NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN P
P
- Lê Cao Phan (1923-2014), Cư sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, điêu khắc gia, rành ngoại ngữ Anh - Pháp - Hán và Quốc tế ngữ Esperanto; huynh trưởng GĐPT. Ông được ban pháp danh Quảng Hội, Trưởng Ban Hướng dẫn GĐPT tỉnh Thừa Thiên Huế, kiêm Ủy viên Văn nghệ Ban Hướng dẫn GĐPT Trung phần. Về âm nhạc, vào tháng 5-1951, nhân đại hội lịch sử PG Bắc Trung Nam họp tại chùa Từ Đàm, ông đã sáng tác Ca khúc Phật Giáo Việt Nam để chào mừng. Ca khúc này được PGVN sử dụng làm Đạo ca chính thức cho Giáo hội trải qua nhiều thời kỳ. Về lĩnh vực hội họa, từ năm 1962-1975, ông đã có 4 lần triển lãm về tranh sơn dầu. Về điêu khắc của ông, đáng chú ý nhất là tượng bán thân Bồ tát Quảng Đức tự thiêu trong pháp nạn 1963. Về dịch thuật, ông đã dịch Truyện Kiều ra tiếng Anh và tiếng Pháp; hai dịch phẩm này đều được Tổ chức UNESCO tài trợ và đưa vào bộ tác phẩm tiêu biểu. Ngoài ra, ông còn chuyển ngữ Truyện Kiều sang Quốc tế ngữ Esperanto; tác phẩm: Truyện Kiều nhiều ngôn ngữ, Ức Trai thi tập Anh - Pháp ngữ, Ca khúc Phật giáo Việt Nam; Huyền Trang ca; Đồng ca kết đoàn; Vườn xanh... và các ca khúc sinh hoạt GĐPT. Ông mất ngày mồng 2 tháng Chạp năm Quý Tỵ (02-01-2014); nguyên quán Triệu Phong - Quảng Trị, trú quán TP Hồ Chí Minh - trang nhà www.giadinhphattuvietnam.org
- Thích Chơn Phát (1931-2016), Hòa thượng, Trưởng lão, pháp danh Chơn Phát, pháp tự Đạo Dũng, pháp hiệu Long Tông (Tôn), đời 40 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 7 pháp phái Chúc Thánh. Ngài thế danh Nguyễn Nghi, sinh ngày 13 tháng 10 năm Tân Mùi (1931) tại làng Kim Bồng, xã Cẩm Kim, Hội An. Ngài xuất gia với Hòa thượng Phổ Thoại tại chùa Long Tuyền, tham học tại tổ đình Chúc Thánh, Phước Lâm; học Tăng PHĐ Nam Việt, Giáo thọ PHĐ Giác Sanh. Ngài trụ trì chùa Long Tuyền từ năm 1962, Trị sự trưởng GHTG Quảng Nam năm 1962. Một trong “Tứ Trụ Quảng Nam” trong phong trào tranh đấu Phật giáo năm 1963 tại Quảng Nam. Ngài đảm trách Đốc học Trường Bồ Đề Hội An, Chủ trương lập PHV Long Tuyền năm 1972, để đào tạo Tăng tài. Ngài tinh nghiêm giới luật, chú trọng việc giảng dạy. Sau năm 1975, ngài đóng cửa ẩn tu, miên mật hành trì pháp môn Tịnh độ. Ngài nhẹ nhàng xả báo thân vào ngày 22 tháng 4 năm Bính Thân (2016), thọ 86 tuổi. Đệ tử có các vị thành danh như: Cố HT. Thích Như Luận; Cố HT. Thích Như Nhiệm; Cố HT. Thích Giải Trọng, HT. Thích Như Phẩm...; nguyên, trú quán Quảng Nam - Thích Như Tịnh sưu khảo.
