Thông tin

NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN Hy

Hy

 

- Văn Đình Hy (1924-1989), Cư sĩ, pháp danh Tâm Huyền. Năm 1948, ông cùng Nữ cư sĩ Tịnh Nhơn phụ trách Gia đình Phật Hóa Phổ Gia Thiện ở Huế. Năm 1952, tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, ông về Huế dạy học trước Quốc học Huế. Năm 1964, đổi về Bộ Giáo dục Sài Gòn và được cử sang Mỹ quan sát giáo dục, khi về ông được cử đến Viện đại học Vạn Hạnh làm giám đốc Nha học vụ kiêm phụ tá Trưởng khoa phân khoa giáo dục. Năm 1972, ông trở về Bộ Giáo dục đảm trách trưởng đoàn kế hoạch giáo dục đến 1975. Cư sĩ có nhiều công trình biên khảo như: Văn học PG đời Lý; Văn học PG đời Trần; Triết học Việt Nho của Nguyễn Trãi; Tìm hiểu Nguyễn Hữu Thỉnh; Tư liệu về Nguyễn Bỉnh Khiêm; và một số biên khảo về Chăm Thuận Hải; Chăm Châu Đốc; Chăm Nam bộ; Biên sơ khảo về tự vựng chữ Nôm... nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán TP Hồ Chí Minh - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Thích Chơn Hỷ (1918-1988), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Gia Phổ đời 40, thế danh Quách Phước Thiện, xuất gia năm 1957 với Sư tổ Hồng Đệ Bửu Thành - chùa Bồng Lai - Tri Tôn - An Giang, pháp danh Chơn Hỷ, pháp hiệu Nhật Quang. Năm 1960, ngài thọ Tam đàn cụ túc tại giới đàn phương trượng chùa Phi Lai và hợp thức tại đại giới đàn Khánh Anh - An Giang. Năm 1970, chiến tranh ác liệt, chùa Bồng Lai bị tàn phá nặng nề, tổ Hồng Đệ phải di tản xuống chân núi, ngài cũng phải di dời ngôi chùa của gia tộc là Đông Thành Tự về phường Vĩnh Lạc - thị xã Rạch Giá xây dựng và đổi tên là Quan Thành Tự, ngài cất am tranh bên cạnh để tu hành. Năm 1975, hòa bình lập lại, Sư tổ Hồng Dệ về dựng lại chốn tổ Bồng Lai, ngài được bổn sư gọi về giao làm phó trụ trì chùa Nam An. Năm 1977, ngài được tổ Hồng Thanh Thiện Tài truyền vị trụ trì chùa Bửu Lâm - Cái Bèo - Cao Lãnh - Đồng Tháp. Năm 1987, ngài mở Hạ tại chùa Bửu Lâm và làm Phó chủ Hương kiêm Hóa Chủ. Từ năm 1978 về sau, ngài luôn được cung thỉnh làm giới sư tại các giới đàn trong và ngoài tỉnh. Ngài xả báo thân ngày 11 tháng Giêng năm Mậu Thìn (1988) thọ 71 năm, 31 giới lạp, nguyên quán An Biên- Kiên Giang, trú quán Cao Lãnh - Đồng Tháp - theo Thích Vân Phong biên khảo.

- Minh Hòa Hoan Hỷ (1846-1916), Hòa thưởng, thiền phái Lâm Tế Chánh Tông đời 38, thế danh Nguyễn Thiên Hỷ, xuất gia với tổ Tiên Cần Từ Nhượng - chùa Long Thạnh - Bà Hom. Sau khi bổn sư viên tịch, ngài trụ trì chùa Long Thạnh, đã hoằng hóa tổ đình thành trung tâm Phật học và hoằng pháp danh tiếng toàn Lục tỉnh Nam kỳ. Năm 1882 ngài tham gia hội kín, kháng chiến vùng Hóc Môn Bà Điểm, cùng nghĩa quân nổi dậy giết chết Đốc phủ sứ Trần Tử Ca (1823-1885), ngài hiện thân với tấm gương nhập thế tích cực "sát nhứt miêu, cứu vạn thử", nguyên quán trú quán Chợ Lớn, Gia Định - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 1.

- Thích Nhựt Hỷ, Thượng tọa, pháp hiệu mới là Thích Nguyên Tâm, sinh năm 1956, giảng sư ban Hoằng pháp GHPGVN TP Hồ Chí Minh, nguyên quán Trà Ôn - Vĩnh Long, trú quán TP Hồ Chí Minh.

- Chơn Tín Pháp Hỷ (?-?), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 40, xuất gia với tổ Huệ Minh - chùa Bảo Sơn - Tuy An, pháp danh Chơn Tín, pháp tự Pháp Hỷ. Năm 1883, ngài là trụ trì đời thứ 6 chùa Từ Quang (Đá Trắng). Ngài cũng là người trụ trì chùa Linh Sơn - Hòn Chồng - Tuy An. Ngài là một bậc Pháp sư uyên thâm nổi tiếng, năm 1898, Quốc sư Phước Huệ nghe danh đã vào học bộ Kinh Lăng Nghiêm với ngài trong 3 năm. Ngài được mời ra kinh đô Huế giảng kinh cho chư Tăng thời bấy giờ. Theo "Tra Am và Sư Viên Thành", năm 1901, tại Phú Yên mở một giới đàn truyền giới cho giới tử toàn quốc tại chùa Linh Sơn - Hòn Chồng. HT Viên Thành đã ở đây tham học trong 6 năm để thọ giới, ngài thân thế và năm sinh năm mất không rõ - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa tập 3.

- Thích Thiện Hỷ (1919-1968), Hòa thượng, là bào huynh của HT Mật Nguyện, xuất gia với HT Giác Nguyên - chùa Tây Thiên, pháp danh Tâm Thọ, pháp tự Thiện Hỷ, Chánh đại diện Sơn môn Tây Thiên, trùng tu chùa Kim Đài ở Châu Chữ - Huế, thành lập Tịnh nghiệp đạo tràng chùa Tây Thiên, Chánh đại diện Quận hội Nam Hòa, trụ trì chùa Tây Thiên, nguyên quán trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Lê Tự Hỷ, Cư sĩ, pháp danh Nguyên Tấn - Chánh Lập, sinh năm 1944, giáo sư toán học, giáo sư cổ ngữ Sankrist, tác gia, dịch giả, tác phẩm: Thần chú trong Phật giáo; Asoka đại đế; Tự học tiếng Phạn I,II,III, ông còn là giáo sư thỉnh giảng chương trình đào tạo Fulbright - Hoa Kỳ năm 1995-1996, nguyên quán Điện Bàn - Quảng Nam, trú quán Hoa Kỳ - TP Hồ Chí Minh.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 353
    • Số lượt truy cập : 6947181