NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN Hai
Hai
- Hồng Dương Nguyễn Văn Hai, Cư sĩ, giáo sư, Tiến sĩ toán học đại học Sorbone - Pháp, NNC Phật học, tác gia, dịch giả, pháp danh Hồng Dương, Hiệu trưởng trường Quốc học - Huế, Phó viện trưởng kiêm Khoa trưởng Đại học Khoa Học - Viện đại học Huế. Phó giám đốc Trung tâm Liễu Quán. Giáo sư tại Đại học Kentucky, Hoa Kỳ, cộng tác với các báo và websites Phật giáo như Thư Viện Hoa Sen, Quảng Đức, Buddhasasana, Phật Việt, Đạo Phật Ngày Nay, v.v... tác phẩm đã xuất bản: - Phân biệt ngôn ngữ và tu chứng; - Lưới tương giao; - Tổ giáo và Giáo tín; - Đồng thời và Dị thời; - Chân như và Duyên khởi; - Tìm hiểu Trung Quán: Nhận thức và Không tánh; - Luận giải Trung Quán: Tánh khởi và Duyên khởi; - Đi tìm ngã; - Hữu thể và Thời gian; - Nhận thức luận Phật giáo; - Luận giải Trung Luận và Tánh Luận duyên khởi (2003); Nhân Quả đồng thời; Tánh không phủ định cái gì?; Tiếng Việt vô Ngã; Tư tưởng Triết học trong tác phẩm của Gilles Deleuze; Nhận thức và Không tánh , ông nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán Hoa kỳ - theo trang nhà www.quangduc.com
- Thích Doãn Hài (1874-1958), tức Tổ Tế Xuyên, thế danh Dương Văn Hiển. Năm 1889,xuất gia với tổ Bảo Khám - làng Tế Xuyên, pháp danh Tông Hiển, pháp hiệu Doãn Hài. Năm 1893, ngài được gửi đến chùa Bổ Đề tu học vời sư tổ Thích Nguyên Biểu. Năm 1906 tổ Bồ Đề viên tịch, ngài đến chùa Vĩnh Nghiêm - Bắc Giang theo học với HT Thích Thanh Hanh. Sau khi học lực đầy đủ, ngài trở về quê hương trụ trì chùa Tế Cát và làm đương gia chốn tổ Tế Xuyên. Năm 1936, trong phong trào chấn hưng, ngài làm chủ bút báo Đuốc Tuệ và trụ trì chùa Quán Sứ - Hà Nội. Năm 1951, Tổng hội PGVN được thành lập, ngài được cung thỉnh làm Chứng minh đạo sư, nguyên quán Nam Hà, trú quán Hà Nội - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 1.
- Thích Giác Hải (?-1940), Hòa thượng, đệ tử tổ Tâm Tịnh-chùa Tây Thiên, pháp danh Trừng Nhã, pháp tự Chí Thanh, pháp hiệu Giác Hải. Năm 1904 ngài đến làng An Cựu Tây lập thảo am lấy tên là Duy Tôn, sau đó dần trùng tu thành ngôi chùa. Đến năm 1929, chùa được đại trùng tu và đổi tên hiệu là Giác Lâm. Ngài được mời làm Đệ lục Tôn chứng giới đàn chùa Từ Vân - Quảng Nam năm 1928. Đệ tử ngài là HT Khả Tấn tiếp nối trụ trì chùa Giác Lâm, nguyên quán Quảng Trị, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.
