NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN Tha
Tha
- Achar Sơn Thal, nhà sư yêu nước. Trước cảnh nước mất nhà tan, ngài đã dấn thân vào đường cứu quốc. Ngài đã bị bọn giặc phát hiện và sát hại tại xã Vĩnh Trạch, ngày 03-4-1973, trên đường làm Phật sự từ Bạc Liêu trở về. Bảo tháp của ngài thờ tại chùa Wath Prek Chop - Lai Hòa - thị xã Vĩnh Châu - Sóc Trăng. Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Châu đã dựng bia tưởng niệm, và ngày 3 tháng 4 hằng năm đều trang trọng tổ chức lễ Giỗ, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc - Thích Vân Phong biên khảo.
- Thích Quảng Thạc (1925-1995), Hòa thượng, sơn môn tổ đình Vĩnh Nghiêm miền Nam, thế danh Dương Đức Thắng, xuất gia năm 1941 với HT Thích Trí Hải - chùa Mai Xá - Hà Nam, pháp danh Quảng Thạc, pháp hiệu Tuấn Đức. Năm 1950, ngài lên chùa Quán Sứ học chương trình Cao đẳng Phật học. Năm 1953, ngài tháp tùng bổn sư về Hải Phòng xây dựng chùa Nam Hải. Năm 1954, ngài vào Nam tham học tại Phật học đường Giác Nguyên và thụ giới pháp với Hòa thượng Thích Hành Trụ. Năm 1970, ngài trụ trì chùa An Lạc - quận 1 - Sài Gòn. Ngài xả báo thân ngày mồng 6 tháng Chạp năm Ất Hợi (25-01-1996), thọ 70 năm, 40 tuổi đạo; nguyên quán Nam Định, trú quán TP Hồ Chí Minh - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.
- Tâm Minh-Lê Đình Thám (1897-1969), Cư sĩ, Bác sĩ. Năm 1928, ông là Y sĩ trưởng Viện Bào chế và Vi trùng học Pasteur. Cùng năm ấy, ông đến chùa Trúc Lâm, phát tâm quy y Tam bảo với HT Giác Tiên, được pháp danh Tâm Minh, pháp tự Châu Hải. Năm 1932, hưởng ứng phong trào chấn hưng PG miền Trung, Cư sĩ cùng chư tôn đức đứng ra sáng lập Hội An Nam Phật học và ông làm Hội trưởng. Năm 1945, ông làm Giám đốc Y Tế miền Trung và bệnh viện Trung ương Huế. Năm 1946, sau ngày toàn quốc kháng chiến, ông được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mời ra làm Chủ tịch Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Nam Trung bộ tại Liên khu V. Năm 1949, ông tập kết ra Bắc làm Chủ tịch Phong trào vận động hòa bình thế giới. Tuy bận nhiều công việc, nhưng ông vẫn không quên để tâm vào Phật pháp. Ông tham gia diễn giảng và dịch thuật: Kinh Thủ Lăng Nghiêm; Luận Nhân Minh; Đại thừa Khởi tín luận; Bát thức quy củ tụng; Phật học thường thức; Bát Nhã tâm kinh; Lịch sử PGVN và Phật tổ Thích Ca; Tâm Minh-Lê Đình Thám tuyển tập (5 tập). Ông vãng sinh ngày mồng 7 tháng 3 năm Kỷ Dậu (23-4-1969), thọ 73 tuổi và 42 năm phụng sự Tam bảo; nguyên quán Quảng Nam, trú quán Huế, Hà Nội - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 1.
- Hải Chánh Bảo Thanh (1752-1859), Tổ khai sơn Long Bàn Cổ Tự. Ngài thiết kế, xây dựng chùa Long Bàn với những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc mang đậm nét truyền thống dân tộc, năm Thiệu Trị ngũ niên (Ất Tỵ, 1845). Chùa hiện tọa lạc tại thôn Long Phượng, thị trấn Long Điền, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - Thích Vân Phong biên khảo.
