Thông tin

NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN Ki

Ki

 

- Thích Thanh Kiểm (1920-2000), Hòa thượng, Tiến sĩ, dịch giả, môn phái tổ đình Vĩnh Nghiêm miền Nam, xuất gia năm 1935 với tổ Thanh Khoát - chốn tổ Trung Hậu - Phúc Yên. Năm 1942, ngài thọ cụ túc giới tại giới đàn chùa Linh Ứng do HT Trừng Thanh làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1942-1945, ngài học ở PHĐ chùa Quán Sứ và Bồ Đề - Hà Nội. Năm 1952, ngài làm Thư ký Giáo hội Tăng già Bắc Việt. Năm 1954, ngài du học Nhật Bản tại đại học đường Rissho và tốt nghiệp Tiến sĩ Phật học năm 1961. Năm 1962, ngài trở về nước ở miền Nam hành đạo. Năm 1964, ngài làm Vụ trưởng vụ Phiên dịch và giáo sư Viện đại học Vạn Hạnh. Năm 1971, ngài và chư tôn đức miền Vĩnh Nghiêm khai sơn chùa Vĩnh Nghiêm ở quận Ba và ngài được cử làm trụ trì. Năm 1990, ngài làm Trưởng ban chuyên môn viện NCPHVN và Phó BTS Thành hội PG TP Hồ Chí Minh. Năm 1992, ngài làm Trưởng ban Kinh tế tài chính TW GHPGVN. Năm 1997, ngài làm Phó viện trưởng HVPGVN tại Hà Nội kiêm Trưởng ban PG Quốc tế BTS THPG TP Hồ Chí Minh. Tác phẩm: Diễn thuyết tập, Hà Nội, 1951; Phật pháp sơ học, Hà Nội, 1952; Nghiên cứu về tư tưởng bản giác của PG, Nhật Bản; Lược sử PG Trung quốc, Sài Gòn, 1967; Lược sử PG Ấn Độ, Sài Gòn, 1969; Thiền Lâm Bảo Huấn, Sài Gòn, 1972; Sách dạy cắm hoa, Sài Gòn, 1973; Đại cương Luật học, TP HCM, 1990; Lược giảng kinh Pháp Hoa, TP HCM, 1992; Kinh Viên Giác, TP HCM, 1994; Luận A Tỳ Đàm - Câu Xá, TP HCM, 1995; Khóa Hư Lục, TP HCM, 1996. Ngài xả báo thân ngày mồng 5 tháng Chạp năm Canh Thìn (30-12-2000) thọ 80 năm, 58 hạ lạp, nguyên quán Nam Định, trú quán TP Hồ Chí Minh - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 2 .