- Thích Minh Phát (1956-1995), Thượng tọa, thế danh Lê Nhựt Nguyên, xuất gia năm 1964 với HT Thiện Hòa - chùa Ấn Quang, pháp danh Nguyên Đức, pháp hiệu Minh Phát. Năm 1975, ngài thọ đại giới tại giới đàn chùa Pháp Giới - Cầu Tre, do HT Hành Trụ làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1976, Thượng tọa giữ chức Phó Tổng Quản sự, kiêm Tri Khố tổ đình Ấn Quang. Năm 1877, Thượng tọa nhận trụ trì chùa Viên Giác - Tân Bình. Năm 1978, Thượng tọa được cử giữ chức Phó Giám đốc Đại Tòng Lâm - Bà Rịa. Cùng năm, Thượng tọa khai sơn chùa Viên Dung - Thủ Đức. Năm 1992, Thượng tọa nhận trụ trì thêm chùa Gò (Phụng Sơn Tự) - quận 11 - TPHCM. Thầy có công đức rất lớn trong việc tài trợ xây dựng các ngôi chùa và làm từ thiện xã hội khắp cả nước; tác phẩm: Đời sống đức Điều Ngự; Xuân Vô Năng Thắng; Giai thoại nhà Thiền; Các nghi thức tụng niệm và Chúc Tán; Khoa cúng tổ Kiều Đàm Di Mẫu; Tu chỉnh Giới Đàn Ni; Các tập thi phú... Thượng tọa xả báo thân ngày 21 tháng 3 năm Bính Tý (08-5-1996), hưởng 41 năm, 21 mùa an cư; nguyên, trú quán TP Hồ Chí Minh - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.
- Thích Chánh Pháp (1913-1985), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 43, đệ tử HT Tịnh Khiết - chùa Tường Vân - Huế, pháp danh Tâm Quang, pháp tự Chánh Pháp, thế danh Nguyễn Hữu Trừng. Năm 1948, ngài được bổ nhiệm trụ trì chùa Phổ Quang - Huế. Năm 1973, ngài kế thế quản trị tổ đình Tường Vân. Năm 1982, ngài được cung thỉnh làm thành viên Chứng minh GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế; nguyên, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.
- Thích Chơn Pháp (1867-1932), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 40, đệ tử ngài Ấn Thanh - Chí Thành - chùa Linh Ứng - Quảng Nam, pháp danh Chơn Pháp, pháp tự Đạo Diệu, pháp hiệu Phước Trí. Ngài khai sơn chùa An Hội - Huế, trụ trì chùa Linh Ứng - Quảng Nam, trụ trì chùa Mỹ Khê - Quảng Nam; nguyên, trú quán Quảng Nam - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ tiền bối hữu công PG Thuận Hóa
- Thích Diệu Pháp (1882-1959), Hòa thượng, thế danh Lê Viễn, xuất gia với Quốc sư Phước Huệ - chùa Thập Tháp, pháp danh Không Đàm, pháp hiệu Diệu Pháp. Năm 1900, ngài vào Nam tu học tại chùa Linh Tuyền - Cầu Ngang - Trà Vinh. Năm 1905, ngài sang học đạo với tổ Khánh Hòa ở chùa Tuyên Linh - Bến Tre. Năm 1911, ngài nhận chùa Long Bình ở Trà Vinh và trùng hưng đổi tên thành chùa Long Khánh. Năm 1931, ngài là hội viên sáng lập Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học và năm 1934 là Phó Tổng lý Hội Lưỡng Xuyên Phật học. Ngài xả báo thân ngày 28 tháng 6 năm Kỷ Hợi (1959), thọ 77 tuổi đời, 57 tuổi đạo, bảo tháp xây ở vườn chùa Long Khánh; nguyên quán Bình Định, trú quán Trà Vinh - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.
- Thích Đắc Pháp (1938-2012), Hòa thượng, thiền sư, thế danh Thái Hồng Điệp, xuất gia năm 1958 với HT Thích Thanh Từ - chùa Phước Hòa - Trà Vinh, được pháp danh Đắc Pháp. Năm 1962, ngài thọ đại giới tại giới đàn chùa Ấn Quang- Sài Gòn. Năm 1966, ngài vào học tại PHV Huệ Nghiêm. Năm 1968, ngài được cử làm Giám học PHV Huệ Nghiêm. Năm 1970, ngài ra Vũng Tàu tham học khóa thiền đầu tiên tổ chức trong 3 năm. Thời gian này, ngài đã phụ giúp bổn sư dịch một số tác phẩm thiền, trong đó có hai tác phẩm của ngài: Chơn tâm trực thuyết; Tu Tâm Quyết... Năm 1975, ngài trở về chùa Sơn Thắng - Vĩnh Long, tu tập và hoằng pháp. Năm 1981, ngài được cử làm Thành viên HĐTS GHPGVN. Năm 1983, ngài là Phó BTS Thường trực PG tỉnh Vĩnh Long và Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Vĩnh Long suốt 3 nhiệm kỳ. Năm 1990, Trường Trung cấp Phật học tỉnh Vĩnh Long được thành lập, ngài làm Hiệu trưởng. Ngài xả báo thân ngày mồng 7 tháng Chạp năm Nhâm Thìn (18-01-2013), thọ 75 năm, 50 hạ lạp; nguyên, trú quán Vĩnh Long - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 3.
