NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN Phu
Phu
- Thích Quang Phú (1921-1975), Hòa thượng, thế danh Đỗ Quang Phú, nguyên quán làng Bích La, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, nhưng sinh ra và lớn lên tại ấp Trâm Bái, thôn Thượng Ba, xã Thủy Xuân, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngài xuất gia tu học với HT Vĩnh Thừa, hiệu Viên Quang, chùa Châu Lâm - phường Thủy Xuân - thành phố Huế, được ban pháp danh Nguyên Giác, pháp tự Thiên Hòa, pháp hiệu Đạo Quang. Ngài là thế hệ học tăng đầu tiên của PHĐ Tây Thiên - Huế. Năm 1938, ngài thọ giới tại giới đàn chùa Đại Bi- tỉnh Thanh Hóa, do HT Huệ Minh làm Đàn đầu truyền giới và bổn sư làm Đệ tam tôn chứng. Sau đó, ngài về trụ trì chùa Hương Lâm, do thân phụ ngài lập nên tại ấp Trâm Bái. Năm 1950, ngài được giáo hội mời lên vùng Cao nguyên Lâm Viên, phụ trách giảng sư. Ở đây, ngài được mời làm trụ trì chùa Giác Hoàng, thuộc huyện Đơn Dương, nay thuộc tỉnh Lâm Đồng và sau trụ trì chùa Linh Sơn - thành phố Đà Lạt. Năm 1963, ngài đảm trách chức vụ Chánh Đại diện miền Khuông Việt (Cao nguyên Lâm Viên), rồi được cử làm Hội trưởng Tỉnh hội PG Tuyên Đức. Năm 1964, GHPGVNTN thành lập, ngài được cung thỉnh vào Hội đồng Viện Tăng thống. Từ năm 1957, ngài đã có tác phẩm: “Liễu sanh thoát tử”, “Đại cương triết học Phật giáo” với bút danh Quang Phú, nên mọi người quen gọi là thầy Quang Phú. Ngài xả báo thân vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 (ngày 20 tháng 3 năm Ất Mão) tại thiền viện Vạn Hạnh - Sài Gòn, hưởng 56 tuổi và 37 hạ lạp, thuộc thế hệ thứ 10 dòng thiền Liễu Quán đời 44. Tháp ngài được an trí tại khuôn viên chùa Hương Lâm - thành phố Huế - theo “Châu Lâm đường thượng thi thư”, TK Thích Thiện Quang, chùa Châu Lâm, Huế, 2017.
- Thích Trung Phú, Hòa thượng, sinh năm 1956, dòng Lâm Tế Gia Phổ đời 43, sơn môn chùa Định Thành. Ngài là đệ tử HT Lệ Tâm - chùa Thái Nguyên - Thủ Đức. Khi huyện Thủ Đức tách làm 3, gồm: quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức, ngài được Giáo hội cử làm Phó Ban Đại diện PG quận 2 suốt nhiều nhiệm kỳ, và kế thế trụ trì chùa Thái Nguyên - Giồng Ông Tố, Bình Trưng. Ngài khai sơn và trùng kiến chùa Hương Sơn - Phú Quốc - Kiên Giang; tác phẩm: Lược sử chư Tổ Sư khai sơn - trùng tu chùa Thái Nguyên; nguyên, trú quán Giồng Ông Tố -Bình Trưng - quận 2 - TPHCM.
- Thích Giác Phúc (1924-2001), Hòa thượng, Trưởng lão hệ phái PG Khất sĩ Việt Nam, thế danh là Trần Viết Trấp, pháp danh Thiện Tánh. Năm 1963, ngài xuất gia với Trưởng lão Giác An theo Giáo đoàn III, pháp danh Giác Phúc. Năm 1992, hệ phái Khất sĩ suy cử ngài giữ chức vụ Trưởng Giáo đoàn III. Ngài đã trụ xứ và trụ trì hơn 20 ngôi tịnh xá từ Cao nguyên đến đồng bằng Duyên hải; nguyên quán Tuy Phước - Bình Định, trú quán Pleiku - Gia Lai - trang nhà daophatkhatsi.vn
- Nguyễn Thị Phúc (1943-1963), nữ Phật tử, Thánh tử đạo, pháp danh Tâm Thọ. Cô hy sinh đêm 8-5-1963 tại Đài Phát thanh Huế, khi đang đứng nghe lại buổi phát thanh lễ Phật đản khi sáng, thì bị xe tăng thiết giáp của chế độ Ngô Đình Diệm xả súng bắn và cán chết và được Giáo hội Phật giáo Trung phần tấn phong Thánh tử đạo năm 1965; nguyên, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.
