Thông tin

NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN Ho

Ho

 

- Lý Kim Hoa (1934-2016), Cư sĩ, giáo sư, xem Nguyên Hồng, Sđd.

- Thích Nữ Như Hoa (1909-1989), Trưởng lão ni, thế danh Chế Thị Ngàn, pháp danh Chơn Ngạn, nối pháp mạch dòng thiền Lâm Tế Gia phổ thời thứ 40, thuở nhỏ học Quốc ngữ Hán nôm với Đại lão HT Thích Bửu Phước, chùa Phước Ân - Lấp Vò. Ni trưởng xuất gia với HT Chánh Quả - chùa Kim Huê Sa Đéc. Năm 1932, Ni trưởng ra Huế tham học tại Ni trường Diệu Đức. Năm 1936, trở về quê học gia giáo với chư tôn đức HT Chánh Thành, Bửu Chung, Phước Ân, Long An... Năm 1941, HT Kim Huê lãnh ngôi chùa Phước Huệ đưa Ni chúng trên 30 vị về đây tu học, giao Ni trưởng đảm trách. Năm 1946, Ni trưởng chính thức trụ trì chùa Phước Huệ. Từ đây, Ni trưởng mở trường tập chúng tu học tại Phước Huệ. Ni trưởng chủ trương tự tiêu tự sản, vừa tu học, vừa canh tác để tự nuôi sống nêu cao khẩu hiệu “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực”, Ni trưởng cho sản xuất tương chao tự túc kinh tế nhà chùa, chư ni vừa học kinh vừa lao động sản xuất. Nhờ khéo tổ chức, tương chao Phước Huệ nổi tiếng khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh. Nhờ thế nhà chùa có đủ kinh phí duy trì lớp học, cho đến khi các trường ni do Giáo hội Tăng già Nam Việt thành lập và điều hành từ 1950. Với tinh thần yêu nước, Ni trưởng đã âm thầm nuôi dấu chiến sĩ cách mạng hoạt động chống Pháp và lo quân lương cũng như y tế cho các chiến sĩ yên tâm lo chống giặc ngoại xâm, hướng dẫn các cháu trong gia tộc họ Lê dấn thân vào đường cứu quốc. Năm 1947, do phong trào tiêu thổ kháng chiến chống Pháp, chùa Phước Huệ bị đốt, Ni trường tạm ngưng. Năm 1958-1960, Ni trưởng làm Giám viện Ni trường Dược Sư - Gia Định. Sau năm 1975, Ni trưởng làm Giám viện Ni trường Từ Nghiêm. Năm 1982, GHPGVN thành lập, Ni trưởng làm Ủy viên HĐTS GHPGVN và thành viên BTS Thành hội PG TP HCM, cuối đời Ni trưởng về lại chùa Phước Huệ và cố gắng góp phần cho kế hoạch mở trường Cơ bản Phật học Đồng Tháp, ngày chuẩn bị ngày khai giảng cũng là ngày Trưởng lão ni Như Hoa an nhiên viên tịch vào ngày 28 tháng 9 năm Kỷ Tỵ (28-10-1989) thọ 81 năm, nguyên quán Sa Đéc, trú quán TP Hồ Chí Minh, Sa Đéc - theo Thích Vân Phong biên khảo (Ni trưởng là Cô họ của Vân Phong).

- Thích Nữ Tâm Hoa, sinh năm 1919, Ni trưởng, xuất gia với HT Đạt Quang - Huệ Định - chùa Phước Long - Cái Tàu Hạ - Sa Đéc. Năm 1933, Ni trưởng ra Huế theo học tại chùa Từ Đàm, được một năm thì vào Sài Gòn học tại chùa Quan Âm ở ngả năm Bình Hòa. Năm 1935, Ni trưởng lại ra Huế theo học ở Ni viện Diệu Đức và thọ Sa di giới với HT Tịnh Khiết, được trao pháp danh Tâm Hoa, pháp tự Diệu Liên, nối pháp dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 43. Năm 1937, Ni trưởng cùng chư ni miền Nam đồng học trở về Cái Tàu Hạ mở Ni viện tại Sắc tứ Tân Hòa Tự (chùa Bà Ba Xoàn) để tiếp tục tu học và hành đạo. Năm 1940, tham học ở chùa Vạn An - Sa Đéc. Năm 1942, ra Nha trang học ở chùa Hải Đức do quí HT Giác Phong, Bích Nguyên giảng dạy. Năm 1943-1954, học ở chùa Phước Tường - Thủ Đức do HT Bửu Ngọc giảng dạy. Năm 1956, Ni trưởng khai sơn chùa Tâm Ấn- Bình Định. Năm 1962, Ni bộ Bắc tông được thành lập ở chùa Từ Nghiêm, Ni trưởng được cử làm Ủy viên đặc trách Ni bộ tỉnh Bình Định và là thành viên Giáo hội tỉnh Bình Định. Năm 1967, Ni trưởng nhận ngôi chùa Bà Cửu Tám ở Gia Lai, trùng tu cải tạo và đổi tên thành chùa An Thạnh. Năm 1989 và 1994, Ni trưởng làm Hòa thượng Đường đầu truyền giới Ni, nguyên quán Cái Tàu Hạ- Sa Đéc, trú quán Bình Định - theo trang nhà www.phatgiaoaluoi.com

