Thông tin

NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN Nha

Nha

 

- Thích Thanh Nhã, Hòa thượng, sinh năm 1950, thế danh Đỗ Văn Mâu, Ủy viên Thường trực TW GHPGVN, Phó Ban Thường trực Ban Nghi lễ TW GHPGVN, Phó Trưởng BTS GHPGVN TP Hà Nội, Hiệu trưởng Trường TCPH Hà Nội, trụ trì chùa Trấn Quốc - Hà Nội; tác phẩm: Hòa thượng Kim Cương Tử; Chùa Trấn Quốc; nguyên quán Quỳnh Phụ - Thái Bình, trú quán Hà Nội - Nguyễn Đại Đồng sưu khảo.

- Phật Ý - Linh Nhạc (1725-1821), Thiền sư, họ Nguyễn, là người đem dòng thiền Lâm Tế Chánh Tông theo chân lưu dân từ Đồng Nai xuống phía Nam. Năm 1743, ngài xuất gia với tổ Thành Đẳng Nguyệt Ấn (còn gọi là Minh Lượng) - chùa Đại Giác - Cù Lao Phố, được ban pháp danh Phật Ý, pháp hiệu Linh Nhạc, nối pháp dòng Lâm Tế đời 35. Năm 1755, ngài đến đất Gia Định lập một thảo am thờ Phật, sau đó xây dựng thành ngôi chùa đặt hiệu là Từ Ân, ở vùng đất nay thuộc công viên Tao Đàn và chợ Đũi - quận 3 - TPHCM. Khi quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định, chùa bị đốt phá, sau này cất mới dời về Phú Lâm, được sắc tứ gọi là Sắc tứ Từ Ân Tự. Năm 1758, ngài cùng chư huynh đệ xây dựng chùa Khải Tường - thôn Hoạt Lột, huyện Tân Bình - Gia Định. Năm 1769, bổn sư viên tịch, ngài trở về kế thế trụ trì chùa Đại Giác. Năm 1772, chùa Giác Lâm được Cư sĩ Lý Thoại Long xây dựng chưa có người trụ trì, Phật tử  đến chùa Từ Ân cung thỉnh ngài cử người về trụ trì. Ngài nhận lời và cử ngài Tổ Tông Viên Quang về đây trụ trì. Năm 1774, ngài cử ngài Tổ Ấn Mật Hoằng trụ trì chùa Đại Giác. Năm Tân Tỵ 1821, ngài viên tịch tại chùa Từ Ân, thọ 97 năm, 79 tuổi đạo, tháp lập tại khuôn viên chùa Từ Ân; nguyên quán Thuận Hóa, trú quán Gia Định - theo Biên niên sử PG Sài Gòn - Gia Định.

- Thích Pháp Nhạc (?), Hòa thượng, dòng Tế Thượng Thiên Thai Thiền Giáo Tông, đệ tử tổ Huệ Đăng - Bà Rịa, trụ trì chùa Long An - Chợ Lớn, tham gia PG Cứu quốc tỉnh Gia Định. Năm 1952, Hội PG Cứu quốc chuyển qua hoạt động công khai, đổi tên thành Giáo hội PG Lục Hòa Tăng Việt Nam, HT được bầu làm Phó Tăng trưởng Giáo hội PG Lục Hòa tăng Việt Nam; chưa rõ thân thế, nguyên, trú quán Chợ Lớn - theo Biên niên sử PG Sài Gòn - Gia Định.

- Thích Phước Nhàn (1886 -1962), Hòa thượng, thế danh Trương Văn Ninh. Năm 1899, ngài xuất gia với HT Thanh Minh - Viên Tâm - chùa Linh Sơn Diên Thọ - Núi Tà Cú, được pháp danh Trừng Phong, pháp tự Phước Nhàn, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 42. Ngài rất giỏi hành trì khoa Du Già Mật Tông. Năm 1922, ngài trùng tu chùa tổ đình Linh Sơn Diên Thọ. Năm 1936, ngài khai sơn chùa Pháp Diên - Phan Thiết. Năm 1940, ngài được Hội Phật học Bình Thuận cung thỉnh làm Chứng minh đạo sư và trụ trì chùa Tỉnh hội PG Phan Thiết. Năm 1948, ngài được suy tôn Thượng thủ Giáo hội Tăng già PG tỉnh Bình Thuận; nguyên, trú quán Bình Thuận -xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 1.