- Thích Giác Hải (1927-2009), Hòa thượng, dòng Tào Động Việt Nam đời 13, pháp tự Thanh Thuần, pháp hiệu Tâm Quán, thế danh Phạm Văn Kiểm, Trưởng môn phái tổ đình Vĩnh Nghiêm miền Nam, Thành viên Hội đồng Chứng minh TW GHPGVN, trụ trì các chùa Giác Tâm, chùa Giác Hải và chùa Trấn Quốc TP Hồ Chí Minh, năm 1957 khai sơn chùa Giác Hải và lập nghĩa trang Giác Tâm ở huyện Bình Chánh. Năm 2000, chư tôn tổ đình Vĩnh Nghiêm cử ngài làm Trưởng sơn môn. Ngài xả báo thân ngày 17 tháng 2 năm Kỷ Sửu (13-03-2009), thọ 83 năm, 62 hạ lạp, nguyên quán Thường Tín - Hà Đông, trú quán TP Hồ Chí Minh - theo trang nhà www.phattuvietnam.net
- Thích Hạnh Hải (1948-2015), Hòa thượng, pháp danh Thị Nguyên, pháp tự Hạnh Hải, pháp hiệu Phước Huệ, đời 42 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 9 pháp phái Chúc Thánh. Hòa thượng thế danh Lê Đình Đào, sinh năm Mậu Tý (1948) tại xã Quế Phong, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Năm 1965, xuất gia với HT.Thích Trí Minh tại chùa Pháp Bảo, Hội An. Sau đó, ngài vào Nam tu học. Ngài khai sơn chùa Viên Thông tại quận 11 - Chợ Lớn. Ngài chuyên hành trì mật tông và có những điều linh nghiệm. Đặc biệt, trong ngài tình quê hương rất là sâu nặng. Không có một Phật sự nào tại quê hương Quảng Nam mời mà ngài từ chối. Đối với tổ chức GĐPT, ngài thường quan tâm sách tấn và đảm nhận cố vấn Giáo hạnh GĐPT TW. Hòa thượng viên tịch vào ngày 17 tháng 7 năm Ất Mùi (2015), hưởng thọ 68 tuổi. Nhục thân được đưa về nhập tháp tại Từ đường Lê Tộc ở quê nhà. Ngài nguyên quán Quảng Nam, trú quán TP Hồ Chí Minh - theo Thích Như Tịnh sưu khảo.
- Thích Hạnh Hải (1916-1998) Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 43, xuất gia năm 1933 với HT Trừng Nghệ Sơn Nhơn - chùa Thiền Sơn Lỗ Mây - Ninh Hòa, pháp danh Tâm Phước, pháp tự Như Thông, pháp hiệu Hạnh Hải. Năm 1939, ngài thọ cụ túc tại giới đàn chùa Thiên Quang do HT Huệ Đạo làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1943, ngài trụ trì chùa Hải Tràng - Ninh Hòa. Năm 1948, ngài trụ trì chùa Phước Long và giữ chức Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già huyện Ninh Hòa. Năm 1954, ngài trụ trì tổ đình Thiên Bửu - Ninh Hòa và giữ chức Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già tỉnh Khánh Hòa. Năm 1964, ngài làm Phó đại diện kiêm Đặc ủy Tăng sự GHPGVNTN tỉnh Khánh Hòa, đồng thời là Chánh đại diện PG huyện Ninh Hòa. Năm 1982, ngài lui về trùng tu tổ đình Sắc tứ Thiên Bửu và hoằng pháp độ sanh, ngài xả báo thân ngày 16 tháng 9 năm Mậu Dần (04-11-1998) thọ 83 năm, 59 hạ lạp, tháp lập trong khuôn viên chùa Thiên Bửu, nguyên quán trú quán Ninh Hòa- Khánh Hòa - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 3.
- Thích Huệ Hải (1918-2008), Hòa thượng, thế danh Nguyễn Trung Tín, quy y Tam bảo với tổ Phi Lai - Chí Thiền, pháp danh Hồng Trung, hiệu Thiện Tín. Năm 1929, ngài xuất gia với tổ Phi Lai - núi Voi - Châu Đốc. Năm 1933, tổ Phi Lai viên tịch, ngài y chỉ học đạo với HT Như Tâm - chùa Định Long - Châu Đốc và thọ Sa di giới tại đây. Năm 1939, ngài thọ đại giới tại giới đàn chùa Phước Trường - Chợ Gạo - Mỹ Tho. Năm 1948, ngài cầu pháp với HT Như Mật Bửu Thọ - chùa Tây An - Châu Đốc, được ban pháp tự là Huệ Hải. Năm 1955, ngài trụ trì chùa Long Hoa - Nhà Bè - Gia Định. Năm 1956, trụ trì chùa Bửu Lâm - núi Thị Vãi - Phước Tuy. Năm 1958, ngài tham dự