- Som Phưm (1907-1970), Hòa thượng, hệ phái PG Nam Tông Khmer, thế danh Som Phưm, pháp danh Brahmajoti, xuất gia năm 1925. Lúc 18 tuổi, ngài thọ Sa di với HT Danh Tóp - trụ trì chùa Mandà Muni Tà Mum. Năm 1928, lúc 21 tuổi, ngài thọ Cụ túc giới do HT Danh Tóp làm Thầy tế độ. Năm 1930, HT Danh Tóp viên tịch, HT Tăng Óc làm trụ trì, ngài làm Phó trụ trì chùa Mandà Munì Tà Mum. Khi ngài Tăng Óc viên tịch, ngài kế thừa làm trụ trì chùa lúc 50 tuổi. Ngài viên tịch ngày 11 tháng 12 năm 1972, thọ 65 năm, 44 tuổi đạo; nguyên, trú quán Gò Quao - Rạch Giá - Danh Sol cung cấp.
- Thích Bửu Phước (1880-1948), Hòa thượng, thế danh Nguyễn Văn Hương, đệ tử tổ Như Khả - Chân Truyền - chùa Khải Phước Nguyên - Lấp Vò - Đồng Tháp, pháp danh Hồng Thiện, pháp hiệu Bửu Phước. Ngài được bổn sư đưa lên Sài Gòn tu học với tổ Minh Hòa - Hoan Hỷ - chùa Long Thạnh - Bà Hom. Năm 21 tuổi, ngài về trụ trì chùa Tân Phước - Lấp Vò. Năm 1903, ngài khai sơn chùa Phước Ân - Cái Bường - Lấp Vò. Ngài góp công lớn trong việc khai giới đàn tiếp tăng độ chúng ủng hộ nhiệt tình phong trào chấn hưng PG do thiền sư Như Trí - Khánh Hòa lãnh đạo, ủng hộ sự nghiệp Cách mạng của Thiền sư Thích Trí Thiền (Sư đệ) và cho các đệ tử xuất gia, tại gia dấn thân vào đường cứu quốc. Đương thời, ngài được mọi người tôn xưng là “Hòa thượng Cai Bường”; tác phẩm: Kinh Giải Thâm Mật; Ẩm Băng Thất; Thiên Địa Khí Vận Đồ; Đông Y Nam Dược. Ngài xả báo thân ngày mồng 10 tháng 2 năm Mậu Tý (20-3-1948), thọ 69 năm, 48 hạ lạp; nguyên, trú quán Lấp Vò, nay tỉnh Đồng Tháp - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 3.
- Thích Đồng Phước (1895-1968), Hòa thượng, pháp danh Chơn Thông, pháp tự Đạo Đạt, pháp hiệu Đồng Phước, đời thứ 40 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 7 pháp phái Chúc Thánh. Ngài thế danh Huỳnh Thanh Liễn, sinh năm Ất Mùi (1895) tại xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, Quảng Nam. Ngài xuất gia với Hòa thượng Hoằng Cam tại tổ đình Cổ Lâm. Sau năm 1945, ngài kế thừa trụ trì chùa Cổ Lâm và trùng tu chùa vào năm 1954. Ngài đảm nhận chức Đặc trách Tăng sự huyện Đại Lộc trong tổ chức GHTG Quảng Nam. Thời ngài trụ trì, chùa Cổ Lâm vô cùng hưng thịnh. Ngài viên tịch ngày 27 tháng Giêng năm Mậu Thân (1968), thọ 72 tuổi. Đệ tử có các vị như: Cố HT Thích Như Khương; Cố HT Thích Như Thọ... Ngài nguyên, trú quán tại Quảng Nam - Thích Như Tịnh sưu khảo.
