Thông tin

NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN Quang

Quang

 

- Thích Bửu Quang (1884-1947), Hòa thượng, Pháp sư, thuộc dòng Lâm Tế Chánh tông đời thứ 40, pháp húy Hồng Trí, pháp hiệu Bửu Quang, ấu niên xuất gia, đệ tử thiền sư Như Khả Chân Truyền, nhập chúng tu học với tổ Minh Hòa Hoan Hỷ, tổ đình Long Thạnh - Sài Gòn. Ngài là Pháp sư danh tiếng thời chấn hưng Phật giáo. Ngài trụ trì các tự viện Vạn Linh tự, Kim Liên tự - làng Bình Thủy - huyện Ô Môn - TP Cần Thơ. Ngài làm Đàn đầu Hòa thượng tại đàn giới chùa An Phước, núi Cô Tô - Châu Đốc, năm Kỷ Mão (1939); Đàn đầu Hòa thượng tại đàn giới chùa An Phước - núi Cô Tô, Châu Đốc, năm Quý Mùi (1943). Ngài nổi tiếng về tài hùng biện, nghệ thuật thuyết giảng, đào tạo giảng sư thế hệ kế thừa, đáng kể nhất là HT Nhật Minh, trụ trì Linh Sơn Cổ Tự - Cầu Muối - Sài Gòn... Ngài viên tịch vào ngày mồng 03 tháng 8 năm Đinh Hợi (17/9/1947); nguyên quán Sa Đéc, trú quán Cần Thơ - Thích Vân Phong biên khảo.

- Thích Chân Quang, Thượng tọa, thế danh Vương Tấn Việt, sinh năm 1958. Ngài khai sơn và trụ trì chùa Phật Quang - núi Dinh, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Ngài sáng lập Công ty TNHH Văn hóa Pháp Quang (một cơ sở của chùa tại 28 Hoàng Diệu, quận 10, TP HCM), tổ chức gần 40 đạo tràng, 18 Chúng thanh niên Phật tử tại nhiều tỉnh thành và 1 Hội Từ thiện, nhằm tạo môi trường để mọi người cùng nhau vừa tu tập vừa phụng sự cuộc sống. Hơn 30 năm thuyết giảng Phật pháp, ngài được sự đồng cảm của nhiều tầng lớp khác nhau. TT Chân Quang cũng đã sáng tác hơn 120 ca khúc về quê hương, đạo pháp, thiên nhiên, con người... Hiện nay, TT Thích Chân Quang là Phó Trưởng Ban Tài chính TW GHPGVN; nguyên quán Đồng Nai, trú quán Bà Rịa Vũng Tàu.

- Ni cô Diệu Quang (1936-1963), Thánh tử đạo, thế danh Ngô Thị Thu Minh, pháp danh Diệu Quang, pháp tự Minh Nguyệt. Ni cô đã tự thiêu tại Ninh Hòa - Khánh Hòa ngày 15-8-1963, lúc vừa 20 tuổi, để lại di bút cầu cho năm nguyện vọng của PG mau thành tựu. Chính quyền địa phương “tịch thu” di hài ni cô Diệu Quang đã tạo ra cuộc đấu tranh kịch liệt, 3 người bị thương và 200 người bị bắt giam - theo Biên niên sử PG Sài Gòn - Gia Định.

- Thích Diệu Quang (1917-1996), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 43, xuất gia năm 1931 với HT Vạn Ân - chùa Khánh Long, pháp danh Tâm Chuẩn, pháp tự Thiện Pháp. pháp hiệu Diệu Quang. Năm 1944, ngài thọ đại giới tại giới đàn chùa Thiên Đức - Bình Định, do HT Huệ Chiếu làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1945, ngài kế thừa trụ trì chùa Khánh Long - Phú Yên. Cùng năm này, ngài giữ chức Thư ký Hội PG Cứu quốc tỉnh. Năm 1965, ngài trụ trì chùa Ân Quang - Hòa Thành và Chánh Đại diện PG quận Hiếu Xương. Năm 1973, ngài trụ trì thêm chùa Hồ Sơn - Tuy Hòa. Năm 1975, ngài về trùng kiến và trụ trì chùa Hương Tích. Ngài xả báo thân ngày 18 tháng 8 năm Bính Tý (28-10-1996), thọ 80 năm, 55 tuổi đạo; nguyên, trú quán Phú Yên - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.

- Đắc Quang (1876-1947), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 42, đệ tử HT Như Hán - Thanh Hy - chùa Linh Mụ, pháp danh là Như Đông, pháp tự Thanh Khoán, pháp hiệu Đắc Quang. Ngài là em út trong ba anh em: Đắc Ân, Đắc Hậu, Đắc Quang. Sau khi sư huynh Đắc Ân viên tịch năm 1936, sơn môn cử ngài làm Tăng cang chùa Linh Mụ và trụ trì chùa Quốc Ân; Hội An Nam Phật học cung thỉnh ngài vào ngôi Chứng minh đạo sư cho Hội; nguyên quán Quảng Bình, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiều đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Minh Đăng Quang (1923-1954), Tổ sư khai sáng hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam, thế danh Nguyễn Thành Đạt. Năm 1937, bước đầu tu học ở Campuchia; sau đó, ngài về Việt Nam khai sáng hệ phái năm 1944 tại Mỹ Tho. Ngài kết hợp và dung hòa giữa hai hệ phái Bắc tông và Nam tông để lập nên hệ phái PG Khất sĩ Việt Nam, gồm nhiều giáo đoàn, hoạt động rộng khắp Nam bộ và Trung bộ; tác phẩm: Chơn Lý; Bồ Tát Giáo; nguyên quán Vĩnh Long, trú quán khắp lục tỉnh Nam kỳ và vắng bóng ở Cái Vồn, huyện Bình Minh, Vĩnh Long - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 1.

- Thích Định Quang (1924-1999), Hòa thượng, xuất gia năm 1941 với HT Hồng Phước - chùa Phước Long, pháp danh Nhựt Kiến, pháp hiệu Không Tâm, dòng Lâm Tế Gia Phổ đời 42. Năm 1945, ngài thọ đại giới tại giới đàn chùa Giác Hoa - Long Xuyên. Năm 1948, ngài tham gia tổ chức Thanh niên Tiền phong và PG Cứu quốc Nam bộ. Năm 1957, ngài tham dự khóa “Như Lai Sứ Giả” do Giáo hội Tăng già Nam Việt tổ chức tại chùa Pháp Hội- Sài Gòn. Năm 1959, ngài trụ trì chùa Huỳnh Kim - Gò Vấp. Năm 1960, ngài cầu pháp với HT Minh Đức, chùa Thiên Tôn - Chợ Lớn, có pháp danh Tâm Chỉnh, pháp hiệu Định Quang. Năm 1964, ngài lần lượt giữ các chức vụ: Chánh Đại diện GHPGVNTN tỉnh Gia Định; Phó Tổng Vụ trưởng Tài chánh Kiến thiết; Đặc ủy Tăng sự tỉnh Gia Định. Năm 1969, ngài sáng lập và làm Giám viện Phật học viện Huệ Quang- chùa Huỳnh Kim và xây dựng Trường Bồ Đề Huệ Quang. Năm 1997, ngài được cung thỉnh làm Thành viên HĐCM GHPGVN và Phó BTS THPG TP Hồ Chí Minh. Cùng năm này, ngài làm Trưởng Ban Thừa kế tổ đình Thiên Thai - Bà Rịa. Ngài xả báo thân ngày mồng 7 tháng 9 năm Kỷ Mão (15-9-1999), thọ 76 năm, 51 mùa an cư; nguyên quán Lấp Vò - Long Xuyên, trú quán TP Hồ Chí Minh - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.

