Thông tin

NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN Pho

Pho

 

- Thích Bích Phong (1901-1968), Hòa thượng, giảng sư, xuất gia với HT Ngộ Tánh - Phước Huệ, chùa Kim Quang - Huế, pháp danh Chân Đạo, pháp tự Chánh Thống, pháp hiệu Bích Phong, dòng Lâm Tế đời 40, thường gọi là Đại sư Chân Đạo Chánh Thống. Năm 1932, ngài làm giảng sư Hội An Nam Phật học, học tăng lớp đại học Phật giáo đầu tiên tại chùa Tây Thiên, trú xứ chùa Quy Thiện - Huế; nguyên quán Triệu Phong - Quảng Trị, trú quán Thừa Thiên Huế -theo Lê Mạnh Thát, Chân Đạo Chánh Thống, toàn tập.

- Thích Giác Phong (1894-1954), Hòa thượng, trước khi ra làm quan là đệ tử quy y của HT Tâm Khoan. Ngài vân du sang Nhật, Trung Hoa để nghiên cứu giáo lý và tình hình chấn hưng PG trên thế giới. Về nước, ngài từ quan xuất gia, lập chùa Giác Phong ở Quảng Trị nên có biệt hiệu là Giác Phong. Ngài đắc pháp với Hòa thượng Hải Đức - Phước Huệ, có pháp hiệu Bích Không. Khi phong trào chấn hưng Phật giáo lên cao, ngài là thành viên sáng lập Hội Đà Thành Phật học - Đà Nẵng, xuất bản tạp chí Tam Bảo. Thời gian ở Đà Nẵng, ngài được triều đình sắc phong trụ trì chùa Sắc tứ Phổ Thiên. Sau đó, ngài vào Nha Trang trùng hưng tái thiết chùa Hải Đức. Thời gian ở Khánh Hòa, ngài làm Cố vấn tối cao cho giáo hội, về sau được di chúc nhận lãnh chùa Hải Đức, dời lên núi Trại Thủy, mở tòng lâm tu học, sau này là Trường Cao đẳng Phật học Trung phần. Năm 1946, ngài về Huế được giáo hội cử làm Giám đốc Phật học viện Báo Quốc - Huế; nguyên quán Quảng Trị, trú quán Nha Trang, Nghệ An -xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 1.

- Hoang Phong, Cư sĩ, tên thật là Nguyễn Đức Tiến, sinh năm 1939; hội viên Hội Thiền học Quốc tế AZI (Association Zen Internationle); nguyên giảng viên Đại học Khoa học Sài Gòn. Ông về hưu năm 1999, hiện sống và làm việc tại Pháp; tác phẩm: Phật giáo và người phụ nữ; Một nghịch lý hay sự mâu thuẫn?; Bố thí thiêng liêng và Bố thí phàm tục trong PG Theravada; Tâm thức là vị Lương y tốt nhất; Tọa thiền và việc chữa bệnh; Lời di huấn của đức Phật và sự tồn vong của Giáo huấn PG; Các câu chuyện ám hại đức Phật; Kinh nghiệm trên Hy Mã Lạp Sơn; Đạo pháp của đức Phật có phải là tôn giáo?; Bồ tát đạo hay tám tiết thơ giúp tập luyện tâm thức; Đức Dalai Lam trả lời phỏng vấn của tuần báo Pháp Le Point; Nguồn gốc và ý nghĩa của chiếc áo cà sa; Tìm hiểu về đại học Na Lan Đà; Đại học Na Lan Đà đang hồi sinh từ đống tro tàn; Câu chuyện về Barriaam và Joasaph hay một sự trùng hợp lạ lùng giữa các tôn giáo; Vì sao Phật giáo lại mang tính hiện đại?; Từ bi trong đạo Phật là gì?; Logic học trong Phật giáo; Đại đức Hui Li: Một trong những bài học đầu tiên trong PG là Vô Thường; nguyên quán Kiên Giang, trú quán Pháp Quốc - trang nhà www.daophatngaynay.com.vn

- Thích Thanh Phong, Thượng tọa, sinh năm 1968, sơn môn tổ đình Vĩnh Nghiêm, đệ tử HT Thanh Tứ - chùa Quán Sứ - Hà Nội. Hiện, ngài là Ủy viên Thường trực HĐTS TW GHPGVN, Trưởng Ban Kinh tế Tài chính TW, trụ trì tổ đình Vĩnh Nghiêm - quận 3 - TPHCM; nguyên quán Hưng Yên, trú quán TP Hồ Chí Minh.

