Thông tin

NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN Ngu

Ngu

 

- Thích Chánh Nguyên (1935-1999), Hòa thượng, thế danh Hồ Văn Hồng, xuất gia với HT Trừng Phổ - Quảng Tu, chùa Thiên Hưng - Huế. Ngài chuyên môn về pháp sự khoa nghi để độ sanh và pháp môn Tịnh độ để tu trì. Năm 1985, bổn sư viên tịch, ngài kế thế trụ trì chùa Thiên Hưng. Năm 1991, được cung thỉnh làm Cố vấn tổ đình Từ Hiếu và Quốc Ân; nguyên, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa. 

- Thích Nữ Chơn Nguyên (1928-2004), xuất gia với Sư bà Hướng Đạo - chùa Diệu Viên, pháp danh Tâm Yến, pháp tự Chơn Nguyên, thế danh Hoàng Thị Oanh. Năm 1952, Ni trưởng theo học Sơ Trung cấp Phật học tại Ni viện Diệu Đức. Năm 1973, Ni trưởng trụ trì chùa Phổ Quang - Huế. Năm 1992, Ni trưởng kiêm thêm  trụ trì chùa Sư nữ Diệu Viên. Năm 1994, Ni trưởng trùng tu chùa Phổ Quang. Năm 1997, Ni trưởng vận động Việt kiều tài trợ xây dựng ngôi trường mẫu giáo 3 lớp học giúp con em Phật tử chung quanh chùa Diệu Viên; nguyên, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Thích Bích Nguyên (1898-1987), Hòa thượng, thế danh Nguyễn Tùng, xuất gia với HT Phước Huệ - chùa Hải Đức - Huế, pháp danh Chơn Thanh, pháp tự Chánh Mậu, pháp hiệu Bích Nguyên. Năm 1936, ngài thọ Cụ túc giới tại giới đàn chùa Bích Liên - Bình Định và học các PHV: Hải Đức - Nha Trang; Báo Quốc - Huế và Ấn Quang - Sài Gòn. Năm 1941, ngài vào trú xứ tổ đình Linh Quang - Đà Lạt. Năm 1945, ngài khai sơn chùa Linh Phong - Trại Hầm, Đà Lạt. Năm 1947, ngài cúng lại chùa này cho Ni trưởng Từ Hương làm trung tâm đào tạo Ni giới Lâm Đồng. Năm 1966, ngài về trụ trì chùa Viên Giác - Cầu Đất, Đà Lạt. Năm 1982, ngài được Giáo hội thỉnh làm Chứng minh và Cố vấn BTS Tỉnh hội PG Lâm Đồng. Ngài xả báo thân ngày 11 tháng 4 năm Đinh Mão (08-5-1987), thọ 88 năm, 51 năm hành đạo; nguyên quán Quảng Trị, trú quán Cầu Đất, Lâm Đồng - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 3.

- Đào Nguyên, Cư sĩ, sinh năm 1944, tên thật là Đào Văn A, nguyên là tu sĩ, pháp danh Nguyên Huệ, sau ông lấy bút danh Đào Nguyên, là ghép từ Đào Văn A và Nguyên Huệ, thành viên Trung tâm Nghiên cứu PGVN; nguyên quán Bình Định, trú quán TP Hồ Chí Minh.

- Trương Đình Nguyên, Cư sĩ, sinh năm 1930, nguyên Giáo sư Trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội; Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, phụ trách bộ môn Hán học. Tác phẩm liên quan đến Phật giáo: Kinh Diệu Pháp Liên Hoa huyền tán (Biên soạn); Từ điển Phật học Hán Việt (trong nhóm biên soạn và hiệu duyệt); nguyên quán làng Đặng Xá, xã Văn Xá, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, trú quán tại Hà Nội. Giáo sư Trương Đình Nguyên, sinh ra trong gia đình có truyền thống sùng đạo Phật, gần đình chùa Tế Xuyên tỉnh Hà Nam (thôn Tế Xuyên, xã Đức Lý, huyện Lý Nhân). GS sớm được gần gũi với chư tôn thạc đức, vì vậy mà khi còn giảng dạy môn Ngôn ngữ văn học cổ đại Trung Quốc tại Trường Đại học Ngoại ngữ, thầy đã tự nghiên cứu môn Hán Nôm nhằm nâng cao trình độ về kho tàng Hán Nôm của ông cha để lại quá đồ sộ mà chưa có người khai thác. Với lòng đam mê và miệt mài nghiên cứu Hán Nôm, Giáo sư đã có nhiều công trình biên soạn, khảo cứu, dịch thuật. Nói đến giáo sư, tăng ni khắp nơi điều kính trọng như một bậc thầy, một Phật tử mẫu mực, có những hoài bão lớn đối với việc đào tạo tăng tài ở miền Bắc nước ta.

