NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN Ng
Ng
- Thích Giác Ngạn (?-1964), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 42, và đời thứ 2 môn phái Tây Thiên, pháp danh Trừng Ba, pháp tự Chí Tân, pháp hiệu Giác Ngạn, còn gọi là Giác Minh đại sư. Ngài họ Nguyễn, trụ trì chùa Kim Đài - Châu Chữ - Nam Hà - Thừa Thiên Huế; chưa rõ thân thế nguyên quán, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.
- Chơn Nguyên Trừng Ngoạn (1880-1968), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 42, xuất gia năm 1895 với HT Thanh Thái Huệ Minh - chùa Từ Hiếu, pháp danh Trừng Ngoạn, pháp tự Quang Hưng, pháp hiệu Chơn Nguyên. Năm 1906, ngài thọ đại giới tại giới đàn chùa Từ Quang - Phú Yên, do HT Chơn Chánh Pháp Tạng làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1927, ngài làm Tôn chứng tại giới đàn Chánh Nhơn - chùa Long Khánh - Bình Định; cùng năm, ngài trụ trì chùa Thiên Hòa - phủ Thừa Thiên. Năm 1930, ngài làm Yết ma A xà lê tại giới đàn chùa Phước Hưng - Phú Yên. Năm 1937, ngài vào Nha Trang khai sơn chùa Thiên Hòa và trụ trì ở cả hai chùa này. Năm 1938, ngài được triều đình phong chức Tăng cang. Năm 1952, ngài lập nghĩa trang PG tại xã Đường Lộc - Nha Trang. Ngài xả báo thân ngày 14 tháng Chạp năm Mậu Thân (1968), thọ 88 năm, 62 hạ lạp, tháp lập tại đồi Trại Thủy, khuôn viên chùa Long Sơn - Nha Trang; nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán Nha Trang - Khánh Hòa - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa, tập 3.
- Huỳnh Thị Ngó (1885-1951), Nữ cư sĩ, gốc người Minh Hương, cha là Huỳnh Giang Hiệp, người Triều Châu, ở Châu Hưng - Bạc Liêu, mẹ là Nguyễn Thị Kiểu, người Việt Nam, ở xã Châu Thới - Bạc Liêu. Ông bà có 4 người con, cô Huỳnh Thị Ngó là chị cả, Huỳnh Như Gia (Dù Kia), Huỳnh Như Phước (Dù Hột - nổi danh là Công tử Bạc Liêu) và Huỳnh Thị Mùi là em gái út. Cô Huỳnh Thị Ngó, tức cô Hai Ngó, là tên thường gọi của cô, chồng con đều mất sớm. Năm 1915, cô đến quy y với HT Trí Thiền - chùa Phi Lai - Châu Đốc, được pháp danh là Diệu Nga (húy Hồng Nga), được bổn sư hướng dẫn cách thức tu tại gia, nhất là bố thí và làm từ thiện. Từ đó, cô Hai Ngó nghe lời thầy dạy bảo, không chỉ tụng kinh niệm Phật, mà còn luôn xuất tiền của hoặc vận động nhiều người tham gia cứu tế thiên tai hay dịch bệnh ở các nơi. Cô nhiều lần chở gạo cứu trợ cho dân nghèo bị lũ lụt ở An Giang - Châu Đốc; số gạo cứu tế có lần đến hàng chục tấn. Tháng 3 năm 1919, cô Hai Ngó phát tâm lớn, làm đơn xin phép xây dựng một ngôi chùa tại nơi chôn nhau cắt rốn của cô. Đơn được nhà nước Bảo hộ cấp phép ngày 10-3-1919. Cô tiến hành xây dựng ngôi chùa, vừa mang kiến trúc người Việt, pha trộn đường nét kiến trúc người Hoa, hòa nhập thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo, ngôi chùa mang hiệu là Giác Hoa. Chùa được xây dựng xong sau 18 tháng. Vào ngày khánh thành tháng 9-1920, cô Hai Ngó và con gái nuôi là Thái Thị Sửu, bạn đồng tu là Diệu Ngọc (húy Hồng Dung - Đồng Thị Ngọc Dung) và cháu là Tào Thị Lái cùng xuất gia xuống tóc đi tu và luôn tham gia làm từ thiện như xây trường học, mướn người về dạy chữ cho con em ở địa phương. Trong chùa có chứa quan tài giúp người nghèo khó làm ma chay tống táng. Cô còn xây thêm 2 hai ngôi chùa nữa, là chùa Châu Viên ở ấp Công Điền và chùa Châu Long ở ấp Bà Chăng - xã Châu Thới. Hằng năm, cứ đến Rằm tháng Bảy, cô đem lúa gạo ra phát chẩn cho dân nghèo các địa phương. Năm 1927, HT Trí Thiền và HT Khánh Anh được cô Hai mời đến chùa để mở khóa An cư Kiết hạ, mỗi năm có trên 100 Tăng ni đến tu học. Chùa Giác Hoa là PHV đầu tiên của chư Ni ở miền Nam với thời gian rất dài. Năm 1940, chùa Giác Hoa còn là điểm tập hợp của quân cách mạng để tiến đánh vào thị xã Bạc Liêu. Năm 1944, cô Hai Ngó tổ chức nuôi dưỡng Thanh niên Tiền phong tập luyện trong mấy tháng liền tại trường học chùa Giác Hoa. Năm 1945, hưởng ứng lời kêu gọi “Hủ gạo nuôi quân”, cô Hai Ngó đã ủng hộ cho cách mạng 2.000 giạ lúa. Năm 1946, giặc Pháp trở lại xâm chiếm, chùa Giác Hoa là nơi nương náu trú ẩn an toàn nhất cho người tỵ nạn. Cô Hai Ngó xả báo thân ngày 24 tháng 4 năm 1951. Trước khi viên tịch, cô đã chọn Sư cô Diệu Ngọc kế thừa trụ trì. Đến nay, chùa vẫn được người dân quen gọi là chùa Cô Hai Ngó - Cư sĩ Quảng Thiệt biên khảo.