- Thích Thiện Hoa (1918-1973), Hòa thượng, đệ tử tổ Chí Thiền -chùa Phi Lai - Châu Đốc, pháp danh Thiện Hoa, theo học với tổ Khánh Anh, được pháp hiệu Hoàn Tuyên, thế danh Trần Thiện Hoa, học tăng PHĐ Lưỡng Xuyên - Trà Vinh và Tây Thiên - Huế. Năm 1953 Giáo hội Tăng già Nam Việt cử ngài giữ chức Trưởng ban Hoằng pháp kiêm Giám đốc PHĐ Nam Việt - chùa Ấn Quang. Năm 1957, ngài chủ xướng mở các khóa huấn luyện trụ trì lấn tên là Như Lai Sứ Giả. Năm 1963, trong cuộc đấu tranh chống đàn áp tôn giáo, ngài làm Phó chủ tịch Ủy ban Liên phái Bảo vệ PG. Năm 1966, ngài giữ chức Viện trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN, tác phẩm ngài để lại tổng cộng 80 quyển, lược ghi những danh mục lớn như: Phật học Phổ thông (12 quyển); Bản đồ tu Phật (10 quyển); Duy Thức học (6 quyển); 50 năm Chấn hưng Phật giáo; Phật học giáo khoa các trường Bồ Đề; Giáo lý dạy GĐPT; Nghi thức tụng niệm; Bài học ngàn vàng (8 quyển); Đại cương kinh Lăng Nghiêm; Kinh Viên Giác lược giải; Kinh Kim Cang; Tâm kinh; Luận Đại thừa khởi tín; Luận Nhơn Minh... Ngài viên tịch ngày 20 tháng Chạp năm Nhâm Tý 1973, thọ 55 tuổi đời và 26 tuổi Hạ. Ngài nguyên quán Trà Ôn - Vĩnh Long, trú quán tổ đình Ấn Quang, quận 10, Chợ Lớn - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 1.

- Huyền Tôn Nữ Tuyết Hoa (1951-1963), nữ Phật tử, thánh tử đạo, pháp danh Tâm Hồng, là con của Phật tử Bửu Bằng, Phật tử đã hy sinh trong đêm tấn công 8-5-1963 bằng xe thiết giáp vào đài phát thanh Huế của chính quyền. Cô được Giáo hội PG Trung phần tấn phong Thánh tử đạo vào năm 1965, nguyên quán trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Thích Viên Hoa (1962-2009), Thượng tọa, pháp danh Như Vinh, pháp tự Viên Hoa, pháp hiệu Hải Trí, đời 42 kệ phái Vạn Phong Thời Ủy. TT thế danh Nguyễn Đình Tư, sinh năm Nhâm Dần (1962) tại thôn Nhạn Tháp, xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn. Năm 1970 xuất gia tại tổ đình Thập Tháp với HT Kế Châu. Thọ Tỳ kheo năm 1980 tại chùa Ấn Quang do HT Hành Trụ làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1990 được bổn sư trạch cử làm trụ trì chùa Phước Long - thị trấn Phú Phong - Tây Sơn. Năm 1998 hưng công trùng tu nhà tổ, phương trượng, Tăng phòng cũng như các cơ sở phụ. Dự kiến trùng tu Chánh điện thì TT viên tịch vào năm 2009, hưởng dương 48 tuổi, 29 Hạ lạp. TT nguyên quán trú quán Bình Định - theo Những ngôi chùa tiêu biểu tỉnh Bình Định, Đặng Quý Địch biên soạn.

- Danh Hoi (1951-1974), Đại đức, liệt sĩ, hệ phái PG Nam Tông Khmer, sinh năm 1951, tại Ấp Xà Liêm, xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Năm lên 14 tuổi, ngài được song thân đưa đến chùa Xà Xiêm Mới xuất gia và học tiếng Khmer. Năm 1970, tiếp tục học tiếng phổ thông tại bổn tự Xà Xiêm Mới. Năm 1971, ngài được HT bổn sư cho thọ Tỳ kheo giới với HT Danh Dên, giới đàn tổ chức tại chùa Khlang Ông và sau đó ngài cư trú tại chùa này để tu học. Ngài chính thức gia nhập vào Hội Đoàn Kết Sư Sải Yêu Nước vào ngày 20 tháng 4 năm 1974, đơn vị huyện Châu Thành, do HT Danh Mây chùa Xà Xiêm Mới làm Hội trưởng. Những năm 1973-1974, Chế độ Cộng Hòa, đôn quân bắt lính dữ dội đối với thanh niên Tăng Khmer, ý định xóa sổ dân tộc không cho học chữ Khmer, không cho sử dụng tiếng Khmer trong giao tiếp, không cho tu học Phật pháp, làm lễ theo phong tục tập quán... Những sự việc như thế khiến ngài quyết tâm dấn thân vào đường đấu tranh. Ngài đã nhận nhiệm vụ của Hội Đoàn Kết Sư Sải Yêu Nước, phát động trong hàng ngũ thanh niên Tăng và thanh niên Phật tử, xuống đường biểu tình đấu tranh với bọn tay sai cầm quyền. Ngày 10-06-1974, ngài cùng đoàn Sư sãi xuống đường biểu tình, đến quận Kiên Thành thì bị binh lính xả súng vào đoàn biểu tình, trong đó có Đại đức Danh Hoi, người dẫn đoàn trúng đạn. Mặc dụ bị trọng thương, ngài gắng sức vượt qua rào kẽm gai và hô to khẩu hiệu: “Chư tăng hãy tiến lên! Hiên ngang trước bạo quyền, thà hy sinh chứ không để dân tộc bị hủy diệt!”. Ngài tiếp tục bị trúng thêm 7 phát súng vào mình, lòng kiên định dâng trào trong chánh niệm cho đến khi trút hơi thở vào lúc 10 giờ 35 phút ngày mồng 10 tháng 6 năm 1974 - theo tư liệu Danh tăng PG Nam Tông Khmer.

- Danh Hom (1950-1974), Đại đức, liệt sĩ, sinh năm 1950, tại Ấp Thạnh Lợi, nay là Xà Xiêm, xã Minh Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Năm 1967, vào ngày 25 tháng 4, ngài được xuất gia thọ Sadi giới tại chùa Khlang Mương - huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Năm 1970, HT bổn sư cho ngài thọ giới Tỳ kheo, giới đàn tổ chức ngày 16 tháng 5, do HT Danh Vĩnh làm thầy tế độ, HT Danh Con và HT Danh Kê làm Yết ma A xà lê. Năm 1974, ngài được suy cử chức Phó trụ trì chùa, ngài đã chính thức gia nhập vào Hội Đoàn Kết Sư Sãi Yêu Nước đơn vị huyện Châu Thành vào ngày 16 tháng 3 năm 1974. Nhân dịp lễ Trà tỳ nhục thân cố Hòa thượng Danh Con tại chùa Khlang Mương vào ngày 8 tháng 6 năm 1974, ngài được Hội Đoàn Kết Sư Sãi Yêu Nước phân công hướng dẫn đoàn Sư sãi biểu tình đấu tranh chống bọn tay sai ngụy quyền bắn phá chùa chiền, dùng chính sách ngu dân đối với đồng bào dân tộc, đàn áp tôn giáo và kỳ thị sắc tộc của Sư sãi Khmer trong toàn tỉnh Kiên Giang. Vào sáng sớm tinh sương, 5 giờ 30 phút ngày 10 tháng 6 năm 1974, thanh niên Tăng cùng nhau xuống đường biểu tình đấu tranh với ngụy quyền. Đoàn biểu tình đến trước quận Kiên Thành (Rạch Sỏi), bọn tay sai ngụy quyền nổ súng bắn xối xả nhắm vào đoàn chư Tăng biểu tình. Ngài bị trọng thương nơi chân, ngã quỵ xuống, không thể gượng đứng lên được, nhưng tinh thần dũng cảm không lùi bước cho đến khi trút hơi thở cuối cùng vào lúc 10 giờ 35 phút cùng ngày. Sự ra đi của ngài trong niềm kính phục và tiếc thương vô hạn của cộng đồng Phật giáo. Đại đức trụ thế 24 xuân. Pháp lạp 8 hạ - theo tư liệu Danh tăng PG Nam Tông Khmer.

