Thông tin

NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN Ni

Ni

 

- Hải Hội Chánh Niệm (1834-1905), Hòa thượng, trụ trì chùa Long Hòa - Bà Rịa, viên tịch ngày 18 tháng 5 năm Ất Tỵ - theo Biên niên sử PG Sài Gòn - Gia Định.

- Thích Chí Niệm (1918-1979), Hòa thượng, thế danh Lê Công Tụng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 42, xuất gia với HT Chơn Thiệt-chùa Từ Hiếu, pháp danh Trừng Trì, pháp tự Chí Niệm, pháp hiệu Hoằng Khai. Năm 1960, ngài kế thế trụ trì tổ đình Từ Hiếu, khai sơn chùa Đàm Hoa - Huế; nguyên, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Thích Đạt Niệm, Hòa thượng, sinh năm 1950, Ủy viên BTS GHPGVN TP Hồ Chí Minh, nguyên Trưởng BTS GHPGVN huyện Thủ Đức, trụ trì chùa Pháp Trí - Thủ Đức; nguyên quán Bến Tre, trú quán Thủ Đức - TP Hồ Chí Minh. 

- Thích Đức Niệm (1937-2003), Hòa thượng, thế danh Hồ Đắc Kế, xuất gia năm 1950 với HT Minh Đạo - chùa Long Quang - Phan Rí. Năm 1957, ngài thọ đại giới tại giới đàn PHV Hải Đức  - Nha Trang. Năm 1958, ngài vào học tại PHĐ Nam Việt- chùa Ấn Quang và tốt nghiệp năm 1962. Song song với việc học Phật học, ngài còn tốt nghiệp cử nhân Văn khoa - Viện Đại học Vạn Hạnh năm 1966. Sau đó, ngài được học bổng du học  tại Đài Loan năm 1969 và đỗ Tiến sĩ năm 1978. Từ 1966-1969, ngài đảm trách: - Hiệu trưởng Trường Trung học Bồ Đề Chợ Mới - Long Xuyên; - Chánh Đại diện PG tỉnh Gia Định; - Chánh Thư ký Phật học vụ GHPGVNTN; - Giám đốc Trường Trung học Bồ Đề Bình Dương. Năm 1979, ngài định cư tại Hoa Kỳ, là Phó Viện trưởng Viện Đại học Đông Phương. Năm 1981, ngài thành lập PHV Quốc Tế đào tạo tăng tài. Năm 1983, ngài tổ chức Hải ngoại Đại giới đàn Thiện Hòa đúng nghi thức thiền môn. Năm 1988, ngài làm Chủ tịch Hội đồng Điều hành Cộng đồng PGVN tại Hoa Kỳ. Năm 1992, ngài làm Chánh Văn phòng Hội đồng đại diện GHPGVNTN hải ngoại tại Hoa Kỳ. Ngài đã dịch thuật, biên soạn các tác phẩm: Phật pháp yếu nghĩa (1988); Câu Xá Luận Cương Yếu (1985); Tại gia Bồ tát giới (1989); Lược truyện tiền thân đức Phật (1988); Tịnh độ Đại thừa tư tưởng luận (1989); Kinh Thắng Man chú giải (1990); Phương pháp cải đổi vận mạng (1991); Pháp ngữ lục (1991); Kinh A Nan vấn Phật cát hung (1994); Tâm kinh yếu giải (1998); Thiện Tài cầu đạo (1998); Người muôn thuở (1996); Những mùa Vu Lan (1996); Nghi thức Hồng Danh Sám Hối (1990)... Ngài xả báo an tường ngày 19 tháng 2 năm Quý Mùi (21-3-2003), thọ 66 năm, 46 hạ lạp; nguyên quán Bình Thuận, trú quán Hoa Kỳ - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 3.

 - Thích Hạnh Niệm, Hòa thượng, sinh năm 1948, pháp danh Thị Thiện, pháp tự Hạnh Niệm, pháp hiệu Đoan Nghiêm, đời 42 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 9 pháp phái Chúc Thánh. Ngài thế danh Võ Đi, sinh năm Mậu Tuất (1948) tại Cẩm Thanh, Hội An, Quảng Nam. Ngài xuất gia với Hòa thượng Thích Như Huệ tại chùa Pháp Bảo, Hội An, thọ Tỳ kheo năm 1972 tại chùa Phật Ân, Mỹ Tho. Ngài hiện là thành viên HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Nam. Ngài có bút danh Kim Tâm, đã in Thiền Lâm Ứng Đối và một số tập thơ... Ngài nguyên, trú quán Quảng Nam - Thích Như Tịnh sưu khảo.

