời 42, thế danh Nguyễn Xuân Bảo, xuất gia năm 1949 với HT Thanh Quý-Châu Thật- chùa Từ Hiếu, thế danh Nguyễn Xuân Bảo, tốt nghiệp PHV Báo Quốc. Năm 1956, ông là Tổng biên tập tờ Phật Giáo Việt Nam của Tổng hội PGVN. Vào thập niên 1960, ông thành lập trường Thanh niên phụng sự xã hội tại Cầu Tre-Tân Bình, sáng lập nhà xuất bản Lá Bối. Năm 1966, ông sáng lập dòng tu Tiếp Hiện, là nhà lãnh đạo PG có ảnh hưởng thế giới đứng thứ hai sau đức Đạt Lai Lạt Ma, thiền sư đã viết trên 100 tác phẩm được ấn hành nhiều thứ tiếng, lập ra tu viện Làng Mai, Pháp quốc, tác phẩm: Tiếng địch chiều thu, Long Giang, Sài Gòn, 1949; Ánh xuân vàng (bút danh: Hoàng Hoa), Long Giang, Sài Gòn, 1950; Thơ ngụ ngôn (bút danh: Hoàng Hoa), Đuốc Tuệ, Hà Nội, 1950; Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện, Lá Bối, Sài Gòn, 1965.; Tiếng đập cánh loài chim lớn, Lá Bối, Sài Gòn, 1967; Vietnam Poems, Unicorn Press, Santa Barbara (Hoa Kỳ), 1967; The Cry of Vietnam, Unicorn Press, Santa Barbara (Hoa Kỳ), 1968; De Schreeuwvan Vietnam, Uitgeverij Ten Have, Baarn, Hollande, 1970; Zen Poems, Unicorn Press, Greensboro (Hoa Kỳ), 1976; Tình người (tập truyện; bút danh: Tâm Quán), 1951; Lá Bối 1973; Nẻo về của ý (bút ký), Lá Bối 1967; An Tiêm 1972; Am mây ngủ (truyện ngoại sử), Lá Bối; Bưởi (tập truyện ngắn), Lá Bối; Tố (tập truyện), Lá Bối; Văn Lang dị sử (truyện cổ tích, bút danh Nguyễn Lang), Lá Bối; An Tiêm 1975; Đường xưa mây trắng, Lá Bối; NXB Văn hóa Sài Gòn, 2007; Truyện Kiều dịch ra văn xuôi, NXB Văn hóa Sài Gòn; Đông phương luận lý học, Hương Quê 1950; Vấn đề nhận thức trong Duy Thức học, Lá Bối 1969; Tương lai văn hóa Việt Nam, Lá Bối; Tương lai Thiền học Việt Nam, Lá Bối; Việt Nam Phật giáo sử luận (bút danh Nguyễn Lang), 3 tập, tập 1: Lá Bối 1974, 2 tập sau xb ở nước ngoài sau 1975; Thả một bè lau, Nxb Văn Hóa Sài Gòn 2008; Gia đình tin Phật, Đuốc Tuệ 1952; Bông hồng cài áo, viết vào mùa Vu lan 1962; Lá Bối xuất bản lần 2, 1965; Đạo Phật đi vào cuộc đời, Lá Bối 1964; Đạo Phật ngày nay, Lá Bối 1965; Nói với tuổi hai mươi, Lá Bối 1966, 1972; Phật giáo Việt nam và hướng đi nhân bản đích thực (bút danh Trần Thạc Đức), Lá Bối 1967; Đạo Phật hiện đại hóa, Lá Bối 1965, 1968; Đạo Phật ngày mai, Lá Bối 1970; Nẻo vào thiền học, Lá Bối 1971; Đạo Phật áp dụng vào đời sống hàng ngày, Viện Hóa Đạo xuất bản 1973; Tuổi trẻ tình yêu lý tưởng, Lá Bối; Kiều và văn nghệ đứt ruột, Lá Bối, USA, 1994; Phép lạ của sự tỉnh thức, Nxb Tôn giáo; Đi như một dòng sông; An lạc từng bước chân; Trái tim của Bụt, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2006; Hạnh phúc: mộng và thực Nxb Văn Hóa Sài Gòn, 2009; Kim Cương: Gươm báu cắt đứt phiền não, Nxb Văn Hóa Sài Gòn, 2009; Giận , nxb Thanh niên, 2009 , nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán Pháp quốc - theo trang nhà www.chuaadida.com
