NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN Nhu
Nhu
- Thích Giác Nhu (1912-1997), Hòa thượng, danh tăng hệ phái Khất sĩ Việt Nam, đồng sáng lập Giáo hội PG Khất sĩ Việt Nam, Phó Chủ tịch HĐTS TW GHPGVN, Phó Pháp chủ HĐCM TW GHPGVN, viện chủ Tịnh xá Trung Tâm - Bình Thạnh - TPHCM; nguyên quán Long Xuyên, trú quán TP Hồ Chí Minh - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.
- Thích Thanh Nhu (1861-1934), Hòa thượng, ngài họ Trần, pháp hiệu là Thanh Nhu, pháp húy Thích Trạm Trạm thiền sư. Ngài xuất gia năm 18 tuổi tại chùa Phượng Ban - xã Khánh Thịnh - huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Năm 21 tuổi, ngài thụ giới Sa di, 23 tuổi thụ Cụ túc giới, rồi ngoài 40 tuổi thụ Bồ tát giới tại tam đàn giới phẩm Xuân Lôi. Sau đó, ngài tham học ở chùa Bồ Đề, chùa Đồng Đội - tỉnh Nam Định, chùa Hoàng Kim, chùa Bích Động - tỉnh Ninh Bình. Năm 1884, khi dân làng chùa Cổ Loan xuống chùa Phượng Ban thỉnh tổ Thông Trạch về giúp xây dựng lại chùa, tổ đã đồng ý lời thỉnh cầu đó và cử đệ tử xuất sắc của mình là Tỳ kheo Thích Thanh Nhu về chùa Cổ Loan. Năm 1908, sau khi thiền sư Thanh Đẩu viên tịch, ngài Thanh Nhu kế đăng trụ trì chùa Cổ Loan. Tại đây, hơn 40 năm (1884-1934) giáo hoá Tăng ni, ngài đã đào tạo được nhiều Tăng tài đi hoằng pháp các nơi; khai sáng các chùa Xuân Vũ, Phúc Trì, Phúc Sơn, Phương Viên ở Ninh Bình, chùa Sùng Đức ở Thủ Đức, chùa Pháp Hoa ở quận 3, TP Hồ Chí Minh. Để giữ gìn và phát triển mạng mạch của đức Như Lai, ngài đã xiển dương giáo pháp của phái thiền Lâm Tế vào tỉnh Thanh Hoá. Trên đất Thanh Hóa, theo các chứng tích lịch sử, khi tổ sư Thanh Nhu và đệ tử Thanh Khái đi hoằng hoá đến xứ Đồng Đen, làng Thọ Hạc, huyện Đông Sơn đã lập chùa Quảng Hóa. Ngài viên tịch ngày mồng 2 tháng 5 năm Giáp Tuất (1934), thọ 74 tuổi. Tháp mộ của ngài tại chùa Cổ Loan. Ngài nguyên quán xã Quần Phương Trung, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, trú quán Ninh Bình - Nguyễn Đại Đồng sưu khảo.
- Thích Giác Nhu (1912-1997), Hòa thượng, Trưởng lão hệ phái PG Khất sĩ Việt Nam, thế danh Phạm Văn Nên, xuất gia năm 1952 với HT Giác Như khi ngài 42 tuổi. Từ năm 1954-1960, ngài phụ tá Nhị tổ Giác Chánh và Trưởng lão Giác Như hành đạo suốt 2 miền Nam - Trung với hạnh Du Tăng. Năm 1964, ngài và HT Giác Tường đứng đơn xin thành lập Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam. Đến năm 1966, Giáo hội được phép thành lập, ngài làm Tổng Thư ký suốt 3 nhiệm kỳ. Năm 1980, ngài làm Chứng minh đạo sư Tịnh xá Trung Tâm - Bình Thạnh - TPHCM. Năm 1981-1987, ngài làm Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN. Năm 1982-1997, ngài được suy tôn ngôi vị Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN. Ngài xả báo thân ngày mồng 2 tháng 9 năm Đinh Sửu (02-10-1997), thọ 85 năm, 45 hạ lạp; nguyên quán Lấp Vò - Đồng Tháp, trú quán TP Hồ Chí Minh - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.