- Thích Hưng Phước (1884-1974), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 42, đệ tử HT Thanh Đức - Tâm Khoan - chùa Thiên Thọ Báo Quốc - Thuận Hóa, pháp danh Trừng Diên, pháp tự Vạn Sanh, pháp hiệu Hưng Phước. Năm 1925, ngài lập thảo am ở làng An Cựu chuyên tu khổ hạnh. Năm 1939, ngài trùng kiến thảo am thành chùa Từ Hóa và hành đạo tại đây đến lúc viên tịch; nguyên quán Quảng Ngãi, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.
- Thích Nguyên Phước, Hòa thượng, pháp danh Nguyên Phước, pháp tự Chơn Lạc, pháp hiệu Minh Đức, đời pháp thứ 44 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 10 pháp phái Liễu Quán. Ngài thế danh Nguyễn Văn Khương, sinh năm Bính Tuất (1946) tại xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, Bình Định. Ngài xuất gia năm 1961 với HT Tâm Hoàn tại chùa Long Khánh, Quy Nhơn. Ngài thọ Tam đàn Cụ túc năm 1968 tại giới đàn chùa Long Khánh, do HT Phúc Hộ làm Đàn đầu. Năm 1981, ngài kế thừa trụ trì chùa Long Khánh. Hiện tại, ngài là viện chủ tổ đình Long Khánh - Quy Nhơn, Ủy viên Thường trực HĐTS GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Bình Định; nguyên, trú quán Bình Định.
- Thích Thiên Phước (?-1886), Hòa thượng, thế danh Nguyễn Văn Quý, trụ trì chùa Long Quang và chùa Pháp Vân, sau chùa đổi hiệu thành chùa Thiên Phúc, tức chùa Khoai theo cách gọi dân gian, là Quân sư cuộc khởi nghĩa của Đoàn Trưng và Đoàn Trực thời Tự Đức. Cuộc khởi nghĩa thất bại, ngài bị xử tội chết chung với các đồng chí. Xác ngài được Phật tử bí mật mang về an táng sau vườn chùa. Về sau, Hòa thượng Tịnh Khiết cải táng hài cốt của ngài về chôn trong khu đất chùa Quốc Ân ở xóm Hành; nguyên, trú quán Phú Xuân - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công PG Thuận Hóa.
- Thích Thiện Phước (1924-1986), Hòa thượng, tục gọi Đức Mẫu Trầu Bồng Lai, dòng Lâm Tế Gia Phổ đời 41, xuất gia với HT Bửu Đức - am Bửu Quang - Núi Dài - Châu Đốc, pháp danh Nhựt Ý, pháp hiệu Thiện Phước, thế danh Lê Minh Ý (Lê Văn Mười). Năm 1956, ngài về Long Sơn Cổ Tự (Tân Ba - Tân Uyên - Biên Hòa - nay thuộc tỉnh Bình Dương) cầu pháp với HT Hồng Ân - Trí Châu. Năm 1957, Hòa thượng là người sáng lập tông phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng. Do chiến tranh bom đạn đã phá hủy toàn bộ tổ đình Linh Sơn - Núi Dinh - Bà Rịa, ngài cùng các đệ tử di tản về thành phố Biên Hòa. Ngài xây dựng Nhứt Nguyên Bửu tự để xương minh Tịnh độ, xiển dương chánh pháp. Ngày mồng 8 tháng 8 hằng năm, nơi đây có mở khóa niệm Phật “Bá Nhựt Trì Danh” cầu sanh Tịnh độ cho đến ngày 17 tháng 11 âm lịch - ngày vía đức Phật A Di Đà - bế giảng khóa niệm Phật. Ngài xây dựng rất nhiều tự viện và thành lập 9 Ban Nông Thiền tại các tự viện: chùa Long Phước Thọ, Quan Âm Tu viện, Bửu Hoa Ni viện, Nhứt Nguyên Bửu tự, Dĩ An, Long Sơn Cổ tự, tổ đình Linh Sơn 1, tổ đình Linh Sơn 2, Tịnh xá Thắng Liên Hoa, để khuyến khích tập thể Tăng ni lao động sản xuất, tự túc kinh tế. Ngài viên tịch ngày 30 tháng 7 năm 1986, tại Quan Âm Tu viện; nguyên quán Long An, trú quán Bà Rịa, Đồng Nai - trang nhà www. phatgiao.vnn.net
