NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN Q
Q
- Thích Chánh Quả (1885-1958), Hòa thượng, Pháp sư, Luật sư, thế danh Phạm Văn Ngưu, xuất gia năm 1915 với HT Như Nhãn Từ Phong, dòng Lâm Tế Đạo Mẫn đời 40, pháp danh Chánh Quả, pháp hiệu Ngộ Giác. Năm 1929-1950, ngài trụ trì chùa Kim Huê - Sa Đéc và mở đạo tràng gia giáo đào tạo nhiều thế hệ Tăng Ni. Năm 1932, ngài là hội viên sáng lập Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học và Lưỡng Xuyên Phật học (1937). Năm 1946, ngài thành lập Phật học Ni viện chùa Phước Huệ - Sa Đéc. Năm 1948, ngài khai đại giới đàn cho học Tăng tại PHĐ chùa Kim Huê. Năm 1956, ngài xả báo thân ngày 13 tháng Giêng năm Bính Thân, thọ 76 tuổi, 40 hạ lạp; nguyên quán Vĩnh Long, trú quán Sa Đéc - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.
- Thích Chơn Quả (1919-2012), Hòa thượng, thế danh Trần Thê, xuất gia năm 1948 với HT Tịnh Khiết - chùa Tường Vân - Huế, pháp danh Tâm Từ, pháp tự Chơn Quả. Năm 1952, ngài thọ đại giới tại tổ đình Báo Quốc - Huế. Ngài chuyên tu hạnh viễn ly, một đời thanh thoát chấp tác Phật sự chùa Tường Vân. Một câu nói ngài thường nhắc nhở mọi người “Chớ buông lung” như là câu cảnh tỉnh răn đời để mọi người cùng nhau đi đúng con đường giải thoát. Ngài dạo quanh chốn tổ hàng ngày nơi vườn chùa với chiếc gậy đỡ thân, hiện thân cho “một đời vô sự”, không vướng bận. Ngài xả báo thân ngày 16 tháng 4 năm Nhâm Thìn (06-4-2012), thọ 93 năm, 60 hạ lạp, tháp lập nơi khuôn viên tổ đình Tường Vân; nguyên, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa, tập 3.
- Thích Giác Quả (1946-2015), Hòa thượng, thế danh Dương Đức Đăng, xuất gia năm 1960 tại tổ đình Kim Tiên - Huế, pháp danh Giác Quả. Năm 1970, ngài thọ Cụ túc giới tại giới đàn Vĩnh Gia - Đà Nẵng. Sau khi thọ giới, ngài vào Sài Gòn học cử nhân Phật học tại Viện Đại học Vạn Hạnh. Năm 1975, ngài về quê trụ trì chùa Bảo Lâm - Huế. Năm 1995, ngài làm giáo thọ sư Trường Trung cấp Phật học Thừa Thiên Huế. Khi Học viện PGVN tại Huế được thành lập, ngài được mời tham gia giảng dạy và trụ trì chùa Hồng Đức - Huế. Ngài xả báo thân năm Ất Mùi (2015), thọ 69 năm, 44 hạ lạp; nguyên, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa, tập 3.
- Thích Thiện Quả (1881-1962), Hòa thượng, Tăng cang, pháp danh Chơn Chứng, pháp tự Đạo Tâm, pháp hiệu Thiện Quả, đời 40 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 7 pháp phái Chúc Thánh. Ngài thế danh Dương Văn Y, sinh ngày 23 tháng Chạp năm Tân Tỵ (1881) tại xã Bình An, Thăng Bình, Quảng Nam. Ngài xuất gia với Hòa thượng Ấn Bính tại tổ đình Chúc Thánh, thọ Tỳ kheo năm Canh Tuất (1910) tại tổ đình Phước Lâm và được tổ Vĩnh Gia phú pháp hiệu Thiện Quả. Ngài được Sắc phong Tăng cang Tam Thai, Linh Ứng nhị tự năm Giáp Tuất (1934). Ngài làm Tôn chứng giới đàn Từ Hiếu, Huế (1924), giới đàn Từ Vân, Đà Nẵng (1928), Giáo thọ giới đàn Thạch Sơn, Quảng Ngãi (1934). Ngài vận động trùng tu chùa Chúc Thánh vào các năm 1929 và 1954. Ngài là Chứng minh đạo sư của Hội An Nam Phật học tỉnh Quảng Nam. Ngài viên tịch ngày mồng 6 tháng 7 năm Nhâm Dần (1962), thọ 82 tuổi. Đệ tử của ngài có nhiều vị thành danh như: HT. Thích Trí Giác; HT. Thích Trí Nhãn; HT. Thích Trí Minh; HT. Thích Như Vạn; HT. Thích Như Huệ... Ngài nguyên, trú quán tại Quảng Nam - Thích Như Tịnh sưu khảo.
