Thông tin

NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN L

L

 

- Mạn Đà La, Ni sư, sinh quán tại Hà Nội, thế danh Hoàng Thị Bích, là Phật tử thuần thành. Năm 1954, theo gia đình di cư vào Nam. Khi đang là sinh viên, Bà xuất gia với HT Thích Trí Thủ tại chùa Ba La Mật - Huế, được HT cho pháp hiệu là Mạn Đà La, sau đó du học tại Nhật Bản, được kết nối với cách mạng. Năm 1965, Bà sang Anh quốc tu nghiệp, được gặp HT Thiện Châu đang học ở đây. Năm 1967, Ni sư cùng HT Thiện Châu sang Pháp du học và ở lại đây hoạt động trong hội Việt kiều Hải ngoại - chi bộ Pháp. Hai vị đã lập nên phong trào trí thức hải ngoại chống chiến tranh Việt Nam. Ni sư là người có công giúp Đoàn đàm phán Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong việc đàm phán với phía Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa ký Hiệp định Paris năm 1973. Đất nước độc lập, Ni sư trở về quê hương miền Bắc thăm viếng và tuyển thợ, đưa vật liệu sang xây dựng nên thiền viện Trúc Lâm, một ngôi chùa truyền thống Việt Nam trên đất Pháp do HT Thiện Châu trụ trì. Năm 1998, HT Thiện Châu viên tịch, Ni sư xin hồi hương về Việt Nam, tu trì ở một tịnh thất tại khu phố 4, phường Xuân An, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai - theo Thích Đồng Bổn sưu khảo.

- Thái Kim Lan, Nữ cư sĩ, giáo sư, tiến sĩ, bà giảng dạy triết học Đông phương và triết học Phật giáo tại Đức. Bà là nữ giáo sư tiến sĩ duy nhất người Việt giảng dạy ở xứ sở là "cái nôi của triết học" nước Đức. Sinh ra và lớn lên ở Huế, Bà là người sinh viên tham gia đấu tranh cho PG trong pháp nạn 1963, tận mắt chứng kiến những biến cố lớn của PG trong những năm tháng khó khăn ấy. Bà sang Đức du học năm 1965, tốt nghiệp tiến sĩ rồi trở thành giảng viên triết học đại học Tổng hợp Ludwig - Munich - Đức. Đặc biệt, Bà luôn giữ truyền thống khi mặc áo dài Huế trên giảng đường ở nước ngoài hay các sự kiện tại Việt Nam. Bà là người sáng lập và làm Chủ tịch hội Giao lưu Đức - Việt. Bà được tặng giải thưởng Đào Tấn về bảo tồn bản sắc văn hóa Việt Nam trong việc giới thiệu Tuồng ra nước ngoài. Bà cũng là dịch giả đưa văn hóa Đức vào Việt Nam qua tác phẩm Tuyển tập Văn học Đức Việt về Brecht và Hermann Hess. Đặc biệt tại Đức, bà lập một bộ sưu tầm về tượng Phật trong khu vườn nơi bà cư ngụ rộng hơn 400 mét vuông. Bà nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán Đức quốc - theo trang nhà www.tienphong.vn

- Thích Bảo Lạc, Hòa thượng, pháp danh Đồng An, pháp tự Thanh Nghiệp, pháp hiệu Bảo Lạc, đời 43 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 10 pháp phái Chúc Thánh. Ngài thế danh Lê Bảo Lạc, sinh năm Nhâm Ngọ (1942) tại Xuyên Mỹ, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. Ngài chính là bào huynh của HT Thích Như Điển, phương trượng chùa Viên Giác, Đức quốc. Xuất gia năm 1957 với HT.Thích Trí Hữu tại chùa Linh Ứng, thọ Tỳ kheo năm 1964 tại Việt Nam Quốc Tự. Năm 1974 du học Nhật Bản và tốt nghiệp Cử nhân Tôn giáo xã hội học năm 1980. Năm 1981 sang định cư tại Úc và khai sơn chùa Pháp Bảo tại Sydney. Ngài từng giữ các chức vụ như: Tổng vụ trưởng Tổng vụ Hoằng pháp, Phó hội chủ và nay là Hội chủ GHPGVNTN Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan. Hòa thượng được cung thỉnh vào các ngôi vị: Tôn chứng, Giáo thọ, Yết Ma...nhiều giới đàn của PGVN trên thế giới. Ngài trước tác và dịch thuật trên 30 tác phẩm, góp phần xây dựng nền văn hóa Phật giáo tại Hải ngoại. Ngài nguyên quán Quảng Nam, trú quán Úc Châu - theo Thích Như Tịnh sưu khảo.