- Ấn Thiên Huệ Nhãn (?-?), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 39, xuất gia với tổ Chương Từ Quảng Thiện - chùa Phước Sơn - Đồng Tròn - Phú Yên. Sau khi tổ Chương Từ Quảng Thiện viên tịch, ngài kế thừa Đệ tam tổ trụ trì tổ đình Phước Sơn vào năm 1864. Sau khi trụ trì, ngài đến cầu pháp với tổ Chương Niệm Quảng Giác ở tổ đình Từ Quang. Năm 1878, ngài thọ đại giới tại giới đàn chùa Hội Sơn - xã An Linh. Năm 1882, ngài khai đại giới đàn tại chùa Bảo Sơn và được cung thỉnh làm Giáo thọ A Xà Lê. Sau khi tổ Ấn Từ Huệ Hiển - chùa Từ Quang viên tịch, không có người thừa kế, ngài kiêm trụ trì tổ đình Từ Quang. Trong thời gian kế thừa, ngài đã mở con đường dài 500 mét từ cổng chùa ra đường cái, lát bằng đá tảng, là một công trình rất công phu. Ngài Ấn Thiên Huệ Nhãn là bậc danh Tăng đức độ, đương thời được chư sơn và Phật tử sùng kính mến mộ, nhưng ngài tuổi thọ quá ngắn, viên tịch năm 39 tuổi; nguyên, trú quán Phú Yên - Thích Thanh Minh sưu khảo.

- Thích Thanh Nhãn (?), họ Trần, quê ở thôn Đồng Đắc, xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn, pháp hiệu Đạo Thành Minh, pháp danh Thanh Nhãn. Tương truyền, ngài ăn chay ngay từ khi còn trong thai mẹ (khi thân mẫu mang thai ngài, thì tự nhiên không ăn mặn được). Ngay từ tuổi ấu thơ, ngài đã mến mộ đạo Phật và xin phép song thân đi xuất gia làm đệ tử Sư tổ Phổ Tế tại chốn tổ Đồng Đắc. Ngài đã được Sư tổ truyền trao giới thân tuệ mệnh và cho kế đăng tục diệm trụ trì đời thứ hai tại tổ đình Kim Liên. Tương truyền, ngài Thanh Nhãn có gần 3 năm tu thiền tại động Bích Đào (hang Từ Thức) thuộc xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Trong thời gian tu hành và tham thiền tại đây, ngài đã thể nhập được tinh thần đại bi đồng thể, nên đã cảm hóa được các thú dữ trong khi tọa thiền. Một ngư dân phát hiện việc tu hành đắc đạo của sư trong hang Từ Thức như vậy, nhân dân kháo nhau đến đảnh lễ và cung thỉnh ngài về sáng lập ra các chùa như: chùa Hàm Ân ở xã Chất Bình; chùa Yên Hòa và chùa Yên Bình, ở xã Yên Lộc, huyện Kim Sơn. Ngài đã thuyết pháp giáo hóa và quy y cho nhiều người theo đạo Phật ở huyện Kim Sơn. Hạnh nguyện viên mãn, ngài trở về tĩnh dưỡng tại chùa Hàm Ân cho đến khi viên tịch. Nhục thân của ngài được táng tại chùa Hàm Ân sau 3 năm, dân thôn Đồng Đắc xin phép được cải táng và cung rước xá lợi của ngài về xây tháp và tôn thờ tại tổ đình Kim Liên. Chính kỵ ngày 10-3 âm lịch - Nguyễn Đại Đồng sưu khảo.

- Tiên Huệ - Tịnh Nhãn (?), Hòa thượng, đệ tử tổ Tổ Ấn - Mật Hoằng, từ Huế vào miền Nam, khai sơn chùa Thiên Phước - Phước Long - Thủ Đức; chưa rõ thân thế - theo Biên niên sử PG Sài Gòn - Gia Định.

- Thích Tịnh Nhãn (1948-2013), Hòa thượng, pháp danh Đồng Thanh, pháp tự Tịnh Nhãn, pháp hiệu Trí Đức, đời 43 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 10 pháp phái Chúc Thánh, thế danh Trương Minh Sơn, sinh năm 1948 tại thôn Nhơn Nghĩa Đông, xã Nhơn Phúc, thị xã Nhơn An, Bình Định. Ngài xuất gia năm 9 tuổi tại chùa Giác Hoàng với HT Bửu Tịnh. Ngài thọ Tỳ kheo năm 1968 tại chùa Long Khánh - Quy Nhơn, do HT Phúc Hộ làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1972, được bổn sư cử làm trụ trì chùa Giác Hoàng. Ngài lưu tâm và chuyên sâu vào ngành Giáo dục và Hoằng pháp PG nên đảm nhiệm nhiều chức vụ: Chánh Thư ký, kiêm Giáo thọ Trường TCPH Nguyên Thiều từ khóa I đến khóa VI; Trưởng BHD GĐPT Bình Định từ 1992 đến 1997; Trưởng Ban Hoằng pháp PG Bình Định từ 2002 đến 2007; Hiệu trưởng Trường TCPH Bình Định từ 2007 đến 2010; Ủy viên Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Bình Định, Trưởng Ban Giáo dục Tăng Ni GHPGVN tỉnh Bình Định khóa 2012-2017. Sau khi dự lễ trà tỳ cố Trưởng lão HT Từ Nhơn về, HT đã đột ngột viên tịch vào tối ngày 20 tháng 3 năm Quý Tỵ (2013), thọ 66 tuổi và 46 hạ lạp. Ngài nguyên, trú quán Bình Định - phatgiaobinhdinh.com