- Thích Hiển Pháp, Hòa thượng, thế danh Trần Như Ngọc, sinh 01-01-1933. Ngài trụ trì rất nhiều cơ sở tự viện PG. Từ năm 1963, ngài tham gia phong trào đấu tranh của Phật giáo ở miền Nam đòi tự do, bình đẳng tôn giáo, ủng hộ phong trào đấu tranh của PG ở nội đô Sài Gòn. Ngày 22-9-1973, HT làm Chủ tịch Mặt trận Nhân dân Cứu đói, ra mắt tại Niệm Phật đường Quảng Hương - quận 1 (nay là TPHCM). Năm 1976, ngài là đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên sau giải phóng, khóa VI, nhiệm kỳ 1976-1981, đảm nhiệm Ủy viên Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội. Ngài được tín nhiệm và được tái đắc cử đại biểu Quốc hội khóa XI. Đầu xuân Canh Thân 1980, Ban Vận động Thống nhất Phật giáo VN được thành lập, ngài giữ chức Phó Chủ tịch Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP Hồ Chí Minh, tham gia Ban Vận động hiệp thương Đại hội đại biểu Thống nhất PGVN. Năm 1981, Đại hội đại biểu GHPGVN nhiệm kỳ IV (1997-2002), ngài được suy tôn ngôi vị Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nhiệm kỳ V (2002-2007), ngài được suy tôn ngôi vị Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký và Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế. Nhiệm kỳ VII (2012-2017), ngài được suy tôn ngôi vị Phó Pháp chủ GHPGVN, là viện chủ chùa Hưng Phước - quận 3 - TP Hồ Chí Minh. Ngài triệt để ủng hộ Phật sự của Thiền sư Thích Duy Lực hoằng dương Tổ sư thiền và liên tục tổ chức những khóa Thiền thất tại bản tự Hưng Phước suốt thập niên 90 của thế kỷ 20. Năm 1968, ngài khai sơn chùa Quảng Hương, quận 3, Sài Gòn (nơi thành lập Mặt trận Nhân dân cứu đói) và cũng trong năm này, ngài là thành viên sáng lập Trường Trung học Tư thục Bồ Đề Sa Đéc. Năm 2013, ngài khai sơn ngôi chùa Già Lam Pháp Thanh Tự, kỷ niệm nơi sinh ra và lớn lên tại làng Tân Thanh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre; nguyên quán Bến Tre, trú quán TP Hồ Chí Minh - Thích Vân Phong sưu khảo.
- Thích Huệ Pháp (1871-1927), Hòa thượng, ngài họ Đinh, năm 1886 xuất gia với HT Cương Kỷ - chùa Từ Hiếu, được pháp danh Thanh Tú, pháp tự Phong Nhiêu, pháp hiệu Huệ Pháp. Năm 1896, ngài được bổn sư cho trụ trì chùa Thiên Hưng - Huế. Năm 1910, ngài được cung thỉnh vào Quảng Nam khai đại giới đàn chùa Phúc Lâm, và làm Đệ tam tôn chứng trong giới đàn này. Năm 1926, ngài được phong Tăng cang chùa sắc tứ Thiên Hưng và chùa Diệu Đế - Huế. Ngài xả báo thân ngày mồng Một tháng Giêng năm Đinh Mão, thọ 56 tuổi, 33 hạ lạp, bảo tháp dựng nơi chùa Từ Hiếu; nguyên quán Quảng Trị, trú quán Thừa Thiên Huế - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.