- Thích Chơn Thanh (1949-2002), Thượng tọa, dòng Lâm Tế Gia Phổ đời 41, thế danh Phan Văn Bé, xuất gia với Trưởng lão HT Thiện Thọ - chùa Phước Lâm - Tân Uyên - Biên Hòa, pháp danh Nhật Bé, pháp hiệu Chơn Thanh. Năm 1964, ngài học tại PHV Phổ Quang - Phú Nhuận. Năm 1965-1971, ngài theo học Trung đẳng Phật học tại PHV Huệ Nghiêm. Năm 1965, ngài thọ Sa di tại giới đàn PHV Huệ Nghiêm, do HT Thiện Hòa làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1969, ngài thọ đại giới tại giới đàn miền Quảng Đức - PHV Huệ Nghiêm, do HT Hải Tràng làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1971, ngài tiếp tục học tại Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm, do HT Trí Tịnh chủ giảng. Từ năm 1969-1975, ngài là giảng sư Tổng Vụ Hoằng pháp, được cử đi xây dựng cơ sở các tỉnh miền Nam và miền Đông. Năm 1977, ngài được cử làm Thư ký Ban Quản trị Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm. Năm 1982, ngài làm Phó Ban Đại diện PG huyện Bình Chánh. Năm 1990, ngài là Ủy viên BTS Thành hội PG TP Hồ Chí Minh, kiêm Phó Văn phòng BTS. Năm 1997, ngài là Ủy viên HĐTS, kiêm Phó Ban Hoằng pháp TW và Phó Văn phòng 2 TW GHPGVN. Năm 2002, ngài được tín nhiệm làm Chánh Thư ký BTS, kiêm Trưởng Ban Hoằng pháp Thành hội PG TP Hồ Chí Minh. Thượng tọa xả báo thân ngài 13 tháng 6 năm Nhâm Ngọ (22-7-2002), hưởng 55 tuổi, 34 hạ lạp; nguyên quán Đồng Tháp, trú quán Bình Chánh - TP Hồ Chí Minh.
- Thích Diệu Thanh (1890-1972), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 42, thế danh Nguyễn Hữu Thanh, xuất gia với HT Thanh Thái Huệ Minh - chùa Tường Vân - Huế, pháp danh Trừng Tịnh, pháp hiệu Diệu Thanh. Ngài sang Lào hoằng pháp, khai sơn chùa Diệu Giác ở Savanakhet, hướng dẫn Phật tử Việt kiều tu học. Ngài tiếp tục sang Thái Lan, lập chùa Diệu Giác ở tỉnh Mukadahan cho Phật tử Việt kiều tại Thái tu học. Ngài xả báo thân tại Thái Lan năm 1972, thọ 80 năm, tháp lập tại chùa Diệu Giác - Thái Lan; nguyên quán Quảng Trị, trú quán Lào và Thái Lan -theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa, tập 3.
- Thích Đàm Thanh, Ni sư, Tiến sĩ, sinh năm 1969, thế danh Trần Thị Dung, trú quán chùa Mía - xã Đường Lâm - thị xã Sơn Tây, trụ trì chùa Viễn Sơn - Ba Vì - Hà Nội; tác phẩm: Hình tượng Bồ tát Quan Âm trong PGVN, NXB Tôn giáo, 2012; Ni giới PG ở thủ đô Hà Nội, NXB Tôn giáo, 2015; nguyên, trú quán Ba Vì - Hà Nội - Nguyễn Đại Đồng sưu khảo.
- Thích Đạo Thanh (1895-1962), Hòa thượng, pháp danh Chơn Trừng, pháp tự Đạo Thanh, pháp hiệu Hưng Duyên, đời 40 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 7 pháp phái Chúc Thánh. Ngài thế danh Nguyễn Công Lực, sinh năm Ất Mùi (1895) tại xã Giáng La, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ngài xuất gia với tổ Ấn Bính Phổ Bảo tại tổ đình Chúc Thánh. Ngài thọ Tỳ kheo năm 1924 tại giới đàn Từ Hiếu, sau đó theo Sư huynh là ngài Quang Minh vào Nam hành đạo. Ngài phụ tá ngài Quang Minh khai sơn chùa Chúc Thọ tại Xóm Thuốc, Gò Vấp, sau đó cùng ngài Phổ Trí trùng tu chùa Văn Thánh. Năm 1928, ngài khai sơn chùa Pháp Hoa tại quận Phú Nhuận. Ngài là hành giả chuyên trì tụng kinh Pháp Hoa và còn là một người tinh thông y thuật, bốc thuốc cứu người. Hòa thượng tịch ngày 16 tháng 9 năm Nhâm Dần (1962), thọ 67 tuổi. Ngài nguyên quán Quảng Nam, trú quán Sài Gòn - Thích Như Tịnh sưu khảo.