- Thích Trí Nhãn (1909-2004), Hòa thượng, Trưởng lão, pháp danh Như Truyện, pháp tự Giải Lệ, pháp hiệu Trí Nhãn, đời 41 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 8 pháp phái Chúc Thánh. Ngài thế danh Đoàn Thảo, sinh năm Kỷ Dậu (1909) tại thôn Đồng Nà, xã Cẩm Hà, Hội An. Ngài xuất gia từ nhỏ tại tổ đình Chúc Thánh với Hòa thượng Thiện Quả, thọ Tỳ kheo năm 1934 tại chùa Thạch Sơn, Quảng Ngãi. Ngài được bổn sư cử làm Phó trụ trì tổ đình Chúc Thánh và kiêm trụ trì chùa Vạn Đức. Năm 1962, ngài trụ trì chùa Chúc Thánh và suốt đời cùng với môn phái lo kiến tạo trùng tu tổ đình cũng như mộ tháp chư Tổ. Ngài là Thành viên HĐCM TW GHPGVN, Chứng minh Ban Trị sự tỉnh Quảng Nam. Ngài viên tịch ngày Rằm tháng 2 nhuận năm Giáp Thân (2004), thọ 96 tuổi. Ngài nguyên, trú quán Quảng Nam - Thích Như Tịnh sưu khảo.

- Trừng Thanh Tịnh Nhãn (?-?), Hòa thượng, thế danh Lê Văn Thân, xuất gia năm 1889 với HT Thanh Thái Phước Chỉ - chùa Tường Vân - Huế, pháp danh Trừng Thanh, pháp tự Hiền Lương. Năm 1997, ngài thọ đại giới và đắc pháp với pháp hiệu Tịnh Nhãn. Năm 1914, ngài kế thế trụ trì chùa Tường Vân. Ngài trụ trì được 5 năm thì xin thoái lui vì bệnh duyên. Năm sinh năm mất không rõ; nguyên, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa, tập 3.

- Hải Nhu - Tín Nhậm (1812-1883), Hòa thượng, dòng Lâm Tế đời 40, đệ tử tổ Nhất Định, khai sơn chùa Quảng Tế, trụ trì chùa Giác Hoàng, Tăng cang chùa Thiên Mụ; nguyên quán Quảng Trị, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ tiền bối hữu công PG Thuận Hóa.

- Như Như - Đạo Nhân (1851- ?) Hòa thượng, pháp danh Trừng Khế, pháp tự Như Như, đệ tử ngài Tâm Truyền - chùa Báo Quốc, thế danh Nguyễn Phúc Hồng Thịnh, Hoàng tộc đế hệ Minh Mạng, tri tạng chùa Báo Quốc; nguyên quán Thanh Hóa, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ tiền bối hữu công PG Thuận Hóa.

- Hộ Nhẫn (1924-2002), Hòa thượng, Tăng trưởng hệ phái Nam Tông Việt Nam, thế danh Tôn Thất Thuế. Năm 1947, ngài thọ Sa di giới Bắc truyền với HT Châu Lâm. Sau đó, ngài chuyển hướng sang hệ phái Nam Tông, học đạo với HT Giới Nghiêm, pháp danh Khantapala Maha thera. Năm 1952, ngài thọ Sa di giới với HT Thiện Luật. Năm 1955, ngài thọ Cụ túc giới ở Miến Điện. Năm 1957, ngài thỉnh xá lợi Phật, xá lợi Thánh tăng và Tam tạng kinh Nam truyền từ Myanmar về Việt Nam, trụ trì chùa Thiền Lâm - Huế. Năm 1997, ngài là thành viên HĐCM GHPGVN và Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN. Ngài xả báo thân ngày mồng 7 tháng 9 năm Nhâm Ngọ (12-10-2002), thọ 79 năm, 48 hạ lạp; nguyên, trú quán Thừa Thiên Huế - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 3.