- Thích Đỗng Quang (1928-2014), Hòa thượng, viện chủ chùa Quan Âm - Pleiku, Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN, nguyên Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Gia Lai - Kon Tum, Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Gia Lai. Ngài xả báo thân ngày mồng 8 tháng Giêng năm Giáp Ngọ (05-02-2014), thọ 90 năm, 63 hạ lạp; nguyên quán Bình Định, trú quán Pleiku - Gia Lai - trang nhà www.giaohoiphatgiaovietnam.vn

- Thích Gia Quang, Hòa thượng, Tiến sĩ, sinh năm 1954, thế danh Đồng Văn Thu, Phó Chủ tịch HĐTS TW GHPGVN, Viện trưởng Phân Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội, Trưởng Ban Thông tin truyền thông TW GHPGVN, trụ trì chùa Liên Phái - Hà Nội; tác phẩm: Phật giáo chính tín (đồng dịch giả, NXB Văn hoá thông tin, 1992); Chùa Liên Phái, (đồng tác giả, NXB Tôn giáo, 2008); nguyên quán Ý Yên - Nam Định, trú quán Hà Nội.

- HT Giác Quang (1895-1967), Hòa thượng, Sư Cả, hệ phái Nam Tông Việt Nam, thế danh Dương Văn Thêm. Năm 1940, ngài sang Campuchia xuất gia học đạo. Năm 1945, ngài trở về Sài Gòn lập chùa Giác Quang ở Bình Đông - Chợ Lớn, trụ trì và đào tạo nhiều thế hệ tăng sĩ PG Nam Tông Việt Nam. Ngài cùng với các HT hệ phái Nam Tông đứng ra thành lập Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam. Năm 1957, ngài được suy cử chức Cố vấn Ban Chưởng quản Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam; nguyên quán Gia Định, trú quán Chợ Lớn - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 1.

- Thích Giác Quang (1891-1969), Hòa thượng, tốt nghiệp Trường Cơ khí Á châu (L' école des Mécaniciens Asiatiques - dân gian thường gọi Trường Bá Nghệ), thế danh Phạm Văn Vọng. Ngài đọc và viết làu thông Hán Nôm lẫn Pháp ngữ. Ngài xuất gia với Trưởng lão HT Quảng Tự - Thiện Quả ở Nam Vang, được ban pháp danh Thục Chơn, pháp hiệu Giác Quang: “Giác ngộ chân truyền thông Bát nhã; Quang huy ấn chứng đạt Kim Cang”. Y chỉ cầu pháp với Trưởng lão HT Hồng Huệ - Đức Minh, ngài được pháp tự Phước Dụng. Ngài khai sơn tạo tự các ngôi Tam bảo: Kim Bửu Tự, Tân Dương - Sa Đéc; Thất Bửu Tự - Long Xuyên; Thất Bửu Tự (chùa Phật Nhỏ) - núi Cấm - Châu Đốc; chùa Bổn Nguyện, chùa Tam Bảo, chùa Liên Trì, chùa Trúc Lâm - Gò Vấp... Ngài đã dìu dắt gia đình tộc họ đều quy hướng Phật đạo; bạn đời của ngài là Ni trưởng Thích nữ Diệu Tịnh, pháp húy Thục Thanh; những người con của ngài trở thành Cư sĩ tại gia, xuất gia và tham gia kháng chiến chống giặc ngoại xâm: con cả Phạm Duy Thạch, pháp danh Đồng...; Phạm Ngọc Sanh, pháp danh Diệu Thành; Phạm Thị Đông, pháp danh Trí Tín (tham gia Cách mạng, được khen thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhất); Phạm Thơ Hương, pháp danh Viên Chúc; Phạm Hữu Hạnh, pháp danh Diệu Liên; Phạm Hữu Đức, pháp danh Đồng Bổn, hiệu Thông Trí, (do HT Hành Trụ ban pháp danh) trụ trì Trúc Lâm tự - Gò Vấp; Phạm Thị Bạch Liên, pháp danh Diệu Thông - hiệu Huyền Trang “vị danh ni Biệt động Sài Gòn”; Phạm Thị Minh Tâm, pháp danh Diệu Lượng; Phạm Trí Huệ, pháp danh Thục Minh (Giác Tánh)... Các đệ tử xuất gia như: Viên Giác “Trưởng tử”, Viên Phú “Thứ tử”, Viên Căn, Viên Trí, Viên Minh, Viên Ngộ, Viên Tâm, Viên Đạo, Viên Hảo, Viên Chơn, Viên Tài, Viên Lộc, Viên Hòa, Viên Phước, Viên Nguyên, Viên Nghiêm... Ngài đã góp phần vào công cuộc chống giặc ngoại xâm, kháng Pháp chống Mỹ cứu nước, giáo dục đào Tăng Ni tài, xây dựng cơ sở tự viện Phật giáo (tất cả cơ sở tự viện của ngài đều là nơi nuôi giấu chiến sĩ cách mạng, quân lương, y tế...). Ta bà quả mãn, ngài viên tịch ngày 21 tháng 4 năm Kỷ Dậu (05-6-1969), thọ 79 tuổi; nguyên quán Biên Hòa, trú quán Sa Đéc - Thích Vân Phong biên khảo.