- Thích Huệ Pháp (1891-1946), Hòa thượng, thế danh Võ Văn Phó. Năm 1904, tự xuất gia tầm sư học đạo, ngài qua Nam Vang, rồi Ai Lao và đến Thái Lan. Sau 2 năm tu học, thu thập được tinh hoa của PG Nam Tông; năm 1906, ngài trở lại Ai Lao học đạo với sư tổ Như Tâm, là vị sư người Việt lỗi lạc về Nho học, Tây học và Y lý, phong thủy cũng như yếu lý Đại thừa PG. Sau sư tổ về Việt Nam khai sơn chùa Định Long ở Núi Sam - Châu Đốc. Tại Ai Lao, ngài được tín đồ cúng dường xây dựng một ngôi chùa Việt Nam đầu tiên ở đây; ngôi chùa lấy tên tỉnh (Sanvanakhet). Nhờ tài bốc thuốc cứu người, dân bản xứ hết lòng khen ngợi, gọi ngài là Phật sống cứu độ chúng sanh. Năm 1913, do danh tiếng đó, Toàn quyền Đông Dương thời bấy giờ là Pasquere cùng khâm sứ Lào và Cao Miên đã thỉnh ngài sang nước Cao Miên trị bệnh cho Hoàng Thái hậu, xem ngài như thánh y và nổi tiếng là danh tăng 3 nước Việt - Miên - Lào. Năm 1914, ngài trở về Việt Nam, được tổ Như Tâm phú pháp dòng Lâm Tế Gia Phổ đời 40, pháp danh Hồng Phó, pháp hiệu Huệ Pháp. Năm 1925, ngài khai sơn và trụ trì chùa Long Khánh - Châu Đốc. Ngày 7.3.1937, Hội NKNCPH đại hội thường niên đã thỉnh HT làm Chánh Hội trưởng; nguyên, trú quán Châu Đốc - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 1.
- Thích Huệ Pháp (1887-1975), Hòa thượng, thế danh Nguyễn Lộ, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 40, xuất gia năm 1909 với HT Hoằng Thanh - chùa Cảnh Tiên, pháp danh Chơn Phước, pháp tự Đạo Thông và tu học tại tổ đình Thiên Ấn - Thạch Sơn. Năm 1918, ngài khai sơn chùa Minh Tịnh ở Tuy Phước- Bình Định. Năm 1944, ngài được phong Tăng cang và biển ngạch Sắc tứ chùa Minh Tịnh. Năm 1945, ngài là Chủ tịch Hội PG Cứu quốc tỉnh Bình Định. Năm 1957, ngài làm Đàn đầu truyền giới tại giới đàn chùa Nghĩa Phương - Nha Trang. Năm 1959, ngài được thỉnh làm Chứng minh đạo sư Giáo hội PG Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử Trung phần. Năm 1962, ngài là Đàn đầu truyền giới tại giới đàn chùa Minh Tịnh. Ngài xả báo thân ngày 11 tháng 11 năm Ất Mão (1975), thọ 89 năm, 65 hạ lạp, tháp lập ở khuôn viên chùa Minh Tịnh; nguyên quán Quảng Ngãi, trú quán Bịnh Định - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.
- Thích Thiện Pháp, Hòa thượng, sinh năm 1947, đệ tử HT Minh Tâm - chùa Trùng Khánh, Ninh Thuận, pháp danh Trừng Hiệp, pháp tự Hoàng Lý, pháp hiệu Thiện Pháp, học tăng PHV Huệ Nghiêm. Hiện nay, ngài là Phó Chủ tịch HĐTS TW GHPGVN, kiêm Trưởng Ban Tăng sự TW GHPGVN, trụ trì chùa Phước Thành - Bình Thạnh; nguyên quán Ninh Thuận, trú quán TP Hồ Chí Minh.