- Thích Nữ Chí Kiên (1913 -2007), Ni trưởng, pháp danh Hồng Chí, pháp tự Tâm Ý, pháp hiệu Chí Kiên, thế danh Đặng Thị Mười. Thuở đầu, Ni trưởng cải nam trang ra đi tầm đạo, Người gặp được HT Huệ Mạng - chùa Từ Ân ra tay tế độ và gởi đến Sư cụ Diệu Tịnh - chùa Từ Hóa để làm Y chỉ sư cho Ni trưởng. Lần lượt Ni trưởng tham học ở các đạo tràng như: Linh Thứu, Vĩnh Tràng, Bảo Tạng, Từ Hóa, Bình Quang và sau cùng ra Huế tham học tại Ni trường Ni bộ Bắc tông đầu tiên là chùa Từ Đàm, rồi chùa Diệu Đức. Năm 1940, Ni trưởng về Nam giảng dạy lớp Sơ đẳng tại chùa Giác Linh ở Cái Tàu Hạ- Sa Đéc (Sắc tứ Tân Hòa Tự- chùa Bà Soàn), sau đó lớp học dời về chùa Vạn An. Chính nơi đây, Ni trưởng đã chính thức cầu pháp với HT Chánh Thành chùa Vạn An được pháp danh Hồng Chí và pháp tự Chí Kiên. Năm 1942, Ni trưởng về trụ trì chùa Tập Thành ở Sa Đéc và mở trường giảng dạy Ni chúng trên 80 vị. Từ năm 1940-1950, Ni trưởng là vị Ni đầu tiên được thỉnh thuyết pháp hầu hết các tỉnh miền Tây thời bấy giờ. Cũng năm này Phật tử đã hiến cúng đất để Ni trưởng khai sơn chùa Từ Quang - Sa Đéc. Năm 1953, Ni trưởng chính thức khai giảng Phật học ni trường Từ Quang. Năm 1956, chư Ni chính thức thành lập Ni bộ Bắc tông miền Nam tại chùa Huê Lâm. Ni trưởng được cử là Phó trưởng ban Quản trị Ni bộ Bắc tông miền Nam. Năm 1957, Ni trưởng làm trụ trì chùa Huỳnh Long-Cai Lậy. Năm 1962, được Giáo hội cử làm Trưởng ban Hoằng pháp Ni bộ kiêm Trưởng ban Giáo dục. Năm 1964, Ni trưởng về trụ trì chùa Thiền Quang-quận 6 đến cuối đời. Năm 1967, Ni trưởng làm Giám học Ni trường Từ Nghiêm. Năm 1975, làm Vụ trưởng Ni bộ Bắc tông. Tác phẩm: Thành Duy Thức Luận thuật ký; Tâm chúng sanh; Về thăm xứ Phật; Từ Quang thi tập I và II, nguyên quán Tân An Mỹ Tho, trú quán TP Hồ Chí Minh - theo tư liệu Thích Nữ Nhật Khương

- Phan Trung Kiên, Cư sĩ, pháp danh Quảng Hải, sinh năm 1962, sinh hoạt trong tổ chức GĐPT từ lúc 8 tuổi, quy y với HT Quang Thể - chùa Tân Thái - Đà Nẵng. Ông định cư tại Hoa Kỳ năm 1982, sinh hoạt với GĐPT Hướng Thiện tại San Diago. Năm 1995, là thành viên sáng lập GĐPT Hoa Nghiêm tại chùa Phật Đà - San Diago. Cư sĩ Quảng Hải đã thành lập Liên Phật Hội từ tháng 7 năm 2014 và được chính thức cấp phép hoạt động phi lợi nhuận (non-profit) vào tháng 5 năm 2015. Ông làm chủ nhiệm và quản trị trang nhà Liên Phật Hội, truyền bá Phật pháp trên toàn cầu bằng phương tiệt Internet, nguyên quán Quảng Nam Đà Nẵng, trú quán Hoa Kỳ - theo trang nhà Liên Phật Hội www.lienphathoi.org

- Thích Chánh Kiến (1909-1972), Hòa thượng, đệ tử HT Huệ Minh - chùa Từ Hiếu, pháp danh Tâm Lễ, pháp tự Chánh Kiến, pháp hiệu Nghĩa Hội, ngài được quan đầu triều vua Bảo Đại là Tôn Thất Hưng mời về trụ trì chùa Phổ Quang ở xã Thủy An - Huế, nguyên quán trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Thích Chơn Kiến (1948-2006), Thượng tọa, thế danh Ngô Đình Thung, pháp danh Trừng Lộc, pháp tự Chơn Kiến. Năm 1969, ngài thọ Tỳ kheo tại giới đàn Hoa Nghiêm- Sài Gòn, sau đó, ngài đến cầu pháp với HT Hưng Từ - chùa Pháp Hội- Ninh Thuận, được pháp hiệu Ấn Minh. Năm 1972, ngài trụ trì chùa Thiên Phú- Khánh Hòa. Năm 1993, ngài thành lập đạo tràng Pháp Hoa và biên soạn quyển Nghi Thức Tụng Niệm. Năm 1994, ngài thành lập Tuệ Tĩnh Đường trong khuôn viên chùa Thiên Phú. Năm 1995, thành lập GĐPT Thiên Phú để hướng dẫn các em nhỏ Phật tử. Năm 2000, ngài thành lập tu viện Phước Sơn - Vĩnh Thạnh - Nha Trang. Năm 2001-2006, ngài là Ủy viên Tăng sự- BTS PG tỉnh Khánh Hòa. Năm 2003, ngài cùng chư tôn HT Thích Thiện Nhơn, Thích Phước Thành sang Úc-đại-lợi dự lễ khánh thành tu viện Quảng Đức ở TP Melbourne. Ngài từng theo học tại PHV Hải Đức Nha Trang và khoa Du Già Chẩn Tế với HT Chánh Kỷ - chùa Thái Bình- Diên Khánh. Ngài xả báo thân năm 2006, hưởng 58 năm, 27 hạ lạp, nguyên quán trú quán Khánh Hòa - theo trang nhà www.vn.wikiperdia.org