- Thích Giác Quang, Hòa thượng, sơn môn Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, thế danh Đàm Hữu Phước. Năm 1957, khi còn tại gia, ngài quy y với HT Quảng Đức - chùa Long Phước - Cai Lậy, xuất gia năm 1960 với HT Thiện Phước - tổ đình Linh Sơn - Bà Rịa, pháp danh Giác Quang, pháp húy Trung Phước, pháp tự Nhuận Đức, pháp hiệu Nhựt Nguyệt Quang. Năm 1962-1965, ngài học tại PHĐ Tây Phương Bồng Đảo. Năm 1966, ngài thọ Tỳ kheo giới tại Liên Tông Tự - Sài Gòn, do HT Thích Hồng Ảnh chứng truyền. Năm 1968, ngài làm Phó Hiệu trưởng, kiêm giáo viên Trường Trung Tiểu học Lâm Tỳ Ni - Biên Hòa. Năm 1970, ngài làm Trưởng Ban Giáo dục tông phái Khất sĩ Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng. Năm 1975, ngài làm Tổng Thư ký Quan Âm tu viện và Cô nhi viện Phước Lộc Thọ. Năm 2001, ngài làm Trưởng Ban Nghệ thuật Hội đồng Tông phong Tịnh Độ Non Bồng. Năm 2006, ngài làm Phó trụ trì Quan Âm tu viện. Năm 2007-2012, ngài là Chánh Thư ký Tỉnh hội PG Đồng Nai. Năm 2012-2017, ngài là Ủy viên HĐTS GHPGVN, Ủy viên Ban Tăng sự TW, Phó Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai. Ngài quản lý thư viện và các trang nhà thuộc hệ thống Tịnh Độ Non Bồng, như: phatgiao.vnn.com; tinhdononbong.com; linhsonphatgiao,com; nguyên quán Cai Lậy - Tiền Giang, trú quán Biên Hòa - Đồng Nai - trang nhà www.phatgiao.vnn.com

- Thích Hoàn Quan (1928-2005), Hòa thượng, thế danh Phạm Ngọc Thơ, xuất gia năm 1942 với tổ Khánh Anh - chùa Phước Hậu - Trà Ôn, pháp danh Như Cụ Thiện, pháp tự Giải Toàn Năng, pháp hiệu Hoàn Quan. Năm 1950, ngài theo học tại PHĐ Nam Việt - chùa Ấn Quang. Năm 1955, ngài thọ Cụ túc giới tại giới đàn chùa Ấn Quang, do HT Đôn Hậu làm Đàn đầu truyền giới. Sau khi thọ giới, ngài được cử làm Giáo thọ giảng dạy các PHV và PHĐ Nam Việt. Năm 1960, ngài làm Đốc giáo PHĐ Phước Hòa - Trà Vinh. Từ năm 1964-1975, ngài là Giáo thọ sư các PHV: Huệ Nghiêm, Huỳnh Kim, Hải Tràng, Dược Sư, Từ Thuyền, Bồ Đề Lan Nhã... Năm 1964, ngài khai sơn và trụ trì chùa Khánh Vân - quận 11 (nay thuộc TPHCM). Năm 1996, ngài giao chùa lại cho HT Nguyên Ngôn để chuyên tâm dịch thuật, biên soạn; tác phẩm của ngài, gồm: Phật Tổ Ngũ Kinh; Luật Trường Hàng văn vần; Tu tập Chỉ quán tọa thiền pháp yếu; Hiển Mật Viên Thông Tâm Yếu thành Phật; Tam Thập tụng luận; Văn Phạm Cung yếu; Tân học Quốc văn; Nghi lễ... Ngài xả báo thân ngày 17 tháng 6 năm Ất Dậu (22-7-2005), thọ 78 năm, 58 hạ lạp; nguyên quán Quảng Ngãi, trú quán TP Hồ Chí Minh - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 3.

- Hồng Quang, Cư sĩ, thế danh Bùi Kha, bút danh: Nguyễn Kha, Nguyễn Đăng Lâm, Hồng Ngọc... Sinh năm 1949, du học Hoa Kỳ năm 1974. Một trong những sáng lập viên Hội Từ thiện và báo Giao Điểm; tác phẩm: Nguyễn Trường Tộ Sau Bức Màn Canh Tân; Colonialism & Catholicism in the French Occupation of VietnamAlexandre de Rhodes, Chữ Quốc Ngữ Và Quan Điểm Chính Trị;  Tuyển tập Bùi Kha: Alexandre de Rhodes, Trương Vĩnh Ký, Trần Lục, Ngô Đình Diệm... Ông đã viết nhiều bài báo thuộc loại khảo cứu, tham luận, đối luận, dưới nhiều bút danh khác nhau, đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước: Những đại pháp nạn của Phật giáo Việt Nam; Phật giáo trong thế kỷ mới; Vài nét về Phật giáo Tây phương để suy nghĩ về mười vấn đề cấp thiết của Phật giáo Việt Nam;Năm ước mơ của một Phật tử và mười điều cấp thiết mà Phật giáo Việt Nam không thể thiếu; Phật giáo có hại cho việc phát triển kinh tế?; nguyên quán Quảng Trị, trú quán Hoa Kỳ - Thích Vân Phong biên khảo.

- Chương Tư Huệ Quang (?-1873), Hòa thượng, tổ sư, pháp danh Chương Tư, pháp tự Tuyên Văn, pháp hiệu Huệ Quang, đời thứ 38 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 5 pháp phái Chúc Thánh. Ngài thế danh Đặng Văn Quang, sinh quán tại xã Đức An, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ngài xuất gia từ nhỏ với tổ Toàn Nhâm Quán Thông tại chùa Phước Lâm, Hội An. Sau đó, ngài vào tham học với tổ Toàn Đức Thiệu Long tại chùa Khánh Long, Phú Yên, đắc pháp với hiệu Huệ Quang. Năm Tân Dậu (1861), ngài được triều đình cử làm trụ trì chùa Linh Ứng. Năm sau, Nhâm Tuất (1862), được cử làm trụ trì chùa Tam Thai thế ngài Hoằng Ân viên tịch. Năm Kỷ Tỵ (1869), ngài được cung thỉnh làm Đàn đầu truyền giới tại chùa Phước Lâm, Hội An. Ngài viên tịch vào ngày 22 tháng 6 năm Quý Dậu (1873), tháp lập tại phía Nam ngọn Âm Hỏa Sơn trong núi Ngũ Hành. Đệ tử tiêu biểu có ngài Ấn Bổn Vĩnh Gia. Ngài sinh quán tại Quảng Nam, trú quán tại Đà Nẵng - Thích Như Tịnh sưu khảo.