- Hồng Từ Huệ Hòa (1915-1980), Hòa thượng, thế danh Huỳnh Văn Nhành, xuất gia năm 1929 với HT Huệ Tiên - chùa Hưng Long, pháp danh Niệm Hòa. Năm 1934, ngài thọ cụ túc giới và cầu pháp với HT Như Vịnh Diệu Liên (Đạt Thới Chánh Thành) - chùa Vạn An, được pháp húy Hồng Từ, pháp hiệu Huệ Hòa. Năm 1944, ngài trụ trì chủa Hưng Lâm - Bến Tre, sang năm 1945, ngài trụ trì chùa Vạn Phước - Phú Nhơn - Bến Tre. Từ năm 1947- 1955, ngài làm Chánh thư ký Giáo hội Tăng già tỉnh Mỹ Tho. Năm 1966-1971, ngài làm Tăng trưởng Giáo hội Lục Hòa Tăng tỉnh Mỹ Tho. Ngài xả báo thân ngày 11 tháng 11 năm Canh Thân (17-12- 1980) thọ 65 năm, 32 hạ lạp, nguyên quán Cai Lậy - Mỹ Tho, trú quán Bến Tre - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 2.

- Tổ Khánh Hòa (1877-1947), Hòa thượng, thế danh Lê Khánh Hòa, năm 1895 xuất gia tại chùa Long Phước - Ba Tri, pháp danh Như Trí. Sau đến tham học với tổ Hải Lương - Chánh Tâm - chùa Kim Cang - Long An. Năm 1904, ngài giảng bộ Kim Cang Chư Gia trong trường hạ chùa Long Hoa - Gò Vấp. Năm 1916, ngài ở chùa Tuyên Linh - Bến Tre khởi xướng phong trào chấn hưng PGVN. Năm 1920, ngài cùng quý Hòa thượng họp lại thành lập hội Lục Hòa, nhằm tạo sự đoàn kết tiến tới đào tạo tăng tài. Năm 1927, ngài cử sư Thiện Chiếu ra Bắc vận động chấn hưng PG nhưng không thành công. Năm 1928, ngài cùng chư tôn lập Thích học đường và Phật học thư xã tại chùa Linh Sơn - Cầu Muối. Cùng năm này, trường Hạ chùa Long Khánh - Quy Nhơn thỉnh ngài làm Chủ giảng trong khóa an cư 3 tháng tại đây. Năm 1929, ngài quyết định đi cổ động chấn hưng PG với 3 phương châm: 1/ Chỉnh đốn Tăng già; 2/ Kiến lập Phật học đường; 3/ Diễn dịch và xuất bản kinh sách Việt ngữ. Ngài cho xuất bản tập san Phật học bằng chữ quốc ngữ tên là Pháp Âm (1929), sau đó là tập san Phật hóa Tân thanh niên (1930). Năm 1931, thành lập hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học tại chùa Linh Sơn. Năm 1932 xuất bản tạp chí Từ Bi Âm. Năm 1933, thành lập Liên đoàn Phật học xã. Năm 1934, thành lập hội Lương Xuyên Phật học và xuất bản tạp chí Duy Tâm. Năm 1945, chiến tranh xảy ra, ngài trở về trụ trì chùa Tuyên Linh - Mõ Cày, Bến Tre, nguyên quán Giồng Trôm, trú quán Mõ Cày - Bến Tre - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 1.

- Thích Tâm Hòa (1923-2006), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 43, xuất gia với HT Giác Bổn - chùa Từ Quang - Huế, pháp danh Tâm Hòa, pháp tự Thiên Thái. Năm 1947, ngài vào Nam học y học vời HT Tâm Ấn, học khoa Mỹ thuật trường Mỹ thuật Quốc gia và đồng khai sáng chùa Bửu Sơn - Đà Lạt, chùa An Lộc - Đồng Nai. Năm 1950-1960, kế thừa trụ trì chùa Thiên Minh - Huế. Năm 1968 là Trưởng ban Quản trị trường Trung tiểu học Bồ Đề - Đà Nẵng. Sau năm 1975, ngài giữ chức Trưởng khoa Y học dân tộc bệnh viện Long Khánh - Đồng Nai. Năm 1999, ngài về lại chùa Từ Quang Huế và Bồ Đề thiền viện - Đà Nẵng để tịnh dưỡng, nguyên quán Quảng Trị, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Thích Tâm Hòa, Thượng tọa, tịch giả, nhà thơ, nhà văn, Pháp sư, sinh năm 1960 tại huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, Việt Nam. Năm 1970, xuất gia với Hòa Thượng Thích Như Ý, Giám viện PHV Linh Sơn - Nha Trang - Khánh Hòa và học các trường Phật học trước năm 1975. Thọ Tam đàn Cụ túc giới tại chùa Phước Hưng - Sa Đéc năm 1982, Tăng sinh Phật học viện Già Lam - Sài gòn. Sau đó, thầy sang Phillippines năm 1988 và trụ trì chùa Vạn Đức, đại diện Liên đoàn PG, hướng dẫn đồng bào Phật tử vùng biển Palawan Palawan (1988-1990). Định cư tại Canada năm 1990. Sáng lập chùa Pháp Vân và Trung tâm Văn hóa Phật giáo Pháp Vân tại Toronto - Canada. Tổng vụ trưởng Tổng vụ Hoằng Pháp GHPGVNTN hải ngoại tại Canada. Chủ trương và chủ biên trang nhà Pháp Vân: www.phapvan.ca. Những hoạt động phúc lợi Từ thiện Xã hội đã mang đến với thầy rất nhiều vinh dự và giải thưởng cao quý: - giải Cá nhân Xuất sắc (CMC) trong cộng đồng Việt Nam tại vùng thủ phủ Toronto. Do Hiệp hội Đa văn hóa Canada trao cho 13 cộng đồng sắc tộc gốc Á. - Huy chương Kim khánh bội tinh Kim Cương (Diamond Jubilee Medal) của Nữ hoàng Elizabeth II được Thủ tướng Chính phủ Canada công nhận tại lễ kỷ niệm Tết của cộng đồng Việt Nam tháng Giêng năm 2013, thầy nguyên quán Phú Yên, trú quán Canada - theo Thích Vân Phong biên khảo.