- Thích Giác Nguyên (1877-1980), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 42, thế danh Đặng Văn Ngộ, xuất gia năm 1891 với tổ Tâm Tịnh - chùa Từ Hiếu, pháp danh Trừng Văn, pháp tự Chế Ngộ, pháp hiệu Giác Nguyên, Năm 1925, ngài làm trụ trì chùa Tây Thiên - Huế. Năm 1930, ngài đồng sáng lập Trường Cao đẳng Phật học, chùa Tây Thiên - Huế. Năm 1967, ngài sáng lập Tịnh nghiệp đạo tràng chùa Tây Thiên, chuyên tu tịnh độ. Ngài góp phần đào tạo thế hệ kế thừa nhiều bậc danh tăng lỗi lạc. Ngài xả báo thân ngày mồng Một tháng Giêng năm Canh Thân (16-01-1980), thọ 103 năm, 70 hạ lạp; nguyên quán Bình Định, trú quán Thừa Thiên Huế - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.

- Thích Giác Nguyên, họ Phan, húy Tục Nghiêm, tự Vĩnh Nguyện, thuộc thiền phái Lâm Tế đời thứ 44 (theo dòng kệ Đột Không-Trí Bản), 16 tuổi xuất gia làm đệ tử chùa Huyền Long - Bình Tuy, cầu y chỉ sư là HT Thích Vĩnh Thọ, trú trì chùa tổ Sắc tứ Linh Sơn Trường Thọ - núi Tà Cú - Bình Thuận, tu học tại PHV Quảng Đức tại Việt Nam Quốc Tự. Năm 1969, ngài thọ Tam đàn Cụ túc tại Việt Nam Quốc Tự. Giới đàn này Hòa thượng Đàn đầu là Trưởng lão Thích Hồng Sáng; Yết ma: HT Thích Thiện Tường; Tôn chứng: HT Thích Đạt Từ, Thích Bửu Tuyền... Năm 1970, ngài xin theo cùng HT Thích Thiện Tường từ Việt Nam Quốc Tự trở về chùa Giác Nguyên, quận 4, Sài Gòn. Năm 1977, ngài vâng lời dạy của Đại lão HT Thích Hành Trụ biên soạn lịch sử hai chùa: Tăng Già tức Chùa Kim Liên Sư nữ và tổ đình Giác Nguyên, cùng tiểu sử bốn vị Hòa thượng khai sáng là Hành Trụ, Thới An, Khánh Phước và Thiện Tường. Cuối năm 1999, ngài cầu pháp với Thiền sư Sùng Sơn, thuộc thiền phái Tào Khê, PG Hàn Quốc. Đầu Thu 2002, thiền sư Đại Quang (Dae Kwang), một cao đồ của tổ sư Sùng Sơn trực tiếp bảo lãnh ngài sang Hoa Kỳ, lập nguyện làm hành giả tu thiền tại bang California - Hoa Kỳ. Những tác phẩm đã biên soạn và chuyển ngữ của ngài, gồm: Tiếng Thơ (1965); Thơ Quê Hương (1975); Hương Tâm Ảnh và những bài thơ xướng họa (1982); Nghi Thức Lễ Tang Cư sĩ (1985); Nghi Thức Lễ Tang Xuất gia (1986); Các bản văn tác bạch cúng dường trai Tăng (1986); Tưởng nhớ Mẹ Hiền (hồi ký, 1986); Kinh Tụng Hằng Ngày (1987); Nghi Cúng Gia Tiên (1987); Sớ Điệp Tiếng Việt (1990); Địa Tạng Vấn Đáp - Cư sĩ Lý Viên Tịnh trước thuật Hoa văn, Ấn Quang Đại sư Giám định (dịch, 1998); Khóa Lễ Hằng Thuận (1998); Phương Thức Thực Hành Hạnh Bồ Tát (dịch chung với Trần Ngọc Giao, 1999); Tam Minh Trực Chỉ Thiền (hiệu đính cho Sư đệ T. Chánh Kiến, 1999); Thế Giới Nhất Hoa - Thiền sư Sùng Sơn (dịch, 2000);  Rơi Tro Trên Thân Phật - Thiền sư Sùng Sơn (dịch 2001); Thiền Là Gì? (soạn dịch và lời bình 2001); Đất Phật Hồn Xưa (Ký sự Ấn Độ, 2002); Kinh Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật (dịch, 2003); Tự truyện Thích Giác Nguyên (2004); Xương Hư Không - Thiền sư Sùng Sơn (dịch, 2010); Chỉ Không Biết - Thiền sư Sùng Sơn (dịch, 2011); Mười Cổng - Thiền sư Sùng Sơn (dịch, 2012); Thiền Tông Chỉ Nam - Thiền sư Sùng Sơn (dịch, 2013); Muốn Tỏ Ngộ Là Một Sai Lầm Lớn - Thiền sư Sùng Sơn (dịch, 2014); Tiểu sử Tổ sư Thông Ân khai sơn Sắc tứ Linh Sơn Trường Thọ Tự, núi Tà Cú - Bình Thuận (Biên soạn, 2014)...; nguyên quán Phan Thiết - Bình Thuận, trú quán Hoa Kỳ - Thích Vân Phong biên khảo.