- Thích Huệ Quang (1888-1956), Hòa thượng, thế danh Nguyễn Văn Ân. Năm 1902, ngài xuất gia với HT Thiện Trí - chùa Long Thành - Trà Cú, được pháp danh là Thiện Hải. Ngài được bổn sư cho về trụ trì chùa Long Hòa - Tiểu Cần. Năm 1919, ngài đắc pháp với HT Từ Vân - tổ đình Tân Long - Cao Lãnh, được pháp hiệu là Huệ Quang. Năm 1928, khi phong tràn chấn hưng PG nở rộ, ngài đã cùng chư tôn đức đồng chí hướng hiệp lại thành lập Hội Lục Hòa, ý muốn mở Phật học viện và thư xã. Năm 1931, ngài và chư tôn đức hợp sức với hàng Cư sĩ thành lập Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học tại chùa Linh Sơn - Cầu Muối. Năm 1934, ngài và chư tôn đức rút lui khỏi Hội NKNCPH, về Trà Vinh lập Liên đoàn Phật học xã, sau đó tiến đến thành lập Hội Lưỡng Xuyên Phật học và ngài giữ chức Tổng lý Hội Lưỡng Xuyên Phật học, chủ nhiệm tạp chí Duy Tâm. Năm 1951, Tổng hội PGVN ra đời, đến năm 1953, ngài được cung thỉnh ngôi Pháp chủ Giáo hội Tăng Già Nam Việt. Năm 1956, ngài được suy cử Phó Hội chủ Tổng Hội Phật giáo Việt Nam và làm chủ nhiệm tạp chí Phật giáo Việt Nam. Tháng 11 năm 1956, ngài tham dự hội nghị Phật giáo thế giới tại Nepal và viên tịch tại New Delhi - Ấn Độ; nguyên quán Trà Vinh, trú quán Sài Gòn - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 1.

- Thích Huệ Quang (1927-2009), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chánh Tông đời 41, thế danh Dương Quyền, xuất gia năm 1942 với HT Nhơn Thiện - chùa Đông Phước - Nha Trang, pháp danh Không Hành, pháp tự Từ Tâm, pháp hiệu Huệ Quang. Năm 1952, ngài thọ Cụ túc giới tại giới đàn chùa Thiên Bửu - Ninh Hòa, do HT Trí Thắng làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1960, ngài kế thế trụ trì chùa Đông Phước và được HT Bích Lâm - tổ đình Nghĩa Phương phú pháp làm pháp tử đầu tiên môn phong Nghĩa Phương. Năm 1966, ngài là Phó Tăng trưởng PG Cổ truyền tỉnh Khánh Hòa. Năm 1968-1975, ngài là Tăng trưởng PG Cổ truyền tỉnh Khánh Hòa. Từ năm 1970-1973, ngài kiêm chức Tổng Thư ký Ban Đại diện PG Cổ truyền Trung phần. Từ năm 1972-1975, ngài lập Trường Tiểu học Bát Nhã ở cạnh chùa để dạy dỗ con em Phật tử. Sau khi đất nước thống nhất, GHPGVN thành lập năm 1981, ngài được đề cử vào: - Từ năm 1982, Ủy viên Ban Hoằng pháp PG tỉnh Phú Khánh. - Năm 1991-1996, Trưởng Ban Hoằng pháp BTS PG tỉnh Khánh Hòa. - Năm 2007, ngài được suy tôn Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN. Ngài biên soạn tác phẩm: Nghi thức Thiền môn Chánh độ; Lịch sử chùa Đông Phước, và rất nhiều liễn đối cho các tự viện trong tỉnh. Ngài xả báo thân ngày 10 tháng 7 năm Kỷ Sửu (2009), thọ 83 năm, 57 hạ lạp; nguyên, trú quán Khánh Hòa - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 3.

- Thích Huyền Quang (1920-2008), Hòa thượng, Đệ nhất Hành chính Sự nghiệp GHPGVNTN, thế danh Lê Đình Nhàn, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 41, xuất gia với HT Chơn Đạo - chùa Vĩnh Khánh - Bình Định, được pháp danh Như An, pháp tự Giải Hòa. Năm 1937, ngài cầu pháp với HT Chơn Giám, hiệu Trí Hải - chùa Bích Liên, được pháp danh Ngọc Tân, pháp tự Tịnh Bạch, pháp hiệu Huyền Quang. Năm 1938-1945, ngài theo học PHĐ Lưỡng Xuyên - Trà Vinh, sau đó tiếp tục ra Huế học PHĐ Báo Quốc. Năm 1945, ngài là Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội PG Cứu quốc Liên khu 5. Năm 1955, ngài là Giám đốc PHĐ Long Sơn - Nha Trang. Năm 1958, ngài cùng chư tôn đức Bình Định khai sơn tu viện Nguyên Thiều và ngài làm Giám viện cho đến cuối đời. Năm 1962, ngài là Phó Hội trưởng Hội Phật học Trung phần, kiêm Hội trưởng Hội PG Thừa Thiên Huế. Năm 1963, ngài là Tổng Thư ký Ủy ban Liên phái Bảo vệ PG. Năm 1964, GHPGVNTN thành lập, ngài làm Tổng Vụ trưởng Tổng Vụ Cư sĩ. Năm 1974, ngài là Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo. Năm 1994, ngài được PG hải ngoại suy tôn là Đệ tứ Tăng thống GHPGVNTN, bản thân ngài ở chùa Quang Phước - Quảng Ngãi biên soạn hoàn tất bộ Pháp Sự Khoa Nghi và dịch một số kinh khác. Cuối đời, ngài về lại tu viện Nguyên Thiều tập trung tu niệm; tác phẩm: Thiền Môn Chánh Độ; Sư Tăng và thế nhơn; Nghi cúng Tổ và chư vị Cao Tăng; Đạo tràng công văn tân soạn; Thiếu thất lục môn; Phật pháp hàm thụ; Pháp sự khoa nghi (3 tập); Nghi thức cúng Giao Thừa; Phật pháp áp dụng trong đời sống hằng ngày... Ngài xả báo thân ngày 5 tháng 7 năm 2008, thọ 89 năm, 69 hạ lạp; nguyên quán Bình Định, trú quán Quảng Ngãi - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 3.

- Thích Mỹ Quang (1940-2004), Hòa thượng, pháp danh Thị Ngộ, pháp tự Hạnh Viên, pháp hiệu Mỹ Quang, đời thứ 42 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 9 pháp phái Chúc Thánh. Ngài thế danh Lê Đức Thơ, sinh năm Canh Thìn (1940) tại làng Mân Quang, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng. Năm 1949, ngài xuất gia với Hòa thượng Như Khoan Bảo Toàn tại chùa Sắc tứ Từ Vân, Đà Nẵng. Ngài có một thời gian dài theo học khoa Du Già với chư tôn túc tại Thừa Thiên - Huế. Ngài thọ đại giới năm 1964, trụ trì chùa Hải Hội, Sơn Trà (1964-1966), trụ trì chùa Tỉnh hội Đà Nẵng (1966-1972) và kiêm nhiệm trụ trì Sắc tứ Từ Vân. Sau năm 1972, ngài vào Nam trụ trì chùa Báo Ân, sau đó là chùa Phú Hòa, quận Tân Bình cho đến ngày viên tịch. Ngài là một vị Gia trì sư nổi tiếng khắp 2 miền Trung - Nam, Phó Trưởng Ban Nghi lễ TW GHPGVN. Ngài viên tịch năm Giáp Thân (2004), nhập tháp tại tổ đình Vạn Đức, sau cải táng về tổ đình Chúc Thánh. Đệ tử nối pháp có các vị như: Đồng Mẫn Thông Niệm; Đồng Trí Thông Đức... Ngài nguyên quán Đà Nẵng, trú quán TP. Hồ Chí Minh - Thích Như Tịnh sưu khảo.