- Thích Thiện Phước (1917-1994), pháp danh Nhựt Thọ, pháp hiệu Thiện Phước, thế danh Lê Bá Thọ, nguyên thành viên Ban trụ trì chùa Xá Lợi, trụ sở Trung ương Hội Phật học Nam Việt, nguyên trụ trì chùa Phật học Cần Thơ, nguyên Ủy viên Giáo dục Tăng Ni tỉnh Cần Thơ. Thường ngày, ngoài những thời khóa tụng niệm, ngài chuyên tọa thiền niệm Phật Hồng danh A Di Đà và kinh hành trì chú Đại Bi, trú dạ lục thời tinh tấn tu niệm, thường bố thí, cúng dường tịnh tài cho các Phật học viện và các Thiền viện, giới đức khiêm cung, theo gương hạnh Bồ tát Thường Bất Khinh. Mỗi khi có chư vị Tôn túc quang lâm, ngài gieo năm vóc thành kính đảnh lễ. Những năm tháng cuối đời, thân tứ đại suy yếu, nhưng lúc nào ngài cũng ung dung tự tại, tâm bình khí hòa, lòng nhân từ tỏa ra chung quanh khiến mọi quần chúng và Phật tử đến diện kiến đều kính mến; nguyên quán Sa Đéc, trú quán Cần Thơ - Thích Vân Phong biên khảo.
- Thích Thiện Phước (1930-1998), Hòa thượng, thế danh Nguyễn Bản, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 43, xuất gia với HT Tâm Nhơn - chùa Vĩnh Phước - Quảng Bình, pháp danh Đồng Quả, pháp tự Thiện Phước, pháp hiệu Nghiêm Tịnh. Năm 1952, được sự giúp đỡ của HT Trí Quang, ngài vào học khóa Trung đẳng tại PHV Báo Quốc - Huế. Năm 1957, ngài vào trú trì chùa Bửu Sơn, huyện Đức Trọng. Năm 1966, ngài trở về chùa Linh Sơn - Đà Lạt, đấu tranh cho sự bình đẳng tôn giáo. Năm 1982, ngài là Ủy viên Hoằng pháp, kiêm Ủy viên Hướng dẫn Nam nữ Phật tử. Năm 1997, ngài là Phó trưởng BTS GHPGVN tỉnh Lâm Đồng; nguyên quán Quảng Bình, trú quán Lâm Đồng - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.
- Thích Thiện Phước (1924-1999), Hòa thượng, thế danh Trần Đạo Thọ, xuất gia với HT Giác Nhiên - chùa Thiền Tôn - Huế, pháp danh Tâm Quảng, pháp hiệu Thiện Phước. Năm 1952, ngài thọ đại giới tại giới đàn chùa Báo Quốc. Năm 1956, ngài trụ trì chùa Phổ Đà - Đà Nẵng. Năm 1960, ngài trụ trì chùa Phổ Hiền - Cam Ranh - Khánh Hòa và làm Chánh Đại diện PG Cam Ranh. Năm 1963, ngài trụ trì chùa Sùng Ân và làm Chánh Đại diện PG Ninh Thuận. Năm 1972, ngài trở về Cam Ranh lập tịnh thất Thiện Thệ và tu niệm đến cuối đời. Ngài xả báo thân năm Kỷ Mão (1999), thọ 76 năm, 48 hạ lạp, tháp lập tại chùa Đại Giác - Cam Ranh; nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán Cam Ranh - Khánh Hòa - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa, tập 3.
- Thích Nữ Diệu Phương (1936-2007), Ni trưởng, thế danh Hồ Thị Tuân; lúc thiếu thời, quy y với HT Hưng Dụng - chùa Kim Tiên, được HT đặt pháp danh là Tâm Lan. Năm 1966, hội đủ nhân duyên xuất gia với Sư bà Đàm Hương - chùa Diệu Ấn, pháp tự Diệu Phương, pháp hiệu Giác Thảo. Năm 1975, ngài đăng đàn thọ Cụ túc giới tại tổ đình Từ Nghiêm. Ni trưởng phụ trách công tác từ thiện, ủy lạo vùng sâu vùng xa, thiên tai bão lụt. Năm 1992, Ni trưởng nhận Quản trị chùa An Lạc - TP Hồ Chí Minh cho đến cuối đời; nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán TP Hồ Chí Minh - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.