- Lê Mộng Nguyên, Cư sĩ, giáo sư, tiến sĩ, nhạc sĩ, sinh năm 1930, ông viết nhạc và làm thơ và viết văn từ những năm 1945-1948, cộng tác với các báo: Phật giáo Văn Tập, Quốc Gia, Việt Nam Tân Báo, Đường Mới... Năm 1950, sau khi tốt nghiệp Tú tài toàn phần, ông sang Pháp du học về Luật khoa và Khoa học Kinh tế. Năm 1962, ông đậu Tiến sĩ Luật và hành nghề luật sư tại Paris. Năm 1985, ông làm giáo sư giảng dạy Đại học Paris 8 đến khi hưu trí năm 1997. Trong sự nghiệp sáng tác, ông dành nhiều không gian cho nhạc PG và quê hương. Bản nhạc PG đầu tiên là ca khúc Mừng Khánh Đản do HT Minh Châu nhờ ông sáng tác năm 1948. Năm 1990, một tuyển tập nhạc PG với 25 ca khúc của ông được GHPGVN xuất bản, trong đó có những ca khúc nổi tiếng như Gia đình thân ái; Về dưới Phật đài; Hồi hướng... Ông nguyên quán Phú Xuân Huế, trú quán Pháp Quốc - trang nhà www.vi.wikipedia.org

- Thanh Nguyên, Cư sĩ, sinh năm 1954, thế danh Nguyễn Văn Du, nguyên là tu sĩ, pháp danh Nhật Ấn, pháp tự Thích Thanh Nguyên, đệ tử của HT Huyền Không chùa Quốc Ân, cựu học tăng PHV Báo Quốc và Tri sự chùa Quốc Ân. Năm 1980, ông vào TP Hồ Chí Minh học tại chùa Quảng Hương Già Lam và là thành viên Ban Phật giáo Việt Nam thuộc Viện Nghiên Cứu Phật học Việt Nam. Khi về làm Cư sĩ, ông là NNC Hán Nôm trong Trung tâm Hán Nôm thuộc Viện KHXH tại TP Hồ Chí Minh. Sau đó, ông thành lập nhà sách PG hiệu là Văn Thành, chuyên biên tập và xuất bản các sách PG. Ông cũng tham gia vào thành viên Ban Văn hóa TW GHPGVN; nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán TP Hồ Chí Minh.