- Thích Nhật Quang (1849-2013), Hòa thượng, thế danh Trần Văn Trừ, xuất gia năm 1952 với Ni trưởng Như Thanh - chùa Hội Sơn - Thủ Đức, được pháp danh Nhật Quang. Năm 1958, ngài y chỉ với HT Thiện Hòa - chùa Ấn Quang, được pháp tự Thiện Trí, pháp hiệu Minh Quang. Năm 1964, ngài thọ đại giới tại giới đàn chùa Ấn Quang, do HT Thiện Hòa làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1970, ngài được tặng thưởng Bằng khen xuất sắc do Hội Giáo sư Toán học Việt Nam và Tổng Vụ Văn hóa GHPGVNTN đồng tổ chức, và giảng dạy môn toán tại các trường Trung Tiểu học Bồ Đề Sài Gòn, Chợ Lớn. Năm 1975-1980, ngài làm Thư ký Ban Đại diện PG quận 5. Năm 1987-2002, ngài làm Chánh Đại diện PG quận 10. Năm 2000, ngài được bổ nhiệm làm trụ trì tổ đình Ấn Quang. Năm 2002-2007, ngài làm Phó Thư ký, kiêm Chánh Văn phòng BTS Thành hội PG TP Hồ Chí Minh. Năm 2007, ngài là Ủy viên HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng BTS, kiêm Chánh Thư ký Thành hội PG TP Hồ Chí Minh. Năm 2009, ngài kiêm trụ trì chùa Thiện Mỹ - quận 5. Năm 2011, là viện chủ chùa Bảo Tâm - quận 11. Ngài xả báo thân ngày 24 tháng 7 năm Quý Tỵ (30-8-2013), thọ 74 năm, 50 hạ lạp; nguyên quán Gia Định, trú quán TP Hồ Chí Minh - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 3.

- Thích Nhựt Quang, Hòa thượng, thế danh Lê Quang Nhựt, sinh năm 1940 (giấy khai sinh 1943), xuất gia năm 1945 với HT Trí Đức - Bạc Liêu. Năm 1960, ngài tham học ở PHĐ Nam Việt - chùa Ấn Quang - Sài Gòn. Năm 1962, ngài thọ đại giới tại PHĐ Nam Việt, do HT Thiện Hòa làm Đàn đầu truyền giới. Ngài trải qua các chức vụ: - Chánh Đại diện GHPGVNTN quận 1 - Sài Gòn, Chánh Đại diện GHPGVNTN tỉnh Bình Dương, Chánh Đại diện GHPGVNTN tỉnh Pleiku, Chánh Đại diện GHPGVN tỉnh An Xuyên (Cà Mau). Sau năm 1975, ngài trở về quê hương, kế thế trụ trì chùa Long Phước - Lấp Vò - Đồng Tháp. Ngài là bậc pháp sư gia trì pháp môn Mật tông Việt Nam, được cung thỉnh làm Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Đồng Tháp; nguyên, trú quán Lấp Vò - Đồng Tháp.

- Thích Nhật Quang, Hòa thượng, sinh năm 1944, Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN, Trưởng BTS, kiêm Trưởng Ban Giáo dục Tăng Ni GHPGVN tỉnh Đồng Nai, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học Đồng Nai, Trưởng Ban Quản trị thiền phái Trúc Lâm, trụ trì thiền viện Thường Chiếu, khai sơn trụ trì thiền viện Trúc Lâm Trí Đức - Đồng Nai, khai sơn trụ trì thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên - Bình Dương, khai sơn trụ trì thiền viện Trúc Lâm Chánh Thiện - Bình Thuận, khai sơn thiền viện Trúc Lâm Đạo Nguyên - DakNong; tác phẩm: Sử 33 vị Tổ Ấn - Hoa Giảng giải; Từ Ân của Mẹ; Tám điều Giác Ngộ; Nửa Ngày của Thái Thượng Hoàng; Như nói với Tôi; Nghiêm huấn Tòng lâm; Đường xưa; Cội nguồn Ngàn xưa; Pháp Hoa Đề cương; Mười điều Biện ma; Diệu nghĩa Kinh Pháp Hoa; Đạo nhân và Mùa xuân; Mùa xuân Vân Yên; Hành hương Hoa Hạ; Thơ Mây; Suối Thiền; Vườn Thiền; Xuân Nhật; Xuân trong Tôi; Hiếu Hạnh; Hoa Thiền; Hương Thiền; Tâm Thiền; Luận Phật thừa Tông yếu; Luận Tọa thiền; Mai vàng Ánh đạo; Nắng mới trong Vườn thiền; Niềm vui Đầu xuân; Núi Thái Bên Nguồn; Rừng Thiền; Sơn cư Bách vịnh; Sống Thiền; Suối reo Rừng Trúc; Tâm Thiền; Cội Thiền; Đuốc Thiền; Gia Bảo Thiền Tông; Gương Hạnh Người xưa; Hạnh Hiếu trong Đạo Phật; Quy Sơn Ngữ lục; Tích truyện Pháp Cú; Viên Châu Ngưỡng Sơn...; nguyên quán Tây Ninh, trú quán Đồng Nai - Thích Vân Phong biên khảo.

- Thích Phước Quang (1908-1988), Hòa thượng, hệ phái PG Hoa Tông Việt Nam, thế danh Tiêu Mao. Thiếu thời, ngài là một võ sư nổi tiếng ở Sài Gòn Lục tỉnh, là Hội trưởng Hội Hoa kiều Liên hữu tỉnh Mỹ Tho. Năm 1960, ngài lên Sài Gòn, gạt bỏ quá khứ, xuất gia tại chùa Giác Nguyên với HT Thiện Tường, được pháp danh Phước Quang. Năm 1961, ngài kiến lập Từ Đức tịnh xá - Chợ Lớn và quy tụ tín đồ người Hoa về đây tu tập. Năm 1972, ngài làm Tổng Vụ trưởng Tổng Vụ Tài chính GHPGVNTN. Năm 1975, ngài làm Thủ quỹ Ban Liên lạc PG Yêu nước TP Hồ Chí Minh. Năm 1981, GHPGVN thành lập, ngài là Thành viên HĐCM GHPGVN. Công trình ngài đã là thực hiện gồm: Trường Chính Nghĩa (Mỹ Tho); Trường Chánh Giác (Thủ Dầu Một); Tăng Nghi quán Quảng Đông (Quận 5). Ngài viên tịch ngày 20 tháng 8 năm Mậu Thìn (30-9-1988), nguyên quán Quảng Đông - Trung Quốc, trú quán TP Hồ Chí Minh - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 1.