- Thích Thái Hòa (1901-1969) Hòa thượng, thế danh Đỗ Trân Bảo, xuất gia năm 1910 với tổ Thông Dũng - chùa làng Mai Xá, pháp danh Thái Hòa. Sau khi thọ giới, ngài theo học tại tổ đình Tế Xuyên Bảo Khám - Hà Nam. Năm 1931, ngài về trụ trì chùa Tú Uyên- Hà Nam, hợp tác với HT Trí Hải tổ chức đoàn Thanh niên Tăng Lục Hòa Tịnh Lữ. Năm 1932 ngài cùng HT Trí Hải vận động thành lập hội Bắc kỳ Phật giáo, đến năm 1934, hội được phép thành lập, ngài được giao soạn thảo các văn bản chữ Hán và tham gia Ban biên tập báo Đuốc Tuệ. Năm 1940, ngài được Hội đề cử trụ trì Tùng Lâm Hương Hải - Hải Dương. Sau đó ngài về trụ trì chùa Lôi Động - Thủy Nguyên - Hải Phòng. Năm 1945, ngài làm Trưởng ban Chấp hành Hội PG Cứu quốc huyện Thủy Nguyên. Năm 1946, ngài là Chủ tịch Hội Tăng già Cứu quốc tỉnh Hải Dương. Năm 1958, Hội PG Thống nhất Việt Nam được thành lập, ngài làm Tổng thư ký của Hội. Năm 1969, ngài xả báo thân ngày 27-01-1969, trụ thế 69 năm, hoằng đạo 50 năm, nguyên quán trú quán Hải Dương - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 3.

- Thích Thái Hòa, thế danh Nguyễn Trí, sinh năm 1952, Hòa thượng, Pháp sư, tác gia, dịch thuật, nhà thơ, Tăng sinh Phật học viện Già Lam - Sài gòn, ngài vị Pháp sư danh tiếng có đến mấy trăm đề tài trong những buổi Pháp thoại trong nước và khắp nơi trên thế giới, đã được đăng tải video trên mạng xã hội, Trụ trì Phước Duyên Tự - Huế, khoảng 40 cuốn sách đã xuất bản và mấy mươi quyển chưa xuất bản. Nguyên quán, trú quán Huế - theo Thích Vân Phong biên khảo.

- Thích Thiện Hòa (1907-1978), Hòa thượng, thế danh Hứa Khắc Lợi, quy y ở chùa Long Triều - Chợ Đệm với tổ Bửu Sơn, được pháp danh Tâm Lợi, pháp hiệu Thiện Hòa. Năm 28 tuổi, tổ Bửu Sơn giới thiệu ngài đến thế phát với tổ Khánh Hòa tại PHĐ Lưỡng Xuyên - Trà Vinh. Năm 1936, ngài được chọn ra Huế học tại PHĐ Tây Thiên. Năm 1945, ngài ra miền Bắc quyết tâm học luật với tổ Tuệ Tạng tại Nam Định. Năm 1950 ngài trở về Nam được cử làm Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già toàn quốc và giám đốc Phật học đường Nam Việt. Năm 1973, được suy tôn Phó Tăng thống GHPGVNTN, viện chủ tổ đình Ấn Quang, quận 10, Tp. Hồ Chí Minh, tác phẩm: Tài liệu trụ trì; Giới Đàn Tăng; Tỳ kheo giới kinh; Nghi thức Hằng thuận Quy Y; Ý nghĩa về nghi thức tụng niệm; Nhân duyên Phật kiết giới, ngài xả báo thân ngày mồng Một tháng Giêng năm Mậu Ngọ (07-02-1978), nguyên quán Chợ Đệm Bình Chánh, trú quán TP Hồ Chí Minh - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 1.

- Thích Nữ Tịnh Hòa (1941-2017), Ni trưởng, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 43, năm 16 tuổi xuất gia tại chùa Thiên Ân - Vĩnh Kim - Mỹ Tho. Năm 18 tuổi, Người đến PHĐ Tăng Già (chùa Kim Liên) cầu pháp với HT Hành Trụ, được pháp danh Đồng Mẫn, pháp tự Thông Ngộ, pháp hiệu Tịnh Hòa, và nhập chúng tu học tại đây. Năm 24 tuổi, Người thọ đại giới tại giới đàn chùa Từ Nghiêm. Ni trưởng là một trong đoàn Ni chúng mang danh "Dòng họ Tịnh" nổi tiếng trong Ni giới Việt Nam. Năm 1989, sau khi tách quận từ Thủ Đức, Ni trưởng được cử về trụ trì chùa Liên Hải - quận 9 và phát huy sở học hoằng pháp độ sanh tại đây. Ni trưởng xả báo thân ngày mồng 7 tháng Giêng năm Đinh Dậu (03-02-2017), thọ 77 năm, 53 pháp lạp, nguyên quán Tiền Giang, trú quán TP Hồ Chí Minh - theo trang nhà www.giacngo.vn