- Thích Chánh Lạc (1950-2000), Thượng tọa, pháp danh Nguyên Ân, pháp hiệu Chánh Lạc, học tăng Phật học viện Trung Phần Hải Đức Nha Trang, dịch giả bộ kinh Địa Tạng của ngài Tuyên Hóa, chủ nhiệm Hợp tác xã Bồ Đề-Nha Trang, thầy có năng khiếu dịch thuật, nhưng do bệnh duyên, đã sớm về cõi Phật, nguyên quán Quảng Nam, trú quán Khánh Hòa.

- Thích Chơn Lạc (1938-2015), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chánh Tông đời 41, thế danh Nguyễn Văn Thiện, xuất gia năm 1946 với HT Thiện Thọ - chùa Long Tế - Cao Lãnh, pháp danh Nhựt Thiện, pháp tự Liên Độ, pháp hiệu Chơn Lạc. Năm 1960-1962, ngài học tại PHV Phước Hòa - Trà Vinh. Năm 1952-1964, học tại PHĐ chùa Ấn Quang. Năm 1964-1975, ngài theo học ở PHV Huệ Nghiêm - Bình Chánh. Năm 1966, ngài thọ cụ túc giới tại giới đàn PHV Huệ Nghiêm. Từ 1965-1975, ngài làm Giáo thọ sư giảng dạy các Ni viện Từ Nghiêm, Dược Sư, Thiền tôn, Huỳnh Kim, Huê Lâm... Năm 1980, ngài là Tri sự trong Ban Quản trị chùa Huệ Nghiêm. Năm 1991, ngài chính thức trụ trì chùa Huệ Nghiêm.Từ đây, ngài luôn được cung thỉnh làm Giới sư trong các giới đàn ở các tỉnh thành miền Nam và TP Hồ Chí Minh. Ngài xả báo thân ngày 29 tháng 11 năm Giáp Ngọ (19-01-2015) thọ 77 năm, 48 hạ lạp, nguyên quán Cao Lãnh-Đồng Tháp, trú quán Bình Tân - TP Hồ Chí Minh - theo Ban Quản trị PHV Huệ Nghiêm biên soạn.

- Thích Nữ Huệ Lạc (1950-1967), Ni cô, thánh tử đạo, tự thiêu trước chùa Giác Viên - Gia Định lúc 17 tuổi, để lại thư gởi đức Giáo hoàng, Tổng thống Johnson, Tổng thống Thiệu, đòi thu hồi hiến chương 23/67 của khối VNQT, chưa rõ thân thế - theo Biên niên sử PG Sài Gòn Gia Định.

- Thích Liễu Lạc (1878-1937), Hòa thượng, Trưởng lão tông phái Thiên Thai Giáo Quán Tông đời 49, thế danh Trương Văn Trình. Năm 1933 ngài sang Trung Quốc thọ đại giới với tổ Hiển Kỳ - Hương Cảng, được pháp danh là Tu Tịnh, pháp hiệu Liễu Lạc. Sau khi về Việt Nam, ngài khai sơn chùa Pháp Minh để hoằng dương đạo pháp. Nơi đây đã sản sinh ra nhiều bậc danh tăng thạc đức như HT Đạt Hảo; NT Đạt Tâm... Ngài xả báo thân ngày mồng 2 tháng Chạp năm Bính Tý (14-01-1937) hưởng 59 năm, tháp lập trong khuôn viên chùa Pháp Minh, nguyên quán trú quán Long An - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 3.

- Pháp Lạc (1903-2001) Hòa thượng, trưởng lão hệ phái PG Nam Tông Việt Nam, thế danh Trần Công Khuê, xuất gia năm 1959 tại chùa Giác Quang - Bình Đông - Chợ Lớn. Năm 1961, ngài thọ Tỳ kheo với HT Thiện Luật tại chùa Giác Quang, được pháp danh Pháp Lạc ( Sukha Dhamma Thera). Năm 1964, ngài về quê hương truyển bá giáo lý Nguyên thủy và thành lập chùa Thái Bình, chùa Bất Nhị ở Quảng Nam. Năm 1965, ngài vào Phan Thiết thành lập chùa Bình Long. Năm 1966, ngài về Mỹ Tho thành lập chùa Pháp Bảo và trụ lại đây đến cuối đời. Từ năm 1964-1975, ngài là Kiểm soát viên Ban Chưởng quản Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam. Năm 1976, ngài được bầu làm Phó Tăng thống GHTGNTVN. Năm 1985, ngài làm Chứng minh BTS PG tỉnh Tiền Giang. Năm 1997, ngài được suy cử Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN. Năm 1998, ngài được bầu làm Tăng trưởng hệ phái PG Nam Tông Việt Nam. Ngài xả báo thân ngày 12 tháng 5 năm 2001, thọ 98 năm, 40 hạ lạp, nguyên quán Quảng Nam, trú quán Tiền Giang - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 3.

