Thông tin

NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN Lo

Lo

 

- Chơn Quyên Hưng Long (?-1924), Hòa thượng, pháp danh Chơn Quyên, pháp tự Đạo Kiết, pháp hiệu Hưng Long, đời 40 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 7 pháp phái Chúc Thánh. Ngài thế danh Phạm Văn Cẩn, sinh quán tại Đập Đá, Bình Định. Xuất gia với tổ Từ Trí tại chùa Tam Thai. Năm Quý Mẹo (1903), triều đình cử ngài làm Tăng mục Tam Thai. Năm Ất Tỵ (1905), chư Hòa thượng Từ Trí, Từ Nhẫn, Phước Trí đặt đá làm chùa Vu Lan tại làng Hòa Thuận, huyện Hòa Vang (nay thuộc quận Hải Châu, Đà Nẵng). Ngài được cử làm trụ trì đầu tiên của chùa Vu Lan. Năm Khải Định thứ 10, Giáp Tý (1924), ngài mất tích trên một chuyến tàu trong lần về thăm quê hương Bình Định. Ngài sinh quán Bình Định, trú quán Đà Nẵng - theo Thích Như Tịnh sưu khảo.

- Thích Nhựt Long (1917-2004), Hòa thượng, pháp sư, dịch giả, dòng Lâm Tế Gia Phổ đời 42, thế danh Phạm Văn Phu, thọ Tam quy với HT Hồng Quang - chùa Long Hòa được pháp danh Nhựt Long. Năm 1959, ngài xuất gia lúc 42 tuổi với HT Thiện Tường - chùa Vạn Thọ - Sài Gòn. Năm 1961, ngài thọ cụ túc giới tại giới đàn chùa Phổ Quang - Phú Nhuận do HT Hải Tràng làm Đàn đầu truyền giới. Cùng năm, ngài được theo học khóa "Như Lai Sứ Giả" tại chùa Pháp Hội do HT Thiện Hoa chủ trì. Ngày 17-07-1963, ngài tham gia cuộc biểu tình từ chùa Xá Lợi ra chợ Bến Thành, đã bị bắt giam tại An Dưỡng Địa - Phú Lâm. Bốn ngày sau mới thả về chùa Xá Lợi. Ngày 28-08-1963, trong cuộc tổng tấn công các chùa chiền, ngài lại bị bắt giam ở Bốt Nguyễn Phú - Phú Lâm giam giữ một tháng. Năm 1966, ngài được Viện Hóa Đạo cử làm Trưởng đoàn giảng sư phụ trách các tỉnh miền Tây. Sau năm 1975, ngài lui về Cồn Rồng - Tiền Giang lập am nhỏ tu hành và báo hiếu mẫu thân. Từ năm 1990-2002, ngài được cung thỉnh làm Tuyên Luật sư, Giáo thọ sư, Đàn đầu Hòa thượng các đàn giới trong tỉnh Tiền Giang. Ngài đã biên soạn và dịch thuật các tác phẩm: Bảo Đàn Kinh (dịch); Quang Hiệp Luận (soạn); Nghiên cứu kinh văn Sám Pháp Hoa; Bát Nhã tâm yếu; Sự thật Huyền Trang; Nhơn thừa Phật giáo; Bồ tát giới và Tứ phần luật; Vài nét đại cương giáo lý Phật giáo; Pháp môn tu đặc biệt; Cõi vô hình; Thiền cơ; Chữ Nhẫn; Chánh tín Tam hiền Thập thánh; Tình cảm đạo đức; Hiếu hạnh tề gia; Chuyển họa thành phúc; Suối thiền (thơ); Sám ông Đồ; Thiên thủ thiên nhãn; Luật xử thế; Thơ đời; Tạp bút. Ngài xả báo thân ngày 17 tháng 11 năm Giáp Thân (28-12-2004) thọ 87 năm, 45 tuổi đạo, nguyên quán trú quán Tiền Giang - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 3.

- Thích Pháp Long (1901-1971), Hòa thượng, dòng Tế Thượng Thiên Thai Thiền Giáo Tông đời 42, thế danh Tràn Minh Châu, xuất gia năm 1914 tại tổ đình Khánh Quới - Cai Lậy - Mỹ Tho, pháp danh Quảng Hương. Năm 1923, ngài học đạo với tổ Phi Lai, được pháp húy Hồng Hinh, pháp tự Từ Hội. Năm 1924, ngài đến núi Thiên Thai - Bà Rịa cầu pháp với tổ Huệ Đăng, được pháp danh Trừng Hinh, pháp tự Pháp Long. Từ năm 1928-1945, ngài hóa độ rất nhiều đồ chúng và chúng minh xây dựng nhiều chùa. Năm 1945-1954, ngài tham gia phong trào PG Cứu quốc Nam bộ. Năm 1955, ngài lui về tổ đình trụ trì chùa Khánh Quới - Cai Lậy. Năm 1957, ngài làm Đàn đầu truyền giới giới đàn chùa Thiên Thai - Bà Rịa. Năm 1967, ngài an cư tại chùa Thiên Minh - Hóc Môn và trụ lại đây đến cuối đời. Ngài xả báo thân ngày 13 tháng 9 năm Tân Hợi (31-10-1971) thọ 70 năm, 47 tuổi đạo, nguyên quán Mỹ Tho, trú quán Gia Định - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 2.