- Ngộ Hạnh, Cư sĩ, thế danh Huỳnh Văn Chấn, sinh năm 1941 (giấy tờ 1948), nguyên là tu sĩ Thích Ngộ Hạnh, xuất gia năm 1960 với HT Như Từ Tâm Đạt - chùa Thiên Bình - Bình Định, pháp danh Thị Giải, pháp tự Ngộ Hạnh, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 42. Sau khi thọ giới Sadi, Thầy được gởi vào Nam tu học tại PHV Huệ Nghiêm. Năm 1965, thọ đại giới tại giới đàn PHV Huệ Nghiêm do HT Thanh Thạnh làm Đàn đầu truyền giới. Bấy giờ, Thầy Ngộ Hạnh là chúng trưởng chúng Huyền Trang. Năm 1970, thầy Ngộ Hạnh và các thầy Trí Phước, Minh Quả, Thị Trị, Thị Bửu, Thiện Trí... thành lập Lưu học xá Huyền Trang để vừa tu học vừa dạy học tại các trường Trung Tiểu học Bồ Đề của GHPGVNTN tổ chức. Sau năm 1975, Thầy Ngộ Hạnh trở về làm Cư sĩ tại gia và tiếp tục giảng dạy ở trường Trần Khai Nguyên - Quận 5 cho đến khi hưu trí. Cư sĩ tham gia nghiên cứu Phật học ở các chùa và truyền trao kiến thức Phật học uyên thâm của mình cho lớp Tu sĩ và Cư sĩ kế thừa, nguyên quán Bình Định, trú quán TP Hồ Chí Minh.
- Thích Nguyên Hạnh, Hòa thượng, giáo sư, thế danh Lê Hậu, xuất gia với HT Mãn Giác- chùa Phật Giáo Việt Nam - Los Angeles, viện chủ chùa Phật giáo Việt Nam - Houston - Texas, nguyên quán Quảng Trị, trú quán Hoa Kỳ.
- Thích Nguyên Hạnh, Thượng tọa, Tiến sĩ, pháp hiệu cũ Thích Đức Trường, xuất gia với HT Huệ Xướng - chùa Giác Lâm, cầu pháp với HT Trí Quảng - chùa Huê Nghiêm 2, giảng sư Ban Hoằng pháp GHPGVN TP Hồ Chí Minh, Chánh văn phòng viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, tri sư chùa Bát Bửu Phật Đài và Học viện PGVN cơ sở Lê Minh Xuân, nguyên quán Đồng Tháp, trú quán TP Hồ Chí Minh.
- Thích Tịnh Hạnh (1889-1933), Hòa thượng, pháp danh Trừng Hương, pháp tự Thiền Duyệt, là bào huynh Hòa thượng đệ nhất Tăng thống Thích Tịnh Khiết, Chứng minh đạo sư hội An Nam Phật học, tọa chủ chùa Tường Vân - Huế, nguyên quán trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ tiền bối hữu công PG Thuận Hóa.
- Thích Tịnh Hạnh (1934-2015), Hòa thượng, Tiến sĩ văn học và triết học Đài Loan, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 42, xuất gia năm 1950 tại chùa Thiên Hưng - Ninh Thuận, pháp danh Thị Viên, pháp tự Hạnh Bị, sau đó tu học tại PHĐ Ninh Thuận. Năm 1952, ngài vào Sài Gòn học tại PHĐ Nam Việt - chùa Ấn Quang. Năm 1963, ngài trụ trì chùa Giác Tâm - Phú Nhuận làm chủ tịch Ủy ban Liên Phái Bảo vệ PG tỉnh Gia Định. Năm 1966, ngài tốt nghiệp cử nhân đại học Vạn Hạnh và làm giáo sư dạy các trường Bồ Đề. Năm 1969, ngài được học bổng du học tại đại học Quốc lập Sư Phạm - Đài Loan. Năm 1979, ngài khai sơn Linh Sơn Giảng đường- Đài Bắc và sáng lập nguyệt san Hiện Đại Phật Giáo. Năm 1981, ngài tốt nghiệp Tiến sĩ. Năm 1983, ngài thuyết giảng hằng tuần về PG trên truyền hình Đài Bắc. Năm 1985, ngài sáng lập và làm viện trưởng học viện Phật Giáo Trung Quốc. Năm 1988, ngài khai sơn Thiền Lâm Linh Sơn trên 18 mẫu đất tại Thạch Định - Đài Bắc. Năm 1990, ngài giảng dạy tại trường Quốc lập Sư phạm-Đài Bắc. Năm 1992, ngài được phong chức Giáo sư trường đại học Trung Hưng và Phùng Giáp. Năm 1994, ngài về Việt Nam chủ xướng phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Tạng, đã hoàn thành 203 tập bằng Việt ngữ, Năm 2001, ngài được bầu làm Đệ nhị Tăng thống Giáo hội Linh Sơn Thế giới. Năm 2008, ngài kế tục sự nghiệp HT Huyền Vi, đứng ra xây dựng đại học Đông Phương Linh Sơn Thế giới. Ngài xả báo thân ngày 22 tháng 2 năm Ất Mùi (10-04-2015) tại Đài Bắc, thọ 81 năm, 65 hạ lạp, nguyên quán Ninh Thuận, trú quán Đài Loan.