- Thích Bửu Ngọc (1916-1994), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Gia Phổ đời 40, thế danh Lê Văn Nghiệp, xuất gia năm 1926 với tổ Pháp Ấn - chùa Phước Tường, pháp danh Hồng Diệp, pháp hiệu Bửu Ngọc. Năm 1934, ngài được đến tu học tại Trường Lưỡng Xuyên Phật học. Năm 1938, ngài được tuyển chọn ra học tại Tây Thiên Phật học đường - Huế. Năm 1944, ngài tiếp tục lên đường ra Bắc cùng HT Thiện Hòa tham học tại chùa Quán Sứ và chùa Cồn - Nam Định với tổ Tuệ Tạng. Năm 1945, ngài trở về miền Nam, phụ trách chủ bút tạp chí Duy Tâm. Năm 1947, ngài kế thế trụ trì tổ đình Phước Tường - Thủ Đức và làm Thư ký Hội PG Cứu quốc Sài Gòn - Gia Định. Năm 1963, ngài tham gia Ủy ban Liên phái Bảo vệ PG và bị bắt giam cùng chư tôn đức, đến sau ngày 11-11-1963, mới được thả ra. Năm 1975, đất nước thống nhất, ngài tham gia Ban Liên lạc PG Yêu nước huyện Thủ Đức. Năm 1981, ngài được cung thỉnh làm Thành viên HĐCM GHPGVN. Trong sự nghiệp độ sanh, ngài được thỉnh làm Đàn đầu truyền giới tại các giới đàn. Ngài xả báo thân ngày 25 tháng 11 năm Quý Dậu (06-01-1994), thọ 82 năm, 60 hạ lạp, bảo tháp xây tại tổ đình Phước Tường; nguyên, trú quán Thủ Đức - TP Hồ Chí Minh - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.
- Trần Chung Ngọc (1931-2014), Cư sĩ, sinh tại Hà Nội, quy y tại chùa Văn Thánh - Sài Gòn, pháp danh Phúc Lâm; định cư tại Hoa Kỳ năm 1975. Ông tốt nghiệp Tiến sĩ Vật lý tại Đại học Wisconsin - Madison, Hoa Kỳ (1972), giảng dạy tại Trường Đại học Khoa học Sài Gòn và các cơ sở giáo dục ở miền Nam trước 1975. Thời gian này, ông cùng với đồng nghiệp được Bộ Giáo dục phân công đặc trách xét văn bằng ngoại quốc tương đương với các văn bằng Việt Nam và cùng nghiên cứu cải tổ chương trình giáo dục đại học ở miền Nam. GS. TS. Trần Chung Ngọc đã viết và xuất bản 5 quyển sách chuyên khảo, 16 quyển sách viết chung và hơn 200 bài nghiên cứu mang tính học thuật về lịch sử, chính trị và tôn giáo, như: Tôn giáo và Tổ quốc (2013); Phật giáo trong thế kỷ mới (tập 1 - 1996, tập 2 - 1997); Vạch trần âm mưu phá ngầm Phật giáo (2000); Võ Văn Ái: Con nội trùng của Phật giáo Việt Nam (2005)... Ông mất ngày 29-1-2014, tại Illinois - Hoa Kỳ - Thích Vân Phong biên khảo.