- Tăng Quang (1924-2008), Cư sĩ, pháp danh Minh Chiếu, quê Phan Thiết. Thuở nhỏ, ông được gởi ra Quảng Ngãi học tại Trường Trung học Bình Dân. Năm 1945, ông tham gia cách mạng, làm Chánh Lục sự Tòa án Liên khu 5 Trung Bộ. Năm 1954, đất nước chia đôi, ông ở lại miền Nam và trở vào Sài Gòn sinh sống. Năm 1964, sau thời gian lui tới chùa Xá Lợi tụng kinh, ông phát tâm quy y Tam bảo với pháp danh Minh Chiếu, đồng thời gia nhập Hội Phật học Nam Việt. Năm 1965, ông bị chính quyền Sài Gòn bắt giam và xử án 5 năm tù vì làm kinh tài tiếp tế cho cách mạng. Sau khi ra tù, ông trở về làm Cư sĩ, theo học Phật với cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền. Năm 1975, ông được xếp vào thành phần Tư sản dân tộc, có công với cách mạng, phụ trách Ban Liên lạc Công Thương Thành phố. Năm 1979, ông được Cư sĩ Lê Ngọc Diệp, Tổng Thư ký Hội Phật học Nam Việt, giao thừa kế chức vụ Tổng Thư ký, cùng với Cư sĩ Tống Hồ Cầm, phụ trách lèo lái Hội Phật học Nam Việt hội nhập trong thời kỳ mới. Năm 1980, chùa Phật học Xá Lợi là Văn phòng của Ban vận động, nơi diễn ra Hội nghị Thống nhất PGVN. Năm 1981, Cư sĩ Tăng Quang và Tống Hồ Cầm, đại diện cho Hội PHNV tham gia thành lập GHPGVN tại thủ đô Hà Nội. Cư sĩ được cử làm Ủy viên Tài chánh trong Ban Thường trực HĐTS GHPGVN. Từ năm 1989-1999, ông còn là đại biểu HĐND quận 8. Năm 1992, ông được cử làm Ủy viên Thường trực HĐTS, kiêm Phó Ban Kinh tế Tài chánh TW GHPGVN. Năm 1996-2001, ông được bầu làm Ủy viên BCH TW Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam; đồng thời là Ủy viên BCH Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TP Hồ Chí Minh. Về Phật sự, ngoài công việc Tổng Thư ký Ban Quản trị, Cư sĩ còn là Gia trưởng GĐPT chùa Xá Lợi. Những công lao đóng góp của ông cho xã hội được Nhà nước khen tặng: Huy chương Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc (1991), Huy chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất (2001), và nhiều bằng khen, giấy khen khác... Cư sĩ mãn báo thân ngày mồng 8 tháng 4 năm Mậu Tý (2008), thọ 79 năm, với hơn 40 năm cống hiến cho đạo pháp; nguyên quán Phan Thiết - Bình Thuận, trú quán TP Hồ Chí Minh - Thích Đồng Bổn biên khảo.

- Lê Quý Quang (1926-2002), Cư sĩ. Bước đầu, ông theo mẹ đến chùa Thiên Mụ, đảnh lễ HT Đôn Hậu xuất gia tu học, được pháp danh Tâm Thành. Sau đó vì mẹ già yếu, ông xin về tại gia chăm dưỡng mẹ già. Ông thành lập đạo tràng tu tập ở từ đường Công chúa An Thường. Phật tử theo về đạo tràng ngày một đông đảo, nên Phật tử đã ủng hộ vật chất mua đất xây dựng Niệm Phật đường để mọi người tu tập. Năm 1940, đạo tràng chính thức mời Cư sĩ và thân mẫu trường trú tại đây để hướng dẫn đạo tràng tu học. Cư sĩ lên chùa Thiên Mụ đảnh lễ HT bổn sư lần nữa xin thọ tại gia Bồ tát giới để đủ năng lực lãnh đạo mọi người. HT hoan hỷ truyền trao và cho pháp tự là Thanh Tịnh. Nhờ uy tín công phu tu tập, ông được Giáo hội mời làm Ủy viên BTS GHPG tỉnh Thừa Thiên. Năm 2002, Cư sĩ quyết định xuất gia lại lần nữa để gieo nhân tốt cuối đời cho mình. Ông được HT Huệ Ấn - chùa Phổ Quang cùng chư Tăng trong Giáo hội Thừa Thiên Huế quang lâm chứng minh lễ truyền trao giới pháp Sa di, làm ước nguyện của ông được viên mãn; nguyên quán Quảng Trị, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Thích Tâm Quang (1876-1944), pháp danh Kiểu Ninh, pháp hiệu thiện Niệm, thế danh Lê Văn Đức; nơi sinh: xã An Thới, tổng Hòa Long, hạt Sa Đéc; đệ nhất thế trụ trì Viên Giác Tự, Bến Tre. Ngài cố vấn cho Ban Trị sự Hội Lưỡng Xuyên Phật học. Năm 1924, ngài mở trường gia giáo ở chùa Viên Giác cho 100 Tăng Ni tham học. Ngài cúng dường huê lợi từ 3,33 ha ruộng tại làng Minh Đức cho tổ Lê Khánh Hòa làm kinh phí hoạt động phong trào chấn hưng PG - Thích Vân Phong biên khảo.

- Tánh Viên - Tịnh Quang (?), Thiền sư. Năm 1812, Vua Gia Long chiếu chỉ sắc tứ châu phê “Nguyễn triều hậu dụ Gia Long Hoàng đế Kiến tạo Phước Thạnh Tự”, ấn ký sắc phong Tánh Viên Tịnh Quang Thiền sư trụ trì - Thích Vân Phong biên khảo.

- Thích Nữ Thanh Quang (1920-1966), Sư cô, Thánh tử đạo, pháp danh Tâm Đạo, pháp hiệu Thanh Quang, thế danh Bùi Thị Lệ, thọ Tỳ kheo ni giới tại giới đàn Hộ Quốc - chùa Báo Quốc năm 1948, tự thiêu trước chùa Diệu Đế-  Huế ngày 29-5-1966. Sư cô ra đi lúc 55 tuổi để phản đối Tổng thống Mỹ Johnson tiếp tục ủng hộ chính quyền Thiệu - Kỳ đàn áp PG; nguyên quán trú quán Thừa Thiên Huế - theo Biên niên sử PG Sài Gòn - Gia Định.