- Thích Quảng Long (?), Hòa thượng, sơn môn tổ đình Vĩnh Nghiêm miền Nam, Trung Tá Quyền Giám Đốc Nha Tuyên Úy Phật Giáo của QLVNCH, năm 1962 ngài khai sơn chùa Giác Ngạn - Lộc Ninh - Bình Phước. Sau khi HT Thích Thanh Long viên tịch, ngài đã về chùa Giác Ngạn - Phú nhuận trụ trì chùa này.

- Thích Thanh Long (?-1994), Hòa thượng, sơn môn tổ đình Vĩnh nghiêm miền Nam, năm 1973 ngài trùng tu và trụ trì chùa Giác Ngạn - Phú Nhuận. Trước 1975 là giám đốc Nha tuyên úy PG cấp bậc Trung tá. Năm 1987, sau khi cải tạo, ngài trở về tu trì tại chùa Giác Ngạn thuộc tổ đình Vĩnh Nghiêm và viên tịch tại đây, nguyên quán Ninh Bình, trú quán TP Hồ Chí Minh.

- Thích Thế Long (1909-1985), Hòa thượng, thế danh Phạm Thế Long, năm 1915 xuất gia với tổ Quang Tuyên - chùa Thủy Nhai - Nam Định, nối dòng Tào Động Phú Ninh đời 46, pháp danh Thế Long. Năm 1934, ngài trụ trì chùa Cổ Lễ - Nam Định. Năm 1945, ngài làm Phó chủ tịch Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Nam Định. Năm 1947, là Phó chủ tịch hội PG Cứu quốc Nam Định. Năm 1951, là Phó chủ tịch Mặt trận Liên Việt tỉnh Nam Định và là Ủy viên Mặt trận Liên Việt toàn quốc. Năm 1958-1981, ngài là Phó hội trưởng hội PG Thống nhất Việt Nam, Hội trưởng hội PG tỉnh Nam Hà. Năm 1981, ngài được bầu vào Hội đồng Chứng minh kiêm Phó chủ tịch Thường trực HĐTS GHPGVN, ngài còn là Phó chủ tịch Quốc hội nước CHXHCNVN khóa VII, ngài viên tịch tại chùa Cổ Lễ ngày 23-3-1985, thọ 76 tuổi, bảo tháp hiệu An Lạc tháp ở khuôn viên chùa Cổ Lễ. Ngài nguyên quán trú quán Nam Định - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 1.

- Thích Thiện Long, sinh năm 1952, tục danh Tô Hạp, Hòa thượng, nguyên Trụ trì Chùa Khánh Hưng, Lai Vung, Đồng Tháp, nguyên trụ trì chùa chùa Huệ Quang, quận 10, Tp. Hồ Chí Minh, hiện trụ trì chùa Phật Tổ, Hoa Kỳ, nguyên quán Đồng Tháp, trú quán Hoa Kỳ.

- Phổ Nghi Từ Long, không rõ năm sinh năm mất, xuất gia thuở niên thiếu với HT Chiếu Thường - Thích Tại Tại - chùa Phúc Lâm - huyện Vụ Bản - tỉnh Nam Định. Sau khi đắc pháp với tổTừHoà(tức HT Chiếu Thường) thuộc chốn tổĐồng Đội ởhuyện VụBản, năm Minh Mạng thứ2 (1821) ngài PhổNghi hiệu TừChiêu - Thích Hồng Hồng thiền sư (tức tổTừLong) vềxãKhánh Phú, huyện Yên Khánh hoằng dương Phật pháp. Tại đây, ngài khai sáng chùa Yên Vệ(Phúc Hào tự) thành cảnh chùa trang nghiêm rồi đăng đàn thuyết pháp giảng giải giáo lý tông Lâm Tế. Tăng chúng xa gần kéo về học rất đông. Ngài TừLong đãtruyền độtăng chúng vàkhai hoácác chùa nhằm mởrộng Phật pháp trong nhân gian. Yên Vệ trở thành chốn tổ lớn ở Đông Bắc tỉnh Ninh Bình, đào tạo được nhiều vị tài đức trong Phật môn. Tháp mộ tại chùa Yên Vệ ghi Từ Long tháp. Nguyên quán Hải Hậu - Nam Định, trú quán Ninh Bình - theo NNC Nguyễn Đại Đồng sưu khảo.

- Dương Đình Lộc, Cư sĩ, pháp danh Minh Phúc, Thạc sĩ Văn hóa học, sinh năm 1982, giảng viên trường KHXN và nhân văn, thư ký Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam, nguyên quán Bến Tre, trú quán TP Hồ Chí Minh.

