Thông tin

NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN Nho

Nho

 

- Thích Hồng Nhơn (1911-1997), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Gia Phổ đời 39, thế danh Đặng Văn Tới, xuất gia năm 1926 với tổ Thanh Ẩn Chánh Khâm - chùa Từ Ân, pháp danh Hồng Nhơn, pháp tự Ngộ Đạo, pháp hiệu Thiện Trân. Năm 1930, ngài thọ Tam đàn Cụ túc tại giới đàn chùa Linh Sơn Tiên Thạch - Tây Ninh, do HT bổn sư làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1945, ngài về kế thừa ngôi chùa gia tộc, làm trụ trì chùa Từ Thoàn - quận 8 (nay thuộc TPHCM). Năm 1951, ngài làm giáo thọ Trường Lục Hòa Tăng tại chùa Khánh Hưng - Sài Gòn. Ngài được cung thỉnh làm Thiền chủ các trường hạ: chùa Vĩnh Xuân - Tây Ninh (1956); chùa Thập Phương - Rạch Giá (1963); chùa Gò Phụng Sơn - Chợ Lớn (1966); chùa Thiền Lâm- Phú Lâm (1967); chùa Phước Long - Bình Dương (1968); chùa Quan Thế Âm - Phú Nhuận (1972); chùa Thiền Lâm - Chợ Lớn (1973); chùa Huỳnh Kim - Gò Vấp (1983);... Ngài được cung thỉnh truyền giới hầu hết các giới đàn trường Hương, trường Kỳ PG cổ truyền. Ngài chuyên hành trì pháp môn hiển mật và ngồi chánh đàn Đại khoa Du Già, Mông Sơn Chẩn Tế. Ngài xả báo thân tháng 9 năm Đinh Sửu (1997), thọ 86 năm, 66 hạ lạp; nguyên, trú quán TP Hồ Chí Minh - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 3.

- Đặng Tống Tịnh Nhơn (1931-1982), Nữ cư sĩ, quy y với HT Giác Nhiên - chùa Thuyền Tôn, pháp danh Tâm Liên. Năm 1948, Nữ cư sĩ cùng với Cư sĩ Văn Đình Hy điều khiển Gia đình Phật Hóa Phổ Gia Thiện, sinh hoạt ở chùa Quan Công - Huế. Đại hội GĐPT năm 1951 tại chùa Từ Đàm đã chấp thuận đề nghị của anh Lương Hoàng Chuẩn và chị Tịnh Nhơn, đổi danh xưng ngành Đồng niên thành ngành Oanh vũ, đồng thời giao cho anh Chuẩn, chị Tịnh Nhơn soạn lại mẩu chuyện chim Oanh vũ và phác họa mẫu đồng phục ngành Oanh. Năm 1952, Nữ cư sĩ giảng dạy 2 môn Văn và Sử tại Trường Đồng Khánh. Năm 1956, Nữ cư sĩ được xếp cấp Tín của BHD GĐPT Trung ương. Năm 1967, Nữ cư sĩ  được cử giữ Ủy viên ngành Thiếu nữ BHD GĐPT Trung ương. Năm 1959, Nữ cư sĩ làm Hiệu trưởng Trường Đồng Khánh - Huế. Năm 1963, Nữ cư sĩ xin đổi vào Nam, dạy tại Trường Gia Long Sài Gòn cho đến cuối đời; nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán TP Hồ Chí Minh - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Thích Thiện Nhơn (1931-2013), Hòa thượng, thế danh Hồ Thanh Tùng, xuất gia năm 1944 với HT Giác Tánh - chùa Hưng Long - An Nhơn, được pháp danh Quảng Phước. Năm 1948-1954, ngài làm Thư ký Hội PG Cứu quốc Liên khu 5. Năm 1954, ngài vào học tại Tăng học đường Nam Phần Trung Việt - Nha Trang. Năm 1957, ngài thọ đại giới tại tại đại giới đàn Hộ Quốc - Nha Trang, do HT Giác Nhiên làm Đàn đầu truyền giới, được bổn sư ban pháp tự Thiện Nhơn, pháp hiệu Quán Hạnh. Năm 1958, ngài  được bổ nhiệm làm giảng sư các tỉnh Trung phần và Tây nguyên. Đồng thời, ngài kiêm nhiệm Chánh Hội trưởng Hội Phật học Quảng Ngãi. Từ 1964-1975, ngài là Chánh Đại diện GHPGVNTN tỉnh Gia Lai - Kon Tum, và đã thành lập các trường Bồ Đề ở Pleiku. Năm 1966, ngài gia nhập Nha Tuyên úy PG, được bổ làm Chánh sở Tuyên úy PG Cao nguyên và Duyên hải Trung phần. Ngài đã khai sơn các chùa Hồng Từ (Kon Tum), chùa Đạo Quang (Sài Gòn), chùa Pháp Hải (Quy Nhơn), chùa Hoa Nghiêm (Phù Cát). Năm 1982, sau khi đi an trí 8 năm, ngài trở về hành đạo tại chùa Thiên Đức. Năm 1987, ngài kế thế trụ trì tổ đình Thiên Đức. Năm 1992, ngài làm Trưởng Ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Bình Định, kiêm Phó BTS PG huyện Tuy Phước. Năm 1997, ngài là Ủy viên HĐTS GHPGVN; Phó BTS, kiêm Trưởng Ban Tăng sự PG tỉnh Bình Định. Năm 2002, ngài được suy cử Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN. Ngài còn được cung thỉnh làm giới sư các giới đàn truyền giới trong và ngoài nước. Ngài viên tịch ngày 11 tháng 3 năm Quý Tỵ (20-4-2013), thọ 83 năm, 55 hạ lạp; nguyên, trú quán Bình Định - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 3.