- Thích Đạt Thanh (1853-1973) Hòa thượng, dòng Lâm Tế Gia Phổ, thế danh Võ Minh Thông, xuất gia năm 12 tuổi với HT Chơn Hương Minh Phương- chùa Linh Nguyên, pháp danh Đạt Thanh, pháp hiệu Như Bửu, sau đó được đến chùa Giác Lâm học với tổ Minh Vi Mật Hạnh. Năm 1877, ngài sang chùa Giác Viên học với tổ Hoằng Ân Minh Khiêm. Năm 1879, ngài kế thế trụ trì chùa Linh Nguyên. Năm 1921, ngài khai sơn chùa Long Quang ở Hóc Môn. Năm 1926, ngài gia nhập tổ chức Thiên Địa Hội kháng Pháp và bị bắt tù đày Côn Đảo. Sau 4 năm, ngài vượt biển trở về Rạch Giá đổi tên thành Võ Minh Đạt để che mắt nhà cầm quyền Pháp. Năm 1949, ngài trở lại Sài Gòn, trụ trì chùa Giác Ngộ - Chợ Lớn. Năm 1951, ngài được suy tôn Pháp chủ Giáo hội Tăng già Nam Việt. Năm 1953, ngài là Chứng minh đạo sư Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam. Năm 1954, ngài trở lại trùng tu và trụ trì chùa Long Quang - Hóc Môn. Năm 1956, ngài nhận trụ trì chùa Long Nguyên. Ngài xả báo thân ngày 12 tháng Giêng năm Quý Sửu (1973), thọ 120 năm, 99 tuổi đạo, bảo tháp lập ở vườn chùa Long Quang; nguyên, trú quán Gia Định - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.
- Hà Thanh (1937-2014), Nữ cư sĩ, ca sĩ, tên thật là Trần Thị Lục Hà, sinh năm 1937. Lúc nhỏ là đoàn sinh GĐPT Hương Từ, quy y với HT Tịnh Khiết - chùa Tường Vân, pháp danh Tâm Tú, được Thiền sư Thích Nhất Hạnh ban tặng danh hiệu Ca Lăng Tần Già và thọ giới Tiếp hiện với pháp hiệu Chân Hỷ Ca. Bà là nữ sinh Trường Đồng Khánh, có tài ca hát. Năm 1953, bà đoạt giải nhất lúc 16 tuổi với nghệ danh Hà Thanh trong cuộc tuyển chọn ca sĩ do Đài Phát thanh Huế tổ chức. Năm 1963, bà vào hát ở Đài Phát thanh Sài Gòn và các đài khác, làm việc với các ban nhạc Tiếng Tơ Đồng, Tiếng Thời Gian và nổi tiếng với những nhạc phẩm Hàng Hàng Lớp Lớp, Chiều Mưa Biên Giới của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Bà tham gia nhiều đoàn văn nghệ lưu diễn các nước. Năm 1984, bà định cư ở Boston - Hoa Kỳ, chuyển hướng sinh hoạt âm nhạc Đạo ca và Từ thiện. Bà hát và sáng tác nhiều bài về đạo Phật. Các nhạc phẩm mà ca sĩ Hà Thanh đã đóng góp cho âm nhạc PG: Nhất Hương Đàm; Nhành dương Cứu khổ... Bà ra đi vào ngày 01-01-2014, tại Boston vì bệnh duyên; nguyên quán Thừa Thiên - Huế, trú quán Boston - Hoa Kỳ - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa, tập 3.