- Thích Tôn Nguyên (?-1946), Hòa thượng, pháp danh Như Thông, pháp tự Giải Minh, pháp hiệu Tôn Nguyên, đời 41 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 8 pháp phái Chúc Thánh. Ngài thế danh Lê Viết Thạt, sinh quán tại làng Thanh Chiêm, xã Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam. Ngài xuất gia đắc pháp với HT Phước Trí tại chùa Linh Ứng. Ngài trụ trì chùa Linh Ứng vào năm 1934 và trong năm này làm Tôn chứng giới đàn Thạch Sơn, Quảng Ngãi. Ngài có những huyền thuật dị kỳ khiến thời nhơn nể trọng và gọi ngài là Ông Sự Tích. Sau khi Việt Minh cướp chính quyền thì ngài bị bắt và mất tích vào đầu năm 1946. Không rõ hài cốt ở đâu, môn đồ lập tháp thờ vọng tại chùa Linh Ứng. Đệ tử nối pháp có ngài Thị Năng Hương Sơn. Ngài nguyên quán Quảng Nam, trú quán Đà Nẵng - Thích Như Tịnh sưu khảo.

- Thích Mật Nguyện (1911-1972), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 43, đệ tử HT Giác Tiên - chùa Trúc Lâm - Huế, pháp danh Tâm Như, pháp hiệu Mật Nguyện. Năm 1932, ngài  là giảng sư Hội An Nam Phật học. Năm 1946, ngài khai sơn chùa Bảo Tràng Huệ Giác - Bình Định và trụ trì chùa Linh Quang- Huế. Năm 1951, ngài đảm trách chức vụ Chánh Trị sự Sơn môn Tăng già Thừa Thiên và giảng sư PHĐ Báo Quốc. Năm 1954, ngài làm Trị sự trưởng Sơn môn Tăng già Trung Việt. Năm 1957, ngài khai sơn chùa Từ Hàng Quan Âm - Nam Hòa - Thừa Thiên. Năm 1964, ngài được mời làm giảng sư Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn, khi trường mới thành lập. Năm 1968, ngài là Chánh Đại diện miền Vạn Hạnh, kiêm Chánh Đại diện GHPGVNTN tỉnh Thừa Thiên Huế; tác phẩm dịch: Kinh Giải Thâm Mật; Kinh Vô Lượng Thọ; Tân Duy Thức Luận (của Thái Hư)...; nguyên, trú quán Thừa Thiên Huế - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 1.

- Thích Nhơn Nguyện (?-1927), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 42, thế danh Huỳnh Phát, còn gọi là Tổ Rau. Ngài xuất gia với tổ Thanh Chánh Phước Tường - chùa Kim Long - Phú Hòa - Khánh Hòa, được pháp danh Trừng Hoằng, pháp tự Thiện Hóa, pháp hiệu Nhơn Nguyện. Năm 1906, ngài được thỉnh trụ trì chùa Linh Quang - núi Đại An, cạnh miếu thờ Thiên Y thánh mẫu. Năm 1915, ngài được triều đình cấp bổng lộc theo ngạch Quan Tăng làm “Tự Trưởng”. Năm 1916, ngài trùng tu chùa Linh Quang bằng vật liệu ngói, đá bền chắc. Năm 1920, ngài được sự đề bạt của Đoan Huy Hoàng Thái hậu - đức Từ Cung, Bộ Lễ đã ban “Hòa thượng Thích Nhơn Nguyện, trụ trì Quan Tự”. Cùng trong năm này, ngài lên xứ cao nguyên “Hoàng Triều Cương Thổ” chứng minh lễ khai sơn chùa Linh Quang - Đà Lạt của ngài Tâm Trung - Từ Lý - Minh Đạo, tức HT Nhơn Thứ, người khai sơn PG cao nguyên. Ngài cảm nhận việc tu hành còn chưa đủ, nên phát nguyện tuyệt cốc, không ăn cơm, chỉ ăn rau dưa, vì thế dân gian gọi là Tổ Rau. Năm 1924, ngài chứng minh lễ đúc đại hồng chung cúng dường cho chùa Linh Quang. Sau đó, ngài phát nguyệt tuyệt cốc lần thứ hai với đại nguyện xả thân cầu đạo. Năm 1927, ngài đã tự thiêu thân trong lúc xả thất để cúng dường Tam bảo vào ngày 12 tháng 7 năm Đinh Mão (1927); nguyên, trú quán Ninh Hòa - Khánh Hòa - TK Thích Trí Bửu sưu khảo.