- Thích Minh Niệm, thiền sư, xuất gia năm 17 tuổi tại chùa Huệ Nghiêm - Bình Tân. Sư tu học ở đây được 7 năm về tư tưởng kinh điển đại thừa Mahayana Buddhism, sau đó ra đi tìm học về Thiền nguyên thủy Vipassana. Năm 26 tuổi, sư tìm đến Làng Mai học về pháp môn “Hiện tại Lạc trú” với thiền sư Nhất Hạnh. Năm 2005, sư học hỏi nơi thiền sư Sao Tejaniya tại Hawaii, Mỹ, với pháp môn “Nhận diện đơn thuần” của dòng thiền Vipassana. Năm 2008, Sư tìm đến những trung tâm thiền tập ở miền Đông Bắc Hoa Kỳ, để kiểm chứng công phu tu tập của mình. Từ đây, Sư hình thành một lối thực hành thiền sống động cho riêng mình, dựa trên nền tảng của dòng Thiền nguyên thủy và tư tưởng Phật giáo đại thừa, có tên là “Thiền Hiểu Biết”. Năm 2010, Sư cho ra đời tác phẩm “Hiểu về trái tim”. Cuốn sách này được đông đảo bạn trẻ Việt Nam bình chọn là cuốn sách được yêu thích nhất năm 2013 (do Fahasa tổ chức) và nhiều lần tái bản. Năm 2011-2014, Sư thực hiện chuyến “tu bụi” đi bộ vòng quanh 25 tiểu bang nước Mỹ. Một nửa thời gian sống nơi hoang dã và một nửa thời gian sống và làm việc thiện nguyện tại các nông trại trồng hoa màu hữu cơ. Năm 2015, Sư sáng lập Trung tâm Hàm Dưỡng Tâm Hồn & Rèn Luyện Kỹ Năng Sống, gọi tắt là Bản Hoa Anh Đào tại Bảo Lộc - Lâm Đồng. Đây là trung tâm huấn luyện điều dưỡng cho những ai có những vết thương tâm hồn, cũng là nơi rèn luyện kỹ năng sống hay kỹ năng làm việc hòa điệu chung với nhau. Tháng 9-2016, Sư cho ra mắt quyển sách thứ hai “Làm Như Chơi” và được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả. Sư nguyên quán Long An, trú quán Hoa Kỳ và Lâm Đồng - trang nhà www.thienthanhuongdat.com

- Quang Huy Nhất Niệm (?-1857), Hòa thượng, pháp danh Tánh Chiếu, pháp tự Nhất Niệm, pháp hiệu Quang Huy, đắc pháp với Hòa thượng Phổ Tịnh, trụ trì chùa Diệu Đế năm 1847 và sau đó được bổ nhiệm trụ trì chùa Báo Quốc; nguyên quán chưa rõ, trú quán Phú Xuân - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ tiền bối hữu công PG Thuận Hóa.

- Yết ma Thiện Niệm (1910 -1961), Ni sư, Yết ma, nguyên là thiếu nữ người Pháp lai, giả trai đi tu, nên gọi là thầy Yết ma. Ni sư là trụ trì đời thứ 2 chùa Hiển Lâm Sơn (Hóc Ông Che-Hóa An). Nơi khuôn viên chùa, có bức tượng Ni sư Thiện Niệm bằng đá xanh. Bên dưới chân tượng, có dựng tấm bia đá ghi rõ thông tin: “Ni sư thế danh là Marguerite Benz, pháp danh Thiện Niệm. Yết Ma Long Thiền tự. Nguyên trụ trì chùa Hiển Lâm. Trưởng Ban Hoằng pháp và là Hội trưởng Lục Hòa Phật tử miền Đông. Sanh ngày 13-11-1910 DL, viên tịch ngày 27-12-1961 DL”.  Sự tích như sau: “Một ngày nọ, thầy Hai (HT Huệ Lâm- đệ Nhất trụ trì) bất ngờ tiếp một vị khách là người Pháp tự xưng là hiệu trưởng một trường Tây nổi tiếng ở Sài Gòn. Người này đi cùng một người con gái ruột và cầu xin thầy Hai chữa chứng bệnh “kỳ lạ” đang mắc phải, đã trị hết bao bác sĩ Ta rồi bác sĩ Tây cũng không hết được. Thiền sư Huệ Lâm nhận nữ bệnh nhận “đặc biệt” này ở lại chùa và nhiệt tình chữa bệnh bằng cây lá rừng quanh chùa và những bài chú của Phật giáo. Thật lạ, người con gái này ở chùa thì hết bệnh nhưng về nhà lại tái phát bệnh như cũ. Thấy con gái mình có căn tu nên gia đình đồng ý cho quy y tại chùa Hiển Lâm Sơn với pháp danh là Thiện Niệm, chính thức thành đệ tử của sư Huệ Lâm”. Vào những năm giữa thập niên 40 của thế kỷ XX, chiến tranh bùng phát, quân Pháp liên tục bố ráp vùng đất chùa Hiển Lâm Sơn để tìm Việt Minh. Do vậy, Ni sư trụ trì Thiện Niệm tạm tản cư về tá túc Long Thiền cổ tự - ven sông Đồng Nai, tại phường Bửu Hòa (Biên Hòa) và kết nghĩa huynh đệ với HT trụ trì Thích Huệ Thành. Nhờ biết tiếng Pháp và mang quốc tịch Pháp, nên Ni sư Thiện Niệm che chở cho ngôi chùa Long Thiền và cá nhân HT Thích Huệ Thành hoạt động cách mạng được thuận lợi. Cả hai ngôi chùa Hiển Lâm Sơn và chùa Long Thiền cũng không bị quân Pháp tàn phá. Ni sư Thiện Niệm liên tục tạo những chuyến xe tiếp vận lương thực vô chiến khu cho cách mạng mà không hề bị lính chặn khám xét. Thập niên 60, vùng đất ở chùa Hiển Lâm Sơn là nơi giao tranh ác liệt giữa quân Giải phóng với lính Cộng hòa, Ni sư Thiện Niệm buộc phải lánh nạn lần nữa về tạm trú tại chùa Long Thiền. Tại đây, Ni sư lâm bệnh nặng và viên tịch, thọ 52 năm. Do chiến tranh khốc liệt nên không thể đưa thi hài của Ni sư về lại chùa Hiển Lâm Sơn mà phải nhập tháp tại chùa Long Thiền; nguyên quán Pháp Quốc, trú quán Đồng Nai - Trí Bùi biên khảo, Thích Vân Phong sưu tầm.