- Thích Nữ Hương Nhũ, Ni sư, sinh năm 1963, sơn môn Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, đệ tử Ni trưởng Huệ Giác - Quan Âm tu viện - Biên Hòa, Tiến sĩ triết học PG tại Ấn Độ năm 2005, Ủy viên Phân Ban Ni giới TW, Ủy viên BTS GHPGVN tỉnh Bình Dương, Ủy viên Ban Hoằng pháp TW GHPGVN, Giảng viên Học viện PGVN tại TP Hồ Chí Minh, Phó Khoa Đào tạo từ xa HVPGVN, trụ trì chùa Thiên Quang - Dĩ An; nguyên quán Hà Nội, trú quán Bình Dương,
- Thích Đức Nhuận (1897-1993), Hòa thượng, Trưởng Sơn môn Đồng Đắc, dòng Tào Động Việt Nam, pháp danh Đức Huy, pháp hiệu Thanh Thiệu. Năm 1969, ngài về chốn tổ Quảng Bá - huyện Từ Liêm - Hà Nội, trụ trì và làm Hiệu trưởng Trường Tu học Phật pháp Trung ương tại chùa Quảng Bá. Năm 1980, ngài về trụ trì chùa Hồng Phúc - Hòe Nhai - Hà Nội; năm sau, Hội nghị Đại biểu Thống nhất PG toàn quốc, ngài được cung thỉnh làm Đệ nhất Pháp chủ GHPGVN; nguyên quán Nam Định, trú quán Hà Nội - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 1.
- Thích Đức Nhuận (1924-2001), Hòa thượng, thế danh Đồng Văn Kha, sơn môn tổ đình Vĩnh Nghiêm miền Nam, xuất gia năm 1937 với HT Thích Tâm Thường - chùa Liêu Hải - Nghĩa Hưng - Nam Định, pháp danh Đức Nhuận, pháp hiệu Trí Tạng. Năm 1943, ngài thọ đại giới tại tổ đình Phú Ninh - Nam Định. Sau đó, ngài tham học các nơi: tổ đình Phú Ninh, chùa Cồn - Nam Định; tổ đình Tế Xuyên - Hà Nam; PHĐ Báo Quốc - Huế; PHĐ Nam Việt - Sài Gòn. Năm 1954, ngài vào Nam, trú xứ chùa Giác Minh - Sài Gòn. Năm 1956-1961, ngài làm Chủ tịch Giáo hội Tăng già Bắc Việt tại miền Nam. Năm 1963, ngài là Thư ký Ủy ban Liên phái Bảo vệ PG trong pháp nạn chống kỳ thị tôn giáo. Năm 1965, ngài làm Chủ nhiệm, kiêm Chủ bút nguyệt san Vạn Hạnh. Năm 1969, ngài làm giáo sư Phân khoa Phật học và Triết học Đông phương - Viện Đại học Vạn Hạnh. Năm 1967, ngài là Chánh Thư ký Viện Tăng thống GHPGVNTN. Năm 1971, ngài làm Chủ bút nguyệt san Hóa Đạo của Tổng Vụ Hoằng pháp GHPGVNTN. Năm 1975, ngài trụ trì chùa Giác Minh. Năm 1985-1993, ngài bị đi an trí 8 năm, khi trở về ngài tiếp tục hành đạo; tác phẩm: Gió Thiêng (thơ,1959); Phật học tinh hoa (1960); Chuyển hiện Đạo Phật vào thời đại (1967); Trao cho thời đại một nội dung Phật chất (1969); Sứ mệnh người Phật tử đối với dân tộc và đạo pháp (1995); Kiến thiết văn minh Phật giáo (1995); Đạo Phật và dòng sử Việt (1996); Sáng một niềm tin (thơ,1999); Hướng đi của thời đại (2001). Ngài xả báo thân vào mồng 9 tháng Chạp năm Tân Tỵ (21-01-2002), thọ 79 năm, 59 tuổi đạo; nguyên quán Nam Định, trú quán TP Hồ Chí Minh - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 3.
- Chương Tánh Quảng Nhuận (?-?) Hòa thượng, Tổ sư, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 38, pháp danh Chương Tánh, pháp tự Tôn Tuyên, pháp hiệu Quảng Nhuận. Ngài đắc pháp với tổ Toàn Thể - Vi Lương - Linh Nguyên ở chùa Từ Quang (Đá Trắng) - Tuy An - Phú Yên. Sau khi tổ khai sơn chùa Triều Tôn viên tịch, ngài về kế thế trụ trì. Nhận thấy địa thế không thuận lợi cho việc giáo hóa quần chúng, ngài quyết định dời chùa về vị trí ngày nay. Ngài còn khai sơn chùa Lăng Nghiêm do Cư sĩ Đào Trí tài trợ kinh phí xây dựng. Ngài đã tiếp Tăng độ chúng thành những bậc tài đức xuất chúng như: ngài Ấn Như Tổ Nguyện, Ấn Như Quảng Thông... Ngài viên tịch ngày mồng 8 tháng 4 Âm lịch, tháp lập trong khuôn viên chùa Triều Tôn - Thích Thanh Minh sưu khảo.
- Tuệ Nhuận (1887-1967), Cư sĩ, xem ở Văn Quang Thùy, Sđd.
Tin tức khác
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 26 – THÁNG 10 NĂM 2018 (PL. 2562)
Bình luận bài viết