- Thích Thọ Lạc, Thượng tọa, Tiến sĩ danh dự, sinh năm 1963, xuất gia với HT Thích Đức Nhuận - chùa Đồng Đắc, là Ủy viên Thường trực HĐTS TW GHPGVN, Phó trưởng ban Thường trực BanVăn hóa TW, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Ninh Bình, Phó trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Nghệ An, trụ trì các chùa Đồng Đắc, Cao Sơn, Đại Bi - Ninh Bình, chùa Đại Tuệ và chùa Diệc - Nghệ An, chùa Yên Phú - Thanh Trì Hà Nội, chùa Bàng Long- Viên Chăn Lào, chùa Pháp Hoa - TP Hồ Chí Minh. Tác phẩm: Phật giáo thời Đinh và Tiền Lê (chủ biên, đồng tác giả PGS. TS Nguyễn Hồng Dương, nxb Tôn Giáo, Hà Nội 2010); Chùa Yên Phú lịch sử và hiện tại (đồng chủ biên TS Nguyễn Quốc Tuấn, nxb Hồng Đức 2011), nguyên quán Kim Sơn Ninh Bình, trú quán Hà Nội, Nghệ An - theo NNC Nguyễn Đại Đồng sưu khảo.

- Thích Thông Lạc (1928-2013), Trưởng lão, Thiền sư, thế danh Lê Ngọc An, xuất gia năm 1936, với HT Huệ Tánh - chùa Phước Lưu - Trảng Bàng - Tây Ninh, pháp danh Thông Lạc. Năm 1965, ngài vào học tại PHV Trung đẳng Huệ Nghiêm và ghi danh học Viện đại học Vạn Hạnh. Năm 1968, ngài vừa học, vừa đi dạy thêm ở các trường Trung học Bồ Đề Sài Gòn Chợ Lớn. Năm 1970, ngài về chăm sóc cha đến khi cha mất, ngài cảm nhận thế gian chẳng có gì hằng hữu, nên buông tất cả, theo Thiền sư Thanh Từ tu tập Thiền tông. Sau thời gian tu tập ở thiền viện Chơn Không, ngài bắt đầu vân du hành cước khắp nơi, lên núi rừng, xuống vùng sông biển để nhận diện bản thân và tìm chân lý. Năm 1980, ngài trở về quê nhà ở Trảng Bàng, lập nên thảo am tu hành. Ngài nhân đọc kinh Nikaya của HT Minh Châu dịch, bỗng ngộ được chân lý, bèn chấn chỉnh việc tu hành, xây dựng thảo am thành tu viện Chơn Như để phát huy đường lối tu tập và hoằng pháp độ sanh. Tác phẩm mà ngài đã biên soạn: Đường về xứ Phật; Những lời gốc Phật dạy; Đạo đức làm người; Trở về đạo Phật; Những lời Tâm huyết; Phật giáo có đường lối riêng; Pháp tu của Phật làm chủ Sanh Già Bệnh Chết; Mười hai cửa vào đạo; Ba mươi bảy phẩm trợ đạo; Sống một mình như con Tê Ngưu; Những chặng đường tu học của người Cư sĩ; Nghi thức thọ Bát Quan Trai; Hành Thập thiện và Tứ vô lượng tâm; Lịch sử chùa Am; Thanh qui tu viện Chơn Như; Phật tử cần biết I, II; Linh hồn không có; Tạo duyên giáo hóa chúng sanh; Thiền căn bản; Văn hóa PG truyền thống I, II; Lòng yêu thương... ngài xả báo thân ngày 21 tháng 11 năm Nhâm Thìn (02-01-2013) thọ 85 năm, 44 năm hành đạo, nguyên quán trú quán Trảng Bàng Tây Ninh - theo trang nhà www.tuvienchonnhu.net.

- Tuệ Lạc, Cư sĩ, giáo sư, nhà báo, tác gia, thế danh Nguyễn Điều, nguyên là tu sĩ Phật giáo Nam Tông, pháp danh Tuệ Lạc, ông du học ở Tích Lan, rồi sang Pháp về tại gia làm phóng viên báo Le Figaro - Paris. Ông nguyên Chủ tịch hội Sinh viên Phật tử tại Pháp, tác phẩm: Khoa học và sự tái sinh (nxb Hồng Đức 2017), nguyên quán Bình Định, trú quán Paris - Pháp quốc.

