Thông tin

NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN S

S

 

- Y Sa, thi sĩ, tu sĩ PG, tức Ni sư Thích Nữ Khiết Viên, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 44, đệ tử Ni trưởng Tịnh Khiết, trú xứ chùa Kim Liên - quận 4. Ni sư là một trong 4 nữ thi sĩ  trong tác phẩm Hương tình yêu, NXB Văn Nghệ  TP HCM 1999, gồm Trần Linh Chi, Thư Linh, Ý Nhi, Y Sa. Ni sư còn là một họa sĩ, thể hiện nhiều bức tranh chân dung đức Phật bằng sơn dầu; tác phẩm: Chuyện ngàn năm; Thập mục ngưu đồ (thơ họa); nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán TP Hồ Chí Minh.

- Thích Phổ Sái (1900-1958); ngài xuất gia báo hiếu năm 12 tuổi tại chùa Hội Khánh (Wat Mongkornsamakom) và xuất gia lại năm 20 tuổi, pháp danh Giác Lượng, pháp hiệu Phổ Sái. Năm 26 tuổi, ngài được bổ nhiệm trụ trì chùa Khánh Vân - Bangkok. Ngài lập ra hệ phái PG người Việt là Annamnikaya (An Nam Tông). Năm 1958, ngài xả báo thân, theo truyền thống Thái Lan sau khi mất sau 100 ngày mới hỏa táng, đệ tử mở khám ra thì thấy nhục thân ngài còn nguyên vẹn, mọi người cho là điềm lành bèn quyết định không hỏa táng nữa, mà đưa vào thờ nơi tổ đường. Nhục thân ngài đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Ngài nguyên quán Việt Nam, sinh tại Thái Lan, trú quán tại chùa Khánh Vân - Bangkok.

- Thích Trừng San (1922-1991), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chánh tông đời 42, thế danh Nguyễn San, sau đổi là Trần Văn Lâu, xuất gia năm 1930 với HT Phổ Hiện - chùa Khánh Long - Diên Khánh, pháp danh Trừng San, pháp tự Minh Hiền, pháp hiệu Hải Tuệ. Năm 1943, ngài y chỉ với HT Giác Phong - chùa Hải Đức - Nha Trang. Năm 1945, ngài tham gia Mặt trận Việt Minh bị bắt tù đày 7 năm tại nhà tù Kon Tum. Năm 1959, ngài trụ trì chùa Thiên Bình - Cam Ranh. Năm 1965, ngài cầu pháp HT Trí Thủ được pháp hiệu Hải Tuệ và được cử làm Giám sự Phật học viện Hải Đức - Nha Trang và Giám viện Phật học viện Trung đẳng Linh Sơn - Nha Trang. Năm 1970, ngài kiêm nhiệm trụ trì chùa Diên Thọ - Diên Khánh và chùa Linh Phong - Vĩnh Thái, Nha Trang. Ngài xả báo thân ngày 16 tháng 10 năm Tân Mùi (22-11-1991), thọ 70 năm, 35 tuổi đạo; nguyên, trú quán Nha Trang - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.

- Thanh Sang (1943-2017), Cư sĩ, Phật tử, danh ca cải lương, Nghệ sĩ Ưu tú, tục danh Nguyễn Văn Thu, pháp danh Chơn Từ, sinh năm 1943, tại Hòa Hiệp, Phước Hải, Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng quê gốc ở Bình Định. Năm 1964, ông đoạt Huy chương Vàng giải Thanh Tâm với vai Tạ Tốn trong vở Cô gái đồ lông. Ông  có nhiều vở diễn về đề tài PG, để lại ấn tượng trong lòng người hâm mộ trong các vai diễn Thái tử A Xà Thế, Ngọc Lâm Quốc sư. Ông làm  Cố vấn Ban Văn nghệ Thành hội PG TP Hồ Chí Minh. Ông qua đời ngày 21-4-2017, tại nhà riêng (Hiệp Bình Chánh - Thủ Đức), thọ 75 tuổi, an táng tại nghĩa trang Bình Dương; nguyên quán Bình Định, trú quán TP Hồ Chí Minh.