- Thích Minh Kiến (1937-2014), Hòa thượng, giáo sư, thế danh Trần Hồng Công, pháp hiệu Tuệ Tạng, sinh năm Đinh Sửu (1937), trước 1975 ngài là hiệu trưởng trường Trung tiểu học Bồ Đề Chợ Lớn, sau năm 1975, ngài thay mặt tổ đình Ấn Quang, đứng đơn xin lại cơ sở Đại Tòng Lâm hàng trăm mẫu đất của tổ đình, để làm kinh tế tự túc cho tăng ni tu học và canh tác. Năm 1977, ngài là Phó tổng thư ký kiêm Chánh văn phòng Viện Hóa Đạo GHPVNTN cho đến năm 1981 khi thành lập Giáo hội PGVN. Lúc còn làm việc, ngài trú xứ tại chùa Ấn Quang, sau đó do bệnh duyên, ngài về dưỡng bệnh tại chùa Phật Quang, Châu Thành - Đồng Tháp, sau đó Long Thành - Đồng Nai và viên tịch tại đây, hưởng thọ 77 tuổi, nguyên quán làng Hoa kiểng Tân Quy Đông, Sa Đéc- Đồng Tháp, trú quán Đồng Nai - theo trang nhà www.phatgiao.org.vn

- Thích Chơn Kim (1930-2017), Hòa thượng, pháp danh Tâm Phú, pháp tự Chơn Kim, pháp hiệu Viên Chiếu, đời pháp 43 tông Lâm Tế thuộc pháp phái Liễu Quán. Ngài thế danh Nguyễn Phúc Liên Phú, là hậu duệ tôn thất nhà Nguyễn. Xuất gia năm 1963 với HT Tịnh Khiết tại chùa Tường Vân- Huế. Thọ Tỳ kheo năm 1968 tại PHV Hải Đức - Nha Trang do HT Phúc Hộ làm đàn đầu truyền giới. Trước khi xuất gia, ngài là huynh trưởng GĐPT, tham gia nhiệt huyết trong phong trào tranh đấu chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Năm 1966, ngài một lần nữa bị bắt trong phong trào Phật giáo miền Trung tranh đấu chống hiến chương Vũng Tàu của Thiệu Kỳ. Trước năm 1975, ngài lên Đơn Dương lập chùa Tường Vân để ẩn tu và phụng dưỡng song thân. Ngài được GH cung thỉnh Chứng minh BTS GHPGVN huyện Đơn Dương. Ngài tánh tình hào hiệp khảng khái, đồng thời cũng là một nhà thơ có nhiều bài chuyển thể kinh Pháp Hoa, thể hiện được sự thể nhập kinh tạng của một hành giả Pháp Hoa tông. Ngài viên tịch ngày 25 tháng Giêng năm Đinh Dậu (2017), thọ 88 tuổi, nhập tháp tại chùa Phật Quốc, huyện Đơn Dương. Ngài nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán Đơn Dương - Lâm Đồng - theo trang nhà www. phatgiaoaluoi.com