- Đỗ Hồng Ngọc, Cư sĩ, bác sĩ, bút danh Đỗ Nghê. Ông sinh năm 1940, giảng dạy tại Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Trung tâm truyền thông - Giáo dục sức khỏe, Cố vấn Ban Phật học chùa Xá Lợi; tác phẩm: Nghĩ từ trái tim; Thư gửi người bận rộn; Như thị; Nhớ đến một người; Một hôm gặp lại; Cõi Phật đâu xa; Nếp sống An lạc; Thiền và sức khỏe; Thấp thoáng lời kinh... Ông nguyên quán La Gi - Bình Thuận, trú quán TP Hồ Chí Minh.
- Châu Hoàn Liễu Ngọc (1826-1900), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Gia Phổ đời 37, xuất gia năm 1842 tại chùa Long Quang - Cần Thơ được pháp danh Liễu Ngọc. Năm 1846, ngài đến chùa Giác Lâm - Chợ Lớn cầu pháp với tổ Tiên Giác - Hải Tịnh, được pháp danh Minh Ngọc, pháp tự Châu Hoàn. Năm 1849, ngài được tổ Tiên Giác - Hải Tịnh, cử về trụ trì chùa Hội Phước - Nha Mân. Năm 1868, ngài được cung thỉnh Giáo thọ A xà lê trong giới đàn chùa Phước Lâm - Mỹ Tho. Ngài có công xây dựng trùng hưng tổ đình Hội Phước - Nha Mân - Sa Đéc. Ngài xả báo thân ngày mồng 3 tháng 3 năm Canh Tý (1900), thọ 75 tuổi, 54 tuổi hạ; nguyên quán Bình Thủy - Cần Thơ, trú quán Nha Mân - Sa Đéc - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.
- Minh Ngọc, Cư sĩ, sinh năm 1964, thế danh Nguyễn Duy Ninh, nguyên tu sĩ PG, đệ tử của HT Bình Minh - chùa Hòa Bình, cựu tăng sinh Học viện PGVN khóa I, giáo viên Hán văn, thành viên Trung tâm Nghiên cứu PGVN, Phó Ban Phật học chùa Phật học Xá Lợi, Biên tập tạp chí Từ Quang, thành viên Ban Hiệu đính Tạng Linh Sơn Pháp Bảo; tác phẩm: Liên Trì Pháp Vũ (dịch từ Tịnh độ tòng thư); Luận giải Kinh Di Giáo; Hiệu đính Niết Bàn Kinh; Hiệu đính Sa Di Luật Giải; Từ điển Pháp Tướng Tông; nguyên quán Hà Nam, trú quán TP Hồ Chí Minh.
- Thích Nữ Như Ngọc, Trưởng lão Ni, chuyên tu và giảng dạy Duy Thức học, thế danh Chế Thị Gi, sinh năm Tân Tỵ (1917) tại làng Vĩnh Thạnh, Lấp Vò, Đồng Tháp. Thuở nhỏ, ngài vừa học trường làng vừa học Hán Nôm với Trưởng lão HT Thích Bửu Phước, chùa Phước Ân. Được bào tỷ (cố Trưởng lão Ni Như Hoa) dìu dắt đến Tổ đình Kim Huê đảnh lễ Sư tổ Luật sư Thích Chánh Quả cầu xin xuất gia tu học Phật pháp, và được HT bổn sư ban pháp danh Giác Ngọc. Sau đó, ngài đi học các Phật học đường Ni, Sài Gòn, vừa tu học vừa giúp Sư tỷ Thích nữ Như Hoa, phát triển tự túc kinh tế nhà chùa qua sản xuất tương chao để góp phần cải thiện đời sống Ni chúng bổn tự; giáo dục đào tạo nhân tài cho ngôi nhà PGVN, cũng như hỗ trợ cho các chiến sĩ cách mạng trong hai thời kháng Pháp, chống Mỹ cứu nước. Chùa Phước Huệ nổi tiếng sản xuất tương chao truyền thống ngon nhất miền Nam, truyền thống duy trì và phát triển hơn 70 năm. Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Ni trưởng hợp lực cùng chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo tỉnh nhà khai mở lớp Trung cấp Phật học Đồng Tháp (trường dành cho Tăng sinh học tại chùa Phước Hưng, trường dành cho Ni sinh học tại chùa Phước Huệ) và nhiều sự đóng góp khác trong BTS tỉnh. Ngài nguyên Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN, nguyên Phó Ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Đồng Tháp, đương nhiệm Cố vấn chùa Phước Huệ. Ngài nguyên, trú quán Sa Đéc, Đồng Tháp - Thích Vân Phong biên khảo.