- Thích Nhơn Sanh (1896-1950) Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 42, thế danh Võ Sanh, xuất gia với tổ Phước Tường - chùa Thiên Bửu - Ninh Hòa, pháp danh Trừng Tương, pháp tự Thiện Thọ, pháp hiệu Nhơn Sanh. Năm 1921, ngài khai kiến chùa Phụng Sơn từ miếu Quan Thánh trở thành chùa Phật. Năm 1932, ngài kế thế trụ trì tổ đình Thiên Bửu. Năm 1934, ngài khai đại giới đàn tại tổ đình, nhân lễ đại tường bổn sư. Ngài đào tạo nhiều vị danh tăng kế nghiệp trụ trì các tổ đình lớn trong và ngoài tỉnh. Ngài xả báo thân ngày mồng 5 tháng Chạp năm Canh Dần (1950), hưởng 55 năm, 29 hạ lạp, tháp lập ở khuôn viên chùa Phụng Sơn; nguyên, trú quán Ninh Hòa - Khánh Hòa - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 3.

- Lệ Sành Huệ Sanh (1935-1998), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Gia Phổ đời 42, xuất gia năm 1947 với HT Nhật Dần Thiện Thuận - chùa Giác Lâm, pháp danh Lệ Sành, pháp hiệu Huệ Sanh, Năm 1952, ngài theo học trường gia giáo Lục Hòa ở chùa Giác Viên. Năm 1956, ngài thọ đại giới tại giới đàn chùa Linh Nguyên - Đức Hòa. Năm 1960, ngài theo học với HT Bửu Ý tại chùa Long Thạnh - Hóc Môn. Năm 1974, ngài kế thế trụ trì tổ đình Giác Lâm. Năm 1978, ngài cầu pháp với HT Bửu Ý, được ban pháp húy Nhựt Sanh, pháp hiệu Thiện Như. Năm 1982, ngài giữ chức Phó BTS Thành hội PG TP Hồ Chí Minh.  Năm 1993, ngài kiến tạo bảo tháp Ngũ gia tông phái trong khuôn viên chùa Giác Lâm. Năm 1997, ngài là Chứng minh Ban Đại diện PG quận Tân Bình. Ngài xả báo thân ngày 11 tháng 5 năm Mậu Dần (1998), thọ 64 năm, 44 hạ lạp, tháp lập trong vườn tháp chùa Giác Lâm; nguyên, trú quán Tân Bình - Gia Định - TP Hồ Chí Minh - trang nhà www.phatgiaovietnam.com

- Tăng Sanh (1897-1970), Hòa thượng, danh tăng PG Nam Tông Khmer, xuất gia năm 1909 với HT Danh Huôi - chùa Svai - Sóc Sơn - Rạch Giá, pháp danh Suvanna Dhamma. Năm 1917, ngài thọ Cụ túc giới tại giới đàn chùa Khlang Ong - Rạch Giá. Ngài chuyên chép kinh điển Pàli trên lá Muôn và soạn thảo tài liệu giảng dạy Phật pháp. Năm 1924, ngài trụ trì chùa Suvanna Ransì Khlang Ong. Năm 1942, ngài được tấn phong Hòa thượng. Năm 1962, ngài được tiến cử giữ chức Phó Mê-Kon PG Khmer Tây Nam bộ. Ngài viên tịch ngày mồng 9 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (16-01-1970), thọ 73 năm, 53 tuổi Hạ; nguyên, trú quán Rạch Giá - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.

- Phạm Xuân Sanh (1927-2006), Cư sĩ, quy y với HT Tịnh Khiết chùa Tường Vân, pháp danh Tâm Đạo. Năm 1950, ông sang Pháp du học ngành kiến trúc và ấn loát. Năm 1957, về nước ông dạy học tại Huế cho đến năm 1987. Đối với PG, ông rất thâm tín, là huynh trưởng GĐPT Chơn Trí từ năm 1947-1950. Khi ở Pháp, ông cộng tác với tờ Tin Phật, khi về nước ông là thành viên BHD, kiêm Phó Trưởng Ban ngành Nam năm 1961-1962. Ông là phụ tá đắc lực của chị Hoàng Thị Kim Cúc và bị bắt chung với chư tôn đức trong cuộc đấu tranh cho pháp nạn 1963. Ngoài sinh hoạt GĐPT, ông còn phụ trách vẽ tranh biếm họa cho báo Lập Trường chống áp bức tôn giáo của chính quyền Sài Gòn. Ông cũng viết bài về Phật pháp đăng trong Liên Hoa, Liễu Quán và tập san PG Trung phần. Cư sĩ là thành viên bên cạnh thầy Đức Tâm xúc tiến việc xây dựng Trung tâm Liễu Quán trước năm 1975. Năm 1970, cùng các họa sĩ Phật tử triễn lãm tranh tại Trung tâm Liễu Quán - Huế và Đại học Vạn Hạnh - Sài Gòn. Sau 1975, ông giúp quý thầy trong kiến trúc và mỹ thuật tu sửa chùa tháp và cố vấn BHD GĐPT Trung ương; nguyên, trú quán Thừa Thiên Huế -theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Nguyễn Sinh Sắc (Nguyễn Sinh Huy, 1862-1929), Phó bảng (1901), thụ giáo quy y với Hòa thượng Hồng Đại - Bửu Phước chùa Sùng Phước, Châu Hộ, Phnôm-Pênh vào ngày 24-8-1922, với pháp danh Nhật Sắc, tự Thiện Thành thuộc dòng thiền Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 41. Ông là thân sinh của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ông vân du khắp miền Nam, làm thầy thuốc, ghé đàm đạo kết thân với các nhà sư yêu nước, đề thơ và viết câu đối tặng các chùa, như HT Từ Văn - chùa Hội Khánh - Thủ Dầu Một, HT Khánh Hòa - chùa Tuyên Linh - Mõ Cày - Bến Tre, HT Hấu - chùa Linh Sơn - Cao Lãnh... Ông qua đời tại Cao Lãnh, ngày 29-11-1929.
Lăng mộ cụ được xây bên cạnh chùa Hòa Long - phường 4 - thành phố Cao Lãnh; nguyên quán Nghệ An, trú quán Cao Lãnh - Đồng Tháp - Thích Vân Phong biên khảo.