- Lễ Trai Đặng Văn Hòa (1791-1856), Cư sĩ, tên thụy là Văn Nghị, ông thị đậu Hương Cống (cử nhân) triều Nguyễn năm 1813, năm 1830 với hàm Tham tri Bộ Hộ (Thứ trưởng Bộ Tài chánh), đảm nhiệm công tác tài chánh ở Bắc phần. Từ năm 1835 đến 1839, ông là Thượng thư Bộ Binh kiêm Tổng đốc Hà Nội-Ninh Bình. Năm 1938, ông cho trùng tu chùa Một Cột ở Hà Nội và Khuê Văn Các. Năm 1846 ông làm Thượng thư Bộ Lễ và đích thân phụ trách việc đúc chuông chùa Diệu Đế. Với tấm lòng của người Phật tử, ông đặc biệt lưu tâm đến truyền thống đạo đức xã hội, bài trừ mê tín dị đoan, bảo tồn văn hóa lịch sử, đích thân hành lễ cầu phước cho bá tánh trong nhưng ngày lễ Phật đản và viết những câu đối tặng cho các chùa mà ông đến viếng thăm lễ bái. Ông là một "Nguyên lão tứ triều" nguyên quán trú quán Phú Xuân - theo "Tản mạn Phú Xuân" của Trần Đình Sơn - Hoàng Anh, nxb Trẻ 2001.

- Chơn Kiết Phổ Hóa (?-1918), Hòa thượng, Pháp danh Chơn Kiết, pháp tự Đạo Tường, pháp hiệu Phổ Hóa, đời thứ 40 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 7 pháp phái Chúc Thánh. Ngài thế danh Thái Công Mẹo, sinh quán làng Phú Bình, nay thuộc xã Hòa Quý, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Ngài xuất gia với tổ Ấn Bổn Vĩnh Gia và được trạch cử làm trưởng pháp tử. Ngài được phú pháp ngày mồng 3 tháng 3 năm Quý Tỵ (1893). Sau đó, ngài ra Huế trụ tại chùa Phước Huệ, thôn Vỹ Dạ. Sau khi thiền sư Pháp Thân viên tịch, ngài kế nghiệp trụ trì chùa Phước Huệ. Đồng thời ngài được bổn sư trạch cử làm Phó trụ trì chùa Phước Lâm, sau này kế thừa Tổ xiển dương Phật pháp tại chốn tổ. Tuy nhiên, ngài thất lộc vào ngày 20 tháng Giêng năm Mậu Ngọ (1918) trước khi tổ Vĩnh Gia viên tịch 2 tháng. Nhục thân của ngài được đưa từ Huế về nhập tháp tại tổ đình Phước Lâm. Ngài cùng với ngài Pháp Thân biên soạn lại cuốn Tam Bảo Biện Hoặc Luận rất có giá trị trong kho tàng văn học Phật giáo Việt Nam - theo Thích Như Tịnh sưu khảo.

- Thích Từ Hóa (1909-1966), Hòa thượng, thế danh Nguyễn Văn Nhu, xuất gia năm 1924 với HT Khánh Hòa, pháp danh Bổn Từ, pháp tự Chơn Minh, pháp hiệu Từ Hóa. Năm 1930, ngài thọ đại giới tại giới đàn chùa Viên Giác - Bến Tre. Năm 1931, Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học thành lập, ngài theo học tại đây 8 năm. Năm 1939, ngài về Mỹ Tho học tại trường gia giáo chùa Vĩnh Tràng. Năm 1941, ngài trụ trì chùa Bửu Thành - Châu Thành - Bến Tre. Ngài là pháp sư nổi tiếng về biện tài thuyết giảng, được mọi người xưng tụng với mỹ từ "Pháp sư Thành Triệu". Năm 1950, ngài làm Trưởng ban Hoằng pháp Giáo hội Tăng già tỉnh Bến Tre. Năm 1951, ngài khai trường Kỳ giới đàn và làm Đàn đầu Hòa thượng tại chùa Bửu Thành. Năm 1952, ngài là Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già tỉnh Bến Tre. Năm 1958, ngài về trùng kiến chùa Tân Long - Tân Thạch - Bến Tre, và xả báo thân tại đây ngày 26 tháng 9 năm Bính Ngọ (09-11-1866) hưởng 58 năm, 38 hạ lạp, nguyên quán trú quán Bến Tre - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 3.

- Lê Khắc Thanh Hoài, Phật tử, nhạc sĩ, NNC Phật giáo, sinh năm 1950, bà là con gái của Bác sĩ Lê Khắc Huyến, một chính trị gia nổi tiếng trong thời đệ nhất cộng hòa. Năm 1971 bà lập gia đình với triết gia Phạm Công Thiện khi du học tại Brussell - Bỉ và sau đó định cư tại Pháp, bà phục vụ tại chùa Trúc Lâm - Paris, ngoài việc dạy nhạc, bà sáng tác trên 300 nhạc phẩm, trong đó có nhiều nhạc phẩm PG, từ năm 1986, đã có nhiều album nhạc phẩm PG của bà được thực hiện trong nước. Bà nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán Paris - Pháp.

- Thích Thắng Hoan, Hòa thượng, dòng Lâm Tế Bích Phong đời 24, sinh năm 1928, thế danh Nguyễn Văn Đồng, xuất gia tại chùa Hội Thắng - Cầu Kè - Trà Vinh với HT Đắc Ngộ, y chỉ với HT Thiện Hoa, học tăng PHĐ Nam Việt - chùa Ấn Quang, cử nhân Văn khoa đại học Vạn Hạnh 1970, Giảng sư Viện Hóa Đạo GHPGVNTN, Chánh đại diện GHPGVNTN quận 5 và quận 10, định cư hải ngoại năm 1982, Phó hội chủ kiêm Tổng vụ trưởng tổng vụ Hoằng pháp Tổng hội PGVN tại Hoa Kỳ, Hội đồng chứng minh GHPGVNTN Canada, xây dựng và gỉảng dạy học phái Duy thức, HT đã viết rất nhiều tác phẩm như: Bát Nhã Tâm Kinh Qua Cái Nhìn Của Duy Thức; Bát Thức Quy Củ Tụng; Khảo Nghiệm Duy Thức Học; Yếu Chỉ Kinh Pháp Hoa; Yếu Điểm Duy Thức; Những Đặc Điễm Của Văn Hoá Phật Giáo Trong Văn Hoá Việt Nam, Tư Tưởng Phật Giáo Trong Thi Văn Khuông Việt , Pháp Thuận và Vạn; Con Người Sanh Ra Từ Đâu...nguyên quán Cần Thơ, trú quán Hoa Kỳ.