- Thích Vạn Pháp (1884 -1945), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 41, xuất gia với HT Chơn Trí Phước Đạt - chùa Phú Sơn, pháp danh Như Chương, pháp tự Giải Nghĩa, pháp hiệu Vạn Pháp. Năm 1906, ngài thọ đại giới tại tổ đình Từ Quang, do HT Chơn Tâm Pháp Tạng - chùa Phước Sơn làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1927, ngài Vạn Pháp và Vạn Ân vào làm giáo thọ Ni viện ở Bạc Liêu, do HT Khánh Anh làm đốc giáo. Năm 1935, cùng chư tôn túc sáng lập PHĐ Phú Yên, đặt tại chùa Bửu Lâm, ngài là Luật sư của trường. Năm 1939, ngài vào Nam lần thứ 2, giảng kinh ở PHĐ Vạn An - Sa Đéc và chùa Kim Sơn - Bến Tre. Năm 1941, ngài kế thế trụ trì chùa Kim Quang - Tuy Hòa. Năm 1943, ngài làm Tổng Trị sự Sơn môn Phú Yên. Ngài viên tịch ngày mồng 5 tháng Giêng năm Ất Dậu (1945), thọ 65 năm, 40 tuổi đạo, tháp lập tại chùa Kim Quang; nguyên, trú quán Phú Yên - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 3.
- Thích Chơn Phát (1931-2016), Hòa thượng, thế danh Nguyễn Nghi, xuất gia năm 1938 với HT Phổ Thoại - chùa Long Tuyền - Hội An, pháp danh Chơn Phát. Năm 1949, ngài nhập chúng tu học tại chùa Phước Lâm do HT Đương Như làm trụ trì và được đề cử làm Tri sự chăm lo việc chúng. Năm Canh Dần (1950), ngài về lại chùa Long Tuyền được bổn sư truyền giới Sa di và ban pháp tự là Đạo Dũng. Năm Tân Mão (1951), ngài được bổn sư cho nhập chúng tu học tại chùa Chúc Thánh dưới sự chỉ dạy của Hòa thượng Tăng cang Thích Thiện Quả. Đầu năm Giáp Ngọ (1954), ngài về lại Long Tuyền hầu Thầy và được bổn sư phú pháp hiệu là Long Tôn. Ngày mồng 9 tháng 4 năm Giáp Ngọ (1954), bổn sư viên tịch. Sau khi tang lễ viên mãn, HT Tăng cang Thiện Quả đã cử ngài làm Tự trưởng chùa Long Tuyền. Tuy nhiên, vì muốn thăng tiến trong việc tu học, ngài đã thỉnh HT Đương Như về trụ trì chùa Long Tuyền, còn ngài thì vào miền Nam tu học. Tháng 4 năm Ất Mùi (1955), ngài vào Nam tu học, trú tại chùa Hưng Long (Sài Gòn) và được HT Trí Hữu đỡ đầu vào học PHĐ Nam Việt - chùa Ấn Quang (Chợ Lớn). Năm Bính Thân (1957), ngài thọ Cụ túc giới tại giới đàn chùa Hải Đức - Nha Trang, do HT Thích Giác Nhiên làm Đàn đầu truyền giới. Năm Canh Tý (1960), sau khi tốt nghiệp PHĐ Nam Việt, ngài được cử làm Kiểm khán và Giáo thọ PHV Giác Sanh (chi nhánh PHĐ Nam Việt). Đồng thời, tham gia vào Ban Giảng sư của Hội Phật học Nam Việt đi giảng dạy tại các chùa, như: Vạn Thọ, Giác Nguyên, Phổ Quang... và mở các khóa Giáo lý cho các cư sĩ tại gia cũng như thành lập các Niệm Phật đường tại ngã tư Bảy Hiền và Phú Thọ Hòa, quy tụ Phật tử người Quảng Nam vào lập nghiệp miền Nam tu học. Năm Tân Sửu (1961), để đầy đủ giới pháp trước khi về quê hương hành đạo, ngài đã thọ Bồ tát giới tại chùa Ấn Quang, do HT Khánh Anh làm Đàn đầu. Tháng 3 năm Nhâm Dần (1962), ngài trở về chùa Long Tuyền. Lúc này, HT Đương Như đã già yếu nên giao việc trụ trì để ngài tiếp tục gánh vác Phật sự. Năm này, ngài được mời giữ chức Trị sự phó Giáo hội Tăng già Quảng Nam, kiêm Giảng sư của Tỉnh hội. Tháng 3 năm Quý Mão (1963), ngài được mời giữ chức vụ Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già Quảng Nam. Cùng năm, Phật giáo rơi vào