- Trịnh Sâm, sinh năm 1955, Cư sĩ, PGS - Tiến sĩ Ngôn ngữ học, nguyên Trưởng khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, thành viên Trung tâm Nghiên cứu PGVN - Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, cộng tác tạp chí Phật học Từ Quang; tác phẩm: Tiêu đề văn bản tiếng Việt; Đi tìm bản sắc của tiếng Việt; và nhiều bài báo liên quan đến triết lý Phật giáo; nguyên quán Quảng Ngãi, trú quán TP Hồ Chí Minh.

- Thích Thiện Sĩ (1909-2010), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Gia Phổ đời 41, xuất gia với HT Hiển Pháp - chùa Chơn Minh - Mỹ Tho, pháp danh là Nhật Khuê, pháp hiệu Thiện Sĩ. Ban đầu, ngài học thuốc Nam và tu tập ở vùng Bảy Núi, đến năm 1950 được bổn sư giao kế thế trụ trì chùa Chơn Minh. Năm 1970, ngài là Phó Thư ký Giáo hội PG Cổ truyền Việt Nam tỉnh Định Tường. Sự nghiệp nổi bật của ngài là mở phòng thuốc Nam miễn phí chữa trị cho người nghèo và nuôi dạy trẻ em cơ nhỡ. Vì thế, ngôi chùa của ngài nổi tiếng về từ thiện xã hội, góp phần cho công tác xã hội của PG tỉnh Tiền Giang; nguyên quán Gò Công, trú quán Tiền Giang - HT Hạnh Trân, Tiền Giang, cung cấp.

- Phạm Đăng Siêu (1912-1994), Cư sĩ, quy y với HT chùa Kim Cang - Long An, thọ tại gia Bồ tát giới, pháp danh Tâm Thành, pháp tự Thiện Niệm. Ông có hạnh nguyện chuyên làm từ thiện xã hội, giúp đỡ người nghèo khó và hướng dẫn họ đến với đạo pháp. Ông quen thân với chư vị xuất gia ở Huế, tâm giao nhất là HT Thiện Siêu - chùa Từ Đàm. Ông siêng năng học Phật và thực hành hạnh nguyện Bồ tát độ tha giúp đời. Ông sống thanh thản và ra đi cũng thanh thản; nguyên quán Gò Công, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Thích Nguyên Siêu, Hòa thượng, sinh năm 1951, xuất gia năm 1961 với HT Chí Tín - chùa Long Sơn - Nha Trang. Năm 1968, ngài là học Tăng PHV Trung đẳng Huệ Nghiêm - Sài Gòn. Năm 1971, ngài học là Tăng PHV Trung đẳng chuyên khoa Hải Đức - Nha Trang. Năm 1973, ngài thọ đại giới tại đại giới đàn Phước Huệ - PHV Hải Đức. Năm 1973-1975, ngài học PHV Cao đẳng Hải Đức - Nha Trang. Năm 1980, ngài học lớp chuyên khoa ở tu viện Quảng Hương Già Lam. Năm 1990, ngài định cư tại California - Hoa Kỳ. Năm 1996, ngài khai sơn chùa Phật Đà - San Diego; năm 1999, khai sơn tu viện Pháp Vương - San Diego. Năm 2004, ngài làm chủ nhiệm tập san Phật Việt. Năm 2008, ngài là Tổng Thư ký GHPGVNTN hải ngoại Hoa Kỳ; tác phẩm: Tư tưởng xã hội trong kinh điển PG nguyên thủy (1994);  Ưu Đàm lướt bão; Tuệ Sỹ đạo sư - Thơ và phương trời mộng I-II (2001, 2006); Tâm nguyên vô đề (2012); và rất nhiều bài viết đăng trên các tạp chí, website...; nguyên quán Nha Trang, trú quán Hoa Kỳ.