- Như Nhãn Từ Phong (1864-1938), Hòa thượng, thế danh Nguyễn Văn Tường, dòng Lâm Tế Chánh Tông đời 39, đệ tử HT Minh Đạt - chùa Từ Lâm - Tây Ninh, sau cầu pháp với HT Hoằng Ân - Minh Khiêm, được pháp danh Như Nhãn, pháp hiệu Từ Phong. Năm 1914, ngài sáng lập ngôi Thiền Lâm tự (chùa Gò Kén) - Tây Ninh và khánh thành năm 1926. Ngài nhận ngôi chùa Giác Sơn - Chợ Lớn, trụ trì và đổi hiệu là chùa Giác Hải. Năm 1909, nhân trường Hương tại chùa Long Quang - Vĩnh Long, ngài được thỉnh làm Pháp sư. Trong thời gian này, ngài đã dịch bộ Quy Nguyên Trực Chỉ ra chữ Nôm và viết bài Khải cáo phát minh văn, soạn bộ Tông cảnh yếu ngữ lục. Năm 1931, ngài được cung thỉnh làm Chánh Hội trưởng Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học. Khi  tổ Khánh Hòa và các Hòa thượng rút khỏi Hội NKNCPH, về Trà Vinh lập Hội Lưỡng Xuyên Phật học, ngài được cung thỉnh làm Chứng minh đạo sư của hội. Hòa thượng nguyên quán Gia Định, trú quán, Tây Ninh - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 1.

- Thích Từ Phong (1946-2004), Thượng tọa, bút danh Bảo Thu, Trần Thủy Xuân, thế danh Trần Viết Liễu, xuất gia tổ đình Tây Thiên với HT Thiện Hỷ, pháp danh Nguyên Hoàng, pháp tự Từ Phong. Năm 1968, ngài trụ trì tịnh xá Lộc Uyển - Ban Mê Thuột. Năm 1969, ngài về Huế trụ trì chùa Thiên Hương. Năm 1977, ngài thọ nhận giới Cụ túc tại giới đàn tổ đình Báo Quốc - Huế. Năm 1989, ngài làm Phó Ban Điều hành Tuệ Tĩnh Đường Diệu Đế, Ủy viên Hoằng pháp PG Thừa Thiên Huế. Do lâm bệnh nặng, ngài viên tịch ngày 3-11 năm Giáp Thân (2004), tháp được môn đồ xây dựng trong khuôn viên tổ đình Tây Thiên - Huế; nguyên, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Nguyễn Thuyết Phong, GS-TS, sinh năm 1946, thuở nhỏ được các nghệ nhân truyền dạy hát cải lương, đờn ca tài tử, lễ nhạc Phật giáo. Ông tốt nghiệp Tiến sĩ ngành dân tộc nhạc học thế giới (Ethnomusicologic) tại Đại học Sorbonne (Paris) năm 1984. Ông sang Hoa Kỳ giảng dạy âm nhạc châu Á ở hơn 20 trường đại học, là Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật Quốc gia Hoa Kỳ.  Năm 1997, tại Nhà Trắng, GS-TS Nguyễn Thuyết Phong là người trẻ tuổi nhất trong 11 nghệ sỹ của nước Mỹ được tôn vinh là Di sản Quốc gia Hoa Kỳ. Tháng 5-2011, GS-TS Nguyễn Thuyết Phong được ghi tên và tiểu sử vào cuốn Đại từ điển Âm nhạc thế giới The New Grove. Ông là người Việt Nam thứ hai, sau giáo sư Trần Văn Khê, được ghi tên và tiểu sử vào cuốn sách danh tiếng này cùng với những bậc thầy về âm nhạc thế giới như Shubert, Bethoven... Ông là người am hiểu tường tận về nghệ thuật nhạc lễ Phật giáo Việt Nam. Cho đến nay, bộ sưu tập âm nhạc truyền thống Việt Nam của GS-TS Nguyễn Thuyết Phong có thể được coi là lớn nhất ở nước ngoài. Những tài liệu âm nhạc của ông được lưu trữ tại Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ và Đại học New York. Nhiều bài viết về Nghệ thuật văn hóa Âm nhạc PGVN trong đó có bài “Tìm Về Bản Sắc Lễ Nhạc Phật Giáo Việt Nam”, và trong lần thuyết trình “Âm nhạc truyền thống Phật giáo Việt Nam” tại Hội thảo bồi dưỡng kiến thức và hoạt động văn hóa Phật giáo toàn quốc, tại Nha Trang, GS - TS Nguyễn Thuyết Phong, khẳng định: “Âm nhạc truyền thống Phật giáo Việt Nam như một kho tàng vô cùng phong phú, đa dạng và có giá trị nhân văn sâu sắc”; nguyên quán Vĩnh Long, trú quán  Hoa Kỳ - Thích Vân Phong biên khảo.