- Thích Thanh Ngọc (1953-2016), Hòa thượng, thế danh Nguyễn Văn Vương, sơn môn tổ đình Vĩnh Nghiêm miền Nam, thuở nhỏ xuất gia theo hệ phái Khất sĩ, sau cầu pháp với HT Quang Huy - chùa Khuông Việt, pháp danh Thanh Ngọc, pháp hiệu Khai Minh Tuệ. Năm 1973, ngài thọ đại giới tại giới đàn Việt Nam Quốc Tự. Năm 1977, ngài được bổn sư giao trụ trì chùa Khuông Việt - Tân Bình. Sau khi bổn sư viên tịch, ngài xin cầu pháp với HT Trí Dũng - chùa Nam Thiên Nhất Trụ. Năm 1980, ngài sáng lập đạo tràng hành trì pháp Dược Sư kết hợp Thiền-Mật-Tịnh với tông chỉ cầu sanh thế giới Phật Dược Sư. Năm 1996, ngài làm Giám thị Trường Cao Trung Phật học TP Hồ Chí Minh. Năm 2001, HT Trí Dũng, viện chủ chùa Nam Thiên Nhất Trụ, cử ngài về làm trụ trì kế tục. Năm 2005, ngài được sơn môn cử làm Phó Ban Thường trực Sơn môn tổ đình Vĩnh Nghiêm miền Nam. Năm 2002, ngài làm Phó Ban Kinh tế Tài chính TW GHPGVN. Năm 2007, ngài được bầu vào Ủy viên HĐTS GHPGVN. Năm 2014, ngài làm Chứng minh BTS GHPGVN quận Thủ Đức và Chứng minh BTS GHPGVN quận Tân Bình. Ngài viên tịch tại chùa Khuông Việt ngày mồng 7 tháng 9 năm Bính Thân (07-10-2016), thọ 65 tuổi, 43 hạ lạp; nguyên quán Bắc phần, trú quán TP Hồ Chí Minh - trang nhà www.giacngo.vn
- Nguyễn Văn Ngọc (1890-1942), Cư sĩ, hiệu là Ôn Như, tự là Đông Trạch, còn có tên là Nguyễn Ngọc Thư, quê làng Hoạch Trạch, xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. 17 tuổi, ông tốt nghiệp Trường Thông ngôn, dạy ở Trường Bưởi, Trường Sĩ hoạn (Hậu bổ), Trường Sư phạm... Năm 1934, ông được bổ nhiệm Đốc học Hà Đông. Ông đã viết và xuất bản nhiều cuốn sách bằng Hán văn, Pháp văn và Quốc ngữ, như: Phổ thông độc bản, Luân lý giáo khoa thư, Giáo khoa văn học An Nam, Cổ học tinh hoa, Nam thi hợp tuyển, v.v... Ngoài ra, ông còn cộng tác với báo Hữu Thanh, tạp chí Nam Phong với nhiều bài viết có giá trị. Ông là sáng lập viên Hội PGBK, giữ cương vị Phó Hội trưởng thứ nhất. Từ năm 1939 đến năm 1942, Hội trưởng Nguyễn Năng Quốc bệnh duyên, phải về quê Thái Ninh, Thái Bình tĩnh dưỡng, Cư sĩ Nguyễn Văn Ngọc là người điều hành mọi công việc của Hội.
Mặc dù bận nhiều việc, ông vẫn dành thời gian tham gia hoằng dương Phật pháp, trực tiếp giảng kinh Bách Dụ tại chùa Quán Sứ. Ngày 26-4-1942 (11-3 năm Nhâm Ngọ), ông đã qua đời tại ấp Thái Hà, nay thuộc quận Đống Đa, Hà Nội, thọ 52 tuổi - Nguyễn Đại Đồng sưu khảo.
- Thích Nữ Viên Ngọc, Ni cô, Thánh tử đạo, pháp danh Diệu Ngọc, tự thiêu ngày 29-5-1966, lúc 9 giờ 45 tối tại Viện Hóa Đạo để phản đối chính quyền đàn áp Phật giáo đồ ở Huế và Đà Nẵng, không giữ cam kết với PG. Đám tang của Ni cô có khoảng 200.000 người tham dự đi từ Viện Hóa Đạo đến lò thiêu An Dưỡng Địa; chưa rõ nguyên quán trú quán - theo Biên niên sử PG Sài Gòn - Gia Định.