pháp nạn, ngài là một trong những nhà lãnh đạo Phật giáo Quảng Nam tranh đấu cho sự trường tồn của Chánh pháp. Năm Giáp Thìn (1964), GHPGVNTN tỉnh Quảng Nam thành lập, ngài được cử giữ chức vụ Đặc ủy Tăng sự qua các nhiệm kỳ. Năm Ất Tỵ (1965), Trường Trung học Bồ Đề Hội An thành lập, ngài giữ chức Giám đốc của trường. Năm Bính Ngọ (1966), ngài đảm nhận chức vụ Chánh Đại diện GHPGVNTN tỉnh Quảng Nam. Năm Canh Tuất (1970), ngài xin phép Tổng Vụ Giáo dục mở Phật học viện tại chùa Long Tuyền, được Tổng Vụ cho phép và bổ nhiệm ngài chức vụ Giám viện Phật học viện. Năm 1972, trường mở lớp Trung đẳng chính quy đã quy tụ học Tăng các tỉnh miền Trung theo học gần 50 vị. Sau năm 1975, ngài nghỉ tất cả các chức vụ của Giáo hội và lui về tu niệm. Năm Ất Sửu (1985), ngài khai giới đàn truyền Cụ túc tại chùa Long Tuyền và được cung thỉnh làm Đàn đầu Hòa thượng. Ngài biên soạn và dịch một số tác phẩm: Lịch sử Phật giáo Việt Nam; Danh Tăng, Tự viện Phật giáo Quảng Nam; Chùa Long Tuyền xưa và nay; Thập đại đệ tử Phật (dịch); Đại cương ý nghĩa kinh Địa Tạng (dịch); Tứ đại và tứ đại chủng (dịch). Năm 1997, GHPGVN tỉnh Quảng Nam thành lập, Hòa thượng được cung thỉnh làm Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Nam. Nhiệm kỳ IV (2002-2007), ngài được cung thỉnh vào Hội đồng Chứng minh GHPGVN. Ngài thị tịch ngày 22 tháng 4 năm Bính Thân (2016), thọ 86 tuổi và 60 hạ lạp; nguyên, trú quán Hội An - Quảng Nam - trang nhà wwwphatgiaoquangnam.vn
- Thích Hạnh Phát (1929-1989), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 42, thế danh Huỳnh Văn Thiết, xuất gia năm 1936 lúc 7 tuổi ờ chùa làng - An Chấn - Tuy An. Năm 1940, ngài vào Ninh Hòa tu học và y chỉ với HT Huyền Châu, pháp danh Thị Tấn, pháp tự Hạnh Phát. Năm 1950, ngài thọ Sa di tại tổ đình Thiên Bửu - Ninh Hòa do HT Phước Huệ - chùa Hải Đức - Nha Trang, làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1957, ngài thọ đại giới tại giới đàn PHV Hải Đức - Nha Trang, do HT Giác Nhiên làm Đàn đầu truyền giới. Ngài cũng là học tăng khóa đầu tiên PHV - Hải Đức - Nha Trang. Năm 1956-1962, ngài đảm nhận trụ trì, kiêm Chánh hội trưởng Chi hội PG Vạn Ninh. Năm 1956, ngài đồng sáng lập GĐPT Vạn Ninh và làm Cố vấn giáo hạnh. Năm 1962, ngài thành lập Khuôn hội Phước Sơn ở Đại Lãnh và Khuôn hội Khải Lương ngoài hải đảo Khánh Hòa. Năm 1963, ngài được giáo hội cử lên Pleiku bổ sung nhân sự cho Tỉnh hội PG tại đây. Năm 1964, ngài về trụ trì chùa Phổ Hiền - Cam Ranh và là Chánh Đại diện GHPGVNTN Cam Ranh. Tại đây, ngài đã khai sơn chùa Tây Thiên - Cam Phước và chùa Bình Tịnh - Cam Bình. Ngài còn giữ chức Trưởng BHD GĐPT Cam Ranh nhiều năm. Năm 1966, ngài khai sơn chùa Vạn Hạnh tại núi Một - thị xã Cam Ranh. Năm 1967-1968, ngài đảm nhận Đặc ủy Tăng sự PG Cam Ranh. Năm 1977, ngài được Giáo hội giao Quyền xử lý Chánh Đại diện PG Cam Ranh. Năm 1978, ngài bị đi an trí một năm. Năm 1979, ngài về trú xứ chùa Vạn Hạnh chuyên tâm tu niệm. Ngài xả báo thân ngày 16 tháng 2 năm Kỷ Tỵ (23-3-1989), thọ 61 năm, 32 hạ lạp, tháp lập tại khuôn viên chùa Vạn Hạnh; nguyên quán Tuy An - Phú Yên, trú quán Cam Ranh - Khánh Hòa - Lê Tư Chỉ biên khảo.