- Thích Tâm Hoàn (1924-1981), Hòa thượng, thế danh Nguyễn Hướng, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 41, xuất gia với HT Chánh Nhơn - chùa Long Khánh, pháp danh Tâm Hoàn pháp tự Gỉải Quy, pháp hiệu Huệ Long. Năm 1945 là Bí thư Phật giáo Cứu quốc tỉnh Bình Định và Phó hội trưởng hội Phật học Trung phần. Năm 1964 là Phó đại diện GHPGVNTN tỉnh Bình Định, trụ trì tổ đình Long Khánh - Quy Nhơn, ngài thị tịch ngày mồn 7 tháng 3 năm Tân Dậu (1981) tại tổ đình Long Khánh, thọ 58 tuổi, 38 tuổi đạo, nguyên quán trú quán Bình Định - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 1.

- Tăng Bá Hoành, NNC lịch sử, sinh năm 1941, nguyên trưởng ban Thông sử Tỉnh ủy Hải Hưng, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hải Hưng (nay là Bảo tàng Hải Dương), nguyên Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Hải Dương, ông rất quan tâm đến lịch sử PG tỉnh Hưng Yên và Hải Dương (Hải Hưng), từ trưng bày đến sưu tầm, dịch văn bia các chùa, hỗ trợ phục dựng văn bia, liễn đối các đền chùa di tích lịch sử trong tỉnh. Ông đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học lịch sử có giá trị, được đồng nghiệp ở Trung ương và địa phương đánh giá cao. Nhiều công trình của ông đã được in thành sách, lưu giữ tại các thư viện, như bộ sách ba tập về các ngành nghề truyền thống của tỉnh Hải Dương, các cuốn sách địa chí, lịch sử địa phương, các bài viết chuyên đề đi sâu các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, nghệ thuật dân gian... Riêng bộ sách ngành nghề truyền thống đã ghi lại rất cụ thể, chi tiết từ nguồn gốc nghề, các bộ đồ nghề được mô tả bằng hình vẽ, đến các thao tác ngành nghề truyền thống... Tác phẩm: Hải Dương danh thắng và di tích tập 1, Sở VHTT tỉnh Hài Dương 1999; Hải Dương danh thắng và di tích tập 2, Sơ VHTT tỉnh Hải Dương 2005, nguyên quán trú quán Hải Dương - theo NNC Nguyễn Đại Đồng sưu khảo.

- Thích Giác Hoàng, Hòa thượng, Tiến sĩ đại học Sorbon Paris, trụ trì chùa Linh Sơn Paris, Phó hội chủ hội PG Linh Sơn thế giới, nguyên quán Long Xuyên, trú quán Pháp quốc.

- Thích Giác Hoàng, Thượng tọa, hệ phái PG Khất sĩ Việt Nam, sinh năm 1972,Tiến sĩ Phật học Ấn Độ, Phó tổng thư ký Học viện PGVN tại TP HCM, Phó tổng thư ký viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, trú xứ tịnh xá Trung Tâm - Bình Thạnh, nguyên quán Bình Định, trú quán TP Hồ Chí Minh.

- Thích Diệu Hoằng (1914-1983), Hòa thượng, thế danh Nguyễn Lộc, dòng Lâm Tế chánh tông đời 43, xuất gia với HT Giác Viên - chùa Hồng Khê, được pháp danh Tâm Lượng, pháp tự Diệu Hoằng. Năm 1940, ngài trụ trì chùa Linh Sơn Đà Lạt, năm 1948 về lại Huế làm Thư ký PHĐ Báo Quốc và trụ trì chùa Diệu Đế. Năm 1981, ngài trụ trì tổ đình Kim Quang, nguyên quán Quảng Trị, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Tổ Ấn Mật Hoằng (1754 -1835), Thiền sư, ngài thế danh Nguyễn Vân, nối pháp mạch dòng Lâm Tế Chánh Tông đời 36 của tổ sư Nguyên Thiều, là đệ tử của Sư tổ Linh Nhạc Phật Ý, pháp danh Tổ Ấn, pháp hiệu Mật Hoằng. Ngài trụ trì chùa Đại Giác - Cù Lao Phố - Biên Hòa, Năm 1814, được vua Gia Long triệu ra kinh đô Thuận Hóa phong chức Tăng cang chùa Thiên Mụ. Cùng năm, ngài mở giới đàn tại chùa Thiên Mụ. Năm 1817, thêm chức trụ trì chùa Quốc Ân, ngài thị tịch ngày mồng Một tháng 10 năm Ất Dậu (1825) thọ 73 năm, bảo tháp lập sau chùa Quốc Ân, nguyên quán Bình Định, trú quán Thuận Hóa - theo Biên niên sử PG Sài Gòn Gia Định.

- Phan Đình Hòe (1876-1954), Cư sĩ, còn có tên là Phan Đình Tự. Năm 1900, ông thi Hương tại trường Nam (Nam Định) và đậu thủ khoa lúc 25 tuổi. Ông được bổ làm quan ở nhiều nơi: Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Lạng Sơn, Bắc Kạn... Thời kỳ làm Tuần phủ Ninh Bình (1930) ông rất quan tâm tới sự phát triển kinh tế của tỉnh nói chung và Phật giáo tỉnh nói riêng. Ông hưu trí năm 1933 thăng chức Tổng Ðốc, gia hàm Thượng thư, phẩm cấp Hiệp tá đại học sĩ, tòng nhất phẩm. Năm 1935 Chi hội Phật giáo tỉnh Nam Định thành lập, ông là Chánh Đại lý CHPG Nam Định, là cộng tác viên tích cực của tuần báo Đuốc Tuệ với nhiều bài viết sâu sắc về Phật giáo như: Đạo Phật có quan thiết với sự sống của đời người, nguyên quán Nam Định, trú quán Ninh Bình - theo NNC Nguyễn Đại Đồng sưu khảo.