- Thích Chơn Ngộ (1913-2014), Hòa thượng, Trưởng lão, pháp danh Tâm Cần, tự Từ Thục, hiệu Chơn Ngộ, đời 43 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 9 pháp phái Liễu Quán. Ngài thế danh Lương Hào, sinh ngày 10 tháng 9 năm Quý Sửu (1913) tại xã Hòa Hải - huyện Hòa Vang - Đà Nẵng. Ban đầu, ngài hành điệu với HT Thích Phước Trí tại Tam Thai. Năm 1932, tổ Phước Trí viên tịch, nên ngài thọ giáo tu học với HT Thích Hưng An tại chùa Tường Quang, Đà Nẵng và được ban pháp danh Tâm Cần. Ngài là học tăng PHĐ Phổ Thiên. Sau khi HT Hưng An viên tịch, ngài cầu thọ Tỳ kheo với HT Thích Tôn Thắng tại PHV Phổ Thiên năm 1947. Năm 1961, ngài được HT Tôn Thắng cử vào trụ trì chùa Tịnh Độ, thị xã Tam Kỳ. Ngài đảm nhiệm Đặc ủy Tăng sự GHPGVNTN tỉnh Quảng Tín. Ngài nhiều lần trùng tu tổ đình Tịnh Độ. Ngài đảm nhiệm Chánh Đại diện Phật giáo Tam Kỳ, Thành viên HĐCM GHPGVN nhiệm kỳ IV. Ngài viên tịch ngày 21 tháng Giêng năm Quý Tỵ (2013), thượng thọ 101 tuổi, 67 hạ lạp. Ngài sinh quán Đà Nẵng, trú quán Quảng Nam - Thích Như Tịnh sưu khảo.
- Thích Đồng Ngộ, Đại đức, sinh năm 1977, trụ trì chùa Thiên Hưng - An Nhơn - Bình Định, Ủy viên HĐTS TW GHPGVN, Ủy viên Ban Phật giáo Quốc tế, thường tổ chức gây quỹ từ thiện và giúp đỡ nhiều người trong những cuộc thiên tai; nguyên, trú quán Bình Định.
- Sơn Nhân Giác Ngộ (1784-1842), Hòa thượng, họ Nguyễn, có sách ghi là Hứa Mật Sô, xuất gia và thọ đại giới năm 1797 với HT Đức Quảng - chùa Bảo Linh, pháp danh Tánh Thông, pháp tự Giác Ngộ. Ngài khai sơn và trụ trì chùa Long Sơn Bát Nhã - Tuy An. Năm 1802, ngài phát nguyện không dùng cơm, thường tịch cốc tu luyện trên núi hơn 40 năm, mặc y phục bằng lá cây, ăn hoa quả rừng nên người gọi là Hòa thượng Sơn Nhân. Năm 1804, ngài quyên góp tín đồ đúc một quả chuông để cảnh tỉnh lòng người. Năm 1818, ngài khai giới đàn tại chùa để thí giới. Ngài có tài chữa bệnh bằng Mật chú. Vua Minh Mạng triệu vào cung và sắc phong Hòa thượng, mời ngài ở chùa Giác Hoàng, nhưng đã quen nếp sống thanh đạm, được một tháng ngài xin trở về núi tiếp tục tu hành. Năm 1842, vua Thiệu Trị lại sắc phong ngài trụ trì chùa Diệu Đế, được ít lâu ngài lại xin trở về cố quán. Vua bèn sắc tứ cho nơi ngài tu hành là “Sắc tứ Long Sơn Bát Nhã Tự”. Ngài viên tịch ngày mồng 2 tháng 11 năm Nhâm Dần (1842), thọ 69 năm, 45 tuổi hạ, tháp lập trong khuôn viên chùa Long Sơn Bát Nhã; nguyên quán Đồng Xuân - Phú Yên, trú quán Tuy An - Phú Yên - theo Nguyễn Lang, VNPGSL, tập II.
- Thích Giác Ngộ (1924-2010), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 42, thế danh Nguyễn Hộ, thuở nhỏ là đệ tử HT Tường Quang - chùa Phước Sơn - Bình Định, pháp danh Thị Hớn. Năm 1946, ngài đảnh lễ HT Huệ Chiếu làm bổn sư, được pháp danh Nguyên Uyên, pháp tự Chí Đạt, pháp hiệu Giác Ngộ. Năm 1953, ngài làm Chánh Thư ký PG trong Mặt trận Liên Việt. Năm 1954, ngài trụ trì chùa Thiên Trúc - Tuy Phước - Bình Định. Năm 1957, ngài học tại PHĐ Báo Quốc - Huế. Năm 1964, Giáo hội bổ nhiệm ngài trụ trì chùa Pháp Lâm - Đà Nẵng. Năm 1966-1970, ngài là giáo thọ các trường Bồ Đề Long Khánh, Nguyên Thiều và là người đồng sáng lập PHV Nguyên Thiều. Năm 1972, Giáo hội phân công ngài lên Cao nguyên hoằng pháp, bổ nhiệm trụ trì chùa Tỉnh hội Bửu Thắng - Pleiku - Gia Lai. Năm 2007, ngài được suy tôn vào HĐCM GHPGVN. Ngài xả báo thân ngày 14 tháng 10 năm Canh Dần (19-11-2010), thọ 86 năm, 59 hạ lạp; nguyên quán Bình Định, trú quán Gia Lai - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 3.
