NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN Sư
Sư
- Oul Srey (1910-1995), Hòa thượng, Sư cả hệ phái Nam Tông Khmer, xuất gia năm 1926 với HT Lấc Som - chùa On Đôn Pô - Cao Miên, pháp danh Brahma Kesara (Phạm Trang). Năm 1944, ngài xin phép bổn sư đến Phnom Pênh tiếp tục trau dồi kiến thức cùng HT Lâm Em tại chùa Sàràvant Tejo. Năm 1947, ngài cùng với HT Lâm Em được tín đồ Khmer ở Sài Gòn mời sang, thành lập chùa Candaransi (Nguyệt Quang) - kênh Nhiêu Lộc - Tân Định. Năm 1948, chùa khánh thành, ngài được bầu làm Phó trụ trì. Năm 1963, ngài cùng HT Lâm Em đại diện cho giới PG Khmer chung hàng ngũ đấu tranh của PG đồ. Ngài bị bắt giam trong trại Rạch Cát 4 ngày. Năm 1979, HT Lâm Em viên tịch, ngài kế vị quyền trụ trì. Năm 1992, Thành hội PG TP Hồ Chí Minh chính thức bổ nhiệm ngài trụ trì chùa Candaransi. Ngài viên tịch ngày 27 tháng 6 năm 1995, thọ 87 năm, 65 hạ lạp; nguyên quán Campuchia, trú quán TP Hồ Chí Minh - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.
- Lê Thiền Sư (?-1870), Hòa thượng, khai sơn Phước Lâm Cổ Tự khoảng đầu thế kỷ 18 (1772?), Sa Đéc. Ngài là một trong những vị Sứ giả Như Lai theo đoàn người mở cõi, đặt nền móng tòa nhà Phật giáo vùng đất Sa Giang, giữa sông Tiền và sông Hậu. Phả ký và linh vị Phước Lâm Cổ Tự ghi: “Phụng vì Khai sơn Phước Lâm Đường thượng Từ Lâm Tế Chánh Tông Tam thập tam thế húy Lê Thiền sư miêu tọa” - Thích Vân Phong biên khảo.
- Tịnh Sự (1913-1984), Hòa thượng, Trưởng lão hệ phái Nam Tông Việt Nam, thế danh Võ Văn Đang. Thuở đầu, ngài xuất gia theo hệ phái Bắc Tông tại chùa Bửu Hưng - Sa Đéc, pháp danh Huệ Lực. Năm 25 tuổi, ngài trụ trì chùa Phước Định - Chợ Lách. Năm 30 tuổi, ngài trụ trì chùa Viên Giác- Vĩnh Long. Năm 35 tuổi, duyên lành với PG Nam Tông đến, ngài sang Campuchia thọ giới theo PG Nam Tông tại chùa Kùm Pung (Treyloko) ở Trà Pét. Ngài sang Thái Lan thọ giới Tỳ kheo, được pháp danh là Tịnh Sự (Santakicco) và thực hành hạnh Đầu đà trong 7 năm. Sau 7 năm, ngài trở về Việt Nam trụ trì chùa Viên Giác - Vĩnh Long và truyền bá PG Nguyên thủy. Năm 59 tuổi, ngài về khai sơn và trụ trì chùa Siêu Lý - Vĩnh Long (do nữ thí chủ Tô Thị Sa cúng hiến đất). Ngài mở trường chuyên dạy Abhidhamma và dịch các bộ sách giáo khoa Phật học: Bộ Pháp Tụ; Bộ Phân Tích; Bộ Chất Ngữ; Bộ Nhân Chế Định; Bộ Ngữ Tông; Bộ Song Đối; Bộ Phát Trí; Vi Diệu Pháp (Sơ, Trung, Cao cấp); Thanh Tịnh Đạo; Diệu Pháp Lý Hợp. Ngài viên tịch ngày mồng tháng 5 năm Giáp Tý (05-5-1984), thọ 72 tuổi, hành đạo 52 năm. Ngài nguyên quán Lai Vung - Đồng Tháp, trú quán Vĩnh Long - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 1.