- Cư sĩ Diệu Kim, thế danh Trần Thị Hoàng Anh, pháp danh Diệu Kim, bút danh Hoàng Kim. Sinh năm Nhâm Dần (1962) tại Sài Gòn. Định cư tại Tp. HCM, nhà báo, nhà thơ, tiểu luận, truyện ngắn. Đã xuất bản 5 đầu sách PG. Cộng tác báo Giác ngộ, viết gần 200 bài, mục sống đạo, diễn đàn, bình luận. Đố vui Phật pháp (giáo trình Phật pháp căn bản, được nhiều nơi ưa chuộng) tái bản 21 lần, mỗi lần một ngàn quyển. Từ năm 2000, mở lớp Hoằng pháp tại thành phố HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, hướng dẫn thanh thiếu niên Phật tử về kỹ năng sống. Mở tủ sách thiếu nhi đặc biệt cho vùng nông thôn. Cô đã góp phần khai tâm mở trí cho thế hệ thanh thiếu niên, mang ánh sáng Từ bi trí tuệ Phật pháp tỏa chiếu nơi xa xôi hẻo lánh cho nên Cư sĩ Diệu Kim được bà con yêu mến gọi là “Pháp sư Vườn”. theo Thích Vân Phong biên khảo

- Trần Trọng Kim (1883-1953), Học giả, Nhà nho, Cư sĩ Phật giáo, tác gia, chính trị gia, ông tự là Lệ Thần, trước khi đến với đạo Phật, ông đã là một học giả uyên bác về sử học và văn học. Sáng lập viên Hội PGBK, là Trưởng ban khảo cứu và diễn giảng của Hội, trưởng Ban Biên tập báo Đuốc Tuệ. Năm 1943, Trần Trọng Kim về hưu. Sau đó ông và Dương Bá Trạc được quân đội Nhật Bản đưa sang Singapore. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945) ông làm Thủ tướng chính phủ thân Nhật. Tác phẩm: Phật giáo đối với cuộc nhân sinh, Thập nhị nhân duyên, Phật Lục, nguyên quán quê làng Kiều Lĩnh, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, trú quán Hà Nội - Đà Lạt.

- Thạch Kôong (1879-1969), Hòa thượng, danh Tăng hệ phái PG Nam Tông Khmer, thế danh Thạch Kôong, xuất gia năm 1896 với HT Huôi - chùa Ông Mẹc (Som Prôong Êck) pháp danh Brahma Sara. Năm 1901, thọ cụ túc giới tại chùa Som Prôong Êck. Năm 1907, học thiền ở huyện Cầu Ngang - Trà Vinh. Năm 1911, ngài sang Campuchia học kinh ở tỉnh Bat Đom Boong và học thiền ở Siêm Rệp. Sau 8 năm tu học, ngài trở thành Thiền sư trưởng đoàn hạnh Đầu Đà tại Campuchia. Năm 1932, ngài về nước hành đạo ở Giá Rai - Sóc Trăng, trụ trì chùa Som Rôong Êck - Cầu Ngang, Trà Vinh. Ngài có công lãnh đạo, xây dựng và giảng dạy Phật pháp khắp các tỉnh Tây Nam bộ. Ngài nhập diệt ngày 20 tháng 11 năm Kỷ Dậu (29-12-1969), thọ 91 tuổi, 71 tuổi đạo, nguyên quán trú quán Trà Vinh - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 2.

- Thích Hiển Kỳ (1863-1936), Hòa thượng, tổ sư Tông phái Thiên Thai Giáo Quán Tông đời 19, thế danh Trần Quốc Lượng, tự Trần Quốc Ngỡi, Trần Cát Tường(lúc ở Trung Quốc), xuất gia năm 1922 với tổ Đế Nhàn - đời 48 tông Thiên Thai, pháp danh Nhiên Công, pháp hiệu Hiển Kỳ. Năm 1928, ngài làm Đàn đầu Hòa thượng tại giới đàn ở Hương Cảng, trong các giới tử có hai vị Tăng là Liễu Học, Liễu Đàn và một vị Ni là Liễu Tướng người Việt Nam. Năm 1933, ngài làm Đàn đầu Hòa thượng tại giới đàn chùa Thanh Sơn Hương Cảng, có ba vị người Việt Nam sang thọ giới là các ngài Liễu Thiền, Liễu Lạc và Liễu Chứng. Năm 1935, ngài làm Yết ma A xà lê trong giới đàn chùa Bửu Lâm - Núi Phụng Hoàng, có một giới tử người Việt Nam là Liễu Tức thọ giới. Tất cà 7 vị mang chữ Liễu đã trở về Việt Nam hoằng pháp và truyền bá Tông Thiên Thai Giáo Quán tại Việt Nam, do ngài Hiển Kỳ truyền giới ấn chứng. Ngài là người Việt Nam hành đạo, trụ trì tại Trung Quốc, ngài xả báo thân ngày mồng 4 tháng 3 năm Bính Tý (26-03-1936) tại Thanh Sơn Thiền Viện, thọ 74 năm, nguyên quán Long An, trú quán Trung Quốc - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 3.