- Danh Hom (1950-1974), Đại đức, liệt sĩ, xuất gia năm 1967 với HT Danh Koong - chùa Đom Lay Thoông Khlang Mương. Sau khi thọ Sa di, Sư Danh Hom tinh tấn học kinh luật. Năm 1971, Sư được thọ cụ túc giới tại giới đàn chùa Khlang Mương do HT Danh Koong làm Thầy tế độ. Tháng 3 năm 1974, được sự giới thiệu và dẫn dắt của sư Danh Mây, sư Danh Hom được mời làm Ủy viên Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước huyện Châu Thành. Từ những năm 1970, chính quyền Thiệu áp dụng chính sách ngu dân, cưỡng bắt lính sư sãi Khmer và không cho học tiếng Khmer cũng như liên lạc giữa các chùa Khmer với nhau. Ngày 8 tháng 6 năm 1974 Sư Danh Hom tham gia ban tổ chức biểu tình, cùng với các chùa biểu tình nhưng bị ngăn chặn. Ngày 9 tháng 6 năm 1974, đoàn biểu tình trên 2000 người xuất phát từ chùa Khlang Oong qua cầu sắt Minh Lương, kéo thẳng đến quận Kiên Thành, vượt qua các chướng ngại vật, Sư Danh Hom dẫu đầu vượt lên phía trước, bị trúng đạn hy sinh. Sư là một trong bốn vị sư đã hy sinh trong cuộc biểu tình này. Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước và nhân dân đã hỏa táng, phụng thờ các sư trong Tháp bốn vị Sư liệt sĩ tại ngả ba đường Cù Là Cũ. Đại đức Danh Hom hy sinh lúc 24 tuổi, được phong Liệt sĩ trong sự nghiệp bảo vệ quyền lợi dân tộc và PG Nam Tông Khmer - theo Danh Sol cung cấp.

- Thích Bảo Hộ (1896-1946), Pháp sư, thông nội điển lẫn ngoại khoa, phương tiện tiếp cận quần chúng qua Ứng phú Đạo tràng, giảng kinh thuyết pháp, Đông y Nam dược cổ truyền, bùa Lỗ ban, bói quẻ Dịch, xem phong thủy địa lý... truyền bá tư tưởng yêu nước. Ngài thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 40, pháp danh Hồng Pháp, pháp hiệu Bảo Hộ, pháp tự Thiện Chánh, tục danh Nguyễn Ngọc Thanh. Ngài là đệ tử Thiền sư Như Khả - Chân Truyền, sư đệ của HT Thích Bửu Phước, ấu niên xuất gia tu học tại Tổ đình Khải Phước Nguyên - Lấp Vò và được HT bổn sư gửi nhập chúng tu học với tổ Minh Hòa Hoan Hỷ, tổ đình Long Thạnh - Sài Gòn. Khai sơn trụ trì thiền viện Pháp Hoa (nay Thanh Hoa tự - xã Long Hưng - Lấp Vò - Đồng Tháp), trụ trì Vạn Linh tự - xã Long Hưng - Lấp Vò - Đồng Tháp. Vị Pháp sư danh tiếng, lãnh đạo phong trào Phật giáo Cứu Quốc tỉnh Sa Đéc, bị bọn lính Tây phát hiện và bắn chết tại Cầu Simona, làng Long Hưng ngày mồng 9 tháng Giêng năm Bính Tuất (10-02-1946), bọn lính Tây dự định trói tay ngài để bắn, ngài thể hiện “Dân tộc tính” nói tôi là thầy tu, Chủ tịch du kích Thiền Lâm, không run sợ trước quân thù cướp nước, ngài ngồi tư thế kiết già thiền tọa và vang vọng khí phách hiên ngang trước họng súng rằng: “Khi nào hết Thầy tu mới hết người thù Tây”. Bọn lính Tây nã súng ngay đầu ngài, máu chảy lênh láng, nhưng ngài vẫn tư thế Kiết già an nhiên thiền tọa, bọn lính Tây kinh hãi bèn khiêng nhục thân ngài liệng xuống sông, nhục thân vẫn ở tư thế Kiết già thiền tọa, thong dong tự tại theo dòng kênh Cái Tắc ra kênh Xáng, đoạn chảy qua chợ Vàm Đinh đến chùa Vạn Linh, xã Long Hưng B thì tấp vào bờ, các vị bô lão Phật tử và Mặt trận Việt Minh rước nhục thân ngài khâm liệm và làm lễ truy điệu, sau đó ang táng tại chùa này. Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, Chính quyền và nhân dân địa phương cải táng đem về thiền viện Pháp Hoa (nay Thanh Hoa tự, xã Long Hưng, nơi ngài khai sơn. Nhà nước phong tặng Anh hùng Liệt sĩ trong cuộc kháng chiến chống Pháp vào ngày 09-12-1992. Là danh tăng PG dân tộc, nguyên quán, trú quán Sa Đéc- Đồng Tháp - theo Thích Vân Phong biên khảo.

- Thích Phúc Hộ (1904-1985), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 42, thế danh Huỳnh Văn Nghĩa, xuất gia với tổ Thiền Phương - chùa Phước Sơn - Đồng Tròn, Phú Yên, pháp danh Thị Chí, pháp tự Phúc Hộ, pháp hiệu Hành Thiện. Năm 1932, ngài ra Huế học với HT Giác Viên - chùa Hồng Khê. Năm 1933, ngài trụ trì chùaTừ Quang (Đá Trắng) Phú Yên. Năm 1938, mở PHĐ chùa Bửu Lâm - Tuy Hòa. Năm 1949-1954, Chánh hội trưởng hội Phật học tỉnh Phú Yên. Năm 1963 ngài là Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già kiêm Hội trưởng hội PG tỉnh Phú Yên. Năm 1964, ngài là Chánh đại diện GHPGVNTN tỉnh Phú Yên. Năm 1971, ngài được cung thỉnh vào Hội đồng Trưởng lão Viện Tăng thống GHPGVNTN kiêm Giám Luật viện Tăng thống. Ngài luôn được cung thỉnh làm Đàn đầu Hòa thượng trong các đại giới đàn ở toàn miền Trung. Năm 1981, Ngài lại được cung thỉnh vào Hội đồng Chứng minh TW GHPGVN. Ngài viên tịch tại chùa Bảo Tịnh ngày 11 tháng Giêng năm Ất Sửu (31-01-1985), nguyên quán trú quán Phú Yên - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 1.