khóa huấn luyện trụ trì "Như Lai Sứ Giả" tại chùa Pháp Hội - Chợ Lớn. Năm 1960, ngài làm Giám viện PHĐ Lưỡng Xuyên - Trà Vinh. Năm 1962-1966, ngài khởi công xây dựng và khai sơn trụ trì chùa Từ Quang - Thủ Đức Từ năm 1967-1974, mỗi năm ngài đều mở khóa an cư và khai giới đàn truyền trao giới pháp cho giới tử. Năm 1990, ngài được cung thỉnh làm Chứng minh BTS Thành hội PG TP Hồ Chí Minh. Năm 1997, ngài được cung thỉnh làm Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN. Giới đức vẹn toàn, ngài luôn được cung thỉnh làm Giới sư trong các giới đàn ở miền Đông, miền Tây và TP Hồ Chí Minh. Ngài đã cùng HT Minh Lượng, HT Minh Chánh hợp sức trùng kiến tháp tổ Nguyên Thiều ở Vĩnh Cửu - Đồng Nai, được tìm thấy sau hơn nửa thế kỷ bị lãng quên. Ngài xả báo thân ngày 16 tháng 8 năm Mậu Tý (15-09-2008) thọ 90 năm, 70 hạ lạp, nguyên quán Bình Đức Mỹ Tho, trú quán Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh - theo trang nhà www.chuavinhnghiem.vn.com
- Thích Huệ Hải (1935-2008), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 44, thế danh Nguyễn Duy, xuất gia năm 1954 với HT Mỹ Thành - tổ đình Long Khánh - Tuy Hòa, pháp danh Nguyên Chi, pháp tự Trí Giác, pháp hiệu Huệ Hải. Năm 1957, ngài cầu pháp với HT Bích Lâm - tổ đình Nghĩa Phương - Nha Trang và thọ cụ túc giới tại giới đàn chùa Nghĩa Phương do Hòa thượng Tăng Cang Thích Huệ Pháp - chùa Sắc tứ Minh Tịnh - Quy Nhơn làm Đàn đầu truyền giới. Cùng năm, ngài vào học tại Tăng học viện PG Cổ truyền Trung phần, do HT Bích Lâm làm giám đốc. Năm 1961, HT Bích Lâm đã khai sơn chùa Nghĩa Phú - Tuy Hòa - Phú Yên và cử ngài làm trụ trì. Năm 1968, chùa Phật Ấn - Sài Gòn mở giới đàn, ngài được thỉnh làm Đệ nhị tôn chứng. Năm 1969, ngài khai đại giới đàn tại chùa Nghĩa Phú, cung thỉnh HT Mỹ Thành - bổn sư của ngài làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1972, HT Bích Lâm viên tịch, ngài được cử làm Trưởng môn phong tổ đình Nghĩa Phương. Năm 1973, tại giới đàn chùa Thiền Lâm - Phú Lâm Chợ Lớn, ngài được tấn phong Yết ma A xà lê. Các chức vụ ngài đã trải qua: Từ năm 1961-1963, Phó Tăng giám Giáo hội Phật giáo Tịnh độ Tông tỉnh Phú Yên. Từ 1963-1969: Phó Tăng Trưởng tỉnh hội Phật Giáo Cổ Truyên Phú Yên. Từ 1969-1975: Tăng trưởng tỉnh hội Phật giáo Cổ Truyền tỉnh Phú Yên. Sau năm 1975, ngài lui về ẩn tu và giảng dạy đồ chúng. Ngài viên tịch ngày 12 tháng 4 năm Mậu Tý (16-05-2008) thọ 74 năm, 52 hạ lạp, nguyên quán trú quán Tuy Hòa- Phú Yên - theo TK Thích Trí Bửu sưu khảo.
- Thích Long Hải (1919-2002), Hòa thượng, Pháp danh Chơn Giác, pháp tự Đạo Hoa, pháp hiệu Long Hải, đời 40 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 7 pháp phái Chúc Thánh. Ngài thế danh Ôn Nguyện, sinh ngày mồng 6 tháng 7 năm Kỷ Mùi (1919) tại làng Thi Nhơn, xã Điện Phong, huyện Điện Bàn. Xuất gia với Hòa thượng Phổ Thoại tại chùa Long Tuyền. Năm 1954 đảm nhận trụ trì chùa Nghĩa Trung, Điện Bàn. Chánh đại diện GHPGVNTN Điện Bàn (1974). Ngài giỏi về khoa nghi ứng phú. Một đời đạm bạc thanh tu và nhẹ nhàng bỏ báo thân vào ngày 24 tháng 11 năm Tân Tỵ (2002), thọ 83 tuổi. Ngài nguyên quán trú quán tại Quảng Nam - theo Thích Như Tịnh sưu khảo