- Thích Huệ Phát (1921-1990), thế danh Huỳnh Quang Sung, pháp danh Chân Sung, sinh quán làng Tân Phú Đông, xã Tân Vĩnh Hòa, tỉnh Đồng Tháp. Ấu niên xuất gia, cầu pháp với Trưởng lão HT Luật sư Thích Chánh Quả - tổ đình Kim Huê; ngài thọ Cụ túc giới tại tổ đình Kim Huê, với tam vị Giới sư: HT Luật sư Thích Chánh Quả làm Đàn đầu Hòa thượng, HT Thích Huệ Hòa làm Yết Ma A Xà Lê, HT Thích Từ Nhơn làm Giáo thọ A xà lê. Năm Đinh Dậu 1957, ngài tham dự khóa huấn luyện trụ trì “Như Lai Sứ Giả” đầu tiên tại chùa Pháp Hội - Chợ Lớn do Giáo hội Tăng già Nam Việt tổ chức. Năm Mậu Tuất 1958, khoá Như Lai Sứ Giả hoàn mãn, ngài được chư tôn đức lãnh đạo bổ nhiệm trụ trì chùa Tân Uyên - thành phố Biên Hòa - tỉnh Biên Hòa. Năm Canh Tý 1960, trong lúc đang nhận lãnh trách nhiệm trụ trì chùa Tân Uyên, ngài được quý ngài Vạn Đức - Thích Trí Tịnh và Thích Huệ Hưng gọi về giao trách vụ trụ trì chùa Kim Huê - Sa Đéc cùng với HT Thiện An làm Tri Sự, HT Thiện Tâm làm Thư ký, chung lo xây dựng và phát triển tổ đình. Năm 1987, sau khi cố Hòa thượng Trưởng Ban Trị sự Thích Vĩnh Đạt viên tịch, ngài được suy cử nhiệm vụ Trưởng BTS Tỉnh hội Phật giáo Đồng Tháp cho đến ngày viên tịch. Ngoài những công đức đóng góp cho Sơn môn tổ đình, cho Phật giáo Đồng Tháp, ngài chuyên trì tịnh giới, tụng kinh Pháp Hoa và ứng dụng Lục Tự Di Đà làm lẽ sống đạo. Ngài niệm Phật thật miên mật và chí thành cho đến giờ phút xả báo an tường vào ngày 29 tháng 10 năm Canh Ngọ (1990); nguyên, trú quán Sa Đéc - Đồng Tháp - Thích Vân Phong biên khảo.
- Đào Thị Yến Phi, Phật tử, sinh năm 1948, Thánh tử đạo, pháp danh Nguyên Thường, tự Diệu Mai, gia nhập GĐPT Linh Thứu năm 1958, tham dự trại huấn luyện huynh trưởng Lộc Uyển năm 1964, sinh hoạt với GĐPT Chánh Quang, tự thiêu ngày 26 tháng 1 năm 1965 trước Tòa Hành chánh tỉnh Khánh Hòa trong lúc tăng ni đang tuyệt thực phản đối chính phủ Trần Văn Hương đàn áp PG. Sự hy sinh của Phật tử Yến Phi thể hiện tinh thần Bi Trí Dũng bất khuất cường quyền của PG; nguyên quán Hà Đông, trú quán Nha Trang - trang nhà www.giacngo.vn
- Thích Tắc Phi, Hòa thượng, sơn môn Thiên Thai Giáo Quán Tông, thế danh Cao Tâm Giới, sinh năm 1957, trụ trì chùa Pháp Đàn - Bến Lức - Long An, trụ trì tổ đình Tôn Thạnh - huyện Cần Giuộc - tỉnh Long An; sinh, trú quán Long An.
Tin tức khác
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 26 – THÁNG 10 NĂM 2018 (PL. 2562)
Bình luận bài viết