- Nguyễn An Ninh (1900-1943), nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động cách mạng, nhà nghiên cứu tôn giáo. Ông sinh ngày 15-9-1900 tại quê mẹ ở xã Long Thượng, Cần Giuộc, Long An; quê cha Hóc Môn (nay thuộc TPHCM). Năm 1915, mới 15 tuổi, ông đã được nhận làm biên tập cho báo Courrier saigonnais. Năm sau, nhờ tốt nghiệp trung học loại ưu nên ông ra Hà Nội học Cao đẳng Y Dược và được miễn chuẩn bằng Tú tài. Năm 1918, ông qua Pháp học ngành Luật tại Đại học Sorbonne. Hai năm sau, ông tốt nghiệp Cử nhân Luật hạng xuất sắc. Về nước, ông xuất bản báo La Cloche Fêchéo (Chuông rè), tạo được vị trí trong lịch sử báo chí Việt Nam. Ông công khai “đốt lên ánh đuốc Marx - Lenin” để cổ vũ một “con đường giải phóng mới” cho dân tộc.

Ngoài những bài diễn thuyết, bài báo bằng tiếng Việt lẫn tiếng Pháp, Nguyễn An Ninh còn soạn các sách: Nước Pháp ở Đông Dương (1925); Hai Bà Trưng (tuồng hát, 1928); Tôn giáo (1932); Phê bình Phật giáo (1937); Dân ước... Trong quyển Phê bình Phật giáo, Nguyễn An Ninh viết: “Sinh ra cách hai nghìn năm trăm năm nay, liền sau đạo Bà-la-môn là một tôn giáo lý luận một cách hết sức hoang đường về trời, về vũ trụ, mà đạo Phật lại có cái đặc biệt là không bao giờ nói đến trời”... Ông mất trong tù ngày 14-8-1943, hưởng dương 43 tuổi.

- Thích Phước Ninh (1915-1994), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 42, thế danh Hồ Văn Ký, xuất gia năm 1926 với tổ Thiền Phương - chùa Phước Sơn - Phú Yên, pháp danh Thị Niệm, pháp tự Hành Đạo, pháp hiệu Phước Ninh. Năm 1931, ngài vào học tại PHĐ gia giáo chùa Tây Thiên - Ninh Thuận, do HT Trí Thắng và HT Phúc Hộ giảng dạy. Năm 1940, ngài thọ Sa di tại giới đàn chùa Thái Nguyên - Thủ Đức. Năm 1947, ngài thọ đại giới tại giới đàn chùa Bảo Sơn - Tuy An, do HT Vạn Ân làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1945, ngài làm Chủ tịch PG Cứu quốc huyện Đồng Xuân. Năm 1956-1963, ngài giữ chức Hội trưởng Hội PG Tăng già huyện Tuy An. Năm 1957, ngài trụ trì chùa Bảo Sơn - Tuy An. Năm 1968, ngài vào Nam khai sơn chùa Từ Phong ở Thủ Thiêm - Thủ Đức. Năm 1982, GHPGVN thành lập, ngài được cử trụ trì chùa Bảo Tịnh - Tuy Hòa, kiêm Chánh Đại diện PG huyện Tuy An. Cuối đời, ngài về trụ trì chùa Cảnh Phước- Tuy An và viên tịch ngày 24 tháng 4 năm Giáp Tuất (30-5-1994), thọ 79 năm, 47 hạ lạp; nguyên, trú quán Phú Yên - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.

- Thích Thanh Ninh, Thượng tọa, sinh năm 1953, thế danh Trần Văn Ninh, trú xứ chùa Quán Sứ - Hà Nội; tác phẩm: Từ điển Phật học Hán Việt (Thư ký công trình - NXB Khoa học xã hội, 1992); Thiền tăng truyện ký, (đồng tác giả, NXB Tôn giáo, 2010) Phật giáo chính tín (đồng dịch giả, NXB Văn hóa Thông tin, 1992); nguyên quán Nghĩa Hưng - Nam Định, trú quán Hà Nội - Nguyễn Đại Đồng sưu khảo.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 363
    • Số lượt truy cập : 6947178