- Gia Hội Tiên Ngộ (1786-1829), Hòa thượng, người họ Trần, xuất gia từ nhỏ ở chùa Cảnh Tiên - Quảng Bình; vào Thuận Hóa cầu pháp với HT Tổ Ấn Mật Hoằng - chùa Thiên Mụ, được tổ cho thọ cụ túc giới và ban pháp danh Tiên Ngộ, pháp tự Gia Hội. Năm 1825, ngài về Quảng Bình lập thảo am trên núi Thần Đinh để tu niệm. Năm 1829, bổn đạo đóng góp xây thành chùa cảnh khang trang. Ngày 13 tháng Giêng năm Minh Mạng thứ 10 (1829), ngài an nhiên thị tịch, hưởng 44 năm, tháp dựng ở sườn núi bên trái chùa. Đệ tử pháp danh Minh Đạo (tính Minh Thiện) ghi lại hành trạng của ngài vào năm 1830; nguyên, trú quán Phong Lộc - Quảng Bình - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa, tập 3.
- Thích Nữ Như Ngộ (1918-2016), Ni trưởng, thế danh Lê Thị Nên, dòng Lâm Tế Chánh Tông đời 43, xuất gia năm 16 tuổi với Sư cụ Pháp Long - chùa Hội Phước - Bến Tre, pháp danh Diệu Ngộ. Năm 1938, ngài thọ giới Tỳ kheo Ni tại giới đàn chùa Hội Sơn - Thủ Đức. Từ năm 1938-1957, ngài tu học trải qua các nơi: chùa Kim Sơn (Phú Nhuận), Thiền Đức (Sài Gòn), Linh Phong (Tiền Giang), Kim Huê (Sa Đéc), Phật Quang (Trà Ôn), chùa Bảo An (Cần Thơ), Vĩnh Bửu (Bến Tre). Ngài được thọ giáo các bậc cao Tăng đương thời: HT Hoằng Khai, HT Khánh Anh, HT Hành Trụ, HT Kim Huê, HT Thiện Hoa, Sư bà Diệu Kim... Năm 1957, Ni bộ Bắc tông được thành lập, ngài được mời vào Ban Quản trị Ni bộ Bắc tông với chức vụ Thư ký và dự khóa đào tạo trụ trì tại chùa Ấn Quang. Năm 1958, ngài được thỉnh về trụ trì chùa Thiên Phước - xã Khánh Hậu - tỉnh Long An. Năm 1964, Ni trưởng xây dựng chùa Phổ Đức- thành phố Mỹ Tho, làm nơi quy hướng cho Ni chúng và Phật tử Tiền Giang. Từ năm 1966-1974, Ni trưởng tiếp độ đệ tử xuất gia tu học và giáo hóa Phật tử tại gia tu niệm, đạo tràng Phổ Đức hưng thịnh và trở thành Phật học Ni trường của tỉnh Tiền Giang. Từ năm 1975, sau khi ủy nhiệm trụ trì chùa Phổ Đức cho Ni sư Như Hảo, Ni trưởng trở về chùa Thiên Phước tịnh tu với một số đệ tử. Do đức độ của Ni trưởng, Ni chúng lại vân tập về đạo tràng Thiên Phước càng đông. Năm 1992, chùa Thiên Phước trở thành Phân viện II của Trường Trung cấp Phật học Long An. Ni trưởng luôn được tôn kính thỉnh làm Hòa thượng truyền giới tại các giới đàn của tỉnh Long An, Tiền Giang, Bà Rịa Vũng Tàu. Ni trưởng thâu thần thị tịch vào lúc 16 giờ ngày mồng Một tháng 9 năm Bính Thân (01-10-2016), thọ 98 năm, 78 hạ lạp; nguyên, trú quán Tân An - Long An - trang nhà www.phatgiaovietnam.vn
- Thích Tắc Ngộ (1953 -2016), Hòa thượng, Thành viên HĐTS TW GHPGVN, Phó Ban, kiêm Thủ quỹ Ban Nghi lễ TW GHPGVN, Phó BTS GHPGVN, kiêm Trưởng Ban Nghi lễ PG tỉnh Long An, trụ trì tổ đình Kim Cang và tổ đình Tôn Thạnh - Long An, Ban Quản trị sơn môn Thiên Thai Giáo Quán Tông; nguyên, trú quán Long An.