- Cư sĩ Hưng Ký (?-1946), Cư sĩ, Thương nhân, tên thật Trần Văn Thành, không rõ năm sinh. Năm1921, ông Trần Văn Thành đã mua lại của người Pháp xưởng gạch ngói từ hãng Briqueteries et Tuileries du Tonkin. Khi ấy, cơ sở sản xuất còn khá khiêm tốn, ông đặt tên là Hưng Ký. Tất cả các sản phẩm gạch ngói được “làm thương hiệu” bằng cách được dập tên Hưng Ký. Một điều độc đáo là chỉ có gạch, ngói Hưng Ký của thương gia Việt Nam mới đủ sức cạnh tranh với gạch Satic của Pháp. Sản phẩm gạch, ngói Hưng Ký đã in dấu trong nhiều công trình kiến trúc của Hà Nội, Bắc Kỳ, Lào, Campuchia, Singapore. Năm 1930, khi tham gia hội chợ Marseille (Pháp), ông Hưng Ký đã được nhận huân chương cho các sản phẩm sáng tạo của mình, với số tiền hơn 4.000 đồng Đông Dương. Ông dùng tiền đó để mua đất, dựng chùa trên địa phận thôn Đoài, làng Hoàng Mai, cách chùa Nga My không xa. Và, để phân biệt với ngôi cổ tự, người làng đã gọi ngôi chùa mới này là chùa Hưng Ký, hoặc chùa Tầu, lấy theo tên hiệu của người khởi dựng. Đây là một ngôi chùa độc đáo của Hà Nội cũng như ở Việt Nam. Chùa Hưng Ký còn có tên là Vũ Hưng Tự và mang hiệu là Võ Hưng Truyền Am. Chùa được làm từ gốm sứ độc nhất vô nhị. Chùa Hưng Ký là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo cuối triều Nguyễn, được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng bảo tồn năm 1992. Câu chuyện về ông trong nạn đói đầu xuân 1945, Ông Hưng Ký đã mở hết kho để phát chẩn cứu đói. Mỗi ngày nấu 10 nồi cháo lớn. Mỗi nồi đủ cho cả trăm người. Ông nói: “Trăm năm nay quốc dân mới có nạn này. Mình giàu có hơn người cũng là do thiên phúc. Nay thấy người chết mà không cứu thì chẳng phải là người”. Chuyện một nhà doanh ngiệp mở hết kho phát chẩn ở Hà Nội lúc ấy chấn động cả Bắc kỳ. Trong nhiều điện tín của một loạt doanh nhân người Pháp gửi về mẫu quốc làm ăn với nhà tư sản dân tộc Hưng Ký đều chỉ ghi: “Không thể giao thương. Bận phát chẩn”. Cuối thu 1945, tài sản của ông dần khánh kiệt, việc giao thương ông cũng không màng đến, nạn đói năm Ất Dậu đã làm ông trắng tay. Ông sau năm 1945 ít nhất một năm vào ngày Rằm tháng10 âm lịch (1946). Từ năm 1959, nhà máy gạch Hưng Ký chuyển thành Xí nghiệp gạch ngói Cầu Đuống nhưng thương hiệu sản phẩm ngói, gạch vẫn để là Hưng Ký mấy năm sau đó. Năm 1995, UBND thành phố Hà Nội đổi tên thành xí nghiệp gạch ngói Cầu Đuống. Từ ngày 26 tháng 6 năm 2006 Công ty chuyển từ Doanh nghiệp Nhà nước thành Công ty cổ phần Cầu Đuống. Hiện mộ ông Trần Văn Thành (Hưng Ký) được đặt ở Khu nghĩa trang Ao Đường, phường Hoàng Văn Thụ, Quận Hoàng Mai. Tại CTCP gạch ngói Cầu Đuống, có lập bàn thờ để tưởng nhớ công ơn của ông, nguyên quán Việt gốc Hoa, trú quán Hà Nội - theo Thích Vân Phong sưu khảo.