- Thích Tâm Nguyện (1917-1990), Hòa thượng, thế danh Phạm Văn Quý, năm 1934 xuất gia với HT Doãn Hài - chùa Bảo Khám Tế Xuyên, được pháp danh Tâm Nguyện. Năm 1943, ngài làm Đương gia chùa Cao Đà. Năm 1946-1950, ngài học PHĐ chùa Quán Sứ. Năm 1954, ngài theo tổ Tuệ Tạng về Nam Định và trụ trì chùa Vọng Cung, trông nom chốn tổ Tế Xuyên và thủ tọa chùa Bồ Đề - Gia Lâm. Năm 1983, ngài xây dựng lại chùa Vọng Cung bị trúng bom trong chiến tranh đổ nát. Năm 1984, ngài là ủy viên MTTQ và đại biểu HĐND TP Nam Định. Ngài viên tịch ngày 13-8-1990, thọ 74 tuổi, 51 hạ lạp; nguyên quán Hà Nam, trú quán Nam Định - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 1.

- Thích Thiện Nguyện (1946-2016), Hòa thượng, pháp danh Đồng Nguyện, pháp tự Thiện Nguyện, pháp hiệu Bảo Tịnh, đời 43 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 10 pháp phái Chúc Thánh. Hòa thượng thế danh Hồ Tân, sinh năm Bính Tuất (1946) tại làng Hòa Bình, thôn Hóa Khuê Đông, xã Hòa Quý, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Năm 1964, ngài xuất gia với Hòa thượng Thích Trí Hữu tại chùa Linh Ứng, Tăng sinh PHĐ Huỳnh Kim, thọ Tỳ kheo năm 1974 tại chùa Bồ Đề - An Giang, do HT Thích Thiện Hòa làm Đàn đầu. Thời gian này, ngài khai sơn chùa Bảo Tịnh tại Bình Thạnh - Gia Định. Năm 1975, ngài kế thừa trụ trì tổ đình Linh Ứng, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Ngài từng đảm nhiệm Chánh Đại diện Phật giáo quận Ngũ Hành Sơn, Trưởng Ban Hướng dẫn GĐPT Đà Nẵng, Phó Ban Trị sự TP Đà Nẵng và năm 2014, đảm nhận Trưởng Ban Trị sự TP. Đà Nẵng, UV HĐTS TW GHPGVN. Ngài nhiều lần trùng tu tổ đình Linh Ứng, khai sơn chùa Linh Ứng Bà Nà (1999), Linh Ứng Bãi Bụt (2004) và khánh thành vào năm 2010. Hòa thượng viên tịch vào ngày 19 tháng 8 năm Bính Thân (2016), hưởng thọ 71 tuổi, 42 hạ lạp. Ngài nguyên, trú quán Đà Nẵng - Thích Như Tịnh sưu khảo.

- Thích Nữ Bảo Nguyệt (1943-2011), Ni trưởng, xuất gia với Sư bà Diệu Không - chùa Hồng Ân, pháp danh Tâm Nhường, pháp tự Bảo Nguyệt, thế danh Thái Thị Lê. Năm 1962, ngài học Y tá tại bệnh xá chùa Từ Đàm, khi tốt nghiệp phục vụ tại bệnh xá chùa Hồng Ân. Năm 1968, sau khi thọ đại giới, Ni trưởng được cử làm Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Lâm Tỳ Ni - chùa Diệu Đế. Năm 1970, ngài theo học Trung đẳng Phật học tại Ni viện Diệu Đức. Năm 1972, ngài vào Nam, trụ trì chùa Diệu Giác - quận 9 - TPHCM và đảm nhận Giám đốc Cô nhi viện tại đây. Năm 1989, Ni trưởng xin phép thành lập Trường Nuôi dạy trẻ mồ côi Diệu Giác và làm Phó Chủ nhiệm cơ sở này. Năm 1997, Ni trưởng là Ủy viên Ban Đại diện PG quận 2. Năm 1980, Ni trưởng thành lập GĐPT Đức Tâm và khai mở Đạo tràng Phật tử tu học chùa Diệu Giác; nguyên quán Quảng Trị, trú quán TP Hồ Chí Minh - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Thích Kiến Nguyệt, Đại đức, thế danh Đường Minh Phương, sinh năm Tân Tỵ 1941, Cử nhân Giáo khoa Văn chương, giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Long, một trong những đệ tử ưu tú của thiền sư Thích Thanh Từ, có công trong việc thi công xây dựng xây dựng thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, phục dựng và trụ trì thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên - Vĩnh Phúc, phục dựng và trụ trì thiền viện Trúc Lâm Tây Trúc - Thái Nguyên, kiến tạo các ngôi thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng - Thanh Hóa, thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng - Bắc Giang; kiến tạo công trình thế kỷ Đại tượng Phật “Quốc thái Dân an” Phật đài cao 49 mét, tượng đá tôn trí trong khuôn viên thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên - Vĩnh Phúc; tác phẩm đã xuất bản: Tu nói Tôi nghe; Vượt thoát Khổ đau; Tóm tắt cuộc đời Đức Phật (phổ biến nội bộ); Lịch sử Phật giáo Tây Thiên; nguyên quán Hà Tiên - Kiên Giang, trú quán tỉnh Vĩnh Phúc - Thích Vân Phong biên khảo.