- Thích Thiện Quang (1895-1953), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Gia Phổ đời 40, thế danh Nguyễn Văn Xứng, xuất gia năm 1925 với tổ Chí Thiền - chùa Phi Lai, pháp danh Hồng Xứng, pháp tự Thiện Quang. Năm 1927, ngài thọ đại giới tại chùa Phi Lai xong, xin phép bổn sư lên núi Cấm tìm chốn tĩnh cư tu niệm. Năm 1941, ngài xây dựng chùa Vạn Linh ở núi Cấm. Năm 1947, vì chiến tranh nên ngài tản cư về Sài Gòn, trú tại chùa Linh Bửu - Cầu Bông. Ngài viên tịch tại đây ngày 26 tháng 11 năm Quý Tỵ (31-12-1953), hưởng 59 năm, 24 năm hành đạo. Năm 1998, di cốt ngài được HT Trí Tịnh thỉnh về nhập tháp tại chùa Vạn Linh - Núi Cấm; nguyên quán Bến Tre, trú quán Núi Cấm - Châu Đốc - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 3.

- Thích Thông Quang (?), Hòa thượng. Sau ngày thiền sư Phổ Nghi (tổ Từ Long) - đệ nhất tổ Yên Vệ (Phúc Hào tự) viên tịch, ngài Thông Quang kế đăng tục diệm. Đạo hạnh của ngài đã thu hút hàng tứ chúng khắp nơi về tham học. Ngài đã dẫn 2 đệ tử (Tâm Chính, Tâm Định - Thanh Định) và sư đệ là thiền sư Thông Ứng vào Thanh Hoá hoằng truyền tông Lâm Tế. Khoa cúng tổ chùa Trang Cát (Long Cảm tự), xã Hà Phong, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Vua Thiệu Trị (1841-1847) từng thỉnh thiền sư Thông Quang trụ trì chùa Phúc Hào vào cung để làm lễ cầu đảo (cầu mưa). Năm Tự Đức thứ 2 (1849), ngài được triều đình sắc phong giới đao độ điệp làm quy phạm cho Phật giáo Ninh Bình. Tổ Thông Quang là người kế tục xuất sắc sự nghiệp truyền bá giáo lý phái Lâm Tế vào Thanh Hoá của tổ Từ Long, đặc biệt là hoàn thành sứ mệnh tiếp độ Ni giới Thanh Hóa. Đến nay, có rất nhiều chùa Ni trên đất Thanh Hóa đã tiếp nhận và tuyên dương chính pháp của tông Lâm Tế do tổ Thông Quang truyền bá, tiêu biểu như các chùa: Hương Quang, Mật Đa ở thành phố Thanh Hóa; Ngọc Đới, xã Tuy Lộc, huyện Hậu Lộc; Trang Cát, xã Hà Phong; chùa Bái Đô, xã Hà Tân, huyện Hà Trung, và chùa Vồm, xã Thiệu Khánh, huyện Thiệu Hóa... Nhiều vị tăng ni đã trở thành tổ sư khai sáng của các chùa. Không rõ tổ viên tịch năm nào, tại chùa Yên Vệ có tháp của ngài ghi Từ Miên tháp - Nguyễn Đại Đồng sưu khảo.

- Thích Thường Quang, Hòa thượng, thế danh Trần Đình Trí, sinh năm 1945 tại Huế. Năm 1952, ngài xuất gia tại chùa Tây Tạng - Bình Dương với HT Như Trạm Tịch Chiếu, có pháp danh Thị Từ, pháp hiệu Viên Hạnh. Ngài thọ Tỳ kheo năm 1964 tại Việt Nam Quốc Tự, cầu pháp với HT Đôn Hậu nên còn có pháp danh Tâm Trí, pháp hiệu Thường Quang. Năm 1967-1970, ngài là Hiệu trưởng Trường Trung học Bồ Đề ở Long An. Năm 1997, ngài trụ trì chùa Phổ Tịnh - Bình Dương. Năm 2007, ngài thành lập Tuệ Tĩnh đường Hạnh Quang, thành viên quỹ “Tấm Lòng Vàng” của báo Sân Khấu thuộc Hội Nghệ sĩ TP Hồ Chí Minh. Ngài là Lương y cấp quốc gia về Đông Tây y; nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán Bình Dương.

- Thích Nữ Tịnh Quang, Ni sư, thế danh Nguyễn Thị Minh, sinh năm 1952, quê An Trạch - phường Cát Linh - quận Đống Đa - TP Hà Nội. Ngài xuất gia, tu học tại chùa Quan Âm - Reslad - bang California -  Hoa Kỳ. Ni sư tốt nghiệp Tiến sĩ Triết học với luận án: Buddhist monastic education and regional revival movements in early twentieth century VietNam, Thèse enphilosophie, University of Wisconsin - Madison, États - Unis, 2007. Ni sư sưu tầm và biên soạn cùng Nguyễn Đại Đồng: Phong trào Chấn hưng Phật giáo (Tư liệu báo chí Việt Nam từ 1927-1938, NXB Tôn giáo, 2008); Phong trào Chấn hưng Phật giáo (Tư liệu báo chí Phật giáo Việt Nam từ 1929-1945, NXB Tôn giáo, 2010); nguyên quán Hà Nội, trú quán Hoa Kỳ - Nguyễn Đại Đồng sưu khảo.

- Thích Trí Quang (?-1949), Hòa thượng. Ngài là Hội trưởng Hội PG Cứu quốc Gia Định, hy sinh tại mặt trận An Phú Đông; chưa có thêm thông tin.

- Thích Trí Quang, Hòa thượng, Trưởng lão, sinh năm 1923 tại Đồng Hới, Quảng Bình, tên khai sinh Phạm Quang, tên tục là Do. Ngài được gửi tu học tại chùa Báo Quốc - Huế với các Hòa thượng Thích Trí Độ, Thích Mật Thể... Năm 1937, sau một năm xuất gia, ngài theo học chương trình đào tạo tăng sĩ và hoàn tất chương trình vào năm 1944. Mùa hè năm 1946, ngài theo HT. Thích Trí Độ ra Hà Nội thành lập Phật học viện tại chùa Quán Sứ. Ngài là nhân vật trung tâm phong trào pháp nạn 1963, cố vấn Viện Hóa Đạo GHPGVNTN nhiều nhiệm kỳ, dịch giả hàng trăm tác phẩm kinh luận. Hòa thượng là nhà trí thức lớn của mọi thời đại. Ngài trú quán các chùa Ấn Quang, Quảng Hương, Già Lam - TP Hồ Chí Minh và chùa Từ Đàm - Huế - xem thêm “Tiểu truyện tự ghi” của tác giả ở phụ lục 3 sách Bồ Tát giới.