- Ưu Thiên Bùi Kỷ (1887-1960), Cư sĩ, trí thức PG, Sáng lập viên hội PGBK. Là một Phó bảng Hán học lại có Tây học nên Bùi Kỷ tiếp xúc giáo lý đạo Phật khá nhanh và trở thành một nhà nghiên cứu Phật học. Bùi Kỷ tham gia Ban Biên tập báo Đuốc Tuệ tới cuối năm 1944. Tháng 2 năm 1945 tại Đại hội đồng thường niên hội Phật giáo Bắc Kỳ, ông được bầu vào Ban Cố vấn. Vì lẽ gì mà chúng ta nên tin theo đạo Phật là bài Bùi Kỷ diễn thuyết tại chùa Quán Sứ nhân ngày Phật Đản (16/5/1937) được in 10.000 bản tặng cho chư tôn tháng 8 năm 1937. Ông nguyên quán trú quán làng Châu Cầu, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.

- Hải Thiệu Cương Kỷ (1810-1899), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 40, thế danh Lê Đạo, xuất gia năm 1828 với ngài Tánh Thiên Nhất Định - chùa Báo Quốc, được pháp danh Hải Thiệu, pháp tự Cương Kỷ. Năm 1835, ngài thọ đại giới tại giới đàn chùa Từ Đàm do HT Đạo Trung Trọng Nghĩa làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1848, ngài trùng kiến thảo am An Dưỡng của bổn sư thành chùa Từ Hiếu và trụ trì tại đây, ngài có dị tướng là lông mi rất dài che cả mắt, khi nhìn ai hoặc đọc kinh sách, phải vén lên mới thấy, xong thả lông mi xuống, ngài không thấy gì cả. Năm 1897, ngài tổ chức in kinh Vô Lượng Thọ với lời đề bạt của HT Toàn Nhật Quang Đài. Năm 1898, ngài lại tổ chức in khắc bộ kinh Báo Ân và Nhật tụng tiểu bản. Ngài thị tịch ngày mồng Một tháng 3 nhuần năm Kỷ Dậu (1899) thọ 94 năm, 63 hạ lạp, nguyên quán Quảng Trị, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức&Cư sĩ tiền bối hữu công PG Thuận Hóa.

- Thích Giác Kỷ (1920-2017), Hòa thượng, Trưởng lão hệ phái PG Khất sĩ Việt Nam, thế danh Nguyễn Duy Khương, xuất gia với trưởng lão Giác An năm 1957, được pháp danh Giác Kỷ. Năm 1966, ngài được trao giới Tỳ kheo tại tịnh xá Ngọc Cát - Phan Thiết. Ngài theo đức Thầy Giác An hành đạo khắp miền Trung và Cao nguyên, góp phần trong sự nghiệp hoằng pháp của Giáo đoàn III. Năm 2016, ngài trở về tịnh xá Ngọc Hải - Cam Ranh bên người pháp huynh là HT Giác Y để tịnh dưỡng tuổi già. Ngài xả báo thân ngày 14 tháng 2 năm Đinh Dậu, thọ 98 năm, 51 năm hành đạo, nguyên quán Phù Mỹ - Bình Định, trú quán Cam Ranh - Khánh Hòa.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 25
    • Số lượt truy cập : 6472076