- Thích Minh Nguyệt (1907-1985), Hòa thượng, thế danh Lý Duy Kim, bí danh Tam Không, nối pháp dòng Thiên Thai Thiền Giáo Tông đời 44. Năm 1919, ngài xuất gia với tổ Huệ Đăng - chùa Thiên Thai Bà Rịa. Năm 1945, ngài là Hội trưởng Hội PG Cứu quốc Nam bộ, đồng thời là Hội trưởng Hội PGCQ tỉnh Mỹ Tho, Hội trưởng Hội PGCQ khu Sài Gòn - Gia Định. Năm 1947, ngài xuất bản nguyệt san Tinh Tấn. Năm 1956, ngài xuất bản tập san Tổ Quốc. Năm 1960, cơ sở cách mạng bị lộ, ngài bị bắt và bị đày ra Côn Đảo với mức án 20 năm tù khổ sai. Năm 1974, ngài được trao trả sau Hiệp định Paris ký kết. Năm 1975, đất nước thống nhất, ngài là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh và Chủ tịch Ban Liên lạc PG Yêu nước TP Hồ Chí Minh. Ngài còn là Chủ nhiệm tuần báo Giác Ngộ - tiếng nói của PG thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1980, ngài là Phó Ban Vận động Thống nhất PGVN. Năm 1981, GHPGVN được thành lập, ngài được thỉnh vào ngôi vị  Phó Pháp chủ Thường trực HĐ Chứng minh TW GHPGVN. Tự biết sức khỏe và quỹ thời gian rất ngắn, ngài hướng dẫn 5 vị đệ tử (Định Chánh, Định Huệ, Định Chơn, Định Nhơn, Định Nghĩa...) tân xuất gia cầu y chỉ và thọ giới Sa di với HT Thích Vĩnh Đạt, chùa Phước Hưng - Sa Đéc. Sau đại hội, ngài về trụ xứ tại chùa Long Hoa - quận 10 và viên tịch vào ngày 28 tháng Chạp năm Giáp Tý (18-01-1985), thọ 77 tuổi đời và 57 tuổi hành đạo. Ngài nguyên quán Bình Dương, trú quán TP Hồ Chí Minh -xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 1.

- Chơn Thành Pháp Ngữ (?-?), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chúc thánh đời 40, đệ tử tổ Ấn Chánh Huệ Minh - chùa Từ Quang, là pháp đệ của ngài Pháp Hỷ và Pháp Ngãi. Khi bổn sư viên tịch, ngài kế thế trụ trì chốn tổ Sắc tứ Từ Quang - Tuy An. Ngài đã thay đổi cách sinh hoạt nông thiền bằng pháp môn phương tiện ứng phú đạo tràng để cảm hóa quần chúng. Năm 1929, hỏa hoạn đã thiêu rụi ngôi chùa, chư sơn quyết định tổ chức quyên góp rộng rãi để có kinh phí xây dựng lại và cung thỉnh HT Thiền Phương - trụ trì tổ đình Phước Sơn làm phó trụ trì để cùng xây dựng tái thiết tổ đình Từ Quang. Khi xây dựng xong, chánh điện và hậu tổ, thì ngài viên tịch vào ngày 21 tháng 10 Âm lịch; không rõ năm sinh năm mất; nguyên, trú quán Phú Yên - Thích Thanh Minh sưu khảo.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 183
    • Số lượt truy cập : 6946909