- Thích Như Hải (1946-1966), Đại đức, thánh tử đạo, thế danh Văn Ngọc Tụy, xuất gia năm 1964 với HT Hưng Dụng - chùa Tỉnh hội PG Quảng Trị, pháp danh Tâm Ân, pháp tự Như Hải, trong đấu tranh pháp nạn PG 1966 để bảo vệ hiến chương PG, Đại đức đã phát nguyện tự thiêu lúc 03 giờ sáng ngày 04-06-1966 tại chùa Tỉnh hội, để lại bức thư phản đối chính quyền đàn áp PG miền Trung, thầy ra đi lúc 21 tuổi, nguyên quán trú quán Hải Lăng- Quảng Trị - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa. tập 3
- Thích Pháp Hải (1895-1961), Hòa thượng, thế danh Nguyễn Văn An. Năm 1912, xuất gia với HT trụ trì chùa Tây Hưng - Sa Đéc, sau cầu pháp với Sư tổ chùa Long Phước - Vĩnh Long. Năm 28 tuổi, ngài trụ trì chùa Phước Sơn - Trà Cú - Trà Vinh. Năm 1934 ngài cùng với các Hòa thượng khởi xướng phong trào chấn hưng PG thành lập Liên đoàn Phật học xã. Sau đó là thành lập hội Lưỡng Xuyên Phật học - chùa Long Hòa - Trà Vinh, ngài được mời làm trụ trì kiêm giáo sư giảng dạy tại Phật học đường Lưỡng Xuyên. Năm 1944, ngài về kế thế trụ trì chùa Long Phước-Vĩnh Long. Năm 1951, Giáo hội Tăng già Nam Việt được thành lập, ngài được mời làm Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già tỉnh Vĩnh Long. Khi hội Phật học Nam Việt lập chi hội ở Vĩnh Long, đã thỉnh ngài làm Chứng minh kiêm Hội trưởng chi hội Phật học Nam Việt tỉnh Vĩnh Long. Đương thời, ngài nổi tiếng trong nghệ thuật trụ trì Tự viện PG, nguyên quán Lấp Vò Sa Đéc, trú quán Vĩnh Long - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 1
- Phan Tấn Hải, cư sĩ, tác gia, dịch giả, pháp danh Nguyên Giác, sinh năm 1952, cư ngụ tại California - Hoa Kỳ, là một Cư sĩ học đạo với các HT: Thích Tịch Chiếu - chùa Tây Tạng - Bình Dương; Thích Thiền Tâm - Đại Ninh - Lâm Đồng; Thích Tài Quang - chùa Quang Minh - Phú Nhuận. Ông cộng tác với nhiều báo như: tập san Nghiên cứu Triết học (đại học Văn Khoa Sài Gòn); Tự Thức; Văn; Văn Học; Hợp Lưu; Tạp chí Thơ; Việt báo; Giao Điểm; Giác Ngộ và nhiều báo khác. Tác phẩm: Chú giải về Thiền Đốn Ngộ (1990); Thiền tập; Ba Thiền sư (dịch); Chú giải về Phowa (dịch); Lời dạy tâm yếu về Đại thủ ấn; Cậu bé và hoa Mai; Ở một nời gọi là Việt Nam; Teachings from Ancient Vietnammese Zen Master; Teachings and Poetry of Vietnammese Zen Master Tue Trung Thuong Si (1230-1291); Tran Nhan Tong (1258-1308): The King who founded A Zen School; The Zen Teachings of Master Duy Luc... nguyên quán Sài Gòn Việt Nam, trú quán California- Hoa Kỳ - theo trang nhà wwwquangduc.com
- Thích Trí Hải (1906-1979), Hòa thượng, thế danh Đoàn Thanh Tảo, xuất gia năm 17 tuổi với tổ Thông Dũng - chùa Mai Xá - Hà Nam. Năm 1924, ngài cùng một số tu sĩ trẻ thành lập đoàn Thanh niên Tăng lấy tên Lục Hòa Tịnh Lữ. Năm 1930, ngài trụ trì chùa Phú Đa - Bình Lục - Nam Hà. Năm 1932, ngài và một số vị thành lập Ban Phật học Tùng thư để phiên dịch và ấn hành kinh sách phổ biến cho Phật tử. Năm 1934, hưởng ứng phong trào chấn hưng, ngài cùng một số Tăng ni Phật tử có uy tín đứng ra thành lập hội Bắc kỳ Phật giáo, đặt trụ sở trung ương tại chùa Quán Sứ - Hà Nội. Năm 1935, ngài cùng Hội xuất bản tuần báo Đuốc Tuệ và lập nhà in. Năm 1943, ngài phác thảo chương trình kiến thiết một Đại Tùng Lâm rộng 20 mẫu tại Thường Tín - Hà Đông, làm cơ sơ văn hóa, giáo dục, tín ngưỡng PG, ngài cũng có kế hoạch trùng tu di tích Trúc Lâm Yên Tử. Năm 1951, Tổng hội PG Việt Nam được thành lập, ngài được bầu làm Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già toàn quốc, ngài trụ trì qua các chùa Bồ Đề, Quán Sứ - Hà Nội, chùa Nam Hải - Hải