- Thiền sư Viên Ngộ (?-1845), dòng Lâm Tế Chánh Tông đời 39, thế danh Nguyễn Ngọc Dót, còn có tên Nguyễn Chất, xuất gia năm 1805 với Hòa thượng Vĩnh Quang, pháp danh Tánh Tánh, pháp hiệu Viên Ngộ. Ngài có công hạnh trì Địa Bồ tát, thường chặt gai dọn lối, đắp đường cho nhân dân đi lại. Năm 1808, ngài đến làng Thanh Ba khai sáng chùa Lan Nhã, sau đổi hiệu là chùa Tôn Thạnh - xã Mỹ Lộc - huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Ngài cho đúc pho tượng Địa Tạng Bồ tát bằng đồng, thờ trong chùa. Năm 1820, trong vùng có bệnh dịch đậu mùa, ngài phát nguyện tịch cốc, tụng kinh cầu nguyện cho dân làng qua khỏi dịch nạn. Năm 1845, ngài thấy mình tu trì đã lâu (40 năm) chưa tỏ ngộ, nên phát nguyện tịch thủy 49 ngày để xả báo thân, hưởng 56 năm, 30 hạ lạp. Tăng chúng lập bảo tháp phía Tây chùa Tôn Thạnh để tưởng niệm công đức, nhân dân quen gọi là chùa Tăng Ngộ, hay chùa Ông Ngộ, để nhớ đến ngài; nguyên quán làng Thanh Ba - tổng Phước Điền Trung - huyện Phước Lộc - tỉnh Gia Định, trú quán Long An - theo Biên niên sử PG Sài Gòn - Gia Định.
- Lê Thị Ngỡi (1855-1933), Nữ cư sĩ, pháp danh Như Nghĩa, Nữ Hộ pháp, Đại thí chủ của PG Nam kỳ. Nhân duyên Bồ đề quyến thuộc Phật pháp nhiều đời, bái kiến thiền sư Như Tín - Khánh Thông, bà liền phát tâm quy y Tam bảo. Ngài Khánh Thông hướng dẫn bà đảnh lễ tổ Minh Lương Chánh Tâm truyền Tam quy Ngũ giới cho bà. Từ đây, bà tôn thiền sư Khánh Thông làm sư phụ. Khi trở thành Phật tử, bà phát tâm góp phần trong công cuộc Chấn hưng PGVN, cúng dường trùng tu, phục dựng 262 ngôi Tự viện Phật giáo, cúng dường 9.000 héc-ta (mẫu) ruộng cho các cơ sở Tự viện PG, tài trợ toàn bộ chi phí cho 10 khóa trường Hương (An cư Kiết hạ), tài trợ toàn bộ kinh phí cho 10 Đại giới đàn. Khi phát hiện Tăng sĩ nào còn nợ trần vấn vương phải hoàn tục làm Cư sĩ, bà phát tâm cấp ruộng đất canh tác và vốn liếng làm ăn, để tiếp tục hộ trì Tam bảo trong bổn phận của người Cư sĩ tại gia. Công đức tạc tượng gỗ và họa giấy, bà phát tâm cúng 20 bộ Tam thánh Tây Phương (tranh họa), 40 bộ Thập bát La Hán (tượng gỗ). Bà cúng dường 10.000 đồng cho thiền sư Liễu Quang, chùa Hải Tràng - tỉnh Quý Châu - Trung Quốc thỉnh Đại Tạng Kinh. Bà gửi tiền cho ngài Liễu Quang khi về VN thỉnh giùm 500 bộ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, 2.000 quyển Tuyển Tăng đồ, 3.000 quyển Phật Tổ Tâm Đăng, 100 bộ Đại Phương Tiện Phật Báo Ân kinh, 100 bộ Kinh Lăng Nghiêm... công đức Pháp thí. Năm 1931, tổ Như Trí Khánh Hòa vận động kinh phí để thỉnh Tam tạng kinh, cất Pháp Bảo phường, bà phát tâm hỷ cúng 2.000 đồng. Để pháp bảo lưu hành nhân gian, tỏa sáng ánh quang minh Phật pháp, bà phát tâm ấn tống 3.000 quyển kinh Diệu Pháp Liên Hoa, 6.900 quyển kinh Địa Tạng. Nhằm tạo điều kiện cho tư tưởng Đại thừa Phật giáo lan tỏa nhân gian, bà phát tâm công đức cho chư vị Tăng sĩ thọ trì các Kinh, Chú, 2.000 phẩm (1 phẩm 49 hoặc 52 biến - lần) kinh Kim Cang Bát Nhã, 60.000 phẩm Kinh A Di Đà, 12.000 phẩm Kinh Dược Sư, 10.000 phẩm Chú Đại Bi Tâm Đà la ni... Trong khóa kiết hạ an cư tại chùa Long Khánh - Quy Nhơn, quy tụ chư tăng khắp nơi về an cư, trong đó có Thiền sư Như Trí Khánh Hòa và nhiều chư tăng ở miền Nam tham dự, nữ đại thí chủ Lê Thị Ngỡi phát tâm cúng dường toàn bộ kinh phí. Công viên quả mãn, bà vãng sanh ngày 30 tháng 5 năm Quý Dậu (22-6-1933), tang lễ có hơn 3.000 tăng ni và chức sắc tôn giáo bạn đến dự. Bà nguyên, trú quán tỉnh Bến Tre - Thích Vân Phong biên khảo.