- Thích Tịnh Hạnh, Hòa thượng, viện chủ tổ đình Phật Bửu Tự, quận 3, quản lý điều hành trên 20 ngôi chùa trong tông phái từ miền Trung đến miền Nam, Phó ban Thường trực BTS GHPGVN TP Hồ Chí Minh, nguyên Chánh đại diện PG quận 3, nguyên quán Bến Tre, trú quán TP Hồ Chí Minh.
- Thích Từ Hạnh (1927-1988), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 45, đệ tử của HT Thích Phước Thành - chùa Thiên Phước, pháp danh Quảng Y, pháp hiệu Từ Hạnh. Năm 1970, ngài tốt nghiệp đại học Văn khoa Sài Gòn và trú xứ chùa Giác Tâm - Phú Nhuận, Chánh đại diện GHPGVNTN tỉnh Gia Định. Từ 1970-1975, ngài làm hiệu trưởng trường Trung học Bồ Đề Qui Nhơn. Năm 1975, ngài làm Tổng thư ký Ban Liên lạc PG TP Hồ Chí Minh. Năm 1981, GHPGVN được thành lập, ngài được cử làm Phó Tổng thư ký kiêm Chánh VP II TW GHPGVN, Phó hiệu trưởng trường Cao cấp Phật học TP Hồ Chí Minh, trụ trì chùa Quan Thế Âm-Phú Nhuận, ngài xả báo thân ngày 22 tháng 11 năm 1988, thọ 62 năm, nguyên quán Bình Định, trú quán TP Hồ Chí Minh.
- Thích Nữ Từ Hạnh (1920-2013), Ni trưởng, pháp danh Tâm Tánh, tự Từ Hạnh, hiệu Diệu Hữu, đời 43 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 9 pháp phái Liễu Quán. Ni trưởng thế danh Hà Thị Tùy, sinh năm Canh Thân (1920) tại làng Phong Ngũ, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Năm 1934 xuất gia tại chùa Phổ Đà với Hòa thượng Thích Tôn Thắng, sau đó được Bổn sư gởi ra học với pháp sư Giải Ngạn tại chùa Hưng Ký, Hà Nội. 4 năm sau trở về Huế tham học tại Ni trường Diệu Đức, thọ Tỳ kheo ni năm 1949 tại chùa Báo Quốc, Huế. Năm 1960, Ni trưởng về quê nhà lập chùa Châu Phong trên nền chùa cũ để tu tập và báo hiếu song thân. Từ đó, Ni trưởng tiếp độ chúng Ni cũng như tham gia các công tác Phật sự, góp phần xây dựng Ni bộ Quảng Nam Đà Nẵng ngày một vững mạnh. Ni trưởng được cung thỉnh làm Tôn chứng, Giáo thọ, Yết-ma cũng như Đàn đầu truyền giới tại các giới đàn Phước Huệ năm 1996 tại Bảo Quang, Đà Nẵng; giới đàn Minh Giác năm 2000 và giới đàn Ân Triêm năm 2004 tại chùa Diệu Quang, Tam Kỳ. Ni trưởng được cung thỉnh CM Phân ban Ni giới TW nhiệm kỳ (2012-2017). Ni trưởng viên tịch ngày mồng 4 tháng 10 năm Quý Tỵ (2013) thọ 94 tuổi, nhập tháp trong khuôn viên chùa Châu Phong. Đệ tử Ni trưởng có các vị như: Cố Ni trưởng Thích Nữ Hạnh Nguyện, Ni sư Thích Nữ Hạnh Từ, Ni sư Thích Nữ Hạnh Châu v.v... Ni trưởng sinh và trú quán Quảng Nam - theo tư liệu Thích Như Tịnh sưu khảo.
Tin tức khác
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 26 – THÁNG 10 NĂM 2018 (PL. 2562)
Bình luận bài viết