Phòng, tác phẩm ngài để lại rất nhiều: Nhập Phật nghi tắc; Nghi thức tụng niệm; Khôn sống; Gia đình giáo dục; Truyện Phật Thích Ca; Phật học ngụ ngôn; Lời vàng; Kinh Thập Thiện; Kinh Kiến Chính; Phật học phổ thông; Phật học vấn đáp; Đồng nữ La Hán; Cái hại vàng mả; Phật hóa tiểu thuyết; Kinh Lục Độ Tập; Tâm chúng sinh; Thanh gươm trí tuệ; Luận quán tâm; Phẩm quán tâm; Khóa Hư Lục; Trúc Lâm Tôn Chỉ Nguyên Thanh; Nhân gian Phật giáo đại cương; Nghi thức thụ Tam quy; Duy Ma Cật và Viên Giác; Các văn Sớ; Nghĩa khoa cúng Chúc thực; Phật giáo Triết học; Hồi ký thành lập hội PGVN; Sa di Luật dịch 2 tập; Phật giáo Việt Nam. ngài viên tịch ngày mồng 7 tháng 6 năm Kỷ Mùi (30-6-1979) tại chùa Nam Hải - Hải Phòng nguyên quán Hải Hậu Nam Định, trú quán Hải Phòng - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 1.
- Thích Nữ Trí Hải (1936-2003), Ni trưởng, pháp danh Tâm Hỷ, pháp hiệu Trí Hải, thế danh Công Tằng Tôn Nữ Phùng Khánh. Trước khi xuất gia, Ni trưởng tốt nghiệp đại học Sư phạm và giảng dạy tại trường Phan Chu Trinh - Đà Nẵng. Năm 1960, Ni trưởng sang Mỹ du học và tốt nghiệp Cao học ngành thư viện. Năm 1963 về nước, cùng em là Tôn Nữ Phùng Thăng làm phụ tá Ni trưởng Phước Hải quán xuyến cư xá Nữ sinh viên và làm việc tại chùa Pháp Hội. Năm 1964, xuất gia với Ni trưởng Diệu Không-chùa Hồng Ân. Năm 1968, được bổ nhiệm làm Thư viện trưởng Viện đại học Vạn Hạnh và giám đốc Trung tâm An sinh xã hội của viện. Năm 1996-1999, làm Giáo thọ luật Tứ phần Tỳ kheo ni tại trường Trung cấp Phật học tỉnh Long An - Ni viện Thiên Phước. Năm 2003, là Phó viện trưởng VNCPHVN và Trưởng ban Vận động tài chánh. Trên đường đi công tác tại Phan Thiết, Ni trưởng và 3 thị giả lâm nạn xã huyễn thân, nguyên quán Thanh Hóa, trú quán TP Hồ Chí Minh - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.
- Thích Tuệ Hải (1916-1982), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Cổ Loan đời thứ 4, thế danh Vũ Văn Chất, xuất gia năm 1926 tại chùa Cổ Loan - Ninh Bình với HT Thích Đức Tuệ, pháp danh Tuệ Hải, pháp hiệu Thông Tạng. Sau 20 năm cần cầu giới pháp, hầu thầy phụng đạo. Năm 1954, ngài theo gót bổn sư vào Nam. Thuở đầu, trú tại chùa Giác Minh, trụ sở của Giáo hội Tăng già Bắc Việt tại miền Nam. Ngài được bầu làm Phó Ban Trị sự Giáo hội Tăng già Bắc Việt tại miền Nam và chủ bút báo Đuốc Tuệ tại miền Nam. Năm 1965, ngài xây dựng chùa Pháp Hoa ở bên cầu Trương Minh Giảng và thành lập trường Tiểu học Đức Tuệ. Năm 1972, chùa được khánh thành và ngài trụ trì tại đây đến cuối đời. Ngoài chùa Pháp Hoa, ngài còn thành lập thêm 2 ngôi chùa: chùa Giác Thạnh - cư xá Nguyễn Chí Thanh, Quận 5 và chùa Giác Trí - Nguyễn Thị Nhỏ, Quận Tân Bình. Ngoài ra, ngài còn để tâm đến việc phiên dịch kinh điển và ấn tống lưu hành: Kinh Pháp Hoa; Kinh Kim Cương; Kinh Địa Tạng; Kinh Phổ Môn; Kinh Thuỷ Sám; Thiền Uyển kế Đăng lục; Và sáng tác 2 tập thơ: Tiếng Vọng Không Gian; Bách Hoa Vịnh (Thơ vịnh 100 loài hoa). Ngài viên tịch ngày 29 tháng 10 năm Nhâm Tuất (1982) thọ 67 tuổi, hạ lạp 47 năm, tháp hiệu: Nam mô Đức Minh tháp Lâm tế môn nhân ma ha Tỷ khiêu Bồ tát giới pháp huý Thích Tuệ Hải đạo hiệu Thông Tạng giác linh.Tháp lập tại chùa Sùng Đức - Quận Thủ Đức, nguyên quán thôn Phúc Trì - xã Ninh Tiến - huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, trú quán Sài Gòn - theo NNC Nguyễn Đại Đồng sưu khảo.