- Thích Huệ Phương (1922-2006), thế danh Phạm Văn Sinh, bí danh Bạch Vân, đệ tử Sư tổ Kim Huê (Luật sư Thích Chánh Quả), dòng thiền Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 40, pháp danh Chân Tín, hiệu Huệ Phương. Ngài khai sơn Tam Bảo tự - Nha Mân - Châu Thành - Đồng Tháp. Ngài cùng thời với các vị tôn túc Thiện Hòa, Thiện Hoa, Bửu Đạt, Chánh Viên... theo học PHĐ Báo Quốc - Huế. Khi về miền Nam, ngài kết nghĩa với các vị Hòa thượng Minh Nguyệt, Thiện Hào... tổ chức Hội Phật giáo Cứu quốc với bí danh Bạch Vân, là Phó trưởng Hội Phật giáo Cứu quốc khóa đầu, cơ quan đặt tại chùa Ô Môi - Đồng Tháp Mười. Sau ngày miền Nam giải phóng, ngài đảm nhiệm trụ trì chùa Bửu Quang - Sa Đéc và làm Chánh Văn phòng BTS PG tỉnh Đồng Tháp. Về sau, ngài được cung thỉnh làm Chứng minh BTS PG Đồng Tháp; nguyên, trú quán Sa Đéc, Đồng Tháp - Thích Vân Phong biên khảo.
- Thích Liên Phương, Hòa thượng, sinh năm 1931 tại Quảng Ngãi, quy y thế phát với tổ Khánh Anh, pháp danh là Như Lý, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 41, được tổ Khánh Anh cho vào Nam tu học tại Phật học đường Lưỡng Xuyên, Trà Vinh. Sau đó, ngài lên Sài Gòn học tại Phật học đường Chánh Giác. Tại đây, ngài cầu pháp với HT Thích Hành Trụ, được đặt pháp hiệu là Đắc Nhẫn. Sau đó, ngài về lưu trú tại chùa Phật học Xá Lợi. Ba năm sau, ngài rời chùa Xá Lợi, đến núi Dinh ở Bà Rịa lập chùa Văn Thù Phật Đỉnh và chuyên tu trên núi đến nay. Tuy tuổi khá cao nhưng ngài vẫn khỏe mạnh, minh mẫn - theo lời kể của Hòa thượng.
- Nguyễn Quang Phương, sinh năm 1967, Cư sĩ, thành viên Trung tâm Nghiên cứu PGVN Văn phòng miền Bắc, Giám đốc nhà in Nguyễn Lâm - Hà Nội, phụ trách in Đại tạng kinh PG Nam truyền, và các ấn phẩm kinh sách PG, tham gia nhiều Phật sự; nguyên quán Hải Dương, trú quán Hà Nội.
- Thích Thiền Phương (1879 -1049), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 41, xuất gia với tổ Pháp Tạng - chùa Phước Sơn, pháp danh Như Đắc, pháp tự Giải Tường, pháp hiệu Thiền Phương. Năm 1898, ngài được bổn sư cử làm trụ trì tổ đình Phước Sơn - Đồng Tròn - Phú Yên. Ngài có công trùng hưng các tổ đình Từ Quang và Bửu Sơn, Phước Sơn, và thành lập PHĐ gia giáo đào tạo thế hệ danh tăng kế thừa. Năm 1937, trong phong trào chấn hưng, Hội Phật học Thừa Thiên (Huế) đã cung thỉnh ngài làm Chứng minh đạo sư toàn kỳ của PG Trung Việt. Ngài có công đào luyện những bậc Tăng tài lỗi lạc khả kính như: HT Phúc Hộ, HT Phước Bình (Hành Trụ), Phước Trí, Phước Cơ, Phước Ninh...; nguyên, trú quán Phú Yên - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 1.
