Thông tin

NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN Sơ

 

- Tổ Bằng Sở (1871-1942), xem Hòa thượng Thích Trung Thứ, Sđd.

- Bình An Sơn, Cư sĩ, sinh trưởng tại Sài Gòn, tốt nghiệp Kỹ sư Hóa học (Sài Gòn), Thạc sĩ (Bangkok), Tiến sĩ (Perth). Ông là Kỹ sư trưởng, Bộ Nguồn nước thuộc Chính phủ Tây Úc, làm việc từ năm 1981 đến 2011. Hiện nay, ông đã nghỉ hưu và dành trọn thời gian tu học, du lịch hành hương, đóng góp Phật sự, viết và phiên dịch sách, báo Phật giáo. Cư sĩ là hội viên lâu năm của Hội Phật giáo Tây Úc (Buddhist Society of Western Australia), từ năm 1979; giữ chức Hội trưởng 2 nhiệm kỳ. Ông là người sáng lập và điều hành trang web Phật giáo Buddha Sasana (budsas.net) từ năm 1996; tác phẩm: Những lời Phật dạy; Đạo Phật và chính trị; Tâm điểm thiền định; Giới thiệu kinh Điều lành; Công dụng của Giới đức; Tám pháp thế gian; Tứ diệu đế qua các lời giảng của đức Phật trong kinh điển; Về pháp tu Thiền;... - quangduc.com/author/about/378/binh an-son

- Trịnh Công Sơn (1939-2001), Cư sĩ, nhạc sĩ. Năm 1943, ông theo gia đình hồi hương về Huế, quy y với HT Vĩnh Pháp - chùa Phổ Quang - Huế năm 1955, pháp danh Nguyên Thọ. Năm 1960, ông học Trường Sư phạm Qui Nhơn và có một năm dạy tiểu học ở Bảo Lộc. Đây là thời kỳ ông cho ra mắt hàng loạt tác phẩm tình ca nổi tiếng. Trong giai đoạn chiến tranh tàn khốc nhất từ 1965 đến 1975, những ca khúc phản chiến khát vọng hòa bình của ông làm lay động lương tri về thân phận con người, như tập: Ca khúc da vàng; Kinh Việt Nam; Ta phải thấy mặt trời... Là một Phật tử, ông được mời đến hát ở Viện Đại học Vạn Hạnh trước 1975. Sau 1975, ông cũng thường đến thiền viện Vạn Hạnh hát phục vụ chư tôn đức và Phật tử. Năm 1979, ông vào sống ở TP Hồ Chí Minh. Những sáng tác âm nhạc của ông mang triết lý PG như: Cát Bụi; Tôi ơi đừng tuyệt vọng; Sóng về đâu; Lời thiên thu gọi; Như một lời chia tay; Bốn mùa thay lá... Sự nghiệp bất hủ lưu danh muôn thuở của ông, có sự động viên về tinh thần rất lớn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh (bức thư gửi trước Mậu Thân 1968: “Nhìn Kỹ Quê Hương”); nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán TP Hồ Trí Minh - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Nguyễn Đức Sơn, Cư sĩ, nhà thơ, sinh ngày 18-11-1937 (Đinh Sửu) tại làng Dư Khánh (Thanh Hải) gần bên bờ Ninh Chữ, tỉnh Bình Thuận; học Trường Trung học Võ Tánh Nha Trang, Đại học Văn Khoa Sài Gòn 1967; quê gốc làng Thanh Lương, huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Ông được giới văn nghệ yêu nước miền Nam trước năm 1975 gọi là một trong ba kỳ nhân của thời đó (hai người còn lại là Bùi Giáng và Phạm Công Thiện). Trong lý lịch trích ngang trong tập thơ Những Bài Tình Đầu, ông viết: “Sống vô gia cư, chết vô địa táng...” và tuyên bố: “Nếu trường Đại học Văn khoa Sài Gòn sản sinh ra được một nhà văn nhà thơ nổi tiếng tôi xin chịu chặt đầu”. Có lẽ vì thế, nên ông bỏ học. Ông ở nhiều nơi Phan Rang, Sài Gòn, Bình Dương - Thủ Dầu Một, Blao - Lâm Đồng và sinh sống bằng nghề dạy học. Năm 1979, ông cùng gia đình mình rời bỏ chốn phồn hoa đô thị chuyển lên ngọn núi Phương Bối, Lâm Đồng để... sống một cuộc sống thanh tịnh. Hiện ông sống tại Phương Bối, Bảo Lộc, Lâm Đồng. Ông nổi tiếng là lão thi sĩ vạn thông (vì ông trồng một vạn cây thông) với biệt danh Sơn Núi. Các tác phẩm của ông ca ngợi tinh thần tự do, yêu đất nước. Ông đã xuất bản 3 tập truyện ngắn: Cát Bụi Mệt Mỏi (An Tiêm, 1968); Cái Chuồng Khỉ (An Tiêm, 1969); Xóm Chuồng Ngựa (An Tiêm, 1971); 11 tập thơ: Bọt Nước (Mặt Đất, 1966); Hoa Cô Độc (Mặt Đất, 1965); Lời ru (Mặt Đất, 1966); Đêm Nguyệt Động (An Tiêm, 1967); Mộng Du Trên Đỉnh Mùa Xuân (An Tiêm, 1972); Tịnh Khẩu (An Tiêm, 1973); Du Sỹ Ca (An Tiêm, 1973); Bọt nước (thơ, 1965); Hoa cô độc (thơ, 1965); Lời ru (thơ, 1966); Đêm nguyệt động (thơ, 1967); nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán Lâm Đồng - Thích Vân Phong biên khảo.