- Thích Từ Quang (1888-1991), Hòa thượng, thế danh Thái Bình Dương, sinh ngày 1 tháng giêng năm Mậu Tý (1888), tại Gia Định. Cha là Đốc phủ sứ Thái Sanh Tài, mẹ là Nguyễn Thị Nhiều. Năm 1892, ngài được mẹ dẫn lên chùa Giác Viên, quy y thế phát với HT Hoằng Nghĩa và được đặt pháp danh Từ Quang, húy Ngộ Minh thuộc dòng Lâm Tế Chánh tông đời thứ 39. Năm 1908, ngài đỗ Thủ khoa kỳ thi tú tài phần thứ 2 tại Trường Chasseloupa Lambat  (nay là Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3 - TPHCM), và được tuyển chọn du học bên Pháp. Sau 11 năm học tập, ngài là tu sĩ Phật giáo Việt Nam đầu tiên đỗ 2 bằng Tiến sĩ Văn chương và Tiến sĩ Triết học tại Đại học Sorbonne (Paris). Sau khi tốt nghiệp, ngài được Đại học Sorbonne mời ở lại giảng dạy 6 năm. Năm 1925, ngài sang Ấn Độ, học và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Phật học tại Đại học Nalanda. Năm 1929, ngài sang Trung Quốc học cùng với ngài Thái Hư và cũng sau 4 năm, ngài nhận bằng Tiến sĩ Phật học tại Trung Quốc. Kiến thức như thế, ngài vẫn thấy chưa đủ để ra hoằng pháp, nên để tâm học hỏi, nghiên cứu y học cổ truyền Trung Hoa.

Trong thời gian hoằng pháp ở Roman (Ý), ngài được Đức Giáo hoàng tiếp kiến và tặng cuốn Kinh Thánh, bìa bằng vàng 14K có chạm nổi hình Thập tự giá (cuốn kinh này còn lưu giữ tại Chơn Đức Thiền viện - Bà Chiểu - TPHCM).

Sau 25 năm xa xứ, năm 1935, ngài về hoằng dương Phật pháp tại  quê hương và được bổn sư đồng ý, ngài sửa lại ngôi nhà của Phật tử cúng dường ở Bà Chiểu thành Thiền viện Chơn Đức để làm trú xứ, thuận tiện cho việc hoằng pháp và tịnh tu.

Năm 1936, ngài cộng tác với Hội NKNCPH trong lĩnh vực soạn dịch và giảng dạy kinh điển. Năm 1954, HT Từ Quang được thỉnh về chùa Linh Sơn - Cầu Muối, để điều hành Phật sự, với chức vụ Hội trưởng Hội Linh Sơn Phật học. Trong thời gian này, ngài mở thêm các lớp ngoại ngữ Anh, Pháp dạy cho Phật tử. Các lớp này quy tụ giới trí thức đương thời rất đông. Báo LeJournal D’extrême - Onient, ngày 7-8-1962, có đăng về chuyện này và dẫn lời nói của ngài: “Học thuyết của Phật giáo không tách rời ra khỏi thế giới như mọi người đã tưởng. Trái lại, nó hằng thiên về cuộc sống của con người và vạn vật”. Năm 1965, ngài sáng lập Giáo hội Thiền tông Việt Nam, đặt trụ sở tại Phật Bửu Tự (quận 3 - TPHCM ngày nay), người ta thường gọi “Thiền Tịnh đạo tràng”. Năm 1967, ngài xây dựng thêm thiền viện ở Hóc Môn, vẫn lấy tên Chơn Đức. Hòa thượng nghiêm tu pháp môn Thiền - Tịnh - Mật của Thiền phái Trúc Lâm. Ngài thâu thần thị tịch, ngày 27 tháng 2 âm lịch (12-4-1991), thọ 104 năm, 98 hạ lạp. Tháp bia của ngài ở trước sân Thiền viện Chơn Đức - Bà Chiểu; nguyên, trú quán TP. Hồ Chí Minh.

- Tổ Tông Viên Quang (1758-1827), Thiền sư, dòng Lâm Tế Chánh Tông đời 36. Ngài xuất gia với tổ Phật Ý Linh Nhạc - chùa Từ Ân - Gia Định, được pháp danh Tổ Tông, pháp hiệu Viên Quang. Năm 1774, ngài được cử đến trụ trì chùa Giác Lâm, và biến nơi này thành “Phật học xá” ở vùng đất mới Gia Định. Năm 1798, ngài đại trùng tu chùa Giác Lâm, đến năm 1804 mới hoàn thành. Năm 1819, ngài khai đại giới đàn tại chùa Giác Lâm. Đây là giới đàn lớn nhất, quy tụ đầy đủ nhất tại gia lẫn xuất gia. Ngài thị tịch ngày mồng 3 tháng Chạp năm Đinh Hợi (1827), thọ 70 năm, tháp lập trong khuôn viên chùa Giác Lâm; nguyên quán Minh Hương (người Hoa) Cù Lao Phố - Biên Hòa, trú quán Gia Định - theo Biên niên sử PG Sài Gòn - Gia Định.

- Thích Viên Quang (1895-1976), Hòa thượng, đệ tử HT Tịnh Nhãn - chùa Tường Vân, pháp danh Tâm Ấn, pháp tự Vĩnh Thừa, pháp hiệu Viên Quang. Năm 1833, ngài lập thảo am tên là Pháp Uyển Châu Lâm, nay là chùa Châu Lâm - Huế. Năm 1937, ngài được cử trụ trì Quốc tự Thánh Duyên. Năm 1941, ngài làm Tăng cang chùa Diệu Đế, sang năm 1942, trụ trì chùa Từ Đàm. Năm 1944, ngài trở về chùa Châu Lâm tiếp Tăng độ chúng; nguyên quán Quảng Trị, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Thích Viên Quang (1921-1991), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 44, thế danh Trương Trọng Cửu, xuất gia năm 1935 với HT Vạn Đạo - chùa Thiên Sơn - Phú Yên, pháp danh Nguyên Minh, pháp tự Công Huệ. Năm 1939, ngài thọ đại giới tại giới đàn chùa Linh Sơn Trường Thọ, do HT Vĩnh Sung làm Đàn đầu truyền giới. Sau đó, ngài ở lại học Du Già khoa nghi với HT Xuân Quang - chùa Liên Trì - Bình Thuận, được pháp hiệu Viên Quang. Năm 1945, ngài trở về Phú Yên, trụ trì chùa Long Phú. Năm 1965, ngài trở lại Bình Thuận, trụ trì chùa Thiền Lâm - chùa Tỉnh hội PG Bình Thuận. Năm 1970-1973, ngài giữ chức Phó Giám đốc, kiêm Giám học Phật học viện Nguyên Hương - Bình Thuận. Năm 1982, ngài được cử trụ trì Tòng lâm Vạn Thiện, đồng thời là Phó BTS GHPGVN tỉnh Bình Thuận. Ngài xả báo thân vào Rằm tháng 3 năm Tân Mùi (19-4-1991), thọ 71 năm, 51 mùa an cư; nguyên quán Phú Yên, trú quán Bình Thuận - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 22
    • Số lượt truy cập : 6059337