- Thích Minh Nhẫn, Thượng tọa, thế danh Từ Thành Đạt, sinh năm 1972, năm 13 tuổi xuất gia tại chùa Phật Quang, TP Rạch Giá. Bổn sư của ngài là HT Thích Giác Phước. Ngài thọ Tỳ kheo tại đại giới đàn Trí Thiền - chùa Tam Bảo - Rạch Giá. Ngài đạt học vị Tiến sĩ Khoa học chuyên ngành “Quản trị chiến lược” tại Trường Đại học Công lập IFUGAO - Philippines. Ngài là Phó Trưởng Ban Thường trực, kiêm Trưởng Ban Tăng sự GHPGVN tỉnh Kiên Giang; Sáng lập - Giám đốc Trung tâm Từ thiện xã hội Phật Quang, huyện Hòn Đất, Kiên Giang; Sáng lập kênh truyền hình Pháp âm Kiên Giang, giảng sư Học viện PGVN tại TPHCM và Lớp đào tạo cao - trung cấp giảng sư. Hiện ngài là Ủy viên Hội đồng Trị sự TW GHPGVN, Phó Ban Hoằng pháp TW GHPGVN, Phó Ban Từ Thiện Xã Hội TW GHPGVN; nguyên, trú quán Kiên Giang - Thích Vân Phong biên khảo.

- Ấn Diệu Từ Nhẫn (1859-1921), Hòa thượng, Tổ sư, pháp danh Ấn Diệu, pháp tự Tổ Truyền, pháp hiệu Từ Nhẫn, đời thứ 39 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 6 pháp phái Chúc Thánh. Ngài thế danh Lê Văn Sáng, sinh năm Kỷ Mùi (1859) tại xã Gia Phước, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình, Quảng Nam. Năm Tự Đức 22, Kỷ Tỵ (1869), ngài xuất gia với thiền sư Chương Quảng Mật Hạnh tại chùa Linh Ứng. Năm Tự Đức 34, Tân Tỵ (1881), ngài được cử làm Tăng Mục chùa Linh Ứng. Năm Ất Mùi (1895), ngài được triều đình cử làm trụ trì chùa Linh Ứng. Năm Đinh Dậu (1897), ngài được vua Thành Thái ban cho hai chiếc “Tam Thọ Ngân Tiền” để tưởng thưởng đạo hạnh của ngài. Năm Giáp Thìn (1904), ngài được cải bổ làm trụ trì chùa Tam Thai. Ngài bẩm tính thuần hậu, tiếp Tăng độ chúng với tâm từ vô lượng không có sự phân biệt. Ngài viên tịch vào ngày mồng 3 tháng 11 năm Tân Dậu (1921), hưởng thọ 63 tuổi, bảo tháp được kiến lập bên tháp của thiền sư Mật Hạnh và thiền sư Từ Trí. Đệ tử đắc pháp của ngài có các vị như: Chơn Phương Thiện Trung - trụ trì chùa Tam Thai; Chơn Đạt Thiện Ân - Yết ma tại Gia Định; Chơn Tâm Viên Minh - khai sơn chùa Sùng Đức, Phan Rang... Ngài nguyên quán Quảng Nam, trú quán tại Đà Nẵng - Thích Như Tịnh sưu khảo.

- Thích Từ Nhẫn (1899-1950), Hòa thượng, thế danh Lê Ngọc Thập, năm 1915 xuất gia với HT Chơn Hương Minh Phương - chùa Linh Nguyên - Đức Hòa, dòng Lâm Tế Đạo Bổn Nguyên đời 39, pháp danh Như Đắc, pháp hiệu Từ Nhẫn. Năm 1920, ngài trụ trì chùa Thới Bình - Cần Giuộc - Long An. Ngài giới đức kiêm ưu, nên được cung thỉnh làm Giới sư hầu hết các đại giới đàn ở khắp hai miền Nam - Trung. Ngài được triều đình ban tặng “Quốc Ân Đại Hòa Thượng”. Năm 1923, ngài trùng hưng chùa Linh Nguyên - Đức Hòa - Long An. Năm 1935, ngài khai sơn chùa Chưởng Phước - Cần Giuộc. Năm 1936, để chuyên tu giai đoạn cuối đời, ngài lập hai ngôi tịnh thất ở hai chùa Thới Bình và Chưởng Phước, tên là Linh Thoại Ứng tịnh thất và Từ Tâm tịnh thất. Năm 1950, ngài xả báo thân ngày 19 tháng 9 năm Canh Dần (1950), trụ thế 52 năm, 31 mùa Hạ, bảo tháp lập ở chùa Linh Nguyên; nguyên, trú quán Cần Giuộc - Long An - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 260
    • Số lượt truy cập : 6947004