- Thích Thiện Nhơn, Hòa thượng, Tiến sĩ danh dự, sinh năm 1947, thế danh Phan Minh Hoàng, xuất gia năm 1960 với HT Thiện Từ tại chùa Phước Tường - Cầu Kè - Trà Vinh, lúc 10 tuổi. Ngài là học Tăng PHV Huệ Nghiêm, Chủ tịch HĐTS TW GHPGVN, Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch TW MTTQ Việt Nam, trụ trì chùa Minh Đạo - quận 3 - TPHCM, nguyên quán Trà Vinh, trú quán TP Hồ Chí Minh.

- Thích Từ Nhơn (1926-2013), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Gia Phổ đời 41, thế danh Nguyễn Văn Sáu, xuất gia ấu niên với HT Hồng Pháp-Thiện Minh (chú ruột), pháp danh Nhựt Sáu, pháp hiệu Từ Nhơn. Năm 1944-1946, ngài học tại trường Gia giáo chùa Long An, do HT Hành Trụ chủ giảng. Năm 1945, ngài thọ đại giới tại giới đàn chùa Vạn An, do HT Chánh Quả - chùa Kim Huê làm Đàn đầu truyền giới. Sau khi thọ giới, ngài học tại PHĐ Lưỡng Xuyên - Trà Vinh. Năm 1952, ngài được cử làm Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già tỉnh Sa Đéc, kiêm giảng sư Tỉnh hội. Năm 1953, ngài trụ trì Phước Thạnh Cổ Tự - Sa Đéc. Năm 1964, ngài làm Ủy viên Tài chánh, kiêm Phó Tổng Vụ trưởng Tổng Vụ Tăng sự GHPGVNTN. Cùng năm, ngài được cử làm Tổng Thủ bổn Viện Hóa Đạo và trú xứ tại chùa Ấn Quang. Năm 1965, ngài được giáo hội bổ nhiệm trụ trì Việt Nam Quốc Tự. Năm 1981, ngài làm Ủy viên HĐTS, kiêm Phó Ban Tăng sự TW GHPGVN. Năm 1982, ngài là Phó BTS, kiêm Trưởng Ban Tăng sự Thành hội PG TP Hồ Chí Minh. Năm 1990, ngài được bầu làm Tổng lý Hội đồng Quản trị tổ đình Ấn Quang. Năm 1997, ngài được suy cử Thành viên HĐCM, kiêm Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS GHPGVN và là viện chủ Việt Nam Quốc Tự - quận 10. Ngài xả báo thân ngày 16 tháng 3 năm Quý Tỵ (25-4-2013), thọ 88 năm, 68 hạ lạp; nguyên quán Sa Đéc - Đồng Tháp, trú quán TP Hồ Chí Minh - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 3.

- Thích Viên Nhơn (1921-1972), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 44, thế danh Phạm Văn Đắc, xuất gia với HT Tâm Chánh Quảng Tuyên - chùa sắc tứ Báo Ân, An Cựu - Huế, pháp danh Nguyên Đạt, y chỉ với HT Trí Thủ được pháp hiệu Viên Nhơn. Năm 1957, ngài được Tổng hội PG Trung phần cử trụ trì chùa Phước Huệ - Bảo Lộc - Lâm Đồng. Năm 1961, ngài trụ trì chùa PG Ninh Hòa - Khánh Hòa và khai sơn chùa Phước Điền. Năm 1964, trụ trì chùa Tỉnh hội PG Bình Thuận và khai sơn chùa Viên Ngộ. Năm 1968, trụ trì chùa Tỉnh hội PG Kon Tum là chùa Hồng Từ. Ngài xả báo thân ngày 27 tháng 4 năm Nhâm Tý (1972), tại tu viện Quảng Hương Già Lam, hưởng 52 năm, 24 hạ lạp, tháp lập ở đồi Trại Thủy - chùa Long Sơn - Nha Trang; nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán Nha Trang - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa, tập 3.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 102
    • Số lượt truy cập : 6946784