- Trần Đình Sơn, Cư sĩ, sinh năm 1949, Phó Ban Văn Hóa TW GHPGVN, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu PGVN thuộc Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Trưởng Ban Phật học chùa Xá Lợi, pháp danh Nhật Cao; tác phẩm: Thập Mục Ngưu Đồ tụng luận giải (dịch và chú thích-1991); Tản mạn Phú Xuân (2001); Những nét đan thanh (2007); Cao Sơn Lưu Thủy ngộ tri âm (2006); Quá trình hình thành và phát triển Ni giới Thừa Thiên Huế; Di sản Mỹ thuật Phật giáo Huế; Đại hồng chung chùa Sùng An; Những ngôi chùa do tổ sư Liễu Quán khai sơn; Minh văn trên tiếu tượng HT Nguyên Thiều - tổ đình Quốc Ân - Huế; nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán TP Hồ Chí Minh.

- Thích Hành Sơn (1908-1989), Hòa thượng, pháp danh Thị Hải, pháp tự Hành Sơn, đời 42 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 9 pháp phái Chúc Thánh. Hòa thượng thế danh Lê Thành Nam, sinh năm Mậu Thân (1908) tại xã Tam Thái, thị xã Tam Kỳ. Ngài quy y 5 giới với HT Thích Trí Giác tại chùa Phước Lâm. Năm 1957, ngài xuất gia với HT Thích Giải An tại chùa Thọ Sơn, Quảng Ngãi. Năm 1962, ngài thọ Tỳ kheo tại chùa Ấn Quang. Ngài khai sơn các chùa như: chùa Viên Minh, huyện Nông Sơn; chùa An Hòa, huyện Duy Xuyên; chùa An Lạc, thành phố Hội An. Từ năm 1975 đến 1979, ngài trụ trì chùa Pháp Hội, quận Sơn Trà, Đà Nẵng. Ngài viên tịch vào ngày 22 tháng 11 năm Kỷ Tỵ (1989), tại quê nhà và nhập tháp tại Tổ đình Long Tuyền - Hội An. Ngài nguyên, trú quán tại Quảng Nam - Thích Như Tịnh sưu khảo.

- Thích Hương Sơn (1912 -1975), xem Thích Trí Hữu , Sđd

- Lê Sơn, Cư sĩ, Tiến sĩ, bút danh Lê Sơn Phương Ngọc, sinh năm 1947, giảng viên Hán Nôm Học viện PGVN, thành viên Trung tâm Nghiên cứu PGVN, cộng tác viên tạp chí Phật học Từ Quang; tác phẩm: Bút ký Đường Tăng, Phật giáo Cố Sự; Tổng hợp các bút ký đi Tây vực thỉnh kinh; nguyên quán Quảng Ngãi, trú quán TP Hồ Chí Minh.

- Thích Phước Sơn, Hòa thượng, thế danh Đặng Thành Công, sinh năm 1938 tại Bình Định. Học Tăng PHV Hải Đức - Nha Trang, ngài vào Nam trú xứ tại thiền viện Vạn Hạnh và giảng dạy tại Học viện PGVN - TP Hồ Chí Minh. Ngài là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và là Thành viên Hội đồng phiên dịch Đại tạng kinh Việt Nam, chuyên nghiên cứu luật tạng. Ngài đã biên soạn và dịch thuật các tác phẩm PG: Luật Ma Ha Tăng Kỳ; Luật học tinh yếu; Lịch sử phiên dịch Hán tạng; Lịch sử kết tập kinh luật lần thứ I, II, III, IV, VVI; Trúc Lâm Sơ tổ; Nhị tổ Pháp Loa; Tam tổ Huyền Quang; Thanh Tịnh Đạo Luận toàn yếu; Thể thức Tự Tứ; Tịnh độ qua cái nhìn của Thiền; Trần Thái Tông đời đạo lưỡng toàn; Ác Già nạn đối với người xuất gia; Các cấp độ giới pháp; Đôi nét về Giới luật; Giới luật công truyền hay bí truyền?; Hành trạng của Bồ tát Quan Thế Âm, và rất nhiều sách, bài viết đăng trên các trang nhà PG trong và ngoài nước. Ngài nguyên quán Bình Định, trú quán TP Hồ Chí Minh.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 17
    • Số lượt truy cập : 6508170