Thông tin

NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN Tế

Tế

 

- Thích Huyền Tế (1905-1986), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 41, xuất gia năm 1923 với tổ Đệ lục Chơn Trung Diệu Quang - chùa Sắc tứ Thiên Ấn, pháp danh Như Long, pháp tự Giải Thuyền, pháp hiệu Huyền Tế. Năm 1934, ngài vào Bình Định học ở chùa Thập Tháp và thọ giáo với HT Phước Hưng. Năm 1936, ngài giữ chức Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1938, ngài trụ trì chùa Bảo Lâm - Quảng Ngãi. Năm 1966, ngài khai sơn chùa Bảo Linh ở Bàu Cả - Quảng Ngãi. Năm 1967-1969, ngài kiêm nhiệm trụ trì chùa Tỉnh hội Quảng Ngãi. Năm 1969, ngài là Thành viên Hội đồng Trưởng Lão Viện Hóa Đạo GHPGVNTN. Ngài xả báo thân năm Bính Dần (1986), thọ 81 năm, 56 hạ lạp; nguyên, trú quán Quảng Ngãi - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.

- Minh Tịnh Nhẫn Tế (1889-1951), Hòa thượng, thế danh Nguyễn Tấn Tạo. Năm 1904, ngài quy y với tổ Ấn Thành Từ Thiện - chùa Thiên Tôn, pháp danh Chơn Phổ, pháp hiệu Nhẫn Tế, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 40. Năm 1926, ngài thọ giới và cầu pháp tổ Huệ Đăng - chùa Thiên Thai, pháp danh Trừng Liến, pháp hiệu Minh Tịnh, dòng Thiên Thai Thiền Giáo Tông đời 42. Năm 1935, ngài sang Ấn Độ thỉnh được Xá Lợi Phật. Năm 1936, ngài sang Tây Tạng tham học Thiền và Kim Cang thừa Mật giáo, được ban pháp danh Thubten Osall Lama. Năm 1937 về lại Việt Nam, ngài cúng Xá Lợi Phật cho tổ Huệ Đăng, rồi về Bình Dương trụ trì ngôi chùa Bửu Hương. Chùa này vốn thuộc giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương, ngài xây dựng lại đổi tên là chùa Tây Tạng. Năm 1938, ngài xây dựng lại chùa Thiên Chơn - Bình Dương; tác phẩm: Lăng Nghiêm Tông Thông (1997); Nhật ký tham bái Ấn Độ Tây Tạng (1999). Ngài xả báo thân ngày 17 tháng 5 năm Tân Mão (1951), tại chùa Tây Tạng, thọ 63 năm, 25 hạ lạp, bảo tháp lập ở chùa Thiên Chơn; nguyên, trú quán Bình Dương -xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.

- Viên Thông Phổ Tế (1790-1875), Hòa thượng. Ngài họ Lê, pháp danh Phổ Tế, pháp hiệu Viên Thông, xuất gia tham học ở tổ đình Khê Hồi (một trong ba sơn môn lớn nhất xứ Bắc lúc bấy giờ [Nhất Đọi (Đọi Sơn), Nhì Đa (Đa Bảo), thứ ba Khê Hồi]. Khi trụ trì chùa Phúc Nhạc (Già Lê Tự) - huyện Yên Khánh, ngài đã giúp Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ chiêu mộ dân tới khai hoang lập ấp hình thành huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Sau đó, ngài cắm tích trượng, mở ấp Đồng Đắc, dựng chùa Kim Liên, nhân duyên tu tập. Ngài dựng chùa Hàm Ân, chùa Phúc Nhạc, chùa Quỳnh Lâm, cảnh trước sửa sang; mở rộng, trùng tu, tôn tạo, chùa xưa rạng rỡ. Nhà có đan dược gia truyền cứu những bệnh nan y (nhất là thuốc chữa bệnh phong), ngài không giữ bí mật, từ tâm giúp bao người. Nhân có Phật tử chùa Phượng Ban - huyện Yên Mô đến thỉnh, ngài bèn sang làm đệ nhị tổ trụ trì Phượng Ban. Nửa đêm ngày 3 tháng 2 năm Ất Hợi (1875), ngài thẳng đi vào cõi Tam muội yên lắng, thọ 85 tuổi. Đến sau ngày lâm chung, lòng dân Đồng Đắc và Yên Liêu đều hứng khởi, làng này nói: “Sư ta đấy!”, làng kia cũng nói: “Sư ta đấy!”. Sau khi rõ ràng, dân Đồng Đắc mới được rước trọn vẹn xá lợi ngài về an trí tại chùa Kim Liên, dựng tháp tưởng nhớ; nguyên quán xã Mộ Xá, tổng Xuân La, huyện Chương Đức, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Nội, trú quán Ninh Bình - Nguyễn Đại Đồng sưu khảo.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 60
    • Số lượt truy cập : 6129282