- Lâm Hoàng Lộc, Cư sĩ, NNC Phật học, sinh năm 1951, pháp danh Minh Huệ, nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng VP bank, nguyên Tổng giám đốc ngân hàng ACB Bank, thành viên sáng lập Ban Phật học - chùa Phật học Xá Lợi, nguyên Phó ban Tài chính TW GHPGVN, nguyên Phó ban Văn hóa TW GHPGVN, sáng lập Quỹ từ thiện Trí Tuệ, nguyên quán Trà Vinh, trú quán TP Hồ Chí Minh.

- Thích Thiện Lộc (1930 -1985), Hòa thượng, xuất gia với HT Giác Nguyên - chùa Tây Thiên, pháp danh Tâm Phổ, pháp tự Thiện Lộc, thế danh Võ Trọng Thoan. Năm 1955, học tăng PHĐ Báo Quốc, rồi trú xứ ở chùa Từ Đàm chức vụ Tri sự rồi Giám tự gần 40 năm, nguyên quán trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Ngô Đăng Lợi, ông sinh ngày 06.8.1932. Với 17 năm công tác trong ngành giáo dục, trên 30 năm gắn bó với khoa học lịch sử, nhà sử học Ngô Đăng Lợi đã tham gia gần 30 công trình, tác phẩm có giá trị, được giới sử học và bạn đọc đánh giá cao: “Từ điển bách khoa địa danh Hải Phòng” được thư viện Đại học Becnây (Mỹ) chọn là 1 trong 5 tác phẩm giới thiệu năm 2008; Nhà sử học Ngô Đăng Lợi còn dịch gần 100 thần phả làm căn cứ đề nghị công nhận di tích lịch sử, văn hóa; dịch trên 50 gia phả cho các dòng họ; viết hàng trăm bài báo và tham luận khoa học... Trong đó có hơn 50 bài viết về chùa và Phật giáo Hải Phòng. Ông cho rằng Nê Lê Đồ Sơn là nơi đầu tiên đạo Phật du nhập vào Việt Nam.

Có lần một vị giáo sư danh tiếng do dịch và hiểu nhầm tấm bia đã cho rằng Đền Nghè xưa kia là chùa thờ Phật. Bằng những tư liệu chính xác, ông đã viết bài phản bác. Ngay sau đó vị giáo sư này đã đính chính và gửi lời xin lỗi. Ngô Đăng Lợi được coi là kho tư liệu về lịch sử, văn hóa. Những nhà nghiên cứu khi viết các công trình, nhà văn khi sáng tác tiểu thuyết lịch sử, nhà giáo khi soạn giáo trình, sinh viên khi làm luận án... thường tìm đến ông nhờ chỉ dẫn hoặc mượn tài liệu quý hiếm mà ngay cả các thư viện lớn cũng khó có thể có được. nguyên quán Đắc Lộc, Đoàn Xá, Kiến Thụy, Hải Phòng; trú quán số 28 Hoàng Văn Thụ, TP Hải Phòng.

- Thích Nguyên Lợi (1920-2010), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 44, thế danh Bùi Tấn Nghĩa, xuất gia năm 1938 với HT Diệu Quang - tổ đình Khánh Long - Tuy Hòa - Phú Yên, được pháp danh Nguyên Lợi, pháp tự Thiện Lạc, pháp hiệu Huệ Chơn. Năm 1941, ngài xếp áo ca sa tham gia lực lượng vũ trang địa phương chống ngoại xâm. Năm 1945, hòa bình lập lại, ngài trở về nếp sống tu hành. Năm 1961, ngài vào Nam thọ Sa di ở chùa Ấn Quang và tu học ở PHĐ Giác Nguyên và Vạn Thọ. Năm 1962, ngài về trụ trì chùa Cảnh Thái - Phú Yên. Năm 1964, ngài thọ đại giới tại giới đàn Việt Nam Quốc Tự - Sài Gòn do HT Thiện Tường làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1982, ngài làm Chánh đại diện PG huyện Tuy Hòa Bắc - Phú Khánh. Năm 1989, Phú Yên được tách tỉnh, ngài là Ủy viên BTS PG tỉnh kiêm Chánh đại diện PG huyện Tuy Hòa. Khi huyện Tuy Hòa chia tách, ngài giữ chức Chánh đại diện huyện Đông Hòa cho đến cuối đời. Ngài được cung thỉnh ngôi Đệ nhất Tôn chứng sư trong các giới đàn Liễu Quán năm 1998, 2001, 2003. Ngài còn khai sơn các chùa: Hồng An - xã Hòa Thành, Phước Thời - xã Hòa Bình I, và trùng tu nhiều chùa trong tỉnh... Ngài xả báo thân ngày mồng 6 tháng 9 năm Canh Dần (13- 10-2010) thọ 91 năm, 47 hạ lạp, nguyên quán trú quán Phú Yên - xem thêm ở Danh Tăng Việt Nam tập 3.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 46
    • Số lượt truy cập : 6946722