- Thích Thông Phương, Thượng tọa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thiền học Bắc truyền, trực thuộc Viện Nghiên Cứu Phật học Việt Nam, Phó Ban Quản trị Thiền phái Trúc Lâm, trụ trì các thiền viện: Trúc Lâm Phụng Hoàng - Đà Lạt, Trúc Lâm Yên Tử - Quảng Ninh và Trúc Lâm Chánh Giác - Tiền Giang; nguyên quán Bình Chánh - TPHCM, trú quán Lâm Đồng.
- Thích Từ Phương (1946-2005), Hòa thượng, thế danh Phạm Bá Nguyên, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 44, xuất gia với HT Thiện Hỷ - chùa Tây Thiên, pháp danh Nguyên Không, pháp tự Từ Phương. Năm 1974, ngài làm Chánh Đại diện PG quận Nam Hòa và trụ trì chùa Kim Đài - Huế. Năm 1980, ngài được sơn môn cử làm tọa chủ tổ đình Tây Thiên, đồng thời là Chánh Đại diện PG huyện Phú Lộc. Năm 2002, ngài là Ủy viên HĐTS, kiêm Phó Trưởng Ban Nghi lễ TW GHPGVN; nguyên, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.
- Bích Phượng, Ca sĩ, Phật tử, sinh năm 1964, con gái út của Nghệ sĩ Nhân dân Út Trà Ôn, quy y với HT Thích Trí Quảng, pháp danh Diệu Dung. Bích Phượng đóng góp nhiều cho văn nghệ PG qua làn điệu cổ nhạc và dân ca mang âm hưởng dân tộc và PG. Bích Phượng thu băng hàng chục bộ kinh Phật giáo phục vụ cộng đồng, tham gia hầu hết các công việc Phật sự khi có yêu cầu; nguyên quán Trà Ôn - trú quán TP Hồ Chí Minh.
- Châu Phượng (1914-1988), Hòa thượng, pháp danh Suvanna Kesara Châu Phượng, xuất gia làm Sa di năm 1926 với HT Tăng Suông tại chùa Cù Là Mới - xã Minh Thuận - huyện Châu Thành - tỉnh Rạch Giá. Năm 1934, ngài thọ Tỳ kheo tại giới đàn chùa Khlang Mương - Minh Lương - Châu Thành - Rạch Giá, do HT Tăng Koông - trụ trì chùa làm Thầy tế độ. Năm 1942, ngài được chư Tăng và bổn đạo tín nhiệm giao chức Phó trụ trì chùa Cù Là Mới. Năm 1945, toàn quốc kháng chiến, ngài Châu Phượng hết lòng trợ giúp HT Tăng Chi - trụ trì chùa, tham gia kháng chiến, đại biểu Mặt trận Việt Minh tỉnh Rạch Giá. Năm 1956, ngài Châu Phượng hợp lực cùng HT Tăng Dư vận động Phật tử Khmer ủng hộ xây dựng lại chùa sau chiến tranh bị tàn phá đổ nát. Năm 1966, chùa hoàn thành và tổ chức lễ kiết giới Sìma trọng thể. Năm 1974, ngài chính thức trụ trì chùa Cù Là Mới. Ngày 9-6-1974, ngài mở cuộc họp với các HT Danh Nhưỡng, Đại đức Lâm Hùng, Đại đức Sơn Hải Sơn... để bàn và bố trí lực lượng tham gia cuộc biểu tình ngày 10-7-1974, đấu tranh trực diện chống chính quyền Sài Gòn đã bắt 10 vị sư đi dự lễ hỏa táng Sư Danh Con. Các vị sư chùa Cù Là Mới đã lên đường đấu tranh quyết liệt trong cuộc đấu tranh này. Năm 1975, sau ngày đất nước thống nhất, mặc dù tuổi đã cao, nhưng ngài vẫn nhiệt tình lo cho sự nghiệp kế thừa Tam bảo, đã mở nhiều lớp đào tạo Pali ngữ và văn hóa cấp 2, cấp 3 để chư Tăng dễ dàng hòa nhập với trình độ phát triển chung của đất nước. Ngài xả báo thân năm 1988, thọ 74 năm, 53 tuổi đạo; nguyên, trú quán Rạch Giá - Kiên Giang - Danh Sol cung cấp.
Tin tức khác
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 26 – THÁNG 10 NĂM 2018 (PL. 2562)
Bình luận bài viết