- Thích Đổng Quán (1926-2009), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 42, thế danh Đỗ Châu Đức, xuất gia năm 1942 với HT Huyền Tân - chùa Thiền Lâm - Phan Rang, pháp danh Thị Quảng, pháp tự Hạnh Nhơn, pháp hiệu Đổng Quán. Năm 1943, ngài học lớp Phật học chùa Long Khánh - Quy Nhơn. Từ năm 1946-1953, ngài tu học tại chùa Hưng Long - Bình Định. Năm 1953, ngài cùng chư Tăng trẻ Bình Định thành lập Chúng Lục Hòa tại chùa Tịnh Liên - Bình Định. Năm 1954-1957, ngài theo học tại PHV Trung Phần - Nha Trang. Năm 1957, ngài thọ đại giới tại đại giới đàn chùa Long Sơn - Nha Trang, do HT Giác Nhiên làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1958, ngài trở về Bình Định cùng chư Tôn đức 12 vị, thành lập tu viện Nguyên Thiều, và là thành viên Ban Quản trị tu viện. Năm 1963, ngài làm Giám đốc Trường Trung học Bồ Đề Nguyên Thiều. Năm 1972, ngài trụ trì chùa Sắc tứ Thiên Hòa - Tuy Phước - Bình Định. Ngài đã tập trung nhiều công sức sưu tầm, nghiên cứu lịch sử phát triển của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh và biên soạn một số tác phẩm: Khái quát về Nhân minh Nhập chánh lý luận; Nhân minh luận giáo khoa; Kinh Kim Cang giáo khoa; Lược sử các tổ đình; Tiểu sử các vị Danh Tăng... Đồng thời, ngài cộng tác với Ban Biên soạn Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX. Năm 2004, ngài được môn phái Chúc Thánh suy cử làm Trưởng Ban Trùng tu tổ đình Chúc Thánh - Quảng Nam. Ngài xả báo thân ngày 26 tháng Giêng năm Kỷ Sửu (20-02-2009), thọ 84 năm, 53 hạ lạp; nguyên, trú quán Tuy Phước - Bình Định - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 3.
- Thích Nữ Thể Quán (1911-1982), Ni trưởng, xuất gia với Ni trưởng Diệu Hương - chùa Diệu Đức, được pháp danh là Thể Quán. Năm 1956, Ni trưởng đến tu học với Ni trưởng Diệu Không - chùa Hồng Ân và lập tịnh thất Hoàng Mai bên cạnh chùa, nhập thất 5 năm để trưởng dưỡng đạo nghiệp. Năm 1966, ngài cộng tác với Nguyệt san Liên Hoa và làm chủ biên tập san giáo dục thiếu nhi Sen Hồng. Năm 1971, ngài làm Giám luật Ni bộ Bắc tông tỉnh Thừa Thiên; tác phẩm: Kinh Diệu Pháp Liên Hoa; Tỳ kheo ni giới; Bồ tát giới; Liêu trai chí dị; Dấu xe muôn thuở; Lời trăng nước (thơ), Tăng ghé Hoàng Mai; Cảm tác; Ước nguyện; nguyên quán Quảng Trị, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.
- Thích Trung Quán (1918-2003), Hòa thượng. Ngài họ Vũ, xuất gia năm 1936 với HT Thích Đức Nhuận - chùa Quảng Bá - Hà Nội, pháp danh Thanh Quát, pháp hiệu Trung Quán. Năm 1938, ngài thọ đại giới tại chốn tổ Lãng Lăng - Nam Định, do HT Quy Minh làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1959, ngài được HT Thanh Tuất mời sang Lào và ngài đã mang PG Đại thừa vào xứ này. Ngài đã lập được 10 ngôi chùa ở xứ Lào; ngôi đầu tiên là chùa Phật Tích. Năm 1978, ngài được HT Chân Thường mời sang Pháp hành đạo. Nơi đây, ngài đã lập nên ngôi chùa Hoa Nghiêm ở ngoại ô Paris. Hơn 20 năm sống ở Pháp, ngài ngược xuôi hành đạo và tạo thêm 6 ngôi chùa ở xứ này. Ngài còn để tâm biên soạn dịch thuật rất nhiều tác phẩm, gồm có: Kinh Viên Giác; Kinh Nhân Vương Hộ Quốc; Vãng sinh luận; Kinh Hiền Ngu; Lịch sử đức Phật; Kinh Thiện ác Nhân quả; Kinh Dược Sư; Kinh Di Đà; Kinh Nghiệp báo Sai biệt; Kinh Phân biệt Thiện ác Báo ứng; Kinh Đại Chính Cú Vương; Kinh Ma Ha Nan Tư Tư; Kinh Cổ lai thế thời; Kinh Đại Thông Phương Quảng; Biện Minh Tu Chứng; Tịnh tọa pháp; Đại Trí Độ luận (10 quyển)... Ngài xả báo thân ngày 30 tháng 2 năm Quý Mùi (01-4-2003), thọ 86 năm, 66 hạ lạp; nguyên quán Nam Định, trú quán Pháp Quốc - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 3.
Tin tức khác
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 26 – THÁNG 10 NĂM 2018 (PL. 2562)
Bình luận bài viết