- Thích Vân Phong, Thượng tọa, sinh năm Quý Mão (khai sinh 1964), thế danh Lê Văn Phước, pháp danh Lệ Hưng, bút danh Vân Tuyền; 6 tuổi xuất gia với lão HT Thích Thiền Chí, chùa Phước Ân, Lấp Vò; 13 tuổi y chỉ với lão HT Thích Vĩnh Đạt, chùa Phước Hưng, Sa Đéc, sau đó, tham học với chư tôn đức Luật sư Thích Huệ Hưng, Thiền sư Thích Thanh Từ, cầu pháp với lão Thiền sư Duy Lực, được ban pháp hiệu Truyền Phước, dòng Thiền Tào Động, nguyên Chánh Thư ký, Chánh Văn phòng, kiêm Thủ quỹ Trường Trung cấp Phật học Đồng Tháp. Thầy đã cùng với Giáo sư Phan Huy Lê phát hiện và bổ chính cho quyển sách chào mừng Ngàn năm Thăng Long (2010): “Hoàng Thúc Lý Long Tường - tiểu thuyết lịch sử”, cộng tác viên công trình Danh Tăng PGVN, tập 1, 2, 3; thành viên Ban Thông tin Truyền thông TW GHPGVN (chuyên mục PG Quốc tế), thành viên Trung tâm Nghiên cứu PGVN - Viện NCPHVN; nguyên quán Lấp Vò, thường trú chùa Phước Hưng, TP. Sa Đéc - Đồng Tháp.

- Tăng Phô (1847-1896), Hòa thượng, hệ phái PG Nam Tông Khmer, nhà sư tiêu biểu phong trào chống thực dân Pháp ở Nam Bộ cuối thế kỷ 19. Hành trạng của HT Tăng Phô chỉ có đôi dòng về đời ngài trong cung khai của Đào Công Bửu tại Rạch Giá ngày 22-5-1894: Ngài sanh năm Đinh Mùi (1847) tại tỉnh Kampot - Campuchia. Thuở nhỏ, ngài đã sang Việt Nam sống cùng gia đình ở Rạch Giá. Năm 1862, ngài xuất gia tại chùa Oong Kor Chum (tức chùa Ratanaransì - Láng Cát) phường Vĩnh Lạc - thị xã Rạch Giá, (hiện do HT Danh Nhưỡng trụ trì). Năm 1886, ngài được cung thỉnh làm trụ trì thứ 18 chùa Oong Kor Chum - Láng Cát và kêu gọi dân chúng bất hợp tác với chính quyền thực dân Pháp. Năm 1893-1894, ngài hợp tác với tướng quân Đào Công Bửu chống chính quyền, được tướng quân phong tặng danh hiệu là “Quân Đại Hùng Sư”. Khi phong trào bị bại lộ, ngài cùng tướng quân Đào Công Bửu và bốn vị sư ở Rạch Giá cùng 17 người khác bị bắt. Ngài bị kết án 8 năm tù biệt xứ đày ra Côn Đảo. Vừa tròn một năm bị lưu đày, ngài tổ chức vượt ngục trở về được đất liền, nhưng sau đó bị bắt đày ra Côn Đảo lần thứ hai. Ngài hy sinh tại Côn Đảo năm Bính Thân 1896 ở tuổi 49, thể hiện một bậc danh Tăng PG Khmer yêu nước, đã hy sinh cho nền độc lập dân tộc; nguyên quán Campuchia, trú quán Rạch Giá - theo GS Nguyễn Phan Quang, “Nguyễn Trung Trực - Thân thế và sự nghiệp”, Bảo tàng Kiên Giang xb, 1989 - Danh Sol sưu khảo. 

- Thích Tịnh Phổ (1880-1962), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 42, đệ tử HT Thanh Thái - Phước Chữ (Chỉ), pháp danh Trừng Không, pháp tự Pháp Thông, pháp hiệu Tịnh Phổ, trú xứ chùa Bảo Vân - Huế; nguyên, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Thích Thiện Phổ (1914-2001), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chánh Tông đời 40, thế danh Lê Văn Hoành, xuất gia năm 1926 với HT Thanh Quang - chùa Thanh Trước - Gò Công, pháp danh Tâm Thành, pháp tự Thiện Phổ. Năm 1931, bổn sư viên tịch, ngài đến học đạo với HT Pháp Đạt- chùa Long Thiền - xã Bình Nghị. Năm 1933, ngài được HT giáo sư cho đi thọ giới Sa di tại trường Kỳ chùa Thanh Long - Biên Hòa. Năm 1935, ngài thọ Cụ túc giới tại giới đàn chùa Thiên Ân - Thủ Dầu Một. Sau khi thọ giới xong, ngài trở về y chỉ với HT Pháp Hội - chủa Long Thiền - xã Bình Nghị, và được thỉnh làm trụ trì chùa Phước Long - Gò Công Tây. Năm 1945, ngài là thành viên của Mặt trận Việt Minh. Năm 1947, ngài tham gia phong trào PG Cứu quốc tỉnh Gò Công. Năm 1982, ngài được cung thỉnh làm Giới sư tại giới đàn chùa Giác Sanh và sau đó được mời vào Ban Chứng minh Tỉnh hội PG Tiền Giang và Chứng minh Ban Đại diện PG huyện Gò Công. Năm 1998, ngài được cung thỉnh làm Chứng minh đại giới đàn An Lạc - chùa Vĩnh Tràng - Mỹ Tho. Ngài xả báo thân ngày 26 tháng 4 nhuần năm Tân Tỵ (2001), thọ 88 năm, 50 hạ lạp; nguyên, trú quán Gò Công - Tiền Giang - Báo Giác Ngộ, số 77, năm 2001.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 85
    • Số lượt truy cập : 6127666