- Thích Bửu Lai (1901-1990) Hòa thượng, thế danh Lê Văn Tồn, ông nguyên là Cư sĩ Hội trưởng hội Phật học Sa Đéc (1924-1929). Năm 1955, xuất gia tại chùa Ấn Quang lúc 55 tuổi, pháp danh Bửu Lai. Năm 1957, ngài được dự khóa huấn luyện trụ trì "Như Lai Sứ Giả" tại chùa Pháp Hội, sau đó Giáo hội bổ nhiệm về trụ trì PHV Phước Hòa - Trà Vinh. Năm 1959, ngài giữ chức Tổng thư ký Giáo hội Tăng già Nam Việt. Năm 1966, ngài làm Chánh đại diện GHPGVNTN miền Huệ Quang. Năm 1978-1984, là Phó chủ tịch MTTQ TP Cần Thơ. Năm 1989, là Hiệu trưởng trường Cơ bản Phật học tỉnh Hậu Giang, tác phẩm: Khuyến phát Bồ đề tâm văn (dịch); Các bài văn Giác thế; Thiền môn Trường hàng Luật; Ý nghĩa Nghi thức tụng niệm; Sưu tập giảng luận giáo lý. Ngài viên tịch ngày 24 tháng 10 năm Canh Ngọ (10-12-1990) với 90 năm trụ thế và 34 hạ lạp, nguyên quán Đồng Tháp, trú quán Cần Thơ - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 1.

- Thích Đạt Lai (1896-1966), Hòa thượng, dòng Thiên Thai Giáo Quán Tông đời 22, trụ trì chùa Pháp Môn - xã Tân Kim - Cần Giuộc - Long An, HT là bổn sư của ngài Tắc Thành, danh tăng PGVN đầu thế kỷ 21, nguyên quán trú quán Long An.

- Thích Tâm Lai (1882-1937), Tỳ khưu, bán thế xuất gia tại chùa Phương Lăng - Thuỷ Nguyên - Hải Phòng, sau lên trụ trì chùa Hang (Kim Sơn tự, Tiên Lữ động tự) ở làng An Thái, đồn điền Đồng Bẩm, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Ông là người khởi xướng chấn hưng Phật giáo xứ Bắc bằng bài báo chấn hưng Phật giáo trên tờ Khai Hóa Nhật báo, ra ngày 16-1-1927, đề nghị thành lập Việt Nam Phật giáo Hội cho cả 3 miền và đưa ra chương trình chấn hưng gồm 3 điểm:

1) Lập giảng đàn trong các chùa để giảng kinh, sách Phật cho các nhà thiện tín, nhờ người dịch kinh sách Phật chữ Hán và chữ Pháp ra quốc ngữ;

2) Mở các trường Sơ học yếu lược, Sơ đẳng tiểu học bên cạnh các chùa, đón thầy bên ngoài vào dạy theo chương trình nhà nước, chỉ thêm mỗi buổi học mười phút giảng kinh Phật;

3) Lập ra ở bên cạnh mỗi chùa một nhà nuôi kẻ khó, người tàn tật vào nuôi, dạy nghề sinh nhai; làm nhà bảo cô thu trẻ em mồ côi vào nuôi cho ăn học.

Tháng 5 năm 1927, Sư Thiện Chiếu được HT Khánh Hoà cử ra Bắc gặp ông tại chùa Hang bàn chuyện chấn hưng Phật giáo nhưng không thành. Sau ông bị vu cáo hoạt động chính trị, nản lòng về làm đương gia chùa Phương Lăng nguyên quán trú quán Hải Phòng.

- Thích Thiện Lai (1896-1970), Sa di, Thánh tử đạo, thế danh Bùi Đình Tần, xuất gia năm 1955 lúc 59 tuổi với HT Hải Tràng chùa Phổ Quang- Phú Nhuận, pháp danh Thiện Lai. Ngài nổ lực tu học tại đây mà không nhận đại giới. Sự kiện "Việt Nam Quốc Tự" là một vết đau trong lòng Tăng tín đồ miền Nam, ngài cũng quyết tâm chống lại hiến chương 23/67 để bảo vệ hiến chương năm 1964 của PG, nên phát nguyện tự thiêu dưới gốc cây Bồ đề chùa Phổ Quang vào lúc 4 giờ 15 phút sáng ngày mồng 8 tháng 5 năm Canh Tuất (11-06-1970) thọ 74 năm, 15 tuổi đạo, nguyên quán Nam Định, trú quán Gia Định - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 2.