- Thích Thiện Siêu (1921-2001), Hòa thượng, thế danh Võ Trọng Tường, xuất gia với HT Mật Khế - chùa Quan Thánh - Huế. Năm 1936-1945, ngài theo học PHĐ Báo Quốc - Huế. Năm 1947, ngài trụ trì chùa Từ Đàm - Huế, cùng giảng dạy PHĐ Báo Quốc và Ni viện Diệu Đức. Năm 1951-1955, ngài là Chánh Hội trưởng Tỉnh hội PG Thừa Thiên. Năm 1957, ngài là Đốc giáo PHĐ Trung Việt, chùa Hải Đức - Nha Trang. Năm 1962, ngài là Hội trưởng Hội Phật học Thừa Thiên. Năm 1963, ngài là Hội trưởng Tỉnh hội PG Thừa Thiên. Năm 1964-1974, ngài là Phó Giám viện PHV Báo Quốc, Phó Đại diện GHPGVNTN tỉnh Thừa Thiên, Phó Đại diện PG miền Vạn Hạnh. Năm 1974, ngài là Viện trưởng Viện Cao đẳng Phật học Hải Đức - Nha Trang. Năm 1979, ngài kế thế trụ trì chùa Thuyền Tôn - Huế. Năm 1981, GHPGVN thành lập, ngài làm Trưởng Ban Giáo dục Tăng Ni TW GHPGVN và Phó Hiệu trưởng Trường Cao cấp Phật học Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh. Năm 1984, ngài là Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS GHPGVN. Năm 1988, ngài là Phó Viện trưởng Viện NCPHVN; tác phẩm: Kinh Thủ Lăng Nghiêm (1940); Phát Bồ Đề Tâm Văn (1952); Kinh Kiến Chánh (1953);  Kinh 42 Chương (1958); Kinh Trường A Hàm (1959); Kinh Pháp Cú (1962); Tân Duy Thức Luận (1962); Đại cương Luận Câu Xá (1978); Luận Thành Duy Thức (1995); Luận Đại Trí Độ (5 tập, 1997-2001); Trung Luận (2001); Nghi thức tụng niệm (đồng soạn-1958); Nghi thức thọ Bồ tát tại gia (1958); Vô ngã là Niết bàn (1990); Tỏa ánh Từ quang (1992); Lối vào Nhân Minh học (1990); Cương yếu Giới luật; Ngũ uẩn vô ngã (1997); Kinh Pháp Hoa giữa các kinh điển đại thừa (1997); Trí Đức văn lục (9 tập, 1994-2001); và nhiều bài viết đăng trên các tạp chí PG. Ngài xả báo thân ngày 17 tháng 8 năm Tân Tỵ (03-10-2001), thọ 81 năm, 53 tuổi đạo; nguyên, trú quán Thừa Thiên Huế - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 3.

- Lê Văn Siêu (1911-1995), Cư sĩ, tốt nghiệp Trường Kỹ nghệ Thực hành Hải Phòng (1932). Từ năm 1935, ông bắt đầu viết báo. Ông là một trí thức tín ngưỡng đạo Phật, từng được mời dạy tại Đại học Vạn Hạnh và Trường Cao đẳng Phật học Huê Nghiêm ở Sài Gòn năm 1967; tác phẩm: Quốc sư Vạn Hạnh; Việt Nam văn minh sử cương; Nguồn gốc văn học; Văn minh Việt Nam; Văn học Việt Nam thời Lý; Nếp sống tình cảm của người Việt Nam; Truyền thống dân tộc; Văn minh sơ lược khảo; Văn học sử thời kháng Pháp... Ông nguyên quán Hà Nội, mất tại TP Hồ Chí Minh năm 1995.

