NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN Thân
Thân
- Chánh Thân, Thượng tọa, hệ phái PG Nam Tông Việt Nam, sinh năm 1958, thế danh Trương Đình Dũng, xuất gia năm 1984 với HT Nhieu Nheng - chùa Candaransi - quận 3 - TP Hồ Chí Minh, pháp danh Indacanda Bhikkhu. Năm 2001, Sư tốt nghiệp Cử nhân tại Đại học Washington - Hoa Kỳ. Năm 2004, sư nhận bằng Thạc sĩ tại Tích Lan. Năm 2008, sư nhận Tiến sĩ tại Đại học Kelaniya - Tích Lan. Sư đã chuyển ngữ và ấn hành một phần Tam tạng Nam truyền sang tiếng Việt, được ấn tống phổ biến tại Việt Nam. Sư nguyên quán Thừa Thiên Huế, hiện trú xứ tu học tại Sri Lanka (Tích Lan) - Tuệ Ân - Vũ Đình Lâm cung cấp.
- Chơn Tâm Pháp Thân (1869-1895), dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 40, thế danh Nguyễn Phước Ưng Đỗ, cháu nội của Tuy Lý Vương Nguyễn Phước Miên Trinh, xuất gia với HT Huệ Nhãn - chùa Đá Trắng (Từ Quang) - Tuy An, Phú Yên, được pháp danh Chơn Tâm, pháp tự Đạo Tánh. Sau, ngài cầu pháp với HT Ấn Chánh Tổ Tông - hiệu Huệ Minh - trụ trì chùa Bảo Sơn, được pháp hiệu Pháp Thân. Năm 1887, Tuy Lý Vương xây một ngôi chùa nhỏ cạnh phủ Tĩnh Phổ của mình và cho người vào Tuy An rước ngài về ở đây. Ngài xin phép ông nội Tuy Lý Vương đặt tên chùa là Phước Huệ để kỷ niệm chùa tổ đình Phước Sơn và bổn sư Huệ Cảnh của mình; tác phẩm: “Tam Bảo Biện Hoặc Luận Chú”. Ngài thị tịch vào ngày 27 tháng 11 năm Ất Mùi (09-12-1895), hưởng 27 năm; nguyên quán Thuận Hóa, trú quán Tuy An - Phú Yên - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.
- Thích Pháp Thân (1903-1970), Hòa thượng, dòng Tế Thượng Thiên Thai Thiền Giáo Tông, thế danh Dương Văn Đề, xuất gia năm 1915 với tổ Phi Lai - Chí Thiền, được pháp danh Huệ Tịnh. Năm 1921, ngài thọ Cụ túc ở trường Kỳ giới đàn chùa Phước Thạnh - Cái Bè, do HT Khánh Đức làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1922, ngài đến chùa Thiên Thai - Bà Rịa, tu học và cầu pháp với tổ Huệ Đăng, được pháp húy là Trừng Chí, pháp tự Pháp Thân. Năm 1931, ngài trụ trì chùa An Thạnh - Vĩnh Long. Năm 1941, ngài trụ trì Hội Linh Cổ Tự - Cần Thơ. Năm 1947, chiến tranh tàn phá đốt cháy chùa Hội Linh, đến năm 1951, ngài mới xây dựng lại được. Năm 1954, hay tin bổn sư viên tịch ở Bình Định, ngài và chư huynh đệ hiệp lực trùng tu tổ đình Thiên Thai - Bà Rịa và Thiên Bửu Tháp, đồng thời mở giới đàn Báo Ân, ngài được cung thỉnh làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1959-1962, do chùa nuôi chứa cán bộ hoạt động cách mạng, nên ngài bị bắt cầm tù 3 năm. Năm 1963, ngài được cử làm Trưởng Ban Bảo tự tổ đình Thiên Thai. Ngài xả báo thân ngày 18 tháng 8 năm Canh Tuất (1970), thọ 68 năm, 25 hạ lạp; nguyên quán Tiền Giang, trú quán Cần Thơ - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 3.
- Nguyễn Văn Thân (?-1940), Yết ma, tu sĩ PG tham gia khởi nghĩa chống Pháp. Bị lộ, ngài quyết định tự thiêu để khỏi bị địch bắt tra tấn tù đày, (chức Yết ma thời đó tương đương Thượng tọa); chưa rõ thân thế - theo Biên niên sử PG Sài Gòn - Gia Định.
Tin tức khác
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 26 – THÁNG 10 NĂM 2018 (PL. 2562)
Bình luận bài viết