- Thích Tuệ Hải (1927-2011), Hòa thượng, học tăng Phật học viện Trung phần Hải Đức Nha Trang, giảng sư, Chánh đại diện GHPGVNTN tỉnh Quảng Trị, tỉnh Lâm Đồng, khai sơn chùa Kim Liên Bửu Tự, nguyên quán Bình Định, trú quán Khánh Hòa.
- Thích Tuệ Hải, Thượng tọa, tác gia, dịch giả, sinh năm 1967, thế danh Đinh Kim Nga, sinh năm 1968, xuất gia năm 1986 tại thiền viện Thường Chiếu, giảng sư Ban Hoằng pháp TW GHPGVN, chuyên gia trị liệu phương pháp Oshawa gạo lức muối mè, trụ trì chùa Long Hương - Nhơn Trạch, Đồng Nai, nguyên quán Bến Tre, trú quán Đồng Nai.
- Vô Hại (1931-2004), Hòa thượng, trưởng lão hệ phái Nam Tông Việt Nam, thế danh Nguyễn Văn Thận, bước đầu xuất gia theo PG Bắc truyền dưới sự dìu dắt của HT trụ trì chùa Châu Lâm - Huế. Năm 1953, ngài cầu pháp PG Nam truyền với HT Giới Nghiêm tại chùa Tam Bảo - Đà Nẵng, được pháp danh Vô Hại (Ahimsako Mahathero). Năm 1958, ngài thọ Tỳ kheo giới tại chùa Pháp Quang- Bình Thạnh - Gia Định do HT Hộ Tông làm Thầy tế độ. Từ đây, ngài thực hành hạnh du Tăng qua rất nhiều trụ xứ, cuối cùng ngài trụ lại chùa Quảng Nghiêm - Phước Tân - Đồng Nai. Năm 2002, ngài được mời vào Ủy viên HĐTS GHPGVN. Ngài xả báo thân ngày tháng 11 năm 2004 tại chùa Quảng Nghiêm, thọ 74 năm, 46 hạ lạp, nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán Đồng Nai - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 3.
- Mai Xuân Hải (1944-2011), Cư sĩ, dịch giả, NNC Phật học, cán bộ giảng dạy trường Đại học Sư phạm Việt Bắc từ 1967-1975, Trưởng phòng Nghiên cứu Ứng dụng - viện Nghiên cứu Hán Nôm - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam từ 1976-2004. Tham gia giảng dạy môn tiếng Trung tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội. các tác phẩm của ông: Tây du ký, đồng dịch giả, Nxb Văn hoá Thông tin, 1994; Lịch sử Phật giáo Thế giới, Nxb Đại học, 1992, đồng dịch giả; Truyện ngụ ngôn nhà Phật. Nxb Phụ nữ, 1992, dịch giả; Từ điển Phật học Hán Việt, Phân viện Phật học, xb, 1994, đồng dịch giả; Kinh Viên Giác luận giải, Nxb Tôn giáo, 1999, đồng dịch giả; Nho - Phật - Đạo bách khoa từ điển, Nxb Văn học, 2001, đồng dịch giả; Bài viết: “Vị Trạng nguyên Phật học hiếm hoi trong lịch sử Khoa cử Việt Nam – Lê Ích Mộc” (1458-1538). Tạp chí Hán Nôm. Ông nguyên quán trú quán làng Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội - theo NNC Nguyễn Đại Đồng sưu khảo.
Tin tức khác
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 26 – THÁNG 10 NĂM 2018 (PL. 2562)
Bình luận bài viết