- Phạm Văn Siêu (1908-1999), Cư sĩ, quy y với HT Tôn Thắng - chùa Phổ Thiên - Đà Nẵng, pháp danh Tâm Ngộ. Năm 1930-1932, ông gia nhập Hội Trung kỳ Phật học ở Huế; học giáo lý với HT Mật Khế và HT Đôn Hậu. Năm 1937-1943, ông là Chánh Thư ký Chi hội An Nam Phật học Đà Nẵng. Ông thành lập Gia đình Phật Hóa Phổ tại Đà Nẵng và làm Phổ trưởng. Năm 1951, ông là Trưởng BHD Gia đình Phật Hóa Phổ Đà Nẵng. Năm 1963, ông phụ trách Tổng Thư ký Văn phòng 3 cấp của Tổng Trị sự PG thành phố Đà Nẵng. Ngày 20-8-1963, trong cuộc tổng tấn công chùa chiền toàn quốc của chế độ Ngô Đình Diệm, ông bị bắt vào tù đến ngày 6-11-1963 mới được thả. Năm 1964, ông là Chánh Thư ký BĐD GHPGVNTN Đà Nẵng. Năm 1965, ông phụ trách Tổng Giám thị Trường Trung học Bồ Đề, kiêm Ủy viên Xã hội. Năm 1975-1986, ông là Chánh Thư ký Giáo hội, Phó Thư ký Giáo hội tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán Đà Nẵng - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Ni trưởng Đàm Soạn (1886-1968), thế danh là Trịnh Thị Soạn. Ngài xuất gia từ nhỏ, theo học Hòa thượng Đông Đồ tại Sơn môn Trung Hậu, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội. Ngài từng trụ trì các chùa: Thanh Nhàn, Từ Hàng, Đức Viên ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Những năm 1927-1929, ngài được mời vào Huế dạy đạo cho hoàng hậu và cung phi, tham dự vào việc xem đất để xây cất chùa Diệu Viên Ni tự đầu tiên ở Huế. Sau đó, mỗi năm ngài thường vào Huế 3 tháng để làm Phật sự. Năm 1950, tại Đại hội thành lập GHTG Bắc Việt, ngài được bầu làm Ủy viên Tài chính Hội đồng Tổng Trị sự; Giám học và Quản chúng Ni viện Vân Hồ. Sau, ngài mời Ni sư Đàm Đậu - Phó Ủy viên Giáo dục Ni học GHTG Bắc Việt thay thế để ngài chuyên lo giảng dạy.

Năm 1952, Ni trưởng được mời vào viếng chùa Dược Sư ở Gia Định. Ngài đã góp nhiều công sức đưa chùa này thành một Ni trường lớn ở Sài Gòn; ngài ở lại đây an cư 3 tháng.  Sau đó, ngài ra Hà Nội an cư tại chùa Đức Viên, số 4 phố Trần Xuân Soạn và viên tịch tại đây năm Mậu Thân (1968), thọ 83 tuổi; nguyên quán làng Cự Đà, huyện Thanh Oai, Hà Nội, trú quán TP Hà Nội - Nguyễn Đại Đồng cung cấp.

- Trần Đại Sỹ, Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ, nhà văn, sinh năm 1939, Giám đốc Trung Quốc sự vụ tại Viện Pháp - Á (Institut Franco - Asiatique) và Giáo sư Trường Y khoa Arma (Paris). Ông quy y Tam bảo thuở ấu thơ. Với bút danh Yên Tử Cư Sĩ, ông đã sáng tác 10 bộ tiểu thuyết với 41 cuốn sách về các triều đại trong lịch sử VN. Trong đó, bộ “Anh hùng Lĩnh Nam” được ông sáng tác năm 1978, có độ dày 3.500 trang, được in thành 11 cuốn.  Năm 1968, ông bắt đầu viết những bộ tiểu thuyết lịch sử ca ngợi sự nghiệp giữ nước của tổ tiên. Năm 1977, ông làm việc cho Ủy ban Trao đổi Y học Pháp - Hoa (Commité Médical Franco - Chinois, viết tắt là CMFC). Ông đỗ Tiến sĩ y khoa tại Trung Quốc, rồi lại tốt nghiệp Trung Y Học viện Bắc Kinh. Với số lượng sách văn học viết về lịch sử Việt Nam nhiều nhất, ngày 12-9-2015, tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia VN, Tổ chức Kỷ lục VN (Hội Kỷ lục gia VN), đã trao Bằng xác nhận  kỷ lục cho GS - TS - Bác sĩ Trần Đại Sỹ  “Nhà văn sáng tác nhiều bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam nhất”. Những biên khảo của ông được đăng trên các trang báo điện tử PG; nguyên quán Nam Định, trú quán Pháp Quốc -  Thích Vân Phong biên khảo.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 373
    • Số lượt truy cập : 6947159