- Thích Khế Hội (1921-1999), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 42, xuất gia năm 1931 với HT Từ Nhãn - chùa Long Sơn Bát Nhã, pháp danh Nguyên Chơn, pháp tự Thiện Minh, pháp hiệu Trí Thành. Năm 1932, ngài ra Huế học tại PHĐ Báo Quốc. Năm 1947, ngài thọ Tam đàn cụ túc tại giới đàn chùa Bảo Sơn do HT Vạn Ân làm Đàn đầu truyền giới. Cùng năm, ngài là Phó Chủ tịch hội PG Cứu quốc tỉnh Phú Yên. Năm 1964, ngài làm Chánh đại diện GHPGVNTN tỉnh Phú Yên. Năm 1982, ngài là Thành viên HĐTS GHPGVN kiêm Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Phú Yên, ngài xả báo thân ngày mồng Một tháng 5 năm Kỷ Mão (14-06-1999) thọ 78 năm, 52 hạ lạp, nguyên quán trú quán Phú Yên - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 2.

- Vũ Nguyên Hồng (1930-1980), Cư sĩ, sinh năm 1910, nguyên là tu sĩ pháp danh Thanh Đặc, bí danh Đại Nguyên. Ông từng dạy học tại Tùng Lâm Văn Miếu - Hưng Yên và bí mật tham gia Việt Minh. Tháng 8 năm 1945, tại trụ sở hội Trí Tri Hà Nội, Hội Phật giáo Cứu quốc thành lập, Hòa thượng Đỗ Văn Hỷ là Hội trưởng, Thượng toạ Thanh Đặc (Vũ Đại Nguyên) được bầu làm Phó Hội trưởng kiêm Tổng Thư ký. Hoà bình lập lại, ông chuyên làm công tác Phật giáo trong Ban Tôn giáo phủ Thủ tướng rồi ban Tôn giáo Chính phủ. Ông nguyên quán tỉnh Hà Nam, trú quán Hà Nội.

- Nghiêm Xuân Hồng (1920-2002), Cư sĩ, pháp hiệu Tịnh Liên, tác gia, nhà thơ, NNC Phật học. Năm 1953, ông hành nghề Luật sư. Năm 1954, di cư vào Nam làm Luật sư Tòa Thượng thẩm Sài Gòn. Năm 1965, ông làm Bộ trưởng Phủ Thủ tướng trong Nội các Nguyễn Khánh. Ông là sáng lập viên nhóm Quan Điểm Sài Gòn, ông viết nhiều sách về triết học, văn học và chính trị. Sau 1975, ông sang Hoa kỳ định cư, bắt đầu nghiên cứu về PG và tỏ ngộ, chuyển hướng sáng tác chuyên về PG. Ông giảng kinh và thuyết pháp hàng tuần tại chùa Liên Hoa - Orange Country - Hoa kỳ cho đến cuối đời. Ngoài những tác phẩm về Triết học và văn chương, ông còn có các tác phẩm về PG: Biện chứng giải thoát trong tư tưởng Ấn Độ (1966); Biện chứng giải thoát trong giáo lý Trung Hoa (1967); Nguyên tử hiện sinh và hư vô (1969); Lăng kính Đại thừa (1982); Tánh Không và kinh Kim Cang (1983); Lăng Nghiêm ảnh hiện (1983); Nguồn Thiền như huyễn (1984); Mật tông và kinh Đại thừa (1986); Trang Tôn kinh huyền hoặc I, II, II, IV (1986-1992); Ma tâm và Ma sự của người tu (2001), ông mất ngày mồng 4 tháng 4 năm Canh Thìn (07-05-2000) tại Hoa Kỳ, thọ 82 năm, nguyên quán Hà Đông, trú quán Hoa Kỳ - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 3.

- Nguyên Hồng (1934 -2016) Cư sĩ, tiến sĩ, giáo sư, dịch giả, NNC Hán Nôm, NNC Phật học, ông tên thật là Lý Kim Hoa, sinh năm 1934, nguyên là tu sĩ PG xuất gia với HT Tâm Tịnh Huệ Chiếu - chùa Thiên Đức - Bình Định, pháp danh Nguyên Hồng. Ông. Năm 1946, ông được gởi ra Huế học tại PHĐ Báo Quốc. Năm 1952, thọ cụ túc ở giới đàn chùa Thiên Bình - Bình Định. Năm 1955- 1957, ông vào học tại PHV Trung phần Hải Đức - Nha Trang. Năm 1959-1962, ông học đại học Sư phạm Sài Gòn. Năm 1965- 1971, ông du học ở Nhật Bản tốt nghiệp tiến sĩ đại học Tokyo. Về Phật sự, ông có những hoạt động: Từ 1962-1965, làm hiệu trưởng trường Trung học Bồ Đề Hữu Ngạn - Huế. Năm 1972-1975 làm Khoa trưởng Phân khoa Giáo dục và giảng dạy tại Viện đại học Vạn Hạnh. Năm 1975 ông về tại gia, giảng dạy tại Học viện PGVN tại Huế khóa II, tại TP Hồ Chí Minh khóa V và dạy tiếng Nhật trong các trường phổ thông, các trường Phật học. Ông biên soạn tác phẩm: Giáo dục Phật giáo trong thời hiện đại (đồng tác giả - 2001); Giáo dục học Phật giáo (2004); Để hiểu văn hóa Nhật Bản (2006); Châu bản triều Nguyễn (2003); Lược khảo PG Ấn Độ (1960); Di Đà Sớ Sao; Pháp Bảo Đàn Kinh; Kinh Pháp Hoa; Lịch sử PGVN (đồng biên soạn); Nhật ngữ Kinh Thương (2002); Một nét đặc sắc của Văn hóa Nhật Bản (2000); Đàn Bầu, nhạc khí dân tộc của Việt Nam (2000); Thành Thật Luận (2012); Từ điển Phật học Tuệ Quang (đồng biên soạn-2016)... ông mất ngày 27 tháng Chạp năm Ất Mùi (05-12-2016) thọ 82 năm, nguyên quán Tuy Phước- Bình Định, trú quán Củ Chi - TP Hồ Chí Minh - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa tập 3.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 23
    • Số lượt truy cập : 6131231