- Hải Thanh (1939-1991), Cư sĩ, thế danh Nguyễn Văn Viện, năm 1954 quy y với HT Thiện Siêu - chùa Từ Đàm, pháp danh Nguyên Tú, pháp hiệu Hải Thanh, học lớp dự bị xuất gia tại chùa Từ Đàm và theo học tại Đại học Văn khoa Huế. Năm 1965, ông thọ đại giới ở chùa Từ Hiếu, sau đó được Giáo hội cử lên Tây Nguyên làm Hiệu trưởng Trường Bồ Đề Pleiku và Chánh Đại diện PG tỉnh Pleiku. Năm 1968, ông được điều về Sài Gòn làm Tổng Thư ký Tổng Vụ Giáo dục, kiêm Giám đốc Ấn quán Vạn Hạnh cho đến ngày đất nước thống nhất. Năm 1975, ông trở về đời sống tại gia và dạy học ở Trường Bạch Đằng, quận 3, TPHCM. Năm 1986, Cư sĩ được Ban Tôn giáo Chính phủ điều động về làm Chánh Văn phòng Trường Cao cấp Phật học tại TP Hồ Chí Minh. Năm 1991, ông bị tai nạn giao thông và mất; nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán TP Hồ Chí Minh -theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.
- Thích Nữ Như Thanh (1911-1999), Ni trưởng, pháp danh Hồng Ân, pháp tự Diệu Tánh, thiền phái Lâm Tế Gia Phổ đời 40, đệ tử Hòa thượng Pháp Ấn và Đạt Thanh, tổ đình Phước Tường - Thủ Đức. Ni trưởng đóng góp công lớn trong giai đoạn sau chấn hưng, vận động Giáo hội Tăng già Nam Việt cho phép thành lập Ni bộ Bắc Tông. Năm 1953, được gia đình bà Trần thị Nhiều trao quyền trụ trì chùa Huê Lâm, từ đó Ni trưởng tiếp tục xây dựng thành tổ đình ni giới. Ni trưởng góp công trong Ban vận động thống nhất PGVN; nguyên, trú quán TP Hồ Chí Minh - xem thêm Những ngôi chùa nổi tiếng ở TP Hồ Chí Minh.
- Thích Tâm Thanh (1931-2004), Hòa thượng, Giảng sư, pháp danh Tâm Thanh, tự Giải Tịnh, hiệu Chơn Nghiêm, đời 43 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 9 pháp phái Liễu Quán. Ngài thế danh Lê Thanh Hải, sinh năm Tân Mùi (1931) tại làng Mã Châu, Duy Xuyên, Quảng Nam. Ngài quy y với Hòa thượng Thích Tôn Thắng, xuất gia năm 1963 với Hòa thượng Thích Long Trí tại chùa Viên Giác, Hội An. Ngài là học tăng PHV Huệ Nghiêm và là sinh viên Đại học Vạn Hạnh; giảng sư Viện Hóa Đạo, Chánh Đại diện khu Bảy Hiền và trụ trì chùa Phổ Hiền. Năm 1972, ngài lên Đại Ninh nhập thất và khai sơn Vĩnh Minh Tự Viện. Sau 1981, ngài đảm nhận Phó Ban Trị sự PG tỉnh Lâm Đồng; Hiệu phó, kiêm Giám luật Trường Cơ bản Phật học Lâm Đồng. Ngài xây dựng Vĩnh Minh Tự Viện thành một Tòng lâm chuyên tu Tịnh độ tại tịnh xứ Hương Nghiêm, Đức Trọng, Lâm Đồng. Ngài viên tịch ngày 13 tháng 2 nhuận năm Giáp Thân (2004), thọ 74 tuổi. Ngài sinh quán Quảng Nam, trú quán Lâm Đồng - Thích Như Tịnh sưu khảo.
- Thích Nữ Thể Thanh (1923-1988), Ni trưởng, xuất gia với Sư bà Diệu Hương - chùa Diệu Đức, pháp danh Tâm Ngọc, pháp hiệu Thể Thanh, thế danh Công Tằng Tôn Nữ Kim Cúc. Năm 1954, Ni trưởng làm giáo thọ giảng dạy tại Ni viện Diệu Đức. Năm 1960, ngài giảng dạy tại chùa Diệu Viên, rồi Ni viện Diệu Quang - Nha Trang, Ni viện Phổ Hiền - Cam Ranh. Cuối đời, Ni trưởng trở về trú xứ tại Ni viện Diệu Đức để tịnh tu và trước tác, dịch thuật; nguyên, trú quán Thừa Thiên Huế -theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.