- Thích Nguyên Ngôn (1938-2005), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 42, thế danh Phan Thanh Bình, sau đổi thành Phan Chín, xuất gia năm 1952 với HT Như Nguyện tại tổ đình Nhạn Sơn - An Nhơn - Bình Định, pháp danh Thị Lộc, pháp tự Thành Văn, pháp hiệu Nguyên Ngôn. Năm 1957, ngài vào Nam tu học tại PHĐ Nam Việt - chùa Ấn Quang. Năm 1960, ngài theo học tại PHV Phước Hòa - Trà Vinh. Năm 1962, ngài thọ đại giới tại giới đàn chùa Ấn Quang, do HT Thiện Hòa làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1966-1969, ngài học cử nhân Phật học và Hán Nôm tại Viện Đại học Vạn Hạnh; đồng thời, làm giáo thọ sư các trường Phật học. Năm 1974, ngài được bổ nhiệm Tổng Thư ký Tổng Vụ Hoằng pháp GHPGVNTN. Năm 1978, ngài làm Chánh Đại diện PG Quận 10- TP Hồ Chí Minh. Từ năm 1980-1984, ngài là Giáo thọ sư cho PHV Sơ đẳng Giác Ngộ và Trung đẳng Ấn Quang. Năm 1989, khi Trường Trung cấp Phật học TP Hồ Chí Minh ra đời, ngài tiếp tục tham gia giảng dạy. Năm 1996, ngài được bổ nhiệm trụ trì chùa Khánh Vân - Quận 11. Ngài biên soạn và dịch thuật nhiều tác phẩm: Kinh Thủ Lăng Nghiêm; Kinh Viên Giác; Bát nhã Tâm kinh; Kinh Pháp Bảo Đàn; Kinh Bát Đại Nhân Giác; Đại thừa Khởi tín luận; Phát Bồ đề tâm luận; Duy Thức học cương yếu; Bát thức Quy củ; Bách Pháp Minh Môn Luận; Sáu Pháp Hòa Kính; Tam Vô Lậu Học... Ngài xả báo thân ngày 12 tháng 4 năm Ất Dậu (19-5-2005), thọ 68 năm, 43 hạ lạp; nguyên quán Bình Đình, trú quán TP Hồ Chí Minh - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 3.
- Thích Thiện Ngôn (1891-1953), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Gia Phổ đời 40, thế danh Lê Thành Chơn, xuất gia với HT Thiện Trí - chùa Long Thành - Trà Cú, pháp danh Cao Chơn, pháp hiệu Thiện Ngôn. Năm 1927, ngài trụ trì chùa Vinh Sơn - Trà Cú. Năm 1950, ngài khai sơn chùa Phổ Minh - thị xã Trà Vinh. Trong cuộc đời hành đạo, ngài thế độ rất nhiều đệ tử mang chữ Nhật theo dòng kệ Gia Phổ, có trách nhiệm kế thừa tổ nghiệp tại Trà Vinh. Ngài viên tịch ngày 21 tháng 11 năm Quý Tỵ (1953), thọ 63 năm; nguyên, trú quán Trà Vinh - Thích Như Đạo sưu khảo.
- Thích Thiện Ngôn (1894-1970), Hòa thượng, thế danh Hồ Văn Ngữ, xuất gia năm 1930 với HT Chí Thiền - chùa Phi Lai. Năm 1940, cầu pháp với HT chùa Thanh Sơn ở núi Cô Tô, nhận trụ trì chùa Đức Quang - Núi Cấm. Năm 1945, ngài trụ trì chùa Thanh Quang - Vàm Cống. Một thời gian sau, ngài đến trụ trì chùa Long Phú - Lấp Vò. Ngài có công hạnh chỉ ăn 1 bữa đúng Ngọ và chuyên trì kinh Pháp Hoa, được đồ chúng quy ngưỡng xuất gia rất đông. Năm 1956, ngài làm Chứng minh đạo sư Chi hội Phật học Nam Việt tỉnh Long Xuyên. Năm 1960, ngài giữ chức Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già tỉnh Long Xuyên. Năm 1964, sau khi GHPGVNTN thành lập, ngài làm Cố vấn Chứng minh Ban Đại diện Tỉnh hội PG Long Xuyên. Cuối đời, ngài còn được thỉnh trụ trì chùa Phước Hậu ở An Giang. Ngài viên tịch vào ngày 25 tháng Chạp năm Kỷ Dậu (01-02-1970), thọ 76 năm, 40 tuổi đạo; nguyên quán Quảng Ngãi, trú quán Long Xuyên - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.
Tin tức khác
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 26 – THÁNG 10 NĂM 2018 (PL. 2562)
Bình luận bài viết