- Thích Tuệ Sỹ, Hòa thượng, thế danh Phạm Văn Thương, sinh năm 1943 tại Lào. Ấu niên xuất gia, đệ tử lão HT Thích Trí Thủ, pháp danh Nguyên Chứng, hiệu Tuệ Sỹ. Ngài thông thạo nhiều ngôn ngữ trên thế giới, chủ bút tạp chí Tư Tưởng (Cơ quan Luận thuyết của Viện Đại học Vạn Hạnh). Trước 1975, ngài là giáo sư thực thụ tại Viện Đại học Vạn Hạnh và là tác giả nhiều công trình nghiên cứu và dịch thuật văn hóa Phật giáo. Ngài và Thiền sư Thích Trí Siêu (Lê Mạnh Thát) được xem là hai học giả hàng đầu của Phật giáo Việt Nam. Sau 1975, học giả Đào Duy Anh từ Hà Nội vào Nha Trang, sau khi đàm đạo với Tuệ Sỹ tại Phật học viện Nha Trang, viết “Tuệ Sỹ là viên ngọc quý của Phật giáo và Văn hóa Việt Nam”. Năm 1977, ngài từ Nha Trang về sống ở Thị Ngạn Am - chùa Quảng Hương Già Lam - Gò Vấp; tác phẩm: Bát quan trai giới; Cửa Vào Tuyệt Đối; Chiến tranh, tình yêu, hoài niệm và truyện ngắn Võ Hồng; Dẫn vào Tâm Kinh Bát Nhã; Dẫn vào thế giới văn học Phật giáo; Du-già Bồ-tát giới; Duy-ma-cật Với Các Đại Thanh Văn; Duy tuệ thị nghiệp; Đạo Phật và thanh niên; Đối Biện Bồ Tát; Giấc mơ trường sơn (thơ); Giới thiệu Phẩm Phương Tiện Thiện Xảo, Kinh Duy-ma-cật; Giới thiệu Phẩm Văn-thù thăm bịnh, Kinh Duy-ma-cật; Giới thiệu Trung Luận kệ tụng - Phạn Tạng Hán đối chiếu toàn dịch; Giá trị đối chiếu trong những tương quan văn hóa; Góc Tùng; Huyền thoại Duy-Ma-Cật; Kinh Hoa Nghiêm: Lý tưởng Bồ-tát và Phật; Khái niệm về số trong Kinh Dịch; Lễ Tháng Bảy Cho Những Oan Hồn Phiêu Bạt; Lô Sơn Chân Diện Mục; Mười huyền môn: trật tự của thế giới trong tương quan vô tận; Nguồn gốc của một thế giới quan vô tận; Ngục trung mị ngữ; Nhân đọc Triết Học Thế Thân; Những điệp khúc cho dương cầm (thơ); Những Giá Trị Phổ Quát Của Bồ Tát Hành; Piano Sonata 14; Phát triển Tâm Từ; Phật Dạy Chăn Trâu; Reduction to the Nothingness; Sự hủy diệt của một trào lưu tư tưởng; Sư Thiện Chiếu; Tánh không luận là gì?; Tinh hoa triết học Phật giáo; Tư tưởng Phật giáo đối diện với hư vô; Từ Thiền đến Hoa Nghiêm; Thắng Man Giảng Luận; Thanh Sắc Thi Ca; Thiền và Bát-nhã; Thuyền ngược bến không; Tô Đông Pha những phương trời viễn mộng; Trật tự của thế giới trong tương quan vô tận; Trú xứ của Bồ-tát; Văn Minh Tiểu Phẩm; Về những minh họa từ Thiền Uyển Tập Anh... Ngài nguyên quán Quảng Bình, trú quán TP Hồ Chí Minh - Nha Trang - trang nhà www.vi.wikipedia.org
Tin tức khác
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 26 – THÁNG 10 NĂM 2018 (PL. 2562)
Bình luận bài viết