- Thích Thiện Thanh (1935-1995), Hòa thượng, Tiến sĩ, thế danh Nguyễn Văn Sắc, xuất gia từ nhỏ với HT Huệ Hòa - chùa Phước Long - Sa Đéc, pháp danh Thiện Thanh, pháp tự Không Sắc, pháp hiệu Nhất Thanh. Năm 1952, ngài học gia giáo tại chùa Vạn An, do HT Chánh Thành giảng dạy. Năm 1956, ngài học ở PHĐ Nam Việt - chùa Ấn Quang. Năm 1960, ngài thọ đại giới tại giới đàn PHV tổ chức do HT Thiện Hòa làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1964, ngài phụ trách Trưởng Ban Tăng tịch trong Tổng Vụ Tăng sự GHPGVNTN. Năm 1965, ngài dạy ở Trường Trung học Bồ Đề Chợ Lớn. Năm 1966, ngài du học theo học bổng Chính phủ Thái Lan tài trợ. Năm 1967, ngài tiếp tục du học Ấn Độ. Năm 1976, ngài tốt nghiệp tiến sĩ và giảng dạy tại Đại học Sri Veka Tesvana - Tirapati, Ấn Độ. Năm 1978, ngài sang Hoa Kỳ theo lời mời của HT Thiên Ân, làm giảng sư tại Đại học Đông Phương - Los Angleses , đồng thời là Phó Chủ tịch Tổng hội PGVN tại Hoa Kỳ. Năm 1980, ngài về TP Long Beach xây dựng và trụ trì chùa Phật Tổ để hoằng đạo và nghiên cứu dịch thuật; tác phẩm: Nghi thức tụng niệm hằng ngày; Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm (2 tập); Phật giáo Ấn Độ ngày nay; Phật giáo trong Việt Nam, Ấn Độ hay Trung Hoa; Hoàng đế Asoka; Bốn đức tánh cao quý của giác ngộ. Ngài xả báo thân ngày 18 tháng 7 năm Ất Hợi (1995), thọ 61 năm, 35 hạ lạp; nguyên quán Đồng Tháp, trú quán Hoa Kỳ - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 3.
- Thích Thiện Thanh (1941-2016), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Gia Phổ đời 40. Năm 1960, ngài xuất gia với HT Đạt Dương - chùa Hoằng Khai - Tân An, pháp danh Thiện Thanh, pháp hiệu Minh Đạo. Năm 1960-1961, ngài được tham học ở chùa Pháp Hội - Sài Gòn và học Trung đẳng chuyên khoa tại PHV Huệ Nghiêm (1964-1967). Từ năm 1969-1971, ngài được Giáo hội cử về tỉnh Bình Tuy làm giảng sư và giữ chức Phó Đại diện PG tỉnh Bình Tuy, đồng thời thành lập Trường Bồ Đề Bình Tuy. Năm 1973, Ban Quản trị Hội Phật học Kiến Tường (Long An) mời ngài về trụ trì chùa Tường Vân - Long An; ngài trụ trì tại đây được 28 năm. Năm 2001, ngài giao chùa cho Giáo hội và về chùa Thiên Khánh - Tân An - Long An điều hành Phật sự cho tỉnh nhà. Năm 1983-2002, ngài làm Chánh Đại diện PG huyện Mộc Hóa. Năm 1993-1997, ngài là ủy viên Giáo dục Tăng ni tỉnh Long An. Năm 1997-2002, ngài là Phó BTS PG tỉnh Long An, kiêm Trưởng Ban Hướng dẫn Phật tử. Năm 2002-2012, ngài là ủy viên HĐTS GHPGVN, kiêm Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Long An. Năm 2012, ngài được Giáo hội suy cử làm Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN; nguyên, trú quán Long An - trang nhà www.phatgiaolongan.com
- Thích Trừng Thanh (1861-1940), Hòa thượng, xem Tổ Trung Hậu, Sđd.
Tin tức khác
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 26 – THÁNG 10 NĂM 2018 (PL. 2562)
Bình luận bài viết