- Út Bạch Lan (1935-2016), nghệ sĩ ưu tú, Phật tử pháp danh Giác Hạnh, tên thật là Đặng Thị Hai. Bà khởi nghiệp cầm ca thập niên 50 dưới sự dìu dắt của nhạc sĩ Văn Vĩ và trở thanh danh ca vọng cổ. Bà có giọng hát nổi tiếng là "Sầu nữ Út Bạch Lan". Khi lớn tuổi, bà chọn cửa thiền môn để sinh hoạt biểu diễn và tu niệm. Bằng giọng ca truyền cảm, bà có nhiều bài hát cổ nhạc PG để đời. Bà được mời làm Cố vấn Ban văn nghệ Thành hội PG TP Hồ Chí Minh, bài ca Vọng cổ Quốc sư Vạn Hạnh, tiếng hát của bà mãi vang xa. Bà làm trưởng đoàn từ thiện Út Bạch Lan. Bà vãng sinh ngày 04-11-2006, thọ 81 tuổi, nguyên quán Long An, trú quán TP Hồ Chí Minh.

- Nguyễn Thị Ngọc Lan (1951-1963), nữ Phật tử, thánh tử đạo, pháp danh Tâm Chánh. Năm 1963, thời kỳ pháp nạn của PG đồ Việt Nam trước nạn kỳ thị tôn giáo của chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Phật giáo đồ tại Huế đã bị xúc phạm, thà chết chứ không chịu khuất phục bạo quyền. Trong buổi mít tinh tại chùa Từ Đàm sáng ngày 8-5-1963, đến tối Phật tử kéo đến đài phát thanh Huế chờ đợi sự giải thích của chính quyền không giữ lời hứa phát thanh lại buổi mít tinh, thì bất ngờ đoàn xe thiết giáp của Thiếu tá Đặng Sỹ nổ súng và đâm thẳng vào đám đông, một số bị bắn chết, một số bị xe thiết giáp cán chết, trong đó có Phật tử Tâm Chánh. Giáo hội PG Trung phần đã tấn phong Thánh tử đạo năm 1965, nguyên quán trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Thích Pháp Lan (1913-1994), Hòa thượng, pháp sư, dòng Tế Thượng Thiên Thai Thiền Giáo Tông đời 42, thế danh Lê Hồng Phước, xuất gia năm 1926 với tổ Huệ Đăng - chùa Thiên Thai - Bà Rịa, pháp danh Trừng Tâm, pháp tự Thiện Hảo, pháp hiệu Pháp Lan. Năm 1947, ngài được cung thỉnh trụ trì chùa Khánh Hưng - Hòa Hưng - Sài Gòn. Năm 1951-1956, ngài thành lập Trường gia giáo Lục Hòa Tăng tại chùa Khánh Hưng, trong thời gian này, ngài phụ trách an ninh khu 4 - Mỹ Tho và là Chủ tịch Lực lượng PG cách mạng Sài Gòn - Gia Định. Năm 1953, ngài làm Tổng thư ký Tăng đoàn Liên Tông Việt Nam. Năm 1963, ngài là Thành viên Ủy ban Liên phái Bảo vệ PG. Năm 1964, ngài là Thành viên Hội đồng Giáo phẩm Viện Hóa Đạo GHPGVNTN kiêm Chủ tịch Tổng đoàn Thanh niên Tăng ni Việt Nam. Năm 1981, GHPGVN thành lập, ngài được mời làm Ủy viên HĐTS GHPGVN kiêm Phó BTS Thành hội PG TP Hồ Chí Minh, ngài xả báo thân ngày 20 tháng Giêng năm Giáp Tuất (01-03-1994), thọ 81 năm, 59 hạ lạp, nguyên quán Bình Định, trú quán TP Hồ Chí Minh - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 2.

- Thích Tắc Lãnh, Hòa thượng, sinh năm 1946, sơn môn Thiên Thai Giáo Quán Tông đời 23, đệ tử HT Đạt Hảo - chùa Pháp Quang, pháp danh Tắc Lãnh, pháp tự Lãng Tấn, chuyên điển lễ dẫn thỉnh các giới đàn, Chứng minh BTS GHPGVN huyện Thủ Đức, trụ trì chùa Châu Hưng - Tam Phú, Thủ Đức, nguyên quán trú quán TP Hồ Chí Minh.

- Nguyễn Bá Lăng (1920-2005), Kiến trúc sư, ông đã khảo sát điền dã, nghiên cứu, ghi chép rất công phu hầu hết những ngôi đình, ngôi chùa, nổi tiếng như đình Đình Bảng, chùa Bút Tháp, chùa Dâu ở Bắc Ninh; đình Tây Đằng, Chu Quyến, chùa Tây Phương ở Sơn Tây; chùa Keo ở Nam Định, Thái Bình; chùa Láng, chùa Kim Liên ở Hà Nội... Đặc biệt ông đã tìm hiểu rất kỹ ngôi chùa Vĩnh Nghiêm có từ đời Trần. Bộ sưu tập về kiến trúc dân gian của ông là một vốn quý ít ai có được. Ông đóng góp nhiều kiến trúc Phật giáo nổi tiếng như:

1. Lập họa đồ và trùng tu chùa Một Cột Hà Nội năm 1955, sau khi Liên Hoa Đài bị phá sập năm 1954; 2. Kiến trúc: Chùa Xá Lợi năm 1958; 3. Chùa Vĩnh Nghiêm 1966-1974; 4. Chùa An Quốc trong cư xá sĩ quan Chí Hòa, Sài Gòn năm 1972-1975; 5. Chùa Quan Âm tại Paris; 6. Chùa Tịnh Tâm tại Sèvres, ngoại ô Paris; 7. Liên Hoa đài tại Làng Mai, Pháp; 9. Việt Nam Phật quốc tự, Bồ Đề Đạo Tràng, Lâm Tỳ Ni, Ấn Độ. Tác phẩm nghiên cứu: Chùa xưa tích cũ. Kiến trúc Phật giáo Việt Nam, Tập I và II. Ông nguyên quán huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, trú quán TP Hồ Chí Minh - theo NNC Nguyễn Đại Đồng sưu khảo.

- Ẩn Lâm (1898-1982), Hòa thượng trưởng lão hệ phái Nam Tông Việt Nam, thế danh Lê Văn Tâm, xuất gia năm 18 tuổi tại chùa Khánh Quới Bắc tông. Năm 1920, ngài sang Campuchia nghiên cứu Tam tạng Pàli. Năm 1940, ngài gặp ngài Thiện Luật và xuất gia lại theo hệ phái Nam Tông ở Preyveng - Campuchia, sau đó ngài thực hiện hạnh Đầu đà độc cư trong rừng. Năm 1954, ngài về Việt Nam hoằng đạo. Năm 1957, ngài được Giáo hội bổ về trụ trì các chùa: Tăng Quang - Huế, chùa Tam Bảo - Đà Nẵng (1959), Thanh Vân - Tây Ninh (1961), Phước Hải - Tiền Giang (1962) và Kỳ Viên - Bàn Cờ (1975). Năm 1965, ngài được suy cử Phó Tăng thống Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam. Năm 1976, ngài là Tăng thống GHTGNTVN. Năm 1981, ngài là Phó Pháp chủ Hội Đồng Chứng Minh GHPGVN, ngài tịch vào ngày mồng 6 tháng 11 năm Nhâm Tuất (20-12-1982), nguyên quán Tiền Giang, trú quán TP Hồ Chí Minh - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 1.

- Thích Bích Lâm (1924-1971), Hòa thượng, thế danh Trần Văn Vinh, xuất gia với HT Phước Huệ - chùa Hải Đức - Nha Trang, pháp danh Chơn Phú, pháp tự Chánh Hữu, pháp hiệu Bích Lâm. Năm 1946, ngài trụ trì tổ đình Nghĩa Phương - Nha Trang. Ngài được cung thỉnh làm Đường đầu Hòa thượng tại giới đàn chùa Phước Huệ - Nha Trang (1959) và chùa Phước Duyên - Diên Khánh (1970). Năm 1950-1954, là Tổng thư ký Giáo hội Tăng già Cổ truyền tỉnh Khánh Hòa. Năm 1955-1959, là Tăng giám Trung Việt Giáo hội Tịnh Độ tông Việt Nam. Năn 1960-1968, đảm nhiệm chức Chánh Đại diện PG Cổ truyền Trung phần kiêm Giám đốc PHV PG Cổ truyền. Năm 1969-1971, Phó viện trưởng Viện Hoằng Đạo GHPG Cổ truyền Việt Nam. Ngài viên tịch ngày 24 tháng 11 năm Tân Hợi 1971, trụ thế 48 năm, 26 hạ lạp, nguyên quán trú quán Khánh Hòa - theo Danh Tăng Việt Nam tập 1.

- Thích Giác Lâm (1929-2012), Hòa thượng, thế danh Phạm Công Thành, xuất gia năm 1940 với HT Tâm Tịnh Huệ Chiếu - chùa Thiên Đức, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 44, pháp danh Nguyên Trạch, pháp tự Chí Công, pháp hiệu Giác Lâm. Năm 1952, ngài thọ Tỳ kheo tại giới đàn chùa Thiên Bình - An Nhơn. Năm 1954, ngài được vào học tại PHV Trung Phần Nha Trang. Năm 1957, ngài tốt nghiệp trở về Bình Định trú xứ tại chùa Long Khánh - Qui Nhơn và giảng dạy tại PHV Nguyên Thiều (1960-1970) và PHV Phước Huệ - Thập Tháp (1970-1975). Năm 2007, ngài cùng đoàn chư Tăng Bình Định sang dự lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc tại Thái Lan và Sám chủ trai đàn Chẩn tế, trình bày bằng âm điệu nghi lễ truyền thống PGVN để cầu nguyện Hòa bình thế giới. Ngài chuyên môn về bộ môn nghi lễ, đã viết các tác phẩm: Hành lễ Nghi thức Phật giáo (1973-1999); Sử Ba Mươi Ba vị Tổ Ấn Hoa (2002); Luận giải Nghi lễ PGVN (11 tập - 2005); Nghi pháp Khai đạo giới tử Đại giới đàn Cổ Pháp (Làng Mai - Pháp quốc - 2006); Phật giáo Nghi lễ giáo khoa Trung cấp (2007); Tịnh độ pháp yếu (2010); Phật giáo Nghi lễ Sơ cấp (2012). Ngài xả báo thân ngày mồng 8 tháng 5 năm Nhâm Thìn (26-06-2012) tại tổ đình Long Khánh, thọ 84 năm, 62 hạ lạp, nguyên quán trú quán Bình Định.

- Thiền sư Huệ Lâm (1877-1945), Hòa thượng, thế danh Bùi Văn Tươi, xuất gia từ nhỏ với HT Khánh Lâm - chùa núi Châu Thới - Bình Dương. Khoảng năm 1920, sau một thời gian dài tu học, Sư Huệ Lâm được thầy cho xuống núi hóa đạo chúng sinh, ngài đi về phía hóc rừng nọ lập chùa. Thoạt đầu, ngài che một cái chòi nhỏ, có lẽ vì thế mà người ta gọi là “hóc có ông che chòi” nên gọi tên chùa Hóc Ông Che đến ngày nay. Sư Huệ Lâm lẳng lặng giữa rừng, ngày ngày bốc thuốc chữa bệnh cho dân nghèo. Tiếng lành đồn xa về vị sư ở chốn rừng thiêng, nước độc mà lại có tài chữa bách bệnh. Người dân vùng Hóa An xưa còn gọi Thiền sư Huệ Lâm là ông thầy Hai. Một ngày nọ, thầy Hai bất ngờ tiếp một vị khách là người Pháp tự xưng là hiệu trưởng một trường Tây nổi tiếng ở Sài Gòn. Người này đi cùng một người con gái ruột và cầu xin thầy Hai chữa chứng bệnh “kỳ lạ” đang mắc phải, đã trị hết bao bác sĩ ta rồi bác sĩ Tây cũng không hết được. Thiền sư Huệ Lâm nhận nữ bệnh nhận “đặc biệt” này ở lại chùa và nhiệt tình chữa bệnh bằng cây lá rừng quanh chùa và những bài chú của Phật giáo. Thật lạ, người con gái này ở chùa thì hết bệnh nhưng về nhà lại tái phát bệnh như cũ. Thấy con gái mình có căn tu lại thông minh nên gia đình đồng ý cho quy y tại chùa Hiển Lâm Sơn với pháp danh là Thiện Niệm, chính thức thành đệ tử của sư Huệ Lâm. Năm 1945, Sư Huệ Lâm viên tịch, đệ tử là Yết ma Thiện Niệm lên kế vị trụ tri trì đời thứ hai chùa Hiển Lâm Sơn, không rõ nguyên quán, trú quán Hóa An - Đồng Nai - theo tư liệu sưu khảo của Trí Bùi, Thích Vân Phong sưu tầm.

- Chơn Kim Pháp Lâm (1861-1898), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 40, xuất gia với tổ Ấn Chánh Tổ Tông, hiệu Huệ Minh - chùa Bảo Sơn - Tuy An, Phú Yên, pháp danh Chơn Kim, pháp tự Pháp Lâm. Năm 1887, ngài khai sơn chùa Châu Lâm - Đồng Xuân - Phú Yên. Năm 1889, ngài ra kinh đô Huế trụ trì chùa Viên Thông - núi Ngự Bình. Năm 1895, ngài vận động trùng khắc mộc bản bộ "Đại học Chỉ thư Yếu tập" do tổ Pháp Chuyên Diệu Nghiêm biên soạn. Năm 1897, ngài cho khắc Chánh pháp nhãn tạng, truyền thừa từ tổ Minh Hải xuống đến ngài. Năm 1898, ngài về thăm chùa Châu Lâm tại Phú Yên và viên tịch vào ngày 14 tháng 2 năm Mậu Tuất, hưởng 38 năm, bảo tháp lập ở chùa Châu Lâm - Tuy An, nguyên quán Tuy An - Phú Yên, trú quán Thừa Thiên Huế, Phú Yên - theo Chư tôn đức & Cư sĩ tiền bối hữu công PG Thuận Hóa.

- Tiên Thiện - Từ Lâm (1780-1859), Hòa thượng tổ sư, danh tăng miền Nam, trụ trì Sắc tứ Linh Thứu tự, có công khai sơn chùa Bửu Lâm - Mỹ Tho và sắc tứ Linh Thứu, khai sơn chùa Bửu Hưng - Sa Đéc - theo Biên niên sử PG Sài Gòn Gia Định

- Trương Hoàng Lâu (?), Cư sĩ, đại thí chủ. Năm 1945, lúc Nhật đảo chánh Pháp, ngài Trí Tịnh và Thiện Hoa được giao nhiệm vụ hướng dẫn tăng sinh Phật học đường Báo Quốc vào Nam. Đoàn đến Sài Gòn, xuống Mỹ Tho rồi về Cần Thơ. Nhờ thí chủ Trương Hoàng Lâu giúp đỡ, ngài Thiện Hoa mở Phật học đường Phật Quang - Trà Ôn, ông đã vận động hỗ trợ tài lực cho Phật học đường này hoạt động suốt 8 năm, chưa rõ thân thế, ông nguyên quán trú quán Trà Ôn - Vĩnh Long - theo Biên niên sử PG Sài Gòn Gia Định.

- Thích Đảnh Lễ (1918-1968), Hòa thượng, pháp danh Tâm Ưng, thế danh Võ Đức Phú, xuất gia với HT Huệ Minh - chùa Từ Hiếu, học tăng PHĐ Sơn môn Tây Thiên và Báo Quốc. Năm 1946, ngài làm Giám tự chùa Linh Mụ. Năm 1948, khai sơn chùa Phước Duyên - Huế. Năm 1965 khai sơn chùa Phước Hải - Hương Trà, Thừa Thiên, nguyên quán trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Thích Như Lễ, hiệu Huệ Long (1888-1967), thế danh Nguyễn Văn Phụng, bí danh Trung Nghĩa (bào đệ của Hòa thượng Pháp sư Bửu Chung). Ngài trùng tu Trụ trì Long Liên Tự (Thiên Phước Tự), rạch Xẻo Tre - Nha Mân - Châu Thành - Đồng Tháp. Ấu niên xuất gia với tổ Minh Thông Hải Huệ, được thiền sư Như Khả Chân Truyền cưu mang lo việc học hành, y chỉ học Phật với tổ Minh Hòa Hoan Hỷ tại tổ đình Long Thạnh. HT Thích Như Lễ, vị Pháp sư danh tiếng, ngài tham gia hoạt động Cách mạng thời Phan Bội Châu, ngài cùng với Phan Xích Long vận động khởi nghĩa Thiên Địa Hội 1913 tại miền Tây Nam bộ và Chợ Lớn. Ngài từng bị kết án tử hình rồi giảm xuống chung thân và bị đày ra Côn đảo. Ngài đóng góp nhiều thành tích trong hai thời kháng Pháp, chống Mỹ cứu nước. Duyên Ta bà quả mãn, ngài viên tịch vào ngày Rằm tháng 5 năm Đinh Mùi (22-06-1967) tại chùa Trung Bửu, Thuận An, Bình Dương - theo Thích Vân Phong biên khảo.

- Thích Nhật Lệ (1927-1987), Hòa thượng, xuất gia với HT Từ Nhơn - chùa Linh Quang - Quảng Trị, pháp danh Tâm Hòa, pháp tự Thanh Quang, pháp hiệu Nhật Lệ, thế danh Nguyễn Cảnh. Năm 1951, tu học ở chùa Báo Quốc và trụ trì chùa Đồng Tri - Quảng Trị. Năm 1954-1958, Thư ký Giáo hội Tăng già tỉnh Quảng Trị. Năm 1959, học tăng PHV Hải Đức - Nha Trang. Năm 1962, vào Sài Gòn trụ trì chùa Hải Quang. Năm 1982, ngài làm Phó trưởng ban Nghi lễ TW GHPGVN kiêm Trưởng ban Nghi lễ BTS Thành hội PG TP Hồ Chí Minh, nguyên qán uảng Trị, trú quán TP Hồ Chí